Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Hướng dẫn soạn bài Tự tình (bài II) - Hồ Xuân Hương

TỰ TÌNH
                                              Hồ Xuân Hương
 
I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Tác giả : 
Hồ Xuân Hương là nữ sĩ tài năng, là hiện tượng văn học trung đại Việt Nam, song cũng là nhà thơ mà cuộc đời còn rất nhiều bí ẩn. Hiện nay phần đông các nhà nghiên cứu thống nhất ý kiến: Bà là con ông Hồ Phi Diễn, một nhà Nho nghèo quê ở Nghệ An. Ông Hồ Phi Diễn ra Bắc dạy học và lấy vợ lẽ, rồi sinh ra Hồ Xuân Hương. Gia đình bà từng sống ở Thăng Long. Bà giao du rộng rãi, đường tình duyên của bà gặp nhiều trắc trở.
2. Tác phẩm : 
Bài thơ thuộc chùm ba bài thơ Tự tình của Hồ Xuân Hương. Chùm thơ bộc lộ tâm sự của một người phụ nữ đa đoan luôn khát khao hạnh phúc nhưng luôn gặp những điều bất hạnh. Hiện lên trong chùm thơ là người phụ nữ đằm thắm, cá tính mãnh liệt nhưng không thiếu sự dịu dàng yếu đuối của nữ tính. Bài thơ đã thể hiện một số đặc điểm nổi bật trong phong cách nghệ thuật Hồ Xuân Hương, đó là cảm xúc táo bạo, cái Tôi cá nhân đầy tâm trạng và những hình thơ đầy cá tính với một niềm khát khao hạnh phúc, khát khao sống mãnh liệt. Bài thơ Tự tình tiêu biểu cho phong cách thơ Hồ Xuân Hương ở nỗi cô đơn, ở niềm khát khao hạnh phúc, ở tâm trạng uất ức luôn muốn phá vỡ những khuôn khổ chật hẹp của cuộc sống. Trong bài thơ có sự xuất hiện rất rõ ràng và cụ thể hình tượng nhân vật trữ tình. Cái Tôi cá nhân xuất hiện rất rõ với tâm trạng buồn và cô đơn trĩu nặng.
 
II. RÈN KĨ NĂNG
1. Hai câu đầu khái quát không gian, thời gian làm nền cho tâm trạng. Thời gian: đêm khuya. Không gian: trống trải, mênh mông, văng vẳng tiếng trống cầm canh. Đêm khuya buồn và vắng. “Trống canh dồn” gợi vẻ tĩnh lặng của không gian và sự trôi chảy gấp gáp của thời gian. Trên cái nền không gian trống trải ấy xuất hiện hình ảnh nhỏ nhoi đến cô độc “trơ cái hồng nhan”. Cái đối với nước non đã nhỏ nhoi lắm rồi lại thêm “cái” như một sự xác đinh, như sự đóng đinh cái lẻ loi vào nền không gian trải rộng. Hai câu thơ làm nổi bật lên sự cố đơn, lẻ loi của nhân vật trữ tình.
2. Hai câu 3 - 4 trực tiếp thể hiện tâm trạng. Đó là tâm trạng buồn không lối thoát. Nhân vật trữ tình tìm đến rượu để giải thoát mình khỏi nỗi cô đơn. Nhưng hương rượu lại càng làm cho người tỉnh táo hơn. Tỉnh và nhận ra sự thật phũ phàng: hạnh phúc không vẹn tròn. Hình ảnh “Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn” thể hiện nỗi cay đắng. Nó khiến người ta liên tưởng đến cảnh ngộ của người phụ nữ bị rơi vào cảnh ngộ duyên phận lỡ làng. Người phụ nữ ấy không chấp nhận thực tại và vẫn khát khao hạnh phúc.
3. Hai câu 5 - 6 mang đậm cá tính của Hồ Xuân Hương. Hai hình ảnh thiên nhiên rất dữ dội thể hiện sự bức bối trong tâm trạng và khát khao phá vỡ những lối mòn quen thuộc của cuộc sống để được tự do. Lối đảo ngữ cùng với những động từ mạnh và gợi cảm thể hiện rõ hơn nỗi khát khao hạnh phúc, giải thoát khỏi cô đơn của nhân vật trữ tình.
4. Hai câu kết bỗng nhiên chùng xuống. Dường như mọi cố  gắng đều vô ích. Sự thật vẫn là sự thật. Tâm trạng được trực tiếp bộc lộ. Thời gian vô tình cứ trôi chảy, xuân của tự nhiên qua đi rồi trở lại nhưng xuân của người thì không. Câu thơ cuối phản phất sự cay đắng chua xót của người phụ nữ bất hạnh, có những cuộc tình duyên không trọn vẹn đủ đầy.
5. Trong Tự tình, nhà thơ đã dùng nhiều từ ngữ và hình ảnh gây ấn tượng mạnh, đó là các từ thuần Việt giàu hình ảnh, màu sắc với sắc thái đặc tả mạnh, như các động từ dồn, trơ, xế, đâm toạc, xiên ngang, đi, lại lại, san sẻ..., các tính từ say, tỉnh, khuyết, tròn… Các từ ngữ này có khả năng biểu lộ chính xác và tinh tế trạng thái tâm trạng của nhân vật trữ tình. Đó là sự cô đơn, là khát khao được sống, được hạnh phúc. Tâm trạng uất ức bị dồn nén dường như được thoát ra, trải ra cùng những hình ảnh, những từ ngữ táo bạo ấy.

Bài tập

Có thể bạn quan tâm



Có thể bạn quan tâm