Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Văn mẫu: Viết bài làm văn số 3

Gửi bởi: Nguyễn Thị Ngọc 29 tháng 10 2019 lúc 14:02:32


Mục lục
* * * * *

Đóng vai Trương Sinh kể lại Chuyện người con gái Nam Xương

Bóng nàng ẩn hiện trên sông, nói lời tạ từ tôi và con, rồi nàng biến mất…. Tôi tha thiết gọi tên nàng để níu kéo nhưng nàng đã vĩnh viễn biến mất, vĩnh viễn rời xa cha con tôi. Tất cả cũng chỉ tại tính ghen tuông mù quáng, mà giờ tôi đã mất người vợ thảo hiền, nết na.

     Tôi vốn quê ở Nam Xương, nhà giàu có nhưng tôi lại ham chơi hơn ham học, nên vừa ngoài hai mươi, mẹ tôi đã kén vợ cho tôi. Nàng tên Vũ Nương người con gái thùy mị nết na, lại thêm phần tư dung tốt đẹp. Tôi hài lòng về vợ mình lắm, nhưng tính tôi lại hay ghen, sợ vợ mình xinh đẹp, thùy mị như vậy sẽ nhiều người theo đuổi nên tôi vẫn hết sức phòng ngừa. Biết tôi tính như vậy nên Vũ Nương cũng hết sức giữ gìn, bởi vậy gia đình tôi luôn được êm đềm, yên ấm. Bởi vậy, tôi càng yêu nàng hơn.

     Nhưng cuộc sống gia đình hạnh phúc chẳng được bao lâu, chiến tranh xảy ra, tôi đứng đầu trong danh sách đi lính. Ngày đưa tiễn tôi lên đường cả mẹ và nàng đều khóc hết nước mắt, mong tôi bình an trở về. Những năm tháng ở chiến trường tôi nhớ gia đình tha thiết, nhớ mẹ già ở nhà mong ngóng, nhờ người vợ hiền thục. Tôi chỉ mong chiến tranh nhanh nhanh kết thúc để tôi được trở về bên gia đình.

     Ba năm chiến tranh qua đi, tôi về nhà lòng đầy hứng khởi, mong nhớ. Nhưng ngày tôi về lại ấp xuống biết bao tai họa. Mẹ tôi vì thương nhớ tôi quá nhiều mà sinh bệnh nên đã mất. Tôi bế đứa con nhỏ hơn một tuổi ra thăm mộ mẹ, nhưng bé Đản khóc lớn, không chịu đi cùng tôi, tôi dỗ dành:

     Nín đi con, đừng khóc! lòng cha đã buồn khổ lắm rồi!

     Con tôi nói:

     Ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói chứ không giống như cha trước kia chỉ nín thin thít.

     Tôi ngạc nhiên, sững sờ, tim bỗng nhói đau, máu ghen trong người nổi lên, tôi hỏi dồn thằng bé về người đàn ông đó. Thằng bé hồn nhiên đáp lại:

     - Đêm nào cũng có một người đến, mẹ ngồi người đó cũng ngồi, mẹ đi người đó cũng đi, nhưng người đó không bao giờ bế Đản cả.

     Đến giờ tôi không còn đủ bình tĩnh nữa, vợ tôi thảo hiền, nết na chỉ là cái vỏ bề ngoài. Tôi đi lính đã lập tức thất tiết với tôi. Tôi nổi giận đùng đùng, về nhà đánh đuổi vợ tôi đi. Nàng tha thiết van xin:

     - Thiếp vốn con kẻ khó, được nương tựa nhà giàu. Sum họp chưa thỏa tình chăn gối, chia phôi vì động việc lửa binh. Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết. Tô son điểm phấn từng đã nguôi lòng, ngõ liễu tường hoa chưa từng bén gót. Đâu có sự mất nết hư thân như lời chàng nói. Dám xin bày tỏ để cởi mối nghi ngờ. Mong chàng đừng một mực nghi oan cho thiếp.

     Nhưng những lời nàng đối với tối lúc đó chỉ là gian dối, ngụy biện, tôi gạt phát đi và dùng những lời lẽ đay nghiến, trì triết để đuổi nàng đi. Giá lúc ấy tôi bình tĩnh hơn, nói rõ nguyên do cho nàng giải thích thì gia đình tôi đã không phải chịu cảnh li tán như ngày hôm nay.

     Uất ức vì không được giãi bày, Vũ Nương đã tắm gội chay sạch và tìm đến bến sông Hoàng Giang để tự vẫn nhằm minh chứng cho tấm lòng trong sạch của mình. Lúc ấy tôi vẫn chưa biết rõ sự tình nhưng biết vợ tự vẫn cũng hết sức đau lòng, tôi ra bến sông để vớt xác nhằm chôn cất nàng chu đáo nhưng không tài nào tìm thấy, tôi và con đành trở về nhà.

     Cuộc sống một mình gà trống nuôi con quả chẳng dễ dàng, đêm ấy tôi thắp đèn bỗng bé Đản reo lớn:

     - Cha Đản lại đến kìa. Chính là người cha vẫn đến cùng mẹ đó.

     Bấy giờ tôi mới biết mình đã nghi oan cho vợ. Trong những ngày xa tôi, vì thương nhớ và cũng muốn bù đắp cho con, để bé Đản được nhận tình yêu đủ đầy của cha và mẹ mà nàng đã trỏ bóng mình bảo cha Đản. Tôi lại ghen tuông mù quáng, nghe lời đứa trẻ ngây thơ, không tìm hiểu rõ nguồn cơn nên đã gây nên cái chết oan nghiệt cho nàng. Tôi ân hận lắm.

     Thời gian cứ thế thấm thoát trôi qua. Bỗng một hôm Phan Lang người cùng làng tôi mang chiếc hoa mà ngày xưa vợ vẫn hay dùng đến và nói lời Vũ Nương nhắn gửi, bảo tôi lập đàn giải oan trên sông, đốt cây đăng chiếu xuống nước để Vũ Nương trở về. Tôi nghe xong bán tín bán nghi, nhưng nhìn chiếc hoa đúng là của vợ tôi thật. Tôi đành lập một đàn giải oan trên sông, Vũ Nương trở về thật, nhìn thấy tôi nàng đã nói:

     - Thiếp cảm tạ tấm lòng chàng, ơn đức Linh Phi cứu mạng thiếp đã hứa sẽ ở đó cùng Linh Phi, sông chết cũng không bỏ. Đa tạ tình chàng thiếp chẳng về nhân gian được nữa.

     Tôi còn chưa kịp nói lời xin lỗi nàng, Vũ Nương đã biến mất…

     Nàng trở về chẳng hề trách cứ, oán thán tôi một lời. Điều ấy càng làm tôi đau đớn, day dứt hơn. Chỉ một phút nóng nảy, chỉ vì tính ghen tuông tôi đã cướp đi tình yêu thương của mẹ mà bé Đản vốn được hưởng, và tôi đã đánh mất hạnh phúc của chính mình, mất người vợ thảo hiền, dịu dàng. Cả đời này tôi sẽ sống trong day dứt, đau khổ, và mãi mãi không quên nàng…

Hóa thân vào những que diêm kể lại câu chuyện Cô bé bán diêm 

Hôm nay đã là ngày cuối cùng của năm, ai nấy cũng tất bật sắm sửa đồ đạc cho bữa cơm chào đón năm mới. Nhưng tôi (que diêm) và cô chủ (cô bé bán diêm) vẫn cần mẫn đi bán hàng, chúng tôi đều mong có thể bán hết sớm để trở về nhà.

     Cô bé là một người có số phận hết sức đáng thương. Trước đây cô cũng có cuộc sống hạnh phúc, ấm no như biết bao bạn nhỏ khác. Nhưng mẹ và bà mất, gia đình sa sút, cô phải sống cùng người cha vô lương tâm, suốt ngày say sỉn và sẵn sàng đánh cô bất cứ lúc nào, nếu cô không mang được đồng xu nào về nhà. Đêm nào tôi cũng được nghe tiếng khóc thút thít, tức tưởi của cô.

     Hôm nay, cũng như biết bao ngày khác, cô mang chúng tôi đi bán, nhưng trời đã về muộn mà cô vẫn chưa bán được bao diêm nào. Cô lo lắng, sợ hãi chẳng dám trở về nhà. Càng về chiều gió rét càng mạnh lên. Bóng tối đổ ập xuống bao chùm khắp bốn phía. Cùng lúc đó những cơn mưa tuyết ào ạt đổ xuống, chẳng mấy chốc phố phường đã phủ một màu trắng xóa, người đi lại cũng thưa thớt dần. Chỉ còn một mình cô bé lang thang trên đường. Bộ quần áo mỏng mảnh, rách rưới khiến cái lạnh ngấm vào da thịt, đôi chân cô không mang giày, mỗi bước đi đều run lên vì lạnh. Mỗi đợt gió đến, cô bé lại run lên bần bật. Cô tìm một góc tường thật sâu, ngồi nép vào đó để đỡ lạnh. Cô lần lượt lấy từng que diêm ra. Đây là lần đầu tiên tôi thấy gương mặt cô, đôi môi đỏ hồng, bé xinh, nước da trắng xanh của một đứa bé thiếu chất và thiếu tình thương, đẹp nhất là đôi mắt to và sáng của cô. Cô mâm mê chúng tôi trên tay, có lẽ cô định đốt sao. Nhưng làm sao cô dám, cô đã không bán được bao diêm nào nếu đốt nữa chắc chắn sẽ bị cha đánh.

     Cô ngắm chúng tôi một lúc rồi cô bất ngờ đốt que diêm lên, cô xuýt xoa, hơ hơ đôi bàn tay, có lẽ cô thấy trước mắt là chiếc lò sưởi lớn. Cô sung sướng hòa mình vào cái ấm áp mà cô tưởng tượng ra. Nhưng nhanh chóng que diêm vụt tắt. Cô lấy que diêm thứ hai ra và bật sáng, tôi thấy cô xoa bụng và miệng như đang nhai, có lẽ cô thấy bàn ăn với những chú ngỗng quay béo ngậy, vàng suộm. Nhưng niềm vui của cô cũng nhanh chóng tắt ngấm, que diêm cháy hết, xung quanh cô lại là bóng tối bao phủ. Cô bé rút que diêm thứ ba và quẹt cô reo lên sung sướng khi ánh lửa vàng lóe sáng:

     - Ôi, cây thông thật to và đẹp quá.

     Trước mắt cô là cây thông lung linh, đẹp đẽ với những đồ vật trang trí, những ánh đèn nhấp nháy khiến cây thông trở nên huyền ảo hơn. Nhưng một cơn gió mạnh thổi qua, que diêm tắt và cây thông vụt tan vào hư không. Cô bé thẫn thờ, tiếc nuối nhìn vào khoảng tôi đen vô tận.

     Và rồi tiếp tục rút que diêm thứ ba, ánh mắt cô lần này rạng rỡ khác thường, đôi mắt ầy còn ầng ậc nước, trong giọng nói nghẹn ngào cô gọi:

     - Bà, bà của con. Sao bà đi lâu thế? Sao bà không sớm trở về với con.

     Cô bé vụt đứng dậy ôm chầm vào bà mà thực chất là ôm vào khoảng không tối đen. Niềm vui và sự hạnh phúc của cô bé chẳng được bao lâu, que diêm lại tắt. Như để níu kéo bà, cô lôi tất số diêm còn lại ra và quẹt, ánh sáng bừng lên là người bà lại xuất hiện, cô được sống trong hơi ấm tình thương, sự bao bọc chở che mà bấy lâu nay cô không được cảm nhận. Khi que diêm cuối cùng – là tôi, cũng là lúc cô bé bay về cõi thiên đường cùng bà.

     Khi tôi còn chưa tắt ngấm hẳn, tôi vẫn cố le loi để nhìn cô bé. Nơi cô bé ra đi thật lãnh lẽo, đơn độc, cô chẳng có lấy một người thân bên cạnh. Nhưng trên khuôn mặt cô vẫn rạng rỡ, nụ cười mỉn, dường như cô bé chẳng hề trách móc ai, cô bé ra đi nhẹ nhàng, thanh thản và bình yên.

     Tôi thấy thương và tội nghiệp cho cô bé biết chừng nào. Giá như bố của cô bé quan tâm tới cô hơn một chút, giá như những người xung quanh bỏ ra vài hào lẻ mua phong diêm cho cô để cô trở về nhà thì có lẽ cô đã không phải chịu cái chết cô đơn đến như vậy.

     Cô bé hồn nhiên, nhân hậu, lương thiện, tấm lòng trong sáng, đáng nhẽ phải được hưởng cuộc sống yên vui, hạnh phúc nhưng thực tế cuộc sống của cô lại quá đỗi bất hạnh khi không nhận được tình yêu thương trong gia đình và những người xung quanh. Tình yêu thương có vai trò vô cùng to lớn đối với con người, nó giúp sưởi ấm trái tim, tâm hồn và đem lại cuộc sống hạnh phúc cho họ.

Đóng vai nhân vật Tấm kể lại truyện cổ tích Tấm Cám

Giờ đây tôi đã được sống yên ổn bên nhà vua. Để được hưởng cuộc sống yên bình, hạnh phúc như hiện tại tôi đã phải nỗ lực chiến đấu không ngừng để chống lại cái xấu, cái ác, mà trực tiếp ở đây là mẹ con Cám.

     Tôi và Cám vốn là hai chị em cùng cha khác mẹ. Mẹ tôi là chính thất (vợ cả) còn mẹ Cám chỉ là vợ lẽ. Cha tôi vốn yêu thương mẹ và tôi hơn hết thảy, bởi vậy mẹ con nhà Cám đã đem lòng ghen ghét hai mẹ con tôi. Mẹ tôi mất sớm, bố tôi không lâu sau qua đời, ngày bố qua đời cũng là ngày chấm dứt cuộc sống êm đẹp, hạnh phúc của tôi. Tôi ở cùng dì ghẻ và Cám, đồng thời cũng bắt đầu quãng thời gian cực khổ, bị đày ải cả về thể xác và tinh thần.

     Từ nhỏ cho tới khi tôi trưởng thành, mọi việc trong gia đình dì ghẻ đều bắt tôi làm hết. Tôi quần quật làm suốt ngày, không có lúc nào ngơi tay, ban ngày thì chăn trâu, gánh nước, thái khoai, băm bèo cho lợn gà ăn, tôi đến sau giờ cơm tối tôi còn phải xay lúa giã gạo. Cứ triền miên như vậy, hết năm này qua năm khác, mà mẹ con Cám không hề giúp tôi lấy một lần.

     Tôi còn nhớ lần ấy đang quét sân, thì dì ghẻ bỗng gọi tôi và Cám vào và bảo hai chị em đi bắt tép, ai bắt được đầy mang về trước sẽ được thưởng một chiếc yếm đỏ. Nghe vậy tôi vui lắm, đó là chiếc yếm mà tôi hằng ao ước bấy lâu nay, tôi nhanh chóng lấy giỏ chạy ra ngoài đồng, Cám cũng tung tẩy chạy theo phía sau tôi. Tôi nhặt thoăn thoắt, chẳng mấy chốc tép đã đầy giỏ. Tôi định chạy về, thì Cám gọi giật tôi lại và bảo:

     - Chị Tấm ơi, chị Tấm! Đầu chị lấm, chị hụp cho sâu, kẻo về dì mắng.

     Tin lời Cám, tôi xuống ao, hụp xuống thật sâu cho sạch sẽ. Nhưng nào ngờ khi tôi lên bờ thi cả giỏ tép đã biến mất. Bấy giờ tôi mới biết mình bị lừa. Ấm ức và tức giận nhưng tôi chẳng biết làm sao. Bởi dì ghẻ cũng đã dung túng cho con mình và trao thưởng cho Cám. Tôi ngồi bệt xuống bờ cỏ mà khóc nức nở, khóc cho số phận bất hạnh, khóc cho việc bị đối xử bất công. Đúng lúc ấy tôi thấy trước mắt hiện ra một luồng khói trắng, một ông già râu tóc bạc phơ, cất giọng hiền từ hỏi tôi: - Con làm sao lại khóc?

     Tôi nghẹn ngào kể hết sự tình cho bụt nghe. Nghe xong bụt bảo tôi xem lại trong giỏ còn gì không, thì tôi phát hiện vẫn con một con cá bống. Tôi đem bống về nuôi, từ đó bống trở thành bạn của tôi. Mỗi bữa cơm tôi ăn bớt đi một nửa dành phần cho bống. Bao nhiêu nỗi uất ức, tôi đều đem đến kể cho bống để vơi bớt nỗi lòng. Nhưng chẳng được bao lâu mẹ con Cám lại lừa tôi đi chăn đồng xa để giết chết bống, điều này tôi chỉ biết cho đến khi Bụt hiện lên nói với tôi. Về đến nhà chỉ còn cục máu nổi lên, tôi uất nghẹn, khóc không thành tiếng, tôi thương bống vô cùng, sao mẹ con họ lại đang tâm giết chết một sinh linh nhỏ bé chỉ vì ghét tôi. Nghe lời bụt dặn tôi đem xương bống bỏ vào lọ đem chôn ở bốn chân giường.

     Thời gian cứ thế trôi qua, cho đến một ngày nhà vua mở hội, tôi cũng như bao cô gái khác hứng khởi chuẩn bị đi hội. Nhưng đúng ngày hôm ấy, dì ghẻ đem gạo trộn với thóc bắt tôi nhặt riêng hai thứ ấy mới được xem hội. Tôi ấm ức vô cùng và hiểu rằng dì ghẻ không muốn tôi đi. Tôi vừa nhặt vừa khóc, bụt hiện lên và giúp đỡ tôi, đàn chim sà xuống nhặt thóc ra thóc, gạo ra gạo. và nghe lời bụt dặn tôi đào bốn chân giường lấy váy áo mới để mặc dự hội. Mọi thứ vừa như in, tôi hạnh phúc lắm. Nhưng chẳng may hôm đi hội ấy tôi đánh rơi chiếc giày, tìm mãi mà không thấy. Trong đám hội hôm ấy còn diễn ra lễ thử giày, tôi cũng chen vai đến thử và thật kì lạ khi đến gần thì chiếc giày kia chính là giày của tôi, đôi chân tôi vừa khít chiếc giày đó, hợp với cái còn lại tạo thành một đôi. Và cũng nhờ vậy tôi trở thành hoàng hậu, cuộc đời tôi bước sang một trang mới.

     Nhưng cuộc đời tôi vẫn tiếp tục gặp nhiều sóng gió. Không lâu sau đó là ngày giỗ của cha, tôi về nhà làm giỗ. Khi trèo lên cây cau tôi bị dì ghẻ chặt cây, tôi ngã xuống và chết, Cám thay tôi vào cung chung sống với nhà vua. Tôi không chịu khuất phục, bấy lâu nay họ đã đàn áp tôi, tôi bỏ qua, nhưng lần này cướp cả mạng sống tôi nhất quyết không thể bỏ qua. Tôi phải giành lại quyền sống và hạnh phúc của mình. Tôi hóa thành chim vàng anh, bay vào cung vua, trước khi đến cung vua tôi đến chỗ Tấm cảnh cáo: Phơi áo chồng tao, phơi lao phơi sào, chớ phơi bờ rào, rách áo chồng tao. Rồi tôi bay đến cung vua, tiếng hót của tôi làm nhà vua mê đắm, vua yêu thương tôi lắm, sai người làm cái lồng vàng để tôi có thể ngày ngày bên cạnh ngài. Nhưng Cám tiếp tục hãm hại giết chết tôi, tôi hóa thành cây xoan đào, nhà vua lại mắc võng ngày ngày nằm dưới bóng cây xanh là tôi. Sự độc của mẹ con Cám quả không có giới hạn, chúng lại chặt xoan đào, làm thành khung cửi, khiến cho vua không được ở bên cạnh tôi. Hôm ấy trong lúc Cám dệt vải tôi liền cảnh cáo Cám: Cót ca cót két/ lấy tranh chồng chị/ Chị khoét mắt ra. Nghe thấy vậy, Cảm hoảng sợ vứt tôi đi thật xa.

     Từ đống cây đó tôi tiếp tục vươn mình thành cây thị, rồi quả thị thơm tho tỏa hương khắp nơi. Một bà lão đi qua đã khấn: Thị ơi thị, rụng vào bị bà bà đem bà ngửi, chứ bà không ăn. Tôi rụng xuống và về ở cùng bà lão nghèo lương thiện. Ngày ngày, bà lão đi làm tôi ở nhà quét dọn, không lâu sau bà phát hiện ra bí mật và xé vỏ quả thị, tôi sống với bà như hai mẹ con. Một hôm, tôi đang ở trong nhà thấy mẹ vào gọi ra có người gặp. Tôi ra và mừng rỡ khi biết đó là nhà vua, chàng đã nhận ra tôi qua những miếng trầu têm cánh phượng. Tôi từ biệt bà lão và về hoàng cung chung sống với nhà vua. Về mẹ con nhà Cám đã bị tôi trừng trị thích đáng.

     Vậy là trải qua bao nhiêu khó khăn, tôi cũng đã được hưởng hạnh phúc mà tôi vốn được hưởng. Cuộc đời này luôn rất công bằng, khi làm điều thiện, sống lương thiện chắc chắn bạn sẽ gặp may mắn hạnh phúc. Còn làm điều ác tất sẽ gặp quả báo.

Tôi tên là Oanh Liệt. Cái tên này cậu chủ đặt cho tôi ...

Tôi tên là Oanh liệt. Vâng cái tên này cậu đã đặt cho tôi đúng vào cái ngày tôi hạ gục đối phương để vươn lên làm bá chủ trên sới chọi gà. Ôi cái ngày huy hoàng ấy đối với tôi sao mà đáng nhớ biết bao. Vậy mà giờ đây, quá khứ của tôi mãi mãi chỉ là quá khứ.

   Tôi sinh ra trong một gia đình đông đúc có tới trên dưới chục anh em. Mẹ tôi hiền lành và chăm chỉ. Bà thường rong ruổi đi rất nhiều nơi để kiếm về cho anh em chúng tôi những miếng mồi thơm ngon và bổ. Nhờ mẹ mà anh em chúng tôi đứa nào đứa nấy đều có dáng vóc và sức khỏe khác thường. Từ khi còn rất nhỏ, chúng tôi đã được dự báo sẽ trở thành những chiến binh hùng mạnh.

   Thực ra người để lại cho anh em chúng tôi nhiều ấn tượng hơn cả lại là bố của tôi. Khi còn trẻ bố tôi hùng tráng và oai phong lắm. Nghe nói bố tôi đã từng qua tay nhiều ông chủ và giành được nhiều giải thưởng trên khắp các sới gà. Khi bố tôi sắp không thi đấu nữa, anh em chúng tôi cũng được xem ông lên đài vài trận nữa. Những trận ấy ông đều thắng cả và quả thực ông đã trở thành một tấm gương lớn, trở thành niềm kiêu hãnh cho cả gia tộc chúng tôi.

   Anh em tôi lớn lên tất cả đều đi theo con đường của bố. Ông cũng chính là người dạy anh em chúng tôi những thế đánh đầu tiên. Bao giờ cũng vậy, đã thành lệ, cứ một anh em nào đó trong gia đình của tôi sắp đi theo một ông chủ mới thì bố mới truyền cho những thế đánh tuyệt vời để chiến đấu và để hộ thân. Ngày tôi đi theo chủ mới, bố cũng dạy tôi điều đó.

   Ông chủ của tôi nghe đâu là một người ham mê gà chọi lắm. Ông đã từng đi khắp nơi để chọn gà và tôi cũng chưa hiểu lý do nào khiến ông chủ lại chọn lựa gia đình của chúng tôi. Tôi cứ nghĩ ông chủ tôi già lắm thế nhưng khi gặp tôi mới biết ông còn rất trẻ và vì thế, từ đấy để cho thân thiết tôi đổi gọi ông là cậu chủ.

   Ngày đầu tiên về nhà mới, cậu chủ rất chăm chút cho tôi. Cậu cho tôi ở trong một ngôi nhà rộng rãi và thoáng mát. Tôi nghĩ nó thật xứng đáng với cái vóc dáng và sự oai vệ của tôi. Đúng một tháng sau đó, tôi bước vào một sới chọi chính thức lần đầu tiên. Hôm ấy tôi gặp một cậu choai hung hăng lắm. Cậu ta to khỏe và lực lưỡng hơn tôi nhưng những miếng đòn thì xem ra dở ẹc. Chính vì thế mà chỉ chưa đầy ba hồ đấu, tôi đã hạ gục cậu choai kia.

   Hôm ấy cậu chủ hí hửng và vui mừng lắm. Cậu đã bế tôi đi để khoe mẽ khắp với bạn bè. Cậu nói cậu tin tôi sẽ là một con chọi oanh liệt nhất. Nghe những lời nịnh nọt của cậu chủ, tôi kiêu hãnh lắm.

   Kể từ ngày ấy, tuần nào tôi cũng tung hoành trên các sới chọi khắp đó đây. Cậu chủ quả là người đi nhiều và biết nhiều nơi thật. Những lần cùng cậu chủ đi chu du như thế, tôi đã tha hồ học được thêm nhiều miếng đánh khác nhau. Kinh nghiệm trận mạc của tôi ngày càng thêm dày dạn. Thú thực trong những lần ra quân ấy, có trận tôi hạ gục đối thủ rất nhanh nhưng có trận tôi cũng suýt nữa thì toi mạng. Nhưng trong tất cả những lần như thế, nhờ những miếng đánh gia truyền, cuối cùng tôi đều đã áp đảo được đối phương.

   Trong đời chiến, đã dự bao nhiêu lần, tôi cũng không nhớ. Nhưng có hai trận đấu mà tôi không thể nào quên. Trận thứ nhất là trận tranh giải quán quân với một anh chọi nổi danh đã từng ẵm cái giải ấy một năm về trước. Nghe đâu, người ta gọi anh là Hùng xám. Và quả thực khi mạnh, thế đánh của hắn ta dữ thật. Mỗi lần hắn ta vỗ cánh vung chân là một lần đối phương phải tối tăm mặt mũi, nhưng khi yếu hắn ta lại thủ thế rất vững vàng. Nghe nói mấy anh bạn trước đây của tôi đều bị nó đánh cho tàn phế.

   Hôm ấy, trời nắng rất to. Tôi với nó đánh đã hết bốn hồ mà không phân chia thắng bại. Hai bên đều mệt lử, chỉ còn tinh thần là vẫn vững vàng thôi. Sang hiệp thứ năm, tôi bị Hùng xám cựa cho toác đầu chảy máu. Nhưng nghĩ đến danh dự của cha tôi, tôi đã quyết dùng miếng đánh hiểm cuối cùng. ấy là miếng đánh mà bố tôi đã dạy trước khi tôi về nhà cậu chủ. Bố tôi dặn kỹ nếu không thực sự rơi vào lúc lâm nguy, tôi không được phép dùng thế đó. Quả nhiên thế đánh thật là hiểm ác. Chỉ cần vung ra hai cựa, tôi đã lấy đi đôi mắt của đối phương. Trận chiến hôm ấy kết thúc, phần thắng thuộc về tôi nhưng tôi chẳng lấy gì làm vui mừng lắm.

   Sau lần ấy, tôi yếu hẳn đi. Hai tháng sau, tôi theo cậu chủ lao vào một cuộc thách đấu. Nhưng lần này tôi bại rất nhanh bởi một tay mặt mày còn non choẹt. Trận đấu kết thúc nhanh và cậu chủ thì vô cùng thất vọng. Sau trận ấy, đến một tháng sau tôi chẳng thấy cậu chủ để ý đến tôi. Tôi nghĩ chắc cậu không còn dùng tôi nữa. Giờ đây chắc cậu lại đi tìm một chú choai khác thay tôi. Nhưng không, cậu chủ không chơi gà chọi nữa. Nghe nói cậu có nhiều trò chơi mới ham thích hơn cơ. Cậu thường đi từ rất sớm và về rất muộn. Hãn hữu lắm cậu mới rẽ qua vứt vài nắm gạo cho tôi nhưng lại chẳng thèm ngó ngàng gì.

   Cuộc sống của tôi cứ thế trôi đi buồn tẻ và chán nản. Giờ đây, tôi không lâm trận nữa và cũng chẳng được sống những ngày có ý nghĩa như của cha tôi. Tôi đang nằm đây và chờ đợi. Tôi mơ về quá khứ và chờ đợi về một điều tồi tệ sẽ đến ở tương lai. Ôi cái kết cục cho một chiến binh oanh liệt thật là buồn tẻ. Tôi không trách giận và đâu có quyền trách giận cậu chủ tôi. Cuộc đời của tôi dành cho chiến trận. Và khi không còn sức mà đánh nhau được nữa thì sự tồn tại của tôi cũng đâu có ích chi. Với tôi hiện tại thật là đáng tiếc nhưng một quá khứ oai hùng cũng đủ để tôi cảm thấy tự hào và kiêu hãnh với cha tôi.

Nguồn: vietjack