Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Văn mẫu: Hứng trở về

Gửi bởi: Nguyễn Thị Ngọc 29 tháng 10 2019 lúc 14:26:13


Mục lục
* * * * *

Phân tích bài thơ Hứng trở về 

Nguyễn Trung Ngạn (1289 – 1370) tự là Bang Trực, hiệu là Giới Hiên, người ở làng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi (nay là Ân Thi, Hưng Yên), Ông là một danh thần dưới thời trần, cùng với đó là số lượng tác phẩm ông để lại, đặc biệt là "Giới hiên thi tập". Hứng trở về là một trong số những tác phẩm của Giới hiên thi tập được sáng tác khi tác giả đang đi sứ ở Trung Quốc, qua đây đã thể hiện lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc sâu sắc của tác giả. Tình yêu nồng nàn ấy được thể hiện bằng nỗi nhớ quê hương da diết và sự gắn bó với cuộc sống bình dị nơi quê nhà.

   Đối với mỗi người con xa xứ, quê hương luôn là một nỗi nhớ man mác không nguôi, lúc nào trong họ cũng đau đáu một nỗi buồn, nhớ mong vô tận với quê hương, đó là nơi chôn rau cắt rốn nơi mẹ già luôn ngóng mong, nơi có những cánh đồng, dòng sông hay đơn giản chỉ là những bữa cơm đạm bạc. Chỉ là cà dầm tương, nhớ dáng ai tát nước, dãi gió dầm sương mà gợi ra bao nhiêu xúc cảm:

    Anh đi anh nhớ quê nhà,

    Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.

    Nhớ ai dãi gió dầm sương,

    Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao

   Tình yêu đó hết sức bình dị, xuất phát từ mỗi con người và chẳng bao giờ chẳng nguôi ngoai nhất là khi đứng trên đất khách quê người. Những câu thơ viết về quê hương, những vần thơ gắn với chốn gắn bó máu thịt. Hứng trở về là một trong số những bài thơ mà đề tài về quê hương và nỗi lòng mong ngóng được trở về nới thân yêu đó. Bằng tất cả những tình cảm đó, Hứng trở về đã sớm tạo dựng sự đồng cảm trong lòng độc giả. Bài thơ Hứng trở về mở đầu bằng nỗi nhớ quê hương da diết của người li khách cùng với đó là tình yêu quê hương đất nước, càng khiến tâm trạng tác giả nặng trĩu:

    Dâu già lá rụng tằm vừa chín,

    Lúa sớm bông thơm cua béo ghê

   Những hình ảnh dâu, tằm, lúa đơm bông quá đỗi quen thuộc với miền quê Việt Nam khi sản xuất chu yếu. Những nương dâu xanh mướt, những cánh đồng lúa mênh mông, thấm những giọt mồ hôi nước mắt của ông cha từ bao đời nay. Chính những thứ thân quen nhỏ nhặt này lại có sức lay động mãnh liệt tới con người ta như thế. Hương thơm quen thuộc, một làn gió chiều, một hoàng hôn buồn cũng chỉ là do tâm hồn quá nhạy cảm trước thiên nhiên rộng lớn. Mà cũng chính vì người mang tâm trạng nên cảnh vật cũng nhuốm màu tâm trạng. Đứng giữa chốn phồn hoa, giữa bao nhiêu thú vui , nhưng luôn chọn cho mình một nơi để trở về- đó là quê hương. Nhưng đó chưa phải cái trọng tâm của nỗi niềm tác giả ẩn sâu đó là tình yêu quê hương đất nước và cả lòng tự hào tự tôn dân tộc.

    Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt

    Dầu vui đất khách chẳng bằng về

   Tình yêu quê hương đất nước đó lại càng được thể hiên ở hai câu cuối này, sự đối lập giữa đất khách và quê nghèo, giữa chốn phồn hoa với chồn nghèo đói, càng đẩy tâm trạng và tình cảm của tác giả lên cao cao trào. Sự hồn hoa đô hội, giàu có và mới lạ nơi đất khách quê người cũng không đủ sức níu giữ bước chân của li khách. Nỗi nhớ quê càng thêm thường trực trong lòng. Trong hoàn cảnh này của tác giả, điều đó còn có ý nghĩa sâu xa hơn nỗi nhớ quê đó là sự thể hiện niềm tự hào, tự tôn dân tộc, còn khẳng định tấm lòng son sắt với quê hương của ông. Những xúc cảm của ông được thể hiện gián tiếp qua những hình ảnh bình dị quen thuộc nhưng lại dễ dàng đi vào lòng người. Khát khao cháy bỏng được trở về quê hương dâng lên ngùn ngụt, chỉ những kí ức những hình ảnh quê hương mới xoa dịu bớt nỗi đó.

   Với những gì Hứng trở về mang tới cho độc giả, một hương vị mới cho thơ văn Việt Nam. Những ngôn từ hình ảnh hết đỗi bình dị hưng lại khai thác triệt để những xúc cảm không chỉ dâng lên trong chính tác giả mà trong chính nỗi lòng của những người con xa xứ, đang ngày đêm mong ngóng về quê nhà. Chính những nét đẹp giản dị này đã tạo nên dấu ấn của Hứng trở về trong lòng độc giả.

Cảm nhận bài thơ Hứng trở về

 Nguyễn Trung Ngạn (1289 – 1370) tự là Bang Trực, hiệu là Giới Hiên, người làng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi (nay là Ân Thi, Hưng Yên), là một danh thần của nhà Trần, làm quan đến chức Thượng thư. Ông để lại tác phẩm Giới Hiên thi tập và nổi bật lên đó là bài thơ Quy Hứng.

   Bài thơ đã thể hiện nỗi nhớ thương quê hương da diết, nhớ những sự vật ở quê nhà:

    Anh đi anh nhớ quê nhà,

    Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.

    Nhớ ai dãi gió dầm sương,

    Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao

            (Ca dao)

   Những hình ảnh quen thuộc gần gũi với tác giả đó là hình ảnh canh rau muống, nhớ cà dầm tương, và những hình ảnh dầm mưa dãi nắng của thời tuổi thơ, những hình ảnh quen thuộc khiến tác giả hồi tưởng lại những cảm xúc quen thuộc đó. Tấm lòng tha thiết của mỗi người đối với quê hương mình. Một tình yêu quê hương bình dị mà chân thành tha thiết. Các nhà thơ trung đại cũng viết nhiều về tình yêu quê hương, nhưng điều đáng lưu ý là ở bài thơ này, nỗi nhớ ấy được gợi lên bằng những hình ảnh vô cùng quen thuộc : cây dâu già lá rụng, nong tằm vừa chín, lúa trổ bông sớm thoang thoảng hương thơm, cua đang lúc béo… Tất cả những hình ảnh này đều rất giàu sức gợi bởi nó gắn bó máu thịt với cuộc đời của mỗi con người, nhất là với những ai sinh ra và lớn lên ở nông thôn. Và nó thật gần với những hình ảnh mà tác giả dân gian đã từng lựa chọn để thể hiện tình cảm của mình. Những hình ảnh quê hương đã gắn bó máu thịt với cuộc đời tuổi thơ của tác giả, vì vậy tình yêu của tác giả đối với quê hương là rất lớn, tác giả yêu quê hương bằng cả tấm lòng của mình:

    Dâu già lá rụng tằm vừa chín,

    Lúa sớm bông thơm cua béo ghê.

   Những hình ảnh ở cánh đồng quê những bông lúa chín vàng, thơ mùi lúa chín, rồi những con cua đồng béo ngộ ngộ, những cành dâu chín rộ đỏ vàng cả góc ao, những hình ảnh làng quê vừa đẹp vừa bình dị nó mang một màu sắc và thi vị đậm đà vị ngọt của quê hương. Dù quê hương nghèo đói nhưng tác giả vẫn thích những cảm giác quen thuộc của quê hương đó là những cảm giác gần gũi, dù sống nơi phồn hoa đô thị nhưng tấm lòng yêu quê hương đất nước của tác giả cùng không hề nguôi ngoai:

    Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt

    Dầu vui đất khách chẳng bằng về

   Sống nơi đất khách quê người dù có xa hoa, nồng nhiệt nhưng cái cảm giác khi được ở quê hương nơi mình sinh ra đó vẫn là những điều tuyệt vời nhất đối với tác giả, Phồn hoa đô hội, giàu có và mới lạ cũng không đủ sức níu giữ bước chân của li khách. Nỗi nhớ quê vẫn canh cánh bên lòng. Đỗ Phủ nhớ quê trong cảnh loạn li, nước mắt tuôn rơi bao nhiêu lần. Còn người khách li hương này lại nhớ quê khi đứng giữa chốn phồn hoa. Tình yêu đối với quê hương đất nước thật sâu nặng và thiêng liêng. Trong hoàn cảnh của tác giả, điều đó còn có ý nghĩa sâu xa hơn nỗi nhớ quê. Nó còn thể hiện niềm tự hào, tự tôn dân tộc, còn khẳng định tấm lòng son sắt với quê hương của ông. Không gì có thể cám dỗ được người Việt Nam yêu nước ấy. trong bài Hứng trở về, tình yêu quê hương đất nước không được nói bằng những ngôn từ trực tiếp mà là bằng những hình ảnh dân dã quen thuộc đối với mỗi chúng ta. Xa quê có ai không xúc động khi nghĩ về nong tằm, ruộng dâu, nghĩ về những ruộng lúa với những bông lúa mới trổ hoa hương đưa thoang thoảng hay nghĩ về một bữa canh cua giản dị mà ngon ngọt đến khó phai. Tình yêu quê hương được tác giả nhớ lại qua những hình ảnh quên thuộc rất đỗi thân thương đó là những khoảnh khắc khó quên của tác giả đối với quê hương của mình.

   Bài thơ Quy hứng đã để lại trong lòng người đọc rất nhiều cảm xúc bởi nỗi nhớ quê hương da diết của nhà thơ, những hình ảnh quê hương quen thuộc đã gợi ra nhiều thi vị cho quê hương những màu sắc quê hương trong sáng dịu ngọt.

Cảm nghĩ bài thơ Hứng trở về

Nguyễn Trung Ngạn (1289 - 1370) đỗ Hoàng Giáp năm 16 tuổi, làm quan đến chức Thượng thư thời nhà Trần. Ông còn để lại "Giới Hiên thi tập " bằng chữ Hán.

   Bài thơ "Quy hứng" được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt, sáng tác trong thời gian Nguyễn Trung Ngạn đi sứ sang triều nhà Nguyên, Trung Quốc.

   "Quy hứng" thể hiện nỗi nhớ gia đình, quê hương với bao niềm tự hào của một người đang sống nơi đất khách quê người:

    "Lão tang điệp lạc tàm phương tận,

    Tảo đạo hoa hương giải chính phì.

    Kiến thuyết tại gia bần diệc hảo,

    Giang Nam tuy lạc, bất như quy"

   Hai câu đầu nói lên bao nỗi nhớ của khách tha hương: Nhớ lá dâu già cuối vụ, vàng sẫm rụng khắp các nương bãi, nhớ những lứa tằm vừa chín vàng óng, vàng khươm trong nhà, ngoài sân, nhớ lúa sớm trổ trắng phau cánh đồng dâng hương ngào ngạt, nhớ vị béo đậm cua đồng, Thời gian mà nhà thơ nói lên nỗi nhớ đó là tháng tư hay tháng mười? Có hai chi tiết: "Dâu già lá rụng" và "cua béo" cho ta biết đó là vào dịp tháng mười khi gió heo may đã thổi về. Khí trời lành lạnh ấy càng làm cho nỗi nhớ nhà, nhớ quê thêm phần thấm thìa:

    "Lão tang diệp lạc tàm phương tận,

    Tảo đạo hoa hương giải chính phì"

    (Dâu già lá rụng tằm vừa chín,

    Lúa sơm bóng thơm, cua béo ghê)

   Các chi tiết nghệ thuật như dâu, tằm, hương lúa sớm, cua béo, đều là cảnh vật đồng quê, màu sắc, hương vị đậm đà của quê nhà thân yêu. Thật là bình dị, mộc mạc, dân dã. Khách li hương xứ sở mới có nỗi nhớ ấy. Cảnh vật ấy, hương vị ấy đã trở thành máu thịt, tâm hồn của nhà thơ.

   Nỗi nhớ của ông quan đi sứ trong thế kỉ XIV sao giống nỗi nhớ của anh trai cày ngày nay thế? Cũng là nỗi nhớ hương vị đậm đà quê hương:

    "Anh đi anh nhớ quê nhà

    Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương"

            (Ca dao)

   Và nỗi nhớ của người lính chiến:

    "Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn

    Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng

    Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc

    Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng "

    (Mắt người Sơn Tây - Quang Dũng)

   Qua đó, ta càng thấy rõ nỗi nhớ gia đình quê hương là nỗi nhớ đẹp, thể hiện tấm lòng thủy chung của con người Việt Nam chúng ta.

   Trở lại hai câu cuối bài thơ, ba chữ "bất như quy" vang lên như một mệnh lệnh của tâm hồn:

    "Kiến thuyết tại gia bần diệc hào,

    Giang Nam tuy lạc bất như quy".

    (Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt

    Dẫu vui đất khách, chẳng bằng về)

   Nhà thơ sử dụng nghệ thuật tương phản so sánh rất lí thú: "bần diệc hảo " (nghèo vẫn tốt), "gia bần" với "GiangNam tủy lạc". Cái "vui " quê người sao bằng cái "nghèo " của quê hương? Tình nghĩa của khách li hương đối với nơi chôn nhau cắt rốn thật vô cùng sâu nặng. Giang Nam là đất đô hội; quan sứ được đón tiếp linh đình, thiếu gì dê béo rượu ngon, thế mà đêm ngày lòng vẫn nhủ lòng: "bất như quy " - chẳng bằng về.

   Cảm xúc "quy hứng" dào dạt vần thơ. Tình yêu quê hương đất nước và niềm tự hào dân tộc thấm vào từng câu chữ, từng vần thơ.

   "Quy hứng" là một bài thơ hay và cảm động. Hay vì cái tình của khách ly hương. Hay vì lời thơ mộc mạc, giản dị mà ý vị thì sâu sắc đậm đà. Sau vần thơ là cả một tình quê vơi đầy, một tâm hồn rộng mở thủy chung.

Nguồn: vietjack