Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Kể chuyện: Kể chuyện đã nghe, đã đọc

Lý thuyết
Mục lục
* * * * *

Bài mẫu 1:

 Kể chuyện về người phụ nữ anh hùng: Trưng Trắc đánh giặc cứu nước, báo thù cho chồng

Hướng dẫn giải

   Lịch sử dân tộc đã ghi tên nhiều anh hùng tiêu biểu đã dám đứng lên chống giặc cứu nước, và Trưng Trắc cũng là một trong những cái tên như vậy, đó là những người phụ nữ anh hùng dân tộc đầu tiên làm rạng rỡ nòi giống Tiên Rồng. Căm hận sự tàn bạo của giặc Hán xâm lược, quyết lòng rửa thù nước trả thù nhà, bà Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị kêu gọi, vận động các tù trưởng, thổ hào nhiều nơi đứng lên lật đổ ách đô hộ của ngoại bang.

Lịch sử đã ghi lại rằng: Ngày 6 tháng Giêng năm Canh Tý (năm 40) nghĩa quân của Trưng Trắc hội tụ ở bãi Trường Sa  bên cửa sông Hát làm tễ tế cờ.

Trong bài tế có đoạn:

Một xin rửa sạch quốc thù

Hai xin nối lại nghiệp xưa họ Hùng

Ba kẻo oan ức lòng chồng

Bốn xin vẹn vận sở công lênh này

Sau khi tế cáo trời đất, Trưng Trắc đã phát lệnh dẫy binh khởi nghĩa, kêu gọi các quận huyện nổi dậy xâm lược chống quân thù.

Nhân dân nhiều nơi tin tưởng và hưởng ứng cuộc khởi nghĩa. Khí thế của đội quân Hai Bà Trưng khiến kẻ địch khiếp sợ. Các viên quan cầm đầu trở tay không kịp, không dám chống cự mà bỏ chạy về nước. Thái thú Tô Định hoảng hốt, cạo tóc, trà trộn vào loạn quân, vứt bỏ ấn tín mà tháo chạy thoát thân.

Khởi nghĩa thắng lợi, bà đổi sang họ Trưng và xưng vương, sử gọi là Trưng vương. Bà cùng em là Trưng Nhị cai trị lãnh thổ vùng Lĩnh Nam của người Việt tương đương với bộ Giao Chỉ của nhà Hán.

Bà Trưng lên ngôi chưa đầy hai năm thì tháng 4 năm 42, Hán Quang Vũ phong Mã Viện làm chỉ huy đoàn quân sang xâm lược nước ta. Quân Hai Bà Trưng đã chiến đấu dũng cảm nhưng do chênh lệch lực lượng quá lớn nên dần thất thế, phải rút lui về giữ thành Mê Linh.

Sau nhiều trận đánh quyết liệt, quân hai bà giữ thành đến tháng 5 năm 43 thì thất thủ. Trưng Vương cùng Trưng Nhị về Hát Môn rồi tuẫn tiết giữa dòng sông 

Thông qua câu chuyện Hai bà Trưng đánh giặc, chúng ta càng cảm thấy khâm phục những người phụ nữ nước Nam. Họ là những người không chỉ thương chồng, thương con mà con là những đứa con của dân tộc đầy lòng yêu nước, sẵn sàng chiến đấu vì sự nghiệp bảo vệ đất nước.

Bài mẫu 2:

Kể chuyện người phụ nữ anh hùng: Võ Thị Sáu ném lựu đạn giết giặc

Hướng dẫn giải

   Chị Võ Thị Sáu sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống yêu nước Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa. Từ bé, chị đã chứng kiến cảnh thực dân Pháp đàn áp nhân dân dã man, nên chị đã dũng cảm theo anh tham gia cách mạng và được nhiều người biết đến với câu chuyện thiếu nữ ném lựu đạn giết giặc.

   Chuyện kể lại rằng, năm 14 tuổi, Võ Thị Sáu theo anh gia nhập Việt Minh, trốn lên chiến khu chống Pháp. Chị tham gia đội công an xung phong, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ liên lạc, tiếp tế.

Đến tháng 7 năm 1948, Công an Đất Đỏ được giao nhiệm vụ phá cuộc mít tinh kỷ niệm Quốc khánh Pháp. Biết đây là nhiệm vụ gian nan, nguy hiểm, chị Sáu vẫn chủ động xin được trực tiếp đánh trận này. Chị nhận lựu đạn, giấu vào góc chợ gần khán đài từ nửa đêm. Sáng hôm đó, địch lùa người dân vào sân. Khi xe của tỉnh trưởng tới, chị tung lựu đạn về phía khán đài, uy hiếp giải tán mít tinh.

Hai tổ công an xung phong chốt ở gần đấy đồng loạt nổ súng yểm trợ tạo áp lực giải tán cuộc mít tinh, đồng thời hỗ trợ cho chị Sáu rút an toàn. Sau chiến công này, chị Sáu được tổ chức tuyên dương khen ngợi và được giao nhiệm vụ diệt tề trừ gian, bao gồm việc tiêu diệt tên cai tổng Tòng.

Tháng 11/1948, Võ Thị Sáu mang theo lựu đạn, trà trộn vào đám người đi làm căn cước. Giữa buổi, chị ném lựu đạn vào nơi làm việc của Tòng, lựu đạn nổ, tên Tòng bị thương nặng nhưng không chết. Tuy nhiên, vụ tấn công khiến bọn lính đồn khiếp vía, không dám truy lùng Việt Minh ráo riết như trước.

Tháng 2/1950, Võ Thị Sáu tiếp tục nhận nhiệm vụ ném lựu đạn, tiêu diệt hai chỉ điểm viên của thực dân Pháp là Cả Suốt và Cả Đay và không may bị bắt.

Trong hơn một tháng bị giam tại nhà tù Đất Đỏ, dù bị giặc tra tấn dã man, chị không khai báo. Địch phải chuyển chị về khám Chí Hòa.

Chị Sáu tiếp tục làm liên lạc cho các đồng chí trong khám, cùng chị em tại tù đấu tranh đòi cải thiện cuộc sống nhà tù.

Trước tinh thần đấu tranh quyết liệt của Võ Thị Sáu, thực dân Pháp và tay sai mở phiên tòa, kết án tử hình đối với nữ chiến sĩ trẻ. Tuy nhiên, nhờ sự kiên cường, dũng cảm, trung thành, Võ Thị Sáu được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam và công nhận là Đảng viên chính thức ngày đêm trước khi hy sinh.

   Qua câu chuyện trên ta thấy, Võ Thị Sáu là một người nữ anh hùng của cách mạng, tuổi vừa trăng tròn đã đi theo tiếng gọi của tổ quốc. Cuộc đời chị đã trở lên bất diệt với những huyện thoại để đời. Chị xứng đáng là nữ anh hùng của nước Việt.

Bài mẫu 3:

 Kể chuyện các nhà hoạt động xã hội, văn hóa, khoa học nổi tiếng: Nguyên phi Ỷ Lan giúp vua cai trị đất nước

Hướng dẫn giải

Khi nhắc đến Nguyên phi ỷ Lan chúng ta vẫn thường nghĩ đến câu chuyện về người con gái toàn sắc vẹn toàn có nhiều công lao và đóng góp cho nền thịnh trị nước nhà. Bà từng giúp vua trị nước, mang lại cuộc sống ổn định, ấm no cho người dân.

Chuyện kể lại rằng, năm 1062, vua Lý Thánh Tông lo lắng tuổi đã cao mà chưa có con trai nối nghiệp nên ông thường xuyên đi lễ chùa cầu tự. Mối tình giữa vua và Nguyên phi Ỷ Lan nảy nở từ những chuyến đi ấy. Khi vua đi cầu tự qua làng Thổ Lội, người đi xem đầy đường, có một người con gái đi hái dâu, thấy xe nhà vua đi cứ đứng tựa vào cây lan chứ không ra xem. Vua thấy thế lấy làm lạ, truyền gọi đem vào cung, phong là Ỷ Lan phu nhân. Được ít lâu có thai sinh ra hoàng tử Càn Đức, sau là vua Lý Nhân Tông. Từ đây bà được phong là Nguyên phi."

Nguyên phi Ỷ Lan nổi tiếng là phụ nữ tài năng và hiểu biết. Ngay khi vào cung, bà không lo chăm nhan sắc mong chiếm được tình yêu của vua mà khổ công học hỏi, nghiền ngẫm thi thư, giúp vua chăm lo việc nước.

Năm 1069, quân Chiêm Thành quấy rối ở biên giới phía Nam Đại Việt. Trước tình hình nguy cấp đó, để giữ yên bờ cõi, vua Lý Thánh Tông thân chinh dẫn quân đánh giặc và giao lại việc nước cho Nguyên phi Ỷ Lan. Bà không quản ngại khó khăn, vất vả, đến nhiều nơi để hiểu được đời sống của muôn dân. Chính nhờ chuyến đi này, bà giúp dân thoát khỏi cơ cực cũng như trấn an dân chúng, củng cố triều cương.

Năm đó đại hạn, người dân đói kéo phải tha hương cực khổ. Bà nghi ngờ quan địa phương gặm nhấm phần gạo phát chẩn của triều đình, sau khi điều tra quả đúng là như vậy, bà vô cùng giận dữ và âm thầm hành động trị tội bọn quan ô, cường hào.

Bà cùng cận vệ và một thị nữ khác ở lại, đóng giả thương lái, mua bán lương thực, từng bước tìm đủ nhân chứng, vật chứng, chờ khi thị nữ kia trở lại cùng quan quân mới ra mặt trừng trị bọn cường hào, tham quan. Dân chúng biết có người phát chẩn bèn kéo về nhận gạo. Bọn cường hào không bán được gạo liền tức tối, bẩm báo quan.

Quan địa phương cấu kết với gian thương, bắt bà về quan phủ, khép tội gây rối loạn giao thương, làm náo loạn trên phố, đòi phạt bà 50 trượng, tịch thu số gạo. Đúng lúc đó, thái sư Lý Đạo Thành dẫn quân đến, trừng trị đích đáng những kẻ cường quyền chuyên ức hiếp dân chúng. Trong khi bà cai quản đất nước, muôn dân ấm no, sung túc, đội quân đi dẹp Chiêm Thành của vua Lý Thánh Tông gặp nhiều bất lợi. Để bảo toàn lực lượng, vua quyết định rút quân.

Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu và biết được Nguyên phi Ỷ Lan hết lòng giúp đỡ dân chúng trong lúc hạn hán mất mùa, trừ gian diệt ác, vua bèn hạ lệnh cho quân lính tiếp tục hành quân lên đường, quyết hạ Chiêm Thành. Cuối cùng, nhờ có Nguyên phi Ỷ Lan giúp đỡ trị nước, nhà vua đem quân đánh thắng Chiêm Thành, đất nước Đại Việt trong ấm ngoài êm, nhân dân no đủ.

Qua câu chuyện này ta thấy, Ỷ Lan không chỉ là một người con gái đẹp mà còn là một người tài cao, thông minh, sắc sảo và có bản lĩnh. Những câu chuyện về bà cho đến nay vẫn còn lưu truyền rộng khắp. Người người mọi thế kỉ qua đều nhớ ơn đức của bà, mà tôn vinh bà là “Quan Âm nữ”.

Bài mẫu 4:

Kể chuyện về các nhà hoạt động xã hội, văn hóa, khoa học nổi tiếng: Tài ứng đối của Đoàn Thị Điểm và Trạng Quỳnh

Hướng dẫn giải

Đoàn Thị Điểm là nữ sĩ Việt Nam thời Lê Trung Hưng. Bà là tác giả của nhiều tập thơ nổi tiếng. Thơ của bà không những được nhiều người biết đến mà còn làm cho bọn Tàu phải khiếp đản mà không dám lên tiếng. Điều này thể hiện trong câu chuyện “tài ứng đối của Đoàn Thị Điểm và Trạng Quỳnh” sau đây.

Năm ấy, được tin sứ nhà Thanh khét tiếng hống hách sắp sang nước ta, vua Lê, chúa Trịnh tỏ ý lo ngại. Tin vào tài ứng đối của Quỳnh, triều thần giao cho trạng giữ việc tiếp sứ. Trạng cho dựng một ngôi quán nhỏ bên bờ sông Cái, xin vua triệu bà Điểm ra đó ngồi bán hàng. Còn mình tự quản một chiếc đò, nhận đón chở sứ bộ qua sông.

Mấy tên trong sứ bộ Tàu vừa đến nước ta, qua ngôi quán bà Điểm, nhác trông cô hàng nước xinh tươi óng ả, liền thả lời bỡn cợt. Một tên líu lớ đọc bâng quơ:

– Nam bang nhất thốn thổ bất tri kỷ nhân canh.

(Nghĩa là: Một tấc đất nước Nam không biết bao nhiêu người cày. Ý nói mỉa đàn bà nước này lẳng lơ).

Bà Điểm đang nhai trầu, nhổ toẹt một bãi nước cốt xuống đất, nói trống không:

– Bắc quốc chư đại phu, giai do thử đồ xuất. (Nghĩa là: Bọn quan to, ông lớn ở nước phương Bắc đều từ chỗ ấy mà chui ra cả).

Câu đối lọt vào tai bọn sứ bộ, chúng giật mình, câm họng. Dè đâu chị hàng bán nước mà tài học cũng siêu việt đến thế!

Tiếp đến lúc xuống đò, Quỳnh đã mặc giả làm chú lái, cầm sào đợi sẵn… Đò ra giữa dòng sông, một tên trong đoàn sứ bộ hổng ruột, lỡ xổng ra một tiếng “bủm”. Hắn đã không biết sượng mặt, còn đọc một câu chữa thẹn lếu láo:

– Lôi động Nam bang. (Sấm động nước Nam).

Trạng Quỳnh đang cầm chèo, liền đứng thẳng, vạch quần đái vổng cần câu xuống nước mà nói:

– Vũ qua Bắc hải (Mưa qua bể Bắc).

Tên sứ Tàu giận điên tiết, xộc lại định đánh Quỳnh, Quỳnh trở cán chèo thủ thế rồi mắng:

-“Tiền phát lôi, hậu phát vũ, thiên địa chi lý nại hỉ ”

(Sấm động trước, ắt sau sẽ có mưa, luật trời đất là thế )

Cả bọn khách Tàu sửng sốt nhìn nhau, không thốt được một lời vì câu đối đáp bắt bí quá đúng của anh lái đò. Từ đó, cả bọn sứ Tàu bấm nhau ngồi im thin thít.

Qua cách đối thơ trên ta thấy, Đoàn Thị Điểm và Trạng Quỳnh là những người có tài ứng biến thơ văn. Họ rất nhanh trí và đối đáp rất hay khiến cho bọn Tàu phải khâm phục, khẩu phục.

Bài mẫu 5:

Kể chuyện người phụ nữ tài giỏi, vượt qua khó khăn: Trần Hà My - người phụ nữ không đầu hàng số phận

Hướng dẫn giải

Trong cuộc sống còn có rất nhiều người gặp bất hạnh. Tuy nhiên, đã có nhiều tấm gương biết vượt lên số phận của mình. Một trong đó chính là chị Trần Hà My một nhà văn chưa bao giờ chịu đầu hàng trước số phận.

Trần Hà My sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Đông Hà, Quảng Trị. Vừa mới sinh ra được ba tháng, chị đã phải đối mặt với những cơn phẫu thuật, đôi bàn chân của chị không thể đi lại như những người bình thường, luôn cần phải công cụ trợ giúp.

Đôi tay chị cũng mềm dân, cuối cùng chỉ còn một ngón có thể hoạt động được. Không được đến trường đi học như các bạn, Hà My tưởng chừng như cuộc sống đã bị chôn vùi từ đây, nhưng không chịu số phận, chị đã tập viết. Nhiều lần thấy chị miệt mài tập viết, người thân chị vô cùng đau xót. Biết vậy, nên chị lại càng quyết tâm hơn. Trải qua bao ngày tháng miệt mài, cuối cùng những con chữ lành lặn ra đời, chị bắt đầu viết nên những cảm xúc, suy nghĩ của mình qua các tản văn, truyện ngắn.

Một lần, Trà My gửi bài lên đài, không ngờ bài của chị được phát. Ai cũng vui mừng cho chị. Từ đó, chị cảm thấy một bầu trời mới mở ra với mình, chị tập trung viết nhiều hơn nữa, chị dành cả thời gian của mình để chìm đắm trong thế giới văn chương với những câu chuyện đầy tính nhân văn. Chị miệt mài viết bằng cả trái tim của mình. Và cho đến nay, chị đã cho ra đời ba tập sách ấn tượng: Giấc mơ đôi chân thiên thân (2009), chúng ta chính là mùa xuân (2010) và yêu trên từng ngón tay (2013) và sắp tới là người tử tế đâu rồi….

Nhìn lại chặng đường của mình, Trà My tưởng chừng đã gục trước số phận của mình. Chị sợ khi nghĩ về cảnh ba đứa em mình đến tuổi lập gia đình và nhà trai tới thăm gia đình chị và phát hiện một người lạ ngồi góc nhà liệu người ta có đồng ý. Chị sợ và ám ảnh khi nghĩ đến cảnh phải ngồi góc nhà và nhìn người ta đang sống. Thế nên, chị chọn cuộc sống không cam chịu và kiêu hãnh bước đến mục tiêu của mình.

Chị đã rời Quảng Trị để vào Sài Gòn tìm việc nuôi sống mình và để thực hiện ước mơ.  Chị kiếm tiền bằng cách viết văn, viết báo và làm truyền thông và viết nhừng gì người khác đặt hàng trong khả năng của mình. Không chỉ vậy, Trà My còn học thêm nhiều lớp nghiệp vụ về truyền thông để phát triển công việc. Song song đó, chị tham gia nhiều hoạt động xã hội như là cách trả ơn cuộc đời vẫn còn mỉm cười với mình.

Qua câu chuyện trên ta thấy, với những khuyết tật, làm việc và nuôi sống bản thân đã khó, để thành công và nổi tiếng càng khó khăn hơn gấp bội. Thế mà chị Trần Hà My, nữ nhà văn đặc biệt đã làm được điều đó bằng nghị lực chưa bao giờ cạn của mình.

Bài mẫu 6:

Kể chuyện người phụ nữ anh hùng: Bùi Thị Xuân và giai thoại thuần phục voi trắng

Hướng dẫn giải

   Trong khởi nghĩa Tây Sơn nói riêng và lịch sử quân sự Việt Nam nói chung, Bùi Thị Xuân là nhân vật đặc biệt. Bà không chỉ được người đời biết đến là một nữ tướng giỏi mà còn là người gắn liền với giai thoại thuần phục voi trắng.

Nữ tướng Bùi Thị Xuân (?-1802) quê thôn Xuân Hòa, tổng Phú Phong, huyện Tuy Viễn (nay thuộc thôn Phú Xuân, xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Từ khi còn trẻ, bà đã nổi tiếng xinh đẹp, khéo tay, viết chữ đẹp, giỏi kiếm thuật, bắn cung, cưỡi ngựa và đặc biệt là kỳ tài luyện voi đánh trận.

Tương truyền, trước khi gia nhập nghĩa quân Tây Sơn, nhờ tài cao chí lớn, bà mua được hai con voi ngà tại vùng Tây Sơn và thuần phục nó. Sau khi đã tập luyện thuần thục, bà thường cưỡi voi đi săn tại các khu Đồng Sim, Đồng Trăng, Thuận Ninh.

Một hôm, đang cưỡi voi đi săn ở Đồng Sim, bà nghe tiếng voi kêu thét đau thương. Tới nơi, Bùi Thị Xuân thấy con voi trắng ngà dài đến hai thước đang bị con trăn to quấn chặt bốn chân.

Tiếng voi thét yếu dần lẫn trong tiếng thác nước ầm ầm. Lập tức, Bùi Thị Xuân bắn ngay mũi tên vào mắt con trăn. Đau quá, trăn bỏ mồi quăng mình tấn công bà.

Bà phóng ngay ngọn lao vào miệng đang há của trăn. Ngọn lao xuyên thấu đầu và ghim chặt trăn vào gốc cây. Quá đau, con trăn quấn chặt thân cây siết mạnh. Cây đổ, trăn duỗi mình chết. Con voi trắng đứng lên rồi quỳ gối gục đầu trước bà.

Bà vỗ lên đầu nó rồi nói một cách thân ái: “Bạch tượng, từ đây chúng ta sẽ trở thành bạn thân nhé!”. Con voi trắng đưa vòi cạ vào vai Bùi Thị Xuân rồi đứng dậy vươn vòi thét lên mấy hồi.

Từ phía xa, tiếng chân chạy rầm rập, cây rừng xào xạc, rồi một đàn voi xuất hiện xung quanh bạch tượng. Sau tiếng thét dài của bạch tượng, đoàn voi đồng loạt quỳ xuống, co vòi như hành lễ bái kiến Bùi Thị Xuân.

Đàn voi theo bà về làng. Bà thường đem trên 10 con voi ra tập trận tại gò Xuân Hòa nên nhân dân địa phương còn gọi là gò Tập Voi.

Sau khi Tây Sơn khởi nghĩa, các sắc dân miền núi đem tặng nhiều thớt voi nữa, đàn voi có trên trăm con. Quản tượng đa số là nữ binh, chỉ có một vài nam binh điều khiển khi tập luyện.

Khi điều khiển, bà dùng ngọn cờ đỏ có cán dài. Khi bà chưa ra thao trường, voi đi lại lộn xộn. Lúc nữ tướng xuất hiện, con voi đầu đàn vội chạy lại đứng nghiêm chỉnh trước mặt, chân trước co lên.

Bà nhảy lên, chân điểm nhẹ trên đầu gối voi rồi tung mình vút lên lưng con vật. Được vỗ nhẹ hai cái trên đầu, con voi đầu đàn rống lên một tiếng dài. Cả đàn răm rắp chạy đến xếp hàng ngay ngắn trước mặt voi đầu đàn. Bà dùng cờ phất ngang, dọc, trước sau để điều khiển đàn voi tiến tới, rẽ sang phải, sang trái, tới, lui, nhịp nhàng đều đặn.

Khi tập voi đánh trận, ban đầu, bà tập từng thớt một. Mỗi thớt có một nữ quản tượng, khi thuần thục rồi mới tập thành đoàn. Khi đó, nữ quản tượng nào đi kèm voi nấy. Hàng ngũ chỉnh tề rồi, các nữ quản tượng mình mặc áo quần gọn gàng, đầu chít khăn đỏ, theo lệnh phất cờ đồng một lượt nhảy vút lên mình voi.

Cờ hiệu được tung lên, khi nam, khi bắc, lúc tả, lúc hữu. Cờ hiệu phất cao, buổi diễn tập chấm dứt, đoàn voi lại xếp hàng ngay ngắn và nữ quản tượng nhảy xuống cũng lẹ làng, nhịp nhàng với những nụ cười xinh tươi đắc ý.

Sau khi phong trào nông dân Tây Sơn bùng nổ năm 1771, Bùi Thị Xuân cùng chồng là Trần Quang Diệu nhanh chóng trở thành những tướng lĩnh trụ cột, góp công lớn trong công cuộc dựng nghiệp của nhà Tây Sơn.

   Qua câu chuyện trên, ta càng cảm thấy khâm phục hơn nữa người phụ nữ tài sắc vẹn toàn Bùi Thị Xuân. Từ phụ nữ bình thường, bà trở thành một danh tướng được kính trọng, được người đời luôn luôn ghi nhớ và trầm trồ khen ngợi.

Bài mẫu 7: 

Kể chuyện về các bạn nữ thông minh tài giỏi: Lớp trưởng lớp tôi

Hướng dẫn giải

Vân vừa được bầu làm lớp trưởng. Sau khi được bầu làm lớp trưởng có nhiều bạn không phục cho rằng Vân thấp bé, ít nói, học chưa giỏi. Thế nhưng, dần dần Vân đã khiến các bạn rất nể phục. Vậy bạn ấy đã làm bằng cách nào, chúng ta cùng đến với câu chuyện “Lớp trưởng lớp tôi”.

Vân được bầu làm lớp trưởng, cuối giờ học đám con trai chúng tôi kéo nhau ra một góc bình luận sôi nổi. Lâm voi nói tiếng lên:

- Lớp trường gì mà vừa gầy vừa thấp bé chả có dáng tý nào

Quốc lém lên tiếng:

- Lớp trưởng phải mồm mép, nhanh nhảu, cái Vân cạy răng chẳng nói nửa lời có mà chỉ huy người câm.

Riêng tôi, tôi quan niệm lớp trưởng phải học giỏi, Vân được cái chăm chỉ, chứ học chả hơn tôi.

Giờ địa lí hôm qua, cô giáo trả bài kiểm tra, cái Vân được điểm 10, bài của tôi chỉ được 5. Lí do là khi điền bản đồ tôi đã sơ tán Hà Tây, Hòa Bình lên tận biên giới phía Bắc. Vân làm lớp trưởng hôm trước thì hôm sau đã có nhiều chuyện đáng nhớ. Trống đã vào được một lúc, Quốc mới hớt hải chạy đến miệng lắp bắp:

- Chết, chết tớ rồi, hôm nay hôm nay đến phiên tớ trực nhật, tớ tớ tớ lại ngủ quên.

Cả bọn hoảng quá, lớp tôi vừa đăng kí thi đua, nhưng vào lớp, chúng tôi rất ngạc nhiên, lớp sạch như lau, bàn ghế ngay ngắn bảng đen rành rành một dòng chữ con gái tròn trặn, nắn nót: “Thứ ba, ngày 27 tháng 8 năm 1984.

- Nét chữ của Vân

Lâm trố mắt nhìn, còn Quốc và tôi thì thở phào.

Buổi chiều hôm ấy, chúng tôi đi lao động, nắng như thiêu như đốt, đứa nào đứa nấy mồ hôi đẫm lưng cổ khát khô. Bỗng Lâm kêu toáng lên:

- Kem, kem các cậu ơi!

Bọn con trai chúng tôi ùa tới vây quanh phích kem. Vân mồ hôi nhễ nhại đang nhanh nhẹn chia kem cho các mọi người. Quốc vừa ăn vừa tấm tắc:

- Lớp trưởng tâm lí quá. À, bạn lấy phích kem ở đâu ra thế?

- Bà hàng kem cho mượn cả phích đấy, còn tiền là của chi đội lao động hè.

Bây giờ, có ai hỏi về lớp trưởng lớp tôi, tôi sẽ tự hào nói: “ Vân không chỉ chăm học mà còn học rất giỏi”.

Nếu hỏi Lâm chắc nó sẽ oang oang: “Vân là con gái nhỏ người thật nhưng xốc phác lắm đấy”. Và chẳng phải hỏi, Quốc cũng khoe ngay: “ Cái Vân củ mỉ củ mì mà giỏi đáo để, bọn con trai chúng tớ ai cũng phải nể phục”.

Có thể bạn quan tâm