Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Viết bài tập làm văn số 3

Gửi bởi: Phạm Thọ Thái Dương 7 tháng 2 2020 lúc 11:37:22


Mục lục
* * * * *

I. HƯỚNG DẪN CHUNG

1. Cách lập dàn ý một bài văn tự sự:

- Bước 1: Trước khi lập dàn ý, cần suy nghĩ để chọn đề tài, chọn một chủ đề hoặc vấn đề sau đó phác thảo qua cốt truyện.

- Bước 2: Từ đề tài, chủ đề của câu chuyện, người viết phải tưởng tượng, sáng tạo ra những nét chính hình thành nên cốt truyện. Cốt truyện có thể dựa vào cuộc đời và số phận của nhân vật chính hay dựa theo diễn biến của sự việc chính.

- Bước 3: Dựa vào mô hình dàn ý (3 phần), tìm các yếu tố cấu thành tác phẩm: Lí do, không gian xảy ra câu chuyện, các tình tiết của truyện, các nhân vật và quan hệ của chúng, các cảnh thiên nhiên, các đối thoại chính, tâm trạng của nhân vật...

- Bước 4: Hệ thống hóa các khâu trên bằng một dàn ý chi tiết.

2. Mẫu dàn ý chung cho một bài văn tự sự:

- Mở bài: Giới thiệu câu chuyện (hoàn cảnh, không gian, thời gian, nhân vật)

- Thân bài: Nêu những sự việc và chi tiết chính trong câu chuyện.

- Kết bài: Kết thúc câu chuyện (có thể nêu cảm nghĩ hoặc một chi tiết thật đặc sắc, ý nghĩa, những chi tiết có tính gợi mở khiến câu chuyện có thể phát triển tiếp…)

II. HƯỚNG DẪN VIẾT BÀI

Đề 1: Cây lau chứng kiến việc nàng Vũ Nương ngồi bên bờ Hoàng Giang than thở một mình rồi tự vẫn. Viết lại câu chuyện đó theo ngôi kể thứ nhất hoặc ngôi kể thứ ba. (mở rộng tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ)    

Dàn ý tham khảo:

1. Mở bài: Cây lau - xưng tôi - tự giới thiệu

2. Thân bài: Có thể kể một số sự việc:

- Đang vui đùa theo gió, tôi bỗng thấy một người đàn bà thẫn thờ đi đến, ngồi sát bờ sông cạnh tôi.

- Nhìn khuôn mặt tôi nhận ngay ra Vũ Nương, người phụ nữ hiền thục, thường ra sông gánh nước. Tiếng nàng than thở ai oán, não nùng, ....

- Sau những lời than thở, nàng lao mình xuống sông tự tử. Tôi giật mình, hoảng sợ, cố vươn cành lá để cứu nàng mà không được.

- Cảm xúc suy nghĩ của cây lau về Vũ Nương và sự việc nàng tự tử.

3. Kết bài: Tổng kết vấn đề

Đề 2: Hãy hoá thân vào những que diêm để kể lại câu chuyện theo diễn biến và kết thúc truyện ngắn Cô bé bán diêm của An-đéc-xen (hoặc diễn biến sự việc tương tự nhưng có kết thúc khác).    

Dàn bài gợi ý:

1. Mở bài: Que diêm - xưng tôi - tự giới thiệu.

2. Thân bài:

- Kể lại diễn biến câu chuyện theo diễn biến của truyện Cô bé bán diêm.

+ Em bán diêm nhưng chẳng ai mua

+ Đêm Noel mọi người đều tất bật vui tết đoàn viên, chỉ mình em co ro ngoài đường dưới trời tuyết buốt giá.

+ Em đánh liều quẹt que diêm thứ nhất, thứ hai, thứ ba rồi của hộp diêm. Em gặp những điều mình vẫn thèm muốn, mong ước, rồi gặp bà và cùng bà bay về trời.

=> Những que diêm chỉ cháy một lần rồi thôi nhưng đều tình nguyện sáng hết mình hi vọng sưởi ấm được một chút cho em.

- Cảm xúc suy nghĩ của que diêm về số phận của cô bé, và vẻ đẹp tâm hồn của cô.

- Cái chết của cô bé, khiến que diêm có suy nghĩ gì?

3. Kết bài: Có thể tưởng tượng ra một kết thúc khác, điều mà que diêm làm được.

Đề 3: “Tôi tên là Oanh Liệt. Cái tên này cậu chủ đặt cho tôi nhờ những trận đấu oanh liệt của tôi trên các sới chọi trong làng. Vậy mà giờ đây, cậu chủ bỏ rơi tôi để chạy theo những trò chơi mới…”.

Dựa theo những lời tâm sự trên, anh (chị) hãy viết một truyện ngắn theo ngôi kể thứ nhất kể về số phận và nỗi niềm của một con gà chọi bị bỏ rơi.

Dàn ý tham khảo:

1. Mở bài: Tôi tên là Oanh Liệt, cái tên do cậu chủ đặt cho tôi sau những chiến thắng vẻ vang trong các trận đấu trong làng.

2. Thân bài:

- Trưa nào tôi cũng theo cậu chủ đi đấu.

- Tất cả lũ gà trống khác đều thua tôi.

- Tôi được cậu chủ chăm lo kĩ lưỡng, chăm chút như người bạn thân tình.

- Nhưng dạo gần đây không hiểu sao trận đấu nào của tôi cũng thua, người đau ê ẩm. Tôi cố gắng chiến đấu hết sức nhưng lại đành chịu.

- Cậu chủ ngán ngẩm dần tôi, không chăm chút tôi như mọi ngày.

- Tôi tủi cực nhưng lại chỉ biết bất lực.

- Cậu đi tìm thú tiêu khiển mới với trò xóc đĩa không thèm để ý tới tôi.

3. Kết bài: Những tháng ngày tuổi trẻ vàng son đã qua đi, lúc này tôi trở về nhưng lại được vỗ về bên mẹ của cậu chủ. Có lẽ bà đã thấu hiểu nỗi lòng của tôi.

Đề 4: Sáng tác một truyện ngắn (đề tài tự chọn, mang ý nghĩa xã hội) có tác dụng giáo dục thiết thực đối với tuổi trẻ hiện nay.    

Bài viết tham khảo:

    Vở của các con đâu?

    Năm tôi 13 tuổi, bố gọi tôi và hai cậu em trai vào phòng đọc sách. Tôi rất lấy làm hứng chí. Gọi là phòng đọc sách nhưng chúng tôi biết thừa nó là phòng trò chơi, nơi những “người đàn ông” thường cùng đua xe, câu cá nhựa hoặc xem phim.

    – Mỗi đứa mang một cuốn vở và một cái bút tới đây! – Bố ra lệnh ngay khi chúng tôi vừa bước tới cửa phòng.

    Chúng tôi đứng sững nhìn nhau lo lắng! Yêu cầu của bố nghe rất bất thường và đáng e ngại – cứ như là sắp làm bài tập ấy.

    Khi đã tìm được vở và bút cho mình, quay lại “phòng chơi”, chúng tôi thấy bố đã bày sẵn bàn với ba cái ghế nhựa, kèm theo một tấm bảng lớn treo trên tường. Bố chỉ chúng tôi ngồi vào ghế nhựa, chứ không phải là cái ghế đệm bông êm ái, dù nó chỉ cách chúng tôi có một gang tay.

     – Bố muốn các con phải tập trung hết sức, bố nói như một buổi kinh doanh – đó là lý do các con cần ngồi ghế nhựa, chứ không phải là ghế đệm bông!

     Ngay lập tức chúng tôi rên lên:

     – Mẹ đâu rồi ạ? Hay là chúng ta đợi mẹ! – cậu em út tính kế hoãn binh.

     – Có lâu không ạ? – Cậu em kế tôi thở dài.

     Tôi thì chỉ ngồi im lặng trên ghế nhựa cứng đơ.

     – Mẹ đi chợ phải vài tiếng nữa mới về, và việc này không liên quan đến mẹ, bố nói. – Và việc này kéo dài bao lâu là tuỳ thuộc ở các con. Các con càng hợp tác thì chúng ta càng hoàn thành nhanh chóng. Hiểu không?

     – Rồi ạ! Chúng tôi đáp lại uể oải.

     – Từ bây giờ chúng ta sẽ có buổi học vào các sáng thứ bảy. Chỉ “những người đàn ông” chúng ta mà thôi. Bố sẽ dạy các con những gì bố đã học về cuộc sống. Đó là trách nhiệm của bố để chuẩn bị cho các con thành những người đàn ông – những người sẽ đóng góp cho cộng đồng và cho cả thế giới. Trách nhiệm này, bố thấy rất quan trọng và nghiêm túc.

      Tôi ngắt lời:

      – Bố sẽ dạy bọn con mọi điều về cuộc sống ạ?

      – Tất cả những gì có thể.

      – Nhưng như thế thì mãi mãi cũng không học hết!

      – Có thể…- Bố nói nhỏ, vẻ suy nghĩ, rồi bắt đầu viết lên bảng – có thể lắm…

     Trong suốt ba năm, dù khoẻ hay ốm, bố vẫn giữ đúng lịch dạy chúng tôi về kĩ năng và những ứng xử đời sống vào thứ bảy hàng tuần. Bố dạy rất nhiều: Vệ sinh cá nhân, tuổi dậy thì, các nghi thức xã giao, cách đối xử bình đẳng, sự kính trọng người già, tôn trọng những người phụ nữ, đạo đức nghề nghiệp, quản lý tiền nong, trách nhiệm với cộng đồng… Chúng tôi viết kín hết cuốn vở này đến cuốn vở khác.

      Năm nay, tôi đã 16 tuổi và đã trở thành một học sinh Trung học phổ thông, những bài học đã bớt dần đi. Tôi và các em cũng đã lớn lên dần. Chúng tôi bắt đầu bận rộn và cũng bắt đầu vấp váp với những khó khăn. Những lúc ấy, chúng tôi thường ngồi lại, nghĩ tới những điều bố cho ghi trong vở ngày xa, vì những điều ấy trước đây bố đã từng nhắc tới.

     Mới đây, bố gọi riêng tôi ra và nói:

     – Bố sẽ dạy con đến khi con 18 tuổi, phần còn lại của “bài học” con bắt đầu phải tự gom nhặt trong cuộc sống mà thôi!

     Tôi khoanh tay lễ phép:

      – Thưa bố! Giờ đây con đã hiểu những việc làm của bố từ trước đến nay. Con chỉ mong sau này mỗi khi đi xa trở về, bố lại chữa những bài tập về cuộc sống hết sức phong phú này cho con.

Đề 5: Em hãy kể lại một chuyến dã ngoại mà em ấn tượng nhất    

Gợi ý lập dàn ý:

1. Mở bài: Giới thiệu chuyến đi chơi xa.

    Năm học vừa rồi em được thành tích tốt trong học tập nên ba mẹ thưởng cho em một chuyến đi chơi xa. Em rất phấn khởi và hứng thú cho chuyến đi của mình. Em đã chọn một chuyến đi Đà Lạt thơ mộng, em đã được nghe nhiều về nơi này nhưng chưa một lần đặt chân đến. Em đã có một chuyến đi thật thú vị và bổ ích.

2. Thân bài: Kể về chuyến đi xa.

* Cảnh dọc đường:

- Trên đường đi rất nhiều cây lá.

- Hai bên đường rậm rạp.

- Những đường đèo quanh co và uốn khúc.

- Em đi trên những vực đèo sâu thẳm.

- Mọi người trên xe nói chuyện rôm rả, có những người say xe nên đã ngủ thiếp đi.

- Tâm trạng em lúc đó rất hồi hộp và chờ mong.

* Khi đến nơi:

- Trước mắt em là muôn vàn cảnh đẹp và hoa lá.

- Bầu trời se lạnh và nên thơ.

- Một thành phố rất đáng để đến.

- Em đã ở lại chơi một tuần và đi khám phá khắp Đà Lạt: vườn hoa, thác, hồ Xuân Hương,….

- Con người ở đây rất hiền hòa và tận tình.

* Lúc ra về:

- Kết thúc một tuần em lại về.

- Tâm trạng luyến tiết và không muốn rời xa.

3. Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em về chuyến đi xa

- Em cảm thấy rất vui.

- Em sẽ quay trở lại đây vào một ngày không xa.


Được cập nhật: 7 tháng 4 lúc 16:35:45 | Lượt xem: 337

Các bài học liên quan