Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Viết bài tập làm văn số 7- Văn nghị luận ( làm tại lớp) trang 128

Lý thuyết
Mục lục
* * * * *

Đề 1

Tuổi trẻ và tương lai đất nước. (Gợi ý : Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Bác Hồ thiết tha căn dặn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Lời dạy của Bác giúp em hiểu đề bài trên như thế nào ?)

Hướng dẫn giải

“Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em” Đó là lời căn dặn thiết tha thuở sinh thời của Bác trong lá thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Lời căn dặn ấy gợi cho ta nhiều suy nghĩ về tuổi trẻ và tương lai đất nước.

Tuổi trẻ là thời gian đẹp nhất, nhiệt thành nhất trong cuộc đời mỗi con người. Tuổi trẻ là thế hệ thành niên, thanh niên – những thế hệ măng non của đất nước. Họ cũng là những công dân có quyền lợi và nghĩa vụ với bản thân, với xã hội. Tuổi trẻ ở mỗi thời đại là niềm tự hào dân tộc, là thế hệ tiên phong trong công cuộc xây dựng, đổi mới và phát triển đất nước. Tương lai đất nước là hình ảnh, sự phát triển của đất nước trong thời gian tới.Lời căn dặn của Hồ Chủ tịch đã khẳng định vai trò của thế hệ trẻ với tương lai đất nước mai sau. Tuổi trẻ chính là tương lai đất nước.

Vì sao Bác lại khẳng định vai trò của tuổi trẻ lớn lao như thế? Nhìn lại quá khứ hào hùng, ta bồi hồi xúc động trước những cái tên đã đi cùng năm tháng như Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm, Kim Đồng, Lê Văn Tám... – những người đã kiên cường, bất khuất hi sinh cả tuổi trẻ, cả cuộc đời để chiến đấu cho độc lập tự do của Tổ quốc hôm nay. Tuổi trẻ của họ đã góp phần làm nên đất nước hôm nay.

Cuộc sống hiện đại đang đổi thay từng ngày từng giờ, nếu chúng ta không nhanh, chúng ta sẽ lỡ bước, tụt lại sau đà đi lên của cả thế giới. Lực lượng chính có thể bắt kịp bước nhảy công nghiệp hóa, hiện đại hóa là thế hệ trẻ. Tuổi trẻ là thế hệ được sinh ra và trưởng thành trong điều kiện hòa bình, nhiều cơ hội học tập và phát triển, được trao những quyền lợi xứng đáng. Đảng, Nhà nước và các cấp luôn tạo điều kiện, quan tâm bồi dưỡng lớp trẻ Việt Nam. Không chỉ xây dựng cơ sở vật chất học tập, nghiên cứu, đất nước còn trao cho họ nhiều cơ hội giao lưu với bạn bè thế giới, cử đi đào tạo ở nhiều quốc gia giáo dục phát triển. Sự thực đã chứng minh bằng bảng thành tích chói lọi của thế hệ trẻ Việt Nam với những huy chương tại Olympic Châu Á, Đông Nam Á, Quốc tế, Thế vận hội, thi đấu thể thao. Chiến thắng thuyết phục cho ngôi vị Á quân của Đội tuyển bóng đá U23 vừa qua cũng khiến cả thế giới nghiêng mình cảm phục, cả dân tộc vỡ òa trong niềm tự hào, vui sướng.

Tuổi trẻ mang trong mình sức khỏe dồi dào, tinh thần phấn chấn, nhiệt huyết cháy bỏng. Họ đam mê, táo bạo và sẵn sàng dấn thân, không ngại khó ngại khổ. Chính vì thế, tuổi trẻ có đầy đủ hành trang và năng lực để kiến tạo tương lai. Dù gặp thất bại cũng không lùi bước. Không những thế, thế hệ trẻ ai ai cũng được học những bài học lích sử chân thật mà hào hùng, bi tráng. Tình yêu quê hương và niềm tự hào dân tộc đã thấm vào tiềm thức của họ, tình cảm đó chính là động lực để họ nỗ lực dựng xây Tổ quốc. 

Ý thức được vai trò của mình, tuổi trẻ hôm nay cần làm gì để cống hiến cho tương lai đất nước? Điều quan trọng nhất trong mọi hoàn cảnh là ra sức học tập để nâng cao hiểu biết, bồi dưỡng trí tuệ bản thân. Song “học phải đi đôi với hành”, tích cực tham gia các hoạt động xã hội để mở rộng mối quan hệ, tự tin giao tiếp.  Có tài nhưng phải có đức, chủ động rèn luyện ý chí, tinh thần, thi đua lập thành tích tốt trong tất cả các lĩnh vực. Chủ động và có trách nhiệm với bản thân, tiếp nối sự giao phó của thế hệ đi trước. Không phải tất cả thế hệ trẻ đều mang nhiệt huyết cống hiến, dựng xây tương lai đất nước. Trong thực tế, vẫn có một bộ phận người trẻ ích kỷ, bồng bột, đua đòi ăn chơi sa đọa, trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội, cản trở sự phát triển, văn minh. Đó là những nhược điểm, thói quen tật xấu mà thế hệ trẻ cần chủ động tránh xa, bài trừ.

“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Tuổi trẻ là động lực to lớn trong công cuộc dựng xây tương lai đất nước. Mỗi bạn trẻ hãy cố gắng rèn luyện, hoàn thiện bản thân để góp sức phát triển đất nước, để xứng đáng với lịch sử hào hùng và những gì Tổ quốc đã trao tặng.

Đề 2

Văn học và tình thương. (Gợi ý : Chứng minh rằng văn học của dân tộc ta luôn ca ngợi những ai biết “thương người như thể thương thân” và nghiêm khắc phê bình những kẻ thờ ơ, dửng dưng trước người gặp hoạn nạn.) 

Hướng dẫn giải

Văn học không chỉ là sản phẩm thi ca mà còn chứa đựng trong đó những nét đẹp văn hóa của mỗi dân tộc. Dân tộc Việt Nam là dân tộc giàu tình yêu thương và lòng nhân ái, tình yêu thương ấy luôn được gửi gắm chân thành, cảm động trong các tác phẩm văn học. Văn học gắn liền với tình thương.

Trong suốt hành trình hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, tình yêu thương luôn là tình cảm xuyên suốt. Văn học Việt Nam là món ăn tinh thần, sản phẩm kết tinh của con người Việt. Đồng hành cùng lịch sử nước nhà nên văn học luôn phản ánh những nét đẹp tinh thần của thời đại. Tình yêu thương chính là một trong những tình cảm chủ đạo, là nguồn cảm hứng của văn học từ bao đời nay.

Nhắc đến văn học Việt Nam, không thể không nhắc văn học dân gian – bộ phận văn học tiêu biểu của văn hóa dân tộc. Tình yêu thương được phản ảnh đầu tiên và sâu sắc trong văn học dân gian đó. Những câu ca dao, tục ngữ, những lời hát chứa chan tình yêu thương được lưu giữ bằng hình thức truyền miệng từ đời này qua đời khác, trở thành câu nói mà trái tim con người Việt Nam luôn ghi nhớ. Đơn giản là tình yêu thương trong gia đình, tình mẫu tử, tình phụ tử thiết tha, sâu nặng như:

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ me kính cha

Cho trò chữ hiểu mới là đạo con”

Hay tình thương cho những bác nông dân - con người âm thầm lặng lẽ, một nắng hai sương làm ra hạt gạo trắng ngần:

“Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”

Và tình thương bao la, rộng lớn hơn giữa những người không chút máu mủ, ruột thịt nhưng cùng một quốc gia, dân tộc, cùng sống ở trên đời:

“Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”

“Thương người như thể thương thân”

Những câu hát ngọt ngào ấy đã trở thành tuổi ấu thơ của bao thế hệ, bồi đắp tình cảm cho con người ngay từ những ngày tấm bé, để mai sau lớn lên biết trân trọng và biết yêu thương nhiều hơn.

Không chỉ có vậy, những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết cũng gửi gắm bao tình thương chân thành cảm động. Đó là tình thương cho những nhân vật bất hạnh nhưng kiên cường, nhân hậu như Thạch Sanh, anh Khoai, cô Tấm. Đồng thời nghiêm khắc phê bình những con người thờ ơ, dửng dưng trước những người gặp hoạn nạn, hay thậm chí độc ác nhẫn tâm, làm hại người khác như mẹ con Lý Thông, mẹ con Cám... 

Văn học phát triển theo từng quá trình của con người, dễ dàng đi sâu vào phản ánh nội tâm sâu sắc của con người, tình thương gửi gắm vào đó cũng ngày càng sâu sắc hơn. Dưới ngòi bút văn học hiện đại nhạy cảm như Nguyên Hồng, Khánh Hoài, ta đã được cảm nhận những tác phẩm văn học đầy tình thương cho những đứa trẻ. Hồi kí "Những ngày thơ ấu" của Nguyên Hồng kể một câu chuyện về cậu bé Hồng thiếu thốn tình thương nhưng vô cùng trong sáng, hồn nhiên. Mặc kệ những lời nói cay nghiệt của bà cô bên nội, Hồng vẫn giữ trọn sự kính trọng và tình yêu cho mẹ của mình. Cảm giác hạnh phúc đến vô bờ khi ngồi trong lòng mẹ được mẹ ôm ấp vỗ về, được ngắm nhìn khuôn măt thân yêu của người mẹ,...của Hổng được gợi lại chân thực và xúc động đã khiến mỗi con người lặng lẽ dõi về cội nguồn, về tình mẫu tử thiêng liêng, quý giá. Tập hồi kí đã lắng đọng trong trái tim người đọc tình thương, sự đồng điệu của trái tim người cầm bút cho nhân vật và niềm yêu thương, sẻ chia với những cuộc đời đắng cay, bất hạnh.

‘Cuộc chia tay của những con búp bê” – Khánh Hoài cũng khiến bao người rơi lệ vì câu chuyện xúc động của hai anh em Thành, Thủy vì bố mẹ ly hôn, vì bi kịch của người lớn mà phải chia xa. Tình thương của Khánh Hoài cho hai đứa trẻ và tình cảm anh em thơ ngây của Thành, Thủy chính là bức tranh chân thực nhất về thứ tình cảm gia đình vô giá.

Trong kho tàng văn học rộng lớn của dân tộc còn biết bao tác phẩm chứa đựng tình thương khác. Tất cả đều nâng niu và trân trọng những số phận kém may mắn, tình cảm đáng quý trong cuộc đời và lên án những trái tim ích kỷ, thờ ơ với nỗi đau, sự bất hạnh của con người. Văn học chính là những tác phẩm về cuộc đời chân thực, cảm động về tình thương, về con người. Hãy trân trọng và tiếp thu nét đẹp đáng quý đó.

Đề 3

Hãy nói không với các tệ nạn. (Gợi ý : Hãy viết một bài nghị luận để nêu rõ tác hại của một trong các tộ nạn xã hội mà chúng ta cần phải cương quyết và nhanh chóng bài trừ như cờ bạc, tiêm chích ma tuý, hoặc tiếp xúc với văn hoá phẩm không lành mạnh...)

Hướng dẫn giải

Đề tài lựa chọn: văn hoá phẩm không lành mạnh 

Bài làm

Cuộc sống ngày càng phát triển, đời sống con người cũng ngày càng được nâng cao. Song nhiều vấn đề theo đó xuất hiện, đòi hỏi sự giải quyết thấu đáo. Một trong những vấn đề ấy là tệ nạn. Tệ nạn gây nhức nhối hiện nay trong xã hội là tiếp xúc với những văn hóa phầm không lành mạnh.

Văn hóa phẩm không lành mạnh là gì? Đó là các sản phẩm văn hóa phản ánh những khía cạnh văn hóa không tốt, gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển suy nghĩ, nhân cách con người. Văn hóa phẩm không lành mạnh đề cập đến những nội dung không phù hợp như bạo lực, tình dục,... Nó tồn tại dưới nhiều hình thức như truyện tranh, phim ảnh, trò chơi...

Không phải tự nhiên mà văn hóa phẩm không lành mạnh lại có cơ hội xâm nhập vào cuộc sống con người. Có những nguyên nhân khách quan như sự bất chấp của nhiều cá nhân, doanh nghiệp vì lợi ích kinh tế mà sản xuất ra những sản phẩm đó. Thậm chí trốn tránh pháp luật để lưu hành trái phép, trục lợi cá nhân mà không quan tâm đến hậu quả. Thời đại công nghệ số, tốc độ Internet lan truyền chóng mặt, các loại văn hóa phẩm này dễ dàng truyền đến con người nhanh chóng. Ngay ở những trang giáo dục, đôi khi vẫn hiện những hình ảnh quảng cáo. Con người thường có trí tò mò, sẽ bị thu hút và đi đến tiếp xúc, tiếp xúc lâu ngày sẽ sinh ra tâm lý ảnh hưởng. Hàng ngày, những quảng cáo như vậy vẫn luôn được chạy trên rất nhiều trang mạng xã hội và rất nhiều người vẫn đang bị tiếp cận từng ngày. Đối với trẻ em, không có sự giáo dục, cảnh báo từ người lớn lại càng dễ sa vào hơn. Tuy nhiên, nguyên nhân chính xuất phát từ chủ quan người có nhu cầu với các văn hóa phẩm không lành mạnh. Có những người vì trí tò mò, cũng có nhiều người có ý chí tự chủ không vững vàng, dễ bị lôi kéo và dễ sa đọa.

Hàng ngày, hàng giờ, con người cứ tiếp xúc với văn hóa phẩm không lành mạnh mà không hề để ý đến hậu quả khôn lường của nó. Những thước phim ảnh, trò chơi bạo lực được phát triển đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến con người. Với hình ảnh kích thích thị giác, tiếp xúc lâu ngày sẽ khiến con người sinh ra ảo giác và xu hướng bạo lực hơn. Những câu chuyện cổ tích ngày xưa, dần thay thế bằng những bộ phim hành động, nhiều cảnh bạo lực, trẻ em tiếp xúc nhiều sẽ bị tăng động. Qúa trình phát triển năng lực và nhân cách bị chi phối nặng nề. Nhiều thanh niên nghiện game bắn súng, chém giết đến quên ăn quên ngủ. Nhiều người bị ảnh hưởng đến nỗi ra dường vẫn ảo tưởng về những hình ảnh trong phim, trong game. Tình dục cũng là một vấn nạn gây bức xúc hiện nay. Thế hê những em nhỏ, chưa đủ nhận thức, tiếp xúc với văn hóa phẩm khiêu dâm, dễ hình thành suy nghĩ lệch lạc, dần dần khiến nhân cách suy đồi nếu không được phát hiện và uốn nắn đúng hướng. Nhiều người lớn lâm vào những văn hóa phẩm ấy, nhân cách bị thoái hóa nghiêm trọng. Những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, người thân đã tăng lên một cách đáng sợ khiến cả xã hội bàng hoàng, xót xa và phẫn nộ chính là hồi chuông cảnh tỉnh.

Hãy nói không với văn hóa phẩm không lành mạnh bằng các hành động cụ thể. Nhà nước, gia đình, xã hội cần chung tay loại bỏ thứ văn hóa phẩm ảnh hưởng xấu đó. Gia đình và nhà trường cần giáo dục, cung cấp hiểu biết cho con em mình để các em nhận thức được những tác hại của văn hóa phẩm không lành mạnh, chủ động tránh xa. Nhà nước cần có biện pháp nghiêm khắc hơn với các hình thức quảng bá văn hóa phẩm không lành mạnh để nó không có cơ hội lan truyền, phát tán ngày càng lớn trong xã hội. Đặc biệt bản thân mỗi người cần có ý thức xây dựng lập trường, lối sống lành mạnh, không tiếp xúc, sa đọa để xây dựng cho mình đời sống tốt đẹp, không gây hại cho mọi người xung quanh.

Cuộc sống là nguồn quý chung của tất cả mọi người mà không phải của riêng ai. Văn hóa phẩm không lành mạnh chỉ là một tệ nạn trong xã hội hiện nay. Hãy cùng nhau nói không với văn hóa phẩm không lành mạnh và các tệ nạn khác để xây dựng cuộc sống tương lai hạnh phúc.

Có thể bạn quan tâm