Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Văn mẫu: Viết bài làm văn số 2: Nghị luận văn học

Gửi bởi: Nguyễn Thị Ngọc 29 tháng 10 2019 lúc 17:16:12


Mục lục
* * * * *

Hình ảnh người phụ nữ xưa qua bài Bánh trôi nước và Thương vợ 

Viết về người phụ nữ trong kho tàng văn học Việt Nam đặc biệt xuất hiện nhiều vào khoảng thế kỉ XVIII. Những tác phẩm là tiếng nói để khẳng định vẻ đẹp phẩm chất cũng như những nỗi truân chuyên bất hạnh trong cuộc đời họ. Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương, hơn ai hết là người thấu hiểu những nỗi cơ cực mà người phụ nữ phải gánh chịu, những điều đó đã được hai tác giả thể hiện xuất sắc qua hai tác phẩm Bánh trôi nước (Hồ Xuân Hương), Thương vợ (Trần Tế Xương).

    Dưới chế độ phong kiến phụ nữ luôn là đối tượng bị áp bức, đè nén, họ phải chịu cảnh Tam tòng “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Cả cuộc đời người phụ nữ phải lệ thuộc vào người khác, họ không được quyết định số phận, hạnh phúc của đời mình. Mặc dùng phải chịu nhiều uất ức, bất công nhưng ở họ vẫn ánh lên vẻ đẹp của sức sống mãnh liệt, của sự tảo tần chịu thương chịu khó.

    Hồ xuân Hương là một người phụ nữ gặp nhiều trắc trở trong chuyện tình duyên. Lấy chồng bà chỉ được làm lẽ, cô đơn, chăn đơn gối chiếc. Nhưng đồng thời bà cũng là một phụ nữ hết sức mạnh mẽ, dám lên tiếng khẳng định vẻ đẹp, giá trị của bản thân:

    Thân em vừa trắng lại vừa tròn;

    Mà em vẫn giữ tấm lòng son

    Người phụ nữ tự khẳng định vẻ đẹp của chính mình. Đó là vẻ đẹp ở hình thức bề ngoài: trắng, tròn. Hình ảnh một người con gái tràn đầy sức sống và hết sức phúc hậu. Đồng thời họ còn mang trong mình tấm lòng thủy chung, son sắt dù cuộc đời kia đối với họ có nhiều bất công, ngang trái.

    Trong tác phẩm Thương vợ, vẻ đẹp của người phụ nữ lại hiện lên ở sự tảo tần, chịu thương, chịu khó:

    “Quanh năm buôn bán ở mom sông

    Nuôi đủ năm con với một chồng”.

    Câu thơ đã cho thấy khung cảnh buôn bán, làm ăn tần tảo của bà Tú để trang trải cho gia đình. Bà gánh vác không chỉ là con cái mà con là cả chồng. Tú Xương đã tự tách mình riêng ra một vế, cho thấy rõ sự tự ý thức về cái bất tài của bản thân, đồng thời ngợi ca, trân trọng sự hi sinh thầm lặng của bà Tú. Dù phải gánh vác cả gia đình nhưng bà Tú không có một lời oán trách: “Một duyên hai nợ âu đành phận/ Năm nắng mười mưa dám quản công”. Lấy ông duyên thì ít mà nợ thì nhiều, ấy vậy mà bà chẳng hề kêu ca, oán thán, bà chấp nhận số phận của mình. Qua đó cho thấy đức hi sinh thầm lặng và cao cả của bà Tú đối với gia đình.

    Mặc dù mang trong mình những phẩm chất đẹp đẽ, xứng đáng được hưởng cuộc sống hạnh phúc, nhưng cuộc đời người phụ nữ lại gặp phải rất nhiều bất hạnh, ngang trái. Đó là người phụ nữ không thể tự quyết định số phận của mình:

    “Bảy nổi ba chìm với nước non

    Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”

    Cuộc đời họ, nổi nênh, vô định, họ đi đâu về đâu họ không thể biết, chữ “mặc dầu” thể hiện thái độ buông xuôi, đó cũng là lời than não nùng cho số phận nổi trôi. Không chỉ vậy, họ còn đau khổ trong cô đơn lạnh lẽo trong cảnh “kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng” của kiếp lấy chồng chung. Có lẽ hơn ai hết, Hồ Xuân Hương là người thấu hiểu nhất của cảnh lấy chồng chồng, bởi vậy mà đã từng có lần mà cất tiếng chửi thật đanh thép mà cũng đầy đau đớn: “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung”.

    Bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương lại đậm tô vào sự vất vả, cực nhọc của người phụ nữ khi phải gánh vác công việc gia đình, khi phải làm trụ cột trong nhà:

    “Quanh năm buôn bán ở mom sông

    Nuôi đủ năm con với một chồng

    Lặn lội thân cò khi quãng vắng

    Eo sèo mặt nước buổi đò đông”.

    Không gian buôn bán của bà Tú thật chật trội và nguy hiểm đó “mom sông” phần đất nhô ra ở bờ sông, gợi lên tư thế chênh vênh, có thể ngã nhào bất cứ lúc nào. Đêm hôm phải lặn lội nơi “quãng vắng”, hoặc phải chen chúc trong những “buổi đò đông” đầy bất trắc, nguy hiểm, đó là nơi người ta chen nhau, tranh cướp, giành giật nhau. Câu thơ đã tái hiện cuộc sống đầy gian truân, vất vả của bà Tú, đồng thời cũng khẳng định phẩm chất đẹp đẽ của bà: tảo tần, tháo vát để trang trải cuộc sống gia đình.

    Qua những bài thơ trên, người đọc cảm thể cảm nhận đầy đủ, sâu sắc nhất những vẻ đẹp phẩm chất, cũng như nỗi bất hạnh trong cuộc đời họ. Từ đó càng trân trọng, cảm thông sâu sắc cho thân phận người phụ nữ xưa. Ngày nay, người phụ nữ đã được sống trong một xã hội bình đẳng, được tôn trọng, nhưng những vẻ đẹp phẩm chất của họ thì còn trường tồn mãi cùng thời gian.

Nhân cách nhà nho chân chính trong bài thơ Bài ca ngất ngưởng

 Nguyễn Công Trứ là người học rộng, tài cao, làm nhiều chức quan lớn trong triều đình. Nhưng cuộc đời ông cũng gặp rất nhiều khó khăn, trắc trở trên con đường hoạn lộ, khi đang làm chức quan lớn trong triều, ông đột ngột bị giáng chức, nhưng khí chất của một nhà nho chân chính thì không gì có thể lay chuyển được. Ông vẫn giữ lối sống “ngất ngưởng” khác thường. Vẻ đẹp của nhà nho chân chính đã được thể hiện trọn vẹn trong tác phẩm Bài ca ngất ngưởng của ông.

    Nhân cách để nói về tư cách, phẩm chất đạo đức của con người, nhà nho là cách gọi những người tri thức xưa, theo lối Nho học. Như vậy, nhân cách của một nhà nho chân chính tức là phải biết “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Nhân cách nhà nho chân chính đối với Nguyễn Công Trứ được thể hiện khi ông còn làm quan trong triều, có đến khi ông cáo quan về hưu.

    “Vũ trụ nội mạc phi phận sự

    Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng

    Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc đông

    Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng

    Lúc Bình Tây cờ đại tướng

    Có khi về phủ doãn Thừa Thiên.”

    Mở đầu tác phẩm ông đã khẳng định mọi việc trong trời đất này đều thuộc phận sự của chính tác giả. Và quả thật trong cuộc đời mình, ông thi đỗ đạt và giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình, nhưng đồng thời ông cùng bộc lộ nỗi buồn vì bản thân bị “vào lồng” sống cuộc đời gò bó, chật hẹp. Các chức vụ ông được giữ đều là những chức vụ quan trọng: Tham tán, Tổng đốc đông, Bình Tây đại tướng, Phủ doãn Thừa Thiên. Bản thân Nguyễn Công Trứ là người có ý thức rất rõ ràng trách nhiệm của một kẻ sĩ với đời. Dù biết rõ ra làm quan sẽ mất đi sự tự do, nhưng ông vẫn sẵn sàng vào cái lồng đó, bởi ở đấy ông mới có cơ hội đem tài năng cống hiến cho đất nước, làm tròn chí làm trai của một nam nhi: “Chí làm trai Nam, Bắc, Đông, Tây/ Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn biển”. Nếu như các nhà Nho luôn sống theo lối khiêm nhường dù bản thân có tài giỏi đến đâu cũng không bao giờ bộc lộ, thì ngược lại ông Hi Văn lại sẵn sàng bộc lộ, dám thể hiện mình và khẳng định bản lĩnh cá nhân: “Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng”. Dường như sau lời thơ của ông ta còn thấy được thái độ coi thường của tác giả với những loại người bất tài nhưng hám danh lợi, sống cuộc đời luồn cúi, trong khuôn khổ. Nhưng con đường làm quan của ông cũng đầy thăng trầm, một cá nhân khi có những biểu hiện khác thường, cách tân so với đám đông thường sẽ bị mọi người ghét bỏ, tìm mọi cách hãm hại. Bởi vậy con đường hoạn lộ của ông mới thăng giáng bất thường như vậy. Có lẽ, lối sống “ngất ngưởng” của ông không phù hợp với khuôn khổ chật hẹp, gò bó của xã hội phong kiến.

    Khi ông từ quan, chính là khoảnh khắc cái tôi ngất ngưởng có cơ hội được thể hiện rõ nhất:

    Đô môn giải tổ chi niên

    Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng

    Kìa núi nọ phau phau mây trắng

    Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi

    Gót tiên theo đủng định một đôi dì

    Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng.

    Nguyễn Công Trứ đã thực sự được sống cuộc đời tự do, tự tại, như con chim được tháo cũ sổ lồng. Những hành động lời nói của ông là biểu hiện của lối sống rất “ngông” đây cũng là nét phẩm chất làm nên cốt cách Nguyễn Công Trứ. Ông Hi Văn cưỡi bò vàng có đeo nhạc ngựa, ông làm biết bao con mắt dõi theo. Về hưu ông dựng nhà ở núi Đại, với mây trắng phau phau bao phủ bốn phía, như chốn bồng lai tiên cảnh. Đồng thời ông cũng thường xuyên đi viếng, thăm thú cảnh chùa nhưng lúc nào cũng dắt theo các cô hầu con. Điều này thật trái với quy tắc của nhà chùa. Nguyễn Công Trứ đã bất chấp mọi luật lệ, sống cuộc đời phá cách, ngang tàng, ngất ngưởng khiến cho bụt “cũng phải cười ông ngất ngưởng”.

    Không chỉ vậy, ông còn bày tỏ quan điểm về lẽ sống: “Được mất dương dương người thái thượng/ Khen chê phơi phới ngọn đông phong”. Ông đưa ra quan niệm giữa được – mất trong cuộc đời này là chuyện bình thường và mỗi người cần bình thản đón nhận những biến đổi của cuộc sống. Đồng thời ông cùng khẳng định ông bỏ ngoài tai những lời khen – chê của thiên hạ đối với mình, thỏa thích vui chơi bất cứ những điều mình muốn: “Khi ca khi tửu, khi cắc, khi tùng/ Không Phật, không Tiên, không vướng tục”.

    Khổ thơ cuối, như một lời tổng kết của Nguyễn Công Trứ: “Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú/ Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung/ Trong triều ai ngất ngưởng như ông”. Dù có thể ông không phải một danh tướng, danh nho nhưng trước sau lòng trung với vua ông vẫn vẹn đạo, đây chính là phẩm chất cao quý của nhà nho, thật đáng trân trọng. Ông đã dành cả cuộc đời cống hiến cho đất nước, làm trọn đạo vua tôi, ở đời ai có thể ngất ngưởng được như ông?

    Qua bài Bài ca nhất ngưởng, ta có thể thấy rằng, lối sống ngất ngưởng của ông đều được xuất phát từ quan niệm Nho giáo đó là đề cao lòng trung quân, đây cũng chính là nhân cách của một nhà nho chân chính. Nhân cách ấy thật đặc biệt, khác lạ, ông không khuôn mình, trói buộc theo những tư tưởng Nho học, mà “ngất ngưởng” theo cách của riêng mình nhưng vẫn vẹn đạo với vua, với nước. Đây cũng chính là điểm nhấn tạo nên dấu ấn riêng biệt cho Nguyễn Công Trứ.

Cảm nghĩ về ngôn ngữ, âm điệu ca dao, tục ngữ, thành ngữ trong bài Thương vợ

Trần Tế Xương một trong những nhà thơ nổi bật của văn học trung đại Việt Nam. Thơ ông mang đậm âm hưởng dân gian đặc biệt thể hiện trong ngôn ngữ sử dụng trong các bài thơ. Bài Thương vợ là một trong những bài thơ thể hiện rõ nhất chất dân gian trong tác phẩm.

    Trước hết về ngôn ngữ, bài thơ được viết bằng chữ Nôm, từ ngữ trong bài được sử dụng hết sức giản dị, trong sáng, dễ hiểu. Bài thơ không sử dụng bất cứ điển tích, điển cố nào, mà hoàn toàn là ngôn từ của nhân dân. Lời thơ giản dị, gần với phong cách khẩu ngữ, đây có thể coi là những lời tự bạch hết sức chân thanh mà giản dị của ông đối với người vợ thân yêu của mình. Bà Tú một mình bươn trải, vất vả cực nhọc nuôi sống cả gia đình, không gian làm việc chật hẹp tù túng “mom sông” “quãng vắng” “buổi đò đông”, tất cả những vất vả, cực nhọc đó Tú Xương vô cùng trân trọng, nâng niu. Dù không giúp gì được cho bà Tú, nhưng có lẽ đôi mắt thương yêu, biết ơn của ông luôn dõi theo từng bước chân của bà. Không chỉ vậy, ngôn ngữ còn hết sức suồng sã, đậm tính khẩu ngữ: “Cha mẹ thói đời” tiếng chửi trong lời thơ Tú Xương vô cùng tự nhiên, giàu khẩu ngữ, góp phần tô đậm tính chất dân gian cho tác phẩm.

    Trong tác phẩm, Tú Xương đã vận dụng thuần thục thành ngữ, tục ngữ, làm cho câu thơ đậm chất dân gian hơn nữa:

    Một duyên hai nợ âu đành phận

    Năm nắng mười mưa dám quản công.

    Lấy Tú Xương đối với bà Tú vừa là duyên mà cũng vừa là nợ. Ở đây tác giả đã vận dụng vô cùng tài tình, linh hoạt thành ngữ “một duyên hai nợ” và “năm nắng mười mưa”. Duyên ở đây thì ít (một duyên) mà nợ ở đây thì nhiều (hai nợ), nhưng đã là duyên số với nhau thì bà Tú chấp nhập, không oán trách, không phàn nàn, “âu đành phận”. Câu thơ này làm ta bất chợt nhớ đến câu ca dao xưa của ông cha:

    “Một duyên, hai nợ, ba tình

    Chiêm bao lẩn khuất bên mình năm canh”

    Hay: “Chồng gì anh, vợ gì tôi

    Chẳng qua là cái nợi đời chi đây”

    Tú Xương đã vận dụng hết sức sáng tạo, cách nói của dân gian để khẳng định, ngợi ca sự hinh sinh thầm lặng, sự nhẫn nhịn của bà Tú với mình trong mối tơ duyên này. Hơn ai hết bà Tú là người ý thức rõ nhất lấy ông Tú là cái phận, số phận vốn phải vậy của bà, bởi vậy, dù có vất vả cực nhọc “mấy nắng mưa” phải lặn lội nơi quãng vắng, tranh cướp trong buổi đò đông bà cũng đâu “dám quản công”. Bà không hề than thở, oán trách, mà thực hiện nó như nghĩa vụ của bản thân. Đây chính là vẻ đẹp phẩm chất vốn có, vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Câu thơ cũng cho thấy tấm lòng thương vợ của Tú Xương, ông thấm thía hết cả những nỗi khổ mà bà Tú phải chịu đựng. Từ tình thương, ông Tú còn biết ơn, trân trọng đức hi sinh thầm lặng của bà Tú đối với gia đình.

    Không chỉ dừng lại ở đó, hình ảnh trong bài thơ cũng đậm chất dân gian, thể hiện rõ nhất trong hình ảnh con cò. Con cò vốn là hình ảnh quen thuộc trong ca dao, dân dân ca, nó gợi nên nỗi thống khổ, vất vả của người nông dẫn giữa của cuộc đời đầy sống gió, bão táp:

    “Cái cò mà đi ăn đêm

    Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao …”

    Hay: “ Con cò lặn lội bờ sông

    Gánh gạo nuôi chồng tiếng khó nỉ non”

    Và bà Tú cũng là một trong những thân cò lam lũ, vất vả như vậy: “Lặn lội thân cò khi quãng vắng”. Công việc của bà Tú là buôn bá gạo ở mom sông Vị Hoàng với rất nhiều nguy hiểm có thể gặp phải, đó là những hôm đi sớm về khuya một mình “nơi quãng vắng” là những ngày chợ đông với bao bon chen, tranh cướp, giành giật nhau “buổi đò đông” đầy bất trắc, nguy hiểm. Chỉ với một chữ “thân cò” thôi nhưng Tú Xương đã khái quát một cách đầy đủ nhất cuộc sống vất vả gian truân của bà Tú, không chỉ vậy còn cho người đọc thấy thêm những phẩm chất cao đẹp của bà: đảm đang, tháo vát, tần tảo để nuôi chồng, nuôi con. Bà quả là một phụ nữ điển hình của Việt Nam.

    Giọng điệu bài thơ có sự kết hợp hài hòa giữa giọng trữ tình và giọng tự sự, trong đó giọng trữ tình là chủ đạo. Giúp thể hiện được những cung bậc cảm xúc của tác giả: là sự biết ơn với người vợ chịu thương, chịu khó, chịu nhiều vất vả, cực khổ; là lời thơ tự trào về chính bản thân mình, trở thành một gánh nợ với gia đình. Đằng sau đó, Tú Xương thể hiện lòng biết ơn sâu sắc với bà Tú.

    Với sự vận dụng linh hoạt, tài tình các chất liệu dân gian từ ngôn ngữ, hình ảnh, giọng điệu,… Tú Xương đã làm nổi bật nỗi vất vả của bà Tú, cũng như vẻ đẹp phẩm chất của bà. Bên cạnh đó thể hiện sự trân trọng, biết ơn sâu sắc của ông với người vợ tao khang. Đồng thời cũng khẳng định tài năng nghệ thuật bậc thầy của Tú Xương.

Nguồn: vietjack

Các bài học liên quan