Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Địa lí 11 Khu vực Đông Nam Á, trường THPT Quốc Oai - Hà Nội.

35303ccfea55ad5a82a3e034a81a8aca
Gửi bởi: Nguyễn Trần Thành Đạt 8 tháng 2 2021 lúc 8:01:16 | Được cập nhật: 18 giờ trước (3:33:17) Kiểu file: DOCX | Lượt xem: 223 | Lượt Download: 0 | File size: 0.040784 Mb

Nội dung tài liệu

Tải xuống
Link tài liệu:
Tải xuống

Các tài liệu liên quan


Có thể bạn quan tâm


Thông tin tài liệu

KHU VỰC ĐÔNG NAM Á

A. MỤC TIÊU CẦN ĐẠT

1. Kiến thức :

- Biết được vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ khu vực Đông Nam á.

- Trình bày được đặc điểm tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và phân tích được những thuận lợi, khó khăn của chúng đối với sự phát triển kinh tế.

- Phân tích được các đặc điểm dân cư và ảnh hưởng của chúng tới kinh tế.

- Trình bày và giải thích được một số đặc điểm kinh tế.

- Hiểu được mục tiêu của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN). ; cơ chế hoạt động, một số hợp tác cụ thể trong kinh tế, văn hoá ; thành tựu và thách thức của các nước thành viên.

- Hiểu được sự hợp tác đa dạng của Việt Nam với các nước trong Hiệp hội.

- Ghi nhớ một số địa danh

2. Kĩ năng :

- Sử dụng bản đồ để nhận biết và trình bày được vị trí các nước thành viên, đặc điểm chung về địa hình, khoáng sản, phân bố một số ngành kinh tế của các nước ASEAN.

- Nhận xét các số liệu, tư liệu về kết quả phát triển kinh tế của các nước ASEAN.

B. NỘI DUNG KIẾN THỨC CƠ BẢN

I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN

1/ Vị trí địa lí và lãnh thổ

- Nằm ở phía Đông Nam lục địa Á – Âu

- Nằm trọn trong khu vực nội chí tuyến, là cầu nối thông thương hàng hải quan trọng của thế giới.

- Tiếp giáp với 2 nền văn minh lớn là Trung Quốc và Ấn Độ.

- Diện tích rộng, gồm 11 quốc gia với 2 bộ phận:

+ Đông Nam Á lục địa với 5 quốc gia: Việt Nam, Lào, Camphuchia, Minanma, TL.

+ Đông Nam Á biển đảo với 6 quốc gia: Malayxia, Inđônêxia, Xingapo, Brunây, Đôngtimo và Philippin.

Thuận lợi:

+ Phát triển kinh tế biển (trừ Lào).

+ Thiên nhiên phân hóa đa dạng.

+ Là khu vực có địa chính trị quan trọng.

+ Dễ dàng giao lưu, hợp tác, phát triển kinh tế với các nước trong và ngoài khu vực.

+ Nền văn hóa đa dạng, có nhiều nét tương đồng với văn hóa Trung - Ấn.

Hạn chế: nhiều thiên tai, là khu vực có chính trị nhạy cảm.

2/ Đặc điểm tự nhiên:

- Đông Nam Á lục địa: nhiều núi, nhiều sông lớn, có nhiều đồng bằng phù sa màu mỡ, khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiều than đá, dầu mỏ, sắt, thiếc...

- Đông Nam Á biển đảo: nhiều đảo với nhiều núi lửa, ít sông lớn, khí hậu xích đạo và nhiệt đới ẩm, nhiều than đá, dầu mỏ, sắt, thiếc, đồng...

Thuận lợi:

+ Khí hậu nóng ẩm, đất phù sa màu mỡ phát triển nông nghiệp nhiệt đới.

+ Biển phát triển ngư nghiệp, du lịch (phát triển tổng hợp kinh tế biển).

+ Giàu khoáng sản (phát triển công nghiệp), rừng nhiệt đới phong phú và đa dạng (phát triển lâm nghiệp).

Khó khăn: động đất, núi lửa, sóng thần, bảo lụt, hạn hán, rừng và khoáng sản giàu chủng loại nhưng hạn chế về tiềm năng khai thác.

II. DÂN CƯ VÀ XÃ HỘI

1/ Dân cư

- Dân số đông có 667.376.676 (đến tháng 4/2020 Nguồn: https://danso.org/dong-nam-a/) người.

- Cơ cấu dân số trẻ.

- Phân bố dân cư không đồng đều.

Thuận lợi: nguồn lao động dồi dào, thị trường tiêu thụ rộng lớn.

Khó khăn: Sức ép về giáo dục, y tế, việc làm...

2/ Xã hội

Thuận lợi: bản sắc văn hoá phong phú đa dạng là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội.

Khó khăn: Làm cho vấn đề đoàn kết dân tộc, giữ gìn an ninh xã hội trở thành vấn đề nhạy cảm...

III. CƠ CẤU KINH TẾ

- Cơ cấu kinh tế của khu vực Đông Nam Á đang có sự chuyển dịch heo hướng:

+ GDP khu vực I giảm rõ rệt.

+ GDP khu vực II tăng mạnh.

+ GDP khu vực III tăng ở tất cả các nước.

Thể hiện sự chuyển đổi từ nền kinh tế thuần nông sang nền kinh tế có công nghiệp và dịch vụ phát triển.

IV.CÔNG NGHIỆP

- Công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại nhằm phục vụ cho xuất khẩu: tăng cường liên doanh với nước ngoài về KHKT, vốn, công nghệ…

- Chú trọng sản xuất các mặt hàng phục vụ cho xuất khẩu: ô tô, xe máy, điện tử, tin học, may mặc, giày da, chế biến thực phẩm….

V.DỊCH VỤ

- Hướng phát triển:

+ Phát triển cơ sở hạ tầng cho các khu công nghiệp.

+ Xây dựng đường sá, phát triển giao thông.

+ Hiện đại hoá mạng lưới thông tin, dịch vụ ngân hàng, tín dụng.

+ Tận dụng các ưu thế về tự nhiên, văn hoá để đẩy mạnh phát triển du lịch…

- Mục đích:

+ Phục vụ sản xuất, nhu cầu phát triển con người.

+ Thu hút vốn đầu tư, công nghệ, thiết bị hiện đại.

+ Phục vụ và nâng cao đời sống nhân dân.

VI. NÔNG NGHIỆP

1/ Cây lúa gạo

- Là cây lương thực truyền thống của khu vực.

- Việt Nam và Thái Lan là hai quốc gia có xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới.

- Sản lượng ngày càng tăng, nhưng diện tích gieo trồng ngày càng bị thu hẹp Vấn đề an ninh lương thực ở mỗi quốc gia?

- Phân bố chủ yếu ở Thái Lan, Việt Nam, In-đô-nê-xia...

2/ Trồng cây công nghiệp

- Cơ cấu cây trồng đa dạng, chủ yếu là cây công nghiệp nhiệt đới, như: cao su, hồ tiêu, cà phê, cây lấy dầu, lấy sợi...

- Phân bố: Việt Nam, Thái Lan, In-đô-nê-xia, Phi-lip-pin...

- Cung cấp: 75% sản lượng cao su, 20% sản lượng cà phê, 46% sản lượng hồ tiêu cho thế giới.

3/ Chăn nuôi, nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản

- Chăn nuôi: Số lượng đàn gia súc khá lớn, trong nông nghiệp chăn nuôi vẫn còn là ngành giữ vai trò thứ yếu.

- Các nước phát triển mạnh ngành chăn nuôi: Thái Lan, Việt Nam, In-đô-nê-xia, Mi-an-ma...

- Đánh bắt nuôi trồng thuỷ sản: là một trong những khu vực đánh bắt cá lớn, nhưng vẫn chưa tận dụng hết tiềm năng.

- Nuôi trồng thuỷ sản gần đây đã phát triển mạnh...

HIỆP HỘI CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á

I.MỤC TIÊU VÀ CƠ CHẾ HỢP TÁC CỦA ASEAN

1/ Lịch sử hình thành và phát triển:

- Ra đời: 8/8/1967, gồm 5 nước Thái Lan, In-đô-nê-xia, Malaixia, Phi-lip-pin, Xin-ga-po là thành viên sáng lập, đến nay đã có 10 quốc gia thành viên.

2/ Mục tiêu chính của ASEAN: Có 3 mục tiêu chính.

- Thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của các nước tành viên.

- Xây dựng khu vực có nền hoà bình, ổn định.

- Giải quyết các mâu thuẫn, bất đồng trong nội bộ và bất đồng với bên ngoài.

Mục tiêu tổng quát: “Đoàn kế và hợp tác vì một ASEAN hoà bình, ổn định cùng phát triển”

3/ Cơ chế hợp tác của ASEAN: đa dạng:

- Các hội nghị, các diễn đàn, các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, thể thao…

- Kí kết các hiệp ước hai bên, nhiều bên hoặc các hiệp ước chung.

- Thực hiện các dự án hoặc chương trình phát triển.

- Xây dựng khu vực thương mại tự do…

Thực hiện cơ chế hợp tác sẽ đảm bảo cho ASEAN đạt được các mục tiêu chính và mục đích cuối cùng là hoà bình, ổn định và cùng phát triển.

II. NHỮNG THÀNH TỰU VÀ THÁCH THỨC CỦA ASEAN

1/ Tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước trong khối khá cao

Thách thức: tăng trưởng không đều, trình độ phát triển chênh lệch dẫn tới một số nước có nguy cơ tụt hậu.

Giải pháp: tăng cường các dự án, chương trình phát triển cho các nước có tốc độ phát triển kinh tế chậm hơn.

2/ Đời sống nhân dân đã được cải thiện

Thách thức: Còn một bộ phận dân chúng có mức sống thấp, còn tình trạng đói nghèo, gây mất ổn định xã hội.

Giải pháp: Chính sách riêng ở mỗi quốc gia thành viên để xoá đói, giảm nghèo.

3/ Tạo dựng môi trường hoà bình, ổn định trong khu vực

Thách thức: không còn chiến tranh, nhưng vẫn còn tình trạng bạo loạn, khủng bố ở một số quốc gia, gây nên mất ổn định cục bộ.

Giải pháp: Tăng cường hợp tác về chống bạo loạn, khủng bố, nguyên tắc hợp tác nhưng không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, về cơ bản giải quyết tận gốc vấn đề bất bình đẳng xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.

III. VIỆT NAM TRONG QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP ASEAN

1/ Tham gia của Việt Nam: Về kinh tế, giao dịch thương mại trong khối đạt 30%, tham gia hầu hết các hoạt động về chính trị, văn hoá, giáo dục, xã hội, thể thao, vị trí của Việt nam ngày một nâng lên.

2/ Cơ hội và thách thức

Cơ hội: xuất khẩu được hàng hoá trên thị trường rộng lớn.

Thách thức: Phải cạnh tranh với các thương hiệu có tên tuổi, uy ín hơn, các sản phẩm có trình độ công nghệ cao hơn.

Giải pháp: Đón đầu đầu tư và áp dụng các công nghệ tiên tiến để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá.

C. LUYỆN TẬP

I. Trắc nghiệm: Em hãy lựa chọn đáp án đúng cho các câu hỏi sau.

Câu 1: Đông Nam Á tiếp giáp với các đại dương

A. Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

B. Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.

C. Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương.

D. Thái Bình Dương và Bắc Băng Dương.

Câu 2: Ý nào sau đây không đúng về đặc điểm thủy văn của khu vực Đông Nam Á?

A. Đông Nam Á có mạng lưới sông ngòi dày đặc, nhiều sông lớn.

B. Các con sông lớn tập trung chủ yếu ở Đông Nam Á lục địa.

C. Sông ngòi ở Đông Nam Á hải đảo chủ yếu ngắn và dốc.

D. Chế độ thủy văn của khu vực Đông Nam Á thay đổi theo mùa.

Câu 3: Đông Nam Á có điều kiện để phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới do

A. có vùng biển rộng lớn giàu tiềm năng (trừ Lào).

B. chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc có một mùa đông lạnh.

C. có khí hậu nóng ẩm, hệ đất trồng phong phú, mạng lưới sông ngòi dày đặc.

D. có địa hình đồi núi chiếm ưu thế, khí hậu có sự phân hóa theo độ cao.

Câu 4: Nhận định nào sau đây không đúng về đặc điểm dân cư Đông Nam Á?

A. Tỉ suất gia tăng dân số tự nhiên đang có xu hướng giảm.

B. Mật độ dân số cao, cơ cấu dân số trẻ.

C. Tỉ lệ dân thành thị cao, đang có xu hướng tăng dần.

D. Phân bố dân cư ở khu vưc không đồng đều.

Câu 5: Dân cư Đông Nam Á phân bố không đều thể hiện ở

A. mật độ dân số cao hơn mức trung bình toàn Thế giới.

B. dân cư tập trung chủ yếu ở Đông Nam Á lục địa.

C. dân cư tập trung chủ yếu ở các đồng bằng, vùng ven biển.

D. dân cư thưa thớt ở các vùng đất đỏ badan.

Câu 6: Ý nào sau đây không đúng về đặc điểm xã hội khu vực Đông Nam Á?

A. Là khu vực đa dân tộc, đa tôn giáo.

B. Dân cư chủ yếu là các tín đồ của Phật giáo.

C. Văn hóa có sự kết hợp giữa yếu tố bản địa và du nhập từ bên ngoài.

D. Đa dạng về chính thể, chênh lệch trình độ phát triển giữa các nước.

Câu 7: Phát biểu nào sau đây không phải là xu hướng phát triển công nghiệp của các nước Đông Nam Á hiện nay?

A. Tăng cường liên kết, liên doanh với nước ngoài.

B. Hiện đại hóa trang thiết bị, chuyển giao công nghệ.

C. Đào tạo kỹ thuật cho người lao động.

D. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp truyền thống.

Câu 8: Công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm phân bố rộng khắp các nước Đông Nam Á do

A. cơ sở vật chất, kỹ thuật tương đối tốt.

B. cơ sở hạ tầng ngày càng được hiện đại.

C. chất lượng lao động ngày càng dược nâng cao.

D. nguồn nguyên liệu tại chỗ phong phú.

Câu 9: Đông Nam Á có nền nông nghiệp

A. á nhiệt đới. B. nhiệt đới.

C. cận nhiệt đới. D. xích đạo.

Câu 10: Diện tích trồng lúa gạo ở các nước Đông Nam Á có xu hướng giảm do

A. sản xuất lúa gạo đã đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.

B. năng suất lúa tăng lên nhanh chóng.

C. chuyển đổi mục đích sử dụng đất và cơ cấu cây trồng.

D. nhu cầu lương thực của người dân trong khu vực giảm.

Câu 11: Các nước Đông Nam Á chưa phát huy được tối đa lợi thế của tài nguyên biển để phát triển ngành khai thác hải sản do

A. phương tiện khai thác lạc hậu, chậm đổi mới công nghệ.

B. thời tiết diễn biến thất thường, nhiều thiên tai.

C. chưa chú trọng phát triển kinh tế biển.

D. môi trường biển bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Câu 12: Tổ chức ASEAN được ra đời vào ngày

A. 07/08/1967. B. 08/08/1967.

C. 07/08/1968. D. 08/08/1968.

Câu 13: Việt Nam gia nhập tổ chức ASEAN vào năm nào?

A. 1967. B. 1995.

C. 1997. D. 1999.

Câu 14: Mục tiêu cuối cùng của tổ chức ASEAN là gì?

A. Thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các nước thành viên.

B. Đoàn kết, hợp tác vì một ASEAN hòa bình, ổn định, cùng phát triển.

C. Giải quyết các mâu thuẫn, bất đồng trong nội bộ.

D. Xây dựng khu vực có nền hòa bình, ổn định.

Câu 15: Nhận định nào sau đây là nguyên nhân để ASEAN nhấn mạnh sự ổn định trong mục tiêu chính?

A. Mỗi nước trong khu vực đều có thời kì bất ổn định.

B. Giữa các nước còn có sự tranh chấp phức tạp về biên giới.

C. Để hạn chế sự ảnh hưởng của các cường quốc.

D. Khu vực đông dân, đa dân tộc, đa tôn giáo, đa ngôn ngữ.

Câu 16: Ý nào sau đây không phải là cơ chế hợp tác của ASEAN?

A. Thông qua các diễn đàn, hội nghị.

B. Thông qua các chuyến thăm chính thức của các Nguyên thủ quốc gia.

C. Thông qua các dự án, chương trình phát triển.

D. Thông qua các hoạt động văn hóa, xã hội, thể dục thể thao.

Câu 17: Việc xây dựng “Khu vực thương mại tự do ASEAN – AFTA” là việc làm thuộc

A. mục tiêu hợp tác. B. cơ sở thành lập.

C. cơ chế hợp tác. D. nguyên tắc hợp tác.

Câu 18: Thành tựu lớn nhất mà ASEAN đạt được qua hơn 40 năm tồn tại và phát triển là

A. bộ mặt các nước được nâng cao trên trường Quốc tế.

B. đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.

C. tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước khá cao.

D. 10/11 nước trong khu vực là thành viên của ASEAN.

Câu 19: Thách thức lớn nhất hiện nay của các nước thành viên ASEAN là

A. trình độ phát triển còn chênh lệch giữa các nước.

B. tình trạng đói nghèo vẫn còn ở nhiều nơi.

C. phát triển nguồn nhân lực trình độ cao.

D. hiện tượng chảy máu chất xám ở các nước.

Câu 20: Ý nào sau đây không phải là cơ hội của Việt Nam khi gia nhập ASEAN?

A. Mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua Khu vực tự do thương mại ASEAN – AFTA.

B. Giao lưu, tiếp thu những tiến bộ của khoa học kĩ thuật, chuyển giao công nghệ.

C. Tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu, đóng góp lớn vào GDP quốc gia.

D. Học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu những tinh hoa văn hóa của khu vực ASEAN.

II. Tự luận

Câu 1: Phân tích những thuận lợi và khó khăn về điều kiện tự nhiên đối với sự phát triển kinh tế của Đông Nam Á?

Câu 2: Trình bày sự ra đời, mục tiêu và cơ chế hợp tác của tổ chức ASEAN? Cho biết cơ hội và thách thức của Việt Nam khi gia nhập ASEAN?

Câu 3. Giải thích tại sao mục tiêu của ASEAN lại nhấn mạnh đến sự ổn định

11