Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Văn mẫu: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia

Gửi bởi: Nguyễn Thị Ngọc 29 tháng 10 2019 lúc 14:57:23


Mục lục
* * * * *

Dàn ý Phân tích tư tưởng trọng người hiền tài trong bài Hiền tài là nguyên khí của quốc gia

I. Mở bài

- Giới thiệu tác giả Thân Nhân Trung: Nổi tiếng với tài năng văn chương và được Lê Thánh Tông tin dùng.

- Khát quát và đánh giá về tư tưởng tác phẩm: Tư tưởng trọng người tài – đó là tư tưởng lớn mang tầm thời đại và có ý nghĩa vượt thời gian.

II. Thân bài

1. Tầm quan trọng của hiền tài với đất nước

a. Coi hiền tài là nguyên khí của quốc gia

- Hiền tài: vừa là người có tài vừa là người có đức. Đức thể hiện ở lòng yêu nước, yêu dân tận tâm với công việc. Tài thể hiện ở học vấn uyên thâm, óc xử trí linh hoạt. Tài và đức là những phẩm chất cần có của người lãnh đạo đất nước.

- Nguyên khí: Là khí chất ban đầu làm nên sự phát triển sống còn của sự vật, cũng là khí chất bên trong còn nguyên lành chưa pha tạp.

→ Coi hiền tài là nguyên khí quốc gia có nghĩa là tác giả đề cao hiền tài, coi họ là điểm xuất phát làm nên sự hưng vong của quốc gia.

- Cách lập luận của tác giả: Nguyên khí thịnh thế nước mạnh, nguyên khí suy thế nước suy yếu

→ Bằng cách lập luận so sánh đã làm rõ chân lí hiển nhiên hiền tài là nguyên khí quốc gia

b. Chính sách đối đãi với người hiền tài.

- Trước kia: Bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, quý chuộng kẻ sĩ đề cao bằng tước trật, nêu tên ở tháp Nhạn, ban danh hiệu Long Hổ, bày tiệc văn hỉ. Tuy nhiên, các chính sách ấy không lưu danh lại được đến đời sau

- Ngày nay: Dựng đá đề văn ở cửa Hiền Quan.

→ Ca ngợi những vị vua tài năng, chúa suốt khi nhận ra vai trò và mối quan hệ của hiền tài với đất nước.

c. Tác dụng của việc lập văn bia

- Thể hiện sự tôn trọng của xã hội và triều đại đối với hiền tài

- Khuyến khích hiền tài, nhắc nhở những ai có chí tiến thủ để cho lòng thiện tràn đầy, ý xấu bị ngăn.

- Những kẻ xấu lấy đó làm răn, người tốt theo đó mà gắng, dẫn việc dĩ vãng, chỉ lối cho tương lai.

- Làm cho đất nước được hưng thịnh, bền lâu.

→ Cần thiết phải lập văn bia đề danh tiến sĩ.

2. Nghệ thuật của tác phẩm

- Do khắc vào bia đá nên bài kí ngắn gọn, hàm súc

- Là ý chỉ của vua nên lời lẽ trang trọng, thiêng liêng

- Do phải để lại cho muôn đời nên ý tứ sâu sắc , triết lí hàm chứa sự suy ngẫm

3. Bài học lịch sử

- Ở thời nào “hiền tài cũng là nguyên khí quốc gia” cho nên phải biết phát hiện và trân trọng hiền tài.

- Giáo dục được xem là quốc sách hàng đầu

- Biết đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, không để chảy máu chất xám.

III. Kết bài

- Khái quát lại tư tưởng trọng người hiền tài trong tác phẩm.

- Liên hệ với thực tiễn cuộc sống hiện nay.

Phân tích tư tưởng trọng người hiền tài trong bài Hiền tài là nguyên khí của quốc gia

 Thân Nhân Trung là người học rộng tài cao, có tầm nhìn xa trông rộng. Trong văn bản Hiền tài là nguyên khí của quốc gia ông đã thể hiện rất rõ tầm nhìn của mình thông qua việc thể hiện tư tưởng coi trọng người hiền tài đối với sự nghiệp xây dựng đất nước.

     Hiền tài là nguyên khí của quốc gia được trích từ bài văn bia Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Bảo Đại thứ ba. Tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh đất nước phồn thịnh, xã hội ổn định, văn hóa giáo dục đạt được nhiều thành tựu xuất sắc. Để có được những thành tựu như vậy sự đóng góp của người hiền tài là vô cùng lớn.

     Ngay từ đầu văn bản Thân Nhân Trung đã nêu cao tư tưởng trọng dụng người hiền tài với câu văn khẳng định: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Hiền tài ở đây được hiểu là những người học rộng, tài cao, có đạo đức và sống có lí tưởng. Nguyên khí là khí chất ban đầu làm nên sự sống của mỗi sự vật. Và sự vật ở đây chính là quốc gia, vận mệnh đất nước. Như vậy, người hiền tài chính là nhân tố quyết định đến sự sống còn, tồn vong của đất nước.

     Sau câu văn mở đầu khẳng định tầm quan trọng của người hiền tài đối với đất nước, Thân Nhân Trung đã đưa ra hàng loạt các lí lẽ để chứng minh cho nhận định ấy. Nếu nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp. Với quan điểm đó đã có thấy tư tưởng đề cao, trân trọng đối với những người hiền tài vì tác giả cho rằng người hiền tài có ảnh hưởng tới quốc gia dân tộc, quyết định sự sống còn của đất nước ấy. Người hiền tài quả chẳng khác gì báu vật của mỗi đất nước.

     Tiếp đó, ông ghi lại thái độ của các đấng minh quân đối với những người hiền tài. Với những con người tài giỏi những vị vua anh minh luôn có thái độ trọng đãi, bồi dưỡng và vun trồng làm việc trước tiên, tức là đặt việc bồi dưỡng họ lên hàng đầu. Có được người hiền tài, nhà vua lại lấy việc quý chuộng kẻ sĩ không biết thế nào là cùng. Các vị vua đều có những hành động cụ thể để thể hiện lòng yêu quý và đề cao đối với những người hiền tài như xướng danh lớn sau khi họ thi đỗ, cho làm quan cao trong triều, tên tuổi được khắc ghi và được hưởng những bữa tiệc linh đình, trang trọng. Thái độ trọng đãi với người tài được Thân Nhân Trung đánh giá: Triều đình mừng được người tài, không có việc gì không làm đến mức cao nhất.

     Nhưng như vậy có lẽ vẫn là chưa đủ bởi vậy ở cuối phần một, tác giả đã nêu lên lí do vì sao lại cho khắc lên bia đá tên của những người hiền tài: dựng đá đề danh ở cửa Hiền Quang để tiếng thơm lưu vẻ sáng lâu dài cho và cho kẻ sĩ trông vào mà phấn chấn hâm mộ, rèn luyện danh tiết. Như vậy việc khắc tên của người hiền tài lên bia đá là hết sức cần thiết nó không chỉ làm cho tiếng thơm của những người tài được lưu với núi sông muôn đời mà còn có tác dụng khích lệ tinh thần học tập, noi gương ở những người khác.

     Thân Nhân Trung đã có cách nhìn, cách đánh giá đúng đắn về vai trò của những người hiền tài đối với vận mệnh của đất nước. Tư tưởng trọng người hiền tài được ông thể hiện trong văn bản cũng chính là tư tưởng của vị minh quân Lê Thánh Tông, bởi vậy, trong đoạn văn này ông luôn gọi nhà vua là thánh minh, thánh đế minh vương. Đoạn văn đã thể hiện mối quan hệ gắn bó khăng khít giữa vua sáng và tôi hiền.

     Đoạn trích có giá trị lớn về phương diện nghệ thuật, với ý văn táo bại, cứng cỏi, lập luận sắc bén, dẫn chứng thuyết phục đã thể hiện quan điểm đúng đắng đối với người hiền tài. Bài văn là lời khuyến khích động viên người hiền tài ra giúp đời, giúp nước. Dù sáng tác cách đây đã hàng thế kỉ nhưng cho đến ngày này văn bản vẫn giữ nguyên giá trị của nó.

Phân tích bài Hiền tài là nguyên khí của quốc gia

 Bài "Hiền tài là nguyên khí quốc gia" được trích trong bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442) do Thân Nhân Trung soạn năm 1484 thời Hồng Đức. Bài kí này được khắc đá hiện còn ở Văn miếu (Hà Nội).

   Thân Nhân Trung tự là Hậu Phủ quê ở Yên Dũng, Bắc Giang, đỗ Tiến Sĩ làm quan dưới thời Hồng Đức có văn tài lỗi lạc, đức trọng tài cao từng được vua Lê Thánh Tông tin dùng ban chức "Tao đàn phó nguyên suý".Câu mở đầu cho ta biết Thân Nhân Trung được vua Lê Thánh Tông uỷ thác cho trọng trách. Một cách nói vừa kính cẩn, vừa khiêm nhường:

"Tôi dẫu nông cạn, vụng về, nhưng đâu dám từ chối, xin kính cẩn chắp tay cuối đầu mà làm bài kí rằng …".

   Các tiến sĩ được khắc tên vào bia đá ở Văn Miếu là những hiền tài, những người học rộng, tài cao và có đạo đức. Tác giả coi "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia" khẳng định nguyên khí có hệ trọng với sự thịnh suy, hưng vong của đất nước. Cách lập luận của tác giả rất chặc chẽ và đầy sức thuyết phục:

"Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp".

   Câu văn đẹp, ý tưởng sâu sắc, ngôn từ trang nhã, phép đối của thể văn cổ biền ngẫu được vận dụng tài tình. Từ xưa đến nay, câu văn này được nhiều nhà viết sử nhắc lại, được nhiều người ghi nhớ và truyền tụng, càng đọc càng suy ngẫm, ta càng thấy rõ: khi hiền tài xuất hiện như hoa mùa xuân thì quốc gia cường thịnh, khi "tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu" thì vận nước khó khăn, yếu hèn.

   Tiếp theo Thân Nhân Trung nói về sự quan tâm đào tạo nhân tài là chính sách hàng đầu, là điều quan tâm đặc biệt: 'Vì vậy, các đấng thánh đế minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí" làm việc đầu tiên. Triều đình nhà Lê, từ năm 1439 trớ đi đã có nhiều việc làm biệt đãi và quý trọng kẻ sĩ. Nào là "đã yêu mến cho khoa danh, lại đề cao bằng tước trật". Nào là "nêu tên ở tháp Nhạn, ban cho danh hiệu Long hổ, bày tiệc Vân hỉ". Sau mỗi khoa thi kén được nhiều tiến sĩ, trạng nguyên, "Triều đình mừng được người tài, không có việc gì không làm đến mức cao nhất". Đó là các việc như đặt ra lệ xướng danh, yết bảng, ban mũ áo, cấp ngựa, đãi yến và vinh quy bái tổ cho những người đỗ đạt cao.

   Làm thế vẫn chưa đủ, nên vua Lê Thánh Tông, vị thánh minh lại cho khắc tên các tiến sĩ vào bia đá đặt ở cửa Hiền Quan (Quốc Tử Giám) nhằm mục đích "khiến cho kẻ sĩ trông vào mà phấn chấn hâm mộ, rèn luyện danh tiết, gắng sức giúp vua". ý nghĩa sâu xa của việc "dựng đá đề danh ở cửa Hiền Quan" thể hiện việc đào tạo và bồi dường nhân tài, ươm nguồn nguyên khí quốc gia, dược tổ tiên ông cha ta đặc biệt coi trọng, đâu phải là "chuộng văn suông, ham tiếng hão".Trách nhiệm, nghĩa vụ của "kẻ sĩ chốn trường ốc lều tranh" phải như thế nào? Phải "tự trọng tấm thân" rèn đức rèn tài, phải "ra sức báo đáp' ân đức minh quân thánh đế.

   Sau khi ca ngợi những tiến sĩ "đã đem văn học, chính sự ra tô điểm cho cảnh trị bình suốt mấy chục nãm, được quốc gia tin dùng", Thân Nhân Trung đã nghiêm khắc chỉ trích "những kẻ vì nhận hối lộ mà hư hỏng, hoặc rơi vào hàng ngũ bọn gian ác".

   Cuối bài văn, tác giả nói lên lợi ích to lớn, tác dụng to lớn của việc dựng bia tiến sĩ ở Vãn Miếu: "kẻ ác lấv đó làm răn, người thiện theo đó mà gắng, dẫn việc dĩ vãng, chỉ lối tương lai, vừa để rèn giũa danh tiếng cho sĩ phu, vừa để củng cố mệnh mạch cho nhà nước". Lí lẽ sắc sáo, lập luận chặt chẽ, đối ý đối lời mạch lạc, giọng văn trang trọng, càng đọc ta càng thấy ý nghĩa tốt đẹp của việc tổ tiên ông cha ta ngày xưa dựng bia đá đề danh tiến sĩ.

   Trong "Bình Ngô đại cáo" Nguyễn Trãi tự hào viết:

    "Như nước Đại Việt ta từ trước,

    Vốn xưng nền văn hiến từlâu".

   Đọc bài "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia" ta càng hiểu rõ sâu hơn nền văn hiến của dân tộc. Chính việc "bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí, (dựng bia tiến sĩ đã góp phần to lớn xây nền văn hiến ngày thêm rạng rỡ).Bài học lịch sử được rút ra từ việc khắc bia ghi tên tiến sĩ là lấy việc giáo dục làm quốc sách, coi trọng việc đào tạo nhân tài, biệt đãi kẻ sĩ để công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Cảm nghĩ bài Hiền tài là nguyên khí của quốc gia

"Hiền tài là nguyên khi của quốc gia" là đoạn trích từ bài "Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Bảo Đại thư ba" do Thân Nhân Trung soạn năm 1484 đời Hồng Đức.

   Tác phẩm nói về việc lập bia đá đối với việc khich lệ hiền tài. Tổ chức thi cử ba năm một lần là một bước tiến quan trọng của chính sách tìm kiếm và phát triển nhân tài ở đời Lê Thánh Tông (bắt đầu từ năm 1463 trở đi, định lệ cứ ba năm một lần thi tiến sĩ), nhưng việc lập bia đá được thực hiện chậm hơn. Đoạn trích có hai phần chính. Đầu tiên, tác phẩm trình bày vai trò của hiền tài đối với việc xây dựng quốc gia : "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia", kẻ sĩ chính là hiền tài. Do đó, nhà nước thể hiện việc quan tâm kén chọn kẻ sĩ, quý trọng kẻ sĩ bằng việc ban cho các ân huệ lớn như khoa danh "đề cao bằng tước trật", đãi tiệc,… nhưng đây là các biện pháp có giá trị trước mắt. Việc lập bia đá đề danh là một trong những biện pháp cần thiết để khích lệ, cổ vũ nhân tài: Khắc tên tiến sĩ vào bia đá để tên tuổi họ được lưu lại lâu dài là một hình thức cổ vũ, động viên quan trọng. Mặt khác, khi tên tuổi đã được khăc vào bia đá, kẻ sĩ phải gắng lòng, dốc sức để xứng đáng với tên tuổi lưu muôn đời. Chủ trương dùng bia đá để khích lệ sự tự giác là chủ trương "đực trị" của Nho gia.

   Trong một đoạn văn ngắn, tác giả đã chuyển đổi "điểm nhìn", nhìn từ lập trường của một nhà lãnh đạo (vì vua sai tác giả soạn bài văn), khẳng định việc bồi dưỡng, kén chọn nhân tài luôn là việc làm của các vị thánh đế, minh vương". Các biện pháp khuyến khích, trọng đãi nhân tài đã được được thực hiện phản ánh chính sách tích cực của nhà nước đối với nhân tài. Đoạn văn này có chức năng ca ngợi triều đại Lê Thánh Tông đồng thời có cả chức năng của một thông điệp gửi đến đười sau, có giá trị lâu dài như một chân lý: "những người lãnh đạo hãy biết chăm lo, trân trọng người tài".

   Nhìn về kẻ sĩ, tác giả phân tích quy luật tâm lý: Việc đặt bia đá có ý nghĩa "khiến kẻ sĩ trông vào mà phấn chấn hâm mộ, rèn luyện danh tiết, gắng sức giúp vua". Mặt khác, kẻ sĩ vốn nghèo hèn, khi được triều đình tôn vinh, tất nhiên ra sức báo đáp "kẻ sĩ chốn trường ốc lều tranh, phận thật nhỏ mọn mà được triều đình đề rất mực như thế thì họ phải làm thế nào đẻ tự trọng tấm thân mà ra sức báo đáp?". Một điểm nữa là nếu những người đỗ đạt thấy tên mình trên bia "lòng thiện tràn đầy, ý xấu bị ngăn chặn" thì không thể làm điều xấu, điều ác được.

Nguồn: vietjack