Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Bài ca ngất ngưởng

Gửi bởi: Phạm Thọ Thái Dương 10 tháng 2 2020 lúc 10:40:49


Mục lục
* * * * *
Bài ca ngất ngưởng

GHI NHỚ

- Nguyễn Công Trứ là người tài năng và nhiệt huyết nhưng con đường loạn lộ không mấy hanh thông.

- Hát nói là thể loại tổng hợp giữa ca nhạc và thơ, có tính chất tự do, phóng khoáng, thích hợp với việc thể hiện con người cá nhân.

- Ngất ngưởng là cách Nguyễn Công Trứ thể hiện bản lĩnh cá nhân trong cuộc sống.

Câu 1

Trong Bài ca ngất ngưởng, từ "ngất ngưởng" được sử dụng mấy lần? Anh (chị) hãy xác định nghĩa của từ "ngất ngưởng" qua các văn cảnh sử dụng đó.

Trả lời:

- Đoạn đầu, tác giả kể một cách khái quát các chặng đường làm quan và cho biết "Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng". Có thể đoán, sự ngất ngưởng mà ông thể hiện khi làm quan là bản lĩnh coi thường việc làm quan như bị trói buộc hay giam hãm trong lồng cũi. Sở dĩ phải làm quan vì đó là vị trí cần có để nhà nho thực hiện trách nhiệm với đời và do đó, kể cả khi làm quan, ông vẫn giữ lối sống tự do, không chấp nhận ra luồn vào cúi.

- Ngất ngưởng cũng còn có nghĩa là sống theo ý thích mà không quan tâm đến sự đàm tiếu của dư luận (hai sự việc: cưỡi bò vàng đeo nhạc ngựa và cùng các cô hầu gái lên chùa). Ông khái quát thái độ bình thản của mình trước mọi chuyện được mất, khen chê. Ông muốn là một người tự nhiên, không muốn sống như Tiên, Phật cao siêu mà cũng không phải kẻ phàm tục, tầm thường. Như vậy, ngất ngưởng có ý nghĩa tích cực vì thể hiện bản lĩnh cá nhân, nhất là bản lĩnh này lại được thể hiện trong xã hội Nho giáo đề cao lễ nghĩa, thủ tiêu cá nhân.

Câu 2

Dựa vào văn bản Bài ca ngất ngưởng, anh (chị) hãy giải thích vì sao Nguyễn Công Trứ biết rằng việc làm quan là gò bó, mất tự do (vào lồng) nhưng vẫn ra làm quan.

Trả lời:

          Nguyễn Công Trứ biết rõ làm quan là mất tự do. Ông coi chốn quan trường là cái lồng giam hãm con người (Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng). Thế nhưng ông vẫn ra làm quan vì ông quan niệm đó là nơi để thể hiện tài năng và nhiệt huyết cho xã hội, cho triều đình, cho đạo vua tôi nên ông có quyền ngất ngưởng nhất trong triều. Tóm lại, ngất ngưởng thực chất là một phong cách sống tôn trọng sự trung thực, tôn trọng cá tính, không chấp nhận sự khắc kỉ phục lễ, uốn mình theo lễ và danh của Nho giáo.

Câu 3

Sau khi cởi mũ, cáo quan ra khỏi cuộc sống bó buộc chốn quan trường bon chen, Nguyễn Công Trứ có những hành vi kỳ quặc, lập dị đến ngất ngưởng.

- Người ta cưỡi ngựa đi giao du thiên hạ thì ông cưỡi bò, lại còn đeo cho một cái đạc ngựa khiến cả chủ lẫn tớ đều ngất ngưởng.

- Đi thăm thú cảnh chùa mà vẫn đeo kiếm cung bên người và mang theo “một đôi dì”. Rõ ràng trong bộ dạng từ bi Nguyễn Công Trứ vẫn vương đầy nợ trần, vẫn đèo bòng đằng sau mấy bóng giai nhân.

=> Cốt cách của một khách tài tử, văn nhân chính là ở đó… Đó là lối sống phá cách của một con người thích làm những chuyện trái khoáy ngược đời để ngạo đời, thể hiện thái độ và khát vọng sống tự do tự tại.

- Không bận tâm đến những lời khen chê, những chuyện được mất. Đó là một quan niệm sống, triết lý sống phóng khoáng tự do, thoát khỏi vòng danh lợi tầm thường. Coi sự được mất là lẽ thường tình, ông đã ra khỏi vòng danh lợi để sống thảnh thơi, tự do, tự tại để hưởng mọi lạc thú, cầm, kỳ, thi, tửu, giai nhân giữa cuộc đời trần thế một cách thoả thích.

=> Giọng điệu tự thuật khẳng khái, đầy cá tính đã cho thấy ông sòng phẳng, thẳng thắn và có ý thức về cách sống của mình. Nguyễn Công Trứ tự hào vì đã có một cuộc sống hoạt động tích cực trong xã hội. Ông cũng tự hào vì mình dám sống cho mình, bỏ qua sự gò bó của lễ và danh giáo.

Câu 4

Thể hát nói có những nét tự do, nhất là so với thể thơ Đường luật.

- Về số câu, tuy thông thường trong một bài hát nói có 11 câu nhưng loại lệ khá nhiều (bài này có 19 câu).

- Số chữ của mỗi câu cũng không theo quy định cứng nhắc mà uyển chuyển. Câu dài có thể đến 10 chữ, câu ngắn 6 chữ.

- Về vần, cũng có sự linh hoạt chứ không hạn vận. Có thể có những cặp đối xứng nhau nhưng bài hát nói không quy định chặt chẽ về về đối.

- Không có luật chính thức về bằng trắc quy định chặt chẽ như thơ Đường luật.

Do tính chất khá tự do nên bài hát nói thích hợp với việc diễn tả những cảm xúc mạnh mẽ, khoáng đạt, phóng túng như lối sống ngất ngưởng.

LUYỆN TẬP

           Theo anh (chị), so với Bài ca phong cảnh Hương Sơn (bài đọc thêm, tr.50), Bài ca ngất ngưởng có sự khác biệt gì về mặt từ ngữ ?

BÀI CA NGẤT NGƯỞNG

(Nguyễn Công Trứ)

Vũ trụ nội mạc phi phận sự

Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng

Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông,

Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng.

Lúc bình Tây, cờ đại tướng,

Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên.

Đô môn giải tổ chi niên

Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng

Kìa núi nọ phau phau mây trắng,

Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi.

Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì

Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng

Được mất dương dương người thái thượng

Khen chê phơi phới ngọn đông phong

Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng

Không Phật, không Tiên, không vướng tục

Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú.

Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung

Trong triều ai ngất ngưởng như ông!

BÀI CA PHONG CẢNH HƯƠNG SƠN

(Hương Sơn phong cảnh ca)

(Chu Mạnh Trinh)

Bầu trời cảnh Bụt,

Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay.

Kìa non non, nước nước, mây mây,

“Đệ nhất động” hỏi là đây có phải?

Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái,

Lững lờ khe Yến cá nghe kinh.

Vẳng bên tai một tiếng chày kình,

Khách tang hải giật mình trong giấc mộng.

Này suối Giải Oan, này động Tuyết Quynh,

Nhác trông lên ai khéo họa hình,

Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt.

Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt,

Gập ghềnh mấy lối uốn thang mây,

Chừng giang sơn còn đợi ai đây,

Hay tạo hóa khéo ra tay xếp đặt.

Lần tràng hạt niệm Nam mô Phật,

Cửa từ bi công đức biết là bao!

Càng trông phong cảnh càng yêu.

Trả lời:

   Sự khác biệt về từ ngữ giữa bài thơ Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ và Bài ca phong cảnh Hương Sơn của Chu Mạnh Trinh:

- Ngôn ngữ của Bài ca ngất ngưởng vừa phù hợp với nội dung, vừa phù hợp với phong cách của Nguyễn Công Trứ. Nó phóng khoáng, tự do, có chút ngạo nghễ.

- Ngôn ngữ của Bài ca phong cảnh Hương Sơn nhẹ nhàng, thấm đẫm ý vị thiền và niềm say mê phong cảnh thiên nhiên đất nước.


Được cập nhật: 26 tháng 3 lúc 4:58:06 | Lượt xem: 621

Các bài học liên quan