Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Hướng dẫn soạn bài Thành ngữ

THÀNH NGỮ

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Khái niệm thành ngữ

a) Cho ví dụ sau:

Nước non lận đận một mình

Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay.

-  Có thể thay một vài từ trong cụm từ lên thác xuống ghềnh bằng những từ khác được không? Có thể thay đổi vị trí các từ trong cụm từ này được không?

- Cụm từ lên thác xuống ghềnh là thành ngữ, vậy thành ngữ có đặc điểm gì?

Gợi ý: Thành ngữ thuộc loại cụm từ cố định, không thay đổi về cấu tạo trong sử dụng.

b) Hãy giải thích nghĩa của các cụm từ lên thác xuống ghềnh, nhanh như chớp.

Gợi ý: Chú ý tới ý nghĩa được biểu thị thông qua các hình ảnh lên thác xuống ghềnh: khó khăn, gian khổ chồng chất, long đong, lận đận liên tục; nhanh như chớp: diễn ra rất nhanh, bất chợt, trong chớp nhoáng.

2. Sử dụng thành ngữ

a) Tìm các thành ngữ trong những câu sau:

- Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non.

(Hồ Xuân Hương)

- Anh đã nghĩ thương em như thế thì hay là anh đào giúp cho em một cái nghách sang nhà anh, phòng khi tắt lửa tối đèn có đứa nào đến bắt nạt thì em chạy sang …

(Tô Hoài)

b) Các thành ngữ giữ chức vụ ngữ pháp gì trong câu?

c) Phân tích tác dụng của việc dùng thành ngữ trong các câu trên.

Gợi ý: Thành ngữ bảy nổi ba chìm làm vị ngữ trong câu, thành ngữ tối lửa tắt đèn là phụ ngữ của danh từ khi. Cũng có khi thành ngữ làm chủ ngữ trong câu, ví dụ: Mưa to gió lớn làm tan hoang cả khu vườn; hay làm phụ ngữ cho động từ như Nó chạy nhanh như chớp. So sánh giữa các thành ngữ với các cụm từ đồng nghĩa để rút ra nhận xét về tác dụng biểu đạt của thành ngữ, ví dụ: so sánh giữa bảy nổi ba chìm với long đong, phiêu dạt khắp nơi; so sánh tắt lửa tối đèn với khó khăn, hoạn nạn.

II. RÈN LUYỆN KĨ NĂNG

1. Tìm và giải thích nghĩa của các thành ngữ trong những câu sau:

a) Đến ngày lễ Tiên Vương, các lang mang sơn hào hải vị, nem công chả phượng tới, chẳng thiếu thứ gì.

(Bánh chưng, bánh giầy)

b) Một hôm, có người hàng rượu tên là Lí Thông đi qua đó. Thấy Thạch Sanh gánh về một gánh củi lớn, hắn nghĩ bụng: “Người này khoẻ như voi. Nó về ở cùng thì lợi biết bao nhiêu”. Lí Thông lân la gợi chuyện, rồi gạ cùng Thạch Sanh kết nghĩa anh em. Sớm mồ côi cha mẹ, tứ cố vô thân, nay có người săn sóc đến mình, Thạch Sanh cảm động, vui vẻ nhận lời.

(Thạch Sanh)

c) Chốc đà mười mấy năm trời,

Còn ra khi đã da mồi tóc sương.

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

Gợi ý: Tìm và tra Từ điển giải thích thành ngữ tiếng Việt để nắm được nghĩa cũng như cách dùng các thành ngữ. Các thành ngữ: sơn hào hải vị, nem công chả phượng, khoẻ như voi, tứ cố vô thân, da mồi tóc sương.

2. Các thành ngữ Con Rồng cháu Tiên, ếch ngồi đáy giếng, thầy bói xem voi có nguồn gốc từ đâu? Hãy kể vắn tắt các truyền thuyết và ngụ ngôn tương ứng để hiểu rõ hơn về nghĩa của các thành ngữ này.

Gợi ý: Có những thành ngữ có nguồn gốc từ các câu chuyện dân gian, truyền thuyết, truyện lịch sử,… Để hiểu được nghĩa của các thành ngữ này, cần nắm được nội dung của các câu chuyện tương ứng, là nguồn gốc của chúng. Đọc lại truyền thuyết Con Rồng, cháu Tiên và các truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng, Thầy bói xem voi trong SGK Ngữ văn lớp 6 và tóm tắt lại cốt truyện, nắm được cơ sở ý nghĩa của các thành ngữ này.

3. Điền vào chỗ trống các yếu tố để khôi phục các thành ngữ:

(1) Lời … tiếng nói

(2) Một nắng hai …

(3) Ngày lành tháng …

(4) No cơm ấm …

(5) Bách … bách thắng

(6) Sinh … lập nghiệp

Gợi ý: (1) – ăn; (2) – sương; (3) – tốt; (4) – cật; (5) – chiến; (6) – cơ.

4. Hãy sưu tập thêm các thành ngữ chưa xuất hiện trong SGK và giải thích nghĩa của chúng.

Gợi ý: Có thể kể thêm các thành ngữ như: mèo mả gà đồng, nhà tranh vách đất, đầu bạc răng long, ông chẳng bà chuộc, nước đổ lá khoai, vắt cổ chày ra nước, gậy ông đập lưng ông, hàng thịt nguýt hàng cá, mặt sứa gan lim, già trái non hột, … Tra Từ điển giải thích thành ngữ tiếng Việt để hiểu nghĩa của các thành ngữ này.

Bài tập

Có thể bạn quan tâm



Có thể bạn quan tâm