Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Văn mẫu: Cảm xúc mùa thu

Gửi bởi: Nguyễn Thị Ngọc 29 tháng 10 2019 lúc 14:30:11


Mục lục
* * * * *

Phân tích bài thơ Cảm xúc mùa thu của Đỗ Phủ

Đỗ Phủ được mệnh danh là Thi Thánh, một trong những nhà thơ xuất sắc nhất trong lịch sử văn học Trung Quốc. Ông để lại sự nghiệp sáng tác đồ sộ, có giá trị, khoảng 1500 bài thơ. Cảm xúc mùa thu được trích từ chùm thơ “Thu hứng” gồm có tám bài. Cảm xúc mùa thu được đánh giá là bài thơ hay nhất, có nội dung bao quát bảy bài thơ còn lại. Tác phẩm thể hiện nỗi nhớ quê hương tha thiết, khắc khoải của tác giả.

     Tác phẩm được sáng tác năm 766 trong thời điểm Trung Quốc đã chấm dứt loạn An Lộc Sơn. Loạn An Lộc Sơn đã gây ra hậu quả khủng khiếp. Triều đại nhà Đường rơi vào suy thoái. Cả nội chiến và ngoại xâm đều có nguy cơ bùng nổ. Tình cảnh của nhân dân vô cùng khốn khổ, bản thân Đỗ Phủ cũng phải trải nghiệm sự khốn khổ, điêu linh đó. Khi ấy Đỗ Phủ đến vùng đất Tứ Xuyên, được sự giúp đỡ của một người bạn thân làm quan nhưng sau khi bạn thân mất, ông mất chỗ dựa. Đưa gia đình về nhưng đói khổ nên bị mắc lại ở Quỳ Châu hai năm trong tình cảnh nghèo túng, bệnh tật, bế tắc. Trong những năm này ông sáng tác nhiều, giọng thơ bi thiết, buồn thảm.

    Lác đác rừng phong hạt móc sa,

    Ngàn non hiu hắt, khí thu lòa.

     Câu thơ đầu đã cho độc giả thấy ba hình ảnh đặc trưng nhất của mùa thu là: rừng phong, hạt móc, nghìn thu, ba hình ảnh này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau gợi cảm giác lạnh lẽo, thê lương. Sương móc vốn là loại sương đặc trưng của mùa thu Trung Quốc, loại sương gợi nên sự giá buốt, lạnh lẽo. Nhưng trong câu thơ dịch không truyền tải được tinh thần của nguyên tác: Sương móc rơi lác đác – lác đác là tính từ cho thấy sự thưa thớt của những hạt sương rơi. Tạo nên cảnh tượng mờ ảo, quyến rũ. Nguyên tác phải là Sương móc trắng xóa dày đặc, giăng mắc, bao phủ khắp không gian, cảnh vật. Màu trắng không gợi ra sự tinh khôi, thanh khiết mà gợi ra sự ảm đạm và hiu hắt, lạnh lẽo. Kết hợp với làn sương trắng xóa, hiu hắt là hình ảnh rừng phong, vốn rừng phong vào mùa thu có màu đỏ, gợi nên sự ấm nóng, rực rỡ. Nhưng với làn sương trắng xóa dày đặc, đã khiến cả rừng thu trở nên xơ xác, tiêu điều. Sang đến câu thơ thứ hai, khắc họa rõ nét hơn sự ảm đạm, hiu hắt của khung cảnh thiên nhiên. Vu sơn, Vu giáp là những dãy núi chạy dài, không có một khoảng trống. Vùng núi cao ấy không bao giờ thấy ánh sáng mặt trời nên rất tăm tối, ảm đạm. Kết hợp với làn sương dày đặc càng khiến không gian thêm ảm đạm, hiu hắt hơn. Ba hình hình kết hợp lại với nhau mang đến cho người đọc sự cảm nhận về bức tranh cảnh thu nơi đất khách: lạnh lẽo, tiêu điều, hiu hắt tăm tối.

     Nếu ở hai câu đề, tác giả bao quát cảnh thu theo chiều rộng thì ở hai câu thực, tác giả bao quát cảnh thu theo chiều cao: Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng/ Tái thương phong vân tiếp địa âm. Câu thơ được tác giả sử dụng kết hợp biện pháp nghệ thuật đối và phóng đại: Sóng vọt lên tận lưng trời; Mây sà xuống giáp mặt đất. Hai sự vật thiên nhiên vận động trái chiều: vọt lên, sà xuống, các động từ đã nhấn mạnh hơn nữa vào sự vận động ngược chiều đó. Hai sự vật vận động ngược chiều, ép sát vào nhau, khiến không gian bị ken đặc lại, bị lấp kín bới cái mờ ảo, hoang vu của sông và mây. Bức tranh thu hiện lên hùng vĩ nhưng âm u, dữ dội, đầy ngột ngạt.

     Bốn câu đầu mở ra không gian nhìn từ xa: rừng phong, sông núi, cửa ải,… bốn câu sau mạch thơ có sự vận động về gần, trước mắt tác giả là hình ảnh:

    Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,

    Cô chu nhất hệ cố viên tâm.

     Với ý tứ sâu xa, bản dịch thơ đã không truyền tải được hết ý nghĩa của nguyên tác. Câu thơ thứ năm mang đến nhiều cách hiểu, khi chủ thể của hoạt động nước mắt tuôn rơi đều bị ẩn đi. Câu thơ có thể hiểu nước mắt tuôn rơi là của khóm cúc vì những cánh hoa nở ra đều mang hình giọt lệ, khóm cúc nở hoa cũng là khóm cúc đang tuôn rơi những giọt lệ. Nhưng cũng có thể hiểu chủ thể của nước mắt là thi nhân. Cứ mỗi lần nhìn khóm cúc nở hoa là một lần nhận ra thời gian chảy trôi, mà mình thì bị buộc ở đây mãi, càng chạnh lòng, lại thức dậy nỗi nhớ quê trong bất lực. Dù hiểu theo cách nào câu thơ chất chứa nỗi buồn đau của tác giả mỗi khi hoa cúc nở. Khóm cúc nở hoa đã hai lần nhấn mạnh vào con số, hai năm – khoảng thời gian gia đình tác giả lưu lạc và mắc lại ở mảnh đất Quỳ Châu. “Lưỡng khai” còn là con số ước lệ - số nhiều – gợi ra nỗi đau triền miên và dai dẳng. Không chỉ năm nay hoa cúc nở mới làm thức dậy nỗi đau mà nỗi đau ấy từ năm ngoái, cho thấy nỗi đau triền miên, dai dẳng, thường trực từ rất lâu. Nỗi đau trong bế tắc – nỗi đau thời thế, nỗi nhớ quê hương mà không thể nào có thể trở về quê hương.

     Cảnh ngộ lẻ loi của tác giả thể hiện rõ ràng hơn trong hình ảnh “cô chu” – hình ảnh con thuyền cô đơn, lẻ loi. Đồng thời gợi ra cảnh ngộ cô đơn, lẻ loi, trôi nổi nơi đất khách của tác giả. Câu thơ trước hết là hình ảnh thực: con thuyền chở gia đình nhà thơ về quê đã bị mắc lại ở Quỳ Châu. Đằng sau nghĩa thực là một hàm ý: gửi gắm nỗi nhớ quê buộc chặt trên con thuyền lẻ loi nơi đất khách. Chữ “buộc” trở thành nhãn tự của câu thơ, vừa là sợi dây buộc con thuyền, vừa là sợi dây thắt lòng người.

    Hàn y xứ xứ thôi đao xích,

    Bạch Đế thành cao cấp mộ châm.

     Trong nỗi nhớ quê hương da diết ấy, cảnh rộn ràng tiếng dao thước may áo rét, tiếng chày đập áo dồn dập càng cho thấy rõ hơn nỗi niềm của kẻ xa quê phải tha hương nơi đất khách quê người. Nhưng bên cạnh đó hình ảnh ấy còn cho thấy nỗi lo lắng vì đất nước vẫn chưa được yên bình.

     Với ngôn từ hàm súc, cô đọng, bút pháp tả cảnh ngụ tình đặc sắc, Đỗ Phủ đã tái hiện bức tranh thu xơ xác, tiêu điều, lạnh lẽo. Đằng sau bức tranh ấy còn gửi gắm tâm trạng bài thơ: nỗi lo cho đất nước, nỗi nhớ quê hương và nỗi xót xa cho thân phận của chính mình.

Cảm nhận về bài thơ Cảm xúc mùa thu

Tác giả Đỗ Phủ (712 -770) là nhà thơ lớn, không chỉ của đời Đường, mà cả của lịch sử thơ ca Trung Quốc. Đỗ Phủ làm thơ từ lúc 7 tuổi, lúc nhà Đường còn phồn vinh, nhưng tài năng của ông nở rộ vào giai đoạn sau sự biến An Lộc Sơn – Sử Tư Minh (755 -763), lúc đất nước Trung Quốc chìm ngập liên miên trong cảnh loạn li. Và khi ấy Đỗ Phủ cùng gia đình cũng phải chạy loạn nhiều nơi. Phản ánh hiện thực và bày tỏ thái độ, tâm trạng trước hiện thực khốn khổ của nhân dân, của nạn chiến tranh, nạn đói là nội dung cơ bản của thơ ca Đỗ Phủ. Ông đặc biệt thành công ở mảng thơ biểu hiện tâm trạng khác nhau khi sống trong cảnh tha phương cầu thực vì loạn li – trong đó nổi tiếng nhất là chùm thơ "Thu hứng" gồm tám bài thất ngôn bát cú Đường luật.

   Tác phẩm Cảm xúc mùa thu (Thu hứng 1) là bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ trữ tình của Đỗ Phủ. Là một bài thơ tả cảnh và tả tình, bài thơ có kết cấu khá quen thuộc : bốn câu đầu thiên về tả cảnh, bốn câu sau thiên về tả tình. Phong cảnh mùa thu mang những nét đặc trưng của thiên nhiên Trung Quốc. Cảnh vật được nhìn qua tâm trạng của một người đang phải tha phương cầu thực, nhớ quê hương nhưng không thể trở về nên hiu hắt và rất buồn. Bức tranh phong cảnh có đủ màu sắc, hình khối, đường nét và âm thanh, tất cả tạo nên sức gợi cho bài thơ. Đây là một bài thơ điển hình cho thể thơ luật Đường và cho phong cách thơ trữ tình hiện thực Đỗ Phủ.

   Đỗ Phủ và Lí Bạch là hai đỉnh cao chói lọi của thơ Đường, tạo nên hai khuynh hướng trong Đường thi. Lí Bạch mang phong cách lãng mạn, một người lãng mạn cuồng phóng ; Đỗ Phủ mang phong cách hiện thực, một hiện thực sâu sắc. Cuộc đời của Đỗ Phủ gắn liền với điều kiện xã hội đầy biến động của đất nước Trung Hoa thời loạn An Lộc Sơn -Sử Tư Minh. Chứng kiến cảnh đất nước loạn li và là nạn nhân của xã hội thời loạn nên văn thơ của "Thi thánh" Đỗ Phủ chứa đựng chất liệu hiện thực rất phong phú. Thơ ông được coi là "thi sử" với nghệ thuật điêu luyện và khả năng truyền tải nội dung tư tưởng thời đại rất diệu kì. Xuất thân trong gia đình Nho học, mấy đời làm quan, ông nội là nhà thơ Đỗ Thẩm Ngôn nổi tiếng thời Sơ Thịnh Đường, Đỗ Phủ mang trong mình lí tưởng của người quân tử, muốn tiến thân bằng con đường khoa cử, cứu nước giúp đời. Nhưng triều đình phong kiến thối nát, vua tôi ăn chơi sa đoạ thời ấy đã làm lí tưởng của ông đổ vỡ. Ông bị đẩy xuống tận đáy xã hội và phải chết đói trên con thuyền lẻ loi nơi đất khách quê người. Qua thơ Đỗ Phủ, xã hội đời Đường ở hai giai đoạn trước và sau loạn An Lộc Sơn hiện lên rất đậm nét. Mang tâm trạng đau đời của một con người có trách nhiệm với dân tộc, với đất nước nên thơ ca Đỗ Phủ là những vần thơ thấm nỗi buồn và đẫm nước mắt.

   Chùm thơ "Thu hứng" thể hiện rất rõ nỗi đau đời ấy của thi nhân. "Thu hứng" được sáng tác năm 766, bốn năm trước khi nhà thơ qua đời. Đây là giai đoạn nhà thơ đang cùng gia đình chạy loạn trong cảnh đói rét và bần hàn, cũng là thời kì chín muồi tài năng của ông. Một bài thất ngôn bát cú Đường thi thường có cấu trúc bốn phần là đề, thực, luận, kết và có những quy tắc riêng cho nội dung từng phần. Thế nhưng cấu trúc ấy cũng có thể chia làm hai phần hần vịnh cảnh và phần tả tình - nhất là đối với những bài trữ tình phong cảnh. Nội dung của bài Thu hứng cũng có thể phân chia theo kiểu cấu trúc thứ hai. Bốn câu đầu tả cảnh, bốn câu sau bày tỏ tâm trạng của nhân vật trữ tình.

   Tất nhiên cách phân chia này chỉ có ý nghĩa tương đối bởi trong thơ ca nói chung và trong thơ Đường nói riêng, tình và cảnh không thể tách rời, cảnh bao giờ cũng chứa tình và tình thì khó có thể bày tỏ nếu thiếu cảnh. Trong Thu hứng, cảnh và tình hoà quyện tạo nên khả năng biểu đạt tâm trạng cho bài thơ. Thơ Đường thường có những quy định rất chặt chẽ về niêm luật, về thi liệu, về đề tài. Hình ảnh và ngôn từ trong thơ Đường, vì vậy, thường không phong phú. Các nhà thơ thường có thói quen sử dụng một số hình ảnh và ngôn từ mang tính quy ước nhất định. Nhưng chính những yêu cầu ngặt nghèo về thi pháp ấy lại kích thích khả năng sử dụng ngôn ngữ của các nhà thơ cổ điển. Với những hình ảnh và vốn từ ngữ không nhiều ấy họ đã tinh luyện ngôn từ tạo cho ngôn ngữ thơ khả năng cô đọng, hàm súc ở mức tối đa. Cảnh mùa thu là đề tài quá quen thuộc của mọi loại hình nghệ thuật. Thiên nhiên mùa thu dường như đã mang sẵn trong nó phẩm chất tượng trưng nghệ thuật. Mọi loại hình nghệ thuật đều đã có những kiệt tác về đề tài mùa thu. Và trong văn học, nghệ thuật của ngôn từ, thì đề tài mùa thu đã có rất nhiều kiệt tác. Trong thơ ca phương Đông, cảnh mùa thu xuất hiện rất thường xuyên. Vì vậy, xét về đề tài, về hình ảnh thơ thì Thu hứng của Đỗ Phủ không có gì mới lạ. Cái mới lạ thể hiện sự sáng tạo của nhà thơ và cũng là thành công của bài thơ chính là ở nghệ thuật miêu tả, sử dụng sáng tạo niêm luật thơ và nhất là hình tượng của nhân vật trữ tình trong bài thơ.

   Bốn câu thơ đầu tả cảnh mùa thu với những hình ảnh rất quen thuộc, đó là rừng phong, là khí trời u ám, mặt nước mờ sương :

    Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm,

    Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm.

    Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng,

    Tái thượng phong vân tiếp địa âm.

    (Lác đác rừng phong hạt móc sa,

    Ngàn non hiu hắt, khí thu loà.

    Lưng trời sóng rợn lòng sông thẳm,

    Mặt đất mây đùn cửa ải xa.)

   Bốn câu thơ tả cảnh thu vừa có chất nhạc vừa có chất hoạ. Đủ cả sắc màu, đường nét và âm thanh. Nhưng sắc màu không sáng, thanh âm không vui. Đường nét, hình ảnh của bức tranh thì rất hùng vĩ, mở ra một khung cảnh thiên nhiên với đủ núi rừng, sông nước, bầu trời và cửa ải. Một không gian rộng nhưng có giới hạn chứ không vô tận. Đó là một không gian u ám của một buổi sáng mùa thu không có ánh bình minh. Không khí u ám được gợi lên ở những từ ngữ "điêu thương", "khí tiêu sâm", "tiếp địa âm". Nó gợi cảm giác u ám và lạnh lẽo. Nhạc tính được thể hiện ở nghệ thuật bố trí thanh bằng trắc và cách gieo vần. Bốn câu thơ này có tới ba câu gieo vần bằng, đồng thời lại sử dụng rất nhiều thanh bằng (17/28 thanh bằng), tạo nên cảm giác mênh mang của tâm trạng trữ tình. Xét về nội dung, đây là bốn câu thơ tả thực cảnh mùa thu với những nét thu rất đặc trưng của thiên nhiên Trung Quốc. Tính chất cổ điển của Đường thi thể hiện ở bốn câu thơ này. Có thể hình dung một người hoạ sĩ đứng ngắm mùa thu và cất bút vẽ, bắt đầu nhìn từ cảnh gần, từ rừng phong rồi đến dòng sông, xa hơn nữa là dãy núi và cuối cùng tầm nhìn bị cản trở bởi cửa ải xa đầy sương mù.

   Cảnh thực mùa thu Trung Quốc thường buồn lạnh như vậy, nhưng cái khí u ám của bức tranh sơn thuỷ hùng vĩ này còn được tạo nên bởi tâm tư người dựng cảnh. Chủ thể sáng tạo bức tranh chắc phải mang tâm trạng rất u sầu thì mới thể hiện thần thái u buồn ấy của bức tranh. Cảnh và tình có sự giao hoà tạo nên một bức tranh thiên nhiên đầy tâm sự. Không gian nghệ thuật bài thơ có đủ chiều cao, chiều rộng nhưng không thoáng mà rất nặng nề. Bởi không gian và cảnh sắc mùa thu ấy được nhìn dưới con mắt của một con người đang phải sống tha hương trong cảnh khốn khó, phải chứng kiến dân tộc đang trong cảnh loạn li. Hướng về quê hương trong nỗi nhớ da diết nhưng không thể trở về được càng làm cho tâm trạng thêm u sầu. Ánh mắt hướng về nơi quê nhà ấy bị cản trở bởi cửa ải mây mù. Tâm trạng đau buồn của người tha hương thời loạn được bộc lộ trực tiếp hơn ở phần hai, phần tả tình của bài thơ :

    Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,

    Cô chu nhất hệ cố viên tâm.

    Hàn y xứ xứ thôi đao xích,

    Bạch Đế thành cao cấp mộ châm.

    (Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ,

    Con thuyền buộc chặt mối tình nhà.

    Lạnh lùng giục kẻ tay dao thước,

    Thành Bạch, chày vang bóng ác tà.)

   Bốn câu thơ nói đến cảnh ngộ và tâm trạng của chủ thể trữ tình. Hai phần của bài thơ có vẻ như độc lập về nội dung. Mạch cảm xúc có sự chuyển hướng đột ngột, nhưng thực ra đây là bước phát triển tất yếu của tâm trạng thơ. Cảnh buổi sáng mùa thu u ám gợi liên tưởng đến thực tại và những ngày kế tiếp của cảnh chạy loạn. Chẳng có gì sáng sủa hơn cho những ngày sắp tới. Nỗi nhớ quê hương trỗi dậy trong lòng người lữ thứ khi thu sắp tàn và đông sắp tới. Tư tưởng nghệ thuật của bài thơ được tập trung ở câu "Cô chu nhất hệ cố viên tâm".

   "Cô chu" là con thuyền đơn độc trên sông. Đây là hình ảnh thơ vừa có ý nghĩa tả thực, vừa là một biểu tượng nghệ thuật. Khi chạy loạn, cả gia đình Đỗ Phủ đã phải sống trên một con thuyền thả trôi trên sông Trường Giang. Loạn lạc nên họ không thể trở về quê hương được. Tấm lòng thương nhớ quê nhà đành buộc chặt nơi con thuyền nhỏ ấy. Hình ảnh con thuyền còn mang một ý nghĩa khái quát, nó đã trở thành một biểu tượng nghệ thuật của văn học, dùng để chỉ thân phận lênh đênh của con người. Lí Bạch từng dùng hình ảnh "cô phàm" để thể hiện tâm sự cô đơn, đồng thời thể hiện cảnh ngộ cô đơn và đầy bất trắc của Mạnh Hạo Nhiên khi ông bước chân vào chốn quan trường. Còn ở đây, "cô chu" thể hiện cảnh ngộ và tâm trạng của nhà thơ bất hạnh Đỗ Phủ. Năm 765, Đỗ Phủ cùng gia đình rời Thành Đô đến Vân An rồi Quỳ Châu. Vậy là trên thực tế, nhà thơ đã rời Thành Đô hai năm. Hai năm là hai mùa hoa cúc nở, hai mùa thu xa quê hương.

   Người ta xa quê đi tha phương bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Còn với chủ thể trữ tình ở bài thơ này thì lí do xa quê là chạy loạn. Đó là lí do khắc nghiệt và đau thương nhất. Loạn li gây nên bao nỗi thương tâm nên nhìn hoa cúc nở mà lòng đau tưởng hoa cúc cũng rơi lệ. Nguyễn Công Trứ dịch câu thơ này là : "Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ ".Câu thơ dịch không làm rõ được nghĩa của nguyên tắc. Theo phần dịch nghĩa, có thể hiểu, người xa quê đã hai năm, nhưng dòng nước mắt nhớ quê không phải chỉ rơi hai năm mà đã từng rơi trước đó nữa. Đó không chỉ là dòng nước mắt của người chạy loạn mà còn là dòng nước mắt của nỗi đau đời. Nỗi đau được khúc xạ qua một tâm hồn nhạy cảm. Bao nỗi đau chất chứa trong lòng.

   Tâm trạng "cố viên tâm" còn tiếp tục được bày tỏ trong bảy bài thơ còn lại của chùm Thu hứng. Bài Thu hứng có tính chất như là "cương lĩnh sáng tác" của cả chùm thơ. Nỗi nhớ quê càng da diết hơn khi người xa quê muốn trở về mà không được. Hai câu luận của bài thơ cùng phát triển một ý thơ, là điểm sáng thẩm mĩ và cũng là tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ. Vì nỗi nhớ quê hương, nhớ cuộc sống thanh bình nơi quê nhà xưa kia mà tâm trạng u uất, vì thế mà cảnh mùa thu vốn đã buồn lại càng nhuốm màu li biệt. Một con thuyền lẻ loi cô độc trên dòng Trường Giang dậy sóng là nơi trú ngụ của kẻ tha phương. Hướng về phía quê hương nhưng phía trước là cửa ải mịt mù, là dòng sông cuộn sóng, là loạn lạc binh đao. Một con thuyền nhỏ nhoi không đủ sức để vượt qua những cản trở đó mà trở về quê hương. Nỗi nhớ nhân lên nhiều hơn khi nghe tiếng chày đập áo, âm thanh quen thuộc và ấm áp của cuộc sống thường nhật :

    Hàn y xứ xứ thôi đao xích

    Bạch Đế thành cao cấp mộ châm.

   Những ngày cuối đời sống ở Quỳ Châu, Đỗ Phủ phải sống trong một hoàn cảnh cực kì khó khăn. Đói rét hành hạ tấm thân, nỗi nhớ, nỗi đau, niềm u uất dày vò trong lòng. Lang thang nay đây mai đó trên con thuyền nhỏ rách nát lại càng thèm muốn một ngôi nhà ấm áp. Cuối thu người ta bắt đầu chuẩn bị áo ấm cho một mùa đông dài giá buốt. Tiếng chày đập áo, ngày thường thật giản dị, chẳng mấy ai để ý. Nhưng trong cảnh ngộ của nhân vật trữ tình lúc này nó có tác động rất lớn. Nó là biểu tượng cho một cuộc sống yên bình, điều mà nhà thơ đang khao khát.Sự đối lập giữa cảnh thu hiu hắt lạnh lẽo với tiếng chày đập áo trên thành Bạch Đế gợi nên sự đối lập của hai cuộc sống. Một tha phương đói rét, một ấm áp bình yên càng làm tăng nỗi nhớ quê hương của người lữ khách. Tiếng chày đập áo có sức gợi cảm rất lớn, nhất là trong mạch tâm trạng này của nhân vật trữ tình. Tiếng chày đập áo trong bóng chiều tà thật buồn, nó càng làm rõ thêm cảnh ngộ bi thương của người xa quê, nó đã tạo nên dư âm vang vọng cho bài thơ.

   Bài thơ không chỉ là tâm trạng của một Đỗ Phủ trong cảnh ngộ cụ thể. Bài thơ là tâm trạng của nhiều người, của nhiều thời đại khi họ phải sống trong cảnh biệt li, nhất là biệt li trong loạn lạc. Cảnh và tình đã có sự kết hợp rất chặt chẽ tạo nên vẻ đẹp nghệ thuật và chiều sâu tư tưởng của bài thơ. Qua tâm trạng của nhân vật trữ tình, bài thơ đã tố cáo mạnh mẽ những cuộc chiến tranh phi nghĩa, nguyên nhân cơ bản đẩy con người đến những cảnh ngộ thương tâm. "Thu hứng"vừa là nỗi u sầu của người nhớ quê, vừa là niềm khao khát một cuộc sống yên bình của mỗi người dân. Ai đã từng sống trong chiến tranh, từng chịu cảnh loạn li ắt hẳn sẽ có sự đồng cảm sâu sắc với tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ này.

   Phần lớn thơ của Đỗ Phủ là thơ luật. "Thu hứng" cũng nằm trong số đó. Về cấu tứ và hình ảnh quả thực không có gì quá xa lạ. Đó đều là những thi liệu vẫn được các nhà thơ đời Đường ưa thích sử dụng. Nhưng với tài năng tinh luyện ngôn ngữ, sử dụng thanh bằng, trắc và tấm lòng tha thiết với quê hương đất nước, nhà thơ đã sáng tạo nên một thi phẩm giàu xúc cảm, vừa gợi cảm vừa giàu giá trị nhân văn. Bài thơ là một bức tranh tâm cảnh được bắt đầu từ cảnh để biểu lộ tình. Nó mang vẻ đẹp cổ điển về ngôn ngữ thi liệu, cấu tứ và nồng nàn hơi thở thời đại.

   Bài thơ Thu hứng 1 là bài thứ nhất -có tính chất cương lĩnh trong chùm thơ Thu hứng gồm tám bài thất ngôn bát cú Đường luật của Đỗ Phủ, khi nhà thơ ở Quỳ Châu, lòng hướng về "vườn cũ" (cố viên). Đọc thêm Thu hứng 4 để thấy vẫn mạch cảm xúc ấy, nhưng cụ thể, mãnh liệt hơn, hồi cố những cảnh thăng bình của thủ đô Trường An những ngày còn thịnh trị.

Cảm nghĩ về bài thơ Cảm xúc mùa thu

Một trong những nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc mà chúng ta không thể không biết tới đó chính là Đỗ Phủ. Ngoài cái tên nổi tiếng là Lí Bạch thì Đỗ Phủ là một cái tên mà nhiều người biết đến qua tài năng thơ của ông. Các tác phẩm của ông được nhiều bạn đọc hưởng ứng và sức hấp dân của những bài thơ ấy còn được đem ra để bình luận tốn khá nhiều giấy bút. Tiêu biểu trong những bài thơ hay ấy phải kể đến bài thơ. Cảm xúc mùa thu.

   Cảm xúc mùa thu có tên hán là "Thu hứng" thể hiện cảm xúc của nhà thơ trước những màu sắc cảnh vật trời thu. Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú. Với thể thơ này thì những hình ảnh mùa thu cũng nhu tâm trạng của nhà thơ được thể hiện rõ. Đó chính là tâm trạng buồn cùng cảnh thế gian loạn lạc rối ren. Có thể nói những người làm thơ đa số có một tâm hồn nhạy cảm sự đa sầu đa cảm trong trái tim dạt dào yêu thương của mình.

   Bốn câu thơ đầu như vẽ lên hình ảnh màu thu với những rừng phong của cảnh vật nơi đây.

   Trước hết là hai câu thơ đầu với hình ảnh của những rừng phong quen thuộc gắn với những hình ảnh của tuyết lạnh lẽo ấy:

    "Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm,

    Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm,"

    (Lác đác rừng phong hạt móc sa,

    Ngàn non hiu hắt, khi thu lòa. )

   Qua hai câu thơ ta thấy dường như nhà thơ đang đứng ở một nơi cao nhất phóng tầm mắt xa của mình để thu được chụp lại được những gì gọi là cảnh sắc của trời thu. Hai chữ "lác đác" thể hiện sự thưa thớt nhẹ nhàng của màu thu. Thu rất nhẹ nhàng dịu dàng chính vì thế nó lúc nào cũng là mùa tâm trạng, đẹp nhưng lại vấn vương điều gì mà buồn khó tả. Những rừng phong kia thì quá quen thuộc với hình ảnh của mùa thu, nhắc đến mùa thu xứ ấy ta hay nhớ đến hình ảnh của những rừng phong nhuốm màu đỏ rực. Ở đây cũng thế những rừng phong như thưa thớt hơn khi thu về lá nhuốm đỏ rồi rụng lác đác. Hạt "móc sa" kia chính là những hạt tuyết trắng. Có thể nói không gian nơi đây không chỉ có màu sắc của rừng phong li biệt mà còn có cả sự lạnh lẽo của tuyết trắng. không khí mùa thu còn được thể hiện qua câu thơ thứ hai đó là không khí lạnh lẽo qua cụm từ "khí thu lòa". Cái khí thu lòa ấy đã phần nào thể hiện được những ảm đạm tăm tối của mùa thu. Núi Vu Sơn, Vu Giáp thật sự là những cái tên nổi tiếng trong thơ ca của Trung Quốc với chiều cao và tầm vóc của nó mà không biết bao nhiêu lần nó góp mặt trong văn học. Hẻm Vu, Núi Vu vốn dĩ đã rất lạnh lẽo nhưng qua bút pháp miêu tả của Đỗ Phủ thì càng thấm đẫm lạnh lẽo và sự biệt ly hơn.

   Như vậy có thể thấy qua hai câu thơ đầu nhà thơ đã vẽ lên những hình ảnh gắn với mùa thu. Qua đó ta cảm nhận được những sự tiêu điều xơ xác của cảnh vật. Không khí màu thu lạnh lẽo với tuyết trắng khiến cho lòng người nếu cô đơn sẽ thật sự thấy rét mướt đến nhường nào.

   Cảnh vật mùa thu tiếp tục được thể hiện trong hai câu thơ thực:

    "Giang gian ba lăng kiêm thiên dũng,

    Tái thượng phong vân tiếp địa âm."

    (Lưng trời sông rợn lòng sông thẳm,

    Mặt đất mây đùn cửa ải xa. )

   Một cảnh đẹp tuy hoang sơ nhưng lại hấp dẫn người đọc qua những hình ảnh đẹp ấy. Lưng trời lòng sông sâu thẳm. Mặt đất kia rồi lại mây đùn trên bầu trời. Có thể nói rằng chính những cảnh vật trên trời dưới nước, mặt đất trên mây đã làm nên những cảnh hấp dẫn người đọc. "Mây đùn" ta như cảm nhận được hình ảnh những đám mây bồng bềnh như đùn đùn xô nhau lên. Với những từ như "rợn" và thẳm thì chúng ta thấy được sự hùng vĩ của sông núi nơi đây chính vì thế mà con người cảm thấy như nhỏ bé với chính những sự rộng lớn của thiên nhiên nơi đây. Và hình ảnh mây đùn lại giống như là từ dưới mặt đất đùn lên khiến che lấp đi cả cửa ải xa xa.

   Như vậy qua hai câu thơ trên ta thấy cảnh vật màu thu không còn bi thương tàn tạ như ở hai câu đê nữa mà ở đây là cảnh vật của sự hùng vĩ, hoành tráng của sông núi nơi đây. Bốn câu thơ như lột tả hết tất cả những cảnh sắc của mùa thu mà nhà thơ muốn thể hiện. Nói cách khác nhà thơ đã cảm nhận được cảnh sắc mùa thu nơi đây. Mùa thu ấy có sự tàn tạ héo úa, mùa thu ấy cũng có cả những núi non hùng vĩ, mây trời cuồn cuộn. Tuy nhiên trước cảnh vật ấy ta cũng phần nào thấy được tâm tình của tác giả.

   Bốn câu thơ tiếp theo nhà thơ thể hiện tâm trạng của bản thân mình trước khung cảnh mùa thu nơi đất khách quê hương.

   Hai câu thơ luận nhà thơ đã sử dụng biện pháp nghệ thuật cân đối hoàn chỉnh khiến cho ta vừa cảm nhận được tình thu lại vừa cảm nhận được cảnh thu:

    "Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,

    Cô chu nhất hệ cố viên tâm."

    (Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ,

    Con thuyền buộc chặt mối tình nhà. )

   Cảnh thu đó chính là hình ảnh những khóm hoa cúc cũng như đang buồn mà rũ cánh hoa xuống thành những dòng lệ chan. Không biết là cúc tuôn lệ hay chính là cúc nở hoa mà nhà thơ lại tuôn lệ. Bên cạnh đó là hình ảnh những con thuyền buộc chặt vô cùng đẹp. Không những thế mà qua hai câu thơ ấy ta còn cảm nhận được tình thu của nhà thơ. Tại sao hoa cúc nở hoa nhà thơ lại khóc?. Con thuyền kia được nhân hóa buộc chặt với mối tình nhà để thể hiện điều gì?. Có lẽ bởi vì trước cảnh tượng ấy nhà thơ nhớ đến quê hương của mình. Nhà thơ đã hai lần nhìn thấy hoa cúc nở đồng nghĩa với việc nhà thơ hai năm rời xa quê hương. Và chính những tâm tư ấy khiến cho nhà thơ nhớ đến chốn quê hương nghĩa nặng tình sâu. Con thuyền kia như là vật để đưa nhà thơ về với quê hương của mình.

   Tiếp đến là cái tình trong hai câu thơ cuối, hai câu thơ cuối bao giờ cũng nói đến nhưng hoạt động của con người. Nếu như Xuân Hương của Việt Nam ngán cảnh xuân đi xuân lại thì Đỗ Phủ của Trung Quốc lại thể hiện tâm trạng của mình qua hình ảnh và âm thanh của cuộc sống sinh hoạt nơi biên ải:

    "Hàn y xứ xứ thôi đao xích,

    Bạch Đệ thành cao cấp mộ châm."

    (Lạnh lùng giục kẻ tay dao thước,

    Thành Bạch, chày vang bóng ác tà. )

   Ở đây hình ảnh của những âm thanh sinh hoạt nơi cửa ải bỗng nhiên được vang lên. Đó nhịp đập của những tiếng chày giặt quần áo bên sông, Nguyễn Công Trứ đã dịch rất hay cho từ "đao xích" thành "dao thước". Không nói đến cụ thể mà chúng ta vẫn có thể hiểu được đó là công việc may vá. Sự lãnh lẽo thúc giục người ta màu đông sắp đến mau chóng may quần áo để chống trọi với mùa đông giá rét kia. Và không gian thì hãy còn lạnh lẽo, ta như cảm nhận được có chút gì đó vui vui trong tâm trạng của nhà thơ nhưng rồi lại trùng lại buồn thiu khi cất lên những câu thơ cuối. Trong khi ấy chiến tranh thì xảy ra liên miên khiến cho nhà thơ mong muốn dẹp hết loạn để nhân dân nơi đây cũng như những người dân quê ông được sống trong ấm no hạnh phúc.

   Tóm lại qua đây ta thấy được cảnh thu nơi cửa ải cùng những tâm trạng của nhà thơ. Ở đây ta thấy được nghệ thuật lấy cảnh tả tình của nhà thơ. Từ những quan sát thực tại mùa thu nơi đây mà nhà thơ nhớ đến quê hương mình với tất cả những gì thân thương gắn bó nhất. Để cuối cùng kết lại thành một mong muốn dẹp loạn để nhân dân có cuộc sống yên bình hơn.

Nguồn: vietjack