Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Vĩnh biệt cửu trùng đài

Gửi bởi: Phạm Thọ Thái Dương 10 tháng 2 2020 lúc 15:22:35


Mục lục
* * * * *
Vĩnh biệt cửu trùng đài

GHI NHỚ

Qua tấn bi kịch của Vũ Như Tô, tác giả đã đặt ra những vấn đề sâu sắc, có ý nghĩa muôn thuở về mối quan hệ giữa nghệ thuật với cuộc sống, giữa lí tưởng nghệ thuật cao siêu, thuần túy của muôn đời với lợi ích thiết thân và trực tiếp của nhân dân…

- Đoạn trích thể hiện những đặc sắc về nghệ thuật kịch của Nguyễn Huy Tưởng: ngôn ngữ kịch điêu luyện, có tính tổng hợp cao; dùng ngôn ngữ hành động của nhân vật để khắc họa tính cách, miêu tả tâm trạng, dẫn dắt và đẩy xung đột kịch đến cao trào.

Câu 1

Các mâu thuẫn cơ bản của kịch Vũ Như Tô được thể hiện trong hồi V:

Trả lời:

- Mâu thuẫn thứ nhất: giữa phe nổi loạn và phe Lê Tương Dực. Phe nổi loạn gồm nhiều nhân vật: dân chúng, thợ xây dựng Cửu Trùng Đài; Phe đối lập trong triều đứng đầu là Trịnh Duy Sản. Mâu thuẫn trong hồi V đạt đến đỉnh điểm và được giải quyết trọn vẹn. Trịnh Duy Sản, Ngô Hạch giết chết Lê Tương Dực, Vũ Như Tô, Đan Thiềm và thiêu hủy Cửu Trùng Đài.

- Mâu thuẫn thứ hai: mâu thuẫn giữa quan niệm nghệ thuật cao siêu, thuần túy của muôn đời (Cửu Trùng Đài) và lợi ích trực tiếp, thiết thực của nhân dân.

Câu 2

Phân tích tính cách, diễn biến tâm trạng của Vũ Như Tô và Đan Thiềm trong đoạn trích.

Trả lời:

* Tính cách và diễn biến tâm trạng của Vũ Như Tô:

- Vũ Như Tô là một người nghệ sĩ chân chính, một người có tài và có tâm với nghệ thuật.

- Ông nghe theo lời khuyên của Đan Thiềm, nhận xây dựng Cửu Trùng đài là vì mục đích nghệ thuật rất cao cả. Ông là người nghệ sĩ chỉ quan tâm đến nghệ thuật. Trong hồi kịch này, khi binh lính nổi dậy, kết tội ông và đòi hủy diệt Cửu Trùng Đài, ông vẫn không thể hiểu nổi tại sao lại như vậy. Vũ Như Tô quá chú ý đến nghệ thuật mà quên đi quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống. Ông luôn ở trong tâm trạng mơ màng, ảo vọng. Ông không thể hiểu và không tin tâm huyết của mình đối với đất nước lại bị coi thường.

=> Nghệ sĩ vỡ mộng trước thực tế đau xót của đất nước, nhân dân mà lâu nay đã không nhìn thấy do ông chỉ chạy theo cái lí tưởng của nghệ thuật cao siêu, thuần túy của muôn đời.

* Tính cách và diễn biến tâm trạng của Đan Thiềm:

- Đan Thiềm là một người có tâm, biết trọng người tài, tôn trọng nghệ thuật. Bà kính trọng tài năng của Vũ Như Tô, bà hiểu công việc sáng tạo nghệ thuật của ông. Nhưng chính Đan Thiềm đã sai lầm và cuối cùng bà cũng nhận ra sai lầm của mình khi khuyên Vũ Như Tô nhận lời xây dựng Cửu trùng đài. Trước khi chết, bà đã nhận ra sự thất bại của giấc mộng lớn mà bà và Vũ mong mỏi thực hiện. Nhìn cảnh Cửu trùng đài bị đốt, Vũ Như Tô bị giết, bà đã đau đớn cất lên “Đài lớn tan tành. Ông Cả ơi! Xin cùng ông vĩnh biệt!”.

=> Đan Thiềm và Vũ Như Tô là hai kẻ tri âm, tri kỉ, cùng có một mục đích nghệ thuật tốt đẹp nhưng cuối cùng đều thất bại. Và cả Cửu Trùng đài, tâm huyết của hai người cũng bị phá huỷ. Hai con người đáng thương, đáng trọng hơn là đáng trách. Nhà văn đã bộc lộ sự cảm thông và trân trọng của ông đối với hai con người tri âm tri kỉ và bất hạnh này.

Câu 3

Mâu thuẫn giữa quan niệm nghệ thuật cao siêu, thuần túy của muôn đời và lợi ích thiết thực của nhân dân chưa được tác giả giải quyết dứt khoát được thể hiện trong vở kịch:

Trả lời:

          Mâu thuẫn giữa quan niệm nghệ thuật thuần túy và lợi ích thiết thực của nhân dân là mâu thuẫn không dễ giải quyết. Vì thế, việc Nguyễn Huy Tưởng chưa giải quyết triệt để được mâu thuẫn này là điều dễ hiểu. Nhà văn để cho Vũ Như Tô bị giết mà không hiểu tại sao. Đan Thiềm, Vũ Như Tô cùng Cửu trùng đài bị hủy diệt đã đặt ra một vấn đề lớn, vấn đề quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống. Với đoạn trích này, Nguyễn Huy Tưởng đã giải quyết được phần nào mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống. Nghệ thuật đích thực phải thống nhất với quyền lợi của con người. Nghệ thuật chân chính là nghệ thuật vì con người. Người nghệ sĩ khi làm nghệ thuật phải chú ý đến điều đó.

Câu 4

Đặc sắc nghệ thuật của kịch Vũ Như Tô được thể hiện qua đoạn trích:

Trả lời:

- Mâu thuẫn kịch tập trung dẫn đến cao trào, phát triển thành đỉnh điểm với những hành động kịch dồn dập đầy kịch tính.

- Ngôn ngữ kịch điêu luyện, có tính tổng hợp cao.

- Xây dựng nhân vật kịch đặc sắc, khắc họa rõ tính cách, miêu tả đúng tâm trạng qua ngôn ngữ và hành động.

- Lớp kịch trong hồi V được chuyển một cách linh hoạt, tự nhiên, logic, liền mạch tạo nên sự hấp dẫn và lôi cuốn người đọc.

LUYỆN TẬP

   Trong lời đề tựa kịch Vũ Như Tô, Nguyễn Huy Tưởng viết:

   "Than ôi! Như Tô phải hay những người giết Như Tô phải? Ta chẳng biết. Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm".

Bằng những hiểu biết về đoạn trích và về vở kịch, anh (chị) hãy phát biểu ý kiến của mình về lời đề tựa trên.

Trả lời:

- Đây là phần cuối của lời đề tựa vở kịch Vũ Như Tô do chính Nguyễn Huy Tưởng viết ngày 6 tháng 2 năm 1942, sau khoảng một năm viết xong tác phẩm.

- Tựa là phần nằm ngoài văn bản của một tác phẩm, được viết ở đầu sách hoặc sau tiêu đề của mỗi chương trong cuốn sách nhằm hướng người đọc vào ý đồ nghệ thuật của tác giả hoặc tư tưởng của tác phẩm.

- Qua lời đề tựa trên, Nguyễn Huy Tưởng đã chân thành bộc lộ những băn khoăn của mình: Lẽ phải thuộc về Vũ Như Tô hay những kẻ giết Vũ Như Tô? Và ông thú nhận "Ta chẳng biết", tức là không thể đưa ra một lời giải đáp thoả đáng. Qua vở kịch, có thế thấy chân lí không hoàn toàn thuộc về phía nào: Việc mất Cửu Trùng Đài vừa nên mừng, vừa nên tiếc. Đồng thời, nhà văn khẳng định: "Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm", tức là vì cảm phục "tài trời", vì nhạy cảm với bi kịch của những tài năng siêu việt mà thôi.


Được cập nhật: hôm kia lúc 15:30:18 | Lượt xem: 365

Các bài học liên quan