Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Kiểm tra tổng hợp cuối năm

Gửi bởi: Phạm Thọ Thái Dương 11 tháng 2 2020 lúc 14:21:54


Mục lục
* * * * *

I. PHẦN TRẮC NGHIỆM (3 điểm)

Câu 1. Sắp xếp các bài thơ sau theo trình tự thời gian sáng tác:

A. Lưu biệt khi xuất dương

B. Từ ấy

C. Chiều tối

D. Nhớ rừng

Câu 2. Trong các tác phẩm dưới đây, bài thơ nào thể hiện mối sầu nhân thế của một linh hồn nhỏ trước vũ trụ bao la?

A. Hầu trời

B. Tràng giang

C. Nhớ đồng

D. Lưu biệt khi xuất dương

Câu 3. Trong các bài thơ sau có một bài thơ thất ngôn viết về buổi chiều, nhưng trong các dòng thơ không hề có một chữ “chiều”. Đó là bài thơ nào?

A. Chiều xuân

B. Nhớ đồng

C. Lai Tân

D. Chiều tối

Câu 4. Hai câu thơ:

Lời yêu mỏng mảnh như màu khói

Ai biết lòng anh có đổi thay?

                                        (Xuân Quỳnh, Hoa cỏ may)

Hai câu thơ trên phảng phất tinh thần và câu chữ trong hai câu kết của bài thơ nào?

A. Vội vàng

B. Đây thôn Vĩ Dạ

C. Tràng giang

D. Tương tư

Câu 5. Vào những năm đầu của thế kỉ XX, ai là người phê phán “bọn học trò trong nước ham quyền thế, ham bả vinh hoa […] mà chẳng biết có dân”?

A. Phan Châu Trinh

B. Phan Bội Châu

C. Nguyễn An Ninh

D. Tản Đà

Câu 6.

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lí chói qua tim

Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim”.

(Tố Hữu, Từ ấy)

Khổ thơ trên thể hiện chính xác tâm trạng nào của nhà thơ?

A. Niềm hân hoan, phấn khởi chào đón mùa hạ

B. Niềm hạnh phúc của một tâm hồn hòa hợp với thiên nhiên

C. Niềm vui sướng, say mê khi bắt gặp lí tưởng cách mạng

D. Niềm vui sướng khi lần đầu tiên đến với thi ca

Câu 7. Văn học hiện đại Việt Nam đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 có nội dung (tính chất) nào mà văn học trung đại chưa có?

A. Tinh thần yêu nước

B. Tính nhân đạo

C. Tính hiện thực

D. Sự thức tỉnh, trỗi dậy mạnh mẽ của cái tôi cá nhân

Câu 8. Một bạn muốn xếp thật chính xác các tác phẩm:

(A) Một thời đại trong thi ca; (2) Hai đứa trẻ; (3) Tôi yêu em; (4) Rô-mê-ô và Giu-li-ét vào các thể loại: truyện, thơ, kịch, nghị luận.

Hãy chọn cách sắp xếp đúng:

A. Truyện – 1, thơ – 2, kịch – 3, nghị luận – 4

B. Truyện – 2, thơ – 3, kịch – 4, nghị luận – 1

C. Truyện – 3, thơ – 4, kịch – 1, nghị luận – 2

D. Truyện – 4, thơ – 1, kịch – 2, nghị luận – 3

Câu 9. Chọn câu trả lời chính xác về các thành phần nghĩa của câu:

A. Nghĩa sự việc và nghĩa hàm ẩn

B. Nghĩa sự việc và nghĩa tình thái

C. Nghĩa tình thái và nghĩa hàm ẩn

D. Nghĩa tường minh và nghĩa sự việc

Câu 10. Dòng nào dưới đây nêu đầy đủ và chính xác các yếu tố của ngữ cảnh?

A. Nhân vật giao tiếp, bối cảnh rộng và hẹp, hiện thực được đề cập tới

B. Nhân vật giao tiếp, bối cảnh rộng và hẹp, văn cảnh

C. Nhân vật giao tiếp, bối cảnh rộng và hẹp, hiện thực được đề cập tới và văn cảnh

D. Nhân vật giao tiếp, hiện thực được đề cập tới và văn cảnh

Câu 11. Chọn câu trả lời đầy đủ, chính xác về nội dung của nghĩa tình thái trong câu:

A. Thái độ, sự đánh giá của người nói được bộc lộ riêng qua các từ ngữ tình thái trong câu.

B. Thái độ, sự đánh giá của người nói đối với sự việc được đề cập đến trong câu.

C. Thái độ, sự đánh giá của người nói đối với sự việc được đề cập đến trong câu hoặc đối với người nghe.

D. Thái độ, sự đánh giá của người nói đối với người nghe.

Câu 12. Dòng nào dưới đây nêu đầy đủ và chính xác các đặc điểm về ngôn ngữ của phong cách ngôn ngữ chính luận?

A. Nhiều từ ngữ chính trị, câu văn chuẩn mực, gần với phán đoán và suy luận logic, sử dụng các biện pháp tu từ để giúp cho lí lẽ, lập luận thêm hấp dẫn.

B. Nhiều từ ngữ chính trị, ngữ điệu linh hoạt, sử dụng các biện pháp tu từ để giúp cho lí lẽ, lập luận thêm hấp dẫn.

C. Câu văn chuẩn mực, gần với phán đoán và suy luận logic; sử dụng các biện pháp tu từ để giúp cho lí lẽ, lập luận thêm hấp dẫn, ngữ điệu linh hoạt.

D. Nhiều từ ngữ chính trị; sử dụng các biện pháp tu từ để giúp cho lí lẽ, lập luận thêm hấp dẫn.

II. PHẦN TỰ LUẬN (7 điểm)

Câu 1. Nêu những suy nghĩ và cảm xúc riêng của anh (chị) về một bài thơ (hoặc một truyện ngắn đã học)

Câu 2. Trình bày quan niệm của anh (chị) về việc chọn nghề trong tương lai. (Chọn nghề phù hợp với năng lực thực tế của mình; chọn nghề đang được ưa chuộng trong xã hội hay quyết theo đuổi nghề mà mình yêu thích nhất?)

ĐÁP ÁN

PHẦN I. TRẮC NGHIỆM

1. C2. B3. D4. B5. A6. C
7. D8. B9. B10. D11. C12. D

PHẦN II. TỰ LUẬN

Câu 1.

Cảm nhận về truyện ngắn Bến quê của Nguyễn Minh Châu

          Truyện ngắn Bến quê là một trong những kiệt tác của Nguyễn Minh Châu tiêu biểu cho văn học giai đoạn sau năm 1975. Tác phẩm kể về cuộc đời của nhân vật Nhĩ. Nhĩ là một người tài giỏi, cả đời từng đi xuôi ngược, hầu như chưa có một xó xỉnh nào trên trái đất là Nhĩ chưa từng đặt chân tới. Duy chỉ có cái bãi bồi bên sông Hồng là Nhĩ chưa từng đặt chân tới. Nhưng nghịch lí thay, Nhĩ lại bị liệt nửa người vào những ngày cuối đời, Nhĩ chỉ có thể nằm trên giường và ngắm bãi bồi bên sông ấy qua khung cửa sổ. Nhĩ trao gửi ước vọng ấy vào Tuấn – cậu con trai lớn của Nhĩ. Nhưng thằng bé vì mải mê, sa vào bàn cờ thế mà để lỡ mất chuyến đò ngang sang sông duy nhất trong ngày. Vì thế mà Nhĩ đau khổ. Sự vô tư của đứa con trai khiến Nhĩ đau lòng và nhận ra nghịch lí: Đời người vốn có những vòng vèo chùng chình và đôi khi vì những vòng vèo ấy mà ta bỏ lỡ những thứ thân thuộc, bình dị nhất đối với mình.

          Liên là vợ của Nhĩ. Kim Liên có nghĩa là đóa sen vàng. Ở chị hội tụ đầy đủ vẻ đẹp tần tảo, chịu thương chịu khó. Khi Nhĩ còn quay cuồng với sự nghiệp. Liên ở nhà làm vợ, làm mẹ, lặng lẽ gánh vác mọi việc. Khi Nhĩ bị liệt nằm một chỗ trên giường, gia cảnh sa sút, Liên cũng vẫn tần tảo chăm sóc chồng, con. Lần đầu tiên Nhĩ nhận thấy Liên mặc tấm áo vá và mái tóc Liên đã điểm sương. Lần đầu tiên Nhĩ nhận thấy bãi bồi bên sông đẹp đến thế. Bãi bồi sông Hồng bên lở bên bồi tượng trưng cho vẻ đẹp bình dị, chân chất của quê hương, những giá trị mà con người sẵn sàng lãng quên đi bởi cuộc sống hào nhoáng ngoài kia.

           Bến quê là bến đỗ bình yên trong cuộc đời mỗi con người. Hình ảnh Nhĩ cố lết và 1 tay bấu chặt lấy bậu cửa sổ, một tay cố khoát khoát như ra hiệu cho anh con trai hãy nhanh nhanh sang sông khỏi lỡ chuyến đò ở cuối thiên truyện đã tạo nên kết thúc đầy ám ảnh. Với tác phẩm Bến quê, Nguyễn Minh Châu đã gửi gắm vào đó những triết lí, chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời mối người và chỉ ra đâu là những chân giá trị mà con người cần hướng tới. Sự bừng tỉnh của Nhĩ trong những năm cuối đời cũng phần nào thức tỉnh bản thân mỗi chúng ta hãy biết nhìn lại, sống và không lãng quên quá khứ, sống với những giá trị gần gũi bình dị quanh mình và hãy biết sống hết mình để không hoài phí những năm tháng tuổi trẻ. Đừng để vì một vài thứ vòng vèo, chùng chình mà để lỡ dở những dự định, kế hoạch hay gác lại những ước mơ, hoài bão của chúng ta.

Câu 2.

1. Mở bài:

- Cuộc sống luôn vận động kéo theo sự vận động của rất nhiều yếu tố trong đời sống của mỗi cá nhân: sở thích, khát vọng, mối quan tâm, các quan hệ trong cuộc sống, cách sống... Bên cạnh rất nhiều những yếu tố có thể đổi thay ấy lại có những yếu tố mà sự thay đổi của nó sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề phức tạp. Một trong số đó chính là nghề nghiệp - công việc lao động để đảm bảo cuộc sống cũng là đảm bảo ý nghĩa tồn tại của mỗi người.

- Việc chọn nghề là việc quan trọng, cần thiết và luôn được đặt ra khi chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa của cuộc sống.

2. Thân bài:

a. Thực tế xã hội và sự cần thiết của việc chọn nghề:

- Xã hội càng phát triển, yêu cầu chuyên môn hoá càng cao và sự phân công lao động càng được đặt ra và thực hiện một cách nghiêm ngặt.

- Để tồn tại và để tự khẳng định mình trong cuộc sống, mỗi người cần lựa chọn cho mình một nghề nghiệp và chuyên tâm theo đuổi, phấn đấu cho sự chọn lựa ấy.

b. Những cách chọn nghề trong thực tế hiện nay:

- Chọn nghề kiếm được nhiều tiền: ưu thế của sự lựa chọn này là nó sẽ đảm bảo cho tương lai một cuộc sống ổn định và dư dật về mặt vật chất. Vấn đề là ở chỗ chính sức hấp dẫn của nghề nghiệp sẽ tạo ra một môi trường có tính cạnh tranh cao với những đòi hỏi khắt khe, nghiệt ngã. Nếu bản thân người lựa chọn không đủ nội lực để đáp ứng và bản lĩnh để trụ vững có thể sẽ vấp phải những khó khăn không lường trước được.

- Chọn nghề thời thượng: Ưu thế của sự lựa chọn này là sẽ đem lại cho người lựa chọn một sự tự tin nhất định. Đồng thời, những nghề được cho là thời thượng trong xã hội thường cũng là những nghề mang lại nguồn thu nhập cao nên cũng sẽ tạo ra sự đảm bảo vững chắc về kinh tế. Tuy nhiên cần lưu ý tới quy luật cung cầu của xã hội bởi nó có thể sẽ khiến cho cái hôm nay là thời thượng song đến ngày mai đã trở thành lạc hậu, lỗi thời.

- Chọn nghề phù hợp với năng lực thực tế của bản thân thường là cách lựa chọn của những người ưa cuộc sống bình thường, yên ổn. Khi yêu cầu của nghề nghiệp phù hợp với khả năng thực có, mỗi người sẽ làm được tốt nhất công việc của chính mình, hoàn thành được trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân. Trong trường hợp này, nếu có một năng lực tốt, con người hoàn toàn có thể khẳng định mạnh mẽ giá trị bản thân mình bằng những đóng góp nổi bật.

- Chọn nghề mà mình yêu thích sẽ tạo niềm say mê, thậm chí đam mê với công việc. Yếu tố tâm lí này rất quan trọng để kích thích khả năng, phát triển năng lực giúp người lựa chọn có thể làm tốt nhất các yêu cầu của công việc. Thường thì nghề yêu thích cũng là nghề mà người lựa chọn có khả năng để đáp ứng vì có như vậy mới có niềm yêu thích thật sự.

c. Quan điểm lựa chọn của cả nhân:

- Mục tiêu đặt ra trong cuộc sống.

- Năng lực thực tế của bản thân.

- Quan điểm lựa chọn.

- Định hướng phấn đấu hiện tại.

3. Kết bài:

- Vấn đề đặt ra trước mắt thanh niên hiện nay không phải chỉ là chọn nghề gì mà còn là quan niệm, suy nghĩ như thế nào về sự lựa chọn ấy. Việc lựa chọn một cách cảm tính, chỉ dựa trên những ý thích nhất thời có thể sẽ dẫn đến sai lầm.

- Cách tốt nhất để lựa chọn đúng là nên chú ý đến sự cân bằng giữa nhu cầu xã hội và năng lực bản thân, giữa ý thích và khả năng thực tế, giữa mục đích và những đòi hỏi của cuộc sống. Chú ý tới tất cả những mặt này, mỗi người sẽ có một sự lựa chọn chính xác để tránh phải hối tiếc sau này.


Được cập nhật: 13 tháng 4 lúc 22:53:12 | Lượt xem: 519

Các bài học liên quan