Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Soạn bài Lục Vân Tiên gặp nạn

Gửi bởi: Nguyễn Thị Ngọc 2 tháng 1 2020 lúc 10:19:28


Mục lục
* * * * *

GHI NHỚ

- Lục Vân Tiên gặp nạn thuộc phần của truyện Lục Vân Tiên.

- Đoạn trích Lục Vân Tiên gặp nạn nói lên sự đối lập giữa thiện và ác, giữa nhân cách cao cả và những toan tính thấp hèn, đồng thời thể hiện thái độ quý trọng và niềm tin của tác giả đối với nhân dân lao động. Đây cũng là đoạn thơ giàu cảm xúc, khoáng đạt, ngôn ngữ bình dị, dân dã.

Lục Vân Tiên gặp nạn

HƯỚNG DẪN ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

Câu 1. Tìm chủ đề của đoạn trích.

Trả lời

Đoạn trích này, chủ ý muốn phê phán cái ác, đề cao cái thiện, đồng thời thể hiện tin vào những điều tốt đẹp ở đời.

Câu 2. Hãy phân tích tâm địa độc ác của Trịnh Hâm qua hành động hãm hại bạn mình là Lục Vân Tiên. Em có nhận xét gì về giá trị nghệ thuật của đoạn thơ tự sự này ?

Trả lời

Chỉ qua bốn câu thơ lục bát, tác giả đã nêu được tâm địa độc ác của Trịnh Hâm:

Trịnh Hâm khi ấy ra tay.

Vân Tiên bị gã xô ngay xuống vời.

Trịnh Hâm giả tiếng kêu trời.

Cho người thức dậy lấy lời phôi pha

- Trịnh Hâm quyết tâm hãm hại Vân Tiên là do tính đố kị. Hắn thấy Vân Tiên là người có tài nên sinh lòng ganh ghét. Dù Vân Tiên đã mù, hắn vẫn cố tìm cách hãm hại. Chừng như cái ác đã ngấm sâu vào người hắn, đã tạo thành bản chất của hắn.

- Hành động của Trịnh Hâm thật bất nhân, bất nghĩa, tàn ác.

+ Bất nhân, tàn ác vì hắn đang tâm hãm hại một con người đang cơn hoạn nạn, bị mù mắt, không nơi nương tựa, không có gì để chống đỡ.

+ Bất nghĩa vì Vân Tiên là bạn của hắn, đã từng xướng họa thơ ca, rồi được hắn hứa hẹn: Tình trước nghĩa sau, Người lành nỡ bỏ người đau sao đành. Thế mà cuối cùng Trịnh Hâm rũ sạch nghĩa nhân, ra tay xô người bạn mù lòa, khốn khổ xuống sông sâu.

+ Giả nhân, giả nghĩa: đến lúc biết không còn ai có thể cứu được Vân Tiên, Trịnh Hâm mới giả tiếng kêu trời, rồi lấy lời phôi pha để phủi sạch tội ác của mình.

- Đoạn thơ tự sự gồm 8 câu thơ kể về một tội ác tày trời của một con người táng tận lương tâm, được tác giả diễn đạt thành công qua các tình tiết sắp xếp hợp lí, hành động diễn biến nhanh gọn, lời thơ vẫn giữ vẻ mộc mạc, giản dị chung của toàn tác phẩm.

Câu 3. Đối lập với cái ác, cái thiện được biểu hiện như thế nào qua đoạn trích ?

Đoạn thơ nói lên thái độ, tình cảm của tác giả đối với nhân dân lao động như thế nào ?

Trả lời

Trong đoạn trích này, nếu như Trịnh Hâm là kẻ điển hình cho cái ác thì ông ngư lại tiêu biểu cho cái thiện. Hành động của Trịnh Hâm càng tàn ác bao nhiêu thì cách ông ngư cứu giúp Lục Vân Tiên càng đáng ca ngợi bấy nhiêu.

- Thấy người bị nạn, ông ngư lập tức "vớt ngay lên bờ", sau đó vội vàng tìm cách cấp cứu "ông hơ bụng da, mụ hơ mặt mày".

- Sau khi biết chuyện, ông ngư mời Vân Tiên ở lại mà không sợ tốn kém.

- Vân Tiên ngỏ lời biết ơn nhưng ông không nhận, chỉ coi đó là một việc hết sức bình thường. Quan điểm của ông là "Dốc lòng nhân nghĩa, há chờ trả ơn".

Điều này gọi chúng ta nhớ đến chi tiết khi Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga, chàng cũng không đòi hỏi sự trả ơn. Rõ ràng là giữa ông ngư và Vân Tiên có sự nhất quán trong tính cách: họ đều là những con người tốt bụng, nghĩa hiệp, làm ơn mà không bao giờ đòi hỏi được trả ơn.

- Qua cách ông ngư nói về công việc, ta còn thấy ông là người yêu công việc, yêu cuộc sống. Đối với ông, lao động là một niềm vui, niềm hạnh phúc:

Kinh luân đã sẵn trong tay

Thung dung dưới thế, vui say trong đời.

* Đoạn thơ gửi gắm khát vọng vào niềm tin về cái thiện, vào con người lao động bình thường. Nhà thơ rất trân trọng họ bởi họ là biểu tượng cho cái đẹp, những con người nghèo khổ mà nhân hậu, vị tha, trọng nghĩa khinh tài. Nhà thơ Xuân Diệu đã nói rất đúng "Cái ưu ái đối với người lao động, sự kính mến họ là một đặc điểm của tâm hồn Đồ Chiểu".

Câu 4. Hãy chọn những câu mà em cho là hay nhất trong đoạn thơ rồi trình bày những cảm nhận của em về cảm xúc của tác giả và ngôn ngữ miêu tả, biểu cảm trong những câu thơ ấy.

Trả lời

"Ngư răng: “Lòng lão chăng mơ,

....

Tắm mưa chải gió trong vời Hàn Giang

(Nguyễn Đình Chiểu, Truyện Lục Vân Tiên, Theo Nguyễn Đình Chiểu toàn tập, sđd)

          Tám câu thơ cuối đoạn có thể coi là những câu thơ hay nhất. Đó là lời của ông ngư nói về cuộc sống của mình. Ý tứ phóng khoáng mà sâu xa, lời lẽ thanh thoát mà uyển chuyển, hình ảnh thơ đẹp, gợi cảm.

          Một khoảng thiên nhiên cao rộng, khoáng đạt được mở ra với những doi, vịnh, chích, đầm, bầu trời, đất, gió trăng... Con người hoà nhập trong cái thế giới thiên nhiên ấy không chút cách biệt: hứng gió, chơi trăng, tắm mưa... và niềm vui sống cũng dường như đầy ắp cải "cõi thế" của con người ấy (tác giả dùng rất nhiều từ chỉ trạng thái tâm hồn thanh thản, vui sống: vui vầy, thong thả, nghêu ngao, vui thầm, thung dung...) Người đọc có cảm giác như chính Nguyễn Đình Chiểu đang nhập thân vào nhân vật để nói lên khát vọng sống và niềm tin yêu cuộc đời của mình.

LUYỆN TẬP

          Trong Truyện Lục Vân Tiên còn có những nhân vật nào có thể xếp vào cùng một loại với ông Ngư ở đoạn trích này? Họ có những đặc điểm chung gì? Tác giả muốn gửi gắm ý tưởng nào thông qua các nhân vật đó ?

Trả lời

          Trong truyện Lục Vân Tiên còn có những nhân vật cao thượng như ông Ngư là ông Quán, ông Tiều, lão Bà, tiểu đồng... họ vừa là những người lao động chất phát, thật thà, vừa là những người trí thức ẩn dật, biết giữ gìn nhân cách, giàu lòng nhân nghĩa yêu tự do và cuộc sống yêu thanh cao.

          Ông Ngư trong đoạn thơ này và ông Tiêu trong đoạn thơ sau cùng có một cách nói giống nhau về cuộc sống của mình.

"Tiều rằng: Vốn lão tinh không....

Lộc rùng gánh vác hai vai tháng ngày".


Được cập nhật: 7 giờ trước (9:44:38) | Lượt xem: 303

Các bài học liên quan