Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Nội dung và hình thức của văn bản văn học

Gửi bởi: Phạm Thọ Thái Dương 7 tháng 2 2020 lúc 16:11:38


Mục lục
* * * * *
Nội dung và hình thức của văn bản văn học

I. CÁC KHÁI NIỆM CỦA NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC TRONG VĂN BẢN VĂN HỌC

1. Các khái niệm về mặt nội dung của văn bản văn học:

- Đề tài: là lĩnh vực đời sống được nhà văn nhận thức, lựa chọn, khái quát, bình giá và thể hiện trong văn bản.

Ví dụ: Lão Hạc viết về tình cảnh khốn cùng của người nông dân trong xã hội trước Cách mạng tháng Tám; Chuyện người con gái Nam Xương nói về số phận và bi kịch của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

- Chủ đề: là vấn đề được nêu ra trong văn bản. Chủ đề thể hiện điều quan tâm cũng như chiều sâu nhận thức của tác giả đối với cuộc sống.

Ví dụ: Lão Hạc nêu ra mâu thuẫn giữa xã hội và thân phận con người, đặc biệt là người nông dân nghèo khổ; Chuyện người con hái Nam Xương đưa ra những mâu thuẫn xã hội: trọng nam khinh nữ, chiến tranh phi nghĩa,... khiến con người không được hưởng hạnh phúc xứng đáng.

- Tư tưởng của văn bản: là sự lí giải đối với chủ đề đã nêu lên, là nhận thức của tác giả muốn trao đổi, nhắn gửi với người đọc. Tư tưởng là linh hồn của văn bản.

Ví dụ: Tư tưởng xuyên suốt Truyện Kiều là lòng nhân đạo. Tư tưởng xuyên suốt Lục Vân Tiên là tấm lòng nghĩa hiệp, lối sống trọng nhân nghĩa.

- Cảm hứng nghệ thuật: là nội dung tình cảm chủ đạo của văn bản. Những trạng thái, tâm hồn, cảm xúc được thể hiện đậm đà, nhuần nhuyễn, nhất quán trong văn bản và truyền được cảm hứng tới người đọc.

Ví dụ: Cảm hứng trong bài Đồng chí là tình cảm đồng chí, đồng đội. Cảm hứng trong Lặng lẽ Sa Pa là tấm lòng trẻ đầy nhiệt huyết, trách nhiệm, khát khao được cống hiến.

=> Mối quan hệ giữa cảm hứng và tư tưởng: Cảm hứng là điểm khơi gợi để tư tưởng được xuyên suốt tác phẩm. Cảm hứng cũng tạo ra sự đồng cảm để người đọc hiểu thấu tư tưởng của tác phẩm.

2. Các khái niệm về hình thức (nghệ thuật) của văn bản văn học:

- Ngôn từ: là yếu tố đầu tiên của văn bản văn học. Nhân vật, cốt truyện, chi tiết, sự việc... đều được tạo dựng nên từ lớp ngôn từ của văn bản.

- Kết cấu: là sự sắp xếp, tổ chức các thành tố của văn bản thành đơn vị thống nhất, hoàn chỉnh, có ý nghĩa.

- Thể loại: là quy tắc tổ chức hình thức văn bản thích hợp với một nội dung (thơ, kịch, truyện ngắn, tiểu thuyết).

=> Các yếu tố về nghệ thuật góp phần làm sáng rõ nội dung, thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm và tài năng của tác giả.

II. Ý NGHĨA QUAN TRỌNG CỦA NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC VĂN BẢN VĂN HỌC

- Nội dung và hình thức văn bản văn học có mối quan hệ mật thiết, không thể tách rời. Nội dung phải được diễn đạt bằng hình thức, hình thức phải nhằm diễn đạt một nội dung nhất định.

- Văn bản văn học cần có sự thống nhất giữa nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật. Đây là ý nghĩa quan trọng và cũng là tiêu chuẩn để đánh giá tác phẩm.

- Trong quá trình phân tích, cảm thụ tác phẩm cần phải chú ý cả 2 yếu tố: nội dung và hình thức

GHI NHỚ

- Nội dung và hình thức của một văn bản văn học là hai mặt không thể chia tách.

+ Nội dung chỉ có thể tồn tại trong một hình thức nhất định.

+ Bất kì hình thức nào cũng mang một nội dung.

- Các khái niệm thường được coi thuộc về mặt nội dung là đề tài, chủ đề, tư tưởng, cảm hứng nghệ thuật.

- Các khái niệm thường được coi thuộc về mặt hình thức là ngôn từ, kết cấu và thể loại.

=> Sự hài hòa giữa nội dung và tư tưởng cao đẹp và hình thức nghệ thuật hoàn mĩ là phẩm chất của các văn bản văn học ưu tú

LUYỆN TẬP

Câu 1: So sánh đề tài của Tắt đèn (Ngô Tất Tố) và Bước đường cùng (Nguyễn Công Hoan):

a. Giống nhau: Đều viết về cuộc sống cơ cực của người nông dân ở nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám và sự vùng lên phản kháng của họ (mặc dù mới ở mức tự phát, chứ chưa phải tự giác).

b. Khác nhau: (về nội dung đề tài)

- Tắt đèn: miêu tả cuộc sống của người nông dân trong những ngày sưu thuế ngột ngạt, bị áp bức đến mức họ phải vùng lên đấu tranh.

- Bước đường cùng: miêu tả cuộc sống lầm than cơ cực của người nông dân trước những thủ đoạn bóc lột của bọn địa chủ (kiện cáo chốn quan trường, cho vay nặng lãi, bị cướp hết ruộng đất, tài sản, đến mức phải đi làm thuê, bị đẩy vào bước đường cùng) và buộc họ phải vùng lên đấu tranh.

=> Đề tài và bối cảnh miêu tả trong Bước đường cùng rộng hơn: đó không còn là xã hội ngột ngạt mùa sưu thuế mà còn là chốn quan trường nhiêu khê, những thủ đoạn của địa chủ, ...

Câu 2: Phân tích tư tưởng bài thơ Mẹ và quả của Nguyễn Khoa Điềm:

- Tư tưởng của bài thơ: Thông qua việc qua sát sự lớn lên của 2 loại quả: bí bầu trong vườn và sự trưởng thành của con, tác giả muốn gửi gắm suy ngẫm về sự đền đáp công ơn của mẹ cha. (mà nhìn rộng ra cũng có thể hiểu "mẹ" là tổ quốc, nghĩa là sự trưởng thành của mỗi con người để cống hiến và dựng xây đất nước).

- Khổ thơ thứ nhất, tác giả miêu tả sự lớn lên của dàn bầu, dàn bí trong vườn nhờ bàn tay mẹ vun đắp. Cây được chăm sóc cho thứ quả tốt, mùa nối mùa.

- Khổ thơ thứ hai, tác giả nói lên sự lớn lên của "chúng tôi" - những đứa con nhờ "giọt mồ hôi" - sự hi sinh, tần tảo, chăm chút của mẹ.

- Khổ thơ thứ ba nói về sự suy ngẫm của tác giả về việc "kết quả" ở "chúng tôi". Tác giả băn khoăn, "hoảng sợ" vì khi mẹ đã già mà mình vẫn còn là thứ quả "non xanh" - chưa gặt hái được. Điều đó vừa bộc lộ niềm trăn trở của tác giả về việc báo đáp công ơn mẹ cũng như báo đáp Tổ quốc.


Được cập nhật: hôm qua lúc 7:59:46 | Lượt xem: 579

Các bài học liên quan