Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Soạn bài Viết bài tập làm văn số 2 - Văn tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm

Gửi bởi: Nguyễn Thị Ngọc 30 tháng 12 2019 lúc 17:00:46


Mục lục
* * * * *
Văn tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm

Đề 1. Kể lại 1 kỉ niệm đáng nhớ đối với một con vật nuôi mà em yêu thích.

Dàn ý:

1. Mở bài: Giới thiệu con vật nuôi mà em thân thiết.

2. Thân bài: Kể lại những kỉ niệm chung quanh con vật nuôi đó.

a. Khái quát vài nét chung về con vật nuôi ấy:

- Vài nét về con vật nuôi của em: Ví dụ nó bao nhiêu tuổi? Lông màu gì? To hay nhỏ? Hình dáng và điểm nhận dạng đặc biệt về con vật nuôi dễ phân biệt, dễ nhận ra con vật nuôi ấy,...

- Lai lịch nguồn gốc của nó: Em có nó trong trường hợp nào? Mua hay được ai cho? Những kỉ niệm chung quanh việc nó về với gia đình em?

- Chung quanh việc đặt tên cho nó? Em có kỉ niệm gì không?

b. Kể cụ thể, chi tiết:

- Buổi ban đầu em đã có tình cảm với nó chưa? Vì sao? (Ví dụ: nó cắn giày dép của em, nó kêu làm em không ngủ được, nó đi vệ sinh hôi hám... v... v....)

- Dần dần em bị nó chinh phục như thế nào? Chuyện gì khiến em không còn ghét nó? (Ví dụ: Nó vẫy đuôi mừng rỡ khi em đi học về. Nó cọ đầu vào em an ủi khi em buồn. Nó là cảm hứng để em làm được một bài làm văn tốt, hoặc nó lập công bắt chuột...)

- Bây giờ thì em và nó gắn bó với nhau như thế nào? (Nó là vệ sĩ của em? là bạn cùng chia sẻ vui buồn? Em chăm sóc nó như là một người em vậy,...) Có thể kỉ niệm tiêu biểu nhất.

3. Kết bài: Suy nghĩ của em về nó.

- Không thể tưởng tượng một ngày nào đó nó bị bắt cóc.

- Sẽ cố giữ gìn và chăm sóc nó như thể đó là một thành viên của gia đình.

Bài văn tham khảo:

      Tuổi thơ của ai cũng gắn bó với một loài vật nuôi đáng yêu, đó có thể là chú rùa, chú chim hay chú mèo... Riêng với tôi, tuổi thơ của tôi gắn với chú chó Phi Phi dũng cảm.

      Phi Phi là chú chó lai béc-giê mà tôi đã... nhặt được trong công viên! Chuyện là thế này: cách đây chừng một năm, vào buổi chiều tôi đi tập thể dục trong công viên. Đang chạy bộ, tôi chợt nghe tiếng rên yếu ớt trong lùm cây. Tò mò, tôi rẽ đám lá nhìn vào thì thấy một chú chó nhỏ yếu ớt đang nằm rên trong chiếc hộp giấy. Thương chú quá, tôi mang về nuôi. Tôi không ngờ, lúc mang Phi Phi về bố mẹ không những không trách tôi mà còn giục tôi đi lấy sữa cho chú uống nữa!

      Bây giờ thì Phi Phi đã lớn lắm. Lông chú màu đen mượt, bốn chân cao và chắc. Hai tai lúc nào cũng dựng lên lắng nghe mọi âm thanh xung quanh. Cái mũi thì lúc nào cũng có vẻ khịt khịt như đánh hơi mọi thứ. Phi Phi rất ngoan và can đảm. Khi tối trời, chú luôn ra ngoài hiên nằm canh. Có Phi Phi ở ngoài, cả nhà tôi rất yên tâm đi ngủ.

      Thế rồi, đến một ngày, có chuyện xảy ra, gia đình tôi đã cảm nhận được sâu sắc sự dũng cảm và lòng trung thành của Phi Phi. Đó là một đêm mùa đông gió rét. Như mọi hôm, Phi Phi vẫn nằm canh ở ngoài hiên. Cả nhà tôi đang ngủ thì chợt nghe tiếng Phi Phi sủa dữ dội, tiếng chú giằng dây xích loảng xoảng. Bố vội vàng bật dậy rồi nhẹ nhàng cầm gậy lách ra ngoài. Cuối góc vườn, một bóng đen khả nghi đang di chuyển. Thấy động, hắn vội vàng trèo tường hòng thoát ra ngoài. Bố vừa hô hoán hàng xóm vừa lao theo tên trộm. Phi Phi cũng lồng lộn chồm lên, dây xích bị giằng co hết mức. Bố đuổi theo tên trộm, bất ngờ, hắn quay lại đạp mạnh vào bố. Bị lỡ đà, bố ngã xuống. Hắn lợi dụng lúc ấy đè lên người bố, tay phải rút mạnh con dao ra rồi vung lên. Chính lúc ấy, Phi Phi từ đâu lao đến ngoạm vào tay cầm dao của hắn rồi mặc cho gã gian phi đẩy, đạp đánh như thế nào cũng kiên quyết không nhả tay hắn ra. Cuộc vật lộn dừng lại khi các cô bác hàng xóm ùa đến trói gô tên trộm lại. Mẹ tôi vừa xuýt xoa dìu bố vào nhà vừa nhắc chị em tôi lấy sữa cho Phi Phi và đưa chú vào nhà. Sau hôm ấy, Phi Phi nổi tiếng cả khu phố với câu chuyện “cứu chủ”. Kẻ gian bị bắt sau đó đã khai ra rất nhiều vụ trộm mà hắn nhúng tay vào. Gia đình tôi và Phi Phi còn được tuyên dương nữa!

      Tôi rất khâm phục lòng dũng cảm và sự trung thành của chú chó Phi Phi. Phi Phi còn rất tình cảm và còn biết chơi bắt bóng nữa. Chỉ sau vài ngày hè huấn luyện là Phi Phi có thể phối hợp nhịp nhàng và tham gia trò chơi được. Tôi rất yêu quý chú chó Phi Phi.

      Chú chó Phi Phi vẫn sống cùng gia đình tôi cho đến bây giờ. Chú luôn được cả nhà cưng chiều và yêu quý, đặc biệt là tôi. Phi Phi tuy là một chú chó nhưng có nhiều điều đáng để chúng ta học tập đúng không các bạn!

Đề 2. Kể về một lần em mắc khuyết điểm khiến thầy, cô giáo buồn lòng.

Dàn ý:

1. Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn sự việc, câu chuyện định kể.

2. Thân bài:

a. Khái quát:

- Sự việc em mắc lỗi đó là sự việc nào? Xảy ra vào thời điểm nào?

- Hoàn cảnh xảy ra sự việc ấy.

b. Cụ thể:

- Kể những chi tiết, hành động, sự việc, những diễn biến của câu chuyện.

- Kể một hành động mà em ấn tượng nhất khiến em luôn ăn năn là đã trót vô lễ với cô.

(Em đã cãi lời cô, xúc phạm, chống đối,…. Nhưng cô không trách mắng mà ngược lại, nhẹ nhàng giảng giải và làm công tác tư tưởng để em nhìn nhận sự việc và câu chuyện theo hướng khác. Đó thực sự là điều khiến em ngạc nhiên và suy nghĩ mãi. Cô/ thầy là tấm gương mẫu mực, là người truyền cảm hứng cho em về cả tri thức và nhân cách,…)

3. Kết bài:

- Suy nghĩ, tình cảm của em.

- Liên hệ tới thời điểm hiện tại, em đã trưởng thành hơn chưa dưới

Bài văn tham khảo:

       Trong cuộc sống, mỗi chúng ta không ít lần mắc lỗi nhưng có những lỗi lầm đã gây ra không bao giờ chúng ta quên được. Bây giờ, cứ mỗi lần nhớ đến cô giáo dạy văn năm lớp bảy, tôi lại thấy trong lòng mình ray rứt vì đã vô lễ với cô.

       Tôi vốn là một đứa trẻ bất hạnh nhất trên đời – tôi luôn nghĩ về bản thân mình như vậy. Mẹ tôi sinh ra tôi nhưng tôi không có bố. Từ bé tôi đã luôn bị mọi người xung quanh khinh miệt, giễu cợt là “đồ con hoang”. Nhiều bà mẹ không cho con họ chơi với tôi. Tôi sống thui thủi như thế với mẹ trong căn nhà nhỏ tồi tàn cuối xóm. Từ bé, tôi không thấy ai tốt bụng và thương tôi ngoài mẹ tôi. Hai mẹ con tôi sống trơ trọi không họ hàng trong sự khinh miệt của mọi người xung quanh. Trong mắt tôi, loài người thật xấu xa và độc ác – trừ người mẹ hiền lành mà tôi hết lòng thương yêu và kính trọng. Đến tuổi đi học, tôi không chơi với bạn nào trong lớp, luôn lãnh đạm, thờ ơ với mọi người xung quanh.

       Năm ấy, tôi học lớp bảy. Trong giờ văn, hôm nay lớp học văn nghị luận chứng minh. Cô giáo giảng đề “Lá lành đùm lá rách”. Cô đã dùng nhiều lập luận và dẫn chứng gần gũi, cụ thể, thiết thực để cho chúng tôi thấy đấy là lòng nhân ái của người Việt Nam ta. Giảng xong, cô cho lớp viết bài, tiết sau cô sẽ sửa. Tiết học sau, cô gọi một số bạn nộp bài cho cô sửa – trong đó có tôi. Cô gọi tôi lên và hỏi: “Toàn, tại sao em lại không làm bài mà để giấy trắng? Em không hiểu bài à? Không hiểu chỗ nào cô sẽ giảng lại cho?

       Phản ứng của tôi bất ngờ đến mức làm cả lớp sững sờ nhìn tôi. Tôi gân cổ lên trả lời cô: “Em không làm vì em không thèm làm chứ không phải không hiểu. Toàn là nói dối, bịa đặt, trên đời này làm gì có lòng nhân ái, người yêu thương người. Tại sao em lại chứng minh điều dối trá như thế là đúng cơ chứ?” Tôi nói mà không biết mình đang nói gì. Có lẽ đó là những điều uất ức dồn nén từ lâu hôm nay bộc phát. Cả lớp đổ dồn những cặp mắt ngỡ ngàng về phía tôi. Còn cô giáo thì mặt tái xanh, tôi thấy cô giận đến run người. Cô không nói lời nào mà bước nhanh ra khỏi lớp. Tôi biết cô rất giận. Cô sợ không kìm chế được cảm xúc nên bước ra ngoài chăng? Tôi thoáng ân hận vì quá lời với cô nhưng tôi không thấy mình sai. Lớp trưởng đến bên tôi nhẹ nhàng: “Tại sao cậu vô lễ như thế? Đi theo xin lỗi cô đi!” Tôi giận dữ: “Tớ không nói sai. Tớ không có lỗi!”.

      Sau sự việc trên, tôi đinh ninh mình sẽ bị đuổi học hoặc chí ít là mời phụ huynh. Tôi chỉ lo mẹ sẽ buồn. Cuối giờ, cô gọi tôi lên gặp riêng cô. Tôi biết mình sẽ bị khiển trách rất nặng. Tôi bước vào phòng giáo viên, cô ngồi đó vẻ mặt buồn rười rượi. Trên đôi mắt đen lay láy của cô còn ngân ngấn nước. Tôi đoán cô vừa khóc và thấy ngạc nhiên. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi cô không trách mắng tôi mà nhẹ nhàng phân tích cho tôi thấy rằng tôi nghĩ như thế là lệch lạc. Các bạn đã luôn gần gũi và giúp đỡ tôi, cô đã luôn quan tâm và yêu thương tôi,… Tôi vô cùng ân hận. Tôi lí nhí xin lỗi cô. Cô dịu dàng xoa vào đầu tôi và bảo: “Em hiểu được như thế là tốt và đừng nên mất niềm tin vào tình người như thế! Cô không giận em đâu”. Dù cô nói vậy nhưng tôi vẫn thấy mình thật có lỗi khi vô lễ với cô.

       Tôi thật biết ơn cô vì đã dạy tôi bài học về tấm lòng độ lượng và giúp tôi lấy lại niềm tin về tình người.

Đề 3. Kể về một việc em đã làm khiến bố mẹ rất vui lòng.

Dàn ý:

1. Mở bài: Giới thiệu khái quát về câu chuyện em định kể, việc đã khiến bố mẹ vui lòng.

2. Thân bài:

* Kể thời gian, địa điểm, hoàn cảnh diễn ra sự việc ấy.

* Kể về diễn biến, điểm gây ấn tượng của sự kiện ấy.

(Em đạt giải trong kì thi cấp quận và mời bố mẹ đi nhận giải. Em giúp đỡ người già, làm được việc tốt và được nhà trường tuyên dương. Em giúp đỡ ba mẹ việc nhà và biết xử trí nhanh khi gặp người lạ mà bố mẹ lại đi vắng. …)

* Tình cảm của em trước sự việc, cảm xúc khi làm điều khiến ba mẹ vui lòng.

3. Kết bài:

- Nêu suy nghĩ.

- Mong muốn, lời tự nhủ, lời hứa.

Bài viết tham khảo:

     Hôm nay đứng trên bục nhận phần thưởng học sinh giỏi, tôi vô cùng vui sướng khi thấy gương mặt rạng ngời hạnh phúc của bố mẹ. Cuối cùng thì đứa con ngỗ nghịch như tôi cũng đã làm cho bố mẹ vui lòng.

     Nhà tôi nghèo lại đông con nên bố mẹ tôi rất vất vả để nuôi chúng tôi khôn lớn. Các anh chị của tôi ai cũng chăm ngoan và học giỏi. Riêng tôi là đứa nhỏ nhất nhưng ngỗ nghịch nhất. Tôi ham chơi hơn ham học. Chuyện tôi cúp học đi chơi là chuyện thường xảy ra. Kết quả học tập của tôi bao giờ cũng rất tệ. Tôi biết bố mẹ rất buồn.

     Nhìn bố mẹ tôi người ta sẽ rất khó đoán được tuổi. Do lam lũ, vất vả nhiều nên trông bố mẹ tôi già trước tuổi. Mới bốn mươi lăm tuổi mà tóc bố tôi bạc trắng, gương mặt khắc khổ, người gầy xọm trông như cụ già sáu mươi. Còn mẹ tôi thì đuôi mắt đầy vết chân chim và những tàn nhang vì dãi nắng dầm sương. Bàn tay mẹ gầy guộc quanh năm buôn bán tảo tần. Mẹ tôi bán cá ở chợ, tay chân ngâm nước thường xuyên nên bị nước ăn lở loét, trắng nhợt. Sau mỗi buổi chợ, mẹ về nhà thoa thuốc, vừa thoa vừa xuýt xoa. Tôi biết mẹ đau lắm, tôi thương mẹ lắm nhưng vẫn không chừa được tật ham chơi.

     Tôi nhớ, hôm đó, tôi chơi điện tử thua đám bạn và phải có tiền chung cho bọn nó chầu kem. Làm sao để có tiền đây? Trong đầu tôi lóe lên một ý nghĩ. Tôi về nhà xin mẹ tiền đóng học phí phụ đạo. Tôi thấy sự lo lắng thoáng qua trong mắt của mẹ. Mẹ bảo tôi chờ một lát rồi mẹ đi đâu đó. Lát sau trở về, mẹ đưa cho tôi đủ số tiền tôi xin. Tôi biết  mẹ vừa đi vay mượn của ai đó trong xóm. Cầm tiền mẹ đưa mà tay tôi run run, sống mũi cay xè. Tôi hối hận lắm. Tôi chỉ muốn ôm chầm lấy mẹ mà thú nhận tất cả nhưng tôi không đủ can đảm.

      Từ hôm đó, các anh chị tôi rất ngạc nhiên, còn bố mẹ tôi vui mùng ra mặt vì thấy tôi không đi chơi lêu lổng nữa. Ngoài thời gian đến trường tôi ở nhà học bài. Tôi còn tranh thủ thời gian rảnh giúp bố mẹ việc nhà chứ không trốn đi chơi điện tử hay lấy xe đạp chạy lông ngông ở ngoài đường như trước. Có khi tôi còn ra chợ giúp mẹ – công việc mà trước đây tôi không bao giờ đụng vào vì chê tanh bẩn, ngại chúng bạn trêu chọc. Do bỏ bê việc học lâu ngày nên bây giờ việc học đối với tôi không dễ dàng chút nào. Kiến thức của tôi thật thảm hại, hổng lỗ chỗ. Nhiều khi tôi cũng nản lòng vì việc học vất vả quá. Nhưng nghĩ tới bố mẹ là tôi lại thêm quyết tâm. Những tối tôi thức khuya học bài thì bố thức cùng tôi, khi thì thắp cho cây nhang muỗi; lúc là lời hỏi han động viên; mẹ tôi lúc bát chè đậu, khi ly sữa nóng. Tôi còn nhớ những hôm tôi giật mình thức giấc vì tiếng gà gáy ò…ó…o ngoài chuồng. Trời còn chưa sáng tỏ, tôi thấy dáng gầy gầy của mẹ đã lom khom bên bếp lửa bập bùng. Tôi rón rén đến bên mẹ hỏi mẹ nấu gì mà phải dậy sớm. Mẹ bảo nấu xôi cho tôi ăn chắc bụng để đi học. Tôi cảm động ôm chầm mẹ mà không nói nên lời.

     Với sự cố gắng của bản thân và sự động viên của b ố m ẹ, vi ệc h ọc của tôi ngày một tiến bộ. Tôi không còn chật vật với những bài toán khó, điểm số ngày càng cao. Tôi còn được cô giáo tuyên dương trong buổi sinh hoạt lớp – điều mà trước đây chưa bao giờ có. Mỗi lần tôi khoe những điểm mười đỏ chói, tôi thấy đôi mắt mẹ rưng rưng, lấp lánh lạ thường. Nụ cười làm gương mặt mẹ rạng rỡ hơn. Bố tôi không nói gì, chỉ xoa đầu tôi và gật gật đầu ra chiều hài lòng lắm. Tôi thấy những nếp nhăn trên gương mặt bố như giãn ra. Tôi biết bố mẹ rất vui lòng và hạnh phúc vì tôi đã chăm ngoan hơn, học giỏi hơn.

      Ngày hôm nay, đứng trên bục danh dự nhận phần thưởng, nhìn xuống hàng ghế dành cho phụ huynh, tôi thấy bố mẹ tôi cười thật tươi, nụ cười rạng rỡ, mãn nguyện và hạnh phúc. Niềm vui vì đứa con ngỗ nghịch bây giờ là học sinh giỏi làm bố mẹ tôi trẻ hẳn ra. Tôi lấy làm sung sướng, hạnh phúc và hãnh diện lắm vì đã trở thành đứa con ngoan, làm bố mẹ vui lòng.

Đề 4. Nếu là người được chứng kiến cảnh lão Hạc kể chuyện bán chó với ông giáo trong truyện ngắn của Nam Cao thì em sẽ ghi lại câu chuyện đó như thế nào?

Dàn ý:

1. Mở bài:

- Xác định ngôi kể (sẽ là vai người nào để chứng kiến và kể lại câu chuyện hay được nghe kể lại. Có thể hóa thân thành thị - vợ của ông giáo, người đến mua chó, con của ông giáo, người hầu của ông Thứ, người cùng làng,…)

- Giới thiệu khái quát, tóm tắt nội dung của câu chuyện định kể.

2. Thân bài:

a. Khái quát:

- Người kể chứng kiến/ được nghe kể câu chuyện trong hoàn cảnh nào?

- Giới thiệu sơ qua các nhân vật có trong câu chuyện.

b. Cụ thể:

- Kể lại diễn biến câu chuyện:

+ Các tình tiết, sự kiện; Hành động, cảm xúc của các nhân vật.

+ Có thể tả thêm bối cảnh xung quanh, tưởng tượng ra cảm xúc của con chó vàng…

- Nêu đánh giá và cảm xúc của người kể.

3. Kết bài:

- Bày tỏ tình cảm và lòng thương đối với hoàn cảnh của lão Hạc. Mong muốn của người chứng kiến là gì? Nếu có thể thì sẽ chọn thay đổi sự việc theo chiều hướng nào?

Bài viết tham khảo:

Hóa thân thành nhân vật thị - vợ ông giáo để kể lại câu chuyện.

     Hôm nay là một ngày khá là đẹp, mặt trời chiếu những tia nắng xen qua kẽ lá. Tôi đang lụi hụi nấu ăn, còn chồng thì chăm chú ngồi đọc sách. Chợt từ xa, lão Hạc với dáng vẻ buồn bã từ từ tiến lại gần nhà tôi, không biết có chủ ý gì mà lão qua đây. Tò mò tôi ló đầu ra hóng chuyện.

     Vừa đến cửa, lão nói với chồng tôi, gương mặt hốc hác cúi cằm xuống:

- Cậu Vàng đi rồi ông Giáo ạ!

      À thì ra lão qua đây để nói về con chó mà lão cưng, lão thương như vàng ấy. Không tránh khỏi sự ngạc nhiên, ông nhà hỏi:

- Cụ đã bán rồi à?

      Lão Hạc đáp với vẻ buồn rầu:

- Vâng, tôi bán rồi.

      Lão nói với giọng bùi ngùi, gương mặt lão cố tỏ ra vui vẻ nhưng thật ra trong lòng đau đớn đến tột cùng. Lão cười, cười một cách quái dị, lão cười mà cứ như mếu. Trên đôi mắt đầy ắp những khổ cực bắt đầu ngân ngấn nước, đỏ hoe. Ông nhà tôi xót xa lắm, rót ly rượu mời lão rồi hỏi tiếp:

- Vậy nó cho bắt à?

      Câu hỏi này có lẽ đã vô tình đụng vào nỗi đau mà lão Hạc cố chôn vùi. Lão bắt đầu khóc, lão khóc hu hu như một đứa trẻ, khóc như chưa từng được khóc. Nước mắt chan hòa với nỗi đau khiến lòng lão quặn lại, tim đau từng hồi. Những giọt nước mắt ấy tưởng chừng sẽ không có ở cái tuổi gần đất xa trời như lão, ấy vậy mà lại rơi vì trót lừa một con chó, lão nghẹn ngào:

- Khốn nạn... ông giáo ơi!... Nó có biết gì đâu. Nghe gọi về ăn cơm thì vẫy đuôi lật đật chạy về. Đang ăn thì thằng Mục và thằng Xiên trốn từ phía sau túm lấy cu cậu, loay hoay một lát là trói chặt cả bốn chân. Cái giống nó cũng khôn, biết mình bị bắt nên im lặng, chỉ kêu ư ử như muốn oán trách tôi vì sao lại đối xử tệ với nó như vậy. Ông giáo à! Ngay cả tôi cũng không hiểu vì sao mình bằng tuổi này rồi mà lại nhẫn tâm đi lừa một con chó, phản bội người bạn thân duy nhất của mình. Tôi thấy ân hận quá! Lão vừa nói vừa đấm thình thịch vào ngực mình, nước mát cứ thế mà rơi trên gương mặt xương xương, gầy gầy. Lão cấu xé, dằn vặt bản thân để thỏa nỗi đau đang cồn cào tận đáy lòng. Nhìn lão thế này, ông nhà tôi thấy đau lòng lắm, ông ôm lão mà khóc cùng và tôi thấy thương lão Hạc biết bao!

      Người ngoài nhìn vào có thể sẽ nghĩ lão không được bình thường, không khóc vì khổ thì thôi chớ ai đời lại đi khóc vì bán chó. Bản thân tôi trước đây cũng nghĩ lão già rồi nên không còn minh mẫn, có tiền không tiêu, có ruộng vườn không bán, có chó không giết... nhưng bây giờ hiểu rõ sự tình, tôi thấy thương cho hoàn cảnh lão lắm. Vợ mất sớm, nhà nghèo, con trai thì không lấy được vợ, đứa con trai duy nhất phẫn chí bỏ đi phụ đồn điền cao su không biết khi nào về. Lão phải sống hiu quạnh cùng con chó là kỉ niệm mà người con trai để lại, lão cưng nên gọi là "cậu Vàng". Nhưng vì muốn giữ lại mảnh vườn cho con, lão đành đứt ruột bán đi cậu Vàng dù trong lòng đau như cắt. Không biết cậu Vàng đi rồi, lão Hạc sẽ sống chuỗi ngày còn lại như thế nào, ai sẽ quấn quýt bên lão những khi lão nhớ đến con trai, ai bên cạnh lão khi lão ốm yếu? Càng nghĩ tôi càng thấy thương lão. Giật mình khi thấy đồng hồ điểm mười hai giờ trưa, tôi phải tiếp tục nấu ăn. Còn lão Hạc với chồng tôi vẫn nói chuyện ở gian trên.

      Lão Hạc quả là một con người đáng thương, ông có một tấm lòng yêu thương con trai và yêu con vật như yêu chính bản thân. Cuộc đời quả thật trớ trêu khi bắt con người ta phải sống trong sự đau khổ, kéo dài như thế. Còn về phần ông giáo cũng sống trong hoàn cảnh túng quẫn. Tuy nhiên ông có tấm lòng rộng lớn qua việc mặc dù nhỏ tuổi hơn lão Hạc rất nhiều nhưng khi nghe lão tâm sự, ông vẫn lắng nghe và chia sẻ cùng lão, không hề phàn nàn mà lại tỏ thái độ vô cùng lễ phép tôn trọng lão Hạc.

      Đọc truyện ngắn của Nam Cao, đoạn lão Hạc sang báo tin bán chó với ông giáo đã để lại cho tôi cảm xúc khó tả, giúp tôi thấm thía, cảm nhận được những nỗi đau của lão Hạc cũng như những người nông dân thời xưa phải trải qua, họ phải sống trong tầng lớp nghèo khổ, bị khinh miệt rất đáng thương. Và đây cùng là đoạn trích mà tôi thích nhất.

Hóa thân thành nhân vật người cùng làng, được chứng kiến, kể lại câu chuyện.

      Tôi choàng tỉnh giấc, dậy từ khi mặt trời còn chưa treo ngọn tre. Đó là một thói quen bình thường của người làm nghề nông. Cả cái làng Vũ Đại này, có ai không làm nghề nông chỉ trừ ông Bình giáo ra. Ông ấy là người học rộng lại hiểu sâu, chính vì vậy mà tôi định đến nhà ông giáo để viết một số giấy tờ nhà đất.

      Con đường làng dài và hẹp. Gió thổi vi vu khiến cho những rặng tre xào xạc, đung đưa. Quanh nhà ông giáo, những hàng râm bụt lá vàng úa vẫn còn tồn tại sau trận bão khủng khiếp. Vừa thấy tôi, ông giáo liền nói: "Chào bác". Tôi đáp lại:

- Vâng, chào anh! Hôm nay tôi sang đây là muốn nhờ anh viết một số giấy tờ đất đai!

- Vậy mời bác vào nhà nhà xơi nước cái đã!

      Ông giáo mời tôi ngồi trước thềm nhà, chúng tôi đang bàn bạc thì bỗng đâu có tiếng nói hớt hải vọng tới:

- Cậu Vàng đi đời rồi ông giáo ạ!

     A! Thì ra là lão Hạc, lão mặc bộ quần áo xộc xệch, đầu tóc rồi bù trông có vẻ kham khổ lắm. Lão là người hàng xóm của tôi. Vợ lão chết, con lão thì đi làm đồn điền cao su không biết khi nào về. Lão cứ sống như vậy cô đơn, thui thủi một mình ngày này qua ngày khác. Nhưng có điều khiến tôi thấy rất lạ. Hôm trước, tôi còn sang xin nhà lão mấy củ gừng về pha nước thì thấy lão cưng nựng con chó lắm kia mà; Một điều "Cậu" này, hai điều "cậu" nọ. Khi ăn thỉnh thoảng lão còn gắp thức ăn cho con chó của lão. Vậy mà giờ lại phải bán nó đi sao?

    Ông giáo hỏi:

- Thế nó cho bắt à?

- Lúc bấy giờ thì mắt lão Hạc đã ầng ậc nước. Những nếp nhăn sô vào với nhau, ép cho nước mắt chảy ra, trông lão giờ già đi đến hơn chục tuổi.

- Khốn nạn! nó có biết gì đâu ông giáo ơi! Nó thấy tôi gọi thì chạy ra. Cùng lúc đó thì chúng nó tóm gọn con chó rồi lôi đi xềnh xệch.

     Tôi bắt đầu hiểu ra câu chuyện của lão Hạc và mường tượng cảnh thằng Mục, thằng Xiên dốc ngược con chó lên, trói chân, trói tay nó lại rồi mang đi. Lão Hạc mếu máo nói:

- Lúc đấy thì cu cậu mới biết là cu cậu chết! Mắt nó long sòng sọc rồi dại đi. Nó cứ ăng ẳng nhìn tôi như thể nó nói: A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão thế nào mà giờ lão xử tôi như vậy hả.

- Cụ cứ khéo tưởng tượng đấy chứ nó có biết gì đâu. Vả lại! Ai nuôi chó mà chẳng để giết thịt. Ta giết nó chính là hóa kiếp cho nó đấy chứ! - Ông giáo nói.

     Lão Hạc chua chát bảo:

- Ông giáo nói phải! Ta hóa kiếp cho nó để nó được đầu thai thành kiếp khác may ra có là kiếp người. Như ông với tôi chẳng hạn!

     Tôi nghe mà không kìm được nước mắt. Tôi cảm thấy đau khổ và xót thương cho lão Hạc quá! Lão chỉ có mỗi con chó để bầu bạn hằng đêm. Có con chó đó cũng đỡ buồn và bù đắp được cho sự thiếu thốn tình cảm của lão. Vậy mà giờ lão phải bán nó đi để lấy tiền để dành cho con sao! Lão Hạc quả là một con người tốt và có tình thương yêu con sâu sắc mà hiếm ai có được. Ông giáo nói:

- Không có kiếp gì là sướng cả! Để tôi vào nhà pha ấm nước chè rồi ba ông con mình vừa rít thuốc lào vừa uống, thế là sướng!

- Ông giáo dạy phải! nhưng giờ tôi có việc gấp phải đi bây giờ ông giáo ạ!

- Còn sớm mà, cụ hẵng ở lại chơi với chúng tôi cái đã!

- Ông giáo cho tôi xin khất chứ hôm nay thì nhất quyết không được.

     Vậy là lão Hạc lại lạng chạng ra về trong sự ái ngại của tôi và ông giáo. Thuốc lào đã được vo viên mà không ai thèm đụng đến. Tôi nghĩ đến lão Hạc, một con người đầy tình thương và giàu lòng tự trọng. Một người vì con mà sẵn sàng bán đi thứ yêu quý nhất, kỷ vật của mình. Một người mà đã mếu máo, khóc hu hu như trẻ con vì nỡ lừa một con chó. Một người đáng kính như vậy mà phải sống khổ sống sở như vậy sao? Cuộc đời thật bất công đối với những con người tốt, người lương thiện mà chỉ gặp toàn khổ đau, bất hạnh. Tôi từ biệt ông giáo đi về mà lòng đau như cắt.

      Tôi, ông giáo và lão Hạc, những người nông dân nghèo khổ, bị xã hội dồn đến đường cùng mà vẫn phải sống, vẫn phải tồn tại trên cái thế giới này. Cảm ơn lão Hạc, lão đã cho tôi hiểu được tình thương và lòng tự trọng quý giá của một con người. Tôi sẽ mãi khắc sâu bài học này trong tâm can và ý chí của mình đến cuối đời!


Được cập nhật: 11 tháng 4 lúc 22:40:56 | Lượt xem: 450

Các bài học liên quan