Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Kiểm tra tổng hợp cuối học kì I

Gửi bởi: Phạm Thọ Thái Dương 10 tháng 2 2020 lúc 15:41:17


I. PHẦN TRẮC NGHIỆM (3 điểm)

Câu 1. Người viết Chiếu cầu hiền là ai?

A. Lê Thánh Tông

C. Quang Trung

B. Thân Nhân Trung

D. Ngô Thì Nhậm

Câu 2. Phẩm chất chủ yếu nào của người nông dân được Nguyễn Đình Chiểu ngợi ca trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc?

A. Cần cù, giản dị

C. Dũng cảm chiến đấu vì Tổ quốc

B. Chịu thương, chịu khó

D. Lập chiến tích vẻ vang

Câu 3. Tác phẩm nào đã nói đến sự hi sinh thầm lặng của người phụ nữ?

A. Tự tình (bài II)

C. Thương vợ

B. Khóc Dương Khuê

D. Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc

Câu 4. Trong số những văn bản dưới đây, văn bản nào được viết theo thể hát nói?

A. Bài ca ngắn đi trên bãi cát

C. Vịnh khoa thi Hương

B. Lẽ ghét thương

D. Bài ca phong cảnh Hương Sơn

Câu 5. Văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 phát triển dưới chế độ xã hội nào?

A. Phong kiến

C. Thực dân, nửa phong kiến

B. Thực dân, phong kiến

D. Nửa thực dân, nửa phong kiến

Câu 6. Vì sao viên quản ngục trong Chữ người tử tù nhận mình là “kẻ mê muội”?

A. Đã không thấy hết tài viết chữ của ông Huấn Cao

B. Đã không nhận rõ lẽ sống cao đẹp của con người

C. Để tỏ lòng tôn kính đối với người cho chữ

D. Để tỏ thái độ khiêm tốn, nhún nhường

Câu 7. Trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia, tiếng cười trào phúng và lòng căm phẫn của tác giả Vũ Trọng Phụng nhằm vào đối tượng nào?

A. Những kẻ còn giữ thói phong kiến hủ lậu

B. Những kẻ đua đòi “tân thời” – Âu hóa

C. Những kẻ vì ham của, hợm của mà mất hết tình người

D. Cả ba ý trên

Câu 8. Những lời nói cuối cùng của Chí Phèo thể hiện tâm trạng nào?

A. Khao khát sống

B. Liều chết

C. Căm hờn khi thấy mình đã bị lưu manh hóa

D. Uất ức, tuyệt vọng vì bị cự tuyệt quyền làm người

Câu 9. Dòng nào nêu đầy đủ và chính xác tác dụng của việc sử dụng thành ngữ?

A. Sinh động; hàm súc, gần gũi với người lao động

B. Hàm súc, giàu hình ảnh, cảm xúc; gần gũi với người lao động

C. Sinh động; hàm súc, giàu hình ảnh, cảm xúc

D. Gần gũi với người lao động, sinh động, giàu hình ảnh, cảm xúc

Câu 10. Trong đoạn thơ:

Lặn lội thân cò khi quãng nắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông

Một duyên hai nợ âu đành phận

Năm nắng mười mưa dám quản công

(Trần Tế Xương, Thương vợ)

Có mấy thành ngữ?

A. Hai

C. Bốn

B. Ba

D. Năm

Câu 11. Trong hai câu thơ: “Mõ thảm không khua mà cũng cốc – Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om” (Hồ Xuân Hương, Tự tình – Bài I) có hiện tượng sử dụng từ ngữ theo phương thức chuyển nghĩa nào?

A. Ẩn dụ

C. Mở rộng phạm vi nghĩa

B. Hoán dụ

D. Ẩn dụ và hoán dụ

Câu 12. Dòng nào nêu đầy đủ và chính xác những thành phần câu có tác dụng liên kết ý trong văn bản?

A. Chủ ngữ; thành phần phụ chú; trạng ngữ chỉ tình huống

B. Chủ ngữ trong kiểu câu bị động; khởi ngữ; trạng ngữ chỉ tình huống

C. Chủ ngữ; thành phần phụ chú; khởi ngữ

D. Khởi ngữ, thành phần phụ chú, trạng ngữ chỉ tình huống

II. PHẦN TỰ LUẬN (7 điểm) Chọn một trong hai đề sau:

Đề 1. Bàn về lợi ích và hứng thú của việc tự học

Đề 2. Nêu ý kiến của anh (chị) về chủ đề của truyện ngắn Hai đứa trẻ. Theo anh (chị), đó là câu chuyện về một ngày tàn, một phiên chợ tàn và những cuộc đời tàn tạ hay là câu chuyện về niềm khát khao vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn?

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

I. PHẦN TRẮC NGHIỆM

1. D

2. C

3. C

4. D

5. C

6. D

7. D

8. D

9. D

10. A

11. A

12. D

II. PHẦN TỰ LUẬN

Đề 1

a. Mở bài: Giới thiệu vấn đề được bàn luận

b. Thân bài:

- Những phương pháp trong học tập: tự học, học nhóm, học cùng thầy cô.

- Thế nào là tự học?

+ Học tập một mình, độc lập

+ Tinh thần tự giác, cần mẫn, chăm chỉ

- Tác dụng của việc tự học:

+ Rèn luyện khả năng tự làm việc của bản thân. Từ đó phát huy tính tự lập, tự mày mò, tìm hiểu, lòng kiên nhẫn, cần cù, chăm chỉ và ý chí phấn đấu trong học tập.

+ Tự học giúp người học có thể hiểu bài, tự lĩnh hội được kiến thức không chỉ từ thầy cô, từ sách vở mà còn từ chính khả năng của mình.

+ Biết được lực học, khả năng sáng tạo, tìm tòi, hiểu bài của bản thân. Từ đó tìm ra những yếu điểm, những lỗ hổng kiến thức; những khả năng, lợi thế để tiếp tục phát huy.

+ Tự học là hình thức đánh giá trình độ nhận thức cũng như sự tư duy, sáng tạo của bản thân.

+ Tự học giúp chúng ta có thể sử dụng thời gian một cách linh động và hiệu quả nhất.

+ Không bị phân tán, dễ tập trung vào công việc; giúp theo đuổi và thực hiện thành công những ý tưởng độc đáo, sáng tạo táo bạo của bản thân.

+ Tự học còn là một cách để rèn luyện tính kiên nhẫn, chịu khó, ham học hỏi của bản thân.

- Những khó khăn gì khi tự học?

+ Chán nản vì những vấn đề khó trong học tập

+ Cần có lòng quyết tâm, sự nhẫn lại, cần cù.

- Sự phân bố thời gian cho việc tự học như thế nào cho hiệu quả ?

- Nên kết hợp với các hình thức học khác không? Có.

+ Học cùng thầy cô

+ Học nhóm

c. Kết bài: Khẳng định lại vấn đề. Liên hệ bản thân.

Đề 2

a. Mở bài:

- Giới thiệu về Thạch Lam và một vài nét tiêu biểu nhất về phong cách nghệ thuật của ông.

- Giới thiệu về truyện ngắn Hai đứa trẻ.

- Đưa ra vấn đề cần bàn luận

b. Thân bài

- Chủ đề của truyện?

+ Cuộc sống quẩn quanh, bế tắc, tội nghiệp của những người dân nghèo khổ nơi những phố huyện tồi tàn

+ Sự thương cảm, giá trị nhân đạo của tác giả

- Những hình ảnh, câu chuyện mà truyện đề cập đến:

+ Hình ảnh ngày tàn được miêu tả như thế nào: tiếng trống thu không, hình ảnh mặt trời lặn, dãy tre làng đen lại,...

+ Hình ảnh phiên chợ tàn: Mọi người gần như đã về hết, chỉ còn lại đôi người đang còn dở câu chuyện; trên đất la liệt rác rưởi; lũ trẻ con đang cố nhặt nhạnh, tìm tòi những gì còn có thể dùng được của những người bán hàng để lại,...

+ Hình ảnh những kiếp người tàn: Hai chị em Liên, mẹ con chị Tí, vợ chồng bác xẩm, cụ Thi điên,…

=> Đó là một nhịp sống nghèo nàn, đơn điệu, quẩn quanh và tẻ nhạt của phố huyện. Người dân vẫn ngày ngày bám trụ tại đó để kiếm sống.

- Những vấn đế lớn lao - giá trị nhân đạo trong tác phẩm

+ Hai chị em Liên và An là minh chứng cho câu chuyện về niềm khát khao vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn

+ Niềm tin, niềm hi vọng vào một cái gì đó đẹp đẽ hơn cho cuộc sống của họ trong tương lai.

=> Hai đứa trẻ là câu chuyện về niềm khát khao vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.

c. Kết bài:

+ Chủ đề của truyện.

+ Khẳng định lại vấn đề.

+ Tình cảm của tác giả.

Bài viết tham khảo:

TỰ HỌC LÀ MỘT CÁI THÚ

(trích)

          Ta không thể ghét sự tự học được: nó là một cuộc du lịch […]

          J.J Ru-xô và V. Huy-gô, hai văn hào ở Pháp đều ca tụng thú đi chơi bộ.

          J.J Ru-xô nói: “Lúc nào muốn đi thì đi, muốn ngừng thì ngừng, muốn vận động nhiều hay ít tùy ý. Cái gì thích thì nhận xét, cảnh nào đẹp thì ngừng lại. Chỗ nào tôi thấy thú thì tôi ở lại. Cái gì thích thì nhận xét, cảnh nào đẹp thì ngừng lại. Chỗ nào tôi thấy thú thì tôi ở lại. Hễ thấy chán thì tôi đi, tôi chỉ tùy thuộc tôi, tôi được hưởng tất cả sự tự do mà một người có thể hưởng được”.

          Còn V. Huy-gô thì viết: “Người ta được tự chủ, tự do, người ta vui vẻ. Người ta đi, người ta ngừng, người ta lại đi, không có gì bó buộc, không có gì ngăn cản”.

          Cái thú tự học cũng giống cái thú đi chơi bộ ấy. Tự học cũng là một cuộc du lịch, du lịch bằng trí óc, một cuộc du lịch say mê gấp trăm lần du lịch bằng chân, vì nó là du lịch trong không gian lẫn thời gian. Những sự hiểu biết về loài người là một thế giới mênh mông. Kể làm sao hết được những vật hữu hình và vô hình mà ta sẽ thấy trong cuộc du lịch bằng sách vở.

          Ta cũng được tự do, muốn đi đâu thì đi, ngừng đâu thì ngừng. Bạn thích cái xã hội ở thời Đường bên Trung Quốc thì đã có những thi nhân đại tài tả viên “Dạ minh châu” ở   Đường Minh Hoàng, khúc “Nghê thường vũ y” của Dương Quý Phi cho bạn biết. Tôi thích nghiên cứu đời con kiến, con sâu – mỗi vật là cả một thế giới huyền bí đấy, bạn ạ - thì đã có J. H Pha-brơ và hàng chục nhà sinh vật học khá sẵn sàng kể chuyện cho tôi nghe một cách hóm hỉnh hoặc thi vị.

          Đương học về kinh tế, thấy chán những con số ư? Thì ta bỏ nó đi mà coi cảnh hồ Ba Bể ở Bắc Cạn hay cảnh núi non ở Thụy Sĩ, cảnh trời biển ở Ha-oai. Hoặc không muốn học nữa thì ta gấp sách lại, chẳng ai ngăn cản cả. […]

          Ta lại được quyền lựa chọn giáo sư.

          Ta đương học họ mà bỏ ngang, họ không hề giận, lúc khác muốn học lại thì họ vẫn sẵn sàng chỉ bảo […]. Giáo sư của ta nhiều vô kể, ta tha hồ lựa chọn. Họ sống đồng thời với ta hoặc trước ta cả chục thế kỉ, ở ngay trong xứ ta hoặc cách ta cả vạn cây số. Hết thảy đều tự thân đem những tinh hoa nhất của họ ra dạy ta mà đối với ta lễ phép và ôn tồn, thân mật như bạn bè.

          Nào phải họ chỉ dạy ta mà thôi. Họ còn an ủi ta nữa, kể lể tâm sự với ta. Ta thấy trong nỗi buồn khổ, lo lắng của họ, nỗi buồn khổ lo lắng của ta và ta hiểu rằng chúng ta không phải cô độc trong thế giới này. […]

          Tự học còn là một thú vui rất thanh nhã, nó nâng cao tâm hồn ta lên. Ta thấy như tự bắc được một cái cầu giữa tâm hồn ta và tâm hồn của các danh nhân trong muôn thuở.

          Chắc bạn còn nhớ lời của Von-te: “Người siêng học lần lần tự khoác cho mình một cái tôn vọng mà chức tước, của cải đều không cho được”. […]

          Thiêng liêng thay sự tự học! Mỗi lần vào một thư viện công cộng, tôi đều có cảm giác rờn rợn mà lâng lâng như vào một tòa đền […]. Ở đấy không có hương, không có trầm, nhưng có hàng chục, hàng trăm người đang tụng niệm, vì đọc sách có khác chi tụng kinh và sách nào đứng đắn mà chẳng là một cuốn kinh?

(Theo Nguyễn Hiến Lê, Tự học – một nhu cầu thời đại,

NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2003)


Được cập nhật: hôm kia lúc 12:25:00 | Lượt xem: 1005

Các bài học liên quan