Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

An Dương Vương và Mị Châu-Trọng Thủy

Gửi bởi: Phạm Thọ Thái Dương 7 tháng 2 2020 lúc 10:24:38


Mục lục
* * * * *

GHI NHỚ

- Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy là một cách giải thích nguyên nhân việc mất nước Âu Lạc. Qua đó, nhân dân ta muốn nêu lên bài học lịch sử về tinh thần cảnh giác với kẻ thù và cách xử lí đúng đắn với mối quan hệ giữa riêng với chung, giữa nhà với nước, giữa cá nhân với cộng đồng.

- Hình tượng nhân vật và những chi tiết hư cấu trong truyện cho thấy mối quan hệ giữa phần cốt lỗi lịch sử với phần tưởng tượng của dân gian.

Câu 1

1. Các chi tiết liên quan đến nhân vật An Dương Vương:

- An Dương Vương dời đô từ vùng núi Nghĩa Lĩnh - núi Hùng (vùng đất Phong Châu) về Cổ Loa (vùng đồng bằng ven sông Hồng, ở Đông Anh, Hà Nội).

- An Dương Vương xây thành để cố thủ.

+ Thành cứ xây lại đổ.

+ An Dương Vương bèn "lập đàn trai giới, cầu đảo bách thần".

+ Nhờ có cụ già mách bảo, Rùa Vàng xứ Thanh Giang tới giúp mà thành xây nửa tháng thì xong, thành cao ngàn trượng, xoắn hình trôn ốc, vững trãi, khó mà công phá.

- An Dương Vương tìm vũ khí để bảo vệ thành.

+ Thành xây xong nhưng An Dương Vương lại băn khoăn "Có giặc biết lấy gì mà chống đỡ".

+ An Dương Vương được Rùa Vàng rút móng ra cho mượn làm nỏ thần.

- Thành kiên cố, nỏ thần kì diệu trăm phát trăm trúng đã giúp An Dương Vương đánh thắng quân Triệu Đà xâm lược.

- Triệu Đà sai Trọng Thủy sang cầu hòa, An Dương Vương đồng ý gả con gái Mị Châu và cho ở rể.

- Trọng Thủy dụ Mị Châu cho xem rồi đánh tráo nỏ thần, lấy cớ về quê thăm cha rồi kéo quân sang xâm lược. An Dương Vương bấy giờ vẫn điềm nhiên đánh cờ, mất cảnh giác, lơ là và ỷ vào sức mạnh của nỏ thần nên đại bại.

- Phát hiện nỏ thần bị đánh tráo, thành thất thủ, An Dương Vương cưỡi ngựa, mang theo Mị Châu chạy ra biển Đông.

- An Dương Vương đến đường cùng, giặc ở sau lưng, sứ Thanh Giang nói: "Kẻ ngồi sau lưng là giặc đó". An Dương Vương bèn rút gươm chém đầu Mị Châu rồi cầm sừng tê bảy tấc rẽ nước đi xuống biển.

2. Ý nghĩa:

a.

- An Dương Vương được thần linh giúp đỡ là do An Dương Vương là vị vua anh minh, sáng suốt:

+ An Dương Vương có công lớn trong việc thống nhất và liên minh các bộ lạc để tạo nên sức mạnh cộng đồng (thống nhất giữa nước Văn Lang và Âu Việt thành nước Lạc Việt).

+ An Dương Vương sáng suốt khi dời đô từ vùng núi về đồng bằng và có ý thức xây thành để cố thủ và tìm vũ khí lợi hại để bảo vệ thành.

+ Thành cứ xây lại đổ nên An Dương Vương "lập đàn trai giới, cầu đảo bách thần". => Được sự tin tưởng, ủng hộ của cả nhân dân và thần linh.

- Kể về sự giúp đỡ của thần kì đó, dân gian muốn thể hiện cái nhìn tôn trọng và biết ơn đối với vị vua anh minh, sáng suốt, người đã có công thống nhất đất nước, dựng nước và giữ nước.

b. Sự mất cảnh giác của nhà vua biểu hiện qua các chi tiết:

- Vua đồng ý gả Mị Châu cho Trọng Thủy, lại cho Trọng Thủy ở rể.

- Khi Trọng Thủy ở rể, không nhắc nhở và cảnh báo Mị Châu phải "giữ bí mật quốc gia", biến tài sản quốc gia thành tài sản chung.

- Khi Trọng Thủy đem quân xâm lược, vua không hề lo lắng, đi kiểm tra lại vũ khí mà vẫn điềm nhiên ngồi đánh cờ => quá chủ quan, khinh địch và quá tin vào sức mạnh vạn năng của nỏ thần.

c. Việc sáng tạo nên những chi tiết về Rùa Vàng, Mị Châu, nhà vua tự tay chém đầu con gái,... nhân dân muốn biểu lộ thái độ tôn trọng, sự ngợi ca đối với nhân vật lịch sử:

- Vì tôn trọng và biết ơn trước công lao, nỗ lực dựng nước của An Dương Vương nên nhân dân sáng tạo yếu tố kì ảo: Rùa Vàng trở thành lực lượng phù trợ giúp nhà vua xây xong thành, bảo vệ nước.

- Chi tiết nhà vua tự tay chém đầu con gái gửi gắm lòng kính trọng đối với vị vua anh hùng, dám hi sinh tình cảm cha con để giữ trọn bổn phận với đất nước.

- Chi tiết liên quan đến nàng Mị Châu nhẹ dạ: phê phán thái độ mất cảnh giác và phần nào giải thích nguyên nhân, xoa dịu nỗi đau mất nước.

Câu 2

- Cách lí giải 1: Mị Châu làm như vậy là thuận theo tình cảm vợ chồng mà bỏ quên nghĩa vụ với đất nước. Việc làm của Mị Châu là do quá nhẹ dạ, cả tin, quá trọng tình cảm cá nhân mà quên đi phải suy xét trước sau, bản chất của sự việc.

- Cách lí giải 2: Mị Châu làm theo ý chồng là lẽ tự nhiên, hợp lí. Cách lí giải này có thể được xuất phát từ luân lí của chế độ phong kiến, là khi người phụ nữ đã xuất giá thì phải nhất nhất nghe theo chồng.

- Kết luận: Cả 2 cách lí giải đều chưa hợp lí và toàn diện: Mị Châu vừa là tội nhân của bi kịch mất nước vừa là nạn nhân của bi kịch tình yêu. Đối với quốc gia, nàng đã trao bí mật - tài sản quốc gia cho kẻ thù. Nhưng đối với chồng, nàng chỉ là người vợ trọng tình và nhẹ dạ, cả tin. => Mị Châu bị lợi dụng, lừa gạt, là người đáng giận, đáng thương nhiều hơn là đáng trách.

Câu 3

Mị Châu bị thần Rùa kết tội là giặc, lại bị vua cha chém đầu, nhưng sau đó, máu nàng hóa thành ngọc trai, xác nàng hóa thành ngọc thạch. Hư cấu như vậy, người xưa muốn bày tỏ thái độ và tình cảm trân trọng, thương cảm đối với nhân vật Mị Châu:

- Mị Châu bị kết tội, bị chính cha của mình chém đầu một cách dứt khoát. Hành động này cho thấy tinh thần yêu nước và thái độ cương quyết của nhân dân đối với việc trừng trị kẻ thù, kẻ có tội.

- Máu của Mị Châu biến thành ngọc trai, xác của nàng biến thành ngọc thạch đã thể hiện thái độ cảm thông, bao dung của nhân dân đối với nhân vật này. Bởi nàng tuy là tội nhân với quốc gia nhưng là nạn nhân của tình yêu, vì quá yêu, tin tưởng chồng, quá nhẹ dạ cả tin nên mới để "nỗi cơ đồ đắm bể sâu".

- Cái chết của Mị Châu là lời nhắn nhủ của tác giả dân gian đối với việc giải quyết thấu đáo mối quan hệ giữa quốc gia và gia đình, chung và riêng, tình cảm cá nhân và tình yêu nước.

Câu 4

Trọng Thủy gây nên sự sụp đổ của nước Âu Lạc và cái chết của Mị Châu nhưng chi tiết ngọc trai - giếng nước ở cuối truyện phần nào giúp xoa dịu những mâu thuẫn, bi kịch:

- Ngọc trai: máu Mị Châu chảy xuống biển, loài trai ăn phải thì hóa thành ngọc. Chi tiết "ngọc trai" chứng minh cho tấm lòng trong sạch của Mị Châu: nàng không hề có mưu đồ hại cha, bán nước.

- Giếng nước: Nơi Trọng Thủy gieo mình xuống tự vẫn cho thấy tấm lòng, sự hối hận và thương tiếc Mị Châu của Trọng Thủy.

- Việc lấy ngọc trai đem rửa với giếng nước thì ngọc càng sáng càng trong là sự khẳng định: Trọng Thủy mong muốn và đã hóa giải được tình cảm với nàng Mị Châu. Đồng thời, chi tiết này cũng cho thấy tấm lòng bao dung, nhân hậu của Mị Châu khi tha thứ cho Trọng Thủy.

Câu 5

- Cốt lõi lịch sử:

+ An Dương Vương dời đô và xây thành Cổ Loa.

+ Nước Âu Lạc bị Triệu Đà xâm lược.

- Yếu tố thần kì đan xen trong cốt lõi lịch sử:

+ Thần Kim Quy giúp xây thành, chế nỏ.

+ An Dương Vương được thần Kim Quy cho mượn sừng tê bảy tấc rẽ xuống biển.

+ Máu Mị Châu khi loài trai ăn phải thì hóa thành ngọc. Chi tiết "ngọc trai - giếng nước".

- Tác dụng của việc tạo ra các yếu tố thần kì đan xen với "cốt lõi lịch sử":

+ Tái hiện một câu chuyện lịch sử dưới cái nhìn của nhân dân.

+ Lí tưởng hóa, bất tử hóa vị vua anh minh, có công đối với đất nước.

+ Mị Châu được giải oan, chứng minh được lòng trong sạch của mình.

+ Khẳng định tình cảm của Trọng Thủy - Mị Châu là chân thành.

LUYỆN TẬP

Bài 1

* Về nhân vật Trọng Thủy có 2 cách đánh giá:

- Trọng Thủy là một kẻ gián điệp, ngay cả việc yêu Mị Châu cũng chỉ là giả dối.

- Giữa Mị Châu và Trọng Thủy có tình yêu chung thủy và hình ảnh "ngọc trai - giếng nước" đã ca ngợi mối tình đó.

* Cả 2 cách đánh giá trên đều chưa toàn diện, xác đáng. Bởi:

- Đối với nước Âu Lạc:

+ Trọng Thủy lấy cắp nỏ thần để giúp Triệu Đà xâm lược Âu Lạc thành công.

+ Trọng Thủy là người trực tiếp gây nên cái chết cho 2 cha con An Dương Vương.

+ Nhưng sâu xa hơn, Trọng Thủy vừa là một người con, vừa là một trung thần. Vì vậy, việc nghe theo cha đem quân đi xâm lược là tất yếu.

=> Trọng Thủy là kẻ đáng trách, đáng lên án nhưng cũng không thể làm khác.

- Đối với tình cảm, ân nghĩa vợ chồng:

+ Trọng Thủy vì quyến luyến tình cảm vợ chồng nên mới hỏi Mị Châu: nếu đất nước có cuộc binh lửa thì làm sao để tìm được nhau.

+ Trọng Thủy vì quá ân hận, tiếc thương trước cái chết của Mị Châu mà ôm bóng hình Mị Châu lao xuống giếng tự vẫn.

=> Trọng Thủy là kẻ si tình, đáng thương.

Bài 2

An Dương Vương đã tự tay chém đầu người con gái duy nhất của mình nhưng dân gian lại dựng đền và am thờ hai cha con đặt cạnh nhau. Cách xử lí như trên có ý nghĩa gì?

- Có tích cho rằng, tượng Mị Châu cụt đầu hóa thành ngọc thạch và trôi ở biển Đông, đến đúng Cổ Loa thì dạt vào bờ. Nhân dân trong vùng biết là tảng đá thần nên đem về lập am thờ.

- Việc dựng đền và am thờ hai cha con ngay cạnh nhau cho thấy sự hóa giải cơn giận của vua cha và tội lỗi của Mị Châu. Mị Châu là tội nhân của quốc gia nhưng trước sau vẫn là người con gái mà vua cha yêu quý. Hơn nữa, Mị Châu đã chứng tỏ được lòng trung hiếu của mình khi chết đi xác hóa thành ngọc thạch, máu hóa thành ngọc trai quý hiểm. Phải chăng, cách xử lí này ngầm cho thấy sự tha thứ của vua cha dành cho Mị Châu.

=> Cách xử lí cho thấy tấm lòng bao dung, nhân hậu, truyền thống trọng nhân nghĩa, vị tha của nhân dân.

Bài 3

Một số bài thơ viết về Mị Châu và Trọng Thủy và sức sống của bài thơ:

1. Tôi kể ngày xưa chuyện Mị Châu

    Trái tim lầm chỗ để trên đầu

    Nỏ thần vô ý trao tay giặc

    Nên nỗi cơ đồ đắm bể sâu.

                                   (Tố Hữu)

2. Một đôi kẻ Việt, người Tần

    Nửa phần ân ái, nửa phần oán thương

    Vuốt rùa chàng đổi móng,

    Lông ngỗng thiếp đưa đường.

    Thề nguyền phu phụ

    Tình nhi nữ, việc quân vương.

                                   (Tản Đà)

3. Người thân thích ít, rể khôn lường

    Lầm lỡ má hồng bởi phụ vương

    Sống chết hồn nương đồi Mộ Dạ

    Mất còn mệnh hệ nỏ Linh Quang

    Bể Nam khói sóng châu hoen lệ

    Rừng Bắc phong sương đá lổ loang

    Đền miếu tới nay bên điện cũ

    Trăng lên khánh ngọc vẫn còn vang

(Vũ Phạm Hàm)


Được cập nhật: 18 tháng 3 lúc 18:16:17 | Lượt xem: 431

Các bài học liên quan