Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Văn mẫu: Viết bài tập làm văn số 2

Gửi bởi: Nguyễn Thị Ngọc 29 tháng 10 2019 lúc 9:44:17


Mục lục
* * * * *

Viết thư cho bạn kể lại buổi thăm trường sau 20 năm xa cách

Hà Nội, ngày 19.05.2035

   Phượng thân mến!

   Thấm thoát đã 20 năm trôi qua, kể từ cái ngày tớ chia tay cậu, thầy cô và mái trường thân yêu cùng gia đình sang định cư bên nước ngoài, chúng mình đã không còn liên lạc với nhau nữa nhỉ?. Hôm nay, ngày 19.05.2030, cái ngày tờ được trở về nước đáp chuyến sân bay Nội Bài, lòng bồi hồi rạo rực và người bạn tớ nghĩ đến đầu tiên chính là cậu. Tớ nhớ tới những kỉ niệm của tuổi thơ, cùng dắt tay cậu tung tăng cắp sách tới trường, đi qua con đường đi bộ với những cánh đồng bất tận màu lúa chín. Và hôm nay trở về, tớ lại đi trên con đường mòn quen thuộc ấy, tớ đi tới ngôi trường mà ngày xưa tớ với cậu đã học: Trường trung học cơ sở Đức Thượng.

   Chiếc xe taxi lăn bánh trên đường, cảnh quan phố xá Hà Nội thật đẹp, những tầng nhà cao ốc, những cung đường cao tốc trên cao, những dòng người đổ xô tấp nập cũng chẳng khác gì bên Xingapo – nơi mình sống là mấy. Tớ còn nhớ, ngày trước, con đường đi tới trường đều là con đường đất đá, gồ ghề, những hôm mưa bụi lầy lội, mặt mũi, quần áo đứa nào đứa lấy đi tới lớp cũng nhọ nhem, dính đầy bùn đất cả. Hai bên đường là những dãy bằng lăng, phượng vĩ, bạch đàn cao vút, mát rượi nhưng giờ đây nó đã thay đổi, con đường ấy đã được lát nhựa đường nhẵn thín, hai bên đường là những cột đèn và toàn dãy nhà cao ốc sang trọng, các cửa hàng tạp hóa bày bán đủ các thứ trên đời. Đang ngẩn ngơ nhớ lại những kỉ niệm, hồi ức xưa, bỗng bác tài xế kêu:

   - Anh ơi, đến trường rồi ạ!

   Tớ giật thoắt người, một cảm giác lâng lâng khó tả, ngẹn ngào chặn đứng nơi cổ họng, không nói được thành lời. Trước mắt tớ là ngôi trường xưa mà mình đã học đây sao?, thật khang trang, thật đẹp. Mình vội vàng bước xuống xe, lòng nôn nao muốn bước nhanh vào trong mà gặp lại người thầy kính yêu. Tiếng trống trường "tùng... tùng ... tùng" vang lên như từng nhịp kí ức đang lần lượt vẫy gọi mình trở về thời học sinh, thời áo trắng cắp sách tới trường. Tụi nhóc trong các lớp nghe thấy tiếng trống, ùa ra như bầy ong vỡ tổ, tiếng cười nói, vui vầy ngây ngô của những tâm hồn trẻ thơ non nớt, và chỉ nay mai thôi, tụi nhóc ấy cũng nhanh chóng trưởng thành, cũng phải tạm biệt mái trường, xa bạn bè thầy cô, rồi lại xòe chiếc áo trắng tinh trên người mà thay nhau khắc ghi kỉ niệm. Thời gian đúng là không bỏ xót một ai trên đời mà ...

   Kia rồi, chú Hoài bảo vệ vui tính kia rồi. Hai mươi năm rồi, chú vẫn còn làm ở đây, không biết chú ấy còn nhớ tớ không nữa. Tớ cất tiếng chào:

   - Cháu chào chú Hoài.

   Chẳng hiểu sao lúc ấy, tớ lại hiện lên như một đứa trẻ, nhớ lại những lần đi học muộn bị chú phạt đứng phơi nắng một tiết ở cổng trường, bởi chú cũng là "biệt đội sát thủ" giám thị của trường mà.

   - Cậu là...?

   - Cháu là học sinh cũ của trường, chú còn nhớ cháu không ạ?

   - Có phải Tùng? học sinh lớp thầy Vẻ, con bố Lộc ở làng Phượng Trì không? Lâu lắm rồi không gặp cậu, lớn lên đẹp trai, trắng trẻo phết nhỉ?...

   - Ôi, đã hai mươi năm rồi, mà chú vẫn còn nhớ cháu vậy cơ ạ!.

   Mình giật mình như tìm lại người quen, bởi mình cứ nghĩ, xa trường, xa quê lâu như vậy, chắc hẳn chẳng ai còn nhớ tới mình nữa. Lòng phấn chấn, vui sướng không giấu được vào trong lòng.

   - Chú cho cháu vào thăm trường được không ạ. Cháu nhớ trường, nhớ lớp quá chú ạ!.

   Tạm biết chú Hoài vui tính, tớ đi loanh quanh sân trường, tìm lại nơi góc xưa trốn cũ mà bọn mình đã chơi ú tìm trong mỗi lần ra chơi, đó là chiếc gầm cầu thang quen thuộc. Nơi đó, cậu còn nhớ không, chúng mình còn khắc tên nhau lên đó nữa đấy. Đã hai mươi năm rồi, thế mà những dòng chữ ngệch ngoạc ngây ngô ấy vẫn còn vẹn nguyên, có chăng cũng chỉ mờ đi chút ít do lớp bụi thời gian năm tháng. Kia rồi, lớp 9a kia rồi, mình chạy lại nhìn vào lớp học. Vẫn cái khung cảnh ấy, vẫn là thầy Vẻ, vẫn từng ấy học sinh đang say sưa học bài. Bất chợt bài hát "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" của ca sĩ Lynk Lee vang lên trong đầu tớ:

   Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ

   Để trở về với giấc mơ ngày xưa

   Bút mực, truyện tranh, những gói bỏng ngô trong ngăn bàn

   Cho tôi xin về lại thời tập tô để vẽ ông mặt trời hiền như bố

   Những chiều rong chơi say mê những món đồ hang

   Cho tôi xin về lại mái trường xưa

   Dù trường thật bé nhưng ước mơ thật to

   Từng ngày chăm lo, cô giáo vui như mẹ hiền...

   Tớ cứ đứng ngoài lớp mà nhìn thầy giảng bài, thấy hình ảnh của cả lớp mình năm xưa lần lượt như hiện về, nổi hình nổi sắc trong đầu. Mái tóc thầy giờ đã điểm hoa râm, thầy đã gầy hơn xưa nhiều rồi. Nét mặt gầy gò với cặp kính đeo trễ, làn da nâu xạm nắng, giọng nói trầm ấm say sưa trong tiết học khiến tụi nhóc cứ há hốc miệng mà chăm chú nghe giảng. Bất thần, thầy nhìn thấy tớ, tớ lúng túng không biết phải xử trí như nào, tay còn gãi gãi lên đầu, tỏ vẻ ngượng ngùng, giống hệt như một cậu học sinh đi học muộn sợ thầy phạt vậy. Thầy đi ra cửa lớp, cất tiếng hỏi nhẹ nhàng, nồng ấm:

   - Tùng, phải Tùng không? Đúng là Tùng rồi, lâu rồi thầy không gặp em. Sao đến trường không gọi điện cho thầy. Mà thầy tưởng em đang định cư bên Xingapo cùng gia đình cơ mà?

   Hàng loạt các câu hỏi dồn dập, thể hiện niềm vui, sự bất ngờ của thầy trước việc gặp lại cậu học trò năm nào. Bỗng dưng như một phản xạ vô điều kiện, tớ lao đến, ôm trầm lấy thầy và khóc nức nở như một đứa con nít được gặp lại người cha sau bao năm xa cách. Rồi tớ nói trong dòng nước mắt nghẹn ngào:

   - Vâng, em là Tùng đây, em nhớ thầy, nhớ trường, nhớ các bạn quá. Bao năm nay, bên nước ngoài, em không đến thăm thầy được, em xin lỗi thầy nhiều lắm.

   Trong lòng tớ lúc ấy, không hiểu sao dâng lên một niềm xúc động khó tả, vừa vui khi gặp lại thầy, lại vừa có phần trách mình khi cảm thấy có lỗi với thầy về ngày xưa đã có lúc không nghe lời thầy, khiến thầy phải bận lòng, không vui... Nói chuyện một hồi lâu, thầy cũng quên cả tiết dạy, hai thầy trò lại hẹn nhau có dịp gần nhất sẽ tới nhà thầy chơi.

   Tiếng trống trường lại vang lên từng hồi, điểm nhịp "tùng... tùng.... tùng", báo hiệu trống tan trường. Tụi nhóc, đứa nào đứa nấy chạy ùa ra mà tung tăng vui vẻ ra về, trả lại không gian im lặng tĩnh mịch vốn có của biết bao nhiêu ngôi trường miền quê khác. Lúc này, tớ mới có dịp nhìn kĩ hơn toàn bộ khung cảnh của trường, thật rộng lớn mênh mông. Cả trường vẫn tổng có sáu dãy nhà, được chia theo lần lượt từ A đến B. Giờ đây, trường còn có cả thêm khu nhà thể thao, thư viện sách và hội trường, trông không khác xưa là mấy nhưng có vẻ sang trọng và hiện đại hơn rất nhiều. Cả sân trường khi đứng trên cao nhìn xuống, một màu xanh lá cây bạt ngàn xen lẫn một vài chấm đỏ của hoa phượng vĩ, báo hiệu thời khắc mùa hạ đã tới. Xa xa là những đàn chim chích chòe đang đậu trên tán lá, chim mẹ đang mớm mồi cho những chú chim non trong tổ, tiếng chim chóc hót líu lo, hòa với tiếng ve kêu, tiếng run dế cao vút, gợi lên một không gian thật nên thơ, tạo cảm giác thư thái, nhẹ nhàng. Ánh mặt trời đã ngả về tây, những đám mây ánh hồng như những hòn than sắp tàn, bóng tối đã bắt đầu xuất hiện, phủ lên khắp không gian trước mặt tớ một màu sẫm đen.

   Chiều muộn, tớ ra về mà lòng nặng trĩu. Bởi giờ đây, mỗi chúng ta ai cũng đã khôn lớn trưởng thành, chẳng biết đến bao giờ lớp mình mới lại được gặp lại nhau, rồi cùng nhau tới trường, thăm lại thầy cô, ôn lại những kỉ niệm. Tớ hi vọng, đến một ngày gần nhất, sẽ lại được cùng cậu đi trên con đường mà mình đã từng đi... Nhận được lá thư tớ gửi, cậu nhớ hồi thư lại cho mình nhé!

   Tùng lưu bút! Thân ái.

Kể lại buổi thăm trường sau 20 năm xa cách

Hà Nội, ngày... tháng... năm

   Phương Linh thân!

   Chưa bao giờ nghĩ đến bạn mà mình thấy bồi hồi như lúc này. Bao nhiêu cảm xúc ùa về và mình biết khoảnh khắc này chỉ bạn mới có thể chia sẻ với mình. Hôm nay, mình về thăm ngôi trường cấp 2 thân yêu của chúng ta, sau hai mươi năm xa cách...

   Cái nắng gay gắt của mùa hè vẫn còn vương lại dù đã là buổi xế chiều, những tia nắng vẫn đang mải đùa nghịch trên mấy tán cây, ngôi trường cũ hiện ra thân thương, quen thuộc và không còn vẻ nghiêm trang như hồi trước nữa... Mình lặng lẽ dạo quanh sân, ngắm nhìn từng vòm cây để cảm nhận sự khác biệt trong lòng cái khung cảnh đã từng quá thân thuộc này. Có lẽ, dù đã hai mươi năm xa cách, dù có bao lớp học sinh đến rồi lại đi, thì trường vẫn thế, vẫn chẳng thay đổi gì trong tâm hồn mỗi người, mãi mãi...

   Nhìn đồng hồ đeo tay, đã đến giờ tan trường, mình tạm lánh vào một góc khuất - Phương Linh đoán xem, đó là chỗ nào? Cái gầm cầu thang mà chúng mình thường trốn ngày xưa khi chơi trò ú tim ấy! Nhắm mắt lại và mình cảm thấy như đang nghe bên tai ba hồi trống trường thân quen ngày nào. Mình tưởng tượng ra hình ảnh của lũ trẻ ùa ra từ các phòng học, chúng hồn nhiên gọi nhau, cãi nhau, ríu rít đùa nhau, nhí nhảnh như bọn mình hồi xưa... Màu áo trắng, sao mà nhớ thế! Chỉ một hai năm nữa thôi, ngày chia tay, chúng sẽ giống chúng mình ngày xưa, chìa lưng áo trắng cho nhau ghi dòng lưu bút...

   Một lúc lâu sau, mình vẫn chưa muốn rời đi, mình tần ngần nhìn lại ngôi trường. Cả sân trường rợp bóng cây xanh, lặng lẽ với mùa hè đầy nắng vàng và ve sầu. Xa xa, nơi góc hồ nước, một cây me cao lớn trông tràn đầy sức sống. Mình chợt nhận ra đó chính là gốc me non tụi mình trồng năm nào, tự nhiên lại thấy bồi hồi. Bước dần lên cầu thang, mình tìm lại phòng học cuối tầng ba, nơi ngày xưa bốn mươi sáu quỷ sứ lớp mình từng trú ngụ. Đây rồi, lớp học đó, cá cái ban công quen thuộc đang ở ngay trước mắt, chờ mình bước vào và tìm kiếm lại hình ảnh của hai mươi năm trước. Chỗ ngồi cạnh cửa sổ bàn ba là của mình, nơi đã từng chứng kiến mình khóc, mình cười và cả khi mình nói chuyện riêng nữa. Còn cách đó hai bàn, là chỗ của bạn đó nhớ không? Cách xa như thế mà hai đứa còn nói chuyện riêng được thì thật tài!

   Hôm ấy mình không gặp được thầy cô giáo cũ, chỉ còn thấy lại những kỷ niệm thuở học trò, những buổi ngồi truy bài dưới gốc cây phượng, những giờ kiểm tra gay cấn, hồi hộp đến toát mồ hôi... Tất cả đã rất xa mà cũng lại như vừa mới hôm qua.

   Phương Linh ơi! Nhất định hôm nào chúng ta gặp nhau nhé! Biết rằng công việc của ai cũng bận rộn nhưng mình tha thiết muốn gặp bạn dưới những vòm cây của ngôi trường cũ yêu dấu này để ôn lại những ngày xưa!

   Hẹn gặp bạn một ngày không xa.

   Thân ái!

   Bạn của cậu

   Phạm Thúy Hằng

Kể lại giấc mơ em gặp lại người thân đã xa cách lâu ngày

Tình cảm gia đình là một thứ tình cảm gần gũi, bình dị mà bền vững sâu xa. Ẩn trong tâm thức, trái tim của mỗi người đều chất chứa sự yêu thương, lòng cảm thông, xót thương đối với những người thân yêu ruột thịt. Và trong gia đình tôi, bên cạnh cha mẹ, anh chị em trong gia đình thì người mà tôi luôn kính trọng và luôn tìm thấy được sự bình yên mỗi khi ở bên, đó là ông nội tôi. Mặc dù ông đã xa cách nhân gian, từ biệt mọi người về với thế giới người hiền, nơi yên nghỉ ngàn thu vĩnh hằng bất diệt nhưng không lúc nào trong tôi không nguôi ngoai đi nỗi nhớ thương, tiếc nuối về người ông quá cố. Có lẽ vì thế mà thỉnh thoảng những giấc mơ về ông cứ hiện về trong tiềm thức và vô thức, chập chờn trong giấc ngủ của tôi. Tất cả đều sống động như một bức tranh hiện thực hằng ngày diễn ra vậy.

   Cũng như bao ngày bình thường khác, mỗi khi trong tâm tôi nhớ về ông là trong đêm đó ông lại hiện về trong giấc mơ đó. Và giấc mơ gần nhất về người ông yêu quí của tôi đó là cách đây khoảng một tháng trước. Cứ thành lệ, hàng đêm tôi thường đọc truyện trước khi đi ngủ, hôm đó không hiểu sao mới dở quyển sách lật đi lật lại được vài trang thì tôi ngủ ngục xuống bàn tự bao giờ không hay biết. Bỗng giấc mơ đưa tôi đến ngôi đền Kim Liên Hà Nội. Đây là một ngôi đền linh thiêng bậc nhất trong "Tứ trấn Thăng Long". Do sinh ra trong một gia đình rất sùng bái về Phật giáo và tín ngường thờ Mẫu nên trong tôi luôn có một nguồn giác quan thứ sáu rất mạnh, mọi thứ về thế giới bên kia tôi luôn được trải nghiệm và tôi cũng thường được "ngao du" khắp nơi về đình chùa miếu mạo trong dân gian Việt Nam. Chuyện chẳng đáng nói nếu như trong giấc mơ ấy tôi không gặp người ông quá cố của tôi. Đang tiến vào trong hậu cung để chiêm bái Phật Thánh, bỗng tôi gặp lại ông nội. Vẫn khuôn mặt có hai má núm đồng tiền hai bên má, ông nở nụ cười nhìn tôi âu yếm từ xa. Tôi như chết sững, bật khóc, nước mắt ngắn dài nức nở như một đứa con nít, chạy tới ôm chầm lấy ông. Ông mặc bộ quần áo màu đỏ, râu tóc bạc phơ hiền từ xoa đầu tôi. Lúc sau, có người hành hương vào gọi ông tôi là cụ Từ, rồi biếu lộc thì tôi mới biết, hóa ra ông là người coi sóc cửa đình, kính thờ Phật Thánh nơi ngôi đền thiêng này. Ngày xưa, hồi còn tại thế, vì thấy ông đức độ hơn người mà ông tôi được người dân trong làng tin tưởng, nhờ vả trông coi đình làng. Khi mất đi, hóa ra ông lại được cắt cử tiếp tục sớm chiêu chiều mộ bên nhà Ngài.

   Ông bảo tôi: "Cứ vào chiêm bái các ngài đi, rồi ra đây ông cháu ta nói chuyện". Lòng vui mừng khôn siết được gặp lại ông sau bao ngày xa cách, tôi thấp thỏm đi vào lễ, một mặt lại liếc lại phía sau, sợ ông không đợi cháu mà đi mất. Vì thế, tôi lễ bái vội vàng rồi chạy lại nơi ông đang ở. Vẫn cách sống giản dị, đơn sơ như khi còn sống, bước vào gian phòng ở của ông, khiến lòng tôi bình yên đến lạ. Mọi vật dụng trong phòng đều được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng. Đang mải mê ngắm ngía xung quanh thì ông mở cửa đi vào. Tôi hỏi thăm sức khỏe của ông và còn trách ông sao đi lâu thế không chịu về thăm cháu?. Ông chỉ cười và nói: "ông vẫn luôn bên cháu và thoi dõi mọi người trong gia đình mình". Có lẽ thế mà ông còn biết cả tôi đang loay hoay đi tìm thầy để tầm sư học đạo. Ông nói: "cháu đang tìm thầy à?. Tìm đến cô đồng Anh bên Đông Anh ý, tới đó cô ấy sẽ giúp cháu!". Tôi nhớ như in lời ông dặn, vui mừng quá tôi cũng khoe ông cả chuyện học hành, thi cử của mình nữa. Ông đều tấm tắc ngợi khen và còn xoa đầu tôi nói: "ông yêu cháu rất nhiều. Hãy cố gắng thật nhiều, hãy nghe lời bố mẹ, ông luôn theo cháu và thương cháu nhiều lắm đấy, cháu đích tôn của ông à".

   Nói đoạn, tôi bỗng tỉnh dậy, hóa ra đó là mộng giấc mơ. Nhưng đó là giấc mơ có thật. Và tôi vẫn luôn cảm thấy ông luôn bên cạnh mình. Vì thế, tôi tự hứa với bản thân sẽ cố gắng thật nhiều để không phụ lòng mong mỏi và tình yêu thương bao la mà ông kì vọng ở tôi. Nếu như có một phép nhiệm màu nào đó, tôi sẽ ước có ông bên cạnh mỗi ngày và niềm hi vọng đó sẽ mãi theo tôi đến suốt cuộc đời. Nó trở thành động lực để tôi vươn lên, chiến thắng bản thân và đem lại thành công trong cuộc sống. Đáp đền xứng đáng công ơn nuôi dạy, bảo ban của những người thân yêu trong gia đình của tôi.

Kể lại cuộc gặp gỡ với người lính lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính 

Để kỉ niệm ngày 27.7 ngày thương binh liệt sĩ, biết ơn những người anh hùng dân tộc đã hi sinh cả cuộc đời vì nước, vì dân, vì hòa bình độc lập, trong xã tôi long trọng tổ chức buổi họp mặt liên hoan dành cho các cựu chiến binh, giúp cho những người đồng đội được gặp mặt nhau sau lửa đạn chiến tranh. Tôi vui và vinh dự lắm vì tôi được mời tham gia văn nghệ, góp một vài tiết mục nhỏ để buổi lễ được thành công tốt đẹp. Và cũng tại nơi đây, có biết bao người lính cách mạng bước ra từ lửa đạn chiến tranh đã tụ họp về đây, cùng nhau ôn lại những kỉ niệm của ngày xưa, cái ngày mà sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc. Thật may mắn biết bao khi tôi được tận mắt thấy, tận tai nghe những câu chuyện của những người lính già lái xe trên tuyến đường Trường Sơn năm nào. Họ chính là những người lính anh hùng, can đảm, tếu táo, tinh nghịch trong "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật từ trên trang sách bước ra cuộc đời thực, kể về câu chuyện của mình năm xưa. Và người được mời lên sân khấu, để trò chuyện với khán giả với các thanh niên nhi đồng bên dưới là người lính lái xe Phạm Quốc Huy, chính là người bạn cùng đơn vị, tổ công tác vận tải với nhà thơ Phạm Tiến Duật.

   Bác Huy khuôn mặt đầy phấn khích, tuổi độ 70, râu tóc bạc phơ, nhưng ngoại hình toát lên vẻ cương nghị, mạnh mẽ đang khoác trên mình bộ quân phục màu xanh với đầy đủ các loại huân huy chương lấp lánh sao vàng. Đôi mắt nhìn xa xăm, rực lửa như đang hồi tưởng lại những kí ức vàng son của một thời oanh tạc đầy gian nan trong thời kì kháng Mĩ, hòa cùng với giọng nói trầm ấm, ngân vang, toát lên nghị lực đầy dũng khí, kiên cường của người lính bước ra từ lửa đạn chiến tranh:

   - Lời đầu tiên, tôi xin gửi lời chào tới Ban biên tập chương trình, tới các vị khách mời cùng tất cả các anh em đồng chí và các cháu thanh niên, thiếu niên nhi đồng. Cám ơn tất cả mọi người đã tổ chức buổi lễ mít tinh này để anh em đồng đội chúng tôi được gặp nhau. Tôi rất vinh dự được mời làm người đại diện, thay mặt cho anh em đồng đội chia sẻ với mọi người về những năm tháng chiến đấu hào hùng trong kháng chiến chống Mĩ của dân tộc. Đây đều là những câu chuyện, những lời nói chân thành, xuất phát từ sự trải nghiệm có thật nên vô cùng chân thực. Hi vọng qua lời chia sẻ này của tôi, thế hệ trẻ sẽ tiếp bước cha anh, giữ vừng nền hào bình của tổ quốc thân yêu, phát huy truyền thống yêu nước dân tộc, biết ơn người người đã có công với đất nước.

   - Vâng, thưa bác, câu hỏi đầu tiên mà cháu muốn hỏi Bác là: Bác có phải là người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn, một trong các người lính được nhà thơ Phạm Tiến Duật khắc họa trong "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" không ạ?

   - Đúng rồi cháu, bác chính là người lính cùng đơn vị công tác chiến đấu với ông Duật, ông Duật viết rất nhiều thơ về người lính và các cô gái thanh niên xung phong. Mà cứ bài nào ông Duật cho ra đời là anh em chúng đều truyền tay nhau mà đọc. Trong đó anh em chúng tôi thích nhất "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" bởi tác phẩm không hề tô vẽ hiện thực mà hoàn toàn đều là sự thật cuộc sống, được đưa vào trong thơ toát lên sự gian khổ, vất vả, hiểm nguy và cả tính cách lạc quan, dũng cảm huy hoàng của chúng tôi nữa.

   - Dạ, chúng cháu là những thế hệ trẻ, dù không trực tiếp phải chiến đấu nhưng phần nào cũng hiểu được những điều đó qua sách vở, qua các tư liệu để lại. Tuy nhiên, cũng có nhiều điều sách vở không thể ghi hết được, vì thế cháu rất nóng lòng muốn bác chia sẻ chi tiết hơn những năm tháng hồi chiến đấu của bác với các đồng đội của mình ạ!. Như cháu được biết, tuyến lửa Trường Sơn khi ấy là con đường huyết mạch của quân ta, bác có thể nói thêm cho chúng cháu biết về sự hoạt động của quân ta trên tuyến đường được không ạ?

   - Như mọi người đã biết, sau năm 1954, miền Bắc được giải phóng, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân thực hiện hòa bình thống nhất. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta đã từng nói: "đất nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng chân lí đó không bao giờ thay đổi. Và dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn thì cũng phải quyết tâm giành cho được độc lập". Từ tâm nguyện và sự quyết tâm ấy mà miền Bắc từ 1954 đến 1975 đã phải song song làm hai nhiệm vụ: một là xây dựng xã hội chủ nghĩa, hai là chi viện, giúp đỡ miền Nam với khẩu hiệu "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", từ lương thực, binh lực cho đến vũ khí, đạn dược.... tất cả "vì miền Nam ruột thịt". Và khi đó, mọi thứ được quân dân miền Bắc vận chuyển dọc theo tuyến quốc lộ 1A – con đường huyết mạch nối từ Bắc vô Nam. Nhưng con đường này quá quen thuộc nên nhanh chóng bị Mĩ phát hiện và chúng ném bom phá hủy chặn đứng sự tiếp tế, nhằm ngăn cách liên lạc giữa hai miền. Vì thế, quân dân ta đã phải tìm ra một con đường đi mới, đó chính là tuyến đường đi qua phía Tây Thừa Thiên. Chỗ đó là dãy Trường Sơn - ranh giới ngăn cách biên giới Việt Nam – Campuchia và chúng ta đã đi theo con đường mòn của đồi núi ấy để tiếp tục chi viện cho miền Nam, tạo thành con đường huyết mạch chạy khắp phía tây của đất nước, nối giữa hai miền. Cho nên, hằng đêm có hàng nghìn, hàng vạn những chuyến xe, cả xe vận tải lẫn xe ba gác, xe đạp... trở đầy lương thảo, vũ khí quân dụng thay nhau xung vào chiến trường miền Nam. Ban đầu thì Mĩ không phát hiện được ra điều này do không nắm vững được địa hình đồi núi của đất nước ta, nhưng không bao lâu, dưới sự tình báo gián điệp nên Mĩ đã phát hiện và chúng bắt đầu cho dải bom từ miền Nam ra miền Bắc, với mục đích cày nát đường đi, cắt đứt mọi sự giúp đỡ từ Bắc vô Nam.

   - Dạ vâng, trước tình hình đó, các bác đã chống chọi với bom rơi đạn nổ của giặc Mĩ như thế nào, thưa bác?

   - Chúng tôi đã cùng nhau động viên nhau, tiến lên phía trước. Chính bản thân tôi là người cầm lái, mặc dù tim đập thình thịch vì trước mắt chính là cái chết, là đang đối diện với tử thần:

   Xe lên đường 9 cheo leo

   Hố bom đỏ mắt, trắng đèo bông lau

   Cây khô, chết chẳng nghiêng đầu

   Nghìn tay than cháy rạch màu trời xanh

   Và lại đường đầy hố chông, hố bom nên những ai không cầm chắc tay lái thì không dám cầm vô lăng. Những chiếc xe vận tải ban đầu được chúng tôi trang bị rất đẹp, đầy đủ phụ kiện nhưng do sự tàn khốc của chiến tranh, bom rơi đạn nổ, đường đất đá gập ghềnh lên đèo xuống dốc nên đã bị tàn phá khủng khiếp, không có kính, không có đèn rồi cũng chẳng có cả mui xe. Thùng xe do va quệt, đất đá bắn vào nên cũng bị trầy xước hết cả. Nếu các cháu tận mắt nhìn những chiếc xe đó thì chẳng khác nào trông thấy một đống sắt vụn hoen rỉ. Còn những chiếc xe mà các cháu trông thấy trong bảo tàng quân đội ấy là những chiếc xe đã được sửa chữa, lắp giáp, sơn dầu lại để trưng bày mà thôi.

   - Cháu đang hình dung, khi cháu phải lái một chiếc xe như vậy, chắc cháu không giám ngồi vào để thử mất. Bởi nó có nhiều nguy hiểm từ ngoại cảnh xung quanh lắm bác nhỉ!

   Người lính già sôi nổi tiếp luôn lời:

   - Cháu cũng lái xe rồi, cháu biết đó, xe không kính, không gương thì nguy hiểm lắm chứ. Có thể nói là sự sống và cái chết gần nhau như gang tấc mà thôi. Đường đất đá gập ghềnh, lại thêm thời tiết hanh khô nên mối đe dọa đầu tiên chính là bụi. Bụi tốc vào người, vào mặt, vào quần áo, tới mức không thể mở nổi mắt ra mà nhìn đường, mà sơ xuất cái là tông ngay xuống vực. Địa hình thì vòng vèo, uốn khúc, nhiều chỗ gấp khúc quanh co nếu không để ý thì cả người cả xe lao luôn xuống vực thẳm, hoặc tông vào hốc đá, gốc cây bất kể khi nào không hay. Có khi đang đi, bỗng gặp cơn mưa rào bất chợt, lúc ấy quần áo đang dính đầy bùn đất lại thêm mưa tuôn, mưa xối xả tấp vào người, vào mặt, lại thêm những con vắt, con rĩn trong rừng cứ mưa là ra bắm đầy tay chân, thật chẳng khác nào cực hình, vừa bẩn, vừa ngứa ngáy khó chịu, khiến việc lái xe vô cùng khó khăn.

   Xe lao qua dốc qua đồi

   Gió tây giội lửa ồi ồi sau lưng

   Bụi bay, bụi đỏ lá rừng

   Mịt mù lối kín, cát bưng đường hầm

   Nóng nung vạt áo ướt đầm

   Thương con bướm trắng quạt ngầm suối khô.

   Thế nhưng, trong lòng như thúc giục, các bác đã lấy tiếng hát để át lại tiếng súng, tiếng bom, vừa đi vừa ngân nga, ngêu ngao hát để quên đi nỗi vất vả. Mỗi lần đưa được hàng hóa tới nơi thì thật là một kì tích đấy cháu.

   Kể tới đây, bỗng người lính già hát lên bài hát "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây", thật mộc mạc, tự nhiên, chân chất. Vừa hát, tay vừa đưa ra như đang điều khiển chiếc xe tiến về phía trước:

   Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn

   Hai đứa ở hai đầu xa thẳm

   Đường ra trận mùa này đẹp lắm

   Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây

   Trường Sơn Tây anh đi

   Thương em thương em bên ấy mưa nhiều

   Con đường là gánh gạo

   Muỗi bay rừng già cho dài mà tay áo

   Hết rau rồi em có lấy măng không...

   Bác mỉm cười, khuôn mặt ánh lên vẻ rạng rỡ và tự hào. Lời bác hát như chất chứa bao nhiệt huyết, bao sôi nổi của một thời tuổi trẻ nơi chiến trường. Bác dường như đang được sống lại những phút giây lịch sử ấy. Không hiểu sao ngay lúc này, những lời thơ của Phạm Tiến Duật lại ùa về, ngân nga trong lòng tôi. Đó chính là một thực tế ở chiến trường ngày ấy. Thế mà, những người lính cụ Hồ vẫn tràn đầy lạc quan, yêu đời, và tin tưởng vào một ngày mai chiến thắng! Bác lại nói tiếp:

   - Sau mỗi lần trở hàng ra tiền tuyến, các bác trên dọc đường trở về, có nghỉ ngơi một vài chỗ, những lúc nghỉ ngơi ấy được gặp lại đồng hương, bạn bè đồng đội giữa khói lửa chiến tranh như thế thì mừng lắm. Tình đồng chí lúc ấy đối với người lính như các bác đây nó gần gũi, chân thật, thiêng liêng và cao quí lắm. Các bác đã chia nhau từng nắm cơm, giấc ngủ, cho tới từng cuộn chỉ, kim khâu. Sẵn sàng kể cho nhau nghe những câu chuyện về gia đình, về nỗi nhớ cha mẹ, vợ con và tặng cho nhau cả những bài thơ mới việt vội nữa. Người lính mà, dễ bắt chuyện làm quen và thân thiết lắm, một mặt cũng để giải khuây cho đỡ buồn, một mặt là cùng chí hướng cách mạng nên ai cũng như ai, luôn giúp đỡ, coi nhau như anh em ruột già máu mủ trong gia đình: chung bếp lửa Hoàng Cầm, chung bắt đũa là như cảm thấy thân quen tự lúc nào.

   Đang kể, bỗng dưng giọng bác trầm xuống, trong lòng dâng lên một nỗi xúc động ngẹn ngào:

   - Và cũng có biết bao nhiêu những đồng đội của bác nằm tại chiến trường xa xôi ác liệt. Vừa mới tay bắt mặt mừng, kể cho nhau đủ thứ chuyện trên đời, thế mà chỉ trong tích tắc đã thấy xác đồng đội hi sinh ngay trước mắt mình, trong lòng cảm thấy như dao cứa vào da vào thịt vậy. Chôn cất vỗi vã người bạn, người đồng đội của mình, các bác lại phải lên đường ngay tức khắc. Bởi nếu ở quá lâu, giặc phát hiện, chúng ném bom xối xả thì không có cơ man nào mà thoát nổi.

   - "Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước/ Chỉ cần trong xe có một trái tim". Vâng, lời thơ cuối của "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật đã giúp chúng cháu hiểu được đôi phần lí do khiến những người lính anh hùng của một thời rực lửa các mạng như bác đã vượt qua tất cả gian khó, hiểm nguy để tiêu diệt quân thù, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà lịch sử giao phó.

   -Đúng thế, thế hệ những ngừoi lính chúng tôi đã khoác áo lính, cầm súng ra mặt trận đã nhất một lòng tiêu diệt giặc, đem lại hòa bình cho đất nước thân yêu. "Dù có phải đốt cháy cả dãy Trương Sơn" như lời Bác Hồ nói, chúng tôi cũng quyết tâm vì miền Nam ruột thịt, vì Bắc – Nam được xum họp một nhà, giang sơn được thu về một mối: "quyết tâm, quyết tâm".

   Mặc dù chiến tranh đã lùi về quá khư nhưng lời hô của người lính trên sân khấu nghe thật trầm hùng, mạnh mẽ, thể hiện lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc thật dũng cảm, kiên cường của người lính cách mạng.

   Buổi lễ mít tinh giao lưu trò chuyện với người lính lái xe Trường Sơn đã kết thúc trong giờ phút ngắn ngủi nhưng từng câu nói, từng câu chuyện mà bác đã chia sẻ vẫn cứ văng vẳng bên tai tôi. Trong lòng tôi dâng lên một niềm cảm phục, biết ơn sâu sắc với những người anh hùng dân tộc. Chính họ đã viết nên trang sử hào hùng chói lọi của Việt Nam, mang vẻ đẹp rực lửa của một thế hệ người lính cụ Hồ: trẻ trung, lạc quan, dũng cảm và mạnh mẽ, luôn mang trong mình đầy ắp tình yêu quê hương đất nước. Vì thế, tôi sẽ luôn cố gắng hết mình để noi gương những người lính như bác, góp một phần sức lực nhỏ bé của mình đưa đất nước phát triển sáng tươi huy hoàng.

Kể lại một trận chiến đấu ác liệt mà em đã đọc, đã nghe

Mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789), quân của Nguyễn Huệ nước An Nam vượt sông Gián Thủy đánh bại quân phòng thủ của Lê Duy Kỳ (Lê Chiêu Thống), lại bắt toán quân Thanh tuần thám giết sạch. Ngày mồng hai, Tôn Sĩ Nghị được tin hoảng hốt ngự địch, ra lệnh Tổng binh Trương Triều Long mang ba ngàn quân tăng cường cho các đồn Hà Hồi, Ngọc Hồi để chống cự, lại ra lệnh cho Ðề đốc Hứa Thế Hanh mang một ngàn năm trăm tên, tự đốc suất một ngàn hai trăm tên để tiếp ứng. Quân Nguyễn Huệ tiến tới đông như ong, vây đồn bốn phía, đánh nhau một ngày một đêm, quân Thanh bị đánh tan bèn bỏ chạy.

   Vào canh năm ngày mồng 5 Nguyễn Văn Huệ mang đại binh tiến đánh, thân tự đốc chiến, dùng một trăm thớt voi khỏe làm tiên phong. Rạng sáng quân Thanh cho kỵ binh nghênh đón địch, ngựa bị voi quần kinh hãi bỏ chạy, quân rút lui vào trại cố thủ. Phía ngoài trại, lũy đầy chông sắt, bên trong bắn súng ra cự địch. Vào giờ Ngọ quân Nguyễn bắn hỏa châu, hỏa tiễn tới tấp; lại dùng rạ bó to lăn mà tiến đều, khinh binh theo sau, trước ngã sau tiến lên một lòng quyết chiến, tại các trại quân Thanh đồng thời tan vỡ, quân Nguyễn thừa thắng chém giết, quân Thanh tử thương quá nửa.

   Ðề đốc Hứa Thế Hanh thấy thế lực nhiều ít rõ ràng, bảo gia nhân đem ấn triện Ðề đốc mang đi, rồi ra sức đánh, bị chết tại trận. Lúc này quân địch càng bị giết càng nhiều, chia cắt quân Thanh từng nhóm rồi vây kín. Thống soái Tôn Sĩ Nghị mất liên lạc với Hứa Thế Hanh và các đại viên Ðề, Trấn; bèn ra lệnh Phó tướng Khánh Thành, Ðức Khắc Tinh Ngạch mang ba trăm quân đoạt vây chạy về phía bắc. Khi tàn quân của Tôn Sĩ Nghị chạy đến bờ sông, thì số quân Thanh ba ngàn tên trú đóng tại bờ phía nam đã được Tổng binh Thượng Duy Thanh mang đi tiếp ứng cho Hứa Thế Hanh, bèn ra lệnh cho Tổng binh Lý Hóa Long vượt qua cầu nổi chiếm cứ bờ phía bắc, để tiện việc yểm hộ qua sông. Không ngờ Lý Hóa Long đi đến giữa cầu, trượt chân rơi xuống nước chết, số quân mang đi kinh hãi không biết làm gì. Tôn Sĩ Nghị ra lệnh Khánh Thành yểm hộ mặt sau bằng cách bắn súng điểu thương vào quân Nguyễn Văn Huệ đang truy kích, riêng mình tự mang quân theo cầu nổi lui về bờ phía bắc; rồi lập tức cho chặt đứt cầu nổi, cùng với bọn Khánh Thành rút lui về sông Thị Cầu.

   Quân Thanh tại phía nam sông thấy cầu đã bị đứt chìm, không có đường về, bèn đánh trở lại thành nhà Lê. Các Tổng binh Thượng Duy Thăng, Trương Triều Long, Phó tướng Na Ðôn Hành, Tham tướng Dương Hưng Long, Vương Tuyên, Anh Lâm đều tử trận. Tri châu Ðiền Châu Sầm Nghi Ðống không được viện binh đành tự tử, số thân binh tự tử cũng đến hàng trăm. Quốc vương An Nam Lê Duy Kỳ vào lúc binh thua tới dinh Tôn Sĩ Nghị họp bàn, thấy Tôn Sĩ Nghị đã bỏ chạy, bèn hoảng hốt vượt sông chạy lên phương bắc, đến đây nhà Lê diệt vong.

   Nguyễn Văn Huệ xua quân tiến vào thành, chiến bào mặc trên người nhuốm đen, do bởi thuốc súng. Ðề đốc Ô Ðại Kinh mang đạo quân Thanh tại Vân Nam xuất phát từ Mã Bạch quan vào ngày 20 tháng 11 năm ngoái, đến Tuyên Quang vào ngày 21 tháng 12; khi đến sông Phú Lương thấy cầu nổi bằng tre đã bị chìm đứt, nhìn sang bên kia bờ thấy lửa rực bốn phía, bèn triệt hồi Tuyên Quang, rồi lập tức lui vào trong nước.

   Cuộc chiến vẫn còn tiếp tục, nhưng rõ ràng rằng phần thắng sẽ thuộc về những lý tưởng chiến đấu vì chính nghĩa. Tinh thần hy sinh và tài năng của dân tộc ta một lần nữa được khẳng định với bạn bè năm châu khi một lần nữa nhắc lại chiến công oai hùng.

Đã có lần em cùng bố, mẹ đi thăm mộ người thân

Sắp Tết rồi! Phải, sắp Tết! Đã hơn hai năm trôi qua, không có bà ở bên chăm sóc, vỗ về, bà chỉ hiện lên trong những dòng kí ức, trong trí tưởng tượng non nớt của tôi. Và năm nay sẽ là lần đầu tiên tôi đi tảo mộ bà. Trong tôi rộn lên bao nỗi niềm cảm xúc...

   Chớm xuân! Trời đất, vạn vật choàng tỉnh khỏi giấc ngủ mùa đông, khoác tấm áo mới tươi tắn mừng xuân về. Những giọt nắng đầu tiên đã xuất hiện, rơi xuống con đường đất nâu sậm thành từng vùng nắng ấm áp, dìu dịu, làm tan đi cái lạnh lẽo, u ám vốn thấy ở mùa đông. Bên vệ đường, những bông lau, những vạt cỏ mới mọc, khẽ đưa mình trước làn gió thoảng, gợn sóng mềm mại. Trời đất như rộng thêm ra! Cái phong vị mùa xuân đang lan tỏa khắp nơi.

   Đường vắng vẻ, mọi người rảo bước đi nhanh hơn. Còn tôi, tôi thấy mình thật lạ! Tôi đã rất muốn gặp, rất muốn thăm bà nhưng thực tình tôi không muốn bước chân vào khu nghĩa trang này, nó như cho tôi cái cảm giác phải tin là bà đã mãi đi xa vậy. Dòng suy nghĩ vẩn vơ, chân bước tiếp, rồi tự bao giờ tôi đã đứng trước nơi bà yên nghỉ.. Mọi thứ xung quanh chợt mờ đi trước mắt tôi, tôi muốn dùng nước mắt như cố để phủ nhòa đi cái cảnh tượng trước mắt. Mẹ tôi đã chuẩn bị đầy đủ trong chiếc làn nặng trĩu những thứ cần thiết: nào nhang, hoa và cả đồ lễ nữa. Mẹ cùng chị sửa sang phần mộ chu đáo, cẩn thận, nhổ cỏ quanh bia đá. Đưa tôi mấy nén nhang thơm đã đốt sẵn, mẹ bảo hai chị em đi thắp nhang cho các ngôi mộ xung quanh. Mẹ tôi vẫn đang sửa cỗ. Xa xa nơi một góc nghĩa trang, một nhà đang hóa vàng và lục tục chuẩn bị ra về. Lũ trẻ nhà đó chạy lăng xăng đi trước, người lớn sửa soạn đi sau.

   ... Tôi giờ đang đứng lặng ở đây, trước mộ bà, chắp tay làm lễ như mẹ và chị tôi. Những kỉ niệm chợt ùa về với tôi thật rõ nét, tất cả chỉ như vừa mới qua thôi. Tôi nhớ những ngày bà bế tôi rong chơi khắp làng, nhớ cả hơi ấm đặc biệt của bà nữa. Quên sao được hình bóng bà chập chờn trên vách bếp mỗi sớm tinh sương, bà nấu những nồi chè nóng, nướng những củ khoai thơm phức cho chị em tôi. Lúc nào bà cũng dành cho tôi phần hơn, phần ngon. Tôi cũng là đứa thường hay thích chải tóc cho bà, mái tóc bà dài, xòa ngang lưng, lốm đốm những sợi bạc và thoang thoảng mùi sả thơm. Tôi nhớ khôn nguôi cái mùi hương nồng ấm làm cay cay sống mũi ấy! Tôi cũng biết rằng hồi đó tôi chỉ là đứa trò hậu đậu, vụng về, làm đâu đổ đấy. Nhưng bà chẳng bao giờ quở trách tôi, cũng chẳng bao giờ bảo tôi hậu đậu cả. Bà dạy tôi mọi thứ, bà cho tôi niềm tin ở những việc mình làm, cho tôi cả những niềm hạnh phúc lớn lao. Bây giờ, tôi đã khôn lớn hơn, đã bớt hậu đậu, vụng về thì tôi chẳng còn có dip cho bà thấy những việc mình làm nữa. Bây giờ, ông cũng vẫn thường cho tôi những quả lộc nhưng cái cảm giác ngày xưa đã mãi không còn nữa, nó không phải là cảm giác thích thú, hớn hở khi được bà cho quà... Ngày trước, cứ mỗi đợt đông về, bà luôn nhắc tôi phái mặc áo cho ấm, sợ tôi ho và ốm, bà sợ tôi lạnh. Vậy mà bây giờ bà nằm đây, trong đất lạnh, cô đơn và trống trải. Bà có cảm nhận được không một mùa xuân ấm áp sắp về.

   Một làn gió thoảng qua kéo tôi trở lại với thực tại, đưa tôi ra khỏi thế giới của tuổi thơ tràn ngập bóng bà. Chị và mẹ đang gọi tôi. Mẹ đang hóa vàng, những tro tiền giấy theo gió bay khắp cả một khoảng không trước mộ.

   Tôi nhận ra ràng, bà đi thật rồi... Tôi trở về khi ánh hoàng hôn dán buông, cảnh vật nhuốm một màu vàng nhàn nhạt, ảm đạm. Tôi quay gót, ngước nhìn phía sau con đường vừa bước. Dường như tôi mong chờ một hình bóng ai đó hay một điều kì diệu làm phai bớt di gam màu buồn này, có thể gạt đi trong tôi bao ý nghĩ miên man ùa về.

Nguồn: vietjack