Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Văn mẫu: Viết bài làm văn số 1

Gửi bởi: Nguyễn Thị Ngọc 29 tháng 10 2019 lúc 11:34:03


Mục lục
* * * * *

Cảm xúc về ngày đầu tiên bước vào trường trung học phổ thông

 “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên hông có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường” đó cũng chính là cảm giác của tôi khi nhớ lại những buổi tựu trường khi vào cấp ba. Năm nào ngày tựu trường của đem lại cho tôi những cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến lạ kì, nhưng có lẽ ấn tượng nhất, sâu sắc nhất chính là buổi tựu trường đầu tiên khi tôi bước vào trường phổ thông.

     Ngôi trường mà tôi học là ngôi trường mà bất cứ ai cũng ao ước được học tập, đó là trường chuyên của tỉnh, nơi hội tụ những thầy cô giáo tốt nhất. Tôi đỗ vào trường như một sự may mắn. Tôi vốn học khá ở trong lớp toàn những bạn học kém, nên cái khá của tôi cũng chỉ ở mức bình thường so với các bạn trường khác. Nhưng từ nhỏ tôi đã có ao ước được học tập dưới mái trường này khi thấy sự nguy nga, trang nghiêm của nó trong một lần vô tình đi ngang qua trường. Chính ấn tượng ấy khiến tôi có quyết tâm cao hơn bao giờ hết, tôi lao vào học tập để cố đuổi kịp những bạn khác. Ngày đi thi, tôi mang hết vốn kiến thức nhỏ bé của mình vào làm bài, tôi không hi vọng mình sẽ đỗ, nhưng tôi vui vì mình đã cố gắng hết sức. Ngày tôi biết tin đỗ vào chuyên Văn của trường, tôi vỡ òa trong niềm vui và hạnh phúc. Tôi mường tượng về buổi tựu trường đầy đẹp đẽ, mà sau buổi tựu trường đó tôi sẽ chính thức là một phần của mái trường thân yêu này.

     Trước ngày khai giảng độ ba ngày, ngày nào tôi cũng đi qua trường, ngắm nhìn và chiêm ngưỡng vẻ uy nghi, trầm mặc của nó từ xa. Ngôi trường vẫn mang vẻ trang nghiêm như thuở nào nhưng nay đã được khoác lên mình bộ quần áo mới màu xanh nhạt mát mắt, nhưng tôi vẫn có đôi chút lưu luyến với vẻ rêu phong, cổ kính trước đây.

     Đêm trước ngày khai trường, tôi hồi hộp không sao ngủ được. Tôi nằm trằn trọc, nghĩ đến ngày mai được gặp bạn mới thầy mới, mặc dù trước đó chúng tôi đã được gặp nhau một lần khi đi tập trung lúc nhận được nhận giấy báo trúng tuyển. Nhưng sao lòng tôi vẫn nôn nao hồi hộp, tôi ước trời có thể sáng nhanh thật nhanh để tôi đến trường. Tôi dậy, ngắm nhìn sách vở mình đã chuẩn bị, ngắm bộ áo dài trắng muốt đã được mẹ là lượt phẳng phiu để mai tôi mặc đến trường. Nhìn bộ áo dài bỗng dưng tôi mỉm cười, vì hạnh phúc, vì sung sướng, có cảm giác như mặc chúng vào tôi sẽ trở thành thiếu nữ. Tôi đem ý nghĩ ngọt ngào ấy vào giấc ngủ.

     Sáng hôm ấy là buổi sớm mùa thu gió nhẹ, trời trong xanh bởi đêm qua một cơn mưa rào đã cuốn trôi biết bao bụi bẩn đi. Bầu trời trong xanh như một tấm kính khổng lồ, nắng thu nhàn nhạt, cùng với những đám mây lững lờ, chậm rãi trôi trên bầu trời. Tôi guồng chân đạp những vòng xe lớn để nhanh nhanh đến trường. Dòng sông Đà đã đổi màu tự khi nào, màu đỏ phù sa đã đi đâu mất nay chỉ còn lại màu xanh ngọc bích, nước trong nhìn thấu xuống đáy. Trên đường có biết bao bạn như tôi, những tà áo dài trắng tung bay trong buổi sáng mùa thu dịu ngọt.

     Không khí ở trường tươi vui, rộn rã, ai cũng mang trên mình khuôn mặt hớn hở, háo hức. Người vui vì được gặp lại thầy cũ, bạn cũ, người háo hức vì chuẩn bị bước vào môi trường mới với biết bao cơ hội và thách thức. Lòng tôi xốn xang, mọi thứ trước mắt dường như đẹp đẽ, ấn tượng hơn. Ấn tượng nhất với tôi có lẽ là bài diễn văn của thầy hiệu trưởng. Thầy thấp và hơi đậm người, trán hói, đôi kính cận dày trên khuôn mặt to tròn, phúc hậu. Giọng thầy trầm ấm và đầy uy lực. Cả hội trường ngồi im phăng phắc nghe những lời thầy dặn dò, trao truyền lại cho thế hệ tương lai. Sau lời phát biểu của thầy một tràng pháo tay rộn vang cất lên như để hưởng ứng và cam kết thực hiện những lời thầy đã nói. Trong tôi trào lên niềm hứng khởi và sự quyết tâm lớn cho năm học mới.

     Cảm giác ngượng ngùng với bạn bè xung quanh biến đi đâu mất. Một cách rất tự nhiên chúng tôi làm quen và trò chuyện với nhau. Và thật kì lạ tôi có cảm giác đã quen cậu bạn ngồi kế bên từ lâu lắm rồi. Chúng tôi vào lớp làm quen với mọi người, với giáo viên chủ nhiệm – một cô giáo gầy, nhỏ người, khuôn mặt có nét gì đó khắc khổ nhưng giọng giảng văn tuyệt hay. Tiết học đầu tiên cô đã cho tôi những ấn tượng không thể nào quên.

     Những cảm xúc ngọt ngào về buổi tựu trường hôm ấy vẫn như đâu đây lẩn khuất trong tâm trí tôi. Nó chính là nguồn động lực để tôi cố gắng hơn nữa, phát huy truyền thông của trường, chắp cánh mơ ước của tôi. Những kỉ niệm trong sáng ấy mãi mãi tôi sẽ không bao giờ quên.

Cảm nghĩ về thiên nhiên và đời sống của con người trong thời khắc chuyển mùa

 Sáng sớm, nhìn qua khung cửa sổ, tôi bỗng nhận ra thấy sự khác lạ của bầu trời, của những cơn gió, của những hàng phượng già bên góc phố,... và cả thái độ của những người qua đường nữa. Họ vui vẻ lạ thường. Và cơn gió miên mạn “lạc bước” vào phòng tôi qua khung cửa, mang đến tôi một cảm giác mới mẻ. Nó không phải là gió của ngày hôm qua. Ngày hôm qua, gió vẫn còn oi nồng lắm, vẫn còn nóng bức lắm, đâu có mát mẻ như thế này. Và khi đó, tôi chợt nhận ra sự đổi khác của đất trời, đây chính là thời khắc chuyển mùa từ hạ sang thu.

   Có lẽ là, tiết trời đã bắt đầu chuyển mùa từ cuối tháng 6. Cái oi nồng, nóng bức của mùa hạ đã bắt đầu dịu xuống, thay vào đó là một bầu trời trong xnah, lộng gió thu sang. Những cây phượng già đã bắt đầu rụng lá, ngập đỏ cả một con đường. Trên kia, từng tia nắng ấm đã dần dần nhuộm vàng lên từng hàng cây, hay nền gạch tạo nên một khung cảnh mùa thu như trong thơ ca vẫn thường nói đến. Một khung cảnh tuyệt đẹp và rất hiếm thấy! Và cảm giác mát mẻ của sự chuyển mùa ấy len lỏi vào tâm hồn tôi, xóa tan cái nóng bức và khó chịu của mùa hạ. Thu đã sang nhưng dư âm của mùa hạ vẫn còn vương. Những đám mây trắng lãng đãng như vaanx còn ấm màu nắng của mùa hạ. Đâu đó màu hoa cúc nở rộ bỗng nhuốm đầy không gian hòa vào với khung cảnh thơ ca êm đềm, thơ mộng.

   Trên những tán cây, từng đàn chim bắt đầu ríu rít những tiếng kêu cùng hòa vào với sự râm ran của đàn ve sầu. Tôi có cảm giác quanh tôi bắt đầu trải rộng hơn, bao la hơn. Tôi ngước nhìn một lần nuwac những đám mây xa, những đàn chi, ríu rít rời tán cây phượng bay về tận phương nào mà như thể chúng hiện diện ngay trước mắt tôi. Bất chợt, âm vang của một bài thơ mà thi sĩ Hữu Thỉnh viết về thời khắc chuyển mùa lại vang lên trong lòng tôi:

    Sông được lúc dềnh dàng

    Chim bắt đầu vội vã

    Có đám mây mùa hạ

    Vắt nửa mình sang thu.

   Khi đọc bài thơ ấy, tôi chưa có một cảm giác gì cụ thể nhưng khi đứng trước thời khắc chuyển mùa thực sự, tâm hồn tôi lại không khỏi bâng khuâng, xao xuyến lạ thường!

   Mùa hạ dần qua đi, và thu sang thế chỗ. Những cơn mưa ào ạt bắt đầu vơi dần, nhường chỗ cho mưa thu mát mẻ, trong lành. Dòng sông ngoài xa cũng không còn sục sôi như trong những ngày lũ hạ mà bỗng trở nên hiền hòa, màu nước trở nên trong hơn, êm dịu hơn. Dưới đường, những người đi đường ai nấy đều cười nói vui vẻ như thể họ cũng nhận ra cái dễ chịu của thời khắc giao mùa hạ sang thu. Tiếng cười nói, tiếng chim ríu rít, tiếng đàn ve râm ran, tiếng lá xào xạc, … tất cả tạo nên những âm thanh quen thuộc trong cuộc sống nhưng mang một cảm giác man mác, khó tả thấm dần vào lòng người.

   Rảo bước nhanh qua con đường quen thuộc sau hồi cảm nhận, nhìn lại tôi vẫn thấy khung cảnh chuyển mùa vẫn vậy, vẫn tuyệt đẹp và rất xứng đáng đi vào thơ ca như trong bài thơ của thi sĩ Hữu Thỉnh. Về đến nhà nhưng cảm giác man mác trong lòng tôi vẫn còn vương lại. Và tôi chợt nhận ra rằng: tôi yêu thích sự chuyển mùa này, thời khắc chuyển mùa từ hạ sang thu.

Cảm nghĩa về một người thân yêu nhất của anh chị

Trong cuộc sống hàng ngày, có biết bao nhiêu người đáng để chúng ta thương yêu và dành nhiều tình cảm. Nhưng đã bao giờ bạn nghĩ rằng, người thân yêu nhất của bạn là ai chưa? Với mọi người câu trả lời ấy có thể là ông bà, là mẹ, là anh chị hoặc cũng có thể là bạn bè chẳng hạn. Còn riêng tôi, hình ảnh người bố sẽ mãi mãi là ngọn lửa thiêng liêng, sưởi ấm tâm hồn tôi mãi tận sau này.

   Bố tôi không may mắn như những người đàn ông khác. Trong suốt cuộc đời bố có lẽ không bao giờ được sống trong sự sung sướng, vui vẻ. Bốn mươi tuổi khi chưa đi được nửa chặng đời người, bố đã phải sống chung với bao nhiêu bệnh tật: Đầu tiên đó chỉ là những cơn đau dạ dày, rồi tiếp đến lại xuất hiện thêm nhiều biến chứng. Trước đây, khi còn khỏe mạnh, bao giờ bố cũng rất phong độ.

   Thế nhưng bây giờ, vẻ đẹp ấy dường như đã dần đổi thay: Thay vì những cánh tay cuồn cuộn bắp, giờ đây chỉ còn là một dáng người gầy gầy, teo teo. Đôi mắt sâu dưới hàng lông mày rậm, hai gò má cao cao lại dần nổi lên trên khuôn mặt sạm đen vì sương gió. Tuy vậy, bệnh tật không thể làm mất đi tính cách bên trong của bố, bố luôn là một người đầy nghị lực, giàu tự tin và hết lòng thương yêu gia đình.

   Gia đình tôi không khá giả, mọi chi tiêu trong gia đình đều phụ thuộc vào đồng tiền bố mẹ kiếm được hàng ngày. Dù bệnh tật, ốm đau nhưng bố chưa bao giờ chịu đầu hàng số mệnh. Bố cố gắng vượt lên những cơn đau quằn quại để làm yên lòng mọi người trong gia đình, cố gắng kiếm tiền bằng sức lao động của mình từ nghề xe lai.

   Hàng ngày, bố phải đi làm từ khi sáng sớm cho tới lúc mặt trời đã ngã bóng từ lâu. Mái tóc bố đã dần bạc đi trong sương sớm. Công việc ấy rất dễ dàng với những người bình thường nhưng với bố nó rất khó khăn và gian khổ. Bây giờ có những lúc phải chở khách đi đường xa, đường sốc thì những cơn đau dạ dạy của bố lại tái phát.

   Và cả những ngày thời tiết thay đổi, có những trưa hè nắng to nhiệt độ tới 38-48 độ C, hay những ngày mưa ngâu rả rích cả tháng 7, tháng 8, rồi cả những tối mùa đông lạnh giá, bố vẫn cố gắng đứng dưới những bóng cây kia mong khách qua đường. Tôi luôn tự hào và hãnh diện với mọi người khi có được một người bố giàu đức hy sinh, chịu thương, chịu khó như vậy.

   Nhưng có phải đâu như vậy là xong. Mỗi ngày bố đứng như vậy thì khi trở về những cơn đau quằn quại lại hành hạ bố. Nhìn khuôn mặt bố nhăn nhó lại, những cơn đau vật vã mà bố phải chịu đựng, tôi chỉ biết òa lên mà khóc. Nhìn thấy bố như vậy, lòng tôi như quặn đau hơn gấp trăm ngàn lần. Bố ơi, giá như con có thể mang những cơn đau đó vào mình thay cho bố, giá như con có thể giúp bố kiếm tiền thì hay biết mấy? Nếu làm được gì cho bố vào lúc này để bố được vui hơn, con sẽ làm tất cả, bố hãy nói cho con được không?

   Những lúc ấy, tôi chỉ biết ôm bố, xoa dầu cho bố, tôi chỉ muốn với bố đừng đi làm nữa, tôi có thể nghỉ học, như vậy sẽ tiết kiệm được chi tiêu cho gia đình, tôi có thể kiếm được tiền và chữa bệnh cho bố. Nhưng nếu nhắc đến điều đó chắc chắn là bố sẽ buồn và thất vọng ở tôi nhiều lắm.

   Bố luôn nói rằng bố sẽ luôn chiến đấu. Chiến đấu cho tới những chút sức lực cuối cùng để có thể nuôi chúng tôi ăn học thành người. Bố rất quan tâm đến việc học của chúng tôi. Ngày xưa bố học rất giỏi nhưng nhà nghèo bố phải nghỉ học. Vào mỗi tối, khi còn cố gắng đi lại được, bố luôn bày dạy cho mấy chị em học bài.

   Trong những bữa cơm bố thường nhắc chúng tôi cách sống, cách làm người sao cho phải đạo. Tôi phục bố lắm, bố thuộc hàng mấy nghìn câu Kiều, hàng trăm câu châm ngôn, danh ngôn nổi tiếng...

   Chính vì vậy, tôi luôn cố gắng tự giác học tập. Tôi sẽ làm một bác sĩ và sẽ chữa bệnh cho bố, sẽ kiếm tiền để phụng dưỡng bố và đi tiếp những bước đường dở dang trong tuổi trẻ của bố. Tôi luôn biết ơn bố rất nhiều, bố đã dành cho tôi một con đường sáng ngời, bởi đó là con đường của học vấn, chứ không phải là con đường đen tối của tiền bạc. Tôi sẽ luôn lấy những lời bố dạy để sống, lấy bố là gương sáng để noi theo.

   Và tôi khâm phục không chỉ bởi bố là một người giỏi giang, là một người cao cả, đứng đắn, lòng kiên trì chịu khó mà còn bởi cách sống lạc quan, vô tư của bố. Mặc dù những thời gian rảnh rỗi của bố còn lại rất ít nhưng bố vẫn trồng và chăm sóc khu vườn trước nhà để cho nó bao giờ cũng xanh tươi.

   Những giỏ phong lan có bao giờ bố quên cho uống nước vào mỗi buổi sáng; những cây thiết ngọc lan có bao giờ mang trên mình một cái lá héo nào? Những cây hoa lan, hoa nhài có bao giờ không tỏa hương thơm ngát đâu? Bởi đằng sau nó luôn có một bàn tay ấm áp chở che, chăm sóc, không những yêu hoa mà bố còn rất thích nuôi động vật.

   Tuy nhà tôi bao giờ cũng có hai chú chó con và một chú mèo và có lúc bố còn mang về những chiếc lồng chim đẹp nữa. Và hơn thế, trong suốt hơn năm năm trời chung sống với bệnh tật, tôi chưa bao giờ nghe bố nhắc đến cái chết, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc trốn tránh sự thật, bố luôn đối mặt với "tử thần", bố luôn dành thời gian để có thể làm được tất cả mọi việc khi chưa quá muộn.

   Nhưng cuộc đời bố bao giờ cũng đầy đau khổ, khi mà cả gia đình đã dần khá lên, khi các chị tôi đã có thể kiếm tiền, thì bố lại bỏ chị em tôi, bỏ mẹ, bỏ gia đình này để ra đi về thế giới bên kia. Bố đi về một nơi rất xa mà không bao giờ được gặp lại. Giờ đây khi tôi vấp ngã, tôi sẽ phải tự đứng dậy và đi tiếp bằng đôi chân của mình, bởi bố đi xa, sẽ không còn ai nâng đỡ, che chở, động viên tôi nữa.

   Bố có biết chăng nơi đây con cô đơn buồn tủi một mình không? Tại sao nỡ bỏ con ở lại mà đi hả bố? Nhưng con cũng cảm ơn bố, bố đã cho con thêm một bài học nữa, đó chính là trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta hãy trân trọng những gì đang có, hãy yêu thương những người xung quanh mình hơn, và đặc biệt hãy quan tâm, chăm sóc cho bố của mình, tha thứ cho bố, khi bố nóng giận và nỡ mắng mình bởi bố luôn là người yêu thương nhất của chúng ta.

   Bố ra đi, đi đến một thế giới khác, ở nơi đó bố sẽ không còn bệnh tật, sẽ thoát khỏi cuộc sống thương đau này. Và bố hãy yên tâm, con sẽ luôn nhớ những lời dạy của bố, sẽ luôn thương yêu, kính trọng biết ơn bố, sẽ sống theo gương sáng mà bố đã rọi đường cho con đi. Hình ảnh của bố sẽ luôn ấp ủ trong lòng con. Những kỷ niệm, những tình cảm bố dành cho con, con sẽ ôm ấp, trân trọng, nó như chính linh hồn của mình.

Cảm nghĩ sâu sắc nhất về một câu chuyện

Chúng ta đã từng học qua những truyện ngắn như Lão Hạc, Tắt đèn và chắc không mấy ai trong số chúng ta lại không trầm trồ thán phục tài năng nghệ thuật của Nam Cao hay Ngô Tất Tố. Với riêng tôi, dù đã đọc đi đọc lại truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao rất nhiều lần nhưng dường như lần nào tôi cũng lại tìm thấy thêm được một vài điều lý thú. Nó cuốn hút tôi, lay động tôi, khi thì gợi trong tôi sự căm thù, khi lại gọi về chan chứa những yêu thương.

   Lão Hạc là sản phẩm của một tấm lòng nhân đạo cao cả. Nó là tình yêu thương, là sự ngợi ca, trân trọng người lao động của Nam Cao. Giống như Ngô Tất Tố cùng nhiều nhà văn thời đó, Nam Cao đã dựng lên hình ảnh người nông dân Việt Nam trước Cách mạng với những phẩm chất đáng quý, đáng yêu: chăm chỉ, cần cù, giàu tình yêu thương và giàu đức hy sinh.Trước cách mạng, Nam Cao say sưa khám phá cuộc sống và tính cách của người nông dân. Trong các tác phẩm của ông, môi trường và hoàn cảnh sống của nhân vật chính thường gắn liền với cái nghèo, cái đói, với miếng ăn và với các định kiến xã hội đã thấm sâu vào nếp cảm, nếp nghĩ vào cách nhìn của con người ở nông thôn.

   Lão Hạc cũng vậy, suốt đời sống trong cảnh nghèo và cái đói. Lão đã dành hầu như cả đời mình để nuôi con mà chưa bao giờ nghĩ đến mình. Lão thương con vô bờ bến: thương khi con không lấy được vợ vì nhà ta nghèo quá, thương con phải bỏ làng, bỏ xứ mà đi để ôm mộng làm giàu giữa chốn hang hùm miệng sói. Và đọc truyện ta còn thấy lão đau khổ biết nhường nào khi phải bán đi cậu Vàng, kỷ vật duy nhất của đứa con trai. Không bán, lão biết lấy gì nuôi nó sống. Cuộc sống ngày thêm một khó khăn. Rồi cuối cùng, đến cái thân lão, lão cũng không giữ được. Lão ăn củ chuối, ăn sung luộc. Nhưng lão nghĩ, lão "không nên" sống nữa. Sống thêm, nhất định lão sẽ tiêu hết số tiền dành dụm cho đứa con mình. Vậy là, thật đớn đau thay! Lão Hạc đã phải tự "sắp xếp" cái chết cho mình. Cuộc sống của nông dân ta trước cách mạng ngột ngạt đến không thở được. Nhìn cái hiện thực ấy, ta đau đớn, xót xa. Ta cũng căm ghét vô cùng bọn địa chủ, bọn thực dân gian ác.

   Lão Hạc chết. Cái chết của lão Hạc là cái chết cùng đường, tuy bi thương nhưng sáng bừng phẩm chất cao đẹp của người nông dân. Nó khiến ta vừa cảm thương vừa nể phục một nhân cách giàu tự trọng. Lão chết nhưng đã quyết giữ cho được mảnh vườn, chết mà không muốn làm luỵ phiền hàng xóm.

   Đọc Lão Hạc ta thấy đâu phải chỉ mình lão khổ. Những hạng người như Binh Tư, một kẻ do cái nghèo mà bị tha hoá thành một tên trộm cắp. Đó là ông giáo, một người trí thức đầy hiểu biết nhưng cũng không thoát ra khỏi áp lực của cảnh vợ con rách áo, đói cơm. Cái nghèo khiến ông giáo đã phải rứt ruột bán đi từng cuốn sách vô giá của mình. Nhưng cái thứ ấy bán đi thì được mấy bữa cơm? Vậy ra ở trong truyện tất cả đã đều là lão Hạc. Lão Hạc phải oằn mình mà chết trước thử hỏi những người kia có thể cầm cự được bao lâu?

   Vấn đề nổi bật được thể hiện trong Lão Hạc là niềm tin và sự lạc quan của nhà văn vào bản chất tốt đẹp của con người. Thế nhưng điều quan trọng hơn mà nhà văn muốn nhắn gửi đó là một lời tố cáo. Nó cất lên như là một tiếng kêu để cứu lấy con người. Từ chiều sâu của nội dung tư tưởng, tác phẩm nói lên tính cấp bách và yêu cầu khẩn thiết phải thay đổi toàn bộ môi trường sống để cứu lấy những giá trị chân chính và tốt đẹp của con người.

   Lão Hạc cho ta một cái nhìn về quá khứ để mà trân trọng nhiều hơn cuộc sống hôm nay. Nó cũng dạy ta, cuộc sống là một cuộc đấu tranh không phải chỉ đơn giản là để sinh tồn mà còn là một cuộc đấu tranh để bảo toàn nhân cách.

Nguồn: vietjack