Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Bài 19 : Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1427)

Bài 19: CUỘC KHỞI NGHĨA LAM SƠN (1418 –1427)

 

I. Thời kỳ ở miền Tây Thanh Hóa (1418 –1423). 

 1. Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa

- Lê Lợi là một hào trưởng có uy tín ở vùng Lam Sơn (Thanh Hóa). Trước cảnh nước mất nhà tan, ông đã chiêu tập nghĩa sĩ, bí mật liên lạc với các hào kiệt, xây dựng lực lượng và chọn Lam Sơn là căn cứ cuộc khởi nghĩa.

Lê Lợi
Lê Lợi

- Đầu năm 1416 bộ chỉ huy cuộc khởi nghĩa được thành lập gồm 19 người do Lê Lợi đứng đầu làm lễ thề ở Lũng Nhai nguyện cùng sống chết có nhau, quyết đánh giặc cứu nước.
- Ngày 7- 2- 1418, Lê lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, tự xưng là Bình Định Vương. Lam Sơn nằm tả ngạn sông Chu, nối liền giữa đồng bằng và miền núi, có địa thế hiểm trở.

 2. Những năm đầu hoạt động của nghĩa quân ở miền Tây Thanh Hóa

- Năm 1418 ngày đầu lực lượng nghĩa quân còn yếu, gặp nhiều khó khăn nguy nan, ba lần phải rút lên núi Chí Linh.
- Giữa năm 1418 quân Minh vây quét Chí Linh, quyết bắt Lê Lợi. Lê Lai đã cải trang thành lê Lợi chỉ huy toán quân cảm tử và bị giết chết - sự kiện "Lê Lai liều mình cứu chúa” 
- Cuối năm 1421 quân Minh huy động 10 vạn lính vây quét Lam Sơn, Lê Lợi rút lên núi Chí Linh, rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn, thiếu lương thực trầm trọng, đói, rét.
- Mùa hè năm 1423, Lê Lợi đề nghị tạm hòa, quân Minh chấp thuận để dụ hòa Lê Lợi và làm mất ý chí chiến đấu của nghĩa quân. Còn nghĩa quân tạm hòa để có thời gian củng cố lực lượng và tránh cuộc bao vây của địch sau đó lại trở về Lam Sơn.
- Cuối năm 1424, giặc mua chuộc Lê Lợi thất bại nên chuẩn bị tấn công Lam Sơn, cuộc khởi nghĩa chuyển sang giai đoạn mới.
* Nhận xét: Giai đoạn này thể hiện tinh thần chiến đấu dũng cảm, bất khuất, hy sinh, vượt gian khổ của nghĩa quân và đường lối đúng đắn của bộ tham mưu, đứng đầu là Lê Lợi.

II. Giải phóng Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa và tiến quân ra Bắc (1424-  1426).

1. Giải phóng Nghệ An (1424)

- Theo kế hoạch của Nguyễn Chích, nghĩa quân đã “chuyển quân vào Nghệ An là nơi hiểm yếu, đất rộng, người đông, rồi dựa vào đấy mà quay ra đánh lấy Đông Đô” 
- Nghĩa quân thắng trận Đa căng, Trà Lân, Khả Lưu, Bồ Ải, giải phóng phần lớn Nghệ An, Diễn Châu, Thanh Hóa chỉ trong vòng 1 tháng.
- Sau đó nghĩa quân đã rút vào Nghệ An để thoát thế bị bao vây, mở rộng địa bàn hoạt động và kiểm soát của nghĩa quân trên phạm vi rộng lớn là Nghệ An, Tân Bình,Thuận Hóa.
*Ý nghĩa: giải phóng Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa, lực lượng nghĩa quân đã trưởng thành, khu giải phóng dài từ Thanh Hóa đến Hải Vân, làm đà tiến công ra Bắc.

2. Giải phóng Tân Bình, Thuận Hóa (1425).

-  Tháng 8 - 1425, Trần Nguyên Hãn, Lê Ngân chỉ huy quân từ Nghệ An tiến vào giải phóng Tân Bình (Quảng Bình),Thuận Hóa (Thừa Thiên Huế)
-  Từ tháng 10-1424 đến tháng  8- 1425 một vùng rộng lớn được giải phóng từ Thanh Hóa đến Hải Vân, với khí thế áp đảo, nghĩa quân chuẩn bị tiến ra Bắc.
-  Trong khi đó, quân địch phải rút vào các thành lũy để cố thủ.
*Ý nghĩa: giải phóng Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa, lực lượng nghĩa quân đã trưởng thành, khu giải phóng dài từ Thanh Hóa đến Hải Vân, làm đà tiến công ra Bắc

3.  Tiến quân ra Bắc, mở rộng phạm vi hoạt động cuối năm 1426.

- Tháng 9- 1426 nghĩa quân tiến ra Bắc bằng 3 đạo quân:
+ Đạo thứ nhất tiến ra giải phóng Tây Bắc chặn viện binh địch từ Vân Nam sang.
+ Đạo thứ hai giải phóng hạ lưu sông Hồng, và chặn đường rút quân từ Nghệ An về Đông Quan, và chặn viện binh từ Quảng Tây sang.
+ Đạo thứ ba tiến thẳng ra Đông Quan.

Lược đồ đường tiến quân ra Bắc của nghĩa quân Lam Sơn
Lược đồ đường tiến quân ra Bắc của nghĩa quân Lam Sơn


- Nhiệm vụ của ba đạo quân: tiến sâu vào vùng chiếm đóng của địch bao vây đồn địch,giải phóng đất đai, thành lập chính quyền mới, chặn viện binh địch. 

- Được sự ủng hộ của nhân dân, nghĩa quân đã giành chiến thắng nhiều trận, buộc quân Minh phải rút vào thành Đông Quan để cố thủ.
=> Cuối 1426 tương quan lực lượng ta và địch có sự thay đổi: nghĩa quân hùng mạnh giành thế chủ động và phản công; quân Minh phải phòng ngự, cố thủ ở Đông Quan, xin viện binh.

III. Khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng (cuối năm 1426 - cuối năm 1427)

1. Trận Tốt Động - Chúc Động (cuối năm 1426)

- Tháng 10 - 1426, quân Minh được tăng viện bởi 5 vạn quân do Vương Thông chỉ huy.

- Với quyết tâm giành lại thế chủ động, Vương Thông quyết định mở cuộc phản công, đánh vào quân chủ lực của quân Lam Sơn ở Cao Bộ (Chương Mĩ - Hà Nội).

- Tháng 11 - 1426, Vương Thông tiến quân về hướng Cao Bộ, khi đó quân Lam Sơn đã nắm được ý đồ của địch và đặt phục binh ở Tốt Động - Chúc Động. Quân Minh khi tiến công đã lọt vào trận địa, nghĩa quân đã xông thẳng vào, đánh tan tác đội hình của giặc.

=> Kết quả: 5 vạn quân địch tử thương, Vương Thông chạy về Đông Quan.

Diễn biến trận Tốt Động - Chúc Động
Diễn biến trận Tốt Động - Chúc Động

 

*Ý nghĩa: trận Tốt Động - Chúc Động đã tạo điều kiện cho quân Lam Sơn vây hãm thành Đông Quan, giải phóng nhiều chậu, huyện và đặc biệt là khiến cho quân Minh suy yếu - là điều kiện thuận lợi để nghĩa quân Lam Sơn giành thắng lợi hoàn toàn.

2. Trận Chi Lăng - Xương Giang (tháng 10 - 1427)

- Tháng 10 - 1427, 10 vạn viện binh của nhà Minh chia làm hai đạo, một đạo do Liễu Thăng , một đạo khác do Mộc Thạnh chỉ huy đã tiến vào nước ta.

- Ngày 8 - 10 - 1427, Liễu Thăng ào ạt tiến vào nước ta, nhưng bị phục kích và giết ở ải Chi Lăng.

- Sau khi Liễu Thăng bị giết, quân địch tiến xuống Xương Giang (Bắc Giang), trên đường di chuyển, liên tiếp bị quân ta phục kích, tiêu diệt. Cuối cùng địch co cụm lại ở Xương Giang cũng bị nghĩa quân tiêu diệt.

Chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang
Chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang

- Mộc Thạnh, biết Liễu Thăng đã bại trận, vô cùng hốt hoảng, vội vàng rút chạy về Trung Quốc. Còn Vương Thông khi nghe tin 2 đạo quân chi viện bị tiêu diệt cũng vô cùng khiếp sợ, vội vàng xin hòa và chấp nhận mở hội thề Đông Quan (10 - 12 - 1427).

- Ngày 3 - 1 - 1428, toán quân cuối cùng của Vương Thông rút khỏi nước ta, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn hoàn toàn thắng lợi, nước ta sạch bóng quân thù.

3. Nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa lịch sử

* Nguyên nhân thắng lợi

-  Do truyền thống yêu nước, tinh thần quyết chiến của nhân dân ta, đã tham gia, giúp đỡ cuộc khởi nghĩa vượt qua mọi khó khăn.

-  Do sự lãnh đạo tài tình, mưu lược của bộ chỉ huy cuộc khởi nghĩa, tiêu biểu là Lê Lợi, Nguyễn Trãi... đã có những kế sách đúng đắn để đưa cuộc khởi nghĩa đến thắng lợi, đã biết kết hợp sức mạnh quân sự và ngoại giao để chiến thắng kẻ thù. Những người lãnh đạo đã biết dựa vào dân, từ cuộc khởi nghĩa phát triển thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

*Ý nghĩa lịch sử

- Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi đã kết thúc 20 năm đô hộ tàn bạo của nhà Minh, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng đất nước, mở ra thời kì phát triển mới của xã hội, đất nước, dân tộc Việt Nam - thời Lê Sơ.

 

* HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Em hãy giới  thiệu đôi nét về Lê Lợi ?

Trả lời :

- Lê Lợi sinh ngày 6 tháng 8 năm Ất Sửu (10-9-1385) tại quê mẹ ở làng Chủ Sơn, huyện Lôi Dương (Thanh Hoá). Lớn lên Lê Lợi là người thông minh, mạnh khoẻ và có uy tín lớn trong vùng

- Ông có lòng yêu nước thiết tha, có ý chí đánh đuổi quân Minh để giải phóng dân tộc, cùng với công việc chuẩn bị khởi nghĩa đã làm cho tiếng tăm của ông lừng lẫy khắp nơi. Ông là người khởi xướng, tổ chức, người lãnh đạo tối cao của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

2. Lê Lợi đã làm gì để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa ?

Trả lời :

Trước cảnh nước mất, nhân dân lầm than, Lê Lợi đã dốc hết tài sản để chiêu tập nghĩa sĩ, bí mật liên lạc với các hào kiệt xây dựng lực lượng và chọn Lam Sơn làm căn cứ cho cuộc khởi nghĩa

3. Vì sao Lê Lợi chọn Lam Sơn làm căn cứ cho cuộc khởi nghĩa ?

Trả lời :

Lê Lợi chọn Lam Sơn làm căn cứ cho cuộc khởi nghĩa vì :

- Lam Sơn là quê hương của Lê Lợi.

- Lam Sơn có điều kiện địa hình thuận lợi cho cuộc khởi nghĩa : nằm bên tả ngạn sông Chu, nối liền giữa đồng bằng với miền núi và có địa thế hiểm trở.

- Đây cũng là nơi giao tiếp của các dân tộc Việt, Mường, Thái để cùng nhau đoàn kết chống giặc.

4. Vì sao hào kiệt khắp nơi tìm về Lam Sơn ?

Trả lời :

Hào kiệt khắp nơi tìm về Lam Sơn là do :

- Truyền thống yêu nước của nhân dân Việt Nam.

- Lòng căm thù giặc cao độ, những người dân yêu nước mong muốn đứng dậy theo Lê Lợi lật đổ ách thống trị tàn bạo của quân xâm lược, giành lại độc lập

5. Em hãy giới thiệu vài nét về Nguyễn Trãi ?

Trả lời :

- Nguyễn Trãi (1380-1442) là con Nguyễn Phi Khanh. Cả hai cha con đều đỗ đại khoa và làm quan thời Hồ. Ông học rộng, tài cao, có lòng yêu nước thương dân hết mực.

- Quân minh tìm đủ cách để dụ dỗ ông nhưng đều thất bại. Từ thành Đông Quan, ông bí mật trốn vào Lam Sơn theo Lê Lợi khởi nghĩa và dâng bản Bình Ngô sách (Kế sách đánh quân Ngô)

6. Hội thề Lũng Nhai được tổ chức ở đâu ? Gồm bao nhiêu người ? Nhằm mục đích gì ?

Trả lời :

- Hội thề Lũng Nhai được tổ chức ở Lũng Nhai (Thanh Hoá)

- Hội thề Lũng Nhai gồm 19 người do Lê Lợi đứng đầu

- Mục đích của Hội thề Lũng Nhai  : Lê Lợi cùng 18 người trong bộ chỉ huy cùng thề sống chết, chung sức đồng lòng, chống giặc ngoại xâm, giành lại độc lập dân tộc.

7. Trong những ngày đầu của cuộc khởi nghĩa, nghĩa quân Lam Sơn đã gặp những khó khăn gì ?

Trả lời :

Trong những ngày đầu khởi nghĩa, lực lượng còn yếu, nghĩa quân Lam Sơn đã gặp rất nhiều khó khăn, nguy nan. Quân Minh nhiều lần tấn công, bao vây căn cứ Lam Sơn. Nghĩa quân ba lần rút lên núi Chí Linh (Lang Chánh, Thanh Hoá) và phải liên tiếp chống lại sự vây quét của quân giặc.

8. Em hãy giới thiệu vài nét về Lê Lai ?

Trả lời :

- Lê Lai là người dân tộc Mường, quê ở Dựng Tú (Ngọc Lặc - Thanh Hoá). Gia đình ông có 5 người tham gia nghĩa quân Lam Sơn thì 4 người đã hi sinh trong chiến đấu.

- Giữa năm 1418, quân Minh huy động một lực lượng bao vây chặt căn cứ Chí Linh, quyết bắt giết Lê Lợi. Trước tình hình nguy cấp đó, Lê Lai cải trang làm Lê Lợi, chỉ huy một toán quân liều chết phá vòng vây quân giặc. Lê Lai cùng toán quân cảm tử đã hy sinh. Quân Minh tưởng rằng đã giết được Lê Lợi nên rút quân.

9. Em có suy nghĩ gì trước gương hy sinh của Lê Lai ?

Trả lời :

Đó là tấm gương hi sinh anh dúng, chủ động nhận lấy cái chết cho mình, thể hiện lòng trung thành để cứu thoát cho minh chủ tiếp tục sự nghiệp cứu nước.

Với sự hi sinh của Lê Lai, nghĩa quân Lam Sơn không chỉ bảo toàn được lực lượng chỉ đạo nòng cốt mà còn giữ vững được tinh thần bất khuất, chiến đấu kiên cường, buộc kẻ thủ phải chấp nhận giảng hoà

10. Thái độ của quân Minh như thế nào trước lời đề nghị tạm hoà của Lê Lợi ? Tại sao ?

Trả lời :

Quân Minh chấp thuận đề nghị tạm hoà của Lê Lợi là để thực hiện âm mưu dụ hoà Lê Lợi, hòng làm mất ý chí chiến đấu của nghĩa quân Lam Sơn

11. Em có nhận xét gì về tinh thần chiến đấu của nghĩa quân Lam Sơn trong những năm 1418-1423 ?

Trả lời :

Tinh thần chiến đấu dũng cảm, bất khuất, hy sinh, vượt gian khổ của nghĩa quân và thể hiện đường lối đúng đắn của bộ tham mưu đứng đầu là Lê Lợi.

12. Trước tình hình quân Minh tấn công nghĩa quân, Nguyễn Chích có kế hoạch như thế nào ?

Trả lời :

Trước tình hình quân Minh tấn công nghĩa quân, Nguyễn Chích đề nghị tạm thời rời núi rừng Thanh Hoá, chuyển quân vào Nghệ An là nơi đất rộng, người đông và cũng rất hiểm yếu, để dựa vào đó quay ra đánh lấy Đông Đô

13. Em giới thiệu đôi nét về Nguyễn Chích ?

Trả lời :

Nguyễn Chích là một nông dân nghèo ở Thanh Hoá, đã từng lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống quân Minh ở nam Thanh Hoá và hoạt động ở vùng bắc Nghệ An. Năm 1420, Nguyễn Chích đem quân ra nhập nghĩa quân Lam Sơn

14. Kế hoạch tiến quân vào Nghệ An của nghĩa quân diễn ra như thế nào ? Kết quả ra sao ? Tác dụng của kế hoạch này ?

Trả lời :

- Kế hoạch chuyển địa bàn hoạt động của Nguyễn Chích được Lê Lợi chấp nhận.

- Nghĩa quân theo đường núi tiến vào miền tây Nghệ An. Ngày 12-10-1424, nghĩa quân bất ngờ tập kích đồn Đa Căng (Thọ Xuân - Thanh Hoá) và thắng lợi giòn giã, sau đó hạ thành Trà Lân ở thượng lưu sông Lam, buộc địch phải đầu hàng sau hai tháng vây hãm

- Trên đà thắng đó, nghĩa quân tiến đánh quân giặc ở Khả Lưu (tả ngạn sông Lam thuộc Anh Sơn, Nghệ An). Bằng kế nghi binh, nghĩa quân đánh bại quân Trần Trí ở Khả Lưu, Bồ Ải. Được nhân dân ủng hộ, chỉ trong một thời gian ngắn, phần lớn Nghệ An được giải phóng, quân giặc phải rút vào thành cố thủ.

- Lê Lợi siết chặt vòng vây thành Nghệ An, tiến đánh Diễn Châu rồi thừa thắng tiến quân ra Thanh Hoá. Cả vùng Diễn Châu, Thanh Hoá được giải phóng chỉ trong vòng không đầy một tháng

Kế hoạch của Nguyễn Chích đã giúp cho nghĩa quân Lam Sơn thoát khỏi thế bị bao vây, mở rộng địa bàn hoạt động vào Nghệ An. Tạo điều kiện cho nghĩa quân giành nhiều thắng lợi và đi đến thắng lợi hoàn toàn.

15. Từ Nghệ An nghĩa quân tiến quân vào giải phóng Tân Bình, Thuận Hoá như thế nào ?

Trả lời :

- Tháng 8 - 1425, các tướng Trần Nguyên Hãn, Lê Ngân,... được lệnh chỉ huy một lực lượng mạnh từ Nghệ An tiến vào Tân Bình (Quảng Bình, Bắc Quảng Trị) và Thuận Hoá (Thừa Thiên - Huế)

- Nghĩa quân nhanh chóng đập tan sức kháng cự của quân giặc, giải phóng Tân Bình, Thuận Hoá.

16. Việc giải phóng Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hoá có ý nghĩa gì đối với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ?

Trả lời :

- Việc giải phóng Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hoá giúp cho nghĩa quân thoát khỏi thế bao vây, mở rộng địa bàn hoạt động sản xuất của nghĩa quân trên phạm vi rộng lớn bao gồm Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hoá .

- Đẩy quân địch vào thế bị động, tạo điều kiện cho nghĩa quân giành thế chủ động để làm bàn đạp tiến quân ra Bắc cuối năm 1426, đánh tan quân Minh kết thúc cuộc kháng chiến.

17. Dựa vào lược dồ (hình 41-SGK trang 88), em hãy trình bày kế hoạch tiến quân ra Bắc của Lê Lợi và nhận xét kế hoạch đó ?

Trả lời :

Tháng 9 - 1426, Lê Lợi và bộ chỉ huy quyết định mở cuộc tiến quân ra Bắc. Nghĩa quân chia làm 3 đạo :

- Đạo thứ nhất tiến quân ra giải phóng miền Tây Bắc, ngăn chặn viện binh giặc từ Vân Nam sang

- Đạo thứ hai có nhiệm vụ giải phóng vùng hạ lưu sông Nhị (Sông Hồng), chặn đứng đường rút quân của giặc từ Nghệ An về Đông Quan, ngăn chặn viện binh từ Quảng Tây sang

- Đạo thứ ba tiến thẳng ra Đông Quan

 * Nhận xét :

- Kế hoạch tiến quân ra bắc của Bộ chỉ huy Lam Sơn được vạch ra rõ ràng, chỉ rõ nhiệm vụ cụ thể của từng đạo quân.

- Cả ba đạo quân còn có nhiệm vụ chung tiến sâu vào vùng chiếm đóng của địch cùng phối hợp với nhân dân bao vây đồn địch, giải phóng đất đai, thành lập chính quyền mới, chặn đường tiếp viện của quân Minh từ Trung Quốc sang.

18. Em hãy nêu những dẫn chứng về sự ủng hộ của nhân dân trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn từ cuối năm 1424 đến cuối năm 1426 ?

Trả lời :

- Tháng 2  - 1425, Lê Lợi kéo quân đến làng Đa Lôi (xã Nam Kim, Nam Đàn, Nghệ An) thì già, trẻ tranh nhau đem trâu, rượu đến đón và khao quân. Họ đều nói : không ngờ ngày nay lại trông thấy uy nghi của nước cũ

- Khi nghĩa quân chia nhau đi lấy đất các châu, huyện, đi đến đâu người ta cũng nghe tiếng là quy phụ và nhân dân trong cõi dắt díu nhau đến như đi chợ.

- Mỗi châu, huyện được giải phóng lại có hàng ngàn trai tráng nô nức gia nhập nghĩa quân. Có những gia đình, hai cha con hoặc mấy anh em cùng xin nhập ngũ.

19. Em hãy nêu những tấm gương yêu nước trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ?

Trả lời :

- Bà Lương Thị Minh Nguyệt ở Làng Chuế Cầu (Ý Yên - Nam Định), bán rượu, thịt ở thành Cổ Lộng, lừa cho giắc ăn uống no say, rồi bí mật quẳng xuống kênh chảy ra sông Đáy

- Cô gái người làng Đào Đặng (Hưng Yên) xinh đẹp, hát hay thường được mời đến hát mua vua cho giặc. Đêm đến, sau những buổi ca hát, tiệc tùng, nhiều kẻ chui vào bao vải ngủ để tránh muỗi. Cô cùng trai làng bí mật khiêng quảng xuống sông

20. Từ cuối năm 1462, quân giặc có âm mưu gì ?

Trả lời :

Sau khi để mất vùng Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hoá, quân địch rút về cố thủ trong thành Đông Quan, đồng thời tăng thêm viện binh, mở cuộc phản công lớn đánh vào chủ lực của nghĩa quân ở Cao Bộ (Chương Mĩ, Hà Tây) để giành lại thế chủ động.

21. Nghĩa quân Lam Sơn đã đối phó như thế nào trước âm mưu mới của quân địch ?

Trả lời :

Nắm được kế hoạch hành quân của địch, nghĩa quân quyết định chọn địa hình bố trí hai trận địa phục kích ở Tốt Động và Chúc Động để tiêu diệt quân địch

22. Em biết gì về địa hình Tốt Động - Chúc Động ?

Trả lời :

- Tốt Động là một vùng đồng chiêm trũng, lầy lội. Giữa đồng nổi lên những gò đất cao, thuận lợi cho việc phục binh

- Chúc Động có địa hình nhỏ hẹp hơn với ruộng thấp, xen kẽ vỡi những ngọn núi không cao lắm nhưng cây cối rậm rạp, thuận lợi cho quân mai phục. Tại đây có thể đánh vào hậu quân của cả hai cánh quân quân địch và chăn đường rút lui của chúng về Đông Quan.

23. Em hãy trình bày diễn biến trận Tốt Động - Chúc Động ?

Trả lời :

- Sáng ngày 7/11/1426, Vương Thông cho xuất quân tiến về hướng Cao Bộ

- Nắm được ý đồ và hướng tiến quân của Vương Thông, nghĩa quân đã đặt phục binh ở Tốt Động và Chúc Động

- Khi quân Minh lọt vào trận địa, nghĩa quân nhất tề xông thẳng vào quân giặc, đánh tan tác đội hình của chúng, dồn quân giặc tử thương, bắt sống trên 1 vạn

- Vương Thông bị thương tháo chạy về Đông Quan. Nghĩa quân thừa thắng kéo về vây hãm thành Đông Quan và giải phóng thêm nhiều châu, huyện.

24. Sau khi bị thất bại ở Tốt Động, Chúc Động, địch đưa viện binh tiến vào nước ta theo mấy đạo ? Do ai chỉ huy ?

Trả lời :

- Đầu tháng 10-1427, 15 viện binh từ Trung Quốc chiam là hai đạo kéo vào nước ta

- Đạo thứ nhất do Liễu Thăng chỉ huy, từ Quảng Tây tiến và theo hướng Lạng Sơn

- Đạo thứ hai do Mộc Thạch chỉ huỷ, từ Vân Nam tiến vào theo hướng Hà Giang

25. Nghĩa quân Lam Sơn đã đề ra kế hoạch đối phó với viện binh giặc Minh như thế nào ?

Trả lời :

Bộ chỉ huy nghĩa quân quyết định tập trung lực lượng tiêu diệt viện binh giặc, trước hết là đạo quân của Liễu Thăng, không cho chúng tiến sâu vào nội địa nước ta

26. Trình bày diễn biến trận Chi Lăng - Xương Giang ?

Trả lời :

- Ngày 8-10, Liễn Thăng dẫn quân ào ạt tiến vào biên giới nước ta. Khi quân Liễu Thăng tiến đến ải Chi Lăng (Lạng Sơn), nghĩa quân Lam Sơn do tướng Trần Lựu chỉ huy được lệnh vừa đánh, vừa lui nhử địch vào trận địa phục kích ở ải Chi Lăng. Liễu Thăng thúc quân đuổi theo, lọt vào trận địa mai phục, lập tức bị quân ta phóng lao đâm chết, quân Minh hoảng hốt, rối loạn. Nghĩa quân mai phục do tướng Lê Sát, Lưu Nhân Chú chỉ huy, thừa cơ đổ ra đánh, tiêu diệt trên 1 vạn tên giặc.

- Sau khi Liễu Thăng bị giết, Phó tổng binh là Lương Minh lên thay, chấn chỉnh đội ngũ, tiến xuống Xương Giang (Bắc Giang). Trên đường tieesnquaan, quân giặc liên tiếp bị phục kích ở Cần Trạm, Phố Cát, bị tiêu diệt đến 3 vạn tên. Tổng binh Lương Minh bị giết tại trận, Thượng thư bộ binh Lý Khánh phải thắt cổ tự tử.

- Mấy vạn địch còn lại cố gắng lắm mới tới Xương Giang co cụm lại giữa cánh đồng, bị nghĩa quân từ nhiều hướng tấn công, gần 5 vạn tên bị tiêu diệt, số còn lại bị bắt sống, kể cả tướng giặc là Thôi Tụ, Hoàng Phúc

- Cùng lúc đó, Lê Lợi sai tướng đem các chiến lợi phẩm ở Chi Lăng đến doanh trại Mộc Thạch. Mộc Thạch trông thấy, biết Liễu Thăng đã bại trận vô cùng hoảng sợ vội vàng rút chạy về Trung Quốc

27. Thái độ của Vương Thông như thế nào sau khi nghe tin hai đạo viện binh của Liễu Thăng, Mộc Thạch bị tiêu diệt ?

Trả lời :

Nghe tin hai đạo viện binh Liễu Thăng, Mộc Thạch bị tiêu diệt hoàn toàn, Vương Thông ở Đông Quan vô cùng khiếp đảm, vội vàng xin hoà và chấp nhận mở hội thề Đông Quan (10-10-1427) để được an toàn rút quân về nước.

28. Việc Lê Lợi mở hội thề Đông Quan (ngày 10-12-1427) nói lên điều gì ?

Trả lời :

Lê Lợi mở hội thề Đông Quan (ngày 10-12-1427) nhằm tạo điều kiện an toàn cho quân Minh rút quân về nước nói lên lòng nhân đạo sáng ngời của Lê Lợi nói riêng và của dân tộc ta nói chúng đối với kẻ bại trận.

29. Em hãy cho biết cách đánh giặc của ta trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ?

Trả lời :

- Khi lực lượng ít cho quân rút lui để an toàn và củng cố lực lượng chờ thời cơ phản công tiêu diệt giặc

- Lợi dụng địa hình đặt phục binh, phục kích địch

- Tập trung diệt viện binh đưa giặc vào thế bị động rồi tiêu diệt địch hoàn toàn

- Đánh vào đòn tâm lí để địch hoảng sợ đầu hàng, chủ động kết thúc chiến tranh

30. Hãy nêu những nguyên nhân thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ?

Trả lời :

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi nhờ những nguyên nhân sau :

- Nhân dân ta có lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, quyết tâm giành lại độc lập tự do cho đất nước

- Tinh thần đoàn kết chiến đấu của toàn dân, sự ủng hộ về mọi mặt của nhân dân đối với nghĩa quân

- Đường lối chiến lược, chiến thuật đúng đắn, sáng tạo của bộ tham mưu, đứng đầu là các anh hùng dân tộc Lê Lợi, Nguyễn Trãi

31. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi có ý nghĩa lịch sử gì ?

Trả lời :

Ý nghĩa lịch sử của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi là :

- Đất nước sạch bóng quân xâm lược

- Kết thúc 20 năm đô hộ tàn bạo của phong kiến nhà Minh trên đất nước ta

- Mở ra một thời kì phát triển mới của xã hội, đất nước, dân tộc Việt Nam - thời Lê sơ

Bài tập

Có thể bạn quan tâm



Có thể bạn quan tâm