Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Soạn bài Kiều ở lầu Ngưng Bích

Gửi bởi: Nguyễn Thị Ngọc 2 tháng 1 2020 lúc 10:05:52


Mục lục
* * * * *

GHI NHỚ

- Kiều ở lầu Ngưng Bích là trích đoạn thuộc phần II – Gia biến và lưu lạc.

- Đoạn trích là một trong những đoạn miêu tả nội tâm nhân vật thành công nhất trong Truyện Kiều, đặc biệt là bằng bút pháp tả cảnh ngụ tình. Đoạn thơ cho thấy cảnh ngộ cô đơn, buồn tủi và tấm lòng thủy chung, hiếu thảo của Thúy Kiều.

Kiều ở lầu Ngưng Bích

HƯỚNG DẪN ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

Câu 1. Em hãy tìm hiểu cảnh thiên nhiên trong sáu câu thơ đầu [...]

Trả lời

- Hai chữ “khoá xuân” cho thấy thực chất là Kiều bị giam lỏng.

- Nàng trơ trọi giữa không gian mênh mông, hoang vắng: 2 câu 14 chữ, chữ nào cũng gọi lên sự rợn ngợp của không gian: “Bốn bề bát ngát xa trông". "Cảnh non xa”, “trăng gần” như gợi lên hình ảnh lầu Ngưng Bích chơi vơi giữa mênh mang trời nước. Từ lầu Ngưng Bích nhìn ra chỉ thấy những dãy núi mờ xa, những cồn cát bụi bay mù mịt, cái lầu chơi với một thân phận trơ trọi, không một bóng người, không sự giao lưu giữa người với người.

Hình ảnh “non xa”, “trăng gần”, “cát vàng” “bụi hồng” có thể là cảnh thực, có thể là hình ảnh ước lệ để gợi sự mênh mông, rợn ngợp của không gian, qua đó diễn tả tâm trạng cô đơn của Kiều.

Câu 2. Tám câu thơ tếp theo trực tiếp nói lên nỗi nhớ thương của Kiều [...]

Trả lời

Tình trạng cô đơn gần như tuyệt đối này làm dấy lên trong lòng nàng bao nỗi niềm buồn sầu, thương nhớ.

a. Nhớ Kim Trọng

          Thúy Kiều nhớ chàng Kim trước, nhớ cha mẹ sau. Đấy là một minh chứng cho sự cảm thông sâu sắc của nhà thơ Nguyễn Du đối với nhân vật. Tác giả đã ngợi ca thiên diễm tình tự do yêu đương khi chớm nở và cũng hoàn toàn cảm thông bi kịch tình yêu đổ vỡ, tan nát mà trái tim Thúy Kiều dường như lúc nào cũng rướm máu đau thương.

Khi ở trú phường, Kiều đã bị nhục, sau đó bị ép ra tiếp khách ở thanh lâu Lâm Tri. Nỗi đau đớn lớn nhất của nàng là tấm son gột rửa bao giờ cho phai. Cho nên điều nhỏ tới Kim Trọng trước, điều này phù hợp quy luật tâm lí.

          Nhớ tới Kim Trọng, Kiều nhớ tới quãng thời gian hai người từng hạnh phúc bên nhau, nhớ lời thề nguyền. Nàng xót xa khi tưởng tượng chàng Kim mong chờ mình một cách vô vọng. Nàng tưởng tượng ra cảnh chàng Kim cũng đang nhớ về mình, mong ngóng tin mình:

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng

Tin sương luống những rày trông mai chờ

Thương người rồi lại thương mình. Tâm trạng Kiều đớn đau, xót xa, tủi phận:

Bên trời góc bể bơ vơ

Tấm son gột rửa bao giờ cho phai

b. Nhớ cha mẹ

          Nhớ Kim Trọng là tưởng, nhớ cha mẹ là xót. Thương cha mẹ khi sáng (mai), khi chiều (hôm) tựa cửa ngóng tin nàng. Nàng đau xót vì cha mẹ đã tuổi già sức yếu mà nàng không được gần gũi săn sóc để quạt nồng ấp lạnh.

          Thời gian cứ dần trôi, “Cách mấy nắng mưa” vừa chỉ thời gian xa cách đã bao mùa mưa nắng, vừa nói lên sức tàn phá của tự nhiên, của nắng mưa đối với cảnh vật và con người. Điển cố sân Lai, hình ảnh gốc tử trong Kinh Thị nói lên tâm trạng nhớ thương, tấm lòng hiếu thảo của Kiều. Gốc tử cũng vừa người ôm ẩn dụ hình ảnh của cha mẹ ngày thêm già yếu, thể hiện tấm lòng của người con hiếu thảo, thật cảm động và đáng trân trọng.

Bài 3. Tám câu thơ cuối miêu tả cảnh vật qua tâm trạng [...]

Trả lời

          Cảnh vừa là bức tranh thiên nhiên, vừa là bức tranh tâm trạng. Đoạn tả cảnh quanh lầu Ngưng Bích là một trong những đoạn thơ tiêu biểu nhất cho nghệ thuật miêu tả kết hợp hài hoà giữa ngoại cảnh và tâm cảnh.

          Tám câu cuối thể hiện tâm trạng buồn lo của Kiều qua nghệ thuật tả cảnh ngụ tình. Diễn tả tâm trạng Kiều, Nguyễn Du đã chọn cách biểu hiện “tình trong cảnh ấy, cảnh trong tình này". Mỗi biểu hiện của cảnh chiều tà bên bờ biển, từ cánh buồm thấp thoáng, cánh "hoa trôi man mác” đến “nội cỏ rầu rầu”, tiếng sóng âm lầm, đều thể hiện tâm trạng và cảnh ngộ của Kiều: sự cô đơn, thân phận nỗi chìm vô định, nỗi buồn tha hương, lòng thương nhớ người yêu, cha mẹ và cả sự bàng hoàng lo sợ. Đúng là cảnh lầu Ngưng Bích được nhìn qua tâm trạng Kiều: cảnh từ xa đến gần, màu sắc từ nhạt đến đậm, âm thanh từ tĩnh đến động, nỗi buồn từ man mác, mông lung đến lo âu, kinh sợ. Ngọn gió cuốn mặt duềnh và tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi là cảnh tượng hãi hùng như báo trước dông bão của số phận sẽ nổi lên, xô đẩy, vùi dập cuộc đời Kiều. Và, quả thực, ngay sau lúc này, Kiều đã mắc lừa Sở Khanh để rồi phải lâm vào cảnh “Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”.

LUYỆN TẬP

Thế nào là nghệ thuật tả cảnh ngụ tình? Phân tích nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong tám câu thơ cuối.

Gợi ý

a. Nghệ thuật biểu hiện tâm trạng nhân vật qua ngoại cảnh (tả cảnh ngụ tình)

- Trong đoạn đầu, tác giả lấy cảnh thiên nhiên làm nền cho hoạt động, những diễn biến nội tâm của nhân vật.

- Trong đoạn cuối, dùng những hình ảnh so sánh, ẩn dụ với thiên nhiên để biểu hiện phong phú sắc thái nội tâm của nhân vật.

b. Sử dụng ngôn ngữ một cách sáng tạo:

- Vận dụng nhuần nhị những thi liệu, điển cố: tin sương, người tựa cửa, quạt nồng ấp lạnh, sân Lai, gốc tử.

- Ngôn ngữ tinh tế (bẽ bàng), đầy màu sắc (cát vàng, bụi hồng), âm thanh đầm ấm.

- Điệp từ và từ láy có giá trị biểu cảm cao: bát ngát, thấp thoáng, man mác, rầu rầu. Cụm từ “buồn trông” mở đầu câu thơ sáu chữ, tạo âm hưởng trầm buồn. “Buồn trông” đã trở thành điệp khúc của đoạn thơ và cũng là điệp khúc của tâm trạng.


Được cập nhật: 11 tháng 4 lúc 22:42:00 | Lượt xem: 418

Các bài học liên quan