Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Văn mẫu: Người cầm quyền khôi phục uy quyền (V.Huy-Gô)

Gửi bởi: Nguyễn Thị Ngọc 30 tháng 10 2019 lúc 9:53:54


Mục lục
* * * * *

Phân tích đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền 

Vích-to Huy-gô (1802 – 1885) là nhà thơ, nhà văn lãng mạn lớn của nước Pháp thế kỉ XIX, được công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới. Trong suốt cuộc đời, ông nhiệt tình tham gia những hoạt động chính trị và xã hội vì sự tiến bộ của con người. Những tác phẩm tiêu biểu của V. Huy-gô: Tiểu thuyết: Nhà thờ Đức Bà Pa-ri (1831), Những người khốn khổ (1862), Chin mươi ba (1874)… Thơ : về phương Đông (1829), Lá thu (1831), Ánh sáng và bóng tối (1840), Trừng phạt (1853)… Trong đó, Những người khốn khổ (1862) là tác phẩm nổi tiếng nhất.

   Bối cảnh câu chuyện là xã hội tư sản Pháp trong những năm đầu thế kỉ XIX. Nhân vật chính là Giăng Van-giăng – một người thợ làm vườn nghèo khổ vì đập vỡ tủ kính lấy cắp một chiếc bánh mì để nuôi đàn cháu mồ côi nên bị tòa án xử và kết tội mười chín năm tù khổ sai. Sau khi ra tù, nhờ sự cảm hóa của giám mục Mi-ri-en nhân từ nên Giăng Van-giăng đã trở thành người tốt. ông đổi tên là Ma-đơ-len, mở nhà máy và dần dần trở nên giàu có. Ông luôn giúp đỡ mọi người nên được cử làm thị trưởng một thành phố nhỏ. Tên thanh tra mật thám Gia-ve luôn luôn nghi ngờ, rình mò theo dõi ông. Phăng- tin là một phụ nữ xinh đẹp nhưng bất hạnh, làm thợ trong xưởng máy của Ma-đơ-len. Vì có con hoang nên chị bị mụ giám thị sa thải. Cùng đường, Phăng-tin đành phải gửi con cho vợ chồng tên lưu manh Tê-nác-đi-ê, rồi chấp nhận làm gái điếm để lấy tiền nuôi thân và nuôi con. Chị bị Gia-ve bắt bỏ tù, nhờ có ông Ma-đơ-len can thiệp mới thoát nạn, rồi lại được ông đưa vào nằm ở bệnh xá. Đang lúc hết lòng cứu giúp Phăng-tin thì thị trưởng Ma-đơ-lẹn lại quyết định ra tòa tự thú mình là Giăng Van-giăng để cứu Săng-ma-chi-ơ bị bắt oan. Ông chấp nhận vào tù rồi vượt ngục để thực hiện lời hứa với Phăng- tin lúc chị qua đời. Giăng Van-giăng tìm đến nhà Tê-nác-đi-ê, chuộc bé Cô- dét đang phải sống khổ sở rồi đưa lên Pari, sống lẩn trốn nhiều năm. Cuộc khởi nghĩa của nhân dân chống lại chính quyền tư sản nổ ra ở Pa-ri vào tháng sáu năm 1832 được nhà văn miêu tả rất hào hùng với nhiều hình tượng đẹp như chàng sinh viên Ăng-giôn-rát, cụ già Ma-bớp, chú bé Ga-vơ- rốt… Giăng Van-giăng cũng có mặt trên chiến luỹ. Ông đã cứu sống Ma-ri- uýt, người yêu của Cô-dét và bắt được Gia-ve trong lúc hắn đang do thám. Vốn là người nhân hậu và cao thượng, ông đã tha chết cho hắn. Sau khi cuộc khởi nghĩa bị dập tắt, ông vun đắp cho tình yêu của Ma-ri-uýt với Cô- dét, còn mình thì sống và chết trong cảnh cô đơn.

   Người cầm quyền khôi phục uy quyền tuy chỉ là một đoạn trích nhưng tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Huy-gô và mang dấu ấn đặc trưng của chủ nghĩa lãng mạn Pháp. Nội dung đoạn trích phản ánh sự đối lập giữa cái Ác và cái Thiện, giữa cường quyền và nạn nhân. Qua đó, nhà văn phê phán cường quyền, khơi dậy mối đồng cảm với những người khốn khổ và khẳng định lí tưởng nhân đạo tốt đẹp. Lí tưởng nhân đạo của Huy-gô được tập trung thể hiện qua hình tượng nhân vật lãng mạn Giăng Van-giăng với quan niệm: Tất cả mâu thuẫn và bất công xã hội đều có thể giải quyết bằng tình thương. Tuy giải pháp tình thương ấy nhuốm màu ảo tưởng vì không có tính giai cấp nhưng nó vẫn có tác dụng bồi đắp tình cảm và lẽ sống tốt đẹp cho con người.

   Đoạn văn có một vị trí và vai trò đặc biệt trong chuỗi sự kiện về cuộc đời của nhân vật trung tâm. Lần đầu tiên, ông thị trưởng Ma-đơ-len (tức Giăng Van-giăng) buộc phải xuất đầu lộ diện đã chọn giải pháp quyết liệt để đối phó với cường quyền và tìm lối thoát. Nếu trong Những người khốn khổ, Huy- gô nhiều lần miêu tả cuộc đối đầu gay gắt giữa Thiện và Ác thì đoạn trích này có thể coi là pha mở đầu đầy kịch tính.

   Lâu nay, tên thanh tra mật thám Gia-ve tuy ngoài mặt vẫn một mực phục tùng ông thị trưởng Ma-đơ-len, nhưng trong thâm tâm hắn vẫn nghi ngờ ông chính là tên tù khổ sai Giăng Van-giăng đã thay tên đổi họ. Giờ đây, Giăng Van-giăng đã thú nhận tên thật của mình trước tòa nên Gia-ve lập tức khôi phục uy quyền của hắn vì hắn luôn cho rằng mình là đại diện của luật pháp, của chính quyền. Thực ra, hắn chỉ là một tên tay sai mà thôi. Như vậy, ta có thể nghĩ người cầm quyền là nhân vật Gia-ve. Nhưng xét theo diễn biến câu chuyện thì chi tiết tên thanh tra mật thám đang hống hách với Giăng Van- giăng bỗng phải nem nép nghe theo lệnh ông thì người khôi phục uy quyền lại chính là thị trưởng Ma-đơ-len, tức Giăng Van-giăng.

   Bố cục đoạn trích gồm ba phần:

   Phần một: Từ đầu đến… Chị rùng mình: Ma-đơ-len (tức Giăng Van-giăng) chưa mất hẳn uy quyền của một ông thị trưởng.

   Phần hai: Tiếp theo đến… Phăng-tin đã tắt thở: Thị trưởng Ma-đơ-len đã mất hết uy quyền trước tên thanh tra mật thám Gia-ve.

   Phần còn lại: Thị trưởng Ma-đơ-len khôi phục uy quyền của mình.

   Tính cách các nhân vật được Huy-gô dùng nghệ thuật phóng đại trong ẩn dụ và nghệ thuật tương phản để miêu tả. Gia-ve tiêu biểu cho hạng người độc ác. Đối lập với Gia-ve, Giăng Van-giăng là hình ảnh của một vị cứu tinh nhân đức.

   Nhà văn có dụng ý miêu tả tên mật thám Gia-ve như một con ác thú sắp vồ mồi. Ấn tượng đầu tiên của người đọc về Gia-ve là tiếng thét Mau lên! hống hách và đắc thắng của kẻ tiểu nhân thị oai. Tác giả bình luận: Trong cái điệu hắn nói lớn hai tiếng ấy có cái gì man rợ và điên cuồng… Không còn là tiếng người nói mà là tiếng thú gầm. Hắn vừa gầm lên vừa như muốn thôi miên con mồi nên cứ đứng một chỗ, phóng vào con mồi cặp mắt nhìn như cái móc sắt. Sau đó, hắn lao tới túm lấy cổ áo Giăng Van-giăng rồi phá lên cười, cái cười ghê tởm phô ra tất cả hai hàm răng. Thái độ khinh bi và căm ghét của tác giả bộc lộ rõ qua từng chi tiết, hình ảnh và từ ngữ vô cùng chính xác, đồng thời giúp người đọc tưởng tượng ra chân dung quái dị của tên mật thám Gia-ve.

   Tác giả còn làm nổi bật sự tàn độc của con ác thú đội lốt người này qua thái độ và cách xử sự của hắn trước người bệnh. Hắn chẳng thèm quan tâm đến Phăng-tin đang hấp hối mà cứ quát tháo ầm ĩ, láo xược ra lệnh cho Giăng Van-giăng (tức ông thị trưởng Ma-đơ-len): Thế nào! Mày có đi không ?

   Lúc này, Phăng-tin vẫn hi vọng rằng nếu ông thị trưởng còn ở đây thì mình sẽ được gặp con; nhưng Gia-ve đã nhẫn tâm dập tắt tia hi vọng ấy bằng lời tuyên bố trắng trợn: Ở đây làm gì còn có ông thị trưởng nữa. Hắn chẳng cần biết đến chuyện Phăng-tin chỉ còn bấu víu vào cuộc sống bằng niềm tin là ông thị trưởng đã chuộc được Cô-dét, đứa con yêu quý về cho chị. Hắn cố tình tỏ thái độ trịnh thượng và nói rất lớn với ông thị trưởng Ma- đơ-len tức Giăng Van-giăng cốt để cho Phăng-tin nghe thấy: Mày nói giỡn I … Chà chà ! Tao không ngờ mày lại ngốc thế! Mày xin tao ba ngày để chuồn hả! Mày bảo là để đi tìm đứa con cho con đĩ kia! Á à Ị Tốt thật ! Tốt thật đấy! Câu nói đáng sợ của hắn khiến cho Phăng-tin tuyệt vọng, run lên bận bật.

   Thế giới nội tâm của con ác thú Gia-ve còn bộc lộ qua thái độ và cách ứng xử của hắn trước nỗi đau chia lìa của tình mẫu tử. Trước nỗi đau ấy, ai cũng phải mủi lòng, riêng Gia-ve vẫn lòng lim dạ đá. Hắn tỏ ra giận giữ điên cuồng khi nghe tiếng kêu thảm thiết của Phăng-tin: Con tôi!… Đi tìm con tôi! Thế ra nó chưa đến đây ! Bà xơ ơi! Cho tôi biết con Cô-dét đâu. Tồi muốn con tôi! Ông Ma-đơ-len ơi! Ông thị trưởng ơi! Hắn hùng hổ quát nạt: Giờ lại đến lượt con này Ị Đồ khỉ có câm họng đi không ? Cái xứ chó đểu gì mà bọn tù khổ sai làm ông nọ ông kia, còn lũ gái điếm được chạy chữa như những bà hoàng Ị Nhưng này ! Sẽ thay đổi hết; đã đến lúc rồi đấy !

   V. Huy-gô tô đậm tính cách độc ác của Gia-ve bằng thái độ lạnh lùng đến tàn nhẫn của hắn trước cái chết của Phăng-tin. Nếu còn một chút lương tâm một chút tình người thì hắn phải biết giữ im lặng để tỏ ra tôn trọng người vừa chết, chứ không thể tiếp tục quát tháo Giăng Van-giăng: Đừng có lôi thôi! Tao không đến đây để nghe lí sự. Dẹp những cái đó lại. Lính tráng đang ở dưới nhà. Đi ngay, không thì cùm tay lại ! Rõ ràng, tên mật thám Gia-ve đã mất hết tính người.

   Đối lập với tên mật thám Gia-ve hung ác là Giăng Van-giăng có tình thương bao la, sâu sắc đối với đồng loại, ông là hình tượng đáng kính của một vị cứu tinh, một nhân vật lãng mạn điển hình. Giăng Van-giăng không quan tâm đến việc Gia-ve đến bắt mình. Điều mà ông quan tâm lúc này là lo lắng, chăm sóc và dồn tất cả tình thương cho người đàn bà khốn khổ Phăng- tin. Tưởng là Gia-ve lại đến bắt mình nên Phăng-tin sợ hãi kêu cứu : Ông Ma- đơ-len, cứu tôi với ! Để cho Phăng-tin yên tâm, Giăng Van-giăng điềm tĩnh, nhẹ nhàng nói với chị: Cứ yên tâm. Không phải nó đến bắt chị đâu. Rồi ông quay sang nói với Gia-ve: Tôi biết là anh muốn gì rồi. Câu nói ấy chứng tỏ ông biết hắn đến để bắt ông. Tác giả đã thể hiện sự tinh tế trong ngôn ngữ và hành động của Giăng Van-giăng đối với Phăng-tin và Gia-ve. Tất cả đều nhằm mục đích níu giữ sự sống của Phăng-tin.

   Giăng Van-giăng hiểu rằng Cô-dét là tất cả tình yêu, là cuộc sống của Phăng-tin nên ông đành hạ mình năn ni Gia-ve: Xin ông thư cho ba ngày! Ba ngày để đi tìm đứa con cho người đàn bà đáng thương kia! Phải trả giá thế nào tôi cũng chịu. Nếu muốn, ông cứ đi kèm tôi cũng được. Tấm lòng cảm thông sâu sắc của Giăng Van-giăng trước một số phận đáng thương khiến người đọc cũng bùi ngùi cảm động. Hành động của Giăng Van-giăng là nghĩa cử đẹp đẽ đáng trân trọng, là sự tỏa sáng của tinh thần nhân văn cao cả.

   Giăng Van-giăng càng nhún mình bao nhiêu thì Gia-ve lại càng kiêu căng, hống hách bấy nhiêu: Hắn nhìn Phăng-tin trừng trừng, lại túm một túm lấy cổ áo và ca-vát của Giăng Van-giăng, nói thêm: Tao đã bảo không có ông Ma- đơ-len, không có ông thị trưởng nào cả. Chĩ có một tên kẻ cắp, một tên kẻ cướp, một tên tù khổ sai là Giăng Van-giăng! Tao bắt được nó đây này! Chỉ có thế thôi! Phăng-tin đã chứng kiến những hành động và lời nói thô lỗ, láo xược của Gia-ve nên chị hiểu rằng ông thị trưởng Ma-đơ-len không còn là chỗ dựa vững chắc của mình được nữa. Chị thực sự chới với trong nỗi đau khổ và tuyệt vọng.

   Đoạn văn miêu tả cảnh Phăng-tin tắt thở chân thực và cảm động: Phăng- tin chống hai bàn tay và hai cánh tay cứng đơ vùng nhổm dậy, chị nhìn Giăng Van-giăng, chị nhìn Gia-ve, chị nhìn bà xơ, chị há miệng như muốn nói, từ trong họng thốt ra tiếng rên, răng đánh vào nhau cầm cập, chị hoảng hốt giơ tay lên, hai bàn tay cố sức mở ra tìm chỗ bám như người rơi xuống nước đang chới với, rồi chị bỗng ngã vật xuống gối. Đầu chị đập vào thành giường rồi ngoẹo xuống ngực, miệng há hốc, hai mắt mở to và lờ đờ. Phăng-tin đã tắt thở. Đây cũng chính là thời khắc tính cách của Giăng Van-giăng chuyển biến đột ngột. Lúc Phăng-tin còn sống, ông cố kiềm chế lời nói và hành động của mình trước Gia-ve, nhưng khi Phăng-tin đã chết, ông vụt trở nên mạnh mẽ và dữ dội: Giăng Van-giăng để tay lên bàn tay Gia-ve đang túm lấy ông, cậy bàn tay ấy ra như cậy bàn tay trẻ con và bảo hắn: Anh đã giết chết người đàn bà này rồi đó. Tên mật thám Gia-ve không xứng là đối thủ của ông. Hắn phát khùng và doạ cùm tay ông. Hành động của Giăng Van-giăng thật bất ngờ và quyết liệt: Trong góc phòng có chiếc giường sắt cũ đã ọp ẹp, dùng để các bà xơ ngả lưng những hôm phải trực đêm. Giăng Van-giăng đi tới, giật gẫy trong chớp mắt chiếc giường cũ nát, việc làm chẳng khó khăn gì đối với những cơ bắp như của ông, ông cầm lăm lăm cái thanh giường trong tay và nhìn Gia-ve trừng trừng, Gia-ve lùi ra phía cửa. Lúc này, người cầm quyền (thị trưởng Ma-đơ-len tức Giăng Van-giăng) đã khôi phục uy quyền và tên mật thám Gia-ve thực sự run sợ.

   Tính cách của Giăng Van-giăng còn được tác giả miêu tả gián tiếp qua lời cầu cứu của Phăng-tin luôn hướng về ông: Con tôi! Chị kêu lên. Đi tìm con tôi! Thế ra nó chưa đến đây! Bà xơ ơi! Cho tôi biết con Cô-dét đâu. Tôi muốn con tôi! Ông Ma-đơ-len ơi! Ông thị trưởng ơi! Đồng thời được thể hiện qua chi tiết: Điều mà chẳng ai nghi ngờ là bà xơ Xem-pli-xơ, người độc nhất chứng kiến cảnh ấy (cảnh Phăng-tin chết), thường kể lại rằng lúc Giăng Van-giăng thì thầm bên tai Phăng-tin, bà trông thấy rõ ràng một nụ cười không sao tả được hiện trên đôi môi nhợt nhạt và trong đôi mắt xa xăm, đầy ngỡ ngàng của chị khi đi vào cõi chết.

   Phăng-tin đã tắt thở, vậy mà trên đôi môi nhợt nhạt của chị vẫn nở nụ cười. Thực tế là vô lí nhưng người duy nhất chứng kiến và phát hiện điều đó là bà xơ Xem-pli-xơ người không bao giờ biết nói dối đã nhìn thấy tận mắt. Người chết không thể cười được nữa nhưng một người khác khi chứng kiến cảnh Giăng Van-giăng thì thầm bên tai Phăng-tin, lại xúc động và tưởng tượng ra rằng Phăng-tin vừa nở nụ cười, thì đấy lại là một ảo tưởng có thể xảy ra. Một ảo tưởng cảm động trước một sự thực cao cả làm rung động sâu xa tâm hồn người đọc.

   Tình thương yêu của Giăng Van-giăng đối với Phăng-tin thật chần thành và sâu sắc. Ông quên bẵng sự có mặt của tên mật thám Gia-ve, quên cả nguy cơ trước mắt: Giăng Van-giăng tì khuỷu tay lên thành giường, bàn tay đỡ lấy trán, ngắm Phăng-tin nằm dài không nhúc nhích, ông ngồi như thế, mải miết, yên lặng, rõ ràng chẳng nghĩ đến điều gì trên đời này nữa. Trong nét mặt và dáng điệu ông chỉ thấy một nỗi xót thương khôn tả. Mơ màng một lúc lâu, ông mới cúi ghé lại gần và thì thầm bên tai Phăng-tin.

   Ông nói gì với chị ? Người đàn ông bị ruồng bỏ ấy có thể nói gì với người đàn bà đã chết? Những lời ấy là lời gì vậy? Chẳng ai trên thế gian này nghe được. Kẻ đã chết có nghe thấy không ?

   Một loạt câu hỏi tu từ mà tác giả đặt ra trong đoạn văn này tác động rất mạnh đến tình cảm của người đọc. Phăng-tin đã chết, vậy Giăng Van-giăng nói gì với chị ? Có thể là lời chia sẻ, sự ân hận, đau xót trước cái chết của người đàn bà tội nghiệp mà ông không thể giúp đỡ được gì. Cũng có thể là ông thầm hứa với Phăng-tin sẽ tìm mọi cách cứu Cô-dét và sau này, ông đã thực hiện bằng được lời hứa đó.

   Miêu tả nhân vật Giăng Van-giăng trước cái chết của Phăng-tin, bút pháp lãng mạn đậm tính nhân văn của Huy-gô thực sự bay bổng:

   Giăng Van-giăng lấy hai tay nâng đầu Phăng-tin lên, đặt ngay ngắn giữa gối như một người mẹ sửa sang cho con. Ông thắt lại dây rút cổ áo chị, vén gọn mớ tóc vào trong chiếc mũ vải. Rồi ông vuốt mắt cho chị.

   Lúc ấy gương mặt Phăng-tin như sáng rỡ lên một cách lạ thường.

   Đọc đoạn văn trên, người đọc cảm thấy một niềm xúc động thánh thiện đang lan toả tràn ngập tâm hồn mình. Phăng-tin đi vào cõi chết nhưng cũng chính là đi vào bầu ánh sáng vĩ đại. Chị đã được giải thoát khỏi kiếp người khốn khổ để bước sang một thế giới vĩnh hằng tốt đẹp. Đây là sự chiến thắng của tinh thần nhân văn bất diệt và cũng là ý tưởng đẹp đẽ của chủ nghĩa lãng mạn Vích-to Huy-gô trong tác phẩm Những người khốn khổ.

   Có thể coi đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền là một câu chuyện hoàn chỉnh và hấp dẫn. Sự lôi cuốn của nó không chi thể hiện ở bút pháp nghệ thuật tinh tế mà sức hấp dẫn của tác phẩm chủ yếu được tạo nên từ thế giới tình cảm đẹp đẽ cùng với lí tưởng tiến bộ mà nhà văn Huy-gô gửi gắm qua những trang viết đậm đà chất trữ tình? Qua câu chuyện đầy kịch tính với những hình tượng tương phản, Huy-gô muốn gửi tới bạn đọc thông điệp: Trong hoàn cảnh dù bất công và tuyệt vọng đến đâu thì con người chân chính vẫn có thể đẩy lùi bóng tối của cường quyền và nhen nhóm niềm tin vào tương lai bằng sức mạnh cảm hóa to lớn của tình thương yêu nhân loại.

   Trong xã hội mà chúng ta đang sống hiện nay, những vấn đề về bạo lực và tình thương, những nỗi bất bình và khát vọng thay đổi cuộc sống vẫn được đặt ra. Vì vậy, lí tưởng lãng mạn của V. Huy-gô vẫn có ý nghĩa giáo dục, bồi dưỡng những tình cảm đẹp đẽ, những hành vi dũng cảm và cao thượng cho con người hiện đại. Giải pháp tình thương là rất cần thiết, nhưng chúng ta không thể thay đổi xã hội chỉ bằng tình thương yêu mà còn cần đến bạo lực cách mạng để trấn áp những bạo lực đen tối đày đọa con người. Có như vậy, chân lí Thiện thắng Ác mới có thể trở thành hiện thực.

Phân tích nhân vật Giăng-văn-giăng trong Người cầm quyền khôi phục uy quyền 

Những người khốn khổ là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng được nhiều người biết đến của văn hào Pháp Vích-to-Huy-gô kể về câu chuyện của xã hội nước Pháp khoảng hơn 20 năm đầu thế kỉ XIX với những hoàn cảnh, số phận của những con người nghèo khổ, bất hạnh. Nhân vật chính của tác phẩm là Giăng Van-giăng_một con người được cảm hóa bởi tình thương và luôn tìm mọi cách để chuộc lại lỗi lầm thời trai trẻ bằng tình yêu thương mọi người xung quanh. Trong đoạn trích “Người cầm quyền khôi phục uy quyền” là cuộc đối đầu căng thẳng giữa Giăng Van-giăng và Gia-ve_tên thanh tra mật thám. Hình tượng nhân vật Giăng Van-giăng hiện lên như một đấng cứu tinh với Phăng-tin và là một địch thủ khó đối phó của Gia-ve. Nhân vật để lại cho ta bài học suy ngẫm về tình yêu thương con người.

Giăng Van-giăng là người được cảm hóa bởi tình thương và dùng tình thương để chuộc lại lỗi lầm. Ông nguyên là một người tù khổ sai vì ăn cắp một chiếc bánh mì cho bảy đứa nhỏ mà bị bắt, việc làm ấy chẳng đáng là bao, cũng vì bảy đứa nhỏ bị bỏ đói quá nên “Bần cùng sinh đạo tặc” nhưng ông đã bị kết án, tù đày khổ cực. Sau khi ra tù, ông bị mọi người xua đuổi chỉ riêng vị giám mục Ma-ri-en đã cảm hóa ông bằng tình thương và ông coi đó là lẽ sống. Kể từ đó Giăng Van-giăng thay tên đổi họ, sống một cuộc đời tử tế làm thị trưởng và chủ nhà máy giàu có. Ông giúp đỡ mọi người xung quanh đặc biệt là Phăng-tin_người phụ nữ nghèo khổ và bất hạnh phải bán thân, bán răng, bán tóc để nuôi con.

Giăng Van-giăng được Huy-gô miêu tả như một đấng cứu thế, một vị cứu tinh của Phăng-tin. Khi thấy Gia-ve đến chị nghĩ là hắn bắt mình nên ra sức cầu cứu Ma-đơ-len (tên thay đổi của Giăng Van-giăng), ông cố gắng chấn an chị bằng lời nói nhẹ nhàng và gương mặt điềm tĩnh “Cứ yên tâm. Không phải nó đến bắt chị đâu”, ông cũng cố hạ mình với Gia-ve để hy vọng hắn không làm người phụ nữ kia phải đau khổ thêm nữa. Giăng Van-giăng cũng rất tế nhị, khéo léo khi ông biết Gia-ve đến để bắt mình nhưng thay vì nói “Tôi biết anh đến bắt tôi” bằng câu “Tôi biết là anh muốn gì rồi”, thử hỏi nếu là câu nói thẳng ra thì không biết Phăng-tin sẽ như thế nào, mọi niềm tin và hy vọng tìm lại đứa con gái sẽ bị sụp đổ hoàn toàn, căn bệnh của chị sẽ không buông tha cho sinh mệnh yếu ớt ấy. Giăng Van-giăng đã ứng xử trong tình huống khó rất thông minh và khôn khéo. Nhưng Gia-ve quyết không tha cho ông nên đã tìm mọi cách để bắt ông, khi chị thấy Gia-ve nắm lấy cổ áo ông thị trưởng chỉ biết cúi đầu “Chị tưởng như cả thế giới đang tiêu tan”. Như vậy đối với Phăng-tin, Giăng Van-giăng như là nguồn sống, nguồn ánh sáng và hy vọng để chị có thể được gặp lại cô con gái đáng thương, chỉ có ông thị trưởng mới có thể làm được điều đó nếu ông có mệnh hệ gì thì có lẽ chị cũng không thể sống được thêm nữa.

Giăng Van-giăng là con người rất giữ chữ tín. Dù biết Gia-ve đến bắt mình nhưng vì lời hứa với Phăng-tin vẫn chưa thực hiện được nên ông nhún nhường, hạ mình cầu xin Gia-ve “Tôi cầu xin ông một điều…”, “Xin ông thu cho ba ngày! Ba ngày để tìm đứa con cho người đàn bà đáng thương kia! Phải trả giá thế nào tôi cũng chịu. Nếu muốn ông cứ đi kèm tôi cũng được”. Giăng Van-giăng chấp nhận bị trả giá, chấp nhận mọi hậu quả phải gánh chịu chỉ vì ước nguyện của người phụ nữ đáng thương ấy. Chính ông đã dùng tình thương để sống một đời có nghĩa. Ở giây phút cuối trước khi Phăng-tin tắt thở theo lời kể của bà xơ Xem-pli-xơ chứng kiến không biết Giăng Van-giăng thì thầm bên tai chị điều gì để bà trông thấy “rõ ràng một nụ cười không sao tả được trên đôi môi nhợt nhạt và trong đôi mắt xa xăm, đầy ngỡ ngàng của chị khi đi vào cõi chết”. Giăng Van-giăng như là niềm hy vọng, hạnh phúc cuối cùng mà chị có thể an tâm mang theo đi vào thế giới bên kia với gương mặt “như sáng rỡ lên một cách lạ thường”. Hành động của ông dành cho chị “như một người mẹ sửa sang cho con” lấy hai tay nâng đầu Phăng-tin lên, đặt ngay ngắn dưới gối, thắt lại dây rút cổ áo chị, vén gọn mớ tóc vào trong chiếc mũ vải, rồi vuốt mắt cho chị, quỳ xuống trước bàn tay chị và đặt một nụ hôn lên đó. Từng hành động ấy thật ân cần mà có phần xót xa vô cùng. Những câu nghi vấn qua lời bình luận ngoại đề của tác giả khiến cho nhân vật Giăng Vann-giăng càng thêm phi thường và lãnh mạn. “Người cầm quyền khôi phục uy quyền” có lẽ là đoạn trích tiêu biểu cho bút pháp lãng mạn của Huy-gô mà cụ thể nhất là ở đoạn văn này với những lời bình của tác giả thật mơ hồ mà cũng thật sâu sắc khi kết thúc bằng gương mặt mãn nguyện của Phăng-tin khi đi vào cõi chết.

Không chỉ vậy Giăng Van-giăng cò là một người có dũng khí, một tên tội phạm nguy hiểm đối với Gia-ve. “Hắn coi Giăng Van-giăng như địch thủ bí hiểm và không sao bắt được, một đô vật lạ lùng hắn đã ôm ghì năm năm mà không sao có thể quật ngã”. Nên lần này có được cơ hội hiếm có không phải là bắt đầu mà là kết thúc tất cả. Hắn hống hách chửi bới, dọa nạt, uy hiếp, sỉ nhục Giăng Van-giăng “Tao đã bảo không có ông Ma-đơ-len, không có ông thị trưởng nào cả. Chỉ có một tên kẻ cắp, một tên kẻ cướp, một tên tù khổ sai là Giăng Van-giăng! Tao bắt được nó đây này! Chỉ có thế thôi!”. Lời xưng hô mày tao thật thô bỉ cùng với lới nói và giọng nói của hắn khiến cho Phăng-tin tắt thở Giăng Van-giăng để tay lên bàn tay Gia-ve đang túm cổ áo ông cậy ra như cậy bàn tay trẻ con. Dường như đối với ông lúc này sự hống hách, quát nạt của Gia-ve chẳng là gì cả. “Giăng Van-giăng đi tới giật gãy trong chớp mắt chiếc giường cũ nát, việc làm đó chẳng khó khăn gì đối với người cơ bắp như ông, ông cầm lăm lăm cái thanh giường trong tay và nhìn gia ve trừng trừng” khiến cho hắn phải run sợ thực sự và lui về phía cửa. Giăng Van-giăng giây phút này mới thực sự là người cầm quyền và thực hiện hành động để khôi phục uy quyền của mình nhưng cuối cùng kết thúc là câu nói “Tôi thuộc về anh” cho thấy sự chấp hành pháp luật và giữ lời với Gia-ve.

Nhân vật Giăng Van-giăng được nhà văn miêu tả bằng ngôn ngữ tinh tế để nhân vật chính được hiện lên đối lập hoàn toàn với con mãnh thú Gia-ve. Huy-gô đã đặt hai nhân vật trên cùng một phẳng nhưng hai con người ấy luôn ở thế chiến đấu đối lập nhau Giăng Van-giăng là nhân vật đại diện cho người lao động lương thiện, Gia-ve là tên thanh tra mật thám đại diện cho chính quyền, cho giai cấp thống trị độc ác chính chế độ đó đã khiến cho người nông dân nổi dậy chống lại chính quyền và Giăng Van-giăng sau khi vượt ngục cũng có tham gia. Ông cùng với quần chúng bắt được Gia-ve và nhận đem đi xử bắn, song đã lẳng lặng tha cho hắn. Tuy nhiên khi bị Gia-ve “lật thế cờ” ông chỉ xin đưa Ma-ri-uýt về nhà rồi sẽ nộp mạng. Hành động đó khiến cho Gia-ve bị mất phương hướng nên hắn đã nhảy sông Xen tự tử.

Huy-gô sử dụng nghệ thuật phóng đại, sử dụng hệ thống hình ảnh quy chiếu về ẩn dụ để miêu tả Gia-ve như một con mãnh thú còn với Giăng Van-giăng đó là những ngôn ngữ, hành động của một con người có tình thương yêu. Nhà văn đặt họ đối lập nhau để cùng làm nổi bật cho phẩm chất, bản chất của nhau.

Như vậy nhân vật Giăng Van-giăng hiện lên là một con người giàu lòng yêu thương, kiên cường anh dũng và cũng thật lãng mạn trong hành động qua ngòi bút khắc họa của nhà văn. Nhân vật đã thể hiện được tư tưởng của Huy-gô về giá trị tình người trong cuộc đời. Qua đoạn đoạn trích nhà văn gửi tới độc giả thông điêp: “Trong hoàn cảnh bất công và tuyệt vọng, con người chân chính vẫn có thể bằng ánh sáng của tình thương đẩy lùi bóng tối của cường quyền và nhen nhóm niềm tin vào tương lai”. Đoạn trích đã góp phần làm nên sự thành công của tác phẩm khi được Huy-gô viết: “Tôi có niềm tin rằng đây sẽ là một trong những tác phẩm đỉnh cao, nếu không nói là tác phẩm lớn nhất, trong sự nghiệp cầm bút của mình".

Phân tích nhân vật Phăng-tin trong Người cầm quyền khôi phục uy quyền

“Những người khốn khổ” của Vích-to-Huy-gô là tác phẩm đạt đến đỉnh cao của dòng văn học hiện thực Pháp cuối thế kỉ XIX. Phản ánh cuộc sống của những con người bất hạnh nghèo khổ, bên cạnh cuộc đời nhân vật chính Giăng Van-giăng thì nữ nhân vật Phăng-tin cũng đã để lại cho người đọc ấn tượng về trái tim yêu thương, tấm lòng bao la của người mẹ nói riêng và số phận của người phụ nữ Pháp lúc bấy giờ nói chung.

“Những người khốn khổ” ngay từ nhan đề đã nói lên cuộc sống hiện thực khốn khổ của các nhân vật và Phăng-tin cũng vậy. Chị là một người có trái tim yêu thương say đắm trong tình yêu của mình nhưng lúc chị mang trong mình giọt máu của người yêu cũng là lúc anh ta bỏ rơi chị. Chi bị mọi người ruồng bỏ, bị đuổi việc bởi không chồng mà chửa, thân gái nuôi con một mình biết bao cực khổ, lại phải chịu áp lực từ định kiến của xã hội càng khiến cho chị trở nên thật đáng thương, tội nghiệp biết bao. Nhưng cuộc đời chị cũng may mắn khi gặp được ông thị trưởng là Ma-đơ-len (tên thay đổi của Giăng Van-giăng). Ông đã cứu vớt chị qua những ngày đen tối cùng cực của cuộc đời. Ông thị trưởng chính là ân nhân, là vị cứu tinh cho số phận Phăng-tin.

Chị cũng như bao người mẹ khác giàu lòng yêu thương và sự hy sinh cho con. Đứa con gái Cô-dét của chị phải chịu bất hạnh, cực khổ ngay từ khi sinh ra đã không có cha, mẹ thì bị đuổi việc ở nhà máy nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Chị đã phải bán răng, bán tóc, bán thân thậm chí là chấp nhận lời miệt thị, coi thường của xã hội để kiếm tiền nuôi con. Nhưng bi kịch cuộc đời cũng đã chia lìa tình mẫu tử khi chị phải gửi người khác nuôi con để đi làm nhưng lại gặp phải đôi vợ chồng lưu manh, ác độc chỉ muốn bòn rút sức lực của trẻ nhỏ và đồng tiền mồ hôi, công sức của người mẹ nghèo. Trong hoàn cảnh ấy đáng lẽ ra con người ta cần được cảm thông, sẻ chia với nhau thì lại bị đẩy đến cùng cực của khó khăn, đói rách. Trong những ngày tháng về sau chị luôn nuôi vọng, luôn khao khát được gặp lại đứa con gái nhỏ bấy nhiêu niềm tin ấy được chị đặt vào tất thảy ở ông thị trưởng. Chị tin ông là người tốt, tin ông có thể giúp chị tìm lại được con gái và đem nó về để chị được yêu thương, chăm sóc cho con trong những ngày gần cuối đời bởi căn bệnh lao đang hủy hoại cơ thể chị.

Nhưng một lần nữa số phận chị bị cuộc đời trêu ngươi khi Gia-ve tên thanh tra mật thám truy ra gốc tích của Giăng Van-giăng khi xưa là một tên kẻ cắp, một tên kẻ trộm, một tên tù khổ sai dù thay tên đổi họ nhiều lần, dù đã được cảm hóa bằng tình thương và sống bằng tình thương yêu con người nhưng hắn vẫn không buông tha nên hy vọng cuối cùng của chị cũng bị hắn cướp đi trắng trợn giây phút ấy niềm tin của chị bị rút đến cạn kiệt mà rơi vào tuyệt vọng: “Phăng-tin chống hai bàn tay và hai cánh tay cứng đơ vùng nhổm dậy, chị nhìn Giăng Van-giăng, chị nhìn Gia-ve, chị nhìn bà xơ, chị há miệng như muốn nói từ trong họng phát ra tiếng rên, răng đánh vào nhau cầm cập, chị hoảng hốt giơ tay lên, hai bàn tay cố sức mở ra tìm chỗ bám như người rơi xuống nước đang chới với, rồi chị bỗng ngã vật xuống gối. Đầu chị đập vào thành giường và ngoẹo xuống ngực, miệng há hốc, hai mắt mở to và lờ đờ”. Chị đã tắt thở chính Gia-ve đã gián tiêp giết chị bằng những lời nói kinh hoàng, bóp nghẹt trái tim yếu ớt của người phụ nữ bất hạnh, đáng thương. Chị đau khổ đến tột cùng cho số phận của người làm mẹ mà không lo được cho cuộc sống của con, giờ đây lại chưa tìm thấy con mà ông thị trưởng lại bị bắt vậy chị còn biết bám víu vào đâu?. Chị đã quá sốc trước sự việc đó lại mang trong mình bệnh tật nên phút giây sinh tử ấy không thể thắng nổi tử thần. Chị đã chết khi chưa được gặp lại đứa con gái thân yêu. Chị chết khi trong lòng còn khắc khoải không yên cho đến khi Giăng Van-giăng thì thầm bên tai Phăng-tin mới xuất hiện “một nụ cười không sao tả được hiện lên đôi môi nhợt nhạt và trong đôi mắt xa xăm, đầy ngỡ ngàng của chị khi đi vào cõi chết” lúc ấy trên gương mặt chị như sáng rỡ lên một cách lạ thường. Chị đã đi vào cõi chết khi ước nguyện còn dang dở nhưng may mắn có Giăng Van-giăng thì thầm điều gì đó vào tai chị để chị có thể yên tâm nhắm mắt xuôi tay. Người phụ nữ ấy thật đáng thương, chị cũng như bao người phụ nữ bất hạnh khác trong xã hội Pháp lúc bấy giờ. Giá như lúc ấy định kiến xã hội không quá khắt khe, giá như có một chế độ “an sinh xã hội” tốt nhất thì có lẽ chị và con đã không phải khổ, không phải chia lìa để giờ chị không phải rơi vào thảm cảnh bán tóc, bán răng, bán thân để nuôi con. Trong xã hội ngày nay dù đã có nhiều chính sách phúc lợi xã hội cho người dân, cuộc sống con người cũng được cải thiện và đảm bảo hơn nhưng ở đâu đó vẫn có dáng dấp số phận của Phăng-tin khiến cho ta thêm xót thương và họ cần được xã hội quan tâm nhiều hơn nữa.

Phăng-tin tuy chỉ là nhân vật phụ nhưng lại có ý nghĩa quan trọng cho nội dung tác phẩm thể hiện cho số phận của những người nghèo khổ bất hạnh. Đối với đoạn trích sự xuất hiện của chị khiến cho phẩm chất chính nghĩa, kiên cường của Giăng Van-giăng được hiện lên rõ nét. Mặt khác cái chết của chị và hành động Giăng Van-giăng dành cho chị ở cuối đoạn trích cúng một loạt câu bình luận ngoại đề của tác giả đã làm nên chất trữ tình, lãng mạn độc đáo trong tác phẩm.

Phăng-tin người phụ nữ bất hạnh nhưng có một nghị lực sống phi thường và giàu lòng yêu thương con vượt lên nghịch cảnh và số phận để làm sáng lên vẻ đẹp nhân phẩm của người phụ nữ mang thiên chức làm mẹ.

Nguồn: vietjack