Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Nhân vật giao tiếp

Gửi bởi: Phạm Thọ Thái Dương 12 tháng 2 2020 lúc 10:47:39


Mục lục
* * * * *

1. Đọc đoạn trích và phân tích theo các câu hỏi bên dưới.

[…] Một lần hắn đang gò lưng kéo cái xe bò thóc vào dốc tỉnh, hắn hò một câu chơi cho đỡ nhọc. Hắn hò rằng:

Muốn ăn cơm trắng mấy giò này!

Lại đây mà đẩy xe bò với anh, nì!

Chủ tâm hắn cũng chẳng có ý chòng ghẹo cô nào, nhưng mấy cô gái lại cứ đẩy vai cô ả này ra với hắn, cười như nắc nẻ:

- Kìa anh ấy gọi! Có muốn ăn cơm trắng mấy giò thì ra đẩy xe bò với anh ấy!

Thị cong cớn:

- Có khối cơm trắng mấy giò đấy! Này, nhà tôi ơi, nói thật hay nói khoác đấy?

Tràng ngoái cổ lại vuốt mồ hôi trên mặt cười:

- Thật đấy, có đẩy thì ra mau lên!

Thị vùng đứng dậy, ton ton chạy lại đẩy xe cho Tràng.

- Đã thật thì đẩy chứ sợ gì, đằng ấy nhỉ - Thị liếc mắt, cười tít.

(Kim Lân, Vợ nhặt)

a. Hoạt động giao tiếp trên có:

* Các nhân vật giao tiếp là: Tràng, mấy cô gái và "thị".

* Các nhân vật giao tiếp này có đặc điểm:

- Về lứa tuổi: họ đều là những người trẻ tuổi.

- Về giới tính: Tràng là nam, còn lại là nữ.

- Về tầng lớp xã hội: họ đều là những người dân lao động nghèo đói.

b. Các nhân vật giao tiếp chuyển đổi vai người nói, vai người nghe và luân phiên lượt lời như sau:

- Lượt lời 1:

+ Hắn (Tràng): là người nói.

+ Mấy cô gái: là người nghe.

- Lượt lời 2:

+ Mấy cô gái: là người nói.

+ Tràng và "thị": là người nghe.

- Lượt lời 3:

+ "Thị": là người nói.

+ Tràng (chủ yếu) và mấy cô gái: là người nghe.

- Lượt lời 4:

+ Tràng là người nói.

+ "thị" là người nghe.

=> Lượt lời đầu tiên của "thị" hướng tới nhân vật Tràng.

c. Các nhân vật giao tiếp trên bình đẳng về vị trí xã hội (họ đều là những người dân lao động cùng cảnh ngộ).

d. Khi bắt đầu cuộc giao tiếp, các nhân vật giao tiếp trên có mối quan hệ hoàn toàn xa lạ. Nhưng sau đó họ nhanh chóng trở nên thân tình vì cùng lứa tuổi, cùng vị thế xã hội.

e. Những đặc điểm về vị thế xã hội, quan hệ thân - sơ, lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp... chi phối lời nói của các nhân vật khi giao tiếp.

- Ban đầu chưa quen nên chỉ là trêu đùa thăm dò. Dần dần khi đã quen, họ mạnh dạn hơn.

- Vì cùng lứa tuổi, bình đẳng về vị trí xã hội, lại cùng cảnh ngộ nên các nhân vật giao tiếp tỏ ra rất suồng sã.

2. Đọc đoạn trích và phân tích theo các câu hỏi nêu bên dưới

Thoáng nhìn qua, cụ đã hiểu ra cơ sự rồi. Làm lí trưởng rồi chánh tổng, bây giờ lại đến lượt con cụ làm lí trưởng, những việc như thế này cụ không lạ gì. Cụ hãy quát mấy bà vợ đang xưng xỉa chực tâng công với chồng:

- Các bà đi vào nhà; đàn bà chỉ lôi thôi, biết gì!

Rồi quay lại bọn người làng, cụ dịu giọng hơn một chút:

- Cả các ông, các bà nữa, về đi thôi chứ! Có gì mà xúm lại như thế này?

Không ai nói gì, người ta lảng dần đi. Vì nể cụ bá cũng có, nhưng vì nghĩ đến sự yên ổn của mình cũng có: người nhà quê vốn ghét lôi thôi. Ai dại gì mà đứng ỳ ra đấy, có làm sao họ triệu mình đi làm chứng. Sau còn trơ lại Chí Phèo và cha con cụ bá. Bây giờ cụ mới lại gần hắn khẽ lay mà gọi:

- Anh Chí ơi! Sao anh lại làm ra thế?

Chí Phèo lim dim mắt, rên lên:

- Tao chỉ liều chết với bố con nhà mày đấy thôi. Nhưng tao mà chết thì có thằng sạt nghiệp mà còn rũ tù chưa biết chừng.

Cụ bá cười nhạt, nhưng tiếng cười giòn giã lắm; người ta bảo cụ hơn người cũng ở cái cười.

- Cái anh này nói mới hay! Ai làm gì mà anh phải chết? Đời người chứ có phải con ngóe đâu? Lại say rồi phải không?

Rồi, đổi giọng cụ thân mật hỏi:

- Về bao giờ thế? Sao không vào tôi chơi? Đi vào nhà uống nước.

Thấy Chí Phèo không nhúc nhích cụ tiếp luôn:

- Nào đứng lên đi. Cứ vào đây uống nước đã. Có cái gì, ta nói chuyện tử tế với nhau. Cần gì mà phải làm thanh động đến như thế, người ngoài biết, mang tiếng cả.

Rồi vừa xốc Chí Phèo, cụ vừa phàn nàn:

- Khổ quá, giá có tôi ở nhà thì có đâu đến nỗi. Ta nói chuyện với nhau, thế nào cũng xong. Người lớn cả, chỉ một câu chuyện với nhau là đủ. Chỉ tại thằng Lí Cường nóng tính, không nghĩ trước sau. Ai chứ anh với nó còn có họ kia đấy.

Chí Phèo chả biết họ hàng ra làm sao, nhưng cũng thấy lòng nguôi nguôi. Hắn cố làm ra vẻ nặng nề, ngồi lên. Cụ bá biết rằng mình đã thắng, đưa mắt nháy con một cái, quát:

- Lí Cường đâu! Tội mày đáng chết. Không bảo người nhà đun nước, mau lên!

(Nam Cao, Chí Phèo)

a. Các nhân vật giao tiếp trong đoạn văn:

- Bá Kiến, mấy bà vợ Bá Kiến, dân làng, Lí Cường và Chí Phèo.

- Bá Kiến nói với một người nghe trong trường hợp quay sang nói với Chí Phèo, Lí Cường. Còn lại, khi nói với mấy bà vợ, với dân làng, Bá Kiến nói cho nhiều người nghe (trong đó có cả Chí Phèo).

b. Vị thế xã hội của Bá Kiến với từng người nghe.

- Với mấy bà vợ - Bá Kiến là chồng (chủ gia đình) nên "quát".

- Với dân làng - Bá Kiến là "cụ lớn" thuộc tầng lớp trên, lời nói có vẻ tôn trọng (các ông, các bà) nhưng thực chất là đuổi (“Về đi thôi chứ! Có gì mà xúm lại thế này”).

- Với Chí Phèo - Bá Kiến vừa là ông chủ cũ, vừa là kẻ đã đẩy Chí Phèo vào tù, kẻ mà lúc này Chí Phèo đến "ăn vạ".

=> Bá Kiến vừa thăm dò, vừa dỗ dành vừa có vẻ đề cao, coi trọng.

- Với Lí Cường - Bá Kiến là cha, cụ quát con nhưng thực chất cũng để xoa dịu Chí Phèo.

c. Đối với Chí Phèo, Bá Kiến thực hiện nhiều chiến lược giao tiếp:

- Đuổi mọi người về để cô lập Chí Phèo.

- Dùng lời nói ngọt nhạt đế vuốt ve, mơn trớn Chí Phèo: "Anh Chí ơi!" rồi thân mật "cái anh này". Tiếp đến là cách xưng hô như người trong nhà với ngôi thứ nhất số nhiều: ta (để phân biệt với người ngoài).

Bên cạnh cách xưng hô là những lời nói nhẹ nhàng, khích lệ, động viên và hành động như người quen thân lâu ngày mới gặp.

- Nâng vị thế Chí Phèo lên ngang hàng với mình để xoa dịu Chí. Để Chí Phèo không xem là đối địch, Bá Kiến đã nhận Chí Phèo là người nhà, là họ hàng.

=> Cách nâng vị thế giao tiếp làm cho Chí Phèo hãnh diện vì được ngang hàng với gia đình danh giá nhất làng, chẳng mấy chốc hắn quên mất ý định ban đầu.

d. Với chiến lược giao tiếp như trên, Bá Kiến đã đạt được mục đích và hiệu quả giao tiếp.

- Những người nghe trong cuộc hội thoại với Bá Kiến đều răm rắp nghe theo lời Bá Kiến.

- Đến như Chí Phèo, hung hãn là thế mà cuối cùng cũng bị khuất phục.

LUYỆN TẬP

Câu 1

Phân tích sự chi phối của vị thế xã hội ở các nhân vật đối với lời nói của họ trong đoạn trích

Anh Mịch nhăn nhó, nói:

- Lạy ông, ông làm phúc tha cho con, mai con phải đi làm trừ nợ cho ông nghị, kẻo ông ấy đánh chết.

Ông lí cau mặt, lắc đầu, giơ roi song to bằng ngón chân cái lên trời, dậm dọa:

- Kệ mày, theo lệnh quan, tao chiếu sổ đinh, thì lần này đến lượt mày rồi.

- Cắn cỏ con lạy ông trăm nghìn mớ lạy, ông mà bắt con thì ông nghị ghét con, cả nhà con khổ.

- Thi mày hẹn làm ngày khác với ông ấy, không được à?

- Đối với ông nghị, con là chỗ đầy tớ, con sợ lắm. Con không dám nói sai lời, vì là chỗ con nhờ vả quanh năm. Nếu không, vợ con con chết đói.

- Chết đói hay chết no, tao đây không biết, nhưng giấy quan đã sức, tao cứ phép tao làm. Đứa nào không tuân, để quan gắt, tao trình thì rũ tù.

- Lạy ông, ông thương phận nào con nhờ phận ấy.

- Mặc kệ chúng bay, tao thương chúng bay nhưng ai thương tao. Hôm ấy mày mà không đi, tao sai tuần đến gô cổ lại, đừng kêu.

(Nguyễn Công Hoan, Tinh thần thể dục)

* Vị thế xã hội:

- Anh Mịch: Vị thế xã hội thấp (thuộc giai cấp bị trị, bị áp bức, bóc lột, bị o ép nhiều bề); ở đây là nạn nhân bị bắt đi xem bóng đá.

- Ông Lí: Bề trên - Vai vế cao - là nguời đại diện cho chính quyền thực dân phong kiến ở làng, thuộc giai cấp thống trị. Thừa lệnh quan bắt người đi xem đá bóng

* Lời nói:

- Anh Mịch: Van xin (gọi ông, lạy...) để khỏi phải đi xem bóng đá.

- Ông Lí: Hách dịch, quát nạt (xưng hô mày tao, quát, lệnh....)

Câu 2

Phân tích mối quan hệ giữa đặc điểm về vị thế xã hội, nghề nghiệp, giới tính, văn hóa của các nhân vật giao tiếp với đặc điểm trong lời nói của từng người ở đoạn trích

Bỗng dưng tất cả dừng lại, dưới cây đũa thần, hay đúng hơn là dưới ngọn roi gân bò mà viên đội sếp Tây vừa vung lên vừa quát tháo: “Cái giống tởm nhà mày! Có cút đi không, cái giống tởm!”. Thế là cái đám đông lúc nhúc đứng sắp hàng, vừa yên lại vừa lặng, hai bên lề đường. Gì thế nhỉ? Xe ô tô quan Toàn quyền sắp đi qua đấy… Xe kia rồi! Lại cả ông Toàn quyền đây rồi!

- Quan có cái mũ hai sừng trên chóp sọ! – Một chú bé con thầm thì.

- Ồ! Cái áo dài đẹp chửa! – Một chị con gái thốt ra.

- Ngài sắp diễn thuyết đấy! – Một anh sinh viên kêu lên.

- Đôi bắp chân ngài bọc ủng! – Một bác cu-li xe thở dài.

- Rậm râu, sâu mắt! – Một nhà nho lẩm bẩm.

Thế là ô tô ông Va-ren chạy qua giữa hai hàng rào con người, lưng khom lại khi ngài đến gần.

(Nguyễn Ái Quốc, Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu)

Đoạn trích gồm các nhân vật giao tiếp:

a. Chú ý thái độ và lời nói của họ.

- Viên đội sếp Tây: quát tháo

- Chú bé con: thầm thì

- Chị con gái: thốt ra

- Anh sinh viên: kêu lên

- Bác cu li xe: thở dài

- Một nhà nho: lẩm bẩm.

b. Xác định mối quan hệ giữa đặc điểm về vị thế xã hội, nghề nghiệp, giới tính, văn hóa của các nhân vật giao tiếp với đặc điểm trong lời nói của từng người:

- Chú bé: trẻ con nên chú ý đến cái mũ, nói rất ngộ nghĩnh.

- Chị em gái: phụ nữ nên chú ý cách ăn mặc (cái áo dài), khen với vẻ thích thú.

- Anh sinh viên: đang học nên chú ý đến việc diễn thuyết, nói như một dự đoán chắc chắn.

- Bác cu li xe: chú ý đến đôi ủng.

- Nhà nho: người có trình độ nên chú ý đến tướng mạo, nói bằng một câu thành ngữ thâm nho.

=> Kết hợp với ngôn ngữ là những cử chỉ điệu bộ, cách nói. Điểm chung là châm biếm, mỉa mai.

Câu 3

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi nêu bên dưới.

Bà lão láng giềng lại lật đật chạy sang:

- Bác trai đã khác rồi chứ?

- Cảm ơn cụ, nhà cháu đã tỉnh táo như thường. Nhưng xem ý hãy còn lề bề lệt bệt chừng như vẫn mỏi mệt lắm.

- Này, bảo bác ấy có trốn đi đâu thì trốn. Chứ cứ nằm đấy, chốc nữa, họ vào thúc sưu, không có, họ lại đánh trói thì khổ. Người ốm rề rề như thế, nếu lại phải một trận đòn, nuôi mấy tháng cho hoàn hồn.

- Vâng, cháu cũng đã nghĩ như cụ. Nhưng để cháo nguội, cháu cho nhà cháu ăn lấy vài húp cái đã. Nhịn suông từ sáng hôm qua tới giờ còn gì.

- Thế thì phải giục anh ấy ăn mau đi, kẻo nữa người ta sắp sửa kéo vào rồi đấy!

Rồi bà lão lật đật trở về với vẻ mặt băn khoăn.

(Ngô Tất Tố, Tắt đèn)

a. Quan hệ giữa bà lão hàng xóm và chị Dậu là quan hệ hàng xóm láng giềng thân tình. Từ ngữ xưng hô của 2 người:

- Bà lão: bác trai, anh ấy...

- Chị Dậu: cám ơn, nhà cháu, cụ...

b. Sự tương tác về hành động nói giữa lượt lời của hai nhân vật giao tiếp: Hai nhân vật đổi vai luân phiên.

- Bà lão hỏi thăm - chị Dậu cảm ơn.

- Bà lão hỏi về bệnh tình anh Dậu - chị Dậu trả lời tỉ mỉ.

- Bà lão mách bảo trốn đi - chị Dậu tán thành và nghe theo.

c. Nét văn hóa đáng trân trọng qua lời nói, cách nói của các nhân vật: tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau.


Được cập nhật: hôm qua lúc 14:04:58 | Lượt xem: 349

Các bài học liên quan