Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

BÀI 1. Mở đầu môn hóa học

 MỞ ĐẦU MÔN HÓA

I. HÓA HỌC LÀ GÌ

1. Thí nghiệm

Có 3 ống nghiệm nhỏ chứa các chất:

a) Dung dịch NaOH

b) Dung dịch CuSO4

c) Dung dịch HCl

d) Đinh sắt

Thí nghiệm 1: Cho 1 ml dung dịch CuSO4(màu xanh) vào một ống nghiệm, rồi cho 1 ml dung dịch NaOH vào ống nghiệm. Nhận xét hiện tượng phản ứng?

Thí nghiệm 2: Cho 1 ml dung dịch HCl vào một ống nghiệm khác và cho vào đó 1 đinh sắt. Nhận xét hiện tượng phản ứng?

2. Quan sát

a) Ở ống nghiệm thứ nhất ta thấy có sự biến đổi các chất: tạo ra chất mới và không tan trong nước.

b) Ở ống nghiệm thứ hai ta thấy có sự biến đổi các chất: tạo ra chất khí sủi bọt trong chất lỏng.

3. Nhận xét: Hóa học là khoa học nghiên cứu các chất, sự biến đổi chất.

II. HÓA HỌC CÓ VAI TRÒ NHƯ THẾ NÀO TRONG CUỘC SỐNG CỦA CHÚNG TA

1. Trả lời câu hỏi

a) Nhiều vật dụng sinh hoạt và công cụ sản xuất được làm từ các chất như sắt, đồng, nhôm, chất dẻo. Hãy kể ra 3 loại vật dụng là đồ dùng thiết yếu sử dụng trong gia đình em.

b) Hãy kể ra 3 loại sản phẩm hóa học được sử dụng nhiều trong sản xuất nông nghiệp hoặc thủ công nghiệp ở địa phương em.

c) Hãy kể ra những sản phẩm hóa học phục vụ trực tiếp cho việc học tập của em và cho việc bảo vệ sức khỏe của gia đình em.

2. Nhận xét

- Vật dụng sinh hoạt trong gia đình như: xoong, nồi, bát, đĩa, giầy, dép, quần, áo ... Đồ dùng học tập như: giấy, bút, sách, vở ... đều là những sản phẩm hóa học.

- Phân bón hóa học, chất bảo quản thực phẩm và nông sản, thuốc bảo vệ thực vật đã giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

- Tuy nhiên, việc sản xuất và sử dụng hóa chất tràn lan như hiện nay cũng sẽ làm ô nhiễm môi trường nếu như không được sử dụng đúng qui trình. Vì vậy các em cần phải hiểu biết về hóa học để làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

3. Kết luận

Hóa học có vai trò hết sức quan trọng trong cuộc sống của chúng ta.

III. CẦN PHẢI LÀM GÌ ĐỂ HỌC TỐT MÔN HÓA HỌC

1. Kỹ năng học tập

a) Thu thập kiến thức bằng việc tự làm, quan sát thí nghiệm và các hiện tượng tự nhiên, trong cuộc sống hoặc thông qua sách vở.

b) Xử lí thông tin: tự rút ra nhận xét cần thiết, trả lời các câu hỏi hoặc hệ thống các câu hỏi.

c) Vận dụng: trả lời câu hỏi, làm bài tập, giải thích các hiện tượng tự nhiên xung quanh cuộc sống thường ngày.

d) Ghi nhớ: Học thuộc những nội dung quan trọng nhất trong sách để làm nền tảng kiến thức cho bản thân.

2. Phương pháp học tập

a) Đọc bài trước khi đến lớp, ghi lại những vấn đề chưa hiểu hoặc mâu thuẫn.

b) Ghi nhớ những nội dung giáo viên nhấn mạnh trên lớp, trao đổi, thảo luận với bạn cùng học, hỏi giáo viên về những vấn đề còn đang thắc mắc.

c) Làm bài tập về nhà và làm bài tập trên các website có hỗ trợ học tập.

d) Đọc thêm sách để nâng cao kiến thức.

Bài tập

Có thể bạn quan tâm