Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Văn mẫu: Hai đứa trẻ (Thạch Lam)

Gửi bởi: Nguyễn Thị Ngọc 29 tháng 10 2019 lúc 17:28:40


Mục lục
* * * * *

Phân tích truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam

Tác giả

   Thạch Lam (1910-1942) tên khai sinh là Nguyễn Tường Vinh, sinh tại Hà Nội, trong một gia đình công chức gốc quan lại. Gia đình Thạch Lam có truyền thống về văn học, cả ba anh em ông đều là những tác giả xuất sắc trong Tự lực văn đoàn. Ông bắt đầu sự nghiệp làm báo, viết văn sau khi đỗ tú tài phần thứ nhất.

   Thạch Lam là người đôn hậu và rất tinh tế. Ông có quan niệm văn chương lành mạnh, tiến bộ và có biệt tài về truyện ngắn. Ông thường viết những truyện không có chuyện, chủ yếu khai thác thế giới nội tâm của nhân vật với những cảm xúc mong manh, mơ hồ trong cuộc sống thường ngày. Văn Thạch Lam trong sáng, giản dị mà thâm trầm, sâu sắc.

   Thạch Lam để lại những tác phẩm xuất sắc như tập truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa (1937), Nắng trong vườn (1938), Sợi tóc (1942); tùy bút Hà Nội băm sáu phố phường (1943).

Tác phẩm

   Hai đứa trẻ là một trong những truyện ngắn đặc sắc của Thạch Lam, in trong tập Nắng trong vườn. Cũng như nhiều truyện ngắn khác của ông, Hai đứa trẻ có sự hòa quyện giữa yếu tố hiện thực và lãng mạn trữ tình.

Tìm hiểu tác phẩm

- Thời gian và không gian cảnh chiều nơi phố huyện

   Không gian trong tác phẩm là khung cảnh nơi một phố huyện nghèo trước Cách mạng tháng Tám với những chi tiết thơ mộng, chứa chan tình cảm (một buổi chiều êm ả như ru). Đây là một không gian thực. Ngoài ra, trong truyện còn đề cập đến không gian hồi tưởng của chị em Liên - đó là không gian cuộc sống lúc gia đình Liên và An còn ở Hà Nội; và không gian mơ tưởng - nơi Hà Nội xa xăm, tấp nập, sáng rực, huyên náo và hạnh phúc.

   Thời gian là một buổi tiều tàn, có tiếng trống thu không, ếch nhái kêu ran ngoài đồng; ở chợ mọi người đang chuẩn bị ra về sau buổi buôn bán. Tiếp theo đó là bóng tối của màn đêm bao phủ "một đêm tối tịch mịch"

   Cảnh vật xơ xác, vương vãi trên đất những thứ rác rưởi, vỏ thị, vỏ bưởi, lá nhãn... lũ trẻ thì tranh nhau nhặt nhạnh, bòn mót.

- Cuộc sống và hình ảnh của những người dân sống nơi phố huyện

    Cuộc sống của những con người nơi phố huyện nghèo rất ngột ngạt, đơn điệu, tù túng, nhàm chán, vô vị và luôn bị cái nghèo đói đe đọa bất cứ lúc nào. Những hình ảnh như: gánh hàng nước ế ẩm của mẹ con chị Tí, gánh phở của bác Siêu, cảnh bó gối trên manh chiếu ngồi giữa trời đêm của gia đình bác Xẩm và bà cụ Thi hơi điên cho thấy những mảnh đời buồn tẻ của những nghèo trước cách mạng.

   Họ sống cuộc đời lam lũ nhưng lại rất trung thực, tình nghĩa, chịu thương chịu khó và luôn mong ước một điều gì tươi sáng cho cuộc sống ngày mai. Điều này được thể hiện qua các chi tiết sau:

   Mẹ con chị Tí ban ngày sinh sống bằng cách mò cua bắt tép, tối đến lại bày hàng nước cho đến khuya dù rất ế ẩm; chỉ có mấy người phu gạo hay phu xe, thỉnh thoảng mới có mấy chú lính lệ tạt qua uống chén nước.

   Gánh phở của bác Siêu cứ tối lại bày bán nhưng đó lại là một món quà hết sức xa xỉ đối với những người dân nghèo nơi phố huyện.

   Gia đình bác Xẩm đói nghèo, lam lũ vẫn đều đặn hàng đêm chờ đợi khách nơi phố chợ nghe đàn nhưng hầu như chẳng ai buồn quan tâm; và giữa màn đêm tịch mịch ấy, tiếng đàn góp "vui" của bác khiến cảnh vật và con người buồn ảm đạm hơn.

   Hình ảnh bà cụ Thi hơi điên hay mua rượu ở cửa hàng của hai chị em Liên là dấu hiệu chứng tỏ cuộc sổng bế tắc, nghẹt thở đến tột đỉnh của con người.

- Tâm trạng của hai nhân vật chính trong tóc phẩm là Liên và An

   Hai chị em Liên và An là những đứa trẻ ngoan ngoãn, hồn nhiên, chân thực. Dù còn ít tuổi nhưng họ đã có những cảm nhận thật sâu sắc trước hoàn cảnh sống.

   Sống ở nơi buồn bã, nghèo khó, một mặt họ rất yêu thiên nhiên, cảm thây gắn bó thân thuộc trước những hình ảnh bình dị của quê hương "Một mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn với mùi cát bụi quen thuộc quá,, khiến chị em Liên tưởng là mùi riêng của đất, của quê hương này" nhưng mặt khác, họ lại cảm thấy cuộc sống ở đây thật buồn tẻ, nhàm chán, muốn hướng về một nơi mới tươi sáng hơn, đẹp đẽ hơn.

- Hình ảnh đoàn tàu và ý nghĩa của nó

   Đoàn tàu trong truyện là một hình ảnh đặc sắc, thể hiện một chút niềm tin, hi vọng tươi sáng cho cuộc sống của người dân nơi phố chợ. Đoàn tàu được miêu tả với những hình ảnh chân thật, khi tàu đi qua cảnh phố huyện như tươi sáng hơn, nhộn nhịp hơn. Đối với chị em Liên, đêm nào cũng vậy, dù buồn ngủ đến đâu cũng cố thức đợi chuyến tàu qua. Chuyến tàu mang đến cho họ một ước vọng mơ hồ về "một Hà Nội sáng rực và huyên náo", chuyến tàu gợi cho họ những kí ức của tháng ngày êm đềm hạnh phúc trước đây - xem đó như một niềm an ủi trong cuộc sống từ túng hiện đại.

    Và để rồi khi chuyển tàu qua, họ trở lại với cuộc sống thực tại nghèo khó, vô vị - cuộc sống mà "món phở của bác Siêu trở thành một món quà xa xỉ không bao giờ mua được". Để rồi tối hôm sau, họ lại chờ đợi đoàn tàu cũng giống như chờ đợi một ước mơ — một ước mơ kéo đài, chập chờn chưa định hình hẳn.

Cảm nhận về truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam 

Chạm đến những trang văn của Thạch Lam người đọc sẽ cảm nhận được cái tinh tế, cái dịu dàng trong từng câu chữ ở mỗi tác phẩm của ông. Truyện của Thạch Lam là như vậy, ông không tìm đến những gì siêu tục, những mâu thuẫn gay cấn, ông tìm về cuộc sống đời thương dung dị, lách sâu ngòi bút vào từng tâm hồn con người, từng cảnh ngộ để phát hiện, để trân trọng, nâu niu những khao khát bé nhỏ của họ. Đọc Hai đứa trẻ cũng đem đến cho người đọc những rung cảm như vậy, gấp trang sách ta vẫn còn bị lay động mãi không thôi bởi ước mơ đổi đời của những con người sống nơi phố huyện.

    Tác phẩm bắt đầu bằng khoảnh khắc ngày tàn khi tiếng trông thu không vang lên từng tiếng một báo hiệu một buổi chiều đã về, khi phương tây ánh mặt trời đỏ rực như lửa cháy, khoảnh khắc của ngày tàn dần bao trùm lên không gian và cảnh vật. Khung cảnh ấy thật nên thơ mà cũng đượm buồn, có điều gì đó tha thiết, khắc khoải trong từng câu chữ: “Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào”. Nhịp văn êm ái như chính nhịp sống chậm rãi, trầm buồn của cuộc sống con người nơi đây. Chẳng mấy chốc bóng tối đã phủ kín lối, tối đen hết cả con đường trong ngõ, con đường ra sông. Bấy giờ là lúc ngàn vì sao lấp lánh hiện lên bầu trời. Những vì tinh tú ở trên trời, những đốm sáng lập lèo của những con đom đóm ở mặt đất hòa cùng một điệu phần nào xua đi cái tăm tối của cuộc sống nơi đây. Bức tranh nên thơ, phác những nét rất mỏng, rất nhẹ, thấm đượm nỗi buồn. Là nỗi buồn của con người sang cảnh vật, hay của cảnh vật sang con người. Có lẽ là cả hai, chúng hòa vào với nhau làm bật lên nỗi buồn, sự quạnh hiu của cuộc sống nơi đây.

    Trong bầu không khí bẳng lảng bóng chiều, hay khi màn đêm đã buông xuống là những con người, là những kiếp người nhỏ bé, lay lắt sống ở phố huyện lần lượt hiện ra. Ta thấy hình bóng những đứa trẻ đang cặm cụi nhặt những thứ phế phẩm còn vương lại trên mặt đất sau buổi họp chợ. Ta thấy gia đình chị Tí bán hàng nước cặm cụi sống qua ngày, với những vị khách quá đỗi quen thuộc, dù “sớm với muộn mà có ăn thua gì”. Ta cảm nhận thấy trong câu nói cả sự bất lực, buông xuôi, nhưng chị vẫn đi vì vẫn không thôi hi vọng. Không chỉ vậy, ta còn thấy gia đình bác Siêu với gánh phở là thứ quà sa sỉ đối với đời sống nơi đây và tiếng cười khanh khách đầy ảm ảnh của bà cụ Thi điên,… Như một thước phim quay chậm, Thạch Lam đã lần lượt, từng chút một cho chúng ta thấy cuộc sống của những con người nơi đây: chậm chãi, nhàm chán và bế tắc.

    Nhưng trong khung cảnh ấy nổi bật lên là cuộc sống của hai chị em nhà Liên và An. Liên và An vốn ở thành thị, nhưng gia đình gặp biến cố nên đã chuyển về đây sinh sống. Mẹ cô thuê một cửa hàng nhỏ để hai chị em trông coi, kiếm thêm đồng ra đồng vào. Liên – cô gái mới lớn, nhạy cảm, tinh tế và mang trong mình những khao khát mãnh liệt về tương lai. Cái nhạy cảm của người con gái ấy được thể hiện ở rất nhiều cảnh huống khác nhau, khi là cái buồn man mác trước thời khắc của ngày tàn, khi là nỗi thương thầm kín với những đứa trẻ nhặt rác nhưng chị cũng không thể giúp chúng, lúc lại là niềm cảm thông với gia cảnh nghèo khó của chị Tí,… Đặc biệt tâm hồn ấy còn được tô đậm khi chị ngồi lặng im trong bóng tối, và cảm nhận những sự vận động tế vi đã diễn ra xung quanh mình: “Qua kẽ lá của cành bàng, ngàn sao vẫn lấp lánh; một con đom đóm bám vào mặt lá, vùng sáng nhỏ xanh nhấp nháy rồi hoa bàng rụng xuống vai Liên khe khẽ, thỉnh thoảng từng loạt một. Tầm hồn Liên yên tĩnh hẳn, có những cảm giác mơ hồ không hiểu”. Trong bóng đêm ấy, Liên vẫn không ngừng đưa mắt tìm kiếm, dõi theo những luồng ánh sáng khác nhau: là ánh sáng xa xôi của những ngôi sao, là ánh sáng của những con đom đóm,… và chính cô bé cũng mơ hồ không hiểu hết những cảm xúc của mình. Phải chăng, trong vô thức, trong tận cùng tâm hồn cô vẫn luôn khao khát, vẫn luôn hướng về tương lai tươi sáng, rực rỡ phía trước. Và khát khao đó đã được Thạch Lam thể hiện rõ nhất trong cảnh chờ đoàn tàu đi qua phố huyện.

    Đoàn tàu qua phố huyện là hoạt động cuối cùng của đêm, nhưng tất cả mọi người đều chờ đợi khoảnh khắc đoàn tàu đi qua. Tiếng reo vui của bác Siêu: “đèn ghi đã ra kia rồi” hay tiếng Liên gọi em gấp gáp: “dậy đi, An. Tàu đến rồi” tất cả đều một lòng hướng đến sự chuyển động cuối cùng của đêm này. Đoàn tàu đến mang lại những điều cao cả hơn vật chất tầm thương, nó mang đến một thế giới khác, thế giới của ánh sáng, của niềm tin, hi vọng, thế giới của những giấc mơ đổi đời. Thật đáng trân trọng và nâng niu những mơ ước chân thành mà cháy bỏng của họ. Cuộc sống quẩn quanh bế tắc không làm họ mất đi niềm tìn, mong muốn về một cuộc sống khác. Họ lặng lẽ sống qua ngày và nuôi dưỡng mơ ước ấy thông qua thế hệ trẻ (chị em Liên và An). Đối với chị em Liên và An, đoàn tàu còn là biểu tượng cho quá khứ đẹp đẽ, huy hoàng. Thạch Lam đã thật tinh tế khi đã phát hiện những tình cảm cao quý và đẹp đẽ ấy, ông đã lách sâu ngòi bút của mình để phát hiện và trân trọng những mơ ước cao đẹp của con người.

    Hai đứa trẻ là tác phẩm giàu chất thơ, thẫm đẫm chất trữ tình ở khung cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, mông mơ mà đượm buồn, ở những cung bậc cảm xúc phong phú trong thế giới nội tâm của Liên. Nghệ thuật đối lập, tương phản giữa ánh sáng và bóng tối vừa cho thây hiện thực cuộc sống của con người nơi đây, vừa cho thấy niềm tin, hi vọng nhỏ bé mà mãnh liệt vào tương lai. Ngôn ngữ giản dị, tràn đầy cảm xúc. Giọng điệu linh hoạt, nhẹ nhàng mà lắng sâu cảm xúc nơi người đọc.

    Những dòng cuối cùng kết thúc tác phẩm, người đọc dường như vẫn chìm đắm trong không gian bàng bạc chất thơ mà buồn da diết. Ta cảm thương cho số phận của những con người nghèo khổ, sống cuộc đời quẩn quanh, bế tắc nơi phố huyện. Nhưng đồng thời ta cũng trân trọng, nâng niu những ước mơ, khát vọng hướng đến tươi lai tốt đẹp của họ. Với tác phẩm này cũng như rất nhiều tác phẩm khác Thạch Lam đã thể hiện tấm lòng nhân đạo và nhân văn sâu sắc của mình đối với con người.

Phân tích bức tranh phố huyện lúc chiều tàn trong tác phẩm Hai đứa trẻ 

 Thạch Lam một trong những cây bút chủ lực của Tự lực văn đoàn. Các tác phẩm của ông thiên về những cảm xúc trong trẻo, nhẹ nhàng mà vô cùng sâu lắng. Đằng sau những trang văn thấm đẫm chất thơ là niềm cảm thương, tấm lòng nhân đạo với những kiếp người nghèo khổ trong xã hội. Truyện ngắn Hai đứa trẻ là một trong những truyện nổi bật nhất của ông. Nắm bắt khoảnh khắc ngày tàn, Thạch Lam đã vẽ nên cuộc sống đầy ảm đảm mà cũng ngập tràn mơ ước của con người nơi đây.

    Thạch Lam lựa chọn thời điểm hoàng hôn, khi mọi vật bắt đầu chuẩn bị đi vào trạng thái nghỉ ngơi. Bằng ngòi bút tinh tế, nhạy cảm ông không chỉ nắm bắt cái thần thái của cuộc sống con người mà đó còn là bức tranh thiên nhiên. Qua hai bức tranh đó thể hiện những quan điểm, cảm xúc của tác giả trước hiện thực cuộc sống.

    Bức tranh thiên nhiên mơ mộng mà đượm buồn, âm thanh còn vương lại chỉ là “tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ; từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều”, xa xa là tiếng ếch nhái kêu ran theo tiếng gió đưa vào. Âm thanh tưởng là náo động, rộn rã mà hóa ra lại da diết, khắc khoải, ảm đạm. Có lẽ không gian phải vắng lặng, tĩnh mịch lắm mới có thể nắm bắt trọn vẹn từng âm thanh ngoài kia đến vậy. Lúc này, mặt trời cũng dần dần đi vào trạng thái nghỉ ngơi: “Phương Tây đỏ rực như lửa cháy”“Những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn”, gam màu sáng, màu nóng nhưng tất cả đều gợi lên sự lụi tàn. Những dãy tre làng trước mặt đen lại cắt hình rõ rệt trên nền trời khiến cho sự ảm đạo bao trùm lên cảnh vật khi bóng tối dần bủa vây xung quanh. Với nhịp điệu chậm, những câu văn giàu tính nhạc tựa như một câu thơ đã vẽ nên khung cảnh yên bình, êm dịu của bức tranh thiên nhiên. Bức tranh hoàng hôn đẹp, mơ mộng, yên ả nhưng đậm nỗi u buồn, ảm đạm.

    Bên cạnh bức tranh thiên nhiên, Thạch Lam còn đưa những nét vẽ của mình hướng đến bức tranh sinh hoạt của con người. Ông nắm lấy khung cảnh của một buổi chợ đã tàn. Người ta thường nói rằng, muốn biết cuộc sống nơi đó ra sao, chỉ cần đến chợ là sẽ biết. Và Thạch Lam cũng làm như vậy. Khung cảnh khu chợ sau buổi họp hiện lên tiêu điều, xơ xác. Âm thanh náo nhiệt, ồn ã đã biến mất, giờ chỉ còn lại cái tĩnh lặng bao trùm. Chỉ còn một vài người bán hàng về muộn ở lại dọn hàng, họ trò chuyện vội vã với nhau vài câu. Trên nền chợ chỉ còn lại rác rưởi, vỏ thị, vỏ bưởi,… Những đứa trẻ con nhà nghèo ở ven chợ cúi lom khom trên mặt đất, đi tìm tòi, nhặt nhạnh những thanh nứa thanh tre hay bất cứ những gì còn sót lại… cảnh tình của chúng thật đáng thương, tội nghiệp. Mẹ con chị Tí ngày mò cua, bắt ốc, đêm lại dọn hàng nước bán, dù đã chăm chỉ làm lụng nhưng vẫn không đủ sống. Bà cụ Thi điên nghiện rượu, lúc nào cũng chìm trong hơi men, xuất hiện cùng tiếng cười khanh khách,… Còn chị em Liên cũng coi giữ một cửa hàng tạp hóa nhỏ, bán những vật dụng đơn giản cho những khách hàng quen thuộc. Liên, An mới chỉ là những đứa trẻ nhưng chúng đã tham gia vào công cuộc mưu sinh. Cuộc sống của những người dân nơi đây quẩn quanh, nhàm chán, họ đại diện cho những kiếp sống mòn, sống mỏi. Trong sâu thẳm họ vẫn luôn khao khát, đợi chờ một điều gì đó tươi sáng hơn cho cuộc sống, nhưng còn mơ hồ, không rõ ràng.

    Nổi bật nhất trong bức tranh đó chính là tâm hồn tinh tế, nhạy cảm của nhân vật Liên. Cô tinh tế, nhạy cảm trước sự biến chuyển của thiên nhiên trong khoảnh khắc ngày tàn, cảm nhận từng chi tiết bé nhỏ mà quen thuộc với cuộc sống nơi đây: “một mùi âm ẩm bốc lên trộn lẫn với mùi cát bụi quen thuộc quá…”, mùi hương thân quen, đã gắn bó với cuộc sống của cô nhiều nằm. “Liên ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen…” ngắm nhìn khung cảnh, dường như cái trầm buồn, yên tĩnh của thiên nhiên thấm sâu vào tâm hồn non nơi, đầy nhạy cảm của cô. Liên còn là một cô bé có tâm lòng nhân hậu, giàu lòng yêu thương. Đó là sự quan tâm với mẹ con chị Tí, những câu hỏi han ân cần, chứa đựng tình yêu thương, xót xa và ái ngại cho hoàn cảnh gia đình chị. Nghe tiếng cười biết đó là cụ Thi đi, Liên “lẳng lặng rót đầy một cút rượu ty đưa cho cụ” và “đứng sững nhìn theo”¬. Trước hình ảnh những đứa trẻ con nghèo nhặt rác chị động lòng thương nhưng bản thân lại không có tiền cho chúng.

    Bức tranh phố huyện lúc chiều tàn là đoạn văn giàu chất trữ tình. Chất thơ ấy tỏa ra từ thiên nhiên, từ cảnh vật quê hương bình dị, rất đỗi thân thuộc là tiếng trống thu không, là tiếng ếch kêu ran ngoài đồng,… Chất thơ còn thể hiện trong tâm hồn đầy nhạy cảm, tinh tế của Liên khi cảm nhận về cuộc sống xung quanh. Không chỉ vậy chất thơ còn thấm đượm trong từ câu chữ, những câu văn nhịp nhàng, có tiết tấu, giàu chất nhạc: “Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào” đã tăng thêm chất trữ tình cho tác phẩm.

    Bức tranh phố huyện lúc chiều tàn vừa khắc họa được bức tranh thiên nhiên đẹp mà đượm buồn, vừa cho thấy cuộc sống quẩn quanh, bế tắc, nghèo nàn của những con người nơi đây. Đằng sau bức tranh phố huyện ta còn thấy được tình yêu thiên nhiên, cũng như tấm lòng nhân đạo sâu sắc của tác giả: trân trọng nâng niu những số phận và ước mơ đổi đời của họ. Nghệ thuật miêu tả đặc sắc, chất trữ tình thấm đượm cũng là những yếu tố tạo nên sự thành công cho tác phẩm.

Nguồn: vietjack

Các bài học liên quan