Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Văn mẫu: Viết bài tập làm văn số 7

Gửi bởi: Nguyễn Thị Ngọc 29 tháng 10 2019 lúc 11:22:12


Mục lục
* * * * *

Cảm nhận của em về bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương

Đã mấy hôm rày đau tiễn đưa

   Người tuôn nước mắt trời tuôn mưa

   Chiều nay con chạy về thăm Bác

   Ướt lạnh vườn cau mấy gôc dừa...

   (Bác ơi! – Tố Hữu)

   Vào ngày mùng 2/9/1969, người cha già vĩ đại của dân tộc Việt Nam – Hồ Chí Minh đã ra đi cùng với thế giới người hiền, nhà thơ Tố Hữu đã thay mặt đồng bào nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế viết lên những vần thơ thể hiện niềm kính yêu, tiếc thương vô hạn trước sự kiện lịch sử trọng đại này. Bảy năm sau ngày mất của Bác, cảm xúc ấy vẫn còn vẹn nguyên trong lòng Viễn Phương – người con của miền Nam trong một dịp ra thăm miền Bắc vào lăng viếng Bác. Điều đó đã được nhà thơ ghi lại trong bài thơ "Viếng lăng Bác" (1976) với một ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh, tinh tế, giàu cảm xúc thể hiện niềm kính yêu, sự xót thương và lòng biết ơn đối với vị lãnh tụ của dân tộc.

   Mở đầu bài thơ là dòng cảm xúc của Viễn Phương khi ở bên ngoài lăng:

   "Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

   Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

   Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

   Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng."

   Câu thơ đầu cất lên như một lời thông báo giản dị nhưng chan chứa tình cảm thân thương: "Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác". Cách xưng hô: xưng "con" gọi "Bác" rất gần gũi, mộc mạc thân thương. Đây là cách xưng hô thường thấy của người dân Việt Nam đối với người cha già vĩ đại của dân tộc – Bác Hồ. Nhưng với Viễn Phương, cách xưng hô ấy vẫn mang sắc thái tình cảm riêng, điều đó đã được nhà thơ nhấn mạnh ở hai chữ "miền Nam". Miền Nam gợi đến một không gian địa lí rất xa xôi so với miền Bắc, miền Nam cũng gợi lên một mối quan hệ rất gắn bó, gần gũi trong trái tim của Người:

   "Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà

   Miền Nam mong Bác nỗi mong cha"

   (Tố Hữu)

   Vì thế, với mối quan hệ thiết thân ấy, Viễn Phương đã không quản ngại từ miền Nam ra thăm Bác. Đặc biệt, trong câu thơ đầu, tác giả đã sử dụng nghệ thuật nói giảm nói tránh. Ông không sử dụng từ "Viếng" mà lại sử dụng từ "thăm". Điều đó có nghĩa là với Viễn Phương, ông ra Bắc như là trở về nhà để thăm cha, thăm nơi ở nghỉ ngơi của Bác. Người đọc cảm nhận được nỗi đau xót xa trong lòng của Viễn Phương đang được ông kìm nén, giữ chặt trong lòng, không muốn biểu lộ ra bên ngoài.

   Khi đứng bên ngoài lăng, hình ảnh gây ấn tượng đậm nét với Viễn Phương là hình ảnh "hàng tre". Hình ảnh này rất giàu sức gợi: Cây tre là hình ảnh rất gần gũi, thân thuộc và thường thấy ở nông thôn, làng quê của Việt Nam. Nhưng cây tre từ lâu cũng có ý nghĩa biểu tượng cho sức mạnh của dân tộc, đã kinh qua biết bao nhiêu khó khăn, vất vả "bão táp mưa sa" mà vẫn hiên ngang, bất khuất, mạnh mẽ. Nay hình ảnh cây tre lại được nhà thơ miêu tả bằng các từ láy "xanh xanh", "bát ngát", gợi tả những hàng tre xanh mượt mà được trồng quanh lăng giống như cả dân tộc ta đang bên cạnh Người để bảo vệ, canh giấc ngủ bình yên cho Bác. Từ cảm thán "Ôi" thể hiện niềm cảm xúc ngỡ ngàng, ngạc nhiên tràn đầy xúc cảm của tác giả khi phát hiện ra những điều đó: hàng tre – dân tộc – chiến sĩ luôn sát cánh bên người cả khi người còn sống hay khi đã mất!. Như vậy, nhà thơ ra Bắc thăm Bác như là một đứa con từ phương xa, nay trở về thăm nhà, thăm cha đầy xúc động, chân thành.

   Nếu như ở khổ thơ đầu, nhà thơ gợi nhắc tới bao phẩm chất tốt đẹp của dân tộc ta qua hình ảnh "hàng tre" thì đến khổ hai, nhà thơ tiếp tục thể hiện những xúc cảm của mình trước những đoàn người vào lăng viếng Bác. Ở khổ hai, nhà thơ đã tạo nên hai cặp câu, mỗi cặp câu đều có sự sóng đôi của hình ảnh tả thực và ẩn dụ. Hai câu thơ đầu, có hai hình ảnh mặt trời: "mặt trời" thứ nhất ở câu đầu là mặt trời của tự nhiên, của vũ trụ; "mặt trời" thứ hai ở câu hai là để chỉ Bác Hồ. Thực ra, việc ví Bác với mặt trời không phải là mới, trước Viễn Phương đã có rất nhiều nhà thơ đã ví Bác với mặt trời. Tố Hữu đã từng có ý thơ:

   "Người rực rỡ một mặt trời cách mạng

   Mà Đế quốc là loại dơi hốt hoảng

   Đêm tàn bay chập choạng dưới chân Người..."

   Nhưng cái mới mẻ của Viễn Phương là đã kết hợp ẩn dụ với nghệ thuật nhân hóa. Mặt trời của tự nhiên vốn đã đẹp, vốn đã rực rỡ chói lóa, ấy vậy mà vẫn phải ngưỡng mộ trước vẻ đẹp tài năng và nhân cách của Hồ Chí Minh. Cảm nhận về hai câu thơ này, giáo sư Trần Đình Sử trong bài "Lời người con miền Nam ra thăm cha già dân tộc", đã viết: "Ví Bác với mặt trời là hình ảnh đã quen nhưng so sánh mặt trời trên lăng với mặt trời trong lăng là một sáng tạo mới, xuất thần, thoát sáo, chưa hề có. Mặt trời rất đỏ làm nhớ tới trái tim nhiệt huyết, chân thành, trái tim thương nước, thương dân". Với việc ví Bác với mặt trời, Viễn Phương vừa ca ngợi sự vĩ đại của Bác, vừa nhấn mạnh được tư tưởng ngời sáng của Người, lại vừa thể hiên được lòng thành kính của nhân dân, của nhà thơ đối với Bác Hồ.

   Hai câu tiếp, nhà thơ miêu tả cảnh dòng người lần lượt vào lăng viếng Bác:

   "Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

   Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân..."

   Điệp từ "ngày ngày" diễn tả vòng thời gian tuần hoàn liên tục, ngày nào cũng thế từng dòng người cứ lần lượt vào thăm viếng Bác. Bài thơ viết theo thể tám chữ nhưng tới câu thơ cuối khổ hai, lại dôi ra thành chín chữ một dòng thơ, kết hợp với dấu chấm lửng ở cuối câu thơ, làm cho nhịp thơ trở nên chậm lại, chứa đầy cảm xúc và khiến cho khổ thơ như vẫn tiếp tục kéo dài ra hơn. Ở đây, tác giả cũng sử dụng nghệ thuật ẩn dụ qua hình ảnh "dòng người" rất đẹp, đầy gợi cảm. Đoàn người vào lăng viếng Bác khiến tác giả liên tưởng giống như một tràng hoa và mỗi người là một bông hoa kết thành tràng hoa dâng lên Bác lòng thương nhớ, kính yêu. Đồng thời người đọc còn nhận ra các sử dựng từ ngữ của Viễn Phương rất độc đáo, đắc địa. Tác giả sử dụng từ " dòng người" chứ không phải là "đoàn người", "hàng người", điều đó có tác dụng gợi lên sự tiếp nối trải dài tới vô tận của những dòng người vào lăng. Cụm từ "Đi trong thương nhớ" gợi tả tình yêu thương và nỗi nhớ mong của nhân dân dành cho Bác, bao trùm lên cả không gian và thời gian vô tận "ngày ngày". Đặc biệt, hình ảnh "Bảy mươi chín mùa xuân" là hình ảnh hoán dụ rất đẹp, mang ý nghĩa tượng trưng: Bác Hồ với bảy mươi chín tuổi xuân đã sống một cuộc đời đẹp như những mùa xuân và đã đem lại mùa xuân lớn cho quê hương, đất nước. Tóm lại, với hai câu cuối khổ hai, nhịp thơ chậm, hình ảnh ẩn dụ đẹp, sáng tạo, từ ngữ giàu tính tạo hình và biểu cảm, tác giả đã miêu tả nhưng dòng người vào lăng viếng Bác bằng tất cả lòng thành kính, biết ơn sâu sắc.

   Hòa theo dòng người vào lăng viếng Bác, khi trước di hài Bác, xúc cảm ngẹn ngào của nhà thơ được đẩy lên cao hơn:

   "Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

   Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền"

   Nghệ thuật nói giảm nói tránh "giấc ngủ bình yên" có tác dụng giảm bớt sự đau thương, mất mát của cả dân tộc khi Bác đã ra đi. Đồng thời cho thấy giấc ngủ nhẹ nhàng, bình yên, thanh thản của Bác trong giấc ngủ ngàn thu. Hình ảnh "vâng trăng sáng dịu hiền" là một hình ảnh đầy chất thơ, rất giàu sức gợi. Đây là hình ảnh ẩn dụ gợi ta liên tưởng đến tâm hồn cao đẹp, trong sáng và những vần thơ tràn ngập ánh trăng của Người. Qua những vần thơ về trăng của Bác, chúng ta thấy tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, chất nghệ sĩ trong con người HCM. Cùng với mặt trời, hình ảnh vầng trăng đã hoàn thiện bức chân dung HCM trong tâm khảm mỗi người: chói lóa, rực rỡ, trong sáng, thanh cao, hiền lương, thương mến.

   Từ niềm xúc cảm ngẹn ngào chuyển sang niềm xót xa, đau đớn, tiếc nuối:

   "Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

   Mà sao nghe nhói ở trong tim."

   Hình ảnh "trời xanh" là hình ảnh ẩn dụ: khẳng định Bác còn sống mãi trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam, sự nghiệp và tư tưởng của Người trường tồn mãi với thời gian, năm tháng như bầu trời xanh của vụ trụ, của tự nhiên. Dù nhận thức được như thế nhưng lí trí không điều khiển được cảm xúc, tình cảm xót thương không chấp nhận sự mất mát, ra đi mãi mãi của Người. Nỗi đau được nhà thơ biểu hiện rất cụ thể, trực tiếp: "Mà sao nghe nhói ở trong tim!". Cấu trúc tương phản " Vẫn ... mà" kết hợp với dấu chấm than ở cuối khổ thơ đã diễn tả tình cảm thật chân thành, xót xa, đau đớn vô hạn trong đáy sâu tâm hồn của một đứa con xa nhà, nay trở về chịu tang cha, đứng trước di hài của cha mà nước mắt không ngừng rơi. Đây cũng là cảm xúc chung của biết bao nhiêu người con khi Bác đã về với thế giới người hiền năm xưa: "Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa" (Bác ơi! - Tố Hữu).

   Nếu như những khổ thơ trên, chúng ta thấy nhà thơ như cố gắng gượng kìm nén cảm xúc, không muốn nước mắt tuôn rơi khi ngẫm tới sự ra đi vĩnh viễn của Bác, nhưng đến khổ thơ cuối, khi sắp phải ra về, nhà thơ không còn đủ lí trí tỉnh táo để kìm nén lòng mình lại nữa mà đã bật lên thành tiếng khóc nấc vỡ òa:

   "Mai về miền Nam dâng trào nước mắt"

   Nghĩ tới lúc phải tạm chia xa Bác, Viễn Phương không thể kìm giữ được lòng mình. Lời thơ rất giản dị, mộc mạc, chân thành, tha thiết thể hiện niềm lưu luyến, chẳng muốn chia xa.

   Từ nỗi xúc động ngẹn ngào đó, nhà thơ cũng bộc lộ niềm ước nguyện cháy bỏng của mình:

   "Muốn là con chim hót quanh lăng Bác

   Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây

   Muốn làm cây tre chung hiếu chốn này."

   Ba câu thơ cất lên với hình thức điệp từ, điệp ngữ "muốn làm" (3 lần) khiến cho nhịp thơ trở nên nhanh, dồn dập có tác dụng diễn tả niềm khao khát mãnh liệt, chân thành của nhà thơ. Những ước nguyện đã được nhà thơ liệt kê ra bằng một loạt các hình ảnh rất đẹp, rất cụ thể: muốn làm con chim để cất cao tiếng hót, muốn làm đóa hoa để đem lại hương sắc cho nơi Bác nằm, cũng như muốn dâng lên Bác tất cả nhưng gì tinh hoa nhất của mình để Bác bình yên, thanh thản trong giấc ngủ ngàn thu.

   Đặc biệt khép lại bài thơ là một ước nguyện thật đẹp, gây ấn tượng sâu sắc tới người đọc: "Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này". Hình ảnh cây tre trung hiếu khiến ta liên tưởng tới hình ảnh hàng tre ở khổ thơ đầu, việc lặp lại hình ảnh như vậy đã tạo nên kết cấu vòng tròn rất chặt chẽ: mỗi người là một cây tre trung hiếu thì cả dân tộc là hàng tre trung hiếu với Bác. Hình ảnh ẩn dụ "cây tre trung hiếu" thể hiện lòng thành kính và trung thành vô hạn của nhà thơ với Bác. Nhà thơ nguyện suốt đời đi theo con đường lí tưởng của Bác. Đây không chỉ là ước nguyện của riêng nhà thơ mà cũng chính là ước nguyện chung của tất cả mọi người, của cả dân tộc Việt Nam.

   Bài thơ được viết theo thể tám chữ (có dòng bảy chữ, chín chữ), có sự kết hợp giữa chất trữ tình và tự sự; giọng thơ biến đổi linh hoạt: lúc thì sâu lắng, tự hào, khi thì xót xa, tiếc nuối, lúc lại khát khao mạnh mẽ, rất phù hợp với việc diễn tả tình cảm, cảm xúc từ khi bắt đầu cho tới khi kết thúc cuộc viếng thăm... Tác phẩm có sử dụng rất nhiều những hình ảnh sáng tạo, với hệ thống những hình ảnh tả thực và biểu tượng (hàng tre, trời xanh, mặt trời, vầng trăng...) giàu giá trị tạo hình và gợi cảm xúc. Đồng thời toàn bộ bài thơ rất giàu tính chất nhạc điệu nên thi phẩm đã được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ thành bài hát và trở thành một khúc ca đẹp về chủ tịch Hồ Chí Minh.

   Trong cuốn "Đọc văn học văn", giáo sư Trần Đình Sử đã từng nhận xét về tác phẩm "Viếng lăng Bác" của nhà thơ Viễn Phương: "Bài thơ tả lại một ngày ra thăm lăng Bác, từ tinh sương đến trưa, đến chiều. Nhưng thời gian trong tưởng niệm là thời gian vĩnh viễn của vũ trụ, của tâm hồn. Cả bài thơ bốn khổ, khổ nào cũng trào dâng một niềm thương nhớ bao la và xót thương vô hạn. Bốn khổ thơ, khổ nào cũng đầy ắp ẩn dụ, những ẩn dụ đẹp và trang nhã, thể hiện sự thăng hoa của tình cảm cao cả, nâng cao tâm hồn con người. Viếng lăng Bác của Viễn Phương là một đóng góp quý báu vào kho tàng thi ca viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại kính yêu của dân tộc ". Như vậy, đọc xong bài thơ, chúng ta càng cảm thấy thấm thía hơn công lao và sự nghiệp, tư tưởng vĩ đại của Bác mãi trường tồn bất diệt với thời gian năm tháng. Và người đọc cũng nhận thức ra một điều cần phải có nghĩa vụ, trách nhiệm đối với sự phát triển của non sông, đất nước, làm cho đất nước Việt Nam có thể "sáng vai với các cường quốc năm châu" trên thế giới mà Bác đã từng gửi gắm cho thế hệ trẻ Việt Nam trong quá khứ và mãi mãi về sau!.

Phân tích bài thơ Sang Thu của Hữu Thỉnh

Có lẽ, trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thì mùa thu thường gợi cảm hứng cho thi ca, nhạc họa nhiều nhất. Ta có thể bắt gặp chùm thơ Thu của Nguyễn Khuyến, "Tiếng thu" của Lưu Trọng Lư hay "Đây mùa thu tới" của Xuân Diệu... và cũng viết về đề tài mùa thu, nhà thơ Hữu Thỉnh với thi phẩm "Sang thu" đã có những cảm nhận về phút giây giao mùa chuyển từ cuối hạ sang đầu thu thật mới mẻ, tinh tế, nhẹ nhàng. Bài thơ được sáng tác năm 1977, in trong tập "Từ chiến hào đến thành phố", rất tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật thơ nhỏ nhẹ, thiết tha, sâu lắng của Hữu Thỉnh.

   Mở đầu bài thơ là những cảm nhận ban đầu trước những tín hiệu dịu nhẹ lúc sang thu trong một không gian thu rất gần và hẹp:

   "Bỗng nhận ra hương ổi

   Phả vào trong gió se

   Sương chùng chình qua ngõ

   Hình như thu đã về"

   Tín hiệu đầu tiên báo hiệu thời khắc của sự giao mùa từ cuối hạ sang thu là hình ảnh "hương ổi" bay phảng phất trong gió se. Hương ổi chín thơm ấy, vừa quen thuộc lại vừa mới mẻ. Quen thuộc vì nó là hương thơm thường gắn liền với đồng quê, thôn xóm của người Việt, rất dân dã, mộc mạc. Nhưng nếu trong thơ xưa, các nhà thơ khi miêu tả cảnh thu thường gắn liền với ao thu, bầu trời thu hay bông hoa cúc vàng rực rỡ, một chiếc lá vàng khô... thì ở đây, Hữu Thỉnh lại cảm nhận tín hiệu ban đầu báo hiệu thời khắc của sự chuyển giao mùa hạ sang thu là hương ổi. Điều đó đã tạo nên sự mới mẻ trong cách cảm nhận và miêu tả cảnh thu của nhà thơ. Hương thơm ngát của ổi chín đã đượctác giả miêu tả qua động từ "phả". Từ "phả" diễn tả một mùi hương nồng nàn, đậm đà, lan tỏa trong gió se. "Gió se" là một loại gió chỉ có trong mùa thu, hơi khổ, se se lạnh. Và chính ngọn gió đầu mùa ấy đã đưa mùi hương bay tỏa ra khắp không gian làm nên vẻ đẹp của mùa thu.

   Mùa thu tới không chỉ có gió, có hương ổi mà còn có cả làn sương. Không gian thu lãng đãng hơi sương, tạo cho khung cảnh thu thêm lãng mạn. Làn sương được nhân hóa qua động từ "chùng chình", có tác dụng gợi tả những làn sương mỏng manh, nhẹ nhàng như cố ý chậm lại, như lưu luyến chưa muốn bước hẳn vào thu. Ngõ ở đây vừa là ngõ thực của thôn làng, ngõ xóm; lại vừa là ngõ cửa của thời gian như chao nghiêng ranh giới giữa hai mùa, mùa hạ thì chưa muốn qua mà mùa thu thì chưa muốn tới.

   Cảm xúc trước của nhà thơ trước những tín hiệu mùa thu đã được tác giả diễn tả qua từ "bỗng", thể hiện sự ngỡ ngàng, ngạc nhiên, bất ngờ khi phát hiện ra những tín hiệu đó. Và thiên nhiên, trời đất đã được tác giả mở lòng ra mà đón nhận bằng tất cả các giác quan với những rung động thật tinh tế, nhẹ nhàng: khứu giác (mùi hương ổi), xúc giác (gió se), thị giác (sương chùng chình). Từ tất cả các tín hiệu trên (gió, hương, sương) tác giả đi đến kết luận: "Hình như thu đã về". Đây là một sự phỏng đoán bằng cảm giác, bằng linh tính của tâm hồn. "Hình như" là từ tình thái thể hiện sự tin tưởng thấp, chưa chắc chắn, vẫn còn mơ hồ. Trạng thái cảm xúc này không chỉ phù hợp với cảnh thu mà cũng rất phù hợp với logic tâm trạng. Bởi những tín hiệu của mùa thu đều là những tín hiệu vô hình, không có hình khối, màu sắc rõ ràng, cụ thể nên nhà thơ mới có cảm xúc ngỡ ngàng, bâng khuâng, có phần hơi bối rối trước tín hiệu mùa thu.

   Nếu như khổ thơ đầu, không gian thu được co hẹp trong một không gian rất gần và hẹp thì tới khổ hai, không gian thu đã được mở rộng về biên độ với tầm nhìn cao và xa hơn, từ mặt đất lên bầu trời:

   "Sông được lúc dềnh dàng

   Chim bắt đầu vội vã

   Có đám mây mùa hạ

   Vắt nửa mình sang thu"

   Hình ảnh dòng sông được nhân hóa qua từ láy "dềnh dàng", tức là chậm chạp, thong thả. Dòng sông không còn cuồn cuộn, gấp gáp chảy trước những cơn mưa lũ của mùa hạ nữa mà thay vào đó, nó trở nên lắng lại, từ từ, nhẹ nhàng, lững lờ trôi. Dường như, dòng sông cũng ngập ngừng như muốn níu kéo mùa hạ, chưa muốn sang mùa thu. Ngược lại với sự "dềnh dàng" của dòng sông là trạng thái "vội vã" của cánh chim đang mải miết bay đi tránh rét khi chúng bắt đầu cảm nhận được cái se se lạnh của tiết trời đầu thu. Nghệ thuật đăng đối ở hai câu thơ đầu tạo nên hình ảnh thơ thật đẹp, rất chỉnh, giàu tính chất tạo hình, đồng thời làm cho không gian thu trở nên rộng mở hơn, rất khoáng đạt.

   Khép lại khổ thơ là hình ảnh đám mây được nhân hóa với hành động "vắt nửa mình". Hình ảnh thơ rất giàu tính chất tạo hình trong không gian và có ý nghĩa diễn tả sự vận động của thời gian. Đám mây trắng buốt mềm mại trải dài như một tấm lụa treo ngang trên bầu trời, rất nhẹ nhàng, duyên dáng. Và mây cũng chính là ranh giới chao nghiêng giữa hai mùa hạ - thu. Cảnh vật trở nên vừa hư lại vừa thực, đó là sản phẩm của trí tưởng tượng rất nên thơ và hết sức độc đáo, mới mẻ của tác giả. Tóm lại, với một hệ thống những hình ảnh đẹp, giàu tính chất tạo hình trong không gian, kết hợp với nghệ thuật nhân hóa, tương phản, nhà thơ đã khắc họa thành công khung cảnh trời đất khi bắt đầu vào thu thật sống động, tinh tế, nhẹ nhàng. Chắc chắn Hữu Thình phải là một ngòi bút tài năng, một tâm hồn nghệ sĩ và tình yêu thiết tha với thiên nhiên tạo vật thì mới tạo nên câu thơ viết về mùa thu đẹp, lãng mạn đến như vậy.

   Từ những cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến và những rung động mãnh liệt trước những phút giây giao mùa vào thu ở khổ một, hai, nhà thơ chuyển sang giọng điệu suy ngẫm, chiêm nghiệm về cuộc đời:

   "Vẫn còn bao nhiêu nắng

   Đã vơi dần cơn mưa

   Sấm cũng bớt bất ngờ

   Trên hàng cây đứng tuổi."

   Nhà thơ thật tinh tế và nhạy cảm khi phát hiện ra những thay đổi về mặt thời tiết. Vẫn là sấm, mưa, nắng, những hiện tượng thời tiết của mùa hè nhưng trong khoảnh khắc giao mùa này đã có sự đổi thay về mực độ. Cái nắng nóng chói chang của mùa hạ đã dần nhạt màu, không còn gay gắt như còn ở giữa mùa hạ; những cơn mưa rào bất chợt ào ào kéo đến cũng đã vơi dần đi. Sấm chớp kéo theo những cơn dông lốc dữ dội cũng bớt đi, cũng trở nên thưa thót hơn nhiều. Những từ như "vẫn còn", "vơi dần", "cũng bớt" đã có tác dụng diễn tả những hiện tượng của tự nhiên đó (sấm, mưa, nắng) đã giảm đi về mức độ và cường độ khi trời đất đang giao mùa cuối hạ, đầu thu rất nhẹ nhàng, khó nhận biết. Thế nhưng, với một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, nhà thơ đã phát hiện ra sự chuyển biến đó của thiên nhiên, vũ trụ.

   Từ hiện tượng của tự nhiên, nhà thơ suy ngẫm, chiêm nghiệm về cuộc đời:

   "Sấm cũng bớt bất ngờ

   Trên hàng cây đứng tuổi"

   "Sấm" là hình ảnh ẩn dụ, biểu trưng cho những tác động của ngoại cảnh với những biến động của cuộc đời. "Hàng cây đứng tuổi" là những cành cây lâu năm, cành lá sum suê, rễ cắm sâu xuống lòng đất vô cùng chắc chắn. Những hàng cây này đã trải qua biết bao nhiêu mùa bão giông với những biến thiên của trời đất. Và nó biểu trưng cho những con người từng trải đã đi qua biết bao nhiêu những khó khăn, vất vả, hiểm nguy trên đường đời. Như vậy, bằng nghệ thuật ẩn dụ, nhà thơ thể hiện sự suy ngẫm, chiêm nghiệm về cuộc đời con người: con người từng trải sẽ trở nên vững vàng hơn trước những thử thách trong cuộc đời. Lúc viết bài thơ này, Hữu Thỉnh mới chỉ hơn ba mươi tuổi, ấy vậy nhưng Hữu Thỉnh đã tự cho rằng mình là người từng trải. Có lẽ điều này xuất phát từ hoàn cảnh của ông xuất thân từ một người lính, đã trải qua biết bao nhiêu là khó khăn, gian nan, vất vả; với biết bao nhiêu tang tóc, hi sinh, mất mát nơi chiến trường khốc liệt... nên đã rèn luyện cho nhà thơ một bản lĩnh cứng cỏi và nghị lực vươn lên, dám đương đầu với mọi biện động bất thường mà cuộc sống sẽ xảy ra. Đặt câu thơ "sấm cũng bớt bất ngờ" vào trong một hệ thống các câu thơ ở khổ một, hai như làn "sương chùng chình qua ngõ" và "vắt nửa mình sang thu", người đọc chợt nhận ra sự lưu luyến muốn níu kéo thời gian của nhà thơ khi nhận ra sự sang thu của tạo vật cũng chính là sự "sang thu" của đời người...

   Bài thơ được viết theo thể năm chữ, hình ảnh thơ đẹp, giàu sức gợi , ngôn ngữ trong sáng, giàu sức biểu cảm đã có tác dụng diễn tả những trạng thái của cảnh vật và sự cảm nhận tinh tế, nhạy cảm của thi nhân trước thiên nhiên, vũ trụ đất trời khi bắt đầu sang thu. Đọc xong bài thơ, chúng ta thấy được sự mới mẻ trong cách cảm nhận mùa thu của Hữu Thỉnh, đồng thời thấy được tình yêu đời, yêu thiên nhiên đất nước sâu sắc của nhà thơ.

5 bài văn mẫu Suy nghĩ của em về nhân vật chị Dậu qua đoạn trích Tức nước vỡ bờ

Cùng với Nam Cao, Vũ Trọng Phụng... , Ngô Tất Tố cũng là một tên tuổi tiêu biểu trong trào lưu văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930 -1945. Tác phẩm tiêu biểu của ông có thể kể đến tác phẩm Tắt đèn. Ông đã kể về cuộc đời của chị Dậu- một người phụ nữ nông thôn yêu chồng thương con, nhưng vì xã hội thối nát, cường quyền áp bức đã khiến cho cuộc đời của chị đầy tối tăm, tủi nhục. Nhưng chính trong hoàn cảnh bị áp bức ấy, ở chị vẫn ánh lên tinh thần phản kháng mãnh liệt. Một trong những đoạn đặc trưng đó là đoạn trích "Tức nước vỡ bờ".

   Mở đầu đoạn trích là cảnh chị Dậu chăm sóc anh Dậu – người chồng ốm yếu của chị vừa được bọn cường hào thả ra sau những ngày đánh đập vì không có tiền nộp thuế. Chị Dậu đã phải vất vả chạy ngược chạy xuôi mới có thể có đủ tiền nộp sưu cho chồng. Đến lúc đưa được chồng về, nhà cũng chẳng còn gì, mãi mới có người hàng xóm cho vay bát gạo để nấu cháo loãng cho anh ăn. Cháo chín, chị ngồi quạt cho cháo nguội rồi ân cần nâng chồng dậy ăn cháo. Trong đói nghèo khốn khó, người vợ ấy vẫn luôn yêu thương chồng da diết.

   Chồng bị trói, bị cùm vì không có tiền nộp sưu thuế. Chị Dậu một mình tất tả chạy vạy mãi mà không đủ tiền. Túng quẫn khiến chị phải bán đàn chó mới sinh, bán cả đứa con đầu lòng ngoan ngoãn hiếu thảo. Cảnh đứa con cầu xin "u đừng bán con", cũng làm người mẹ như chị đứt từng khúc ruột. Vậy mà vẫn phải bán, vì không bán thì lấy đâu ra đủ tiền mà nộp sưu cho chồng. Chị đã phải trải qua biết bao cay đắng, tủi nhục, đã phải đổ biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt để có được đủ tiền nộp thuế thân cho chồng. Vậy mà, vừa đưa được anh chồng ốm yếu, chỉ còn thoi thóp khỏi tay bọn tay sai đi thúc thuế chúng đã lại đến đòi một khoản thuế thân vô lí – thuế của người em chồng chị đã mất từ năm ngoái.

   Ban đầu, khi bọn đầu trâu mặt ngựa đến, chị cũng vẫn chỉ nhẹ nhàng van xin chúng: "Cháu xin ông", "Cháu van ông….., ông tha cho". Chị nhẫn nhục, nhún mình để năn nỉ chúng tha cho anh. Dù sao, chị cũng chỉ là một người đàn bà thấp cổ bé họng, dù tức giận, nhưng cũng đâu thể làm gì được chúng.

   Thế nhưng, con giun xéo lắm cũng quằn, ai cũng có giới hạn của mình. Chị Dậu cũng vậy. Khi tên cai lệ vẫn cố tình sấn đến định bắt anh Dậu đi, chị Dậu đã không còn nhún nhường trước chúng nữa, mà nâng mình lên ngang hàng với bọn tay sai: " Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ." Tuy nhiên, quen thói hành hung người vô tội đã quen, bọn tay sai đâu dễ dừng tay. Chúng vẫn tiếp tục sấn đến đánh chị và muốn lôi anh Dậu đi. Tức thì, chị Dậu đã trở thành bề trên cảnh cáo lũ kẻ dưới: "Mày trói chồng bà đi, bà cho mày xem!". Sự cảnh cáo của chị không chỉ bằng lời nói. Chị đánh lại bọn tay sai, dúi chúng, lằng chúng, xô đẩy chúng không còn một đứa nào lại được, đành lủi thủi ra về.

   Ở chị Dậu, đã có một sự chuyển biến tâm lí mãnh liệt. Từ một người đàn bà nông thôn chỉ biết chăm chồng chăm con, luôn luôn khúm núm, sợ sệt lũ tay sai thúc thuế, chị đã phản kháng, đã đánh cho lũ độc ác ấy tơi bời. Có áp bức tất có đấu tranh – đó là một quy luật tất yếu mà ngàn đời nay vẫn thế. Tuy thế, nhưng hành động của chị Dậu chỉ là hành động mang tính chất bột phát, chứ không có định hướng, cũng chưa có tính tập thể, để rồi cuối cùng, chị vẫn phải vùng chạy, lao vào màn đêm đen tăm tối như chính cuộc đời của chị.

   Đoạn trích "Tức nước vỡ bờ" được coi là một trong những đoạn trích hay nhất của tác phẩm "Tắt đèn". Qua đoạn trích, Ngô Tất Tố vừa bày tỏ lòng yêu thương, kính trọng đối với người phụ nữ giàu lòng thương chồng thương con, vừa muốn lên án xã hội tàn nhẫn, cường quyền áp bức khiến người dân phải vùng lên phản kháng.

Bài văn mẫu 2

   Trào lưu hiện thực phê phán giai đoạn 1930-1945 đã có những đóng góp đáng kể cho nền văn học nước nhà. Chúng ta khó có thể quên các tên tuổi lớn như Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao… và đặc biệt là Ngô Tất Tố – tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Tắt đèn. Lần đầu tiên, ông đã đưa vào văn học hình ảnh một người phụ nữ nông dân Việt Nam với đầy đủ phẩm chất tốt đẹp. Đoạn văn Tức nước vỡ bờ thể hiện chân thực và sinh động vẻ đẹp của nhân vật chị Dậu, một phụ nữ yêu chồng, thương con, giàu đức hi sinh và có tinh thần phản kháng mãnh liệt.

   Mở đầu đoạn trích là cảnh chị Dậu chăm sóc người chồng ốm yếu vừa bị bọn cường hào đánh đập thừa chết thiếu sống chỉ vì chưa có tiền nộp sưu. Chị Dậu đã cố sức xoay xỏa để cứu chồng ra khỏi cảnh bị cùm trói và hành hạ dã man. Chị tất tả chạy ngược chạy xuôi, vay được nắm gạo nấu nồi cháo loãng. Cảm động thay là cảnh chị Dậu múc cháo ra mấy cái bát cũ kĩ, sứt mẻ và quạt lia quạt lịa cho cháo mau nguội rồi ân cần mời mọc: Thầy em cố dậy húp tí cháo cho đỡ xót ruột. Trong ánh mắt người vợ nghèo khổ ấy toát lên một tình thương yêu chồng tha thiết.

   Trong cơn quẫn bách của mùa sưu thuế, chị Dậu đã trở thành trụ cột của cái gia đình khốn khổ. Chồng bị bắt, bị gông cùm, đánh đập, một tay chị chèo chống, chạy vạy, phải bán tất cả những gì có thể bán được, kể cả đứa con gái đầu lòng ngoan ngoãn, hiếu thảo mà chị thương đứt ruột để lấy tiền nộp sưu, cứu chồng khỏi vòng tù tội. Chị đã phải đổ bao mồ hôi nước mắt để anh Dậu được trả tự do trong tình trạng tưởng như chỉ còn là một cái xác không hồn. Chính tình yêu thương, lo lắng cho chồng đã dẫn chị đến hành động chống trả quyết liệt lũ tay sai tàn ác khi chúng nhẫn tâm bắt trói anh Dậu một lần nữa.

   Hành động của chị Dậu không phải diễn ra một cách bất ngờ mà cái mầm mống phản kháng đã ẩn chứa từ lâu dưới vẻ ngoài cam chịu, nhẫn nhục. Sự chịu đựng kéo dài và sự áp bức tột độ đã khiến nó bùng lên dữ dội.

   Lúc bọn đầu trâu mặt ngựa ập vào định lôi anh Dậu đi nhưng chưa hành hung mà chỉ chửi bới, mỉa mai thì chị Dậu tuy giận nhưng vẫn nhẫn nhục van xin tên cai lệ độc ác: Cháu van ông, nhà cháu vừa mới tỉnh được một lúc, ông tha cho! Cách xưng hô của chị là cách xưng hô của kẻ dưới với người trên, biểu hiện sự nhún mình. Lúc bọn chúng sầm sập chạy đến chỗ anh Dậu, định trói anh một lần nữa, chị Dậu đã xám mặt nhưng vẫn cố chịu đựng, níu tay tên cai lệ, năn nỉ: Cháu xin ông. Những lời nói và hành động ấy của chị chỉ nhằm mục đích bảo vệ chồng.

   Đến khi giới hạn của sự chịu đựng bị phá vỡ thì tính cách, phẩm chất của chị Dậu mới bộc lộ đầy đủ. Tên cai lệ không thèm nghe chị. Hắn đấm vào ngực chị và cứ sấn đến trói anh Dậu. Chị Dậu đã chống cự lại. Sự bùng nổ tính cách của chị Dậu là kết quả tất yếu của cả một quá trình chịu đựng lâu dài trước áp lực của sự tàn ác, bất công. Nó đúng với quy luật: Có áp bức, có đấu tranh. Người đọc xót thương một chị Dậu phải hạ mình van xin bao nhiêu thì càng đồng tình, nể phục một chị Dậu đáo để, quyết liệt bấy nhiêu. Từ vị thế của kẻ dưới: Cháu van ông…, chị Dậu thoắt nâng mình lên ngang hàng với kẻ xưa nay vẫn đè đầu cười cổ mình: Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ. Câu nói cứng rắn mà vẫn có đủ tình, đủ lí. Nhưng cái ác thường không biết chùn tay. Tên cai lệ cứ sấn tới đánh chị và nhảy vào định lôi anh Dậu. Tức thì, sau lời cảnh cáo đanh thép của kẻ trên đối với kẻ dưới: Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem! là hành động phản kháng dữ dội: Rồi chị túm lấy cổ hắn, ấn dúi ra cửa. Sức lẻo khẻo của anh chàng nghiện chạy không kịp với sức xồ đẩy của người đàn bà lực điền, hắn ngã chỏng queo trên mặt đất… Còn tên người nhà lí trưởng kết cục cũng bị chị Dậu túm tóc, lẳng cho một cái, ngã nhào ra thềm.

   Tình yêu chồng, thương con cộng với tinh thần phản kháng âm ỉ bấy lâu đã thổi bùng lên ngọn lửa căm thù trong lòng chị Dậu – người đàn bà hiền lương, chất phác. Nỗi sợ cố hữu của kẻ bị áp bức phút chốc tiêu tan, chỉ còn lại nhân cách cứng cỏi của một con người chân chính: Thà ngồi tù. Để cho chúng nó làm tình làm tội mãi thế, tôi không chịu được.

   Tuy vậy, hành động phản kháng của chị Dậu hoàn toàn mang tính manh động, tự phát. Đó mới chỉ là cái thế tức nước vỡ bờ của một cá nhân mà chưa phải là cái thế của một giai cấp, một dân tộc vùng lên phá tan xiềng xích áp bức bất công. Có áp bức, có đấu tranh, áp bức càng nhiều thì đấu tranh càng quyết liệt và hành động của chị Dậu đã chứng minh cho chân lí ấy.

   Đoạn trích Tức nước vỡ bờ là một trong những đoạn hay của tác phẩm Tắt đèn. Nhà văn Ngô Tất Tố đã dành cho nhân vật chính là chị Dậu tình cảm yêu thương, thông cảm và trân trọng. Những tình tiết sinh động và đầy kịch tính trong đoạn trích đã góp phần hoàn thiện tính cách người phụ nữ nông dân đẹp người, đẹp nết.

Bài văn mẫu 3

   Ngô Tất Tố là một trong những nhà văn tiêu biểu của trào lưu văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930-1945. Các tác phẩm của ông chủ yếu xoay quanh chủ đề số phận của người nông dân trước Cách mạng. Trong số đó phải kể đến tác phẩm "Tắt đèn" với những kiếp người khốn cùng, tăm tối mà tiêu biểu là nhân vật chị Dậu. Tuy nhiên ở người phụ nữ này luôn tiềm tàng một sức sống, sức phản kháng mãnh liệt đối với xã hội đầy bất công ấy. Đoạn trích "Tức nước vỡ bờ" chính là ví dụ điển hình nhất cho vẻ đẹp của chị Dậu và của người phụ nữ Việt Nam.

   Vẻ đẹp của nhân vật chị Dậu trước hết là vẻ đẹp của một người phụ nữ yêu chồng, thương con. Mở đầu đoạn trích là cảnh chị Dậu chăm sóc người chồng ốm yếu vừa được thả sau những đánh trận đánh nhừ tử vì không đủ tiền nộp sưu thuế. Đón chồng về trong tình trạng đau yếu tưởng như sắp chết mà trong nhà cũng chẳng có gì ngon để tẩm bổ, may thay người hàng xóm thương tình cho vay bát gạo nấu cháo cho chồng ăn lại sức. Cháo chín, chị ngồi quạt đợi cho cháo nguội rồi ân cần nâng chồng dậy, dịu dàng như nịnh nọt nói với chồng: "Thầy em cố ngồi dậy húp ít cháo cho đỡ xốt ruột". Chị hãy còn để ý xem chồng ăn có ngon miệng hay không. Chính những hình ảnh, cử chỉ đó đã biểu lộ sự săn sóc và yêu thương của một người vợ đối với người chồng dù đang trong cơn khốn khó.

   Không những thế, khi anh Dậu vừa mới kề bát cháo lên miệng thì bọn cường hào lại tìm đến nhà lôi ra đánh đập. Thương người chồng ốm yếu, chị không quản ngại mà quý xuống van xin cai lệ: "Cháu xin ông", "Cháu van ông, nhà cháu vừa mới tỉnh được một lúc, ông tha cho!". Tuy thế nhưng tiếng kêu van của chị không làm cho đám cường hao có một chút động lòng, chúng cứ thế xông vào trói anh Dậu. Bị dồn vào thế chân tường, không còn con đường nào khác, chị đã tức thì đánh trả lại bọn chúng để bảo vệ người chồng đau yếu không còn chút sức kháng cự. Hành động ấy cũng đã chứng tỏ tình yêu thương của chị đối với chồng bất chấp cả cường quyền bạo ngược.

   Yêu chồng, thương con, chị Dậu đau như đứt từng khúc ruột khi phải bán đứa con đầu lòng ngoan ngoãn hiếu thảo. Người đọc có thể thấy rằng chị Dậu là người mẹ tàn nhẫn, vì "hỗ dữ không ăn thịt con" vậy mà ở đây chị Dậu lại nhẫn tâm bán con cho nhà Nghị Quế. Nhưng không phải vậy. Người mẹ như chị phải bán đứa con mình đứt ruột đẻ ra mới biết nó đau đớn thế nào. Chị nghĩ rằng, sau khi chồng chị được tha về, hai vợ chồng sẽ làm ăn rồi chuộc con. Hơn nữa, cái Tí cũng được vào nhà Nghị Quế sang giàu, tuy chẳng mong cao sang tốt đẹp gì nhưng như thế có khi còn hơn ở nhà. Với tất cả tình yêu dành cho chồng, cho con, chị Dậu chính là một người phụ nữ Việt Nam có những phẩm hạnh rất đáng quý và đáng trân trọng.

   Ở nhân vật chị Dậu, người đọc còn thấy vẻ đẹp của một người phụ nữ giàu đức hy sinh. Cảnh nhà quẫn bách, chồng bị bắt trói vì không có tiền nộp sưu, chị Dậu phải cáng đáng vai trò là trụ cột trong cái gia đình khốn khổ ấy. Một mình chị phải chạy vạy khắp nơi, phải bán chó, bán con để lấy tiền nộp sưu cứu chồng khỏi vòng lao lý. Chị đã phải tất tả ngược xuôi, đổ bao mồ hôi nước mắt để đón chồng về trong cái tình trạng chỉ như cái xác không hồn. Thế nhưng, du khổ cực hay đau xót, người phụ nữ ấy chỉ rơi những giọt nước mắt lặng lẽ chứ không hề một lời kêu than. Một người phụ nữ Việt Nam thật nhân hậu, giàu đức hạnh và tình yêu!

   Nhân hậu, giàu đức hạnh và tình yêu nhưng đó cũng chưa phải là tất cả vẻ đẹp của nhân vật chị Dậu. Ở người phụ nữ này còn toát lên tinh thần phản kháng mãnh liệt. Chính trong cái tình cảnh chứng kiến người chồng chuẩn bị lôi đi, tình yêu chồng và lòng căm thù bọn ác bá cường hào đã thôi thúc chị vùng lên dữ dội.

   Khi chị đã hết lời van xin nhưng tên cai lệ vẫn không tha cho, cố tình sấn đến định bắt anh Dậu thì lúc này chị Dậu đã cảnh cáo: "Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ". Câu nói đầy cứng rắn, có đủ tình, đủ lí nhưng không ngăn nổi cái ác tiếp diễn. Tên cai lệ sấn tới tát chị và chính cái tát ấy như lửa đổ thêm dầu, làm bùng lên ngọn lửa căm hờn, chị nghiến hai hàm răng: "Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem!". Tên cai lệ chưa kịp làm gì thêm thì đã bị chị "túm lấy cổ hắn, ấn dúi ra cửa. Sức lẻo khẻo của anh chàng nghiện chạy không kịp với sức xô đẩy của người đàn bà lực điền, hắn ngã chỏng queo trên mặt đất". Còn tên người nhà lí trưởng cũng bị chị Dậu "túm tóc, lẳng cho cho một cái, ngã nhào ra thềm".

   Có thể thấy sự chuyển biến tâm lý và hành động rất mạnh mẽ ở nhân vật trong tình cảnh này. Từ một người phụ nữ nông thôn hiền lương, nghèo đói, luôn sợ sệt lũ tay sai thúc thuế, chị đã dám phản kháng chống lại uy quyền. Đến lúc này thì nỗi căm phẫn đã lên đến đỉnh điểm, nỗi sợ hãi cố hữu của kẻ bị áp bức phút chốc tiêu tan, thay vào đó là một bản lĩnh quật khởi rất cứng cỏi: "Thà ngồi tù. Để cho chúng nó làm tình làm tội mãi thế, tôi không chịu được".

   Tức nước thì vỡ bỡ, có áp bức thì tất có đấu tranh là một quy luật tất yếu. Tuy vậy, sự đấu tranh của chị Dậu chỉ là hành động mang tính bộc phát chứ không có tính định hướng, cũng chưa có tính tập thể cho nên cuối cùng một mình chị vẫn không thể nào chống đỡ lại được cả một chế độ phong kiến thối nát, độc ác, chuyên quyền. Chị vẫn phải vùng chạy, lao vào màn đêm tăm tối như chính của cuộc đời của mình.

   Đoạn trích "Tức nước vỡ bờ" được coi là một trong những đoạn trích hay nhất của tác phẩm "Tắt đèn". Đoạn trích vừa làm nổi bật vẻ đẹp của một người phụ nữ yêu chồng thương con, giàu đức hy sinh và sức phản kháng mãnh liệt, vừa thông qua đó để lên án một xã hội cường quyền, áp bức bất công đẩy người nông dân thấp cổ bé họng vào đường cùng, buộc họ phải vùng lên tranh đấu.

Bài văn mẫu 4

   Trong tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố, chị Dậu được miêu tả như một người phụ nữ rất mực dịu dàng. Vì áp bức bóc lột mà chị Dậu đành chịu đựng, nhẫn nhục và trong nghiều trường hợp chị là người có thể nhẫn nhục chịu đựng. Nhưng chị Dậu không thuộc loại người yếu đuối, chỉ biết than khóc.

   Thông minh sắc sảo đảm đang tháo vát, chị Dậu còn tiềm tàng một khả năng phản kháng. Chả thế mà ngay giữa đình làng, trước mặt bọn hào lí chị đã dám "tru tréo", kêu to lên sự bất nhân của chế độ sưu thuế thực dân, phong kiến: "Khốn nạn thân tôi! Trời ơi! Em tôi chết rồi còn phải đóng sưu hở Trời". Bị quăng từ đình làng về rồi được cứu sống, anh Dậu chỉ biết khóc cho cái Tí, khóc cho số phận của anh. Trái lại chị Dậu tỏ thái độ bất cần. Chị bình tĩnh khuyên giải chồng: "Còn như mấy đồng sưu, tuy có nóng thật, nhưng lo chưa kịp thì khất. Thịt người tanh chẳng ai ăn được thầy em cứ yên tâm nằm nghỉ chẳng phải lo lắng gì cả".

   Cảnh Tức nước võ bờ miêu tả tinh tế diễn biến tâm lí của nhân vật một cách nhất quán. Chị Dậu có thể nhịn nhục, chịu đựng, nhưng khi đã bị đẩy tới chân tường, thì cũng biết vùng lên chống trả quyết liệt thể hiện một khả năng phản kháng tiềm tàng.

   Trước thái độ hung hăng, những lời quát tháo hách dịch của cai lệ, chị Dậu run run. Chị sợ thì ít mà lo cho chồng thì nhiều. Chị gọi cai lệ là ông và xưng cháu.Chị van xin cầu khẩn thiết tha: "Hai ông làm phúc nói với ông Lí hãy cho cháu khất...", "Khốn nạn! Nhà cháu đã không có, dẫu ông mắng chửi đến đâu cũng thế thôi. Xin ông trông lại!".

   Đến khi thẩy tính mạng của chồng bị đe doạ thái độ của chị thay đổi hoàn toàn. Chị vẫn cố van xin, nhưng vội vàng đặt đứa con đang bế xuống đất, chạy đến đỡ lấy tay cai lệ, không để hắn đụng tới anh Dậu. Đang xưng hô ông - cháu, chị Dậu đã chuyển qua ông tôi với cai lệ. Người đàn bà bị đè nén uất ức đã liều mình đứng dậy tự đặt mình ngang hàng với cai lệ và cảnh cáo hắn: "Chồng tôi đang ốm đau ông không được phép hành hạ!".

   Thái độ của chị Dậu ngày càng quyết liệt. Người đàn bà dịu dàng bỗng trở nên đáo để. Chị hạ cai lệ xuống thứ "mày" và ngang nhiên thách thức: "Mày trói chồng bà đi bà cho mày xem!". Chị Dậu đã quật ngã bọn tay sai hung ác trong tư thế ngang hàng bất khuất với sức mạnh kì lạ. Chị túm cổ lấy cai lệ ấn dúi ra cửa, làm hắn ngã chỏng kheo trên mặt đất miệng vẫn lảm nhảm trói vợ chồng kẻ thiếu sưu. Tên người nhà lí trưởng cũng bị chị Dậu túm tóc lẳng cho một cái ngã nhào ra thềm.

   Giọng văn của Ngô Tất Tố trở nên hả hê. Dưới ngòi bút của ông hình ảnh chị Dậu trở nên thật khoẻ khoắn, quyết liệt biết bao nhiêu, thì hình ảnh bọn tay sai hung ác cũng trở nên hèn hạ và hài hước bấy nhiêu. Thấy chị Dậu quyết liệt quá anh Dậu vừa run vừa kêu: "U nó không được thế! Người ta đánh mình không sao, mình đánh người ta thì mình phải ngồi tù, phải tội".

   Nhưng tức nước thì tất yếu sẽ vỡ bờ. Nghe anh Dậu can, chị Dậu phần uất: "Thà ngồi tù. Để chúng nó làm tình làm tội mãi thế này tôi chịu không được...". Câu nói mộc mạc đầy phẫn uất ấy giống như một lời tuyên ngôn hùng hồn cho quy luật: Có áp bức dứt khoát có đấu tranh.

Bài văn mẫu 5

   Ngô Tất Tố là một trong những nhà văn hiện thực xuất sắc của nền văn học Việt Nam. Trong những sáng tác của ông, người đọc thấy được những cảnh tượng thật trong những năm nhân dân ta phải sống trong cảnh nô lệ dưới chệ độ thực dân phong kiến. Tắt đèn là một tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác của ông, đặc biệt người đọc vô cùng ấn tượng với hình ảnh của chị Dậu trong truyện. Đoạn trích Tức nước vỡ bờ là đoạn trích thể hiện được rõ nhất nỗi khổ của chị Dậu nói riêng và nỗi khổ của người phụ nữ việt Nam thời thực dân phong kiến nói chung.

   Trước hết chị Dậu là một người mẹ hết lòng thương con nhưng lại bị xã hội thối nát, tàn ác kia làm cho chị trở thành một người mẹ bán con. Hoàn cảnh nghèo nàn là hoàn cảnh chung của đại bộ phận những con người Việt Nam thời kì đó. Đã thế nhân dân phải chịu biết bao nhiêu loại thế vô lí mà bọn thực dân đề ra. Nhà chị cũng bị chúng vét sạch chẳng có gì. Tay bế con nhỏ, tay dắt con bé, chị đau xót khi nhìn thấy đứa con van xin u đừng bán con. Hổ dữ còn chẳng ăn thịt con huống hồ mẹ lại đi bán con cho hổ. Biết đời con sẽ cực khổ nhưng chị chẳng biết phải làm sao một mình chị phải lo toan tất cả. Nếu như không có tiền nộp sưu thì chồng chị sẽ không được về. Nhà chỉ còn những củ khoai mầm nhỏ, điều đó làm cho chị, ép chị phải hành động như thế. Lòng chị thương con mà không biết làm sao.

   Không chỉ vậy, chị Dậu còn là một người vợ đáng thương phải gánh nợ cho chồng và cho em. Nợ ở đây là sưu thuế, người sống đóng thuế đã đành nay người chết đi nó cũng thu thuế cả người chết. Cùng một lúc chị phải gánh trên vai hai thứ thuế trong khi một thứ chị còn chưa đóng được. Chồng chị bị người ta lôi ra ngoài đình đánh đập cho đến chết đi sống lại, sống dở chết dở. Bọn lí trưởng đến thúc sưu chị phải nhún nhường trước thái độ của chúng. Chị phải xưng con với chúng mặc dù trong lòng chị căm thù chúng vô cùng.

   Dù cam chịu nhưng ở chị Dậu người đọc cũng thấy được sự vùng lên, người nông dân bắt đầu manh nha sự nổi dậy. Nói không được chị phải làm liều, chồng chị vừa mới tỉnh chị không thể chúng lôi chồng chị ra khỏi nhà nữa. Chị đứng lên đánh lại bọn cai và đuổi chúng ra khỏi nhà. Thế nhưng thực tại xã hội kia vẫn cứ đen tối. Hình ảnh chị Dậu chạy ra ngoài trời tối đen, nó đen như xã hội Việt Nam bấy giờ vậy. Đó là sự bế tắc của cuộc sống đương thời.

   Như vậy, đoạn trích tức nước vỡ bờ đã thể hiện được cuộc đời, số phận bi kịch của chị Dậu. Là một người mẹ, một người vợ chị không thể nào nhìn con cái, chồng của mình phải chịu khổ nhưng xã hội kia ép chị trở thành một người mẹ bán con. Cuộc đời chị đen tối như bầu trời ngoài kia vậy.

3 bài văn mẫu Lấy nhan đề Tình đời trong chiếc lá

Truyện ngắn là một hình thức tự sự loại nhỏ, dung lượng ngắn, có cốt truyện và ít nhân vật, miêu tả một khía cạnh, tính cách, một mảnh trong cuộc đời nhân vật. Tuy là truyện ngắn nhưng nó đề cập đến những vần đề lớn lao trong cuộc sống như truyện "Chiếc lá cuối cùng" của O Hen - ri trong chương trình Ngữ văn 8. Một tác phẩm đặc sắc đã để lại trong lòng người đọc những nỗi niềm trăn trở ...

   O Hen-ri sinh năm 1862 mất năm 1910 là nhà văn Mĩ chuyên viết truyện ngắn. Truyện của ông nổi tiếng là dí dỏm, dễ hiểu, giàu tình cảm và luôn có những cái kết bất ngờ và khéo léo. Những truyện của O Hen-ri thường nhẹ nhàng nhưng toát lên tinh thần nhân đạo cao cả, tình thương yêu người nghèo khổ, rất cảm động. Được bạn đọc yêu thích hơn cả như: Căn gác xép, Tên cảnh sát và gã lang thang, Quà tặng của các đạo sĩ,… và "kiệt tác" Chiếc lá cuối cùng. Chiếc lá cuối cùng là một trong những truyện ngắn hay nhất của O Hen-ri.

   Câu chuyện kể về Xiu, Giôn-xi và cụ Bơ-men – những họa sĩ nghèo cùng sống trong một căn hộ thuê gần công viên Oa-sinh-tơn. Giôn-xi bị bênh viêm phổi khá nặng, cô thấy tuyệt vọng và tin rằng khi chiếc lá cuối cùng của cây thường xuân cạnh cửa sổ rụng xuống, cô cũng sẽ lìa đời. Kì diệu thay, sau một đêm mưa bão khủng khiếp, chiếc lá ấy vẫn dũng cảm bám vào cành cây bằng sự kiên cường mãnh liệt. Điều đó đã khiến Giôn-xi thay đổi ý nghĩ về cái chết của mình, cô không còn muốn chết nữa mà đã lạc quan, vui vẻ và có niềm tin vào cuộc sống hơn. Qua lời kể của Xiu, Giôn-xi mới biết rằng chiếc lá ấy là do cụ Bơ-men đã vẽ vào ngay cái đêm mà chiếc lá cuối cùng rụng xuống, trong khi đó, để cứu sống Giôn-xi, cụ Bơ-men đã hi sinh mạng sống của mình.

   Điều gì đã khiến chiếc lá cuối cùng vẫn còn đấy, vẫn đeo bám vào cây dây leo mỏng manh mặc cho mưa gió trút xuống? Điều gì đã khiến Giôn-xi – con người tàn nhẫn có ý nghĩ quái gở ấy lấy lại niềm tin vào cuộc sống? Phải chăng tất cả đều là một phép màu? Vâng! Đúng là có phép màu, không phải phép màu nhiệm xảy ra ở trong truyện cổ tích mà ta thường đọc, cũng không phải do ông tiên hay thần linh nào ban tặng mà đó là phép màu của tình yêu thương. Chính cụ Bơ-men - con người có tình yêu thương, giàu đức hi sinh cao cả ấy đã làm cho chiếc lá vẫn còn mãi, vẫn tươi xanh mặc bao giông gió vùi dập phũ phàng.

   Chiếc lá vẫn đeo bám lấy sự sống để Giôn-xi thấy rằng: cuộc sống này đáng quý biết bao! Đáng trân trọng biết bao! Tại sao lại không yêu quý, trân trọng từng phút giây được sống mà lại đặt cược mạng sống của mình vào những chiếc lá thường xuân? "Kiệt tác" của cụ Bơ-men cũng đã cho Giôn-xi biết rằng: cô đã quá yếu đuối, tệ bạc với cuộc đời và chính bản thân mình. Xiu cũng là một nhân vật đáng ca ngợi, một cô gái với tình bạn cao đẹp, chung thủy, hết lòng với Giôn-xi. Dù hoàn cảnh cũng nghèo khó nhưng cô luôn động viên Giôn-xi chiến thắng bệnh tật, khát khao sống với cuộc đời. Từ hiện thực đầy rẫy những bất công vô lý, đem đến bao bất hạnh cho những con người nghèo khổ, nhà văn luôn khơi dậy được vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật qua tình huống truyện thật bất ngờ và cảm động.

   Thành công của "Chiếc lá cuối cùng" còn phải kể đến tài năng viết truyện điêu luyện của O Hen-ri đặc biệt là nghệ thuật đảo ngược tình huống hai lần và việc kể, tả tâm trạng nhân vật. O Hen-ri đã rất khéo léo trong việc lựa chọn ngôi kể thứ ba để có thể kể hết câu chuyện của nhân vật một cách khách quan, biểu thị thái độ đánh giá, bộc lộ các khía cạnh khác nhau cùa từng nhân vật. Truyện được xây dựng theo kiểu có nhiều tình tiết hấp dẫn, sắp xếp chặt chẽ và khéo léo khiến người đọc bị lôi cuốn vào câu chuyện một cách say mê, hứng thú. Kết thúc truyện thật bất ngờ khiến cho người đọc phải ngẫm nghĩ rất nhiều về sự hi sinh cao cả của cụ Bơ-men mà Giôn-xi lại không phản ứng gì thêm, tạo sự dư âm cho truyện ngắn đặc sắc này.

   Chiếc lá cuối cùng là một tác phẩm có giá trị cao đối với nền văn học thế giới. Một truyện ngắn gởi thông điệp đến mọi người quan niệm về nghệ thuật và tình người thật đẹp trong cuộc sống : Đó chính là người nghệ sĩ phải sáng tạo ra những tác phẩm không chỉ bằng tài năng mà bằng cả trái tim. Một trái tim chan chứa tình yêu thương giữa con người với con người. Dư âm của câu chuyện sẽ mãi lắng đọng trong tâm trí ngưởi đọc xoay quanh chiếc lá cuối cùng – một "kiệt tác nghệ thuật" của O Hen-ri.Hiếm có một truyện ngắn nào mang một sức sống mãnh liệt và để lại nhiều cảm xúc như "Chiếc lá cuối cùng" của O Hen – ri. Có lẽ chất triết lý trong truyện ngắn đã tạo nên vẽ đẹp trường tồn và chính vì thế, "chiếc lá" ấy còn mãi với thời gian.

Bài văn mẫu 2

   Người phụ nữ bất hạnh bất lực trên giường bệnh, bất động trên chiếc giường sắt sơn, tạ ra ấn tượng về bức tranh được đóng khung treo tường. Không gian trở nên hẹp hơn sự vật đi vào chiều tĩnh lặng. Duy đôi mắt người bệnh có dấu hiệu sự sống, song đôi mắt ấy cứ trân trân nhìn cái đầu hồi nhà gạch bên cạnh đếm từng chiếc lá trường xuân đang rụng dần trong gió lạnh. Đó là biểu tượng của chiếc thước đo về cuộc đời của Giôn-Xi: cô đã xây dựng cho mình một niềm tin bất hạnh: cô sẽ chết khi chiếc lá thường xuân cuối cùng rụng xuống.

   Câu chuyện của Giôn-xi, được Xiu cô bạn lớn tuổi hơn là người đang cưu mang Giôn-xi, nói lại với cụ Bơ-men. Cụ là một hoạ sĩ nhưng là một người thất bại trong nghệ thuật. Bởi lẽ "cụ múa cây bút vẽ đã bốn mươi năm mà vẫn chưa với tới được gấu áo vị nữ thần của mình". Nhưng cụ "luôn có ý định vẽ một bức tranh tuyệt tác", cho dù "cụ chưa bao giờ bắt đầu cả". Cụ kiếm tiền bằng cách "bôi bác một ngành buôn bán hay quảng cáo", hoặc "ngồi làm mầu cho các nghệ sĩ trẻ". Dù vậy cụ vẫn luôn luôn nói về "tác phẩm kiệt tác sắp đến tới". Điều đáng quý ở cụ là hay "chế nhạo sự mềm yếu của bất kì ai" và tự coi mình " là một con chó xồm lớn chuyên canh gác cửa bảo vệ cho hai nữ hoạ sĩ trẻ" Giôn-xi và Xiu.

   Câu chuyện về cuộc đời yếu đuối và mong manh như chiếc lá giữa cơn phong ba của Giôn-xi đã được cụ Bơ-men tiếp đón bằng sự "khinh bỉ và nhạo báng". Song bất chấp thái độ của cụ già, căn bệnh của Giôn-xi vẫn không hề thuyên giảm. Và cụ già "nhỏ bé dữ tợn" đã hứa một cách trịnh trọng qua mùi rượi "sặc sụa": "Một ngày kia tôi sẽ vẽ một tác phẩm kiệt xuất...".

   Một ngày mới lại về Giôn-xi "thều thào và ra lệnh" kéo chiếc màn xanh để cô ta nhìn ra ngoài, cho dù Xiu không muốn và phải" làm theo một cách chán nản". "Nhưng, ô kìa! Sau trận mưa vùi dập và những cơn gió phũ phàng kéo dài suốt cả một đêm, tưởng chừng như không bao giờ dứt, vẫn còn một chiếc là thường xuân bám trên tường gạch. Đó là chiếc lá cuối cùng trên cây... Chiếc lá vẫn dũng cảm bám vào cành cách mặt đất chừng hai mươi bộ".

   Hôm sau "chiếc lá thường xuân vẫn còn đó". Và Giôn-xi chợt hiểu ra: "Có một cái gì đấy làm cho chiếc lá cuối cùng vẫn còn đó để cô thấy rằng mình đã tệ như thế nào. Muốn chết là một tội". Và hi vọng một ngày nào đó "sẽ được vẽ vịnh Na-plơ" lại trỗi dậy trong cô. Nhựa sống lại lên men, nghị lực mầm sống lại hồi sinh, khiến bác sĩ phải thốt lên: "Cô ấy khỏi nguy hiểm rồi, chị đã chiến thắng." Điều gì đã khiến Giôn-xi khoẻ lại? Có thể một phần do thuốc men phát huy có hiệu lực, có thể có một phần do bàn tay chăm sóc chu đáo của Xiu. Hẳn là thế, nhưng bao trùm lên tất cả, cái đã lôi Giôn-xi ra khỏi con đường dần về cõi hư vô là chiếc lá cuối cùng trên bức tường đối diện phòng với họ "chẳng bao giờ rung rinh và lay động khi gió thổi", bởi đó là chính kiệt tác của cụ Bơ-men, cụ vẽ nó ở đấy vào cái đêm mà chiếc lá cuối cùng đã rụng. Để tạo được tác phẩm kiệt xuất ấy, cụ Bơ-men đã đổi bằng cuộc sống của chính mình. Cụ đã trả lại màu xanh cho chiếc lá vàng úa, trả lại màu hồng cho đôi má người thiếu nữ, xanh xao, trả lại niềm tin nghị lực cho người yếu đuối.

   Nghệ thuật chân chính mang trong nó chức năng sinh thành và tái tạo. Nó thức dậy niềm tin vào cuộc sống, nó mở đường cho những khát vọng lớn lao, nó chắp cánh cho những ước mơ. Vì thế, hình tượng cụ Bơ-men cho dù chỉ phác hoạ, nhưng vẫn sống mãi trong lòng người đọc bởi cụ đã tạo ra kiệt tác bằng màu xanh hi vọng, bằng chất liệu nhân đạo truyền thống được kết tinh trong tiến trình lịch sử. Chiếc lá cuối cùng trở thành niềm hi vọng hồi sinh.

Bài văn mẫu 3

   Ai đã từng đọc những truyện ngắn của nhà văn người Mĩ O’Hen-ri (1862 – 1910) hẳn sẽ cảm nhận một điều: từ hiện thực cuộc sống đầy rẫy những bất công vô lý, đem đến bao bất hạnh cho những cuộc đời nghèo khổ, nhà văn luôn khơi dậy được vẻ đẹp tâm hồn những con người ấy qua những tình huống truyện bất ngờ, cảm động. Chiếc lá cuối cùng là một truyện ngắn xuất sắc của nhà văn ắp tràn tình thương yêu và niềm tin với con người, một bức thông điệp khẳng định sứ mạng và sức mạnh của nghệ thuật chân chính.

   Câu chuyện kể về cuộc sống chật vật của những người hoạ sĩ nghèo: hai nữ họa sĩ trẻ Xiu và Giôn-xi sống cùng căn hộ với người họa sĩ già Bơ-men. Những khó khăn về vật chất đã vắt kiệt sức sáng tạo, khiến họ lâm vào cảnh bi đát. Cụ Bơ-men suốt bốn chục năm mơ ước vẽ một bức kiệt tác mà không thực hiện được, đành phải ngồi làm mẫu cho các họa sĩ trẻ để kiếm chút tiền còm nuôi thân. Giôn-xi bị sưng phổi, bệnh tật và nghèo túng đã lấy nốt của cô niềm tin vào cuộc sống. Chỉ còn lại Xiu mòn mỏi với những bức vẽ và ám ảnh bởi suy nghĩ của Giôn-xi: cô gái bệnh tật ấy đang đếm từng chiếc lá rơi để chờ định mệnh phán quyết mạng sống của chính mình, với niềm tin khi chiếc lá cuối cùng rụng xuống thì cô sẽ ra đi... Không gian cuộc sống của những con người khốn khổ ấy lạnh lẽo u ám như mùa đông, nặng trĩu những buồn lo.

   Đáng sợ làm sao khi mỗi ngày trôi đi trong gió tuyết và những cơn mưa lạnh lẽo dai dẳng, những chiếc lá thường xuân tiếp tục rơi xuống, chỉ còn lại một chiếc lá cuối cùng để Giôn-xi như nhìn thấy cái chết của mình đang đến gần. Có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm thấy rối lòng, bất lực trước một con người đã buông xuôi, chán sống. Bởi thế nhà văn đã tập trung miêu tả khoảnh khắc căng thẳng của Xiu và cụ Bơ-men lúc Giôn-xi đang ngủ: "Họ sợ sệt ngó ra ngoài cửa sổ, nhìn cây thường xuân. Rồi họ nhìn nhau một lát, chẳng nói năng gì". Có lẽ trong giây phút đó, họ đã nhìn thấy nhánh thường xuân cuối cùng trụi lá rồi chăng? Dường như cùng với cái khắc nghiệt của trời đông, mưa gió, họ có thể đoán trước được điều gì khi Giôn-xi tỉnh dậy vào sáng hôm sau và thấy chiếc lá cuối cùng đã rụng.

   Trong hoàn cảnh này, người đau khổ nhất không phải là Giôn-xi mà chính là cô gái trẻ Xiu. Bởi lẽ, cô là người sẽ phải chứng kiến toàn bộ tấn bi kịch sắp diễn ra vào sáng hôm sau khi Giôn-xi lại nhìn ra cửa sổ. Nhà văn không mô tả cụ thể tâm trạng Xiu, chỉ cho biết cô "tỉnh dậy sau khi chợp mắt được một tiếng đồng hồ",như vậy có nghĩa là cô đã phải trải qua một đêm trắng đầy âu lo thổn thức, trong sự bồn chồn và bất lực. Một đêm mưa gió ngoài trời dữ dội, một chiếc lá mong manh bám trên bức tường gạch chắc chắn sẽ bị vùi dập tơi tả, không chống chọi nổi sự tàn phá của tự nhiên. Điều đó có nghĩa là sau phút kéo mành lên, Giôn-xi sẽ nhìn thấy cái chết của chính mình. Nhưng Xiu cũng không thể chịu được khoảnh khắc nhìn thấy "Giôn-xi đang mở to cặp mắt thẫn thờ nhìn tấm mành mành màu xanh đã kéo xuống". Không kéo mành lên cũng không được, vì như vậy Xiu sẽ mang mặc cảm chính mình mới là người gây ra cái chết của Giôn-xi. Ta hiểu tâm trạng của cô khi làm theo một cách chán nản, bản thân cô cũng không còn phương cách nào giúp cho người đồng nghiệp, người em gái kia từ bỏ suy nghĩ điên rồ đáng sợ kia.

   Chính vào lúc ấy, một hình ảnh bất ngờ đã làm đảo lộn mọi dự đoán, đảo ngược cả tình huống tưởng như chắc chắn trong dự định của Giôn-xi, trong nỗi lo của Xiu và trong sự thất vọng của mọi người. Tình huống ấy đã thắp lại niềm hy vọng như một phép màu: vẫn còn một chiếc lá thường xuân bám trên bức tường gạch. Có lẽ người vui mừng nhất lúc này là Xiu, vì chiếc lá cô nhìn thấy không phải là một ảo ảnh: "Đó là chiếc lá cuối cùng trên cây. Ở gần cuống lá còn giữ màu xanh sẫm, nhưng với rìa lá hình răng cưa đã nhuốm màu vàng úa, chiếc lá vẫn dũng cảm treo bám vào cành cách mặt đất chừng hai mươi bộ". Còn Giôn-xi? Cô cũng nhận ra: "Đó là chiếc lá cuối cùng", thừa nhận sự thật một cách miễn cưỡng và tiếp tục suy nghĩ: "Hôm nay nó sẽ rụng thôi và cùng lúc đó thì em sẽ chết".

   Giôn-xi thật đáng thương nhưng cô cũng thật đáng trách khi vẫn đeo đuổi ý định từ bỏ cuộc sống. Cô chìm đắm trong ý nghĩ kỳ quặc của mình, mặc kệ những sợi dây ràng buộc cô với tình bạn và với thế gian cứ lơi lỏng dần từng sợi một.Cô đã phụ lòng của Xiu, bởi lẽ cô đã xem nỗi đau của mình lớn hơn tất cả mọi sự quan tâm lo lắng của mọi người. Trong thời điểm ấy, sẽ không ai có thể giúp đỡ cô, ngoại trừ chính bản thân cô. Thời gian một ngày kéo dài đằng đẵng để Giôn-xi chứng kiến chiếc lá thường xuân chống chọi với mùa đông khắc nghiệt. Chiếc lá bướng bỉnh ấy không chấp nhận sự buông xuôi của một cô gái còn quá trẻ. Thế nhưng, khi con người ấy đã chấp nhận đầu hàng số phận, thì sức mạnh của màn đêm buông xuống, gió bấc ào ào, mưa đập mạnh vào cửa sổ lại có một uy lực khiến cho Giôn-xi không còn một niềm tin nào vào sự sống của chính mình. Sự cố chấp ấy quả thật đáng chê trách.

   Nhà văn đã tạo ra một tình huống thử thách trước số phận của Giôn-xi, để rồi, cuối cùng người đọc có thể thở phào nhẹ nhõm: "chiếc lá thường xuân vẫn còn đó". Chiếc lá mong manh ấy đã chiến thắng được thời tiết khắc nghiệt, để tạo ra một bước ngoặt trong nhận thức của Giôn-xi. Cuối cùng, cô gái ấy đã nhận ra sự ích kỷ tồi tệ của bản thân mình. Chiếc lá cuối cùng đã cứu sống một sinh linh. Trước hết là thức tỉnh khát vọng sống tiềm ẩn trong tâm hồn của Giôn-xi, để cô nhận ra: "có một cái gì đấy đã làm cho chiếc lá cuối cùng vẫn còn đó để cho em thấy rằng mình đã tệ như thế nào. Muốn chết là một tội.". Phép nhiệm màu đã xảy ra, vượt qua tất cả những quy luật thường tình của thiên nhiên tạo hoá, khiến Giôn-xi không hiểu và không sao hiểu được. Phải chăng, Thượng đế chí công và nhân từ không nỡ để một cô gái trẻ phải sớm giã từ cuộc sống? Không những thế, sau thời khắc bừng tỉnh, cô gái Giôn-xi đã lại bắt đầu mơ ước về tương lai: "một ngày nào đó em sẽ vẽ được vịnh Na- plơ". Thượng đế thật công bằng, vị thượng đế ấy có tên là... Bơ-men.

   Người hoạ sĩ già khốn khổ ấy không có quyền năng tối thượng của Thượng đế, nhưng ông có một trái tim giàu lòng thương cảm. Hoá ra, trong thời điểm làm mẫu cho Xiu, con người ấy đã đi đến một quyết định táo bạo, đoạt quyền của Đấng-toàn-năng bằng chính khả năng của mình. Con người đã bốn mươi năm theo đuổi kiệt tác mà không thành công đã tạo nên một kiệt tác cuối cùng của đời mình: chiếc lá cuối cùng! Khi bắt tay vào công việc, người nghệ sĩ chân chính ấy đã âm thầm hành động với ước nguyện thật cao cả: trả lại niềm tin vào sự sống cho Giôn-xi. Không ai được biết có bao nhiêu tinh hoa đã phát tiết trong giờ phút vẽ nên chiếc lá trên tường của cụ Bơ-men. Tất cả đều diễn ra quá bất ngờ, đến nỗi cả Xiu là người đã chứng kiến giờ phút chiếc lá cuối

   cùng rụng xuống cùng cụ Bơ-men cũng phải bàng hoàng. Ta chợt hiểu những lời nói hối hả của cô với Giôn-xi: "Em thân yêu, thân yêu. Em hãy nghĩ đến chị, nếu như em không còn muốn nghĩ đến mình nữa. Chị sẽ làm gì đây?". Cô đã hiểu tất cả, nhưng không dám nói rõ cho Giôn-xi, bởi lẽ cô chưa thể hình dung ra phản ứng của Giôn-xi trước một sự lừa dối bắt nguồn từ lòng tốt của người hoạ sĩ già. Lời nói ấy còn bộc lộ một niềm sung sướng vô biên của Xiu trước giải pháp tình thế mà cụ Bơ-men đã nghĩ ra trong đêm chiếc lá cuối cùng thực sự đã rụng xuống. Bởi thế, lần kéo mành vào hôm sau, ta không còn gặp tâm trạng chán nản đến cùng cực của Xiu nữa.

   Vì sự sống của một cô gái, cụ Bơ-men đã bất chấp thử thách của thời tiết khắc nghiệt, quên đi sự sống của bản thân mình. Có lẽ bản thân cụ cũng không ngờ đó là bức vẽ cuối cùng của cuộc đời mình, nhưng chắc chắn một điều khi người hoạ sĩ ấy vẽ chiếc lá, bức vẽ ấy không nhằm để lưu lại tên tuổi nghệ sĩ với đời. Điều đáng quan tâm lúc đó là sự sống đã tắt trong tâm hồn một cô gái trẻ, làm thế nào để cô thôi không bị ám ảnh bởi quy luật lạnh lùng của tạo hoá, để rồi vươn lên giữa cuộc đời bằng chính sức sống tiềm tàng trong tâm hồn cô. Đó là lúc người hoạ sĩ già ấy hiểu thấu sứ mạng vinh quang và cao cả của nghệ thuật: hướng về con người chứ không phải là nhằm tạo chút danh tiếng hão huyền, nghệ thuật chỉ thật sự bắt đầu khi sáng tạo của người nghệ sĩ giúp ích cho đời.

   Cuối cùng thì Giôn-xi đã vượt qua cửa ải của chính mình, trở lại với niềm tin sự sống nhờ niềm tin vào sức sống mãnh liệt từ chiếc lá cuối cùng – tác phẩm của cụ Bơ-men. Nhưng người nghệ sĩ già ấy đã phải trả một cái giá quá đắt bằng chính mạng sống của mình. Giôn-xi chỉ được biết điều ấy khi đã thật sự bình phục bằng nghị lực của chính mình. Qua lời thuật lại của Xiu, ta hiểu được lòng biết ơn của Xiu đối với người hoạ sĩ cao cả ấy, và cô muốn nhắc nhở Giôn-xi không thể vô ơn trước sự hy sinh của một con người chân chính, vì sự sống của đồng loại đã không ngần ngại xả thân. Cụ Bơ-men đã nhiễm chính căn bệnh sưng phổi của Giôn-xi vào lúc tạo nên chiếc lá cuối cùng giữa một đêm đông mưa gió lạnh lẽo. Chi tiết xúc động này khiến ta tin rằng Giôn-xi dù biết rằng chiếc lá ấy là một sản phẩm nhân tạo, nhưng chắc chắn cô sẽ không bao giờ hối hận trước một sự lừa dối cao cả như thế, Người hoạ sĩ già Bơ-men là hiện thân của sự cao thượng, lòng vị tha, đức hy sinh của một con người chân chính.

   Câu chuyện kết thúc bằng một sự đảo ngược tình huống lần thứ hai. Chiếc lá cuối cùng là một sự lừa dối, nhưng lại là một sự lừa dối cao cả để đem lại niềm tin vào sự sống cho con người. Kiệt tác cuối cùng của người họa sĩ già đã được ra đời nằm ngoài tất cả mọi dự đoán của công chúng. Nhưng chiếc lá cuối cùng ấy mãi mãi là bằng chứng của tấm lòng yêu thương con người. Bởi thế, Chiếc lá cuối cùng sẽ mãi bất tử với thời gian.

Nguồn: vietjack