Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Văn mẫu: Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài (Nguyễn Huy Tưởng)

Gửi bởi: Nguyễn Thị Ngọc 30 tháng 10 2019 lúc 9:09:09


Mục lục
* * * * *

Phân tích bài Vĩnh biệt cửu trùng đài của Lưu Quang Vũ 

Vào năm 1516 dưới triều vua lợn Lê Tương Dực vốn nổi tiếng là ăn chơi, sa đọa đã sai Vũ Như Tô xây điện 100 nóc và xây công trình quy mô lớn là Cửu trùng đài. Đây là một sự kiện có thật được nhà viết kịch tài ba Nguyễn Huy Tưởng khai thác để dựng lên vở kịch “Vũ Như Tô” phản ánh hai mâu thuẫn cơ bản về xã hội và con người. Đoạn trích “Vĩnh biệt cửu trùng đài” thuộc hồi cuối tác phẩm thể hiện cao trào kịch tính được đẩy lên đến đỉnh điểm, cùng với đó là bi kịch của nhân vật Vũ Như Tô và nữ phụ Đan Thiềm_những người nghệ sĩ say mê cái đẹp mà quên mất mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống, giữa lí tưởng nghệ thuật thuần túy với lợi ích của nhân dân.

Vũ Như Tô là một nhà kiến trúc sư tài giỏi bị Lê Tương Dực ép xây dựng Cửu trùng đài để làm nơi hưởng lạc vui chơi với cung nữ. Ông vốn là người nghệ sĩ chân chính lại gắn bó gần gũi với nhân dân nên đã từ chối, quyết không nhận lời và ngang nhiên mắng chửi tên hôn quân bạo ngược. Về sau khi được Đan Thiềm_người cung nữ say mê cái đẹp và biết quý trọng người tài thuyết phục là lợi dụng tiền bạc và quyền lực của vua để xây dựng một tòa lâu đài cho đất nước “Bền như sao trăng”, có thể “tranh tinh xảo với hóa công” và để cho “dân ta nghìn thu còn hãnh diện”. Kể từ đó ông thay đổi thái độ chấp nhận mệnh lệnh, dồn tất cả tài năng và trí tuệ sáng suốt để hoàn thành hoài bão, lí tưởng muốn điểm tô cho đất nước. Chính việc làm ấy của Vũ Như Tô đã vô tình đẩy dân đen vào cảnh lầm than cực khổ khi sưu thuế ngày càng tăng cao, triều đình bắt thêm thợ giỏi, thẳng tay hạ chém những kẻ bỏ trốn, biết bao nhiêu người chết vì tai nạn. Nhân dân căm phẫn nhà vua, oán giân Vũ Như Tô. Để rồi Trịnh Duy Sản kẻ cầm đầu phe phái đối lập với triều đình lôi kéo dân chúng đứng lên làm phản giết vua và bắt giết Vũ Như Tô cùng Đan Thiềm.

Mở đầu đoạn trích “Vĩnh biệt cửu trùng đài” là hình ảnh cung nữ Đan Thiềm hớt hơ hớt hải chạy, mặt cắt không còn hột máu vào báo tin tình thế nguy kịch, thúc giục, cầu xin, van nài Vũ Như Tô chạy trốn với những lời lẽ tha thiết, chân thành: “Ông nghe tôi! Ông trốn đi! Ông nghe tôi! Ông phải trốn đi mới được”, nàng chắp tay van lạy Vũ Như Tô hãy bỏ trốn gìn giữ tính mạng chờ cơ hội khác vì đại sự đã hỏng. Từng chi tiết hành động và lời nói của Đan Thiềm chứng tỏ cô là một người rất quý trọng người tài, hiểu biết lo trước lo sau cho tài năng đất nước. Cô khẳng định: “Ông trốn đi. Tài kia không nên để uổng. Ông mà có mệnh hệ nào thì nước ta không còn ai điểm tô nữa”, con người ấy sẵn sàng quỳ dưới chân giặc cầu xin tha mạng cho ông Vũ, sẵn sàng xin chết thay ông nhưng Vũ Như Tô nhất quyết sống chết cùng đài cửu trùng mà không chịu rời đi để rồi gây nên tấn bi kịch cho cuộc đời ông.

Vũ Như Tô coi Cửu trùng đài quý hơn sinh mạng của bản thân, nó là cả phần xác lẫn phần hồn của ông và Đan Thiềm. Chính vì vậy mà ông mù quáng, u mê không thoát ra khỏi ảo vọng của mình được. Quân làm phản càng ngày kéo đến càng gần nhưng con người ấy vẫn ngoan cố vẫn không hiểu vì lí do gì họ lại muốn bắt mình, vẫn cố đấu lí với đời, với số phận: “Có lí gì để họ giết tôi?”, đứng trước quân khởi loạn vẫn tự trấn an mình và mọi người “Đời ta chưa tận, mệnh ta chưa cùng. Ta sẽ xây một tòa đài để tạ lòng tri kỉ”. Bị bọn chúng bắt ông vẫn nuôi hi vọng có thể phân trần với chủ tướng về tấm lòng nguyện vọng của bản thân mong sao để người đời hiểu cho nguyện ước ông đang thực hiện là vì vẻ đẹp ngàn năm của đất nước. Ông vẫn say sưa giấc mộng của riêng mình về Đài Cửu Trùng: “Vài năm nữa, Đài Cửu Trùng hoàn thành, cao cả, huy hoàng, giữa cõi trần lao lực, có một cảnh Bồng Lai…” Vũ Như Tô không thể tỉnh táo để nhận diện tình thế nguy kịch của hiện tại. Ông vẫn nghĩ mình bị hiểu nhầm, vẫn không tin rằng mình bị nhân dân oán hận, bị mọi người căm ghét, ông không tin dân chúng muốn phá Cửu Trùng Đài bởi đó là công trình, là tòa lâu đài điểm tô cho đất nước. Đứng ở khía cạnh người hùng thì đúng ông là con người dám làm dám chịu, có khí phách hiên ngang nhưng dựa trên hoàn cảnh thực tại thì đó là bảo thủ, cố chấp.

Vũ Như Tô xây Cửu Trùng Đài là biểu hiện cho tài năng của người nghệ sĩ, hiện thân cho sự khao khát và say mê sáng tạo cái đẹp đó là đúng đắn, là đáng trân trọng nhưng thực tế của đất nước dân cùng khốn khổ cái đẹp ấy lại trở nên thật phù phiếm, xa xỉ bởi đã thấm đẫm máu, nước mắt và được xây trên thây xác của nhân dân. Dù là ước muốn cao đẹp của Vũ Như Tô nhưng ông đã vô tình gây ra tội ác, trở thành kẻ thù của dân chúng và thợ thuyền mà không hề hay biết. Đến khi kinh thành bị phát hỏa, quân lính cho hay đó là lệnh của An Hòa Hầu, tận mắt chứng kiến cảnh Đài Cửu Trùng bốc cháy như giàn thiêu ông chỉ biết gào lên trong tuyệt vọng: “Đốt thực rồi! Đốt thực rồi! Ôi đảng ác! Ôi muôn phần căm giận! Trời ơi! Phú cho ta cái tài làm gì? Ôi mộng lớn! Ôi Đan Thiềm! Ôi Cửu Trùng Đài!”. Vũ Như Tô bị rơi từ đỉnh cao mộng tưởng xuống hố sâu của tuyệt vọng. Nỗi đau và sự mất mát đã hòa vào nhau làm một dội lên tiếng kêu của đau thương, tang tóc. Những câu cảm thán thốt ra từ đỉnh điểm cảm xúc đau đớn vô cùng. Thật đáng tiếc với những câu hỏi lớn của Vũ Như Tô đến khi chết ông vẫn không hiểu tại vì sao lại ra nông nỗi: “Ta tội gì? Ta không có tội! Ôi mộng lớn! Ôi Đan Thiềm! Ôi Cửu trùng đài! Tấn bi kịch ấy là cái giá mà ông phải trả vì không nhận thức rõ vấn đề muôn thuở và thực tại.

Vũ Như Tô đã không hiểu được mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống. Nghệ thuật được sáng tạo và xây dựng lên cuối cùng cũng phải vì phục vụ cho đời sống nhân dân. Đó mới là nghệ thuật vị nghệ thuật. Còn nghệ thuật không thể chỉ để thỏa mãn tài năng, lí tưởng của người nghệ sĩ mà quên mất rằng cái đẹp phải gắn với cái thiện, đẹp thiện không thể tách rời được nhau. Đứng trên lập trường người nghệ sĩ Cửu trùng đài là cái đẹp tuyệt mĩ, đứng trên lập trường của nhân dân nó là một bông hoa ác thấm đẫm máu. Cái giá mà Vũ Như Tô phải trả là ông chỉ nghĩ mình là nghệ sĩ chân chính mà quên mất rằng mình cũng là một công dân của đất nước.

Như vậy qua đoạn trích “Vĩnh biệt cửu trùng đài” nhà văn đã tái hiện lại bi kịch của Vũ Như Tô và Đan Thiềm gặp phải phản ánh sâu sắc hai mâu thuẫn của thời đại. Mâu thuẫn thứ nhất là mâu thuẫn của tập đoàn phong kiến Lê Tương Dực ăn chơi, hưởng lạc với hoàn cảnh bị bần cùng hóa của nhân dân. Mâu thuẫn thứ hai trong bản thân con người Vũ Như Tô và Đan Thiềm. Đó là mâu thuẫn giữa người công dân và người nghệ sĩ và phản ánh mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống. Hai mâu thuẫn này tác động lẫn nhau. Đan Thiềm thuyết phục Vũ Như Tô xây dựng Cửu trùng đài càng làm cho mâu thuẫn xã hội tăng cao, người nghệ sĩ càng hăng hái sáng tạo cái đẹp nghệ thuật bao nhiêu thì càng mâu thuẫn với lợi ích công dân bấy nhiêu. Thật đáng tiếc cho một người tài năng lại bị đặt nhầm chỗ, không đúng thời thế để rồi con người ấy, tài năng ấy bị hủy diệt bởi thực tại cuộc sống. Qua đó ta cũng nhận thức được bài học cái đẹp nghệ thuật chỉ thực sự có nhu cầu và có ý nghĩa khi đời sống vật chất được đáp ứng đầy đủ, lợi ích của nhân dân phải được đặt lên hàng đầu. Quan điểm đó đến ngày nay vẫn không hề lỗi thời mà nó luôn đúng trong mọi hoàn cảnh. Đảng và nhà nước ta luôn vận dụng nó vào để duy trì và phát triển đất nước.

Đoạn trích đã giải quyết được mâu thuẫn xã hội nhưng mâu thuẫn cá nhân với hai tư cách nghệ sĩ và công dân chưa được giải quyết điểm biểu hiện trong lời nói cuối cùng của Vũ Như Tô “Ta tội gì. Không ta chỉ có một hoài bão là tô điểm đất nước, đem hết tài năng ra xây cho nòi giống một tòa đài hoa lệ có thể thách thức với công trình trước sau, tranh tinh xảo với hóa công” và lời đề tựa vở kịch của tác giả: “Chẳng biết Vũ Như Tô phải hay những kẻ giết Vũ Như Tô phải, ta chẳng biết. Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm”. Nguyễn Huy Tưởng trân trọng tài năng, say mê cái đẹp, cảm thông cho Vũ Như Tô nhưng ông cũng không đồng tình với nhân vật và những người nghệ sĩ chỉ biết quan tâm đến cái đẹp mà không vì quyền lợi của nhân dân.

Phân tích nhân vật Vũ Như Tô trong Vĩnh biệt cửu trùng đài

Nguyễn Huy Tưởng nhà tiểu thuyết, nhà viết kịch có thiên hướng về các đề tài lịch sử. Thông qua những đề tài này ông đóng góp những quan điểm, tư tưởng mới mẻ về nghệ thuật và cuộc đời. Trong các tác phẩm kịch của ông nổi bật nhất là Vũ Như Tô. Tác phẩm đã khắc họa bi kịch người nghệ sĩ tài ba xong sinh nhầm thời và nêu lên mối quan hệ khăng khít giữa nghệ thuật và cuộc sống. Nội dung đó đã được phản ánh chân thực và đầy đủ nhất qua đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài.

    Trước hết, Vũ Như Tô là một người nghệ sĩ thiên tài “ngàn năm chưa dễ có một”. Tài năng của ông có thể “sai khiến gạch đá như tướng cầm quân, có thể xây dựng những lâu đài cao cả, nóc vờn mây mà không hề tính sai một viên gạch nhỏ”. Tài năng của ông là sự trác tuyệt, siêu phàm. Tài năng ấy một lần nữa được thể hiện qua lời Đan Thiềm trong đoạn trích: “Ông mà có mệnh hệ nào thù nước ta không còn ai tô điểm nữa” và bà khuyên Vũ Như Tô hãy trốn đi để không phí “tài trời” ban cho ông.

    Không chỉ vậy, ông còn là một trí thức tài năng và có bản lĩnh cứng cỏi, trước lời đề nghị của Lê Tương Dực xây dựng Cửu Trùng Đài ông đã thẳng thắn từ chối, dù tên hôn quân dọa giết nhưng ông không hề sợ hãi. Ông không muốn dùng tài năng của mình để xây dựng nơi cho tên vui độc ác ăn chơi hưởng lạc.

    Nhưng ông còn là người đam mê nghệ thuật và khao khát tạo dựng cái đẹp tô sắc cho đời. Trước những lời khuyên của người cung nữ Đan Thiềm, Vũ Như Tô đã đem hết tài năng của mình để xây dựng Cửu Trùng Đài. Lí tưởng của ông thật đẹp đẽ, đáng trân trọng, ông đem hết tài năng của bản thân để xây dựng một lâu đài tráng lệ, có thể “tranh tinh xảo với hóa công” “bền như trăng sao” để tô điểm cho vẻ đẹp của đất nước và là món quà để lại cho hậu thế. Ông dồn sức xây Cửu Trùng Đài bằng mọi giá. Ngay cả khi xảy ra bạo loạn, Vũ Như Tô cũng nhất quyết khống trốn đi để bảo toàn tính mạng cho bản thân. Những lời khuyên của Đan Thiềm với ông đều vô nghĩa lí. Ông vẫn tin tưởng vào việc mình làm không hề phương hại đến ai, việc ông làm giúp ích cho đời. Bởi vậy, cho đến tận lúc bị bắt trói, khi cận kề cái chết, ông vẫn nuôi hi vọng được tiếp tục xây dựng Cửu Trùng Đài. Và cuối cùng nhìn thấy Đài lớn bị thiêu cháy, hoa thành tro bụi, Vũ Như tô coi như đời mình đã chấm hết, ông bình thản ra pháp trường. Đối với ông Cửu Trùng Đài, đứa con tinh thần, nghệ thuật còn quan trọng hơn mạng sống của chính ông.

    Nhưng bản thân ông lại sai lầm trong suy nghĩ và hành động. Xây dựng Cửu Trùng Đài ông vấp phải mâu thuẫn với nhân dân. Để xây dựng được nó cần tiêu tốn biết bao của cải, mà của cải ấy không ở đâu khác chính là Lê Tương Dực vơ vét của nhân dân bằng những thứ thuế má nặng nề, vô lí. Đời sống nhân dân cực khổ, họ bị đẩy vào bước đường cùng. Cửu Trùng Đài cao lên bao nhiêu thì máu xương, mồ hôi của nhân dân phải đổ xuống bấy nhiều, bởi vậy mâu thuẫn, sự căm hận ngày càng bị đẩy lên cao trào. Đặc biệt, Vũ Như Tô vì mục đích hoàn thiện Cửu Trùng Đài mà không ngần ngại hạ lệnh phạt hoặc giết chết những kẻ bỏ trốn để tăng cường kỉ luật làm việc trên công trường. Dần dần Vũ Như Tô biến thành một kẻ ác, là thủ phạm gây nên cuộc sống đau khổ, bất hạnh cho nhân dân.

    Đến ngay cả khi cơn biến loạn xảy ra, nguy hiểm cận kề Vũ Như Tô vẫn không nhận ra sai lầm của bản thân, ông vẫn tự nhận thấy công việc của mình quang minh chính đại, ông nguyện sống chết cùng Cửu Trùng Đài, ông tin mình không “làm gì nên tội” và tin vào sự sáng suốt của viên quan An Hòa Hầu. Ông lấy hết lời lẽ để phân trần, để người đời hiểu cái mong mỏi lớn nhất của đời ông. Vậy ông tại sao lại có tội? Làm sao ông có thể trở thành kẻ ác. Nhưng mọi lời ông nói chí khiến cho quân sĩ cười ầm lên, chúng không hiểu mộng lớn, chúng không hiểu những khát khao của ông, họ chỉ biết “mấy nghìn người chết vì Vửu Trùng Đài, mẹ mất con, vợ mất chồng vì mày đó ư? Ngườ ta oán mày hơn oán quỷ”. Vũ Như Tô càng giải thích càng khiến cho bọn chúng điên cuồng hơn. Đến phút cuối cùng ông thét lên tiếng thét kinh hoàng khi biết Cửu Trùng Đài đã bị phá hủy và sự bình thản ông ra lệnh đưa ông ra pháp trường: “Trời ơi! Phú cho tằ cái tài làm gí? ôi mộng lớn! Ôi Đan Thiềm Ôi Cửu Trùng Đài!... Thôi thế là hết! Dẫn ta đến pháp trường..”.

    Kết cục của Vũ Như Tô là tất yếu, bởi Cửu Trùng Đài là một công trình nghệ thuật tuyệt mỹ nhưng không tuyệt thiện nó là bông hoa ác cho nên nó bị hủy diệt, còn Vũ Như Tô từ đầu chí cuối ông chỉ đứng trên lập trường của cái đẹp, của nghệ thuật thuần túy, mà không hề đứng trên lập trường của nhân dân. Ông là một người có tài năng nghệ thuật chứ không phải là một hiền tài. Nhưng việc đưa Vũ Như Tô là một người nghệ sỹ thiên tài ra pháp trường có thỏa đáng không và đốt phá Cửu Trùng Đài với tư cách là trốn để ăn chơi là hoàn toàn thỏa đáng nhưng đốt Cửu Trùng Đài với tư cách là một công trình nghệ thuật vĩ đại - vinh danh tên tuổi của dân tộc mình có thỏa đáng không. Chính Vũ Như Tô cũng không trả lời câu hỏi này như thế nào. Vũ Như Tô chưa hiểu tội của mình là gì ? Trong những hồi kịch đầu tiên thì Vũ Như Tô luôn luôn đặt ra câu hỏi khẳng định: “Tôi không làm gì lên tội” nhưng đến cuối hồi kịch Vũ Như Tô chuyển từ câu hỏi đấy sang câu nghi ngờ “Ta tội gì”.. Đồng thời, qua bi kịch của Vũ Như Tô cũng thức tỉnh ta mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống, đó phải là nghệ thuật vị nhân sinh.

    Tác giả sử dụng ngôn ngữ mang tính tổng hợp cao, giàu giá trị biểu đạt. Mẫu thuẫn kịch bị đẩy lên đến cao trào, giúp bộc lộ rõ tính cách nhân vật. Các lớp kịch linh hoạt tự nhiên, giàu kịch tính, tăng sức hấp dẫn với người đọc.

    Đoạn trích đã thể hiện rõ tài năng nghệ thuật xây dựng kịch bậc thầy của Nguyễn Huy Tưởng. Thông qua lớp ngôn từ có tính tổng hợp cao, giàu ý nghĩa biểu đạt đã giúp ta hiểu sâu hơn tính cách nhân vật Vũ Như Tô. Đối với nhân vật này tác giả cùng dành tiếng nói cảm thương, trân trọng cho tài năng bị phá hủy. Đồng thời cũng là bài học cho nghệ sĩ muốn đời, nghệ thuật muốn tồn tại phải bắt rễ vào cuộc sống, phục vụ cuộc sống.

Phân tích tấn bi kịch của Vũ Như Tô trong Vĩnh biệt cửu trùng đài

Nguyễn Huy Tưởng là nhà viết kịch tài ba có đóng góp cho nền văn học dân tộc ba tác phẩm kịch, trong đó “Vũ Như Tô” là vở kịch hay nhất, giàu giá trị và sâu sắc nhất. Tác phẩm đã khai thác được sự kiện lịch sử có thật của nước ta dưới triều “vua lợn” Lê Tương Dực và truyền tải được ý nghĩa nhân sinh. Đặc biệt là ở hồi cuối “Vĩnh biệt cửu trùng đài” đã khắc họa được tấn bi kịch của nhân vật Vũ Như Tô vì không thực sự hiểu được mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống, giữa cái đẹp và cái thiện mà chìm đắm trong ảo vọng buộc người nghệ sĩ phải trả giá bằng sinh mạng cho đứa con tinh thần cửu trùng đài.

Vậy trước tiên ta phải hiểu bi kịch là gì? Bi kịch là những điều tốt đẹp, những giá trị có xu thế phát triển nhưng lại bị ngoại cảnh tác động làm thui chột và hủy hoại nó đi. Bản thân chủ thể của cái đẹp cảm nhận được nỗi đau ấy thì lúc đó nó trở thành bi kịch cá nhân.

Vũ Như Tô trong tác phẩm là kiến trúc sư thiên tài bị nhà vua ép xây dựng cửu trùng đài để làm nơi hưởng lạc vui chơi với cung nữ. Vốn là người nghệ sĩ chân chính ông quyết từ chối không làm nhưng sau khi được Đan Thiềm_người cung nữ say mê cái đẹp thuyết phục đó là lợi dụng tiền của và quyền lực của vua để điểm tô cho đất nước bằng một tác phẩm nghệ thuật lộng lẫy xa hoa có thể “Tranh tinh xảo với hóa công” và cho “dân ta nghìn thu còn hãnh diện”. Ông đồng ý thực thi mệnh lệnh của hôn quân nhưng trên tinh thần đóng góp cho đất nước. Tuy nhiên ông chỉ đứng trên tư cách của người nghệ sĩ ham mê sáng tạo cái đẹp mà không để mình đứng trên lập trường nhân dân. Kể từ đó cuộc đời ông rơi vào bi kịch và cao trào nhất của tấn bi kịch là ở đoạn trích “Vĩnh biệt cửu trùng đài”.

Bi kịch mà Vũ Như Tô gặp phải là con người có tài năng, hoài bão lớn lao muốn cống hiến cho dân tộc nhưng lại không nhận thức được mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống. Nghệ thuật là cái đẹp được người nghệ sĩ chân chính tạo nên. Cuộc sống là thực tại khách quan bên ngoài. Nghệ thuật và cuộc sống có sự tác động qua lại với nhau. Nghệ thuật phải được xây dựng dựa trên nhu cầu đời sống nhân dân, nghệ thuật phải làm đẹp cho con người, nghệ thuật không thể đứng trên lợi ích của quần chúng, hủy hoại đời sống nhân loại. Đó không phải là nghệ thuật vị nhân sinh để tôn thờ mà chỉ là nghệ thuật vị nghệ thuật. Vì xây dựng cửu trùng đài mà hao hụt ngân sách triều đình, nhân dân bị tăng thêm tô thuế, bị bòn rút cả về sức người và sức của, có biết bao con người vì nó mà đầu rơi máu chảy, tan xương nát thịt. Có người bị tai nạn lao động, có thợ bỏ trốn bị Vũ Như Tô cho giết hại, gia đình tan nát đau thương. Vậy cửu trùng đài_ công trình nghệ thuật tuyệt mĩ cho dân tộc được xây đắp bởi mồ hôi, xương máu và nước mắt của nhân dân là đúng hay sai, là có thực sự cần thiết với dân chúng hay không? Vũ Như Tô có thực sự đáng trách chăng khi ông chỉ đứng trên cương vị của người nghệ sĩ nung nấu một lòng muốn làm đẹp cho đất nước mà quên mất rằng nhân dân đang lầm than cực khổ. Cuộc sống thực tại là điều kiện duy nhất để công trình nghệ thuật có thể tồn tại với thời gian hay sẽ bị hủy diệt ngay trong khoảnh khắc. Nghệ thuật phù hợp với cuộc sống ắt hẳn sẽ điểm tô cho dân tộc, nghìn đời dân ta mãi tự hào vang danh. Nhưng trong bối cảnh lúc bấy giờ thực sự nó là thảm họa của những người dân vô tội.

Vũ Như Tô chỉ chìm đắm trong ảo vọng say mê cái đẹp quá mức không thể thoát ra được khỏi mộng tưởng. Giấc mộng ấy bắt đầu từ khi ông quyết định mượn tay bạo chúa xây một công trình điểm tô cho đời. Ông càng sáng suốt trong ý tưởng thiết kế bao nhiêu càng xa rời hiện thực bấy nhiêu. Ngay cả khi dân chúng đứng lên tạo phản ông vẫn không nhận thức được mấu chốt vấn đề của thực tại, được Đan Thiềm khuyên bỏ trốn vẫn kiên quyết một lòng sống chết cùng cửu trùng đài, nghe tiến quân lính hò reo đòi bắt ông để phanh thây nhưng vẫn ngoan cố đấu lí với cuộc đời “ Có lí gì để họ giết tôi?”, bị quân làm phản bắt vẫn nuôi hy vọng được gặp tướng lĩnh của chúng để được phân trần, bày tỏ nguyện vọng, lí tưởng của bản thân. Vũ Như Tô yêu cửu trùng đài hơn cả tính mạng của bản thân nên ông mãi không tỉnh vẫn cho là mình bị hiểu lầm. Hay tận mắt chứng kiến Nguyễn Vũ tự sát, nghe tên nội giám thông báo kẻ phá người đốt cửu trùng đài ông vẫn cho đó là điều vô lí không thể xảy ra. Đứng trên phương diện nào đó thì Vũ Như Tô là người có khí chất anh hùng dám làm dám chịu nhưng xét mặt khác thì đó là ngoan cố, bảo thủ đến mù quáng vẫn say sưa giấc mộng “Vài năm nữa, đài cửu trùng hoàn thành, cao cả, huy hoàng, giữa cõi trần lao lực, có một cảnh bồng lai..” trong khi đó có biết bao con người đang oán hận ông và đài cửu trùng. Tận mắt chứng kiến đứa con tinh thần cùng bao tâm huyết dồn vào đó bị thiêu cháy ánh lửa sáng rực cả tàn than, bụi khói bay vào Vũ Như Tô ông mới thực sự tin đó là sự thật mà kêu lên thảm thiết, xót xa tuyệt vọng: “Đốt thực rồi! Đốt thực rồi! Ôi đảng ác! Ôi muôn phần căm giận! Trời ơi! Phú cho ta cái tài làm gì? Ôi mộng lớn! Ôi Đan Thiềm! Ôi cửu trùng đài”. Ông như từ trên đỉnh cao chót vót mộng tưởng rơi xuống vực thẳm hiện thực nghiệt ngã. Đó là cái giá mà ông phải trả vì đã không suy xét trước sau không nghĩ tới những điều xấu nhất có thể xảy ra, mà quan trọng nhất vẫn là quá ảo tưởng về công trình nghệ thuật của bản thân để rồi tất cả nối tiếp nhau dội xuống những âm thanh của đau thương, tang tóc.

Vũ Như Tô là con người có tài năng, có lí tưởng nhưng lại bị hiện thực vùi dập bởi quá tin yêu cái đẹp mà không nhận thức được giá trị thực sự của cái đẹp là phục vụ cho đời sống nhân dân. Bi kịch mà ông gặp phải là tài năng không may bị đặt nhầm chỗ, nhầm thời. Cửu trùng đài bị phá hủy, Vũ Như Tô và Đan Thiềm bị giết chết là bởi cái đẹp mà họ tạo ra trước mắt là thực thi mệnh lệnh của hôn quân, trái ngược với lợi ích và mong muốn của nhân dân nên dù cho đó là khát vọng điểm tô đất nước cũng không được chấp nhận bởi hiện thực khách quan. Qua đây cũng cho ta bài học nhận thức đối với Đảng và nhà nước làm gì cũng cần có sự ủng hộ của quần chúng, vì lợi ích của nhân dân để thực hiện nếu không vẫn là quy luật “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”.

Bi kịch của Vũ Như Tô bị đẩy lên đến cao trào thể hiện mâu thuẫn giữa người nghệ sĩ với nhân dân, giữa cái đẹp thuần túy với cái thiện và giữa nghệ thuật với cuộc sống. Mâu thuẫn ấy bấy lâu nau chưa bao giờ được giải quyết thỏa đáng bởi đời sống vật chất có được đáp ứng đầy đủ thì nhân dân mới có nhu cầu về cái đẹp. Tấn bi kịch đã thể hiện tài năng ngôn ngữ, xung đột kịch, khắc họa được chân dung nhân vật qua ngôn ngữ, tính cách, hành động và qua đó cho thấy tấm lòng cảm thông sâu sắc, sự đáng tiếc, xót thương cho nhân tài và cái đẹp bị hủy diệt. Ông đồng tình với khao khát sáng tạo cái đẹp của Vũ Như Tô nhưng cũng phản đối việc ông cũng như các nghệ sĩ khác chỉ biết chăm chú đến nghệ thuật mà bỏ qua lợi ích quần chúng, xa rời hiện thực.

Như vậy qua tấn bi kịch của nhân vật rất có ý nghĩa với câu chuyện và là bài học nhận thức cho độc giả. Qua đó ta cũng thấy được nhân cách, tấm lòng và tài năng của vị kiến trúc sư hiếm có chỉ tiếc rằng cái tài của ông lại không đúng thời, đúng chỗ. Thể hiện nỗi băn khoăn của tác giả: “Đài cửu trùng không thành, nên mừng hay nên tiếc? chẳng biết Vũ Như Tô phải hay những kẻ giết Vũ Như Tô phải…ta chẳng biết. Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm” (Trích lời đề tựa viết một năm sau khi vở kịch ra đời)

Nguồn: vietjack

Các bài học liên quan