Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

So sánh hình tượng sông Hương và sông Đà hay nhất

Gửi bởi: Nguyễn Thị Ngọc 30 tháng 10 2019 lúc 15:07:25


Nước ta được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho hệ thống sông ngòi dày đặc. Có những dòng sông “quê hương, yêu thương" đầy thơ mộng, kỳ vỹ và nó đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà văn, nhà thơ viết lên những tác phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc. Tiêu biểu là tùy bút “Người lái đò sông Đà’ của Nguyễn Tuân và bút ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Thành công của hai tác phẩm trên chính là việc xây dựng hình tượng hai con sông là Đà giang và Hương giang. Ở hai con sông này, bên cạnh những nét khác biệt, chúng còn có những nét tương đồng. Đây phải chăng là sự gặp gỡ của hai nhà văn lớn khi cùng miêu tả về các con sông khác nhau trên mảnh đất Việt Nam.

    Mặc dù sông Đà thuộc vùng núi Tây Bắc còn sông Hương thuộc về thành phố Huế và chỉ riêng của Huế nhưng chúng vẫn có điểm chung dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường. Hai tác giả đã nhân hóa dòng sông yêu thương của mình thành những sinh thể sống có tâm hồn thuần túy nhưng lại mang vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên tươi mới của đất nước. Cả sông Đà và sông Hương đều mang tính cách, đặc điểm, tâm hồn con người. Vách đá sông Đà thì được so sánh như bộ phận “yết hầu” của con người, sông Đà thì mang trong mình tính cách hung bạo của một kẻ chuyên đi đòi nợ dữ dằn và ác liệt “đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò sông Đà nào tóm được qua đây”. Đâu chỉ có vậy, Nguyễn Tuân đã cho thấy thác nước sông Đà giống như linh hồn một con người chất chứa đầy tâm trạng như “oán trách”, “van xin”, “khiêu khích” và “chế nhạo”… Dù không dữ dội như sông Đà nhưng sông Hương cũng không kém phần mãnh liệt, nó được ví như “một bản trường ca của rừng già”, “rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn”, “mãnh liệt qua ghềnh thác”, “cuộn xoáy như cơn lốc vào đáy vực bí ẩn”. Sông Hương giống như người “con gái Di-gan phóng khoáng đầy man dại”.

    Điểm tương đồng không chỉ dừng lại ở sự dữ dội, mạnh mẽ, mãnh liệt ở hai con sông mà nó còn ở chất trữ tình thơ mộng. Với sông Đà, nó hiện lên uốn lượn giống mái tóc của người thiếu nữ kiều diễm Tây Bắc trẻ trung và duyên dáng: “Con sông Đà như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân” và màu nước của sông Đà biến đổi theo mùa, “mùa xuân nước sông Đà xanh màu xanh Ngọc Bích”, mùa thu nước sông Đà “lừ lừ chín đỏ như da mặt người bầm đi vì rượu bữa”. Đâu chỉ có vậy, Nguyễn Tuân còn gọi sông Đà với cái tên thân thương là “cố nhân”, yêu thương và trân trọng đối với dòng sông đất nước. Cũng giống như sông Đà, sông Hương mang trong mình chất trữ tình bởi những màu sắc khác nhau nhưng sông Hương khác sông Đà, màu sắc của nó biến đổi theo ngay “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím”. Bên cạnh đó, sông Hương cũng được nhân hóa với hình ảnh của “người con gái ngủ mơ màng chờ người tình mong đợi đánh thức”, mang sắc đẹp “dịu dàng và trí tuệ” với tâm hồn “tự do và trong sáng”. Như vậy, ta có thể thấy được sự gặp gỡ của hai nhà văn khi miêu tả vẻ đẹp của những dòng sông quê hương, chúng đều mang dáng dấp của người con gái đẹp, trẻ trung, duyên dáng.

    Qua đây ta có thể thấy được tài hoa, uyên bác của hai nhà văn khi miêu tả kết hợp nhuần nhuyễn giữa trí tuệ và trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với suy tư đã được tổng hợp từ vốn kiến thức phong phú về những lĩnh vực triết học, văn hóa, lịch sử, địa lý… nhằm đưa ra những chữ nghĩa xác đáng nhất, lay động lòng người nhất. Thành công của việc khắc họa hai con sông lớn đó và điểm gặp gỡ giữa hai tác giả xuất phát từ tình yêu quê hương đất nước sâu sắc của không riêng Nguyễn Tuân hay Hoàng Phủ Ngọc Tường mà là tất cả những con người Việt Nam.

    Bên cạnh những nét tương đồng, sông Đà và sông Hương cũng có những nét đẹp riêng thuộc về chính mình, nét đẹp mà chỉ mỗi một dòng sông mới có. Với sông Đà, Nguyễn Tuân đã tập trung bút lực vào việc miêu tả sự hùng vĩ, hung bạo, dữ dằn của sóng nước Đà giang. Nhà văn đã sử dụng những thủ pháp nghệ thuật, những câu từ đắt giá để thi tài với tạo hóa. Miêu tả cảnh đá bờ sông Đà dựng vách thành, Nguyễn Tuân gợi ra độ cao, độ chênh vênh, độ hiểm trở của đá làm cho cảnh trở nên lạnh lẽo, âm u đến rợn người khiến cho “mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời”. Chưa dừng ở đó, hiểm trở của sông Đà còn thể hiện ở chỗ “Vách đá thành chẹt lòng sông Đà như một cái yết hầu”. Đây là sự so sánh biểu hiện một phong cách “ngông”, óc quan sát tinh tế của nhà văn khi diễn tả sự thu hẹp của dòng chảy. Chưa thỏa mãn, Nguyễn Tuân còn vận dụng cả xúc giác để làm nổi bật sự hoang vắng, âm u và lạnh lẽo của sông Đà “đi thuyền trên sông Đà vào mùa hè mà vẫn thấy lạnh”. Tác giả đã đem so sánh cái cảm giác ấy với cảm giác của một người đứng ở hè ngõ nhìn lên một ngôi nhà cao tầng sáng điện nhưng tự nhiên tắt phụt đèn điện.

    Đến quãng mặt ghềnh Hát Loóng, sóng sông Đà càng trở nên dữ dội khủng khiếp mang âm hưởng nhanh, gấp gáp, dồn dập, được tạo nên từ cách ngắt nhịp khẩn trương, điệp từ ngữ và kết cấu câu văn trùng điệp giúp ta liên tưởng tới nhịp chảy nhanh, sự chuyển vận của sóng to gió lớn “nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió”. Những âm thanh đó như muốn đe dọa, gây gổ, nhấn chìm con người, lúc nào cũng “đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò nào tóm được qua đây. Cuối cùng, sự hung bạo của sông Đà phải được nhắc tới bởi đá sông Đà. Nó như một đội quân dữ dằn, ác liệt, nó dở đủ mưu ma, chước quỷ, xảo quyệt, trong cuộc chiến đấu với ông lái đò. Nó bày thạch trận, phục kích, dụ con thuyền vào sâu để ăn chết con thuyền, diện mạo thì ngang bướng “mặt hòn nào cũng ngỗ ngược, cũng nhắn nhúm, méo mó…”.

    Đối với Nguyễn Tuân, sông Đà không chỉ hung bạo dữ tợn mà còn là một người bạn tri âm, tri kỷ, mà ông gọi là cố nhân mang vẻ đẹp chất thơ của Đường thi “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu”, đó còn là vẻ đẹp cổ tích của người khách hải hồ du thuyền trên sông Đà. Cảnh đôi bờ sông Đà yên tĩnh, lặng lờ, bình lặng mang dấu tích lịch sử cha ông đầy cổ kính, hoang sơ, hoang dại như một “bờ tiền sử”. Sông Đà còn mang vẻ đẹp non tơ, mơn mởn, tràn đầy sức sống qua những động từ “như lên”, “nõn búp”,”ngốn” của những bãi bồi ven sông. Quả là một bức chấm phá, sinh động làm nên vẻ đẹp không chỉ hùng tợn mà cũng đầy chất thơ.

    Nếu như khi miêu tả sông Đà, bút lực của Nguyễn Tuân chú ý đến sự hung bạo, dữ dội thì Hoàng Phủ Ngọc Tường lại dành hành trình tâm huyết của mình để miêu tả sông Hương đầy chất thơ mộng và trữ tình. Nhưng nói như vậy không có nghĩa sông Hương không mang trong mình sự mãnh liệt mà ở thượng lưu, nó vẫn được miêu tả với vẻ đẹp hùng tráng, dữ dội. Tác giả đã miêu tả sông Hương “một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy bí ẩn. Đó là cách mà Hoàng Phủ Ngọc Tường đã dùng thủ pháp điệp cấu trúc với tất cả những động từ mạnh để tạo nên sự hùng tráng, mạnh mẽ của con sông giữa đại ngàn trường ca khác với sự hung bạo, dữ dội của sông Đà. Ngoài ra, sông Hương ở thượng nguồn thật sự là dịu dàng đắm say giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng. Hỡn nữa, Hoàng Phủ Ngọc Tường lại có một sự liên tưởng hết sức thú vị và độc đáo khi ví sông Hương như “cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại”. Bằng một sự liên tưởng đó thì sông Hương được ví như cô gái thích sống lang thang, yêu tự do, ca hát, nhảy múa và có vẻ dẹp man dại,quyến rũ. Dòng sông ấy mang một vẻ đẹp dịu dàng và trí tuệ đã trở thành một người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở. Trong cảm nhận của nhà văn, sông Hương như đấng sáng tạo cần được giữ gìn và bảo vệ. Và nó chính là khởi nguồn của sự bắc cầu không gian văn hóa Huế.

    Đến với sông Hương ở ngoại vi thành phố, nó được ví với: “người con gái đẹp nằm ngủ mơ màng đợi người tình mong đợi đến đánh thức”. Nó giống như một cuộc hành trình tìm tình nhân đích thực: “Sông Hương đã chuyển dòng một cách liên tục, vòng giữa khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm” với lối dùng ngôn từ tài hoa và lối hành văn uyển chuyển, giàu hình ảnh tác giả đã diễn tả rất sinh động hấp dẫn từng đường đi lướt bước của sông Hương và mỗi đường đi là gắn liền một địa danh khác nhau ở xứ Huế và nó khiến người đọc cảm nhận được hành trình của sông Hương không đơn điệu, nhàm chán ngược lại, nó là điều kiện để phô ra những đường cong tuyệt mĩ của mình. Với ngôn ngữ giàu cảm xác, nhà văn đã khắc họa dòng sông thơ mộng và trữ tình, biết làm mới mình, trang điểm cho mình trước khi vào thành phố và ôm trọn thành phố Huế tuyệt đẹp và thơ mộng.

    Để đến khi vào được thành phố thì sông Hương lại khoác cho mình một cái áo: “mang vẻ đẹp trầm mặc” khi nó chuyển mình ngày đêm qua các lăng tẩm của các vị vua và nép mình bên các giấc ngủ nghìn năm của vua chúa thời Nguyễn. Dòng sông chính là dòng chảy bền bỉ qua mỗi năm tháng, kiên trì, chờ đợi và nhận thử thách để đến được với tình yêu đích thực của nó. Bằng biện pháp nhân hóa và so sánh, ta thấy sông Hương có vẻ đẹp của cô gái đang yêu rất tình tứ, e thẹn, ngại ngùng và kín đáo. Sự khác biệt mà người đọc có thể thấy giữa một sông Đà dòng chảy rất nhanh, mạnh mẽ thì sông Hương trong lòng thành phố được ví như điệu “slow” nghĩa là “chậm”. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã rất tinh tế khi nhìn ra đặc trưng của sông Hương trong lòng thành phố và để làm nổi bật điều đó tác giả sử dụng nhiều so sánh và đặc biệt nhà văn đã lấy âm nhạc để miêu tả sự chảy chậm, điệu chảy lững lờ. Sông Hương hiện lên như một người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya. Một lần nữa chúng ta lại thấy tác giả lấy người con gái đẹp ra để ví sông Hương nhưng điều đặc biệt là Hoàng Phủ Ngọc Tường lại lấy góc nhìn của âm nhạc để so sánh điều đó, và phải chăng có lẽ tác giả muốn giới thiệu về một văn hoá phi vật thể không thể thiếu của người Huế “nhã nhạc cung đình Huế” và nó chỉ tuyệt vời nhất khi nó được biểu diễn trong thuyền rồng chạy dọc con sông Hương thơ mộng và đầy trữ tình. Một nét đẹp chỉ có đến Huế bạn mới có thể thưởng thức điều tuyệt vời và riêng biệt như vậy.

    Về địa lý, nếu sông Đà đổ về hướng bắc thì sông Hương phải chuyển mình để chảy về hướng đông và giống với hầu như tất cả các con sông ở Việt Nam. Nhưng để giải thích cho điều ấy, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã rất tế nhị khi nói sông Hương “chuyển mình” vì không lỡ rời xa người tình của mình (thành phố Huế), một cái gì đó còn vấn vương, thậm chí ta thấy một chút nào đó của sự “lẳng lơ”, “kín đáo”… Không chỉ thuận theo thủy chỉ của dòng chảy, sông Hương chính là dòng sông của âm nhạc, của thơ ca, của lịch sử gắn liền với văn hóa Huế, với con người Huế.

    Bằng những giọng văn miêu tả về sông Hương, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tiếp cận và miêu tả dòng sông ở không gian và thời gian khác nhau để phát hiện sự độc đáo, mới lạ ở dòng sông xứ sở này. Từ đấy thấy được tình yêu vô bờ bến đối với sông Hương, với xứ Huế đầy thơ mộng và trữ tình ở Hoàng Phủ Ngọc Tường.

    Từ việc so sánh hình tượng sông Đà (Người lái đò sông Đà) với hình tượng sông Hương (Ai đã đặt tên cho dòng sông) hai nhà văn tài hoa uyên bác đã cho thấy những nét đặc trưng nổi bật nhất ở hai con sông quê hương đất nước. Giúp cho người đọc có cái nhìn phong phú, đa chiều về vẻ đẹp quê hương. Đồng thời cho thấy tài năng am hiểu văn hóa, nghệ thuật cùng tình yêu, niềm tự hào đối với dòng sông của tổ quốc.

Nguồn: vietjack

Các bài học liên quan