Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Đề kiểm tra HKI môn Ngữ Văn 11 năm học 2020-2021, trường THPT Ngô Gia Tự - Đắk Lắk

373caf51a02c4945940c650029cad47e
Gửi bởi: Nguyễn Trần Thành Đạt 5 tháng 2 2021 lúc 22:04:53 | Được cập nhật: 18 tháng 4 lúc 1:33:24 Kiểu file: DOCX | Lượt xem: 475 | Lượt Download: 12 | File size: 0.030848 Mb

Nội dung tài liệu

Tải xuống
Link tài liệu:
Tải xuống

Các tài liệu liên quan


Có thể bạn quan tâm


Thông tin tài liệu

SỞ GD&ĐT ĐẮK LẮK

SỞ GD&ĐT ĐẮK LẮK

TRƯỜNG THPT NGÔ GIA TỰ

(Đề có 01 trang)

KIỂM TRA CUỐI HỌC KỲ I

NĂM HỌC 2020 - 2021

MÔN NGỮ VĂN Lớp 11

Thời gian làm bài: 90 phút (không kể thời gian phát đề)

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Tuổi trẻ không chỉ có nghĩa là trẻ tuổi, mà còn có nghĩa là năm tháng tươi đẹp nhất cuộc đời. Ở cái tuổi ấy, trong ba thứ: sức khỏe, thời gian và tiền bạc, chúng ta chỉ thiếu tiền thôi, còn thời gian và sức khỏe thì luôn đong đầy. Năm tháng qua đi khi về già ta sẽ nhận thấy tiền bạc hóa ra là thứ ít quan trọng nhất trong ba thứ trên. Nghĩa là tuổi trẻ là giai đoạn quý giá nhất đời người vì sở hữu trọn vẹn hai món quà lớn nhất của cuộc sống là sức khỏe và thời gian. Ta vốn được nghe nhiều người nói đến điều này rồi, nhưng hỡi ôi, sao chúng ta vẫn đang để cho tuổi trẻ của mình trôi qua một cách hời hợt và vô nghĩa đến thế? Với trí óc hạn hẹp được định hướng, phần lớn tuổi trẻ hiện tại cho rằng tiền bạc là hơn hết, là thứ quan trọng nhất, cần thiết nhất, là đáng lưu tâm nhất. Và rồi ta vô tình lãng quên hai món quà quý giá nhất đời, thời gian và sức khỏe…

Chính trải nghiệm, chứ không phải thứ gì khác, là thứ làm nên con người bạn. Tôi đang nói con người thật sự bên trong bạn ấy, không phải gia cảnh, xuất thân, đồ trang trí trên người, bằng cấp học vị hay gì cả. Con người thật sự của bạn, muốn biết nó như thế nào, muốn tìm kiếm nó, thật không cách gì ngoài việc bạn  phải bước vào đời, trải nghiệm, trộn bản thân mình vào cuộc sống, rồi cảm nhận, rồi đúc kết và rồi cuối cùng là phát huy hết sức những gì mình đã học được trong quá trình đó.

Giá trị của những trải nghiệm chính là giá trị con người bạn.

( Trích Không có trải nghiệm, tuổi trẻ không đáng một xu”- Phi Tuyết)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích? (0,5 điểm)

Câu 2. Theo tác giả, món quà nào là quý giá nhất đời người? Và điều gì làm nên giá trị mỗi con người? (0,5 điểm)

Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của phép tu từ trong câu: “Tuổi trẻ không chỉ có nghĩa là trẻ tuổi”.(1,0 điểm)

Câu 4. Anh/chị có đồng tình với tác giả: “Giá trị của những trải nghiệm chính là giá trị con người bạn” không? Vì sao? (1,0 điểm)

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Từ ngữ liệu phần đọc hiểu, viết một đoạn văn (khoảng từ 150 đến 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về nhận định của Jean Jacques Rousseau: “Người sống nhiều nhất không phải người sống lâu năm nhất mà là người có nhiều trải nghiệm phong phú nhất, sống nhiều hơn người khác.”

Câu 2. (5,0 điểm):

Cảm nhận của anh (chị) về đoạn trích sau:

“Nhưng bây giờ thì hắn tỉnh. Hắn bâng khuâng như tỉnh dậy sau một cơn say rất dài. Cũng như những người say tỉnh dậy, hắn thấy miệng đắng, lòng mơ hồ buồn. Người thì bủn rủn, chân tay không buồn nhấc. Hay là đói rượu? Nghĩ đến rượu, hắn hơi rùng mình. Ruột gan lại nôn nao lên một tí. Hắn sợ rượu cũng như những người ốm thường sợ cơm. Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá! Có tiếng cười nói của những người đi chợ. Anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá. Những tiếng quen thuộc ấy hôm nào chả có. Nhưng hôm nay hắn mới nghe thấy... Chao ôi là buồn!”

(Trích “Chí Phèo”-Nam Cao, Ngữ văn 11, tập một, tr.149, NXB Giáo dục)

----- Hết -----

Học sinh không được sử dụng tài liệu, giám thị không giải thích gì thêm.

Họ và tên học sinh…………………………………………….Số báo danh………..……

SỞ GD&ĐT ĐẮK LẮK

TRƯỜNG THPT NGÔ GIA TỰ

KIỂM TRA GIỮA HỌC KỲ 1

NĂM HỌC 2020 - 2021

MÔN NGỮ VĂN – Khối lớp 11

HƯỚNG DẪN CHẤM

I. ĐỌC – HIỂU

Câu

Nội dung

Điểm

1

Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.

0.5

2

- Theo tác giả, món quà quý giá nhất mà cuộc sống ban tặng cho con người là sức khỏe và thời gian.

- Điều làm nên giá trị mỗi con người là trải nghiệm.

0.5

3

Chỉ ra được một trong hai đáp án sau: (cả hai càng tốt)

- Phép đảo ngữTuổi trẻ - trẻ tuổi (0,5đ) ; tác dụng : tạo nghĩa khác biệt, làm câu văn hấp dẫn, thú vị...(0,5đ)

- Hoặc phép chơi chữ: Tuổi trẻ - trẻ tuổi (0,5đ) ; tác dụng : tăng sắc thái ý nghĩa biểu đạt, làm câu văn hấp dẫn, thú vị...(0,5đ)

1.0

4

- HS có thể trả lời đồng tình hoặc không đồng tình hoặc vừa đồng tình vừa không đồng tình. (0,25đ)

- HS giải thích thuyết phục với lựa chọn của mình. (0,75đ)

(Chẳng hạn, đồng tình thì cần giải thích trải nghiệm là qua hoạt động thực tế, con người tự có được tri thức, đúc kết kinh nghiệm sống cho mình. Nên, giúp con người hiểu biết phong phú, cuộc sống thêm màu sắc, thêm yêu bản thân, yêu người, yêu đời…)

1.0

II. PHẦN LÀM VĂN

Câu

Nội dung

Điểm

1

Viết một đoạn văn (khoảng 150 đến 200 chữ) về câu nói của Jean Jacques Rousseau: “Người sống nhiều nhất không phải người sống lâu năm nhất mà là người có nhiều trải nghiệm phong phú nhất, sống nhiều hơn người khác.”

2.0

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn: Có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng-phân-hợp, móc xích hoặc song hành.

0.25

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

0.25

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ giá trị của trải nghiệm. Có thể theo định hướng sau:

- “Người sống nhiều nhất không phải người sống lâu năm nhất mà là người có nhiều trải nghiệm phong phú nhất, sống nhiều hơn người khác” nghĩa là cuộc đời của một người dài ngắn phụ thuộc vào việc họ đã dấn thân mình vào những điều gì trong cuộc đời và có được bao nhiêu kinh nghiệm, bài học trong cuộc đời này.

- Tại sao cuộc đời một con người ngắn hay dài lại được đo bằng trải nghiệm?

+ Trải nghiệm là một phần tất yếu của cuộc sống.

+ Mỗi trải nghiệm sẽ đem lại cho ta một bài học, một kinh nghiệm trong cuộc sống; nhờ có trải nghiệm mà con người sẽ vững vàng hơn trên mọi chặng đường.

+ Trải nghiệm phong phú sẽ giúp con người biết yêu bản thân mình, yêu thương mọi người và biết trân trọng những gì mình đang có.

- Một con người không có trải nghiệm, không muốn trải nghiệm là bởi họ hèn nhát, lãnh cảm với cuộc đời. Cuộc sống sẽ vô vị, nhạt nhẽo; con người sẽ không có hiểu biết phong phú về cuộc đời.

-Bài học liên hệ bản thân

1.0

d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

0.25

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

0.25

2

Cảm nhận đoạn văn

5.0

a.Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

0.25

b.Xác định đúng vấn đề nghị luận

0.25

c.Triển khai vấn đề nghị luận : (giám khảo cần linh hoạt với gợi ‎ ý chấm này)

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần đảm bảo những ý chính sau:

- Giới thiêu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận.(0,5đ)

- Tâm trạng của Chí sau khi tỉnh rượu: (3,5đ)

+ Đó là sự luyến tiếc, nhớ thương xen lẫn một cái gì đó không rõ ràng "bâng khuâng như tỉnh dậy sau một cơn say rất dài".

+ Đó là cảm giác của một kẻ đang ốm, mệt mỏi rã rời nhưng lại cô đơn "miệng đắng, lòng mơ hồ buồn. Người thì bủn rủn, chân tay không buồn nhấc".

+ Hiểu được chính rượu đã khiến hắn ra nông nỗi này "Nghĩ đến rượu, hắn hơi rùng mình. Ruột gan lại nôn nao lên một tí" để rồi hắn "sợ rượu cũng như những người ốm thường sợ cơm".

+ Nhận biết ngoại giới với tiếng chim hót, tiếng cười nói, tiếng gõ mái chèo đuổi cá quen thuộc hôm nào chả có nhưng hôm nay hắn mới nghe thấy... Chao ôi là buồn.

Lần đầu tiên sau mấy mươi năm sống kiếp con vật lạ, Chí Phèo tỉnh rượu để lắng nghe âm thanh cuộc sống và những cảm xúc lòng mình, khởi đầu cho một sự hồi sinh mạnh mẽ. Đoạn văn vì vậy có giá trị nhân đạo sâu sắc.

- Nghệ thuật:(1,0đ)

+ Miêu tả tâm lí tinh tế, sắc sảo.

+ Ngôn ngữ: nhiều từ ngữ chỉ cảm giác đặc biệt là từ láy, ngôn ngữ tự nhiên, giản dị, đời thường; hầu hết là những câu ngắn; câu kể, câu tả, cảm thán xen lẫn.

+ Trần thuật: kết hợp lời kể của tác giả và độc thoại nội tâm của nhân vật.

4.0

d.Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.

0.25

e.Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

0.25