Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Phong cách ngôn ngữ chính luận (tt)

Gửi bởi: Phạm Thọ Thái Dương 11 tháng 2 2020 lúc 10:09:16


Mục lục
* * * * *
Phong cách ngôn ngữ chính luận (tt)

I. CÁC PHƯƠNG TIỆN DIỄN ĐẠT VÀ ĐẶC TRƯNG CỦA PHONG CÁCH NGÔN NGỮ CHÍNH LUẬN

1. Các phương tiện diễn đạt

a. Về từ ngữ

- Văn bản chính luận sử dụng ngôn ngữ thông thường nhưng có khá nhiều từ ngữ chính trị.

- Các từ ngữ chính trị đôi khi đi vào cuộc sống, trở thành lớp từ thông dụng.

b. Về ngữ pháp

- Câu văn trong văn bản chính luận có kết cấu chuẩn mực, logic với hệ thống lập luận, liên kết câu chặt chẽ, thể hiện một mạch suy luận thống nhất.

c. Về biện pháp tu từ

- Ngôn ngữ chính luận cũng sử dụng các biện pháp tu từ để làm sinh động, khiến lập luận thêm hấp dẫn, thuyết phục.

- Ở dạng nói, ngôn ngữ chính luận chú trọng đến cách phát âm, ngữ điệu, giọng điệu để thu hút người nghe.

2. Đặc trưng của phong cách ngôn ngữ chính luận

a. Tính công khai về quan điểm chính trị

- Ngoài chức năng thông tin, văn bản chính luận còn thể hiện đường lối, quan điểm, thái độ chính trị của người viết (hay nói) một cách công khai, dứt khoát, không che giấu, úp mở.

- Từ ngữ sử dụng phải được cân nhắc kĩ càng, thể hiện lập trường, quan điểm chính trị.

b. Tính chặt chẽ trong diễn đạt và suy luận

- Ngôn ngữ chính luận thể hiện chặt chẽ của hệ thống lập luận.

- Văn chính luận thường dùng nhiều từ ngữ liên kết: để, mà, với, tuy, nhưng,… để liên kết.

c. Tính truyền cảm và thuyết phục

- Ngôn ngữ chính luận là công cụ để trình bày, thuyết phục, tạo nên sức hấp dẫn, lôi cuốn người đọc (người nghe)

- Văn bản chính luận có thể thể hiện sức thuyết phục ở giọng văn hùng hồn, tha thiết, bộc lộ nhiệt tình của người viết.

- Ngoài ra, tính truyền cảm và thuyết phục còn được thể hiện qua cá tính sáng tạo của người trình bày.

GHI NHỚ

- Phong cách ngôn ngữ chính luận có ba đặc trưng cơ bản: tính công khai về quan điểm chính trị; tính chặt chẽ trong diễn đạt và suy luận; tính truyền cảm, thuyết phục.

- Các đặc trưng cơ bản được thể hiện ở những phương tiện diễn đạt nhằm đạt mục đích trình bày ý kiến hoặc bình luận, đánh giá vấn đề theo một quan điểm chính trị nhất định.

LUYỆN TẬP

Câu 1

Chỉ ra biện pháp tu từ trong đoạn văn chính luận sau:

          Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.

(Hồ Chí Minh - Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến)

Đoạn văn trên có sử dụng các biện pháp tu từ:

- Điệp ngữ kết hợp với điệp câu: Ai có... dùng...

- Liệt kê ngắn: gươm, cuốc, thuổng, gậy gộc.

- Ngắt đoạn câu (nhịp điệu) phối hợp với các phép tu từ trên tạo cho đoạn văn có giọng điệu dứt khoát và mạnh mẽ.

Câu 2

Viết một đề cương bài nói để chứng minh cho câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

          Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.

(Hồ Chí Minh - Thư gửi các học sinh)

Có thể nêu một số ý sau để chứng minh câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

* Luận cứ: Ở thời điểm nào thì thanh niên cũng gánh vác nhiệm vụ quan trọng của đất nước, thanh niên là rường cột của nước nhà, là người chủ tương lai của đất nước. Thanh niên có sức khoẻ, có ý chí, có khát khao dấn thân và cống hiến, có sáng tạo. Đó là những phẩm chất làm nên sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

* Các luận chứng:

- Thế hệ thanh niên trong cuộc Cách mạng tháng Tám đã gánh vác sứ mệnh thiêng liêng giải phóng dân tộc như thế nào?

- Thế hệ thanh niên trong kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mĩ đã anh dũng chiến đấu, chịu muôn vàn gian khó và thậm chí nhiều người đã hi sinh cho nền độc lập của nước nhà.

- Thế hệ thanh niên ngày nay đã làm được gì để góp sức vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, hội nhập với thế giới.

* Thanh niên (trong đó phần lớn là học sinh) cần xác định nhiệm vụ là phải học tập để xây dựng đất nước sánh vai với các nước văn minh, tiến bộ.

Câu 3

Viết một đoạn văn để chứng minh nhận định sau:

   Lòng yêu nước bắt nguồn từ tình yêu những người thân, yêu nơi chôn nhau cắt rốn với những kỉ niệm tuổi thơ không bao giờ quên.

Các ý chính có thể nêu trong đoạn văn:

- Lòng yêu nước có thể được giáo dục từ truyền thống, nhưng cũng bắt nguồn từ những tình cảm thiết thực, "nhỏ bé", đó là:

+ Tình yêu đối với những người thân yêu, ruột thịt: cha mẹ, ông bà, anh chị em,...

+ Tình yêu đối với làng quê, với những con phố nhỏ, nơi chôn nhau cắt rốn, tình yêu đối với những kỉ niệm ấu thơ.

- Từ tình cảm cụ thể và "nhỏ bé" nhưng sâu sắc, thiết tha, lòng yêu nước được hình thành và trở thành một thứ tình cảm thiêng liêng, gần gũi và luôn thường trực trong mỗi con người.

- Yêu nước phải gắn với việc bảo vệ và xây dựng đất nước.


Được cập nhật: hôm kia lúc 2:09:36 | Lượt xem: 494

Các bài học liên quan