Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Bài 30 : Phong trào yêu nước chống Pháp từ đầu thế kỉ XX đến năm 1918

Bài 30:  PHONG TRÀO YÊU NƯỚC CHỐNG PHÁP TỪ ĐẦU THẾ KỈ ĐẾN NĂM 1918 

 

A. PHONG TRÀO YÊU NƯỚC TRƯỚC CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ NHẤT

1. Phong trào Đông Du (1905-1909)

 - Năm 1904, Duy tân hội thành lập.

- 1905 đến 1908, Hội phát động phong trào Đông du, đưa được khoảng 200 học sinh Việt Nam sang Nhật học tập.

- 9/1908, những người Việt Nam bị trục xuất khỏi đất Nhật.

- Tháng 3/1909, phong trào tan rã.

- Ý nghĩa: Cách mạng Việt Nam bắt đầu hướng ra thế giới, gắn vấn đề dân tộc với vấn đề thời đại.

 2. Đông Kinh nghĩa Thục (1907)

- 3/1907, lập trường học lấy tên là Đông Kinh nghĩa thục.

- Phạm vi hoạt động khá rộng: Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây, Bắc Ninh,…

- Ý nghĩa: Thức tỉnh lòng yêu nước, truyền bá tư tưởng dân chủ, dân quyền và một nền văn hóa mới ở nước ta.

3. Cuộc vận động Duy Tân và phong trào chống thuế ở Trung kì (1908)

a. Cuộc vận động Duy Tân

- Diễn ra mạnh nhất ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định,…

- Người khởi xướng: Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng.

- Nội dung cơ bản của phong trào:

+ Mở trường dạy học theo lối mới.

+ Vận dụng làm theo cái mới, cái tiến bộ.

b. Phong trào chống thuế ở Trung Kì

- Phong trào chống thuế sôi nổi.

- Phong trào đã bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu.

B. PHONG TRÀO YÊU NƯỚC TRONG THỜI KÌ CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ NHẤT (1914 - 1918) 

1. Chính sách của thực dân Pháp ở Đông Dương trong thời chiến 

- Chúng đẩy mạnh việc vơ vét sức người, sức của để phục vụ cho chiến tranh.

- Tăng cường bắt lính.

- Mua công trái

- Đời sống nông dân cực khổ.

2. Vụ mưu khởi nghĩa ở Huế (1916). Khởi nghĩa của binh lính và tù chính trị ở Thái Nguyên (1917)

a. Vụ mưu khởi nghĩa ở Huế

- Nguyên nhân:

  + Pháp ráo riết bắt lính đưa sang châu Âu.

  + Binh lính căm phẫn.

- Diễn biến:

  + Dự kiến nổ ra vào đêm mùng 3 rạng sáng 4/5/1916 tại Huế.

  + Kế hoạch khởi nghĩa bị bại lộ.

  + Thái Phiên, Trần Cao Vân bị xử tử, vua Duy Tân bị bắt đi đày.

b. Khởi nghĩa của binh lính ở Thái Nguyên

- Nguyên nhân:

  + Binh lính Việt Nam bị bạc đãi, căm phẫn vì phải làm bia đỡ đạn,…

  + Họ quyết tâm khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo Lương Ngọc Quyến, Trịnh Văn Cấn.

- Diễn biến:

  + Nghĩa quân chiếm được tỉnh lị, tuyên bố “Thái Nguyên độc lập”.

  + Sau 5 tháng chiến đấu, khởi nghĩa đã bị dập tắt.

3. Hoạt động của Nguyễn Tất Thành sau khi ra đi tìm đường cứu nước

- Hoàn cảnh: đất nước bị Pháp thống trị, các phong trào yêu nước chống Pháp đều thất bại.

- Những hoạt động:

+ Ngày 5/6/1911, Người ra đi ra đi tìm đường cứu nước.

+ Năm 1917, tại Pháp, tham gia các hoạt động trong Hội những người Việt Nam yêu nước ở Pa-ri.

+ Người tích cực tham gia hoạt động trong phong trào công nhân Pháp.

+ Tiếp nhận ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga.

* HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI CÂU HỎI:

1. Duy Tân được thành lập trong bối cảnh lịch sử?

Trả lời :

- Từ cuối thế kỷ XIX, người Pháp đã bắt tay vào việc khai thác quy mô lớn của các thuộc địa Đông Dương. Cuộc khai thác này làm cho kinh tế, xã hội Việt Nam có nhiều biến đổi.

- Ách thống trị của thực dân Pháp đã khiến cho mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp ở Việt nam ngày càng sâu sắc. Bên cạnh phong trào khởi nghĩa vũ trang bùng nổ ở trung du, miền núi, dưới tác dộng của trào lưu cách mạng thế giới, ở Việt Nam đầu thế kỉ XX, đã xuất hiện một khuynh hướng cứu nước mới theo con đường dân chủ tư dản với hai xu hướng là bạo động và cách mạng.

- Phái bạo động đại diện tiêu biểu là Phan Bội Châu coi độc lập là nhiệm vụ cần làm trước để đi tới phú cường. Ông cùng một số sĩ phu khác lập ra Hội Duy Tân (1904)

2. Dựa vào đâu Hội Duy Tân chủ trương bạo động vũ trang giành độc lập ?

Trả lời :

- Phan Bội Châu và những người sáng lập Hội Duy Tân chủ trương đánh Pháp, lập ra một nước Việt Nam độc lập và có ý định dựa vào sự giúp đỡ của Nhật Bản.

- Phan Bội Châu và một số người yêu nước khác cho rằng Nhật Bản là nước cùng màu da, cùng văn hoá Hán học, lại đi theo con đường tư bản châu Âu, đã giàu mạnh lên và đánh thắng đế quốc Nga (1905) nên có thể nhờ cậy được.

3. Em có suy nghĩ gì về chủ trương bạo động vũ trang của Hội Duy Tân ?

Trả lời :

- Ý đồ sang Nhật cầu viện để giành độc lập là sai lầm, ấu trĩ vì Nhật Bản về bản chất vẫn là một nước đế quốc như đế quốc Pháp, sẽ không bao giờ giúp đỡ các nước thuộc địa trong phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc.

- Hồ Chí Minh đã nhận xét : Dựa vào Nhật mà đánh Pháp thì chẳng khác gì đưa hổ cửa trước rước beo cửa sau.

4. Em hãy cho biết hình thức hoạt động của Hội Duy Tân ?

Trả lời :

Hình thức hoạt động của Hội Duy Tân :

- Đưa học sinh du học ở Nhật.

- Viết sách báo, tổ chức giáo dục, tuyên truyền tình cảm yêu nước trong tầng lớp thanh niên, thiếu niêu và nhân dân.

5. Trình bày những nét chính của phong trào Đông Du ?

Trả lời :

- Đầu năm 1905, Phan Bội Châu sang Nhật nhờ giúp khí giới, tiền bạc để đánh Pháp. Người Nhật chỉ hứa đào tạo cán bộ cho cuộc bạo động vũ trang sau này. Hội Duy Tân phát động thành viên tham gia phong trào Đông Du.

- Lúc đầu, phong trào Đông Du hoạt động thuận lợi. Đến năm 1908, số học sinh sang Nhật có lúc lên tới 200 người, được đưa vào hai nơi để học tập : Trường Chấn Võ và Đồng Văn thư viện.

- Du học sinh Việt Nam đã phải vừa học vừa làm, nghiêm chỉnh thực hiện quy chế của trường và Hội Duy Tân. Ngoài việc học văn hoá, quân sự, thể thao, họ còn phải tham gia sinh hoạt chính trị để nâng cao trình độ hiểu biết chung và củng cố thêm lòng yêu nước. Nhiều sáng tác văn thơ yêu nước và cách mạng trong phong trào Đông Du đã được chuyển về nước, có tác dụng lớn trong việc động viên tinh thần cách mạng của nhân dân ta

- Đến tháng 9 - 1908, thực dân Pháp cấu kết với Nhật và yêu cầu nhà cầm quyền nước này trục xuất những người yêu nước Việt Nam. Tháng 3- 1909. Phan Bội Châu buộc phải rời khỏi Nhật Bản. Phong trào Đông Du tan rã.

6. Thực chất của phong trào Đông Du là gì ?

Trả lời :

Bản chất của phong trào Đông Du là phong trào yêu nước theo đường lối bạo động nhưng cách thức không giống thời kì Cần vương nữa - Bạo động ở đây được triển khai trước hết bằng việc chuẩn bị lực lượng, tuyên truyền yêu nước, tính đến khả năng liên kết quốc tế chống chủ nghĩa đế quốc.

7. Hãy rút ra bài học kinh nghiệm trước sự thất bại của phong trào Đông Du ?

Trả lời :

Từ sự thất bại của phong trào Đông Du, ta có thể rút ra được bài học kinh nghiệm sau :

- Chủ trương bạo động là đúng, nhưng tư tưởng cầu viện là sai

- Cần xây dựng thực lực trong nước, trên cơ sở thực lực mà tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế chân chính

8. Đông Kinh nghĩa thục được thành lập như thế nào ? Do ai đứng đầu ?

Trả lời :

Tháng 3 - 1907, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Lê Đại, Vũ Hoành v.v.. mở một trường học tại Hà Nội, lấy tên là Đông Kinh nghĩa thục.

9. Đông Kinh nghĩa thục có những hoạt động như thế nào ?

Trả lời :

- Đông Kinh nghĩa thục đã vận động thực hiện cải cách văn hóa, xã hội theo lối tư sản, mở trường học  ở Hà Nội và các tỉnh Hà Đông, Sơn Tây, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình,... dạy các môn Địa lí, Lịch sử, Khoa học thường thức.

- Ngoài ra, Đông kinh nghĩa thục còn tổ chức các buổi bình văn, xuất bản sách báo, diễn thuyết, tuyên truyền lòng yêu nước trong nhân dân.

10. Tính tiến bộ của Đông Kinh nghĩa thục biểu hiện ở những điểm nào ?

Trả lời :

- Đông Kinh nghĩa thục là một tổ chức cách mạng có phân công, phân nhiệm, mục đích rõ ràng, có cơ sở các địa phương.

- Đông Kinh nghĩa thục đã nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc và chí tiến thủ cho quần chúng.

- Đông Kinh nghĩa thục đã truyền bá một nền tư tưởng học thuật mới, một nếp sống mới tiến bộ

- Đông Kinh nghĩa thục đã có sự phối hợp hành động với các sĩ phu đã xuất dương, hỗ trợ phong trào Đông Du và Duy Tân

- Đông Kinh nghĩa thục chống nền giáo dục cũ với những tín điều của Hán Nho, hủ Nho mà thực dân Pháp muốn lợi dụng để ngu dân.

- Cổ vũ cái mới (học chữ Quốc ngữ và các môn khoa học thực dụng); hô hào lập hội buôn, phát triển công thương nghiệp 

- Về tư tưởng : đả phá thuyết thiên mệnh, lên án phong tục tập quán lạc hậu.

- Tố cáo tội ác của thực dân pháp, thức tỉnh đồng bào.

11. Đông Kinh nghĩa thục có ảnh hưởng gì đến phong trào yêu nước chống Pháp ở nước ta ?

Trả lời :

- Đông Kinh nghĩa thục tuy chỉ hoạt động trong thời gian ngắn nhưng đã góp phần thức tỉnh lòng yêu nước trong nhân dân, nên số học sinh đã lên tới 1.000.

- Các hoạt động ngoại khóa thu hút đông đảo nhân dân, có tác dụng cổ động cách mạng, phát triển văn hóa, ngôn ngữ dân tộc,...khiến thực dân Pháp lo ngại, ra lệnh đóng cửa trường và thẳng tay đàn áp.

12. Thực chất những hoạt động trong Đông Kinh nghĩa thục là gì ?

Trả lời :

Thực chất những hoạt động trong Đông Kinh nghĩa thục cũng vẫn chỉ là sự chuẩn bị lực lượng chống Pháp, trước hết là thông qua việc dạy chữ và dạy người, tuyên truyền tư tưởng dân chủ tư sản, đả phá nền giáo dục lỗi thời, cổ vũ cái mới.

13. Thái độ của thực dân Pháp đối với phong trào Đông Kinh nghĩa thục như thế nào ?

Trả lời :

Hoạt động của Đông Kinh nghĩa thục khiến thực dân Pháp lo ngại. Tháng 11-1907, thực dân Pháp ra lệnh giải tán Đông Kinh nghĩa thục, tịch thu sách vở, tài liệu và đồ dùng của nhà trường, bắt giữ những người lãnh đạo phong trào như Lương Văn Can, Hoàng Tăng Bí, Vũ Hoành,...

14. Ai đã khởi xướng cuộc vận động Duy Tân ở Trung Kì ?

Trả lời :

Trong những năm đầu thế kỉ XX, cuộc vận động Duy Tân (theo cái mới) diễn ra sôi nổi tại Trung Kì. Lãnh đạo phong trào là Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng.

15. Nội dung hoạt động của phong trào Duy Tân là gì  ?

Trả lời :

Nội dung hoạt động của phong trào Duy Tân là :

- Mở trường dạy học

- Tổ chức diễn thuyết về các đề tài sinh hoạt xã hội, tình hình thế giới

- Tuyên truyền đả phá các phong tục tập quán lạc hậu, đả phá mê tín dị đoan.

- Kêu gọi mọi người đua nhua cắt tóc ngắn, mặc áo ngắn.

- Đả kích quan lại xấu

- Cổ động việc mở mang công thương nghiệp.

16. Cuộc vận động Duy Tân ở Trung Kì có gì giống và khác về mục đích, nội dung và hình thức hoạt động với Đông Kinh nghĩa thục (1907) ?

Trả lời :

Cuộc vận động Duy Tân ở Trung Kì do Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng lãnh đạo có mục đích, nội dung và hình thức hoạt động giống Đông Kinh nghĩa thục ở ngoài Bắc nhưng phạm vi hoạt động rộng hơn và hình thức hoạt động phong phú hơn.

17. Cuộc vận dộng Duy Tân có tác dụng như thế nào ?

Trả lời :

- Cuộc vận Duy Tân đã nhanh chóng lan tỏa ảnh hưởng trong quần chúng. Đến năm 1908, dưới ảnh hưởng trực tiếp của phong trào Duy Tân, kết hợp chặt chẽ với cuộc đấu tranh đòi dân chủ của nông dân, đã làm bùng phát một phong trào chống di phu, chống sưu thuế diễn ra khắp các tỉnh Trung Kì (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và lan ra đến Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh)

- Từ đấu tranh hòa bình, phong trào dần thiên về khuynh hướng bạo động. Tác động của phong trào đấu tranh của quần chúng đã làm tê liệt chính quyền của bọn thực dân phong kiến ở nông thôn.

18. Thực chất của cuộc nổi dậy của nhân dân Trung Kì năm 1908 là gì ?

Trả lời :

- Thực chất của cuộc nổi dậy của nhân dân Trung Kì năm 1908 là một phong trào quần chúng công khai đầu tiên ở Việt Nam được dấy lên, bởi những tư tưởng dân tộc, dân quyền do các sĩ phu Duy Tân đầu thế kỉ XX truyền bá.

- Phong trào đã thể hiện rõ tinh thần và năng lực cách mạng của nông dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, đồng thời cũng cho thấy những hạn chế của khi chưa có sự lãnh đạo của một giai cấp tiên tiến.

19. Lập bảng thống kê các phong trào yêu nước tiêu biểu đầu thế kỉ XX ?

Trả lời :

Các phong trào

Mục đích

Hình thức và nội dung hoạt động chủ yếu

Đông Du (1905)

Đào tạo nhân tài cho đất nước, chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang

- Đưa học sinh sang Nhật du học

- Viết sách báo tuyên truyền yêu nước

Đông Kinh nghĩa thục

(1907)

Nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài

- Mở trường học

- Diễn thuyết, bình văn sách báo

Cuộc vận động Duy Tân

Nâng cao dân trí

- Diễn thuyết đề tài sinh hoạt xã hội, tình hình thế giới

- Xây dựng nếp sống mới

Phong trào chống thuế ở Trung Kì (1908)

Đấu tranh chống sưu cao, thuế nặng

- Khuyến khích kinh doanh công thương nghiệp 

20. Trong thời gian Chiến tranh thế giới thứ nhất, thực dân Pháp đã thi hành chính sách cai trị ở Đông Dương như thế nào ?

Trả lời :

Trong thời gian Chiến tranh thế giới thứ nhất, thực dân Pháp đã thi hành chính sách cai trị  :

- Đẩy mạnh việc vơ vét sức người, sức của ở Đông Dương để phục vụ cho cuộc chiến tranh đế quốc.

- Tăng cường bắt lính đưa sang chiến trường châu Âu. Số lính thợ người Đông Dương cung cấp cho chiến tranh chiếm 1/4 tổng số lính thợ trong tất cả các thuộc đia của Pháp

- Bắt nông dân Việt Nam trồng các loại cây công nghiệp phục vụ chiến tranh như thầu dầu, đậu, lạc, đặc biệt là cao su

- Khai thác hàng vạn tấn kim loại quý ở Việt Nam để phục vụ cho chiến tranh

- Chúng còn bắt nhân dân mua công trái để chi phí cho chiến tranh

21. Nêu những mặt tích cực và tiêu cực trong các chính sách về kinh tế của Pháp ?

Trả lời :

- Về tiêu cực : Pháp ra sức bóc lột lương thực, thực phẩm, tiền bạc...của nhân dân Đông Dương để ném vào cuộc chiến tranh

- Về tích cực :

  + Do bị vướng vào chiến tranh nên buộc Pháp đã nới lỏng độc quyền một số ngành sản xuất

  + Việc đầu tư của Pháp vào các cơ sở công nghiệp đã khiến cho kinh tế Việt Nam thời kì này khởi sắc

  + Nông nghiệp có những nét như diện tích trồng các loại cây công nghiệp, năng suất, sản lượng được nâng cao, chủng loại cây trồng thêm phong phú.

22. Tác động của chính sách cai trị của thực dân Pháp đối với đời sống của người nông dân Việt Nam như thế nào ?

Trả lời :

Việc tăng cường bắt nông dân đi lính và thu hẹp diện tích trồng lúa đã làm cho sản xuất ở nông thôn giảm sút, đời sống nông dân càng thêm khốn khổ

23. Nguyên nhân dẫn tới bùng nổ những cuộc đấu tranh suốt những năm 1914-1918 ở Việt Nam ?

Trả lời :

Các chính sách của Pháp thời kì chiến tranh đã làm cho mâu thuẫn giai cấp và dân tộc ngày càng thêm sâu sắc. Đây là nguyên nhân dẫn tới bùng nổ những cuộc đấu tranh suốt những năm 1914-1918 ở Việt Nam

24. Em hãy giới thiệu đôi nét về Nguyễn Tất Thành ?

Trả lời :

- Nguyễn Tất Thành sinh ngày 19-5-1890, trong một gia đình trí thức yêu nước ở xã Kim Liên huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An

- Người sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh nước nhà bị mất vào tay thực dân Pháp, nhiều cuộc khởi nghĩa và phong trào cách mạng nổ ra liên tục song không đi đến thắng lợi.

- Tuy khâm phục Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh nhưng Nguyễn Tất Thành không tán thành đường lối hoạt động của họ nên quyết định tìm con đường cứu nước mới cho dân tộc.

25. Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước trong bối cảnh đất nước như thế nào ?

Trả lời :

Nguyễn Tất Thành sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh nước nhà rơi vào tay thực dân Pháp, nhiều cuộc khởi nghĩa và phong trào cách mạng nổ ra liên tục song không đi đến thắng lợi. Đau xót trước cảnh nước mất, nhà tan; sự thất bại của các phong trào yêu nước đầu thế kỉ; sự đàn áp, bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp đã thôi thúc Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước cho dân tộc.

26. Hướng đi của Nguyễn Tất Thành có gì mới so với các nhà yêu nước chống Pháp trước đó ?

Trả lời :

- Hướng đi của Nguyễn Tất Thành khác hẳn với các nhà yêu nước trước đó.

- Xuất phát từ lòng yêu nước và trên cơ sở rút kinh nghiệm thất bại của các thế hệ cách mạng tiền bối, năm 1911, Người đã quyết tâm ra đi tìm người cứu nước mới hữu hiệu hơn.

- Nhưng khác với thế hệ thanh niên đầu thế kỉ hướng về Nhật Bản, Nguyễn Tất Thành quyết định sang phương Tây, đến nước Pháp để tìm hiểu xem "nước Pháp và các nước khác làm thế nào, rồi sẽ về giúp đồng bào mình"

27. Trình bày những hoạt động cứu nước của Nguyễn Tất Thành ?

Trả lời :

- Ngày 5-6-1911, từ cảng Nhà Rồng (Sài Gòn), Người ra đi tìm đường cứu nước

- Cuộc hành trình của Người kéo dài 6 năm, qua nhiều nước ở Châu Phi, Châu Mĩ, Châu Âu

28. Trình bày những hoạt động có ý nghĩa bước đầu của Nguyễn Tất Thành tại Pháp ?

Trả lời :

- Năm 1917, Người từ Anh về Pháp

- Tại Pháp, Người đã làm rất nhiều nghề, học tập, rèn luyện trong quần chúng lao động và giai cấp công nhân Pháp

- Người tham gia hoạt động trong Hội những người Việt Nam yêu nước ở Pa-ri. Người viết báo, truyền đơn, tranh thủ các diễn đàn, các buổi mít tinh để tố cáo thực dân và tuyên truyền cho cách mạng Việt Nam

- Sống và hoạt động trong phong trào công nhân Pháp, tiếp nhận ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga, tư tưởng của Nguyễn Tất Thành dần có những biến chuyển.

- Những hoạt động yêu nước của Người tuy mới chỉ bước đầu nhưng là điều kiện quan trọng để Người xác định con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam

Bài tập

Có thể bạn quan tâm