Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Các thao tác nghị luận

Gửi bởi: Phạm Thọ Thái Dương 7 tháng 2 2020 lúc 16:16:25


Mục lục
* * * * *
Các thao tác nghị luận

I. KHÁI NIỆM

1.

- Trong thực tế, từ "thao tác" vẫn hay được sử dụng: thao tác vận hành máy móc; thao tác làm gốm; thao tác làm hoa, đan len; thao tác thiết kế,....

- "Thao tác" là việc thực hiện những động tác theo trình tự và yêu cầu kĩ thuật nhất định.

2. So sánh:

- Tương đồng: Thao tác nghị luận cũng giống các thao tác khác: có trình tự, có yêu cầu nhất định.

- Khác biệt: thao tác nghị luận là trình bày những suy nghĩ, lập luận của bản thân nhằm thuyết phục người đọc, người nghe.

Còn các thao tác kia là dùng hành động, động tác trực tiếp tạo ra sản phẩm.

II. MỘT SỐ THAO TÁC NGHỊ LUẬN CỤ THỂ

1. Ôn lại các thao tác phân tích, tổng hợp, diễn dịch, quy nạp.

a. Thứ tự điền là:

(1) Tổng hợp: là kết hợp các phần (bộ phận), các mặt (phương diện), các nhân tố của vấn đề cần bàn luận thành một chỉnh thể thống nhất để xem xét.

(2) Phân tích: là chia vấn đề cần bàn luận ra thành các bộ phận (các phương diện, các nhân tố) để có thể xem xét một cách cặn kẽ, kĩ càng.

(3) Quy nạp: là từ cái riêng suy ra cái chung, từ những sự vật cá biệt suy ra nguyên lí phổ biến.

(4) Diễn dịch: là từ tiền đề chung, có tính phổ biến suy ra những kết luận về sự vật, hiện tượng riêng.

b.

- Trong lời tựa Trích diễm thi tập, tác giả đã sử dụng thao tác phân tích. Nhằm làm rõ luận điểm: "Thơ văn không lưu truyền hết ở đời là vì nhiều lí do". Tác giả đã đưa ra từng lí do và dẫn chứng cho những lí do ấy.

- Đoạn trích trong Hiền tài là nguyên khí quốc gia:

+ Câu 1, 2: tác giả sử dụng thao tác phân tích để xem xét mối quan hệ giữa hiền tài và sự phát triển đất nước.

+ Câu 2, 3: tác giả sử dụng thao tác diễn dịch: từ luận điểm "hiền tài là nguyên khí của quốc gia", tác giả đã đưa ra lí lẽ, dẫn chứng thuyết phục để người đọc thấy được tầm quan trọng của việc phải coi trọng việc bồi dưỡng nhân tài, bồi đắp nguyên khí cho đất nước.

c.

- Trong tựa Trích diễm thi tập, tác giả dùng thao tác tổng hợp nhằm đúc kết lại những ý bộ phận, đưa ra kết luận chung về lí do khiến thơ văn không lưu truyền được hết ở đời.

- Trong Hịch tướng sĩ, tác giả đã sử dụng thao tác quy nạp. Tác giả đưa ra hàng loạt dẫn chứng và đi đến kết luận: "Từ xưa các bậc trung thần nghĩa sĩ bỏ mìn vì nước, đời nào không có?" => khiến câu kết luận có sức thuyết phục mạnh mẽ về cả lí trí và tình cảm.

d.

- Nhận định 1: "Thao tác diễn dịch có khả năng giúp ta rút ra chân lí mới từ các chân lí đã biết".

=> Chỉ đúng khi diễn dịch chính xác và đưa ra kết luận chính xác. Nếu không sẽ trở thành đoạn tổng-phân-hợp, hoặc đoạn quy nạp.

- Nhận định 2: "Thao tác quy nạp luôn đưa lại cho ta những kết luận chắc chắn và xác thực."

=> Không phải đoạn quy nạp nào cũng đưa ra được kết luận chắc chắn, xác thực. Điều đó còn tùy thuộc vào những dẫn chứng chứng minh được triển khai ở trên.

- Nhận định 3: "Tổng hợp không chỉ là thao tác đối lập với thao tác phân tích mà còn là sự tiếp tục và hoàn thành của quá trình phân tích".

=> Phải có quá trình tổng hợp sau khi phân tích thì công việc xem xét, tìm hiểu sự vật, hiện tượng mới hoàn chỉnh.

2. Thao tác so sánh

a. Trong bài Tinh thần yêu nước của nhân dân ta:

- Tác giả sử dụng thao tác so sánh: so sánh tinh thần yêu nước của nhân dân ta từ xưa tới nay.

- Câu văn "Những cử chỉ cao quý đó..." nhằm nhấn mạnh lòng yêu nước ở mọi thời, nghĩa là nhấn mạnh sự giống nhau.

b. Đoạn Bàn về việc so sánh đức nhà Lí và nhà Lê trong Đại Việt sử kí, thao tác so sánh gồm 2 loại chính: so sánh để thấy điểm giống và so sánh để thấy sự khác nhau.

c.

- Quan điểm "Mọi sự so sánh đều khập khiễng" là sai vì: so sánh để nhằm thấy được điểm tương đồng khác biệt giữa các sự vật => so sánh không nhằm hạ bệ hay suy tôn sự vật nào hơn, vì vậy cần xem xét trên sự toàn diện, toàn cục, tránh tư tưởng so sánh phiến diện, tiêu cực.

- Những điểm cần chú ý để có thể so sánh đúng cách (thứ tự chọn là 1, 3, 4):

+ Những đối tượng được so sánh phải có mối liên quan với nhau về một mặt nào đó.

+ Sự so sánh phải dựa trên những tiêu chí cụ thể, rõ ràng và có ý nghĩa quan trọng đối với nhận thức bản chất của vấn đề.

+ Những kết luận rút ra từ sự so sánh phải chân thực, mới mẻ, bổ ích, giúp cho việc nhận thức sự vật đều được sáng tỏ và sâu sắc hơn.

III. LUYỆN TẬP

Câu 1:

- Tác giả muốn chứng minh: "Thơ Nôm Nguyễn Trãi đã tiếp thu nhiều thành tựu của văn hóa dân gian, văn học dân gian".

- Thao tác nghị luận chủ yếu được tác giả sử dụng: thao tác phân tích.

Tác giả chia luận điểm cần phân tích thành những bộ phận nhỏ (thi liệu, ngôn ngữ,...) -> nhỏ hơn, trong ngôn ngữ dân gian là tục ngữ, thành ngữ, ca dao,...

=> Nhờ đó mà luận điểm được phân tích, xem xét một cách cặn kẽ, thấu đáo.

- Điểm độc đáo ở việc sử dụng các thao tác: tác giả sau khi phân tích tài năng văn chương nghệ thuật và khả năng vận dụng tiếp thu văn hóa dân gian trong sáng tác đã đưa ra kết luận: đó là sứ mệnh cao cả của văn chương nghệ thuật.

=> tài năng và cái tâm của người nghệ sĩ Nguyễn Trãi được nâng lên một tầm mới.

Câu 2:

Sử dụng các thao tác nghị luận vừa học để viết về vấn đề đang được đặt ra bức thiết trong đời sống (mục đích, động cơ học tập; phòng chống tệ nạn xã hội; đề phòng tai nạn giao thông,...)

Đoạn văn tham khảo:

1. Về ô nhiễm và bảo vệ môi trường:

Mỗi năm, có hơn 4,8 triệu tấn chất thải nhựa được đẩy ra ngoài biển và đại dương. Những chất thải nhựa này chủ yếu là túi nilon, bong bóng, nắp chai, bật lửa, nút nhựa tổng hợp từ quần áo... Cụ thể, có khoảng 580.000 phế phẩm từ nhựa trôi nổi trên diện tích 1km vuông nước biển và con số này đang ngày một tăng lên theo cấp số nhân. Nếu vào năm 1960, số lượng nhựa được phát hiện trong bụng của các loài chim biển chỉ khoảng 5% thì vào năm 2010, con số này đã tăng lên tới 80%. Rác thải từ nhựa đặc biệt nguy hiểm đối với sự sống của các sinh vật biển. Các sinh vật này không phân biệt được đâu là thức ăn, đâu là rác thải từ nhựa như túi nilon, chai lọ, ... nên chúng ăn các loại phế phẩm này và nhanh chóng bị các chất độc trong nhựa giết chết. Do đó, tất cả hãy cùng hành động để bảo vệ môi trường chỉ bằng những việc làm thường ngày:

- Mang theo làn đi chợ.

- Sử dụng túi giấy thay vì túi nilon.

- Không sử dụng ống hút.

- Chuyển sang sử dụng nước uống trong chai thuỷ tinh thay vì nước trong chai nhựa.

- Phân loại rác và để rác đúng nơi quy định.

2. Về phòng chống tai nạn giao thông:

Cùng với ô nhiễm môi trường, an toàn giao thông cũng đang trở thành vấn nạn đối với xã hội. Mỗi năm xảy ra hàng nghìn vụ tai nạn giao thông, cướp đi sinh mạng của không biết bao nhiêu người. Theo số liệu năm 2015, cả nước có 16 459 vụ tai nạn giao thông làm 6 518 người chết, 14 929 người bị thương, gây thiệt hại hàng tỉ đồng. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do ý thức người dân vẫn chưa được nâng cao, đường xá còn kém, phương tiện công cộng còn chưa phổ biến diện rộng,... Bởi vậy, biện pháp để khắc phục tình trạng này là nâng cao ý thức của người dân bằng việc tuyên truyền, vận động, xử phạt nghiêm minh đối với những người vi phạm. Là học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, các em cũng cần ý thức được rõ tầm quan trọng của vấn đề này, không đi xe dàn hàng, không lái xe máy khi chưa đủ tuổi, không có bằng lái, không lạng lách, đánh võng... Hãy lái xe an toàn để bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội!


Được cập nhật: 13 tháng 4 lúc 15:57:31 | Lượt xem: 407

Các bài học liên quan