Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Soạn bài từ tương hình, từ tượng thanh

Gửi bởi: Nguyễn Thị Ngọc 30 tháng 12 2019 lúc 15:18:05


Mục lục
* * * * *
Từ tượng hình, từ tượng thanh

I. ĐẶC ĐIỂM, CÔNG DỤNG

Đọc các đoạn trích sau (trong Lão Hạc của Nam Cao) và trả lời câu hỏi.

- Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc…

- Này! Ông giáo ạ! Cái giống nó cũng khôn! Nó cứ làm in như nó trách tôi; nó kêu ư ử, nhìn tôi, như muốn bảo tôi rằng: “A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão xử với tôi như thế này à?”.

- Tôi ở nhà Binh Tư về được một lúc lâu thì thấy những tiếng nhốn nháo ở bên nhà lão Hạc. Tôi mải mốt chạy sang. Mấy người hàng xóm đến trước tôi đang xôn xao ở trong nhà. Tôi xồng xộc, chạy vào. Lão Hạc đang vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc.

Trả lời câu hỏi:

a.

- Những từ in đậm trên, từ gợi hình ảnh dáng vẻ, trạng thái của sự vật: món mém, xồng xộc, rũ rượi, vật vã, xộc xệch, sòng sọc.

- Những từ miêu tả âm thanh của tự nhiên, con người: hu hu, ư ử.

b. Những từ ngữ gợi tả dáng vẻ, trạng thái, âm thanh như trên có tác dụng gợi hình ảnh cụ thể, sinh động mang lại giá trị biểu cảm cao.

GHI NHỚ

- Từ tượng hình là từ gợi tả hình ảnh, dáng vẻ, trạng thái của sự vật. Từ tượng thanh là từ mô phỏng âm thanh của tự nhiên, của con người.

- Từ tượng hình, từ tượng thanh gợi được hình ảnh, âm thanh cụ thể, sinh động, có giá trị biểu cảm cao; thường được dùng trong văn miêu tả và tự sự.

II. LUYỆN TẬP

Bài 1.

Từ tượng hình, từ tượng thanh trong những câu sau (trích từ Tắt đèn Ngô Tất Tố)

- Từ tượng hình: rón rén, lẻo khẻo, chỏng quèo.

- Từ tượng thanh: soàn soạt, nham nhảm, bịch, bốp.

Bài 2.

5 từ tượng hình gợi tả dáng đi của người: lom khom, lon ton, thoăn thoắt, lù đù, chập chững…

Bài 3. Theo Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê chủ biên:

- Ha hả: gợi tả tiếng cười to, tỏ ra khoái chí, thỏa mãn.

- Hì hì: mô phỏng tiếng cười phát ra đằng mũi, âm thanh nhỏ, biểu lộ sự thích thú, có vẻ hiền lành.

- Hô hố: mô phỏng tiếng cười to và thô lỗ, khó nghe, gây cảm giác khó chịu cho người khác.

- Hơ hớ: mô phỏng tiếng cười tự nhiên, thoải mái, không cần giữ gìn.

Bài 4. Đặt câu với từ tượng hình, tượng thanh:

- Mưa xuân lắc rắc trên những thảm cỏ non.

- Nước mắt nó lã chã ngắn dài khi phải nghỉ học.

- Con đường ven sườn núi quanh co, khúc khuỷu.

- Mặt ba lấm tấm mồ hôi sau những giờ trên thao trường.

- Bác đồng hồ tích tắc không ngơi nghỉ.

- Buổi chiều trên cánh đồng, bầy vịt lạch bạch về chuồng.

Bài 5.

- Bài Qua đèo Ngang của Bà huyện Thanh Quan:

Bước tới đèo Ngang bóng xế tà

Cỏ cây chen đá, lá chen hoa

Lom khom dưới núi tiều vài chú

Lác đác bên sông chợ mấy nhà

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia

Dừng chân đứng lại, trời, non, nước

Một mảnh tình riêng ta với ta.

- Bài Lượm của Tố Hữu:

Chú bé loắt choắt

Cái xắc xinh xinh

Cái chân thoăn thoắt

Cái đầu nghênh nghênh

Ca lô đội lệch

Mồm huýt sáo vang

Như con chim chích

Nhảy trên đường vàng.

- Bài thơ Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh:

Trên đường hành quân xa

Dừng chân bên xóm nhỏ

Tiếng gà ai nhảy ổ

Cục, cục tác, cục ta

Nghe xao động nắng trưa

Nghe bàn chân đỡ mỏi

Nghe gọi về tuổi thơ.


Được cập nhật: 15 tháng 4 lúc 5:02:42 | Lượt xem: 604

Các bài học liên quan