Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Kể chuyện: Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia

Lý thuyết
Mục lục
* * * * *

Bài mẫu 1:

Kể chuyện mà em biết về gia đình, nhà trường hoặc xã hội chăm sóc bảo vệ thiếu nhi: Chuyện bà Năm khó khăn nhưng cố gắng cho bé Na đi học 

Hướng dẫn giải

Trong đợt hè vừa rồi, tôi có được về quê ngoại chơi. Quê ngoại tôi ở tận Nghệ An xa xôi và hẻo lánh. Ở nơi đó, còn có nhiều con người bất hạnh, họ phải sống cuộc sống nghèo đói quanh năm suốt tháng. Gia cảnh bé Na cũng vậy, nhưng chính sự quan tâm yêu thương của hai bà cháu bé Na đã khiến em cảm thấy nể phục cho đến tận bây giờ.

Vừa được sinh ra, bé Na đã bị dân trong làng gắn cho cái tên Na không cha. Bởi mẹ Na đi làm xa, không may bị lừa có thai và người đàn ông đó bỏ đi không chịu nhận con. Nên chị Lan đành ngậm ngùi mang bụng bầu về quê sống cùng với người mẹ già. Sau khi sinh ra bé Na, chị Lan lại vào Sài Gòn kiếm tiền nuôi con và nuôi mẹ già. Na ở nhà với bà ngoại đã ngoài 60. Hai bà cháu sống nương tựa vào nhau cơm cháo nuôi nhau qua ngày. Bé Na nó giống mẹ, khuôn mặt rất xinh xắn, đáng yêu, luôn ngoan ngoãn lễ phép, nên dần rồi dân trong vùng ai cũng mến em.

Một hôm, bà ngoại nhờ tôi mang ít bánh bà mới làm xong sang cho bé Na, tôi mới có dịp biết nhiều hơn về gia cảnh của hai bà cháu Na.

Bước vào căn nhà lụp xụp, tôi gọi nhỏ:

- Bà Năm ơi, bà Năm có nhà không ạ?

Từ trong nhà bà Năm bước ra, miệng nhoẻn cười rồi nói:

- Có phải cháu bà Hạnh ở thành phố mới về không? Có việc gì không cháu?

Tôi nhanh nhảu đáp:

- Dạ, bà cháu vừa làm xong mẻ bánh, bà cháu bảo cháu mang sang biếu bà và em Na ạ.

Bà Năm cảm ơn, đỡ đĩa bánh từ trên tay tôi và mời tôi lại ngồi chơi.

Ngồi với bà Năm tôi hỏi:

- Bé Na đâu rồi bà?

Bà từ từ trả lời:

- Cái Na năm nay lên lớp một, nên nó chạy sang nhà thằng Nam dạy học cho rồi.

Uống ngụm nước chè xanh bà từ từ kể:

- Nghĩ cũng tội con bé cháu ạ. Sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn nên thiếu đủ thứ cả tình cảm lẫn vật chất. Bố không có, mẹ thì bươn chải suốt ngày nhưng cũng không đủ ăn. Cuộc sống chỉ dựa vào vài ba sào ruộng. Được mùa thì chớ, không thì lại phải đi hái rau má, măng tre bán kiếm cơm qua ngày. Bà định không cho em nó đi học đâu. Nhưng nghĩ lại, bà thấy cuộc đời bà và mẹ nó khổ thế đủ rồi, bằng mọi cách bà cũng phải cố nuôi nó học. Nói đến đây bà như nghẹn lòng

Tôi cố an ủi bà rồi bà lại nói tiếp:

- Nhưng con bé thế mà lanh lẹn lắm cháu ạ. Thằng Nam nó bảo Na nó học nhanh lắm, nói đâu hiểu đó luôn. Bà chỉ mong nó học tập tốt kiếm con chữ để đổi đời.

Tôi đáp lại:

- Vâng bà ạ, cháu mới chơi được hai lần với Na nhưng em nó thông minh đáo để bà ạ. Bà cố gắng tạo điều kiện cho em được đi học bà nha. Rồi em ấy sẽ là một học sinh giỏi đấy ạ.

Bà Năm nở nụ cười như một niềm hi vọng điều tôi nói sẽ trở thành hiện thực.

Đến buổi cơm trưa, tôi chào bà và ra về. Trong lòng có chút buồn vì thương gia cảnh của bà, nhưng tôi cũng có chút vui thay cho bé Na khi em có một người bà một mực thương em.

Qua câu chuyện trên, tôi thấy được trong cuộc sống có nhiều hoàn cảnh bất hạnh, nhưng họ vẫn cố gắng vươn lên để tạo mọi điều kiện để chăm sóc, dạy dỗ và cho con em họ đến trường học tập bằng bạn bằng bè. Và bà Năm cũng là một trường hợp như vậy, đó là những việc làm đúng với pháp luật, đúng với nhân cách của một người làm cha làm mẹ.

Bài mẫu 2:

 Kể chuyện mà em biết về gia đình, nhà trường hoặc xã hội chăm sóc bảo vệ thiếu nhi: Bố mẹ A Néo bất chấp khó khăn cho các con đến trường

Hướng dẫn giải

 

Vừa qua, tôi có được chị gái cho đi từ thiện cùng đoàn trường của chị. Đó quả là chuyến từ thiện đầy ý nghĩa đối với tôi. Qua chuyến từ thiện đó, tôi mới hiểu được sự vươn lên trong cuộc sống của nhiều người trong đó có gia đình bạn A Néo thuộc tỉnh Hà Giang nơi mà tôi đã đi từ thiện.

Mới hơn 5 giờ sáng, đoàn xe đưa chúng tôi lên vùng miền núi của tỉnh Hà Giang. Nơi đây có rất nhiều hoàn cảnh gặp nhiều khó khăn. Đến nơi, các anh chị vội vàng xếp quà xuống khu vực ủy ban nhân dân xã để đầu giờ chiều đoàn tình nguyện có buổi giao lưu tặng quà cho các em học sinh. Tôi cũng giúp anh chị một số việc vừa với sức của mình.

Đầu chiều, buổi giao lưu diễn ra trong niềm vui và sự háo hức của các bạn nhỏ. Vừa giao lưu ca nhạc, vừa ăn bánh và cuối cùng là phát quà cho các bạn. Món quà tuy nhỏ nhưng ai nấy đều thể hiện niềm vui sướng.

Tưởng chừng như buổi lễ kết thúc thì chúng tôi lại lên xe về Hà Nội. Nào ngờ, các anh chị còn có chương trình đi trao quà cho một số bạn nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt không thể đến được trong buổi giao lưu, trong đó có ngôi nhà của bạn A Néo.

Nhà A Néo nằm trên một con dốc khá cao, đó là một ngôi nhà sàn cũ kĩ, sụp sệ. Nhà A Néo có ba anh chị em, A Néo lại là anh cả trong nhà nhưng không may từ khi sinh ra đôi chân của bạn ấy đã bị bại. Mọi hoạt động sinh hoạt của bạn ấy chủ yếu dựa vào chiếc xe lăn vừa được hội khuyết tật trao tặng.

Vừa vào đến cổng, tôi đã nghe tiếng kêu vang lên:

- Mẹ ơi! Có nhiều anh chị lắm đến chơi nhà mình.

Chúng tôi ai nấy đều cười và kêu với lại:

- A Néo có thích các anh chị đến chơi không?

Bạn ấy nhanh nhảu đáp lại:

- Có ạ! Anh chị vào nhà em chơi.

Không như các bạn nhỏ khác cứ khép nép, ngượng ngùng. A Néo rất hoạt bát và niềm nở mời chúng tôi vào chơi. Lúc đó mẹ A Néo cũng từ chuồng gà đi vào:

- Chào các cô, các chú. Các cô các chú vừa mới tới chơi ạ?

Chị trưởng đoàn lên tiếng:

- Dạ, chúng cháu chào cô, chúng cháu là đoàn thanh niên tình nguyện thủ đô, hôm nay có chuyến từ thiện trên này, tiện ghé qua thăm nhà cô chú và em A Néo ạ!

Mẹ A Néo vừa rót nước vừa nói:

- Vâng cảm ơn các cô chú, hôm bữa ông thôn trưởng thông báo mời A Néo ra ủy ban xã giao lưu cùng các anh chị cô chú nhưng hôm nay bố nó đi làm xa, nhà có con lợn đang sắp đẻ nên không có ai đưa A Néo đi được.

Mẹ dứt lời A Néo cũng lên tiếng:

- Em nhờ mẹ đưa đi nhưng mẹ bận cho lợn sinh em bé nên không đi được. Em tiếc lắm.

Một chị trong nhóm lên tiếng:

- Không sao, em không ra được thì các anh chị vẫn vào nhà chơi với A Néo mà.

A Néo phì cười và nói:

- Vâng ạ.

Tiếp đó, các anh chị lần lượt hỏi thăm về cuộc sống của gia đình A Néo. Mẹ A Néo trầm ngâm ngồi kể:

A Néo năm nay được 10 tuổi rồi. Nhưng số phận đưa đẩy, A Néo sinh ra bị bại đôi chân nên không thể vui chơi đi lại như các bạn khác. Nhiều lúc thấy con mình ngồi xe lăn nhìn bạn chơi mà cô chú cũng tủi thân lắm. Thi thoảng, hai mẹ con nhóm lửa, A Néo cũng tâm sự với mẹ là ước gì con được đi chơi như các bạn, được giúp bố mẹ công việc nhà. Lúc đó, tôi phải ngoảnh mặt để gạt nước mắt cho con đỡ nhìn thấy. Thấy thương con, nhưng nhìn đi nhìn lại, gia đình cũng chẳng có gì để có thể bán đi chạy tiền chữa đôi chân con nên chúng tôi đành chịu. Giờ phải nuôi ba con, nên bố nó phải đi làm thuê xa, chứ ở nhà không có việc làm.

Vậy, các em có được đi học không cô? Một chị trong đoàn hỏi

Nhắc đến chuyện học hành, nét mặt cô có vẻ sáng hơn, cô nói:

- Có chứ, chỉ có em nhỏ mới ba tuổi chưa đi học, còn em thứ hai đang học lớp 3, A Néo đây cũng được đi học nè.

Vừa nói xong, cô xoa đầu A Néo vừa cười.

- Vậy hằng ngày, ai đưa A Néo đi học vậy cô? Chị ấy lại hỏi

- Bây giờ, chú đi làm xa, nên hằng ngày cô đưa hai đứa đi học. Cũng có lần bạn A Néo đưa đi nhưng vì đường khá khó, đi lại xa xôi sợ có chuyện gì nên cô chịu khó đưa các em ấy.  Được cái, hai đứa đều học khá, nên cô cũng vui vẻ và chịu khổ đưa các em kiếm con chữ.

- Như vậy thì cô cũng vất vả đấy cô nhỉ? Một anh khác lên tiếng

- Cũng hơi mệt, nhưng vì tương lai của con nên cô chịu khó được. Cô chỉ sợ chúng nó không thích học thôi, chứ cô chú luôn mong con cái mình thoát cảnh của bố mẹ nó. Nhìn các anh chị đi trước được đi học đại học, được sống thành phố tấp nập, đón bố mẹ xuống chơi mà A Néo khoái lắm. Nên em cũng chịu khó học và đạt được học sinh giỏi đấy các anh chị ạ. Em biết thương mẹ nên luôn chăm chỉ học, dạy em học nữa nên bố mẹ yên tâm lắm.

Ngồi nghe cô kể chuyện về hoàn cảnh mà ai cũng cảm thấy khâm phục cô chú cũng như khả năng vươn lên của A Néo. Câu chuyện vẫn tiếp nối, chúng tôi vẫn ngồi nghe và tâm sự cùng mẹ con A Néo. Tầm ngả chiều, chúng tôi tạm biệt gia đình và lên xe về thành phố.

Qua câu chuyện trên tôi thầm nghĩ, ước gì bố mẹ nào cũng được như bố mẹ A Néo, và ước gì các bạn nhỏ đều cố gắng chăm ngoan và học giỏi như A Néo. Tôi cảm thấy tự hào về họ. Cho đến bây giờ, tôi vẫn xem A Néo là một tấm gương sáng cho tôi noi theo.

 

Bài mẫu 3:

 Kể chuyện mà em biết về gia đình, nhà trường hoặc xã hội chăm sóc bảo vệ thiếu nhi: Chuyện về cô giáo Ngọc 

Hướng dẫn giải

Từ lúc được cắp sách tới trường đến nay, tôi đã được học nhiều thầy cô giáo. Ai cũng thương học trò, quan tâm chăm chút dạy bảo cho học trò từng li từng tý. Nhưng có lẽ, người tôi cảm thấy ngưỡng mộ và kính trọng nhất vẫn là cô giáo Ngọc, giáo viên chủ nhiệm lớp 3 của tôi. Bởi tôi cảm thấy, cô là một người rất gần gũi, những câu chuyện xung quanh cô đều khiến tôi kính nể. Và câu chuyện dưới đây cũng vậy:

Buổi học hôm đó, trong giờ ra chơi, Hải và một bạn lớp bên tên Hùng giành nhau một quả bóng. Hải giành được nhưng không cho Hùng chơi nên Hùng nhảy vào đánh Hải. Tự nhiên bị đấm, Hải tức quá nên cũng nhảy vào đấm Hùng chảy máu mũi bất chấp sự can ngăn của các bạn.

Đúng lúc đó, chú bảo vệ chạy tới, hai tay cầm hai tai của hai bạn rồi đưa vào phòng hiệu phó.

Sau khi kể lại câu chuyện, thầy yêu cầu Hải và Hùng gọi phụ huynh đến để xử lí. Bỗng có tiếng cô giáo Ngọc từ phía sau:

- Thưa thầy, trong hai bạn có một bạn học sinh lớp em. Thầy có thế cho em xử lí việc này được không ạ?

Thầy hiệu trưởng đồng ý và đưa hai bạn sang phòng bên xử lí.

Vừa đi, Hải vừa suy nghĩ: Chắc cô sẽ mắng mình vì mình suốt ngày đi gây chuyện làm lớp bị trừ hết điểm thi đua.

Đang mải suy nghĩ, thì cô giáo lên tiếng:

- Các em có thể kể lại đầu đuôi câu chuyện như thế nào cho cô nghe được không?

Hùng kể lại câu chuyện và đợi cô phân xử.

Sau khi nghe câu chuyện, cô tiến lại chỗ Hùng và nói:

- Cô là cô giáo chủ nhiệm của Hả, cô cũng có lỗi trong việc này nên cô thực sự xin lỗi em.

Hùng ấp úng:

- Cô ơi, cô không cần phải xin lỗi em đâu ạ, người sai là Hải ạ!

Cô mỉm cười và nói:

- Đúng rồi, Hải sai nhưng cô cũng sai khi cô chưa dạy Hải việc không được giật đồ của người khác nên mới xảy ra vụ đánh nhau hôm nay.

Rồi cô ngoảnh sang Hải:

- Hải, cô nghĩ em cũng nhận thấy mình đã sai rồi đúng không? Em hãy xin lỗi bạn và mong bạn tha lỗi đi em.

Hải rụt rè quay sang chỗ Hùng và nói:

- Tớ xin lỗi cậu, lần sau tớ sẽ không làm như thế nữa, mong cậu thứ lỗi cho tớ.

Cô giáo tiếp lời Hải:

- Hùng à, bạn đã biết lỗi và xin lỗi, em có thế tha lỗi cho bạn lần này được không em?

Hùng nhìn cô và đáp:

- Dạ vâng, thưa cô.

Cô mỉm cười, xoa đầu hai bạn và nói:

- Cô có thể nhờ hai bạn cầm tau nhau làm huề được không?

Cả hai mìm cười gật đầu và cầm tay nhau làm huề.

Cuối cùng, cô giáo khuyên Hải về lớp học bài để cô đưa Hùng qua phòng y tế để rửa vết thương cho bạn. Tan học, cô cũng đưa Hùng về và không quên gửi lời xin lỗi đến phụ huynh của bạn ấy về sự việc sáng nay.

Không biết, nghe xong câu chuyện, các bạn cảm thấy thế nào nhưng đối với tôi, tôi thực sự rất khâm phục cô và tâm đắc câu nói của cô: “Hải sai nhưng cô cũng sai khi cô chưa dạy Hải việc không được giật đồ của người khác”. Chính những hành động của cô đã khiến Hải tự nhận thấy mình có lỗi. Cô Ngọc quả là người biết dạy dỗ học sinh.

Bài mẫu 4:

Kể chuyện mà em biết về gia đình, nhà trường hoặc xã hội chăm sóc bảo vệ thiếu nhi: Bà Tám cưu mang đứa trẻ bị bỏ rơi 

Hướng dẫn giải

Trẻ em sinh ra và lớn lên đều có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ. Đó không chỉ đơn thuần là nghĩa vụ của của ông bà , bố mẹ mà còn là nghĩa vụ của những người xung quanh và xã hội. Câu chuyện sau đây, sẽ chứng minh điều đó cho các bạn thấy.

Thường ngày, đúng 6 giờ sáng bác Tám đều chạy bộ xung quanh hồ ở công viên gần nhà để thư thái đầu óc và vận động cơ thể được khỏe mạnh. Hôm thứ bảy vừa rồi cũng là một ngày như vậy, vừa chạy ra khỏi cổng tôi đã nghe tiếng bà Tám hét lớn:

- Bé Hân, hôm nay chạy một mình hả con, bố con đâu?

Tôi ngoảnh lại mỉm cười và nói:

- Dạ bố cháu tối qua phải trực khuya nên nay để bố ngủ thêm một lúc, cháu chạy một mình ạ!

- Vậy hai bà cháu mình chạy cùng cho vui đi, nay bà cũng chạy một mình, ông về quê tế họ từ tối qua rồi.

- Vâng ạ!

Vậy là hai bà cháu vừa chạy vừa nói chuyện phiếm. Đang chạy, bỗng bà dừng lại. Bà thấy có cái hộp đựng gì đấy có vẻ như nó mới động đậy.

Tiến lại gần bỗng có tiếng em bé khóc, làm tôi và bà giật mình. Đó là một em bé chừng một tháng tuổi đang nằm trong chiếc thùng xốp có lót tấm chăn ở dưới. Em bé cứ khóc liên hồi không chịu dứt.

Có mấy người đi qua thấy vậy cũng lại xem. Lúc đó bà Tám vừa dỗ em bé vừa hỏi:

- Có ai biết bố mẹ cháu là ai không? Sao lại để cháu bé ở đây không biết?

Từ phía sau có người lên tiếng:

- Hazzza, chắc lại bỏ nó đấy. Tôi thấy thời sự đưa tin mấy việc này liên tục trên ti vi. Toàn là bố mẹ để con ở cổng bệnh viện, rồi ở gốc cây, công viên đủ kiểu. Đúng la bọn thanh niên giờ ẩu quá, xem con cái như rác rưởi.

Một người khác lên tiếng:

- Đích thị là bé này bị bố mẹ nó bỏ rơi rồi,  có thể mới bỏ nó vào thùng xốp như vậy chứ?

Nghe các cô, các bác khác nói có lí nên bà Tám quyết định mang bé lên công an Phường trình báo.

Sau khi làm biên bản giao em bé, bà Tám lại chạy vội về nhà và bảo tôi ngồi đó đợi bà một chút.

Một lúc sau bà hớt hải chạy đến trên tay có cầm một bình sữa. Hóa ra bà đã về nhà xin sữa cô con dâu vừa mới sinh để mang đến cho bé uống. Em bé uống sữa xong im hẳn không còn khóc nữa. Bà vừa nói chuyện với bé, bé cứ cười như biết bà đang nói chuyện với nó. Lúc này, nhìn em thật đáng yêu.

Chơi với bé và đợi đến lúc bé thiếp ngủ, bà tiến gần lại chú công an và nói:

- Nếu bây giờ, không tìm được bố mẹ của bé thì làm sao hả đồng chí?

Chú công an thở dài trả lời:

- Buộc chúng cháu phải gửi vào trại trẻ mồ côi thôi bác ạ. Nhưng nhìn bé còn nhỏ thế này, gửi vào đó cũng tội nghiệp.

- Vậy không còn cách nào khác nữa sao? Bà lại hỏi tiếp

- Không thì tìm cho bé một gia đình nhận con nuôi thôi ạ. Nhưng giờ việc bỏ rơi con cái diễn ra nhiều lắm ạ, nên chúng cháu cũng khó tìm được hết cho các bé.

Bỗng bà Tám hét lên:

- A.a.a.a. có rồi, tôi biết rồi, tôi sẽ tìm gia đình nhận nuôi cho cháu bé. Nhà tôi có hai đứa cháu hiếm con đang có nhu cầu tìm con nuôi, nếu nhìn được đứa bé kháu khỉnh như thế này làm con nuôi tụi nó mừng lắm.

- Vậy thì tốt quá rồi ạ. Chú công an vui vẻ trả lời.

Vậy là hôm đó, bà Tám đưa bé về nhà mình cho bé bú sữa cô con dâu để đợi hai đứa cháu đi công tác về lên nhận bé làm con nuôi. Trong thời gian đó, bà chăm sóc bé rất cẩn thận, chu đáo, còn mua nhiều đồ chơi và quần áo cho bé.

Đó là câu chuyện mà tôi đã giới thiệu ở đầu câu chuyện. Câu chuyện về bà Tám tốt bụng, đầy lòng thương yêu đối với mọi người và nhất là trẻ em. Qua câu chuyện tôi vừa được chứng kiến, tôi cảm thấy quý trọng bà hơn, cảm thấy vui khi có một người hàng xóm giàu lòng nhân ái như bà.

Bài mẫu 5:

 Kể về một lầm em cùng các bạn trong lớp hoặc trong chi đội tham gia công tác xã hội: Tham gia tết trồng cây ở trường

Hướng dẫn giải

Sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm đến mọi mặt của đời sống xã hội. Người cũng rất quan tâm đến môi trường và hiểu được ý nghĩa thiết thực của môi trường sống nên Bác đã động viên toàn thể quần chúng nhân dân tích cực trồng cây làm cho đất nước thêm xanh, thêm đẹp, thêm giàu sức sống. Hưởng ứng phong trào đó, trường em cũng tổ chức trồng cây và vinh dự thay tôi cũng được tham gia hoạt động đó.  

Vào ngày mồng 5 tháng giêng hàng năm, trường tôi tổ chức lao động trồng cây trong khuôn viên của trường. Theo đó, mỗi lớp sẽ cử ra 5 bạn học sinh tham gia. Vịnh dự thay, khi tôi cũng được nằm trong danh sách thành viên của lớp tham gia.

Theo đúng lịch, 8 giờ ngày mồng 5, tất cả thầy trò sẽ tập trung tại sân trường để nghe thầy hiệu trưởng đọc lễ phát động và phân công cụ thể khu vực trồng cây cho mỗi lớp. Theo đó, lớp tôi được bàn giao 2 cây xà cừ và được phân công trồng ở khu vực phía sau dãy nhà 3 tầng.

Sau khi nhận nhiệm vụ, chúng tôi nhanh chóng tìm đến khoảng đất của mình để bắt đầu công việc. Trước khi bắt tay vào làm, bạn Nam lớp trưởng của lớp phân công việc cho từng người:

- Bây giờ, tớ phân công công việc cho từng bạn để các bạn làm việc hiệu quả hơn nhé.

Cả nhóm đồng ý và chăm chú nghe Nam nói:

- Tớ với Hùng với Hưng là con trai nên chúng tớ sẽ nhận nhiệm vụ đào hố. Ba chúng tớ sẽ thay nhau đào theo sự hướng dẫn lúc nãy của thầy hiệu trưởng. Trong khi chúng tớ đào, thì Mai Anh và Bảo Chi (là tôi) sẽ cầm chiếc xô qua khu vực cây bàng để lấy đất về trồng cây. Các bạn đồng ý chứ?

Cả nhóm đồng ý rồi nhanh chóng bắt tay vào công việc.

Trong khi các bạn nam đào hố, thì tôi và Mai Anh đi xúc đất. Chúng tôi dùng xẻng xúc đất vào một chiếc xô xong luồn cái gậy qua tay xách để hai đứa gánh về. Vừa mới bắt đầu, chúng tôi còn sung sức lên vừa đi vừa hát, vừa cười đùa vui vẻ. Lúc này, ngôi trường thật nhộn nhịp bởi tiếng cuốc, tiếng xẻng, tiếng í ới gọi nhau….

Những tảng đất đầu tiên cũng được các bạn nam lật lên thật dễ dàng. Thấy vậy, Mai Anh làm điệu bộ trêu chọc:

- Ôi, các bạn thật là những người đàn ông lực lưỡng, ngưỡng mộ quá.

Hùng phản pháo ngay lập tức:

- Mai Anh quá khen, Hùng thấy mình không những lực lưỡng mà còn đẹp trai nữa. Mai Anh nhỉ?

Cả nhóm lại được phen cười rộ lên. Ai ai cũng hứng khởi làm việc, vừa trêu chọc nhau để quên đi những mệt mỏi.

Cuối cùng, công đoạn đào đất và xúc đất cũng đã xong, chúng tôi bắt đầu đặt những cái cây xuống.

Hùng vừa gỡ túi bọc màu đen sau đó đặt cái cây cân chính ở hố vùi đất xuống và đố các bạn:

- Đố các bạn biết, tại sao cây trước khi chôn xuống người ta lại gỡ túi bọc ra?

Hưng nhanh nhảu nói lại:

- Hùng ơi là Hùng, cậu làm như bọn tớ dốt lắm ấy, làm như thế để rễ cây mới bung ra và phát triển được chứ, không thì trong cái túi ni lông nhỏ xíu này rễ rao lan ra và phát triển được.

- Nhìn thế mà cũng thông mình ghê nha – Hùng đáp lại.

- Vậy tớ hỏi tiếp nha. Trồng cây do ai phát động và vào năm nào?

Nhìn vẻ mặt ngơ ngác của Hưng, Hùng lại lên tiếng:

- Thôi xong, Hưng chỉ ăn may được một câu rồi. Nếu giỏi thì trả lời cho các bạn nghe đi nào?

Hưng tay chống nạnh, đứng lên ưỡn ngực trả lời:

- Người phát động chính là Bác Hồ, Bác phát động trồng cây năm 1960.

Nói xong Hưng vừa đắc chí vừa giả bộ vuốt râu nhìn Hùng với ánh mắt đầy khiêu khích. Trong khi đó, Hùng tỏ ra ngạc nhiên với trình độ của người bạn ngồi cạnh mình ba năm nay.

Và buổi trồng cây của chúng tôi diễn ra như vậy, ai cũng hăng say làm việc, vui vẻ và tràn ngập tiếng cười. Sau khi hoàn thành xong, thầy hiệu trưởng nghiệm thu, lớp chúng tôi được tuyên dương vì trồng cây đúng quy cách và có ý thức làm việc. Chúng tôi rất vui vì điều đó.

Phong trào trồng cây không còn quá xa lạ đối với mỗi người dân Việt Nam. Bởi đó là phong trào do Bác Hồ khởi xướng để bảo vệ môi trường. Có thể đó là việc làm nhỏ, nhưng lại mang một ý nghĩa to lớn. Vì vậy, được tham gia trồng cây là một niềm tự hào đối với tôi. Tôi hi vọng, hành động nhỏ của mình sẽ góp phần làm cho đất nước thêm xanh thêm đẹp, thêm giàu sức sống.

Bài mẫu 6: 

Kể về một lầm em cùng các bạn trong lớp hoặc trong chi đội tham gia công tác xã hội: Tham gia vệ sinh đài tưởng niệm của xã

Hướng dẫn giải

Nhằm hưởng ứng ngày thành lập đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, trường em có tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi và bổ ích. Một trong những hoạt động mà tôi cảm thấy thích nhất và có ý nghĩa nhất đó chính là dọn dẹp vệ sinh bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của xã.

Theo sự phân công của nhà trường, để thực hiện hoạt động vệ sinh dọn dẹp bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại đài tưởng niệm của xã, mỗi lớp sẽ phải cử ra 5 bạn để tham gia. Không chần chừ, tôi cùng Hạnh, Hùng, Tuấn và Oanh cùng đăng kí tham gia.

Đúng 7 giờ sáng chủ nhật, chúng tôi tập trung tại trường để điểm danh. Sau khi thông báo lịch trình công việc, chúng tôi đi đến nhà bia tưởng niệm của xã để tham gia lao động với sự dẫn dắt của cô tổng phụ trách đội và bạn liên đội trưởng.

Chẳng mấy chốc, chúng tôi đã có mặt tại khuôn viên của bia tưởng niệm. Nhìn xung quanh đều là những ngôi mộ và cây cảnh. Vào đây, tôi có cảm giác gì đó thật linh thiêng và cao quý. Đang quẩn quanh với những suy nghĩ, bỗng cô tổng phụ trách đội lên tiếng:

- Các em tập trung để cô phân công công việc nhé!

Các bạn nhanh chóng tập trung vào hàng và nhận nhiệm vụ. Theo sự phân công, các lớp sẽ lần lượt  dọn cỏ sạch sẽ xung quanh các nầm mộ, quét dọn đất cát sạch sẽ xong lấy khăn sạch lau lại các tấm bia sạch sẽ.

Sau khi cô giáo phân công, các bạn chia nhau ra làm công việc của mình. Ai ai cũng hứng khởi thực hiện công việc của mình. Mỗi bạn tự giác làm sạch sẽ khu vực của mình.

Trời đã bắt đầu nắng, những tia nắng mùa hè chói chang bắt đầu làm ửng hồng đôi má của các bạn. Những giọt mồ hôi cũng đã lấm tấm trên trán. Cô phụ trách thấy vậy cũng động viên các bạn:

Cố lên nào các em, chúng ta làm xong sớm để được nghỉ sớm nhé, trời đã bắt đầu nắng lên rồi.

Cả đội đồng thanh:

- Vâng ạ!

Bạn Tuấn lớp 5C còn phát biểu thêm:

- Không sao đâu cô ạ. Ngày xưa cha ông chúng ta còn chiến đấu hi sinh ác liệt hơn công việc bọn em đang làm bây giờ mà cô.

Cô tiến tới xoa đầu Tuấn và nói:

- Em hiểu được công lao của cha ông như vậy là tốt lắm.

Tuấn hơi ngượng ngùng và tiếp tục với công việc của mình.

Rồi chúng tôi hăng say làm việc , dù hơi mệt nhưng không ai than phiền hay lên tiếng vì các bạn đang hiểu được công việc mà mình đang làm. Làm được một lúc, bỗng chúng tôi thấy bác trông coi đài tưởng niệm đi tới, trên tay bác có cầm một chiếc ca lớn đựng nước cùng với mấy chiếc cốc. Bác tiến lại gần và bảo:

- Cô và các cháu lại nghỉ tay uống cốc nước mát rồi lại làm tiếp

Cô phụ trách nhoẻn miệng cười cảm ơn bác và gọi chúng tôi vào lùm cây nghỉ ngơi uống nước một chút. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, chúng tôi đã được nghe bác nói chuyện về nguồn gốc của những tấm bia ở đây, nói về những ngày tháng chiến đấu ác liệt của các anh ngày xưa. Tất cả chúng tôi đều chăm chăm nghe bác kể chuyện.

Rồi thời gian nhanh chóng trôi qua, chúng tôi lại trở lại với công việc của mình. Vừa làm, chúng tôi vừa trêu đùa vui vẻ, vừa hát những khúc hát về quê hương đất nước và các anh hùng. Công việc đã xong, ai cũng thấm mệt, nhưng trong lòng lại cảm thấy vui vì mình vừa làm được một việc có ý nghĩa.

Có thể, đối với nhiều bạn, đây chỉ là một hoạt động quá bình thường. Nhưng với tôi, những việc làm có ích và ý nghĩa thì đều là việc lớn. Thông qua buổi dọn vệ sinh, tôi đã biết thêm được nhiều điều về lịch sử. Biết ơn nhiều hơn đối với các anh hùng đã ngã xuống vì đất nước để mang lại bầu trời hòa bình cho thế hệ mai sau.

Có thể bạn quan tâm