Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Văn mẫu: Viết bài tập làm văn số 5

Gửi bởi: Nguyễn Thị Ngọc 26 tháng 10 2019 lúc 16:08:23


Mục lục
* * * * *

Ít lâu nay, một số bạn trong lớp có phần lơ là học tập

Hiện nay, khoa học kĩ thuật ngày càng phát triển, mỗi ngày trôi qua nhân loại lại có thêm những bước tiến mới. Nếu không tập trung học hành, trau dồi tri thức, kĩ năng thì chúng ta mãi là những kẻ lạc hậu, đi sau nhân loại. Dù biết được điều đó, nhưng lại có một số bạn học sinh trong lớp còn mải chơi, chưa chú ý đến học hành, hành động ngày hôm nay của các bạn sẽ tác động rất lớn đến tương lai sau này. Nếu còn trẻ không chịu học tập thì sau này sẽ không làm được việc gì có ích cho gia đình và xã hội.

   Nhân loại đã trải qua hàng nghìn năm phát triển với khối lượng tri thức khổng lồ. Nguồn tri thức này là hành trang mà mỗi chúng ta cần có để vững bước vào đời. Muốn có được những tri thức đó, điều duy nhất chúng ta cũng có thể làm chính là chuyên tâm học tập, tích lũy tri thức ngay từ những cấp học nhỏ nhất.

   Vậy vì sao chúng ta phải chuyên tâm học tập ngay từ lúc còn nhỏ? Trước hết, những kiến thức của bậc phổ thông trong suốt mười hai năm học là những kiến thức cơ bản nhất, làm nền tảng để chúng ta có thể tiếp thu được tri thức của các cấp học cao hơn. Nếu không có các tri thức này làm nền tảng, việc tiếp thu kiến thức mới sẽ trở nên khó khăn hoặc không thể tiếp thu tri thức. Không chỉ vậy, học tập chuyên cần từ nhỏ còn giúp các bạn rèn luyện kĩ năng, hình thành thói quen đọc sách, nghiên cứu, phát hiện và giải quyết vấn đề. Nếu không học tập thì các kĩ năng khác của bạn chỉ là con số không tròn trĩnh. Đồng thời, đây cũng là giai đoạn bạn có nhiều sức khỏe, đam mê và nhiệt huyết nhất, tạo điều kiện thuận lợi để học tập, tiếp thu kiến thức dễ dàng. Ngoài ra, như chúng ta đã biết, Việt Nam và thế giới phát triển từng ngày, mỗi ngày trôi qua là một bước tiến mới của nhân loại bởi vậy nếu ta không gấp rút học tập ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường thì không thể có đủ tri thức và kĩ năng để hòa mình vào dòng chảy chung của thế giới. Khi ấy chúng ta sẽ trở thành kẻ tụt hậu, lạc loài.

   Thực tế đã cho chúng ta thấy rằng, những người chuyên tâm học tập, cần cù, chịu khó luôn đạt được thành tựu lớn, giúp ích cho đời. Mạc Đĩnh Chi nhà nghèo, học giỏi, thuở nhỏ vì không được đi học nên cậu thường đứng ở cửa lớp nghe thầy giảng bài, thầy thương mà cho vào lớp học cùng các bạn. Ở nhà cậu không có thời gian học ban ngày, tối đến cậu bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng để học. Sự thông minh, cần cù của Mạc Đĩnh Chi đã được đền đáp bằng việc ông đỗ trạng nguyên, giúp dân, giúp nước. Ngoài ra, ta còn phải kể đến vị lãnh tụ của dân tộc Việt Nam Hồ Chí Minh. Với lòng ham học hỏi, siêng năng Bác đã quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, trên con đường bôn ba Bác học nhiều ngôn ngữ, hiểu biết văn hóa các nước, nghiên cứu và tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc, đưa Việt Nam trở thành nước độc lập.

   Bởi vậy, nếu chỉ mải mê ham chơi, lơ là học tập thì sau này chúng ta sẽ đánh mất cơ hội và tương lai của chính bản thân mình. Tương lai đang nằm trong tay các bạn, có được một công việc tốt hay không, có giúp đời, giúp nước được hay không chính là phụ thuộc vào ý thức, thái độ học tập của các bạn ngày hôm nay. Hãy cố gắng, chuyên cần học tập ngay từ lúc này vì một tương lai tốt đẹp, làm được những việc giúp ích cho cuộc đời.

Hãy chứng minh rằng bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của chúng ta

Rừng là món quà quý giá mà mẹ thiên nhiên ưu ái ban tặng cho con người. Nó mang đến cho chúng ta rất nhiều ý nghĩa giá trị lớn lao không gì có thể thay thế được. Sự tồn tại phát triển của rừng có mối quan hệ mật thiết với cuộc sống con người chính vì thế bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của mỗi chúng ta.

   Rừng là một hệ sinh thái bao gồm quần thể động vật, thực vật, vi sinh vật, đất,...cùng sinh sôi nảy nở trên những vùng đất cao rộng, đặc biệt là đồi núi. Trên dải đất hình chứ S thân thương, diện tích đồi núi chiếm tới 3/4 lãnh thổ cả nước cho nên ta luôn tự hào về một đất nước có tài nguyên rừng phong phú, dồi dào, giàu giá trị.

   Rừng được xem là lá phổi xanh của con người giúp điều hòa không khí, thanh lọc môi trường bảo vệ cuộc sống và sức khỏe của chúng ta. Cây xanh trong rừng qua quá trình quang hợp sinh ra khí ô - xi và thu lại khí cac – bo - nic phục vụ cho quá trình hô hấp của con người và động vật. Khí bụi, chất độc hại trong không khí được thẩm thấu và bị giữa lại ở màng lọc khổng lồ là những vòm cây xanh tạo ra bầu khí quyển trong lành, tươi mát cho con người. Những tác nhân gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhờ có rừng cây cũng được giảm thiểu rất nhiều. Rừng có vai trò như một bộ phận quan trọng không thể thiếu trên cơ thể con người, vì vậy bảo vệ rừng cũng là bảo vệ chính chúng ta.

   Ngoài ra rừng phòng hộ có vai trò chặn lũ quét, sói mòn đất, làm dịu bớt sự gay gắt của thiên tai, những biến đổi bất thường của thời tiết. Thiên tai như một hung thần dữ tợn thường đến bất ngờ cướp đi tính mạng và tài sản của biết bao con người. Nhưng nhờ có rừng che chắn bảo vệ đã giúp ngăn chặn và giảm thiểu rất nhiều sự tàn khốc cũng những thiệt hại to lớn do bão lũ gây ra cho con người. Nếu không có rừng thì ta không thể lường trước được cái giá mà con người phải trả cho thiên nhiên đắt đỏ như thế nào. Nhận thức được tầm quan trọng ấy chúng ta cần phải biết trân trọng và bảo vệ rừng.

   Không chỉ vậy rừng còn đem lại cho con người giá trị kinh tế to lớn. Hằng năm, rừng cung cấp cho con người một lượng gỗ lớn phục vụ cho đời sống và sản xuất. Không chỉ vậy nơi đây còn có rất nhiều sản vật quý hiếm như nhân sâm, tam thất,.. đem lại lợi ích kinh tế to lớn cho con người. Nhiều loài động vật quý, thực vật, vi sinh vật quý cũng đều trú ấn trong rừng cho nên đây cũng là nơi các nhà thám hiểm thường xuyên lui tới để khám phá, tìm tỏi sự bí ẩn của thế giới thiên nhiên. Với ý nghĩa thực tiễn to lớn như thế, chúng ta càng thêm yêu quý và trân trọng những cánh rừng quê hương.

   Đặc biệt, rừng còn có giá trị lớn lao về mặt quân sự. Thời kháng chiến rừng như một người chiến sĩ kiên trung, kề vai sát cánh cùng bộ đội ta đấu tranh với kẻ thù. Trước kia, rừng chính là nơi ẩn náu, trú ngụ của quân ta trước mỗi cuộc càn quét của kẻ thù, đồng thời đây cũng là nơi trận địa diễn ra bao cuộc chiến đấu gay gắt giữa ta và địch. Giờ đây, rừng cũng là ranh giới để ngăn cách nước ta với các nước láng giềng, là đường biên giới để phân định rõ ràng ranh giới của mỗi quốc gia, dân tộc. Vì thế bảo vệ rừng chính là bảo vệ phần lãnh thổ thiêng liêng của dân tộc.

   Nhận thức sâu sắc ý nghĩa, vai trò to lớn của rừng mỗi chúng ta cần phải biết trân trọng và bảo vệ rừng. Mỗi người cần có ý thức tự giác trong việc giữ gìn và phát triển rừng. Thực hiện trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc để màu xanh tỏa bóng cuộc sống của mỗi chúng ta.

   Tuy nhiên thời gian gần đây, một số đối tượng xấu vì lời ích kinh tế trước mắt mà đang tâm phá hoại rừng, chặt cây lấy gỗ trái phép để làm giàu bất chính. Người dân kém hiểu hiết đốt rừng làm nương rẫy, tàn phá cây xanh. Diện tích rừng bị thu hẹp nghiêm trọng, hàng ngàn sinh vật không có nơi cư trú để lại hậu quả khôn lương ở phía sau. Những hành động ấy thật đáng lên án phê phán gay gắt. Cần phải có lời cảnh tỉnh đanh thép và biện pháp cứng rắn để cảnh tỉnh đối với những kẻ phá hoại rừng.

   Rừng có vai trò quan trọng đối với cuộc sống của con người, vì thế bảo vệ rừng chính là bảo vệ cuộc sống của mỗi chúng ta. Đây là việc làm có ý nghĩa quan trọng cần có sự chung tay hợp sức của tất cả mọi người. Vì sức khỏe, vì cuộc sống của bản thân gia đình và cộng đồng, chúng ta hãy cùng nhau bảo vệ rừng, bảo vệ màu xanh thiêng liêng của đất nước.

Hãy chứng minh câu tục ngữ: “Uống nước nhớ nguồn”

Mọi thành quả hôm nay chúng ta được thừa hưởng đều là do công sức, mồ hôi, nước mắt thậm chí cả máu ông cha ta đã vất vả đổ xuống. Bởi vậy, chúng ta phải ghi nhớ công ơn của những người đã làm ra chúng. Truyền thống tốt đẹp đó của dân tộc đã được ông cha ta đúc kết trong câu tục ngữ: “Uống nước nhớ nguồn” .

   Trước hết chúng ta cần hiểu thế nào là “Uống nước nhớ nguồn” . Tác giả dân gian sử dụng hình ảnh hết sức cụ thể, dễ hiểu “uống nước” “nguồn” để khuyên chúng ta khi uống một ly nước phải nhớ đến nguồn gốc mà chúng đã được tạo ra. Nhưng một nó không chỉ có nghĩa đen mà trong hình ảnh đó còn ẩn chứa tính biểu tượng, đa nghĩa, đây mới chính là cái đích mà các tác giả dân gian hướng đến. “Uống nước tức là ta được hưởng thụ một thành quả nào đó của thế hệ đi trước để lại; Nguồn là những gì người đi trước, ông cha ta đã tạo ra thành quả đó. Như vậy, cả câu tục ngữ nhằm hướng đến một chân lí, một lời khuyên đối với thế hệ sau: khi chúng ta được hưởng bất cứ thành quả nào đó dù to lớn như đại dương, hay nhỏ bé như hạt cát thì chúng ta cũng phải biết nhớ ơn những thế hệ đi trước, những người đã tạo ra thành quả đó.

   Chúng ta đều biết rằng mọi thành quả hôm nay chúng ta được hưởng thụ không phải ngẫu nhiên mà có, không phải phép tiên biến ra mà đó là công sức của tất cả thế hệ đi trước để lại cho chúng ta. Để có một hạt cơm thơm ngon là biết bao giọt mồ hôi của bác nông dân rơi trên cánh đồng: “Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần” . Để có độc lập tự do như ngày hôm nay là biết bao thế hệ cha anh đã anh dũng hi sinh, đổ máu để giành độc lập cho dân tộc. Bởi vậy, chúng ta cần phải ghi nhớ công ơn của họ và có những hành động thiết thực báo đáp công ơn đó. Đồng thời, đây cũng là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta được gìn giữ từ bao đời nay và thể hiện trong rất nhiều câu tục ngữ khác: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”; “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ tổ mồng mười tháng ba”…

   Truyền thống tốt đẹp này đã được các thế hệ lưu giữ và phát huy hàng ngàn đời nay. Trong nhà chúng ta chắc hẳn gia đình nào cũng có bàn thờ gia tiên, ghi nhớ công ơn của tổ tiên, ông bà đã gây dựng nên gia đình, nuôi dưỡng ta khôn lớn. Ngày mồng mười tháng ba hàng năm cả nước lại hướng về đền Hùng dâng lên hoa thơm, quả ngọt để tưởng nhớ công ơn của các vị Vua Hùng đã có công gây dựng đất nước. Không chỉ ghi nhớ công ơn với những người đã mất, chúng ta còn có những hành động thiết thực báo đáp công ơn của những vị anh hùng, những người đã giúp dân tộc, đất nước. Những ngôi nhà tình nghĩa khang trang, đẹp đẽ được dựng lên để báo đáp công ơn của những bà mẹ Việt Nam anh hùng, các phong trào đền ơn đáp nghĩa hàng năm với những gia đình, những người có công với Tổ quốc….

   Bên cạnh những người luôn có ý thức giữ gìn, phát huy truyền thống này lại có những kẻ vô ơn, không biết ghi nhớ công lao của thế hệ đi trước, của những người đã giúp đỡ mình. Những kẻ như vậy sẽ bị xã hội tẩy chay, ghét bỏ, sống cô lập. Là một học sinh chúng ta cần phải nêu cao truyền thống tốt đẹp này của dân tộc, biết ơn trước hết là với cha mẹ - người đã sinh ra ta và nuôi ta khôn lớn trưởng thành bằng cách học tập tốt, nghe lời cha mẹ.

   Truyền thống “uống nước nhớ nguồn” là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, phản ánh con người Việt Nam là những người ân tình, thủy chung, luôn biết ghi nhớ công ơn và báo đáp với thế hệ đi trước. Truyền thống này cần được giữa gìn và phát huy hơn nữa, nhất là trong thời điểm hiện nay để không bị vòng xoáy cuộc sống xô bồ làm cho phai nhạt những nét văn hóa đẹp đẽ của dân tộc.

Giải thích câu tục ngữ: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

Trong kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam có rất nhiều câu cha ông ta khuyên răn con người cần biết sống theo đạo lí biết ơn, một trong số đó là câu tục ngữ: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

    Đúng vậy, câu tục ngữ: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là bài học vô cùng sâu sắc và quý báu về lòng biết ơn. Vậy "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" là gì? Có thể thấy câu tục ngữ có hai lớp nghĩa. Trước hết là lớp nghĩa đen: “ăn quả” là hành động sử dụng trái quả có sẵn, “kẻ trồng cây” là người trồng trọt và chăm bón cây đó cho ta quả ngọt. Khi ăn quả chúng ta hãy nghĩ đến người vất vả chăm bón, vun xới để cho chúng ta quả ngọt đó. Tuy nhiên, câu tục ngữ còn có lớp nghĩa sâu xa khác. Từ “ăn quả” ngầm ý muốn nói đến người được sử dụng, hưởng thụ thành quả của người khác, còn “kẻ trồng cây” ý chỉ đến người tạo ra thành quả cho người khác hưởng thụ. Câu tục ngữ muốn khuyên răn chúng ta khi được hưởng một thành quả nào đó trong cuộc sống phải nhớ đến công lao của những người tạo ra thành quả đó, phải biết đền ơn người đó giúp đỡ mình chớ nên vong ân bội nghĩa, qua cầu rút ván.

    Vậy tại sao lại phải có lòng biết ơn trong cuộc sống này? Có thể thấy trong đời sống tự nhiên và xã hội không có một điều gì là không có nguồn gốc. Mọi sự vật, hiện tượng trên đời đều có mối quan hệ ràng buộc, tác động qua lại lẫn nhau. Chẳng hạn như cây mọc được nhờ đất, đất lại cần có cây tô điểm... Bởi vậy, biết ơn là cách chúng ta giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau. Biết ơn chính là hành động đẹp, một nghĩa cử đẹp mà cha ông ta đã đúc kết, lưu truyền từ bao đời nay. Lòng biết ơn là tình cảm xuất phát từ lòng trân trọng công sức lao động của người khác. Nó cũng là nền tảng vững chắc tạo nên một xã hội nhân ái, đoàn kết. Nếu không có lòng biết ơn, sống vô ơn, bội bạc sẽ khiến con người ích kỉ, sống thù hằn, cơ hội, ăn bám vào gia đình và xã hội.

    Trong cuộc sống có rất nhiều biểu hiện của lòng biết ơn và chịu ơn như câu tục ngữ muốn nói. Mỗi người có lòng biết ơn sẽ luôn trân trọng, yêu mến những người tạo ra thành quả cho mình hưởng thụ. Học trò biết ơn thầy cô nên học hành chăm chỉ, ngoan ngoãn nghe lời, phấn đầu thi đua. Con cái yêu thương cha mẹ bằng cách giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà cũng là một biểu hiện giản dị của lòng biết ơn. Chúng ta cũng luôn ghi nhớ công ơn nuôi dưỡng, sinh thành của ông bà tổ tiên bằng cách tưởng nhớ ông bà trong ngày rằm, mùng một, giỗ, tết... Nhân dân cũng cần biết ơn các anh hùng liệt sĩ chiến đấu, hy sinh để bảo vệ Tổ Quốc và những người đó đã mang lại đời sống ấm no cho mình… Dù là thời xưa hay nay, ông cha ta thường dùng câu tục ngữ này để dạy con cháu về đạo lí làm người, sống có trước có sau, có tình có nghĩa. Với lối sống ấy chúng ta sẽ nhận được sự yêu quý và kính trọng của mọi người.

    Bên cạnh câu tục ngữ: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, cha ông ta cũng có rất nhiều câu tục ngữ khác răn dạy con người về lòng biết ơn như:

    “Uống nước nhớ nguồn”

Hay:

    “Con ơi ghi nhớ lời này.

    Công cha, nghĩa mẹ, công thầy chớ quên”...

Mỗi người chúng ta cần có nhận thức đúng đắn, ý thức giữ gìn, bảo vệ và phát huy đạo lí nhớ ơn này của dân tộc. Đồng thời, chúng ta cũng phê phán, lên án những kẻ vong ân bội nghĩa, “qua cầu rút ván”, ích kỉ, chỉ chăm chăm vào lợi ích của mình.

    Nói tóm lại, câu tục ngữ dạy cho con người về lòng biết ơn, chịu ơn. Đạo lí tốt đẹp ấy góp phần làm nên vẻ đẹp truyền thống rất Việt Nam, rất Á Đông. Đây chính là nền tảng cho nhiều giá trị tốt đẹp khác của con người.

Chứng minh ý kiến: Thiên nhiên là bạn tốt của con người 

Từ thuở khai thiên lập địa, con người đã gắn bó chặt chẽ với thiên nhiên. Ngày nay dù sống trong những ngôi nhà bê - tông cao tầng có máy điều hòa nhiệt độ và đầy đủ tiện nghi hiện đại... nhưng chúng ta vẫn không thể thiếu cây xanh, thảm cỏ, nước, không khí... Có thể nói thiên nhiên là bạn tốt của con người.

   Thiên nhiên tạo điều kiện cho con người tồn tại và phát triển. Thiên nhiên, đó là rừng vàng cung cấp đủ loại lâm sản. Rừng ngăn nước lũ, chắn gió, chắn cát để bảo vệ mùa màng... Thiên nhiên, đó là biển bạc cung cấp cho con người bao loại hải sản quý giá. Biển còn là đường giao thông thuận lợi nối liền các đại lục từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam.

   Thiên nhiên, đó là đất đai cho con người trồng trọt, canh tác. Từ lúa, ngô, khoai, rau, đậu cho đến cam, nho, táo, mận... Có đất trồng trọt, con người mới có lương thực, thực phẩm để duy trì sự sống.

   Thiên nhiên, đó là nước, là không khí, là mỏ vàng, mỏ sắt, mỏ dầu, mỏ kim cương... Thiên nhiên cung cấp cho con người mọi điều kiện vật chất để không ngừng nâng cao cuộc sống.

   Không những thế, thiên nhiên còn đem đến cho con người những món ăn tinh thần vô giá. Còn gì thích thú bằng được đón bình minh trên biển hay từ đỉnh núi cao thưởng thức vẻ đẹp của bầu trời và mặt đất?! Lúc này, thiên nhiên là một bức tranh với những đường nét, màu sắc kì ảo tuyệt vời là đề tài hấp dẫn cho các họa sĩ. Còn gì khoan khoái bằng được ngắm ánh trăng rằm chiếu sáng khắp xóm làng yên ả, hay khi thấy cảnh:

Vì mây cho núi lên trời,
Vì chưng gió thổi hoa cười với trăng.

   Thiên nhiên đem đến nhiều lợi ích nhưng thiên nhiên không phải là kho tàng vô tận cho con người hưởng thụ. Săn bắt mãi thì thú rừng sẽ hết, mỏ khai thác mãi cũng cạn... Danh lam thắng cảnh nếu không được giữ gìn thì còn đâu để cho con cháu ngày sau chiêm ngưỡng?!

   Chính vì vậy mà con người phải bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống của mình. Cùng với việc khai thác rừng phải biết trồng rừng. Cùng với việc đánh bắt thủy sản thì phải bảo vệ chúng, giữ cho mặt biển trong xanh, không khí trong lành... Khai thác tài nguyên phải có kế hoạch hợp lí, tránh lãng phí.

   Ngày nay, nhiều quốc gia đang tuyên truyền vận động mọi người nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn ngôi nhà chung của thế giới. Trồng thêm một cây xanh, tiết kiệm một thùng nước sạch, không vứt rác ra đường... .đó là những biểu hiện cụ thể của ý thức bảo vệ thiên nhiên của mỗi chúng ta.

Nguồn: vietjack