Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Đề thi HSG GDCD 9 tỉnh Long An năm 2016-2017

a36c71ffd6f50a9997295d75bd7dc959
Gửi bởi: Nguyễn Minh Lệ 26 tháng 5 2022 lúc 17:44:56 | Được cập nhật: hôm kia lúc 6:15:27 | IP: 14.185.25.86 Kiểu file: DOC | Lượt xem: 203 | Lượt Download: 6 | File size: 0.069632 Mb

Nội dung tài liệu

Tải xuống
Link tài liệu:
Tải xuống

Các tài liệu liên quan


Có thể bạn quan tâm


Thông tin tài liệu

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
LONG AN
ĐỀ CHÍNH THỨC

(Đề thi gồm có 02 trang)

KỲ THI HỌC SINH GIỎI LỚP 9 CẤP TỈNH
MÔN THI: GIÁO DỤC CÔNG DÂN
NGÀY THI: 21/4/2017
THỜI GIAN: 150 PHÚT (không kể thời gian phát đề)

Câu 1: (3,0 điểm)
a) Theo Hiến pháp năm 1992, bộ máy nhà nước ta gồm những loại cơ quan nào?
Hãy sắp xếp các cơ quan dưới đây vào hệ thống cơ quan trên: Quốc hội, Ủy ban nhân
dân huyện, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tối cao, Sở Giáo dục và
Đào tạo, Chính phủ, Hội đồng nhân dân xã, Bộ Giao thông vận tải.
b) Tình huống:
Bạn Bình, học sinh lớp 8A, thường xuyên đi học trễ, chạy xe máy trên 50 phân
khối, không đồng phục, nói chuyện riêng trong giờ học, tụ tập đánh nhau… làm ảnh
hưởng đến tập thể lớp. Em có nhận xét gì về những việc làm của bạn Bình? Em hãy
nêu ý nghĩa của tôn trọng kỉ luật.
Câu 2: (3,0 điểm)
a) Tình huống:
Nam vốn là một học sinh chăm ngoan, học giỏi. Thế nhưng từ khi cha mẹ li hôn,
Nam đã nhiều lần trốn học đi chơi nên kết quả học tập sa sút rất nhiều. Cả năm học
Nam không đóng bất kỳ khoản tiền nào cho nhà trường, dù được nhắc nhở nhiều lần.
Có lần Nam bị giáo viên chủ nhiệm nêu tên trước lớp vì chưa hoàn thành học phí.
Sau đó Nam đã bỏ học. Em có nhận xét gì về gia đình của Nam và Nam? Nếu là bạn
của Nam, em sẽ làm gì?
b) Nhà nước ta đã có những quy định thế nào về quyền và nghĩa vụ học tập của
công dân nói chung và trẻ em nói riêng?
Câu 3: (4,0 điểm)
a) Hiện nay có một số thanh thiếu niên thường vì những xích mích nhỏ mà tụ tập
đánh nhau hoặc chỉ vì muốn câu like mà có thể đem xăng đốt trường... Em có nhận
xét gì về lối sống của các thanh thiếu niên trên? Vì sao thanh niên cần sống có lí
tưởng? Cho ví dụ về một tấm gương thanh niên Việt Nam sống có lí tưởng.
b) Hiện nay, một số học sinh có quan niệm: “Được đến đâu thì hay đến đó”,
“Nước đến chân mới nhảy”. Em có đồng tình với quan niệm trên không? Vì sao? Em
hiểu thế nào là lí tưởng sống cao đẹp?
Câu 4: (4,0 điểm)
a) Vì sao cần phải hợp tác quốc tế? Em hãy kể tên 4 tổ chức quốc tế mà Việt
Nam là thành viên.
b) Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 46 – năm 2017 với chủ đề: “Hãy tưởng
tượng bạn là cố vấn cho Tổng Thư ký mới của Liên hợp quốc; vấn đề toàn cầu nào
bạn sẽ giúp ông ấy xử lý trước tiên và cách giải quyết vấn đề đó như thế nào?” . Nếu
chọn lĩnh vực môi trường em sẽ có cách giải quyết thế nào? Hãy nêu ít nhất 4 ví dụ
về việc hợp tác quốc tế của nước ta trong lĩnh vực môi trường?

Trang 1/6

Câu 5: (3,0 điểm)
a) Khi giáo viên giao bài tập về nhà thì có một số bạn không chịu làm mà mượn
bài làm sẵn của bạn khác để chép; khi nhà trường phát động cuộc thi “sáng tạo khoa
học kĩ thuật” thì các bạn từ chối tham gia... Em có nhận xét gì về việc này? Nếu là
bạn của các bạn ấy, em sẽ làm gì?
b) Có quan niệm cho rằng: chỉ có thể xây dựng kế hoạch hàng ngày, hàng tuần,
hàng tháng, hàng năm, không thể xây dựng kế hoạch sống và làm việc dài hơn. Em
có đồng tình với quan niệm trên không? Vì sao?
Câu 6: (3,0 điểm)
a) Tình huống:
Anh Tuấn và chị Nga làm việc cùng một công ty. Họ yêu nhau và quyết định đi
đến hôn nhân nên anh Tuấn dẫn chị Nga về quê ra mắt gia đình và họ hàng. Sau khi
tìm hiểu, cha mẹ anh Tuấn phát hiện ra cha chị Nga và cha anh Tuấn là anh em con
cô, con cậu của nhau (do chuyển nhà làm ăn phương xa nên nhiều năm họ không liên
lạc với nhau). Gia đình hai bên đã ngăn cấm không cho họ kết hôn. Trong trường hợp
này anh Tuấn và chị Nga có thể kết hôn với nhau được không? Vì sao? Nếu là anh
Tuấn hoặc chị Nga, em sẽ làm gì?
b) Em hiểu thế nào là tảo hôn? Nêu những nguyên nhân dẫn đến tảo hôn trong
cuộc sống.
------------------ HẾT -----------------Học sinh không được sử dụng tài liệu.
Giám thị coi thi không giải thích gì thêm.
Sưu tầm đề thi HSG cấp tỉnh Long An môn GDCD các năm
http://violet.vn/thcs-anluclong-longan/present/show/entry_id/12108929

Trang 2/6

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
LONG AN
ĐỀ CHÍNH THỨC
(Hướng dẫn chấm gồm có 03 trang)

KỲ THI HỌC SINH GIỎI LỚP 9 CẤP TỈNH
MÔN THI: GIÁO DỤC CÔNG DÂN
NGÀY THI: 21/4/2017
THỜI GIAN: 150 PHÚT (không kể thời gian phát đề)

HƯỚNG DẪN CHẤM

Câu 1: (3,0 điểm)
a) (1,5 đ)
* Bộ máy nhà nước gồm 4 loại cơ quan: Cơ quan quyền lực nhà nước, Cơ quan hành
chính nhà nước, Cơ quan xét xử, Cơ quan kiểm sát. (0,5 đ)
* Sắp xếp: (1 đ)
- Cơ quan quyền lực nhà nước: Quốc hội, Hội đồng nhân dân xã.
- Cơ quan hành chính nhà nước: Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Sở Giáo dục và
Đào tạo, Ủy ban nhân dân huyện.
- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tối cao.
- Cơ quan kiểm sát: Viện kiểm sát nhân dân tỉnh.
(Học sinh xếp đúng từ 1 đến 2 cơ quan đạt 0,25 đ.)
b) (1,5 đ)
* Nhận xét: Bạn Bình có hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm kỉ luật. Cụ thể:
- Vi phạm pháp luật: chạy xe máy trên 50 phân khối, tụ tập đánh nhau. (0,25 đ)
- Vi phạm kỉ luật: thường xuyên đi học trễ, không đồng phục, nói chuyện riêng trong
giờ học. (0,25 đ)
(HS không dẫn chứng đạt 0,25 đ; nêu thiếu 1 trong 2 vi phạm 0 đ.)
* Học sinh nêu được ý nghĩa của tôn trọng kỉ luật:
- Đối với bản thân: Tôn trọng và tự giác tuân theo kỉ luật, con người sẽ cảm thấy thanh
thản, vui vẻ, (0,25 đ) sáng tạo trong học tập, lao động. (0,25 đ)
- Đối với gia đình và xã hội: Nhờ tôn trọng kỉ luật, gia đình và xã hội mới có nền nếp,
kỉ cương, (0,25 đ) mới có thể duy trì và phát triển. (0,25 đ)
Câu 2: (3,0 điểm)
a) (2 đ)
* Nhận xét về gia đình Nam và Nam:
- Đối với gia đình Nam: Gia đình Nam chưa thực hiện được nghĩa vụ của cha mẹ đối
với con cái: (0,25 đ) không đóng các khoản tiền trường theo quy định của pháp luật; không
quan tâm, chăm sóc đến Nam; chưa tạo điều kiện cho Nam đến trường... (0,25 đ)
- Đối với Nam:
+ Nam thật đáng thương: Vì sống trong hoàn cảnh gia đình li tán do cha mẹ li hôn,
thiếu sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc của cha mẹ… (0,25 đ)
+ Nam cũng đáng trách: Vì không hoàn thành nghĩa vụ học tập của bản thân, thiếu tính
tự lập, tự chủ, dễ dàng gục ngã, bỏ cuộc trước khó khăn… (0,25 đ)
* Nếu là bạn của Nam, em có thể làm những việc sau đây:
- Quan tâm, an ủi, chia sẻ, động viên Nam tiếp tục đi học. (0,25 đ)
- Giải thích cho Nam hiểu nghĩa vụ học tập của trẻ em. (0,25 đ)
- Nhờ thầy cô, người lớn đến gia đình Nam vận động. (0,25 đ)
- Kêu gọi bạn bè quyên góp ủng hộ Nam, giúp đỡ bạn trong học tập… (0,25 đ)
(Học sinh diễn đạt ý tương đương vẫn đạt điểm.)
b) (1 đ)
Học tập là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân, được thể hiện:
Trang 3/6

- Mọi công dân có thể học không hạn chế, từ tiểu học đến trung học, đại học, sau đại
học; (0,25 đ) có thể học bất kì ngành nghề nào thích hợp với bản thân; (0,25 đ) tùy điều
kiện cụ thể, có thể học bằng nhiều hình thức và có thể học suốt đời. (0,25 đ)
- Trẻ em trong độ tuổi quy định có nghĩa vụ bắt buộc phải hoàn thành giáo dục tiểu
học (từ lớp 1 đến lớp 5), là cấp học nền tảng trong hệ thống giáo dục nước ta. (0,25 đ)
Câu 3: (4,0 điểm)
a) (1,5 đ)
* Nhận xét: Đây là biểu hiện của sống không có lí tưởng, (0,25 đ) sống ảo, muốn thể
hiện bản thân bằng những việc làm, hành động sai trái... (0,25 đ)
* Thanh niên cần sống có lí tưởng vì:
- Thanh niên là những chủ nhân trẻ tuổi của đất nước, là lực lượng chủ chốt trong sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. (0,25 đ)
- Lứa tuổi thanh niên là lứa tuổi của những ước mơ cao đẹp. (0,25 đ)
- Người có lí tưởng sống cao đẹp sẽ được mọi người kính trọng. (0,25 đ)
* Học sinh cho ví dụ về một tấm gương thanh niên Việt Nam sống có lí tưởng: Ngô
Bảo Châu. (0,25 đ)
(Học sinh cho ví dụ khác, nếu đúng vẫn đạt điểm.)
b) (2,5 đ)
* Em không đồng tình với quan niệm trên. (0,25 đ)
* Giải thích:
- Quan niệm “Được đến đâu thì hay đến đó” thể hiện thái độ luôn bằng lòng với
những thứ mình đã có, hiện có mà không có sự cầu tiến. (0,25 đ) (Nêu dẫn chứng). (0,25 đ)
- Quan niệm “Nước đến chân mới nhảy” thể hiện việc không biết lo xa, không biết lo
nghĩ cho tương lai. (0,25 đ) (Nêu dẫn chứng). (0,25 đ)
- Trong điều kiện đất nước đang trên đà phát triển và hội nhập quốc tế rất cần đến
những thanh niên, học sinh có hoài bão, có ước mơ, không ngừng phấn đấu học tập và rèn
luyện… để trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước, đưa đất nước tiến lên một tầm
cao mới. (0,25 đ)
- Những thanh niên học sinh có quan niệm trên thể hiện họ sống không có lí tưởng.
(0,25 đ) Nếu một đất nước mà thế hệ trẻ đều có quan niệm như thế thì đất nước sẽ không thể
phát triển được. (0,25 đ)
* Lí tưởng sống cao đẹp: Là người luôn suy nghĩ và hành động không mệt mỏi để thực
hiện lí tưởng của dân tộc, của nhân loại, vì sự tiến bộ của bản thân và xã hội, (0,25 đ) luôn
vươn tới sự hoàn thiện của bản thân về mọi mặt, mong muốn cống hiến trí tuệ và sức lực
cho sự nghiệp chung. (0,25 đ)
Câu 4: (4,0 điểm)
a) (2 đ)
* Cần phải hợp tác quốc tế vì hiện nay thế giới đang đứng trước những vấn đề cấp
thiết đe dọa sự sống còn của toàn nhân loại (0,25 đ) (như: bùng nổ dân số, ô nhiễm môi
trường, khủng bố quốc tế, dịch bệnh hiểm nghèo…); (0,25 đ) để giải quyết những vấn đề
đó, cần phải có sự hợp tác quốc tế, (0,25 đ) chứ không một quốc gia, một dân tộc riêng lẻ
nào có thể tự giải quyết được. (0,25 đ)
* Học sinh kể tên 4 tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên, ví dụ: (1 đ)
- Liên hợp quốc (UN).
- Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN).
- Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
- Tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa học Liên hợp quốc (UNESCO)…
(Học sinh có thể nêu tên các tổ chức quốc tế khác, nếu đúng mỗi ý đạt 0,25 đ.)
b) (2 đ)
Trang 4/6

* Hướng giải quyết như sau:
- Cho Tổng Thư ký Liên hợp quốc biết thực trạng của vấn đề ô nhiễm môi trường hiện
nay (Dẫn chứng cụ thể). (0,25 đ)
- Nêu những nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường (Dẫn chứng cụ thể). (0,25 đ)
- Nêu những hậu quả của việc ô nhiễm môi trường gây ra (Dẫn chứng cụ thể). (0,25 đ)
- Đề xuất những biện pháp khắc phục (Dẫn chứng cụ thể). (0,25 đ)
(Học sinh trình bày nếu thiếu chú thích dẫn chứng thì mỗi ý vẫn đạt 0,25 đ.)
* Học sinh nêu được 4 ví dụ về việc hợp tác quốc tế của nước ta trong lĩnh vực môi
trường: (1 đ)
- Ngày môi trường thế giới (05/6).
- Ngày thế giới không thuốc lá (31/5).
- Ngày thế giới bảo vệ tầng ôzon (16/9).
- Ngày thế giới chống vũ khí hạt nhân (06/8)…
(Học sinh có thể nêu ví dụ khác nếu đúng mỗi ý đạt 0,25 đ.)
Câu 5: (3,0 điểm)
a) (1,5 đ)
* Nhận xét: Việc làm của các bạn là sai, (0,25 đ) đây là biểu hiện của việc thiếu tự
giác, sáng tạo trong học tập, lao động. (0,25 đ)
* Nếu là bạn của các bạn ấy, em sẽ khuyên các bạn nên tự giác học bài và làm bài đầy
đủ, (0,25 đ) không nên trông chờ, ỷ lại, dựa dẫm vào người khác; (0,25 đ) nên tích cực tham
gia các hoạt động do nhà trường phát động thể hiện sự sáng tạo của học sinh. (0,5 đ)
b) (1,5 đ)
Em không đồng tình với quan niệm trên. (0,5 đ) Vì ngoài xây dựng kế hoạch hàng
ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng năm ta cũng có thể xây dựng kế hoạch sống và làm việc
nhiều năm. (0,5đ) Ví dụ như kế hoạch một bậc học, một cấp học, định hướng phấn đấu nghề
nghiệp trong tương lai, kế hoạch xây nhà… (0,5 đ)
(Học sinh nêu ví dụ khác nếu đúng vẫn đạt điểm.)
Câu 6: (3,0 điểm)
a) (1,5 đ)
* Anh Tuấn và chị Nga có thể kết hôn với nhau. (0,25 đ) Vì pháp luật chỉ cấm kết hôn
giữa những người có họ trong phạm vi ba đời (0,25 đ) còn anh Tuấn và chị Nga đã thuộc
đời thứ tư. (0,25 đ)
* Nếu là anh Tuấn hoặc chị Nga, em sẽ:
- Giải thích cho gia đình hiểu những qui định của pháp luật về hôn nhân và gia đình:
chỉ cấm kết hôn trong phạm vi 3 đời, nếu gia đình ngăn cấm không cho kết hôn là vi phạm
pháp luật về việc cản trở kết hôn. (0,5 đ)
- Xin phép hai gia đình cho được kết hôn. Nếu hai gia đình vẫn cương quyết không
cho kết hôn thì vẫn có thể cùng nhau đi đăng kí kết hôn. (0,25 đ)
(Học sinh diễn đạt ý tương đương vẫn đạt điểm.)
b) (1,5 đ)
- Tảo hôn là kết hôn trước tuổi quy định của pháp luật (0,25 đ) (Khi nam chưa đủ 20
tuổi, nữ chưa đủ 18 tuổi). (0,25 đ)
- Những nguyên nhân dẫn đến tảo hôn trong cuộc sống:
+ Do yêu sớm: Thanh thiếu niên trong độ tuổi học sinh nảy sinh tình cảm yêu đương,
đi quá giới hạn dẫn đến có thai ngoài ý muốn và kết hôn sớm. (0,5 đ)
+ Do gia đình ép buộc: Có thể do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cha mẹ ép gả con
cho gia đình giàu có để được giúp đỡ về kinh tế. (0,25 đ)
+ Do hủ tục lạc hậu: Ở những vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vẫn
còn những hủ tục như cưới gả sớm, bắt vợ... (0,25 đ)
Trang 5/6

(Học sinh chỉ nêu được 3 nguyên nhân mà không dẫn chứng đạt 0,5 đ.)
------------------ HẾT ------------------

Trang 6/6