Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Văn mẫu: Quan Âm Thị Kính

Gửi bởi: Nguyễn Thị Ngọc 26 tháng 10 2019 lúc 16:43:50


Mục lục
* * * * *

Phân tích vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính

Quan Âm Thị Kính là một trong những vở chèo nổi tiếng của dân tộc ta. Vở chèo Quan Âm Thị Kính nói chung và đoạn trích Nỗi oan hại chồng nói riêng không chỉ là tác phẩm tiêu biểu cho sân khấu chèo mà tác phẩm còn phản ánh được những nỗi oan trái, bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội cũ.

   Quan Âm Thị Kính là vở chèo bao gồm ba phần: án giết chồng, án hoang thai và oan tình được giải – Thị Kính lên tòa sen. Trong mỗi phần đều nói lên số phận bi phẫn, cùng cực của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến, bị đè nén, áp bức. Nhân vật Thị Kính có hai nỗi oan lớn nhất là: nỗi oan giết chồng và nỗi oan mang hoang thai. Đây là hai nút thắt chính của tác phẩm. Nếu án oan giết chồng nói về số phận Thị Kính trong quan hệ gia đình, thì án hoang thai lại thể hiện số phận Thị Kính trong mối quan hệ xã hội. Như vậy, án giết chồng là khởi đầu cho những tai họa mà Thị Kính phải chịu đựng sau này, đồng thời qua biến cố này những phẩm chất tốt đẹp của Thị Kính cũng được bộc lộ.

   Đoạn trích bao gồm năm nhân vật chính: Thị Kính – người phụ nữ thùy mị, nết na, nữ chính trong tác phẩm. Sùng Bà – mụ ác, người mẹ chồng độc đoán, cay nghiệt. Sùng ông, Thiện Sĩ những kẻ nhu nhược, hai nhân vật phụ để làm nổi bật tính cách của các nhân vật chính. Xung đột chèo được thể hiện rõ nhất qua hai nhân vật Thị Kính và Sùng bà, đây là mối xung đột phổ biến trong xã hội: xung đột mẹ chồng nàng dâu. Nhưng đồng thời hai nhân vật này cũng đại diện cho hai giai cấp trong xã hội: Sùng bà thuộc tầng lớp trên (địa chủ phong kiến) còn Thị Kính tiêu biểu cho số phận thường dân nghèo khổ, bất hạnh, bởi vậy xung đột của họ về bản chất là xung đột giữa giai cấp thống trị và kẻ bị trị.

   Vở chèo mở đầu bằng khung cảnh êm ấm, hạnh phúc của Thiện Sĩ và Thị Kính, nàng may vá, thêu thùa, chồng dùi mài kinh sử: “Đạo vợ chông trăm năm kết tóc… Âu dao bén, thiếp xén tày một mực”. Đoạn thơ đã cho thấy những nét đẹp phẩm chất của Thị Kính, là một người vợ hiền thảo, chăm chỉ khâu vá, chăm sóc chồng chu đáo (quạt cho chồng ngủ). Không chỉ vậy, nàng còn lại một người thương chồng, coi bổn phận của mình là làm cho chồng đẹp mặt: “Trước đẹp mặt chồng sau đẹp mặt ta” cho thấy nàng quan tâm đến đạo vợ chồng, mong muốn thuận hòa để vẹn đạo phu thê. Bởi vì thương chồng nên nàng mới băn khoăn về chiếc râu lạ và cầm dao xén chúng đi. Nhưng khi nàng chưa kịp xén thì Thiện Sĩ choàng tỉnh giấc và kêu rằng nàng định giết chồng. Bao nhiêu ý định tốt đẹp của Thị Kính đã không được chồng và nhà chồng hiểu mà còn mang trên mình tội danh giết chồng.

   Nàng chưa kịp thanh minh, giải thích, Sùng bà đã lớn tiếng mắng chửi, sỉ vả không tiếc lời, không chỉ vậy, bà ta còn đẩy Thị Kính ngã khụy. Bà ta không chỉ chửi mắng Thị Kính mà còn lăng mạ cả gia đình nàng. Sùng bà cho rằng nhà họ Sùng giống phượng giống công, cao môn lệnh tộc, trứng rồng lại nở ra rồng còn nhà Thị Kính là dòng giống mèo mả gà đồng, con nhà cua ốc, liu điu lại nở ra dòng liu điu, … Bà ta là kẻ độc đoán, tàn ác, không hề cho Thị Kính cơ hội phân trần, giải thích, đuổi nàng ra khỏi nhà một cách tàn nhẫn. Qua những lời lẽ đó, ta thấy rằng quan hệ giữa Sùng bà và Thị Kính không dừng lại ở quan hệ mẹ chồng nàng dâu mà trở thành mối quan hệ giai cấp, mụ là chủ còn Thị Kính là kẻ hầu hạ, đồ bỏ đi.

   Trước những lời mẹ chồng đay nghiến, nhục mạ, Thị Kính vẫn hết sức nhún nhường, năm lần nàng thanh minh, kêu oan với mẹ chồng, bố chồng, một lần là với chính bố của mình. Nhưng những lời kêu oan của nàng đều trở nên vô ích, nó chỉ khiến cho Sùng bà càng trở nên phẫn nộ hơn. Sùng bà không cho nàng giải thích bởi bà không cần xem xét chuyện đúng sai, cái mà bà ta hướng tới là nhất quyết cho rằng Thị Kính là thủ phạm; thứ hai ranh giới giai cấp đã làm cho bà ta mờ mắt cùng với đó là bản chất độc ác, mất nhân tính nên không đếm xỉa những lời thanh minh của Thị Kính. Kêu oan với chồng cũng không thể giúp nàng thoát tội vì chồng nàng là kẻ nhu nhược, trước những lời lẽ hành động quá quắt của mẹ với vợ Thiện Sĩ chưa một lần bảo vệ nàng. Chỉ có Mãng ông là tin tưởng con gái nhưng ông cũng đành bất lực.

   Kịch tính được đẩy lên cao nhất khi Mãng ông bị đẩy ngã và Thị Kính ôm cha khóc. Với chi tiết này đã cho thấy Thị Kính không chỉ đau khổ vì hôn nhân tan vỡ, bị đẩy ra khỏi nhà không thương tiếc. Mà nàng còn đau đớn khi cha đẻ của mình bị làm nhục.

   Trước tình cảnh đó nàng chỉ còn một lối thoát duy nhất đó là ra đi. Trước khi đi nàng nhìn lại những kỉ vật của hai vợ chồng: chiếc kỉ, thúng sách, thúng khâu,… cái nhìn của nàng trở nên đau đớn, xót xa biết bao. Nàng đã lựa chọn giả trai đi tu làm lối thoát cho mình. Hành động đó cho thấy nàng đã bị đẩy đến bước đường cùng, phải tìm đến cửa Phật để nương nhờ. Đồng thời, ở đây nàng cũng mong rằng Phật tổ sẽ soi xét mà biết cho tấm lòng trinh bạch của nàng.

   Đoạn trích tiêu biểu cho nghệ thuật chèo truyền thống. Xây dựng xung đột kịch lôi cuốn, hấp dẫn, xung đột kịch được đẩy lên đến cao trào. Xây dựng nhân vật tiêu biểu, đại diện cho giai cấp tầng lớp trong xã hội (Thị Kính – nông dân nghèo khổ; Sùng bà – địa chủ độc ác, bất nhân). Những làn điệu chèo phù hợp, giúp diễn tả tâm trạng, tính cách nhân vật. Nhân vật mang tính quy ước, thiện – ác phân chia làm hai tuyến rõ ràng.

   Đoạn trích Nỗi oan hại chồng nói riêng và vở chèo Quan Âm Thị Kính nói chung đã khắc họa chân dung số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Họ có nhân cách, phẩm chất tốt đẹp nhưng cuộc đời, số phận đầy bất hạnh. Bên cạnh đó cũng lên tiếng vạch trần bộ mặt độc ác, bất nhân của những kẻ cầm quyền, địa chủ phong kiến.

Phân tích nhân vật Thị Kính trong vở chèo Quan Âm Thị Kính

Trong vở chèo Quan Âm Thị Kính ta không chỉ thấy một Sùng bà độc ác bất nhân mà còn thấy hình ảnh của nàng Thị Kính hiền thục, nết na nhưng chịu nhiều bất công, ngang trái. Phẩm chất cũng như số phận của nàng được thể hiện rõ nhất trong đoạn trích Nỗi oan hại chồng.

   Thị Kính là cô gái xinh đẹp, nết na con nhà nghèo khó. Thiện Sĩ mến vì dung nhan và đức hạnh nên đã kết duyên với nàng. Cuộc sống vợ chồng yên ấm, hạnh phúc. Một hôm, khi Thị Kính đang ngồi khâu vá còn chồng ngồi đọc sách thì bỗng Thiện Sĩ mệt mỏi nên thiu thiu ngủ. Thị Kính quạt cho chàng và bỗng thấy chiếc râu mọc ngược nên bèn lấy dao xén đi. Thiện Sĩ giật mình, bất giác hô hoán và bố mẹ chồng nàng vào, vu cho nàng tội danh giết chồng.

   Trước hết Thị Kính là một người phụ nữ hiền thảo, yêu thương, quan tâm, chăm sóc cho chồng: “Đạo vợ chồng trăm năm kết tóc/ Trước đẹp mặt chồng sau đẹp mặt ta. Râu làm sao một chiếc trồi ra?/ Dị hình sắc dưới cằm mọc ngược/ Khi chàng thức giấc biết làm sao được/ Nay đang cơn giấc ngủ mơ màng/ Dạ thương chồng lòng thiếp sao an/ Âu dao bén, thiếp xén tày một mực”. Những lời tỏ bày đó cho thấy nàng là một người phụ nữ hết sức chăm chỉ, chịu khó, may vá thuê thùa, chu đáo lo cho chồng yên giấc ngủ (quạt cho chồng). Không chỉ vậy nàng còn là người thương chồng, cho rằng mình có bổn phận làm đẹp mặt chồng, bởi đẹp chồng cũng là đẹp mặt ta, chính bởi vậy nàng mới toan lấy dao xén chiếc râu mọc ngược. Vốn đó là hành động thể hiện sự yêu thương, chu đáo nhưng không ngờ lại chính là nguồn cơn cho nỗi oan, sự bất hạnh cho nàng sau này.

   Dù là một người phụ nữ có dung nhan và phẩm chất tốt đẹp nhưng nàng lại là người có số phận bất hạnh. Trước những hành động độc ác của mẹ chồng: chửi mắng, sỉ nhục, đẩy ngã, Thị Kính vẫn có thái độ hết sức hòa nhã. Nàng năm lần kêu oan: ba lần với mẹ chồng, một lần với chồng và một lần với bố đẻ. Nhưng cả năm lần ấy đều trở thành vô ích. Với Sùng bà những lời giải thích của nàng chỉ càng như đổ thêm dầu vào lửa, bà ta không nghe bất cứ lời nào, bởi Sùng bà đã mặc định nàng là kẻ có tội, hơn nữa là kẻ bất nhân, độc ác nên những lời giải thích của Thị Kính chỉ như nước đổ lá khoai. Nàng tìm đến sự cảm thông của chồng nhưng cũng vô ích, vì Thiện Sĩ là kẻ nhu nhược, không bảo vệ được người vợ yêu quý, cũng là kẻ đớn hèn, thiếu hiểu biết khi chưa hỏi rõ nguồn cơn đã la lớn khiến Thị Kính mang án oan giết chồng. Chỉ có duy nhất người sinh ra nàng là Mãng ông mới hiểu và thông cảm cho nàng nhưng ông cũng lực bất tòng tâm.

   Thị Kính bị đuổi ra khỏi nhà một cách tàn nhẫn, cha của nàng bị đẩy ngã, đến đây kịch được đẩy lên đến cao trào. Thị Kính đau khổ vì hôn nhân tan vỡ, vì bị đuổi ra khỏi nhà không thương tiếc, nàng còn đau khổ hơn khi chứng kiến cha mình bị làm nhục. Bởi vậy nàng đã lựa chọn ra đi. Trước khi rời khỏi nơi đã từng là tổ ấm của mình nàng nhìn lại: thúng khâu, chiếc kỉ, thúng sách,… những hình ảnh, vật dụng vốn trước đây là niềm hạnh phúc với nàng thì giờ đây lại là chứng nhân cho một vụ án oan. Cái nhìn của nàng vừa luyến tiếc, nhớ thương vừa đau đớn, xót xa.

   Nàng lựa chọn xuống tóc đến nơi cửa chùa làm nơi nương tựa. Sự lựa chọn của nàng là tất yếu bởi: nàng không thể ở lại nhà chồng, Sùng ông Sùng bà và ngay cả chồng nàng căm ghét nàng, đổ cho nàng tội giết chồng. Nàng cũng không thể về nhà, để làm mất mặt cha mẹ. Bởi trong xã hội phong kiến, khi con bị đuổi khỏi nhà chồng là một nỗi nhục lớn cho gia đình. Lối thoát duy nhất của nàng là giả trai đi tu. Nàng hi vọng rằng ở nơi cửa Phật nàng sẽ có cuộc sống bình yên, sẽ được Phật chứng giám cho tấm lòng trong sạch của mình. Sự lựa chọn này cho thấy nàng chưa có ý chí vượt lên hoàn cảnh mà bị thụ động trước hoàn cảnh. Đồng thời nó cũng phản ánh số phận bế tắc của người phụ nữ trong xã hội cũ. Lên án xã hội vô nhân đạo với những con người tốt bụng, lương thiện.

   Bằng nghệ thuật kịch đặc sắc, tình huống kịch gay cấn, hấp dẫn đã dựng lên chân dung Thị Kính thật đẹp đẽ mà cũng đầy bất hạnh. Các tác giả dân gian vừa ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ trong xã hội cũ. Đồng thời cũng là tiếng nói cảm thương cho số phận bất hạnh của họ trước những thế lực xấu xa trong xã hội.

Nguồn: vietjack