Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

5 Mở bài mới cho một số tác phẩm trong chương trình

5c905645c12ae0cc913238d224cd59e9
Gửi bởi: Thành Đạt 30 tháng 9 2020 lúc 12:48:52 | Được cập nhật: 24 tháng 4 lúc 19:26:17 Kiểu file: DOCX | Lượt xem: 837 | Lượt Download: 16 | File size: 0.0212 Mb

Nội dung tài liệu

Tải xuống
Link tài liệu:
Tải xuống

Các tài liệu liên quan


Có thể bạn quan tâm


Thông tin tài liệu

5 Mở bài mới cho một số tác phẩm trong chương trình

" Vội vàng" của Xuân Diệu 1. Sinh thời, nhà thơ Xuân Diệu đã từng viết: " Trang sách này tôi gửi cả trái tim Giở cho khéo kẻo lòng tôi động vỡ Hồn người tình mỏng lắm xếp cho êm" Có lẽ vì thế mà ngày hôm nay, cầm trên tay thi phẩm " Vội vàng" tôi như cảm nhận được những nhịp đập trái tim mà nhà thi sĩ họ Ngô trao gửi. Một tâm hồn luôn "khát khao giao cảm với đời", một tâm hồn rạo rực trong men say luyến ái. " Vội vàng " là kết tinh của hồn thơ dào dạt luôn khao khát " níu cuộc sống, chống thời gian" để dành cho tình yêu và tuổi trẻ.... 2. " Ngày hôm nay là một ngày mới. Có lẽ tất cả chúng ta đều dừng lại một chút, hít một hơi thật sâu, rồi tiến lên phía trước với sự am hiểu tường tận rằng khoảnh khắc hiện tại này là tất cả những gì chúng ta đang có" _Sống một cuộc đời đáng sống_ Thời gian là một khái niệm nặng nề và tàn nhẫn. Chỉ cần lạc một bước chân là chẳng thể quay về. Có phải chăng vì thế mà " Vội vàng " của Xuân Diệu trở thành triết lí sống quý giá của con người ? Khát vọng sống mãnh liệt, sống hết mình và quan niệm về thời gian, tuổi trẻ và hạnh phúc của Xuân Diệu được thể hiện rõ nét qua bài thơ.... 3. Giây phút Xuân Diệu thú nhận mình giống như " kẻ hành nhân quáng nắng thiêu, ta cần uống ở suối thương yêu", giây phút mà nhà thơ thú nhận " tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ quá/ Chỉ biết yêu thôi, chẳng hiểu gì" tôi đã ngẩn ngơ trong cái thế giới tình yêu và tuổi trẻ của ông. Đối với nhà thơ, hạnh phúc là ở thực tại, thiên đường là ở mặt đất. Thế nên, Xuân Diệu luôn trong tư thế " Vội vàng" để kịp thời tận thưởng sự sống ở độ viên mãn. Thi phẩm " Vội vàng " của Xuân Diệu thấm thía bao nhiêu tình yêu cuộc sống nồng nàn. Ở đó ta nhận ra những say mê mãnh liệt của một hồn thơ luôn khát khao đến tuyệt đích..... 4. Nhà phê bình văn học Hoài thanh với " Một thời đại trong thi ca" đã viết về Xuân Diệu :" Thơ Xuân Diệu còn là một nguồn sống dào dạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này. Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống cuống quýt muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình. Khi vui cũng như khi buồn, người đều nồng nàn tha thiết". Vì say đắm như thế, vì biết rằng tuổi xuân sẽ qua đi, cuộc đời sẽ mất đi vậy nên Xuân Diệu lúc nào cũng vội vàng, cuống quýt giục giã để tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình. Bài thơ " Vội vàng" là minh chứng cho một hồn thơ nồng nàn mãnh liệt với cuộc đời như thế. Ngay kể cả giây phút: "trong hơi thở chót dâng trời đất/ Cũng vẫn si tinh đến ngất ngư"..... 5. Nhà thơ Chế Lan Viên từng cho rằng: " Trái Đất rộng thêm một phần vì bởi các trang thơ Vì diện tích tâm hồn các nhà thi sĩ" Nhờ có thơ ca, nhờ có tâm tư tình cảm của người nghệ sĩ mà cuộc đời "phù phiếm và chật hẹp của cá nhân" trở nên "thâm trầm và rộng rãi đến trăm nghìn lần". Tôi bỗng nhớ đến cái khao khát sống say mê, nồng nàn của nhà thơ Xuân Diệu. Nhớ đến lần đầu đọc thi phẩm " Vội vàng" của ông mà ước ao yêu cuộc sống trần thế này với tất cả vẻ bình dị, trong trẻo và nồng nhiệt như thế. Bài thơ là bức chân dung tự họa, là một bản tuyên ngôn bằng thơ về lẽ sống, quan niệm sống đầy "thiết tha, rạo rực, băn khoăn" của nhà thơ " mới nhất trong các nhà Thơ mới".....

“Vợ chồng A Phủ”- Tô Hoài

1. Không phải lúc nào cũng cần lên tiếng, phải lập luận đúng sai. Bởi im lặng cũng là thanh âm. Và " thinh lặng là hùng biện cũng là thứ ngôn ngữ mạnh mẽ nhất". Tôi bỗng nhớ đến cái im lặng của Tây Bắc, nhớ đến cái cuộc sống im lìm " lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa" của Mị. Trong trang văn "Vợ chồng A Phủ" - Tô Hoài, nhân vật ít khi cất tiếng. Ngày hôm qua vẫn sẽ như ngày hôm nay, chẳng có gì thay đổi nếu không có cái đêm mùa xuân ở Hồng Ngài. Vào thời khắc ấy, nhân vật Mị đã lấp đầy cuộc sống im lặng của mình bấy lâu nay bằng âm thanh của tình yêu cuộc sống mãnh liệt, bằng khát vọng tự do hạnh phúc tha thiết dẫu cho có bị chà đạp khổ đau.... 2. Cái đẹp của truyện ngắn muôn màu là cái đẹp của chính cuộc sống luôn hiện ra như một thực thể không đáy và mình luôn là kẻ phải mò mẫm dò tìm. Dò tìm trong say mê thì may ra mới thấy được. Và có lẽ, trong mỗi một truyện ngắn để " dò tìm" được thứ " vàng mười đã qua thử lửa" thực chẳng dễ dàng gì. Nhưng may mắn thay, trong những giây phút " dò tìm say mê", tôi có cơ hội bắt gặp bóng dáng của một con người trong cái lặng im Tây Bắc, bắt gặp những tia sáng le lói đằng sau một tâm hồn tưởng như đã chìm vào đêm đen. Trong đêm mùa xuân ở Hồng Ngài dưới trang sách "Vợ chồng A Phủ" của Tô Hoài, tôi tìm thấy Mị - một con người bị chà đạp khổ đau nhưng vẫn yêu cuộc sống mãnh liệt đến da diết.... 3. Rất nhiều tác giả của những truyện ngắn hay là những người cầm bút có cái biệt tài "có thể chọn trong cái dòng đời xuôi chảy một khoảnh khắc thời gian mà ở đó cuộc sống đậm đặc nhất, chứa đựng nhiều ý nghĩa nhất... thậm chí có khi đó là cái khoảnh khắc chứa cả một đời người, một đời nhân loại". Và tôi chợt nghĩ đến Tô Hoài -nhà văn có cái " biệt tài " đó. Với đêm mùa xuân ở Hồng Ngài, chính là " khoảnh khắc thời gian mà ở đó cuộc sống đậm đặc nhất" ông đã thể hiện rõ nét về chân dung nhân vật Mị - người con gái xinh đẹp với sức sống và khát khao hạnh phúc tiềm tàng trong bóng đêm cuộc sống Tây Bắc. 4." Chẳng có nơi nào trên thế gian này là nơi trú ngụ bình an thực sự, đó là bản chất tự nhiên của thế gian. Hãy nương tựa vào chính mình để tìm một chỗ trú ngụ an toàn. Đừng tìm cầu nơi nào khác bên ngoài" ( Chỉ là một cội cây thôi) Chỉ có thể dựa vào động lực bên trong, dựa vào chính mình để tiếp tục sống. Phải chăng chính vì thế mà hình ảnh nhân vật Mị trong trang văn " Vợ chồng A Phủ" của Tô Hoài ngày hôm nay vẫn còn sức quyến rũ lạ thường đối với mỗi độc giả chúng ta? Trong lay lắt khổ đau, Mị vẫn sống âm thầm tiềm tàng mãnh liệt. Những khát vọng của một bản thể ham sống, thiết tha với cuộc đời được thể hiện rõ nét qua đêm mùa xuân ở Hồng Ngài.... 5. Tôi vẫn luôn nghĩ rằng cô Mị trong " Vợ chồng A Phủ"- Tô Hoài sẽ mãi tê liệt với kiếp sống đày ải. Thế nhưng sức sống tiềm tàng một lần nữa lại bùng cháy trong tâm hồn Mị. Mị muốn sống với những tháng năm của những đêm tình mùa xuân. Cái gì đã làm hồi sinh một cô Mị “đầy xuân sắc, xuân tình” nơi một người đàn bà đang mòn mỏi bên tàu ngựa nhà thống lí ? Có phải vì Tết năm ấy rạo rực hơi xuân? Nhà văn Tô Hoài bằng mối quan hoài thường trực về số phận con người đã tái hiện trọn vẹn một tâm hồn mãnh liệt với cuộc đời, mãnh liệt với tình yêu và tuổi trẻ trong Mị vào đêm mùa xuân Hồng Ngài.

“Sóng”- Xuân Quỳnh

1. "Em lo âu trước xa tắp đời mình Trái tim đập những điều không thể nói Trái tim đập cồn cào cơn đói Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn" Đó là những vần thơ mà đôi lần nữ sĩ Xuân Quỳnh đã " Tự hát" lên tha thiết. Và phải chăng, "những gì không thể nói" ấy, thơ ca sẽ nói hộ thành lời ? Những quan niệm về tình yêu của Xuân Quỳnh có lẽ là lí do mà ngày hôm nay ta vẫn thổn thức cùng "Sóng", vẫn lắng nghe âm điệu " dữ dội và dịu êm" còn ngân vang trong lòng như một lời gợi nhớ về tình yêu muôn thuở. Bài thơ là lời gửi gắm những tâm tư sâu kín, những trạng thái phức tạp tinh vi của tâm hồn người thiếu nữ khi nói về tình yêu trẻ trung, nồng nhiệt. 2. Nếu như Xuân Diệu mạnh mẽ, cuồng nhiệt với khát khao luyến ái " Muốn uống tình yêu dập cả môi", nếu như Nguyễn Bính " chân quê" chỉ ngập ngừng e thẹn :" Hình như họ biết chúng mình với nhau" thì Xuân Quỳnh đã góp thêm một tiếng nói về tình yêu trên thi đàn bằng sự có mặt của " Sóng". Bài thơ đã giúp Xuân Quỳnh thể hiện những dấu ấn tâm tình riêng của một trái tim phụ nữ khao khát tình yêu và hạnh phúc. Có cái gì sâu lắng thiết tha nhưng cũng đầy âu lo, khắc khoải ! 3. " Vẫn đó - gió Lào cát trắng trong thơ Những thượng nguồn sông, buồn vui bất chợt Như lòng bạn, lũ trào dâng đột ngột Cuốn mình đi, đắp những bãi bờ xa" Đó là những lời có cánh mà Bằng Việt " gửi một người làm thơ cùng lứa tuổi" là nữ sĩ Xuân Quỳnh. " Những buồn vui bất chợt", những dòng lũ " trào dâng đột ngột" trong tâm hồn của nhà thi sĩ miền La Khê ấy dường như hội tụ trọn vẹn trong " Sóng". Bài thơ là kết tinh những tình cảm chân thành, tha thiết của người phụ nữ đang yêu đồng thời là những dự cảm lo âu của một hồn thơ lúc nào cũng khắc khoải, trở trăn. 4. Sau khi ứng dụng sức mạnh của gió, nước và trọng lực thì đến một ngày nào đó có lẽ chúng ta sẽ sử dụng " sức mạnh của tình yêu" bởi lẽ thứ tình cảm đặc biệt ấy luôn là khao khát chiếm lĩnh của con người muôn thuở. Viết về tình yêu và những cung bậc của nó, tôi còn nhớ mãi "Sóng" _ Xuân Quỳnh. Thi phẩm là minh chứng rõ nét cho một tình yêu " dữ dội và dịu êm", một tình yêu vừa hồn hậu chân thành vừa tươi tắn đắm say. 5. "Tình yêu chứa nhiều sự tò mò, một cuộc dò dẫm bên trong đối phương nhằm đi tìm một mảnh của bản thân..." ( Trọn vẹn con người tôi - Anna Funder) Có lẽ vì tình yêu luôn bí ẩn mà nó luôn gợi lên những câu hỏi. Người bình thường lí giải nó thông qua những mối tình. Nhà thi sĩ cố gắng đi tìm câu trả lời cho nó thông qua những vần thơ. Và với " Sóng" nữ sĩ Xuân Quỳnh bắt đầu hành trình "tìm ra tận bể" để lí giải cho tình yêu, cho những khao khát chẳng bao giờ lặng im của một hồn thơ lúc nào cũng băn khoăn, xao động.

Chiếc thuyền ngoài xa”- Nguyễn Minh Châu 1. Nếu như tương lai của một nhà văn được đánh giá qua văn học anh ta để lại như lời của Brodxy thì tôi nghĩ Nguyễn Minh Châu có thể tự hào về những gì mà ông đã để lại cho đời. Trang sách của Nguyễn Minh Châu đã làm đúng công việc của một kẻ sĩ " nâng giấc cho những người cùng đường tuyệt lộ", làm đúng công việc của một kẻ sĩ luôn " quan hoài thường trực cho số phận con người". " Chiếc thuyền ngoài xa" là minh chứng cho điều đó. Tác phẩm là hành trình khám phá hiện thực ở bề sâu và cũng là khám phá hạt ngọc ẩn dấu, khuất lấp trong mỗi con người. 2. Nhà thơ Chế Lan Viên từng mơ ước văn chương của mình có thể trở thành " tiếng sáo thổi lòng thời đại/ Thành giao liên dẫn dắt đưa đường". Đó phải chăng cũng là khát khao của Nguyễn Minh Châu khi ông viết " Chiếc thuyền ngoài xa" ? Tác phẩm thực sự là "giao liên" dẫn lối, soi đường để đem đến cho con người những bài học về cách nhìn, cách tiếp cận cuộc sống trong cự li gần bởi lẽ " cuộc đời thì đa sự", " con người thì đa đoan". 3. Nếu như trong vở kịch Vũ Như Tô, Nguyễn Huy Tưởng đã nói : “Nghệ thuật mà không gắn liền với đời sống thì đó nó chỉ là những bông hoa ác mà thôi”. Nam Cao đã tha thiết :" Nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối" thì với "Chiếc thuyền ngoài xa" Nguyễn Minh Châu cũng góp thêm một cái nhìn về vấn đề mối quan hệ giữa nghệ thuật đích thực và hiện thực cuộc sống. Bởi lẽ " cuộc đời đa sự, con người đa đoan", bởi lẽ vẻ đẹp hào nhoáng và vô hồn chỉ là bề nổi của những sự thật thương tâm. Với tác phẩm của mình, ông đã đem đến cho người đọc bài học " trông nhìn và thưởng thức" về cách nhìn nhận cuộc sống đa diện. 4. Nhà văn Nguyễn Minh Châu tin rằng: Tình yêu cuộc sống và yêu con người ở nhà văn là niềm hân hoan say mê sau là nỗi đau đớn khắc khoải. Từ Nguyễn Minh Châu, con người với số phận riêng cùng vô vàn trăn trở lo âu được văn học quan tâm. Những trang văn của ông " xác thực, đa dạng và cận nhân tình", trong đó không thể không kể đến " Chiếc thuyền ngoài xa". Một bức tranh hiện thực đầy màu sắc, đằng sau nó ẩn chứa câu chuyện về những con người và cuộc đời hậu chiến. 5. Ngay từ trong chiến tranh, Nguyễn Minh Châu đã mong mỏi làm sao để người viết có thể ôm cho hết vòng tay của mình hiện thực bề bộn cuộc sống, để mỗi tác phẩm viết ra người đọc có thể thấy dáng dấp và nhịp sống thực của họ trên trang sách. Khi đất nước đã vắng bóng tiếng súng, ông vẫn là người ý thức rất rõ về điều này. Mỗi tác phẩm của ông là một sự tiếp xúc hiện thực ở cự li gần. Đặc biệt với " Chiếc thuyền ngoài xa", Nguyễn Minh Châu đã đem đến cách nhìn sự vật đa chiều để đào xới bản chất con người vào các tầng sâu lịch sử. Truyện ngắn thể hiện một bài học đúng đắn về nhân sinh quan của Nguyễn Minh Châu.

“Người lái đò Sông Đà”- Nguyễn Tuân

1. Nguyễn Tuân từng muốn mỗi ngày đều có "cái say của rượu tân hôn", kì vọng mỗi trang đời là một trang nghệ thuật. Luôn luôn đổi mới cảm giác, nhận thức cũng như phương châm cảm thụ cái đẹp, ông coi đời là những “ trang hoa” luôn mở dưới ánh sáng nghệ thuật mới. Và chuyến đi Tây Bắc của nhà văn sau Cách mạng là một " trang hoa" như thế. Để từ đây vẻ đẹp thiên nhiên và con người được mở ra " dưới ánh sáng nghệ thuật" của " Người lái đò Sông Đà". Tác phẩm khắc họa về vẻ đẹp " hung bạo trữ tình" của con sông và vẻ đẹp " tài hoa trí dũng" ở con người trong cái nhìn đôn hậu tha thiết của Nguyễn Tuân. 2. Một thời xưa cũ, sống trong cảnh mất nước " thiếu quê hương", nhà văn Nguyễn Tuân lúc nào cũng bơ vơ, day dứt "thầm lén mà yêu thương, mà ngợi ca đất nước muôn vẻ, muôn hình của mình”. Và khi Đất nước giải phóng, nhà văn đã được thỏa lòng với thú miêu tả, thể hiện non sông muôn màu “Sức mạnh của đất nước luôn luôn hiện hình trên từng tấc gang đường xa”. Và " Người lái đò sông Đà" là áng văn viết về thiên nhiên và con người " trên từng tấc gang đường xa" như thế. Tác phẩm mang vẻ đẹp vừa kì vĩ, hào hùng vừa trữ tình thơ mộng của thiên nhiên và nhất là của con người lao động miền Tây Bắc. 3. Nhà văn Nguyễn Tuân đã từng viết như một sẻ chia: " Mỗi khi cầm bút ướm thử lên tờ giấy trắng trong tinh khiết, tôi cảm thấy sung sướng vô vàn, sung sướng đến chảy nước mắt ra". Phải chăng đó là lí do mà ông thú nhận "tưởng như có thể chết ngay được nếu mất đi quyền viết". Và từ niềm hân hoan đối với mỗi phút giây được sáng tạo như thế mà Nguyễn Tuân viết nên "Người lái đò sông Đà". Tác phẩm là kết quả chuyến đi để kiếm tìm “chất vàng thử lửa của thiên nhiên Tây Bắc” và “chất vàng mười đã qua thử lửa” của con người nơi đây. 4. Nguyễn Tuân học theo "chủ nghĩa xê dịch". Vì thế ông là nhà văn của những tính cách phi thường, của những tình cảm, cảm giác mãnh liệt, của những phong cảnh tuyệt mĩ,của gió, bão, núi cao rừng thiêng, thác ghềnh dữ dội...Và "Người lái đò Sông Đà" là áng văn hội tụ đầy đủ những tính chất đấy. Một tùy bút mang phong cách tự do phóng túng của Nguyễn Tuân với những phát hiện tinh tế về thiên nhiên và con người Tây Bắc. 5. Nhà văn lớn Nguyễn Tuân được mệnh danh là “Người săn tìm cái đẹp”hoặc “Người đi tìm cái đẹp, cái thật”. Trên trang sách của ông trước Cách mạng, chúng ta bắt gặp một "Chữ người tử tù" với nghệ thuật cổ thanh cao của một nền văn minh xưa cũ. Và có cơ hội nhìn ngắm thêm sau Cách mạng tháng Tám con sông thơ mộng và dữ dội đã trở thành dòng chảy huyền thoại, người lái đò vật lộn thác lũ đã trở thành dũng sĩ – nghệ sĩ nhờ ngòi bút tài hoa của nhà văn qua "Người lái đò Sông Đà".