Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Tuyển tập bộ đề đọc hiểu môn Văn ôn thi THPT quốc gia

d41d8cd98f00b204e9800998ecf8427e
Gửi bởi: Phạm Thị Thu Hiền 12 tháng 8 2020 lúc 13:46:19 | Được cập nhật: 8 giờ trước (15:42:11) Kiểu file: DOC | Lượt xem: 723 | Lượt Download: 6 | File size: 0.17408 Mb

Nội dung tài liệu

Tải xuống
Link tài liệu:
Tải xuống

Các tài liệu liên quan


Có thể bạn quan tâm


Thông tin tài liệu

Tuyển tập bộ đề đọc hiểu môn Văn ôn thi THPT quốc gia-Doc24.vn

Tuyển tập bộ đề đọc hiểu môn Văn

ôn thi THPT quốc gia

  1. Đề đọc hiểu số 1

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

Chao ôi! Trăng đẹp lắm! Trăng dịu dàng và trong trẻo và bình tĩnh. Nhưng trong trong những căn lều nát mà trăng làm cho cái bề ngoài trông cũng đẹp, biết bao người quằn quại, nức nở, nhăn nhó với những đau thương của kiếp mình! Biết bao tiếng nghiến răng và chửi rủa! Biết bao cực khổ và lầm than?... Không, không, Ðiền không thể nào mơ mộng được. Cái sự thật tàn nhẫn luôn luôn bày ra đấy. Sự thực giết chết những ước mơ lãng mạn gieo trong đầu óc Ðiền cái thứ văn chương của bọn nhàn rỗi quá. Ðiền muốn tránh sự thực, nhưng trốn tránh làm sao được? Vợ Ðiền khổ, con Ðiền khổ, cha mẹ Ðiền khổ. Chính Ðiền cũng khổ. Bao nhiêu người nữa, cùng một cảnh, khổ như Ðiền! Cái khổ làm héo một phần lớn những tính tình tươi đẹp của người ta. Tiếng đau khổ vang dội lên mạnh mẽ. Chao ôi! Chao ôi! Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than, vang dội lên mạnh mẽ trong lòng Ðiền. Ðiền chẳng cần đi đâu cả. Ðiền chẳng cần trốn tránh, Ðiền cứ đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy tất cả những vang động của đời…

(Trích “Giăng sáng”, Nam Cao)

Câu 1: Nêu các phương thức biểu đạt của đoạn trích trên. (0,5đ)

Câu 2: Tác giả đã sử dụng những biện pháp nghệ thuật nào trong đoạn trích? Nêu tác dụng. (0,75đ)

Câu 3: Tâm trạng của nhân vật Điền được thể hiện qua những chi tiết nào? (0,75đ)

Câu 4: Anh/chị rút ra được thông điệp gì thông qua đoạn trích? (1đ)

  1. Đề đọc hiểu số 2

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

Trên mạng xã hội, mỗi người là một ông bầu của chính mình trong cuộc xây dựng cho mình một hình ảnh cá nhân. Chúng ta đã trở nên kỳ quặc mà không hề biết. Hãy hình dung cách đây mười năm, trong một buổi họp lớp, một người bỗng nhiên liên tiếp quẳng ảnh con cái, ảnh dã ngoại công ty, ảnh con mèo, ảnh bữa nhậu, ảnh lái ô tô, ảnh hai bàn chân mình, ảnh mình trong buồng tắm lên bàn – chắc hẳn người đó sẽ nhận được những ánh mắt ái ngại (…)

Chiếc smartphone đã trở thành một ô cửa nhỏ dẫn người ta thoát khỏi sự buồn chán của bản thân, và cái rung nhẹ báo tin có thông báo mới của nó bao giờ cũng đầy hứa hẹn. Nhưng càng kết nối, càng online, thì cái đám đông rộn ràng kia lại càng làm chúng ta cô đơn hơn. Chỗ này một cái like, chỗ kia một cái mặt cười, khắp nơi là những câu nói cụt lủn, phần lớn các tương tác trên mạng hời hợt và vội vã. Càng bận rộn để giao tiếp nhiều thì chúng ta lại càng không có gì để nói trong mỗi giao tiếp. Ngược với cảm giác đầy đặn, được bồi đắp khi chúng ta đứng trước thiên nhiên hay một tác phẩm nghệ thuật lớn, trên mạng xã hội ta bị xáo trộn, bứt rứt, và ghen tị với cuộc sống của người khác như một người đói khát nhìn một bữa tiệc linh đình qua cửa sổ mà không thể bỏ đi. Đêm khuya, khi các chấm xanh trên danh sách friend dần dần tắt, người ta cuộn lên cuộn xuống cái news feed để hòng tìm một status bị bỏ sót, một cứu rỗi kéo dài vài giây, một cái nhìn qua lỗ khóa vào cuộc sống của một người xa lạ, để làm tê liệt cảm giác trống rỗng.

(Trích Bức xúc không làm ta vô can, Đặng Hoàng Giang)

Câu 1 (0,5đ): Đoạn trích trên bàn về ảnh hưởng của mạng xã hội đến đời sống tinh thần hay vật chất?

Câu 2 (0,5đ): Theo tác giả, chiếc smartphone đem đến cho con người những lợi ích và tồn tại gì?

Câu 3 (1đ): Tại sao tác giả cho rằng, những trải nghiệm trên mạng xã hội sẽ “ngược với cảm giác đầy đặn, được bồi đắp khi chúng ta đứng trước thiên nhiên hay hay một tác phẩm nghệ thuật lớn”?

  1. Đề đọc hiểu số 3

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

Mẹ ta không có yếm đào

nón mê thay nón quai thao đội đầu

rối ren tay bí tay bầu

váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa

Cái cò… sung chát đào chua…

câu ca mẹ hát gió đưa về trời

ta đi trọn kiếp con người

cũng không đi hết mấy lời mẹ ru.”

(Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa - Nguyễn Duy)

Câu 1 (0,5 điểm): Hình ảnh người mẹ được khắc họa qua những từ ngữ, chi tiết nào?

Câu 2 (0,75 điểm): Văn bản thể hiện tâm tư, tình cảm gì của tác giả đối với người mẹ?

Câu 3 (0,75 điểm): Chỉ ra hiệu quả biểu đạt của chất liệu ca dao được sử dụng trong văn bản?

Câu 4 (1,0 điểm): Hai câu thơ: “Ta đi trọn kiếp con người/ Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru” gợi suy nghĩ gì về lời ru của mẹ đối với những đứa con?

  1. Đề đọc hiểu số 4

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

Bạn có thể không thông minh bẩm sinh nhưng bạn luôn chuyên cần và vượt qua bản thân từng ngày một. Bạn có thể không hát hay nhưng bạn là người không bao giờ trễ hẹn. Bạn không là người giỏi thể thao nhưng bạn có nụ cười ấm áp. Bạn không có gương mặt xinh đẹp nhưng bạn rất giỏi thắt cà vạt cho ba và nấu ăn rất ngon. Chắc chắn, mỗi một người trong chúng ta đều được sinh ra với những giá trị có sẵn. Và chính bạn, hơn ai hết, trước ai hết, phải biết mình, phải nhận ra những giá trị đó.”

(Trích Nếu biết trăm năm là hữu hạn... - Phạm Lữ Ân)

Câu 1 (0,5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2 (0,5 điểm): Xác định câu văn nêu khái quát chủ đề của đoạn.

Câu 3 (1 điểm): Chỉ ra biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong 4 câu đầu của văn bản và nêu tác dụng.

Câu 4 (1 điểm): Cho mọi người biết giá trị riêng (thế mạnh riêng) của bản thân bạn. Trả lời trong khoảng từ 3 - 4 câu.

  1. Đề đọc hiểu số 5

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

Cuộc sống riêng không biết đến điều gì xảy ra ngoài ngưỡng cửa nhà mình là một cuộc sống nghèo nàn, dù nó có đầy đủ tiện nghi đến đâu đi nữa, nó giống như một mảnh vườn được chăm sóc cẩn thận, đầy hoa thơm sạch sẽ và gọn gàng. Mảnh vườn này có thể làm chủ nhân của nó êm ấm một thời gian dài, nhất là khi lớp rào bao quanh không còn làm họ vướng mắt nữa. Nhưng hễ có một cơn dông tố nổi lên là cây cối sẽ bị bật khỏi đất, hoa sẽ nát và mảnh vườn sẽ xấu xí hơn bất kì một nơi hoang dại nào. Con người không thể hạnh phúc với một hạnh phúc mong manh như thế. Con người cần một đại dương mênh mông bị bão táp làm nổi sóng nhưng rồi lại phẳng lì và trong sáng như trước. Số phận của những cái tuyệt đối cá nhân không bộc lộ ra khỏi bản thân, chẳng có gì đáng thèm muốn.”

(Theo A.L.Ghec-xen, 3555 câu danh ngôn)

Câu 1 (0,5đ): Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.

Câu 2 (0,75đ): Nêu nội dung chính của văn bản trên.

Câu 3 (0,75đ): Xác định biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn trích và nêu tác dụng.

Câu 4 (1đ): Theo quan điểm riêng của anh/chị, cuộc sống riêng không biết đến điều gì xảy ra ở bên ngoài ngưỡng cửa nhà mình gây ra những tác hại gì?

  1. Đề đọc hiểu số 6

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

Cô bé nhà bên - (có ai ngờ!)

Cũng vào du kích

Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích

Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi!)

Giữa cuộc hành quân không nói được một lời

Đơn vị đi qua, tôi ngoái đầu nhìn lại...

Mưa đầy trời nhưng lòng tôi ấm mãi…”

(Trích “Quê hương” - Giang Nam)

Câu 1 (0,5đ): Xác định thể thơ của văn bản trên.

Câu 2 (0,5đ): Nêu chủ đề - ý nghĩa của đoạn thơ trên.

Câu 3 (1đ): Xác định biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn trích và nêu tác dụng.

Câu 4 (1đ): Qua đoạn thơ, anh/chị rút ra bài học gì về tinh thần chiến đấu chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta?

  1. Đề đọc hiểu số 7

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

19.5.1970

Được thư mẹ…

Mẹ của con ơi, mỗi dòng chữ, mỗi lời nói của mẹ thấm nặng yêu thương, như những dòng máu chảy về trái tim khao khát nhớ thương của con. Ôi! Có ai hiểu lòng con ao ước được về sống giữa gia đình, dù chỉ là giây lát đến mức nào không? Con vẫn hiểu điều đó từ lúc bước chân lên chiếc ô tô đưa con vào con đường bom đạn. Nhưng con vẫn ra đi vì lí tưởng. Ba năm qua, trên từng chặng đường con bước, trong muôn vàn âm thanh hỗn hợp của chiến trường, bao giờ cũng có một âm thanh dịu dàng tha thiết mà sao có một âm lượng cao hơn tất cả mọi đạn bom sấm sét vang lên trong lòng con. Đó là tiếng nói của miền Bắc yêu thương, của mẹ, của ba, của em, của tất cả. Từ hàng lim xào xạc bên đường Đại La, từ tiếng sóng sông Hồng dào dạt vỗ đến cả âm thanh hỗn tạp của cuộc sống Thủ đô vẫn vang vọng trong con không một phút nào nguôi cả.

(Nhật kí Đặng Thùy Trâm, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2005)

Câu 1 (0,5đ): Nêu phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích?

Câu 2 (0,5đ): Đọc đoạn nhật kí trên, chi tiết nào khiến anh/chị xúc động nhất? Vì sao?

Câu 3 (0,75đ): Qua đoạn trích, nỗi nhớ của bác sĩ Đặng Thùy Trâm được hiện lên như thế nào?

Câu 4 (1,25đ): Anh/chị nghĩ gì về sự hi sinh của những người trẻ tuổi trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc?

  1. Đề đọc hiểu số 8

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

Vịnh khoa thi hương

"Nhà nước ba năm mở hội khoa

Trường Nam thi lẫn với trường Hà

Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ

Ậm ọe quan trường miệng thét loa

Lọng cắm rợp trời: quan sứ đến

Váy lê quét đất, mụ đầm ra

Nhân tài đất Bắc nào ai đó

Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà."

(Trần Tế Xương)

Câu 1 (0,5đ): Văn bản được viết theo thể thơ nào?

Câu 2 (0,5đ): Từ “lẫn” ở câu thơ thứ hai có ý nghĩa như thế nào?

Câu 3 (1đ): Bài vịnh sử dung biện pháp nghệ thuật gì? Nêu tác dụng.

Câu 4 (1đ): Theo anh/chị, tại sao khi quan tâm đến “cảnh nước nhà”, nhà thơ lại bắt đầu từ “nhân tài đất Bắc”

  1. Đề đọc hiểu số 9

Mùa xuân chín

Trong làn nắng ửng: khói mơ tan.

Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.

Sột soạt gió trêu tà áo biếc,

Trên giàn thiên lí. Bóng xuân sang

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời.

Bao cô thôn nữ hát trên đồi;

- Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,

Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…

Tiếng ca vắt vẻo lưng chứng núi

Hổn hển như lời của nước mây…

Thầm thì với ai ngồi dưới trúc,

Nghe ra ý vị và thơ ngây…

Khách xa vừa lúc mùa xuân chín,

Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng.

- Chị ấy năm nay còn gánh thóc.

Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?”

(Hàn Mặc Tử)

Câu 1 (0,75đ): Chủ đề của bài thơ trên là gì?

Câu 2 (0,75đ): Câu thơ “Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời” gợi anh/chị liên tưởng tới câu thơ nào, của ai? Chỉ ra điểm giống và khác nhau giữa hai câu thơ.

Câu 3 (0,75đ): Phân tích biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ:“Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi/Hổn hển như lời của nước mây”

Câu 4 (0,75đ): Lý giải tại sao tác giả lại đặt tên cho bài thơ là “Mùa xuân chín”?

  1. Đề đọc hiểu số 10

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ

Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương?

Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!

Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét

Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng,

Như xuân đến chim rừng lông trở biếc

Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”

(Tiếng hát con tàu - Chế Lan Viên)

Câu 1 (0,5đ): Nêu phương thức biểu đạt chính và thể thơ mà tác giải sử dụng trong đoạn trích trên.

Câu 2 (0,75đ): Cho biết những biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn thơ và nêu tác dụng của chúng.

Câu 3 (0,75đ): Hai câu thơ: “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!” đã để lại cho anh/chị suy nghĩ gì?

Câu 4 (1đ): Chất suy tưởng triết lí được thể hiện qua những câu thơ nào? Từ triết lí trong đoạn thơ trên, anh/chị rút ra bài học gì cho bản thân?