Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Văn mẫu: Viết bài tập làm văn số 2

Gửi bởi: Nguyễn Thị Ngọc 28 tháng 10 2019 lúc 11:13:11


Mục lục
* * * * *

Dàn ý Kể về kỉ niệm đáng nhớ với con vật nuôi

A. Mở bài:

- Giới thiệu về con vật nuôi và kỉ niệm đáng nhớ với nó:

   + Nhà em có nuôi một con chó, tên là “Đốm”, nó sống với gia đình em từ khi em còn nhỏ, đến lúc em học lớp 5 thì nó qua đời.

   + Quãng thời gian sống với Đốm, em đã có rất nhiều kỉ niệm đẹp, trong số đó, em không thể quên được lần Đốm đã cứu em khỏi một con rắn độc.

B. Thân bài:

- Thời gian xảy ra sự việc: Khi em học lớp 3, lúc đó Đốm cũng được 3 tuổi.

- Trình tự:

   + Hôm đó, vào một buổi chiều, em cùng 3 người bạn nữa dắt Đốm ra bãi cỏ sau nhà văn hóa chơi đuổi bắt.

   + Chúng em chạy xung quanh bãi cỏ, cười đùa vô cùng vui vẻ

   + Có lẽ chính vì tiếng động mà từ trong một bụi cỏ ven đồng, một con rắn trườn ra. Lúc đó vừa hay em đang đứng gần bãi cỏ đó.

   + Em không hề hay biết vì đang mải đùa, mãi đến khi thấy Đốm vừa sủa vừa chạy rất nhanh về chỗ em, em mới nhận ra con rắn đang trườn đến chỗ mình.

   + Lúc này em vô cùng hoảng hốt và sợ hãi, không biết làm gì, Đốm nhanh như cắt vọt ra phía sau em sủa liên hồi.

   + Đốm lao vào đớp vào phần thân con rắn sau đó rất nhanh, nó quăng con rắn ra xa khoảng vài mét.

   + Con rắn tiếp tục trườn về phía nó định “ăn miếng trả miếng” nhưng Đốm cũng rất nhanh, nó chạy về sau tiếp tục dùng mõm quăng con vật nguy hiểm ra xa hơn.

   + Con rắn lúc này dường như biết mình không thể thắng nổi Đốm, liền trườn về phía bụi rậm rồi trốn mất.

   + Đốm đuổi theo đến bụi rậm, gầm gừ, sủa liên tục như đang cảnh báo con rắn.

   + Sau đó, Đốm chạy về phía em, vẫy đuôi chạy quấn quýt xung quanh chân em như đang kiểm tra xem em có bị thương không.

   + Lúc này em mới “hoàn hồn”, cúi xuống ôm Đốm và nói lời cảm ơn. Thật may mắn vì nếu không có Đốm có lẽ em sẽ bị con rắn kia cắn lúc nào không biết. Chính từ lần đó, tình cảm của em dành cho Đốm lại càng sâu đậm hơn.

   + Đốm với em như một người bạn thân, có chuyện gì vui hay buồn em đều tâm sự với nó.

C. Kết bài: - Cảm nghĩ về Đốm và những kỉ niệm thời thơ ấu: Mặc dù Đốm đã mất nhưng những kỉ niệm về nó vẫn sống mãi trong lòng em.

Kể về kỉ niệm đáng nhớ với con vật nuôi

Thúy Lan từ từ mở mắt, em giật bắn mình: tại sao em không nằm ngủ với mẹ trên giường đệm như mọi khi? Tại sao em nằm cuộn tròn trên chiếc thảm chùi chân ngay lối đi xuống bếp?

   Nàng mở to mắt: Trời ơi! Em không còn là Thúy Lan nữa, em đã hóa thành con mèo đen! Ác hại thay em lại là con mèo Mun sống ngay trong gia đình em!

   Những điều Thúy Lan quan sát được:

   Khung cảnh gia đình quen thuộc như xưa nhưng tất cả đồ đạc đều to lớn so với tầm vóc thân mèo của Thúy Lan. Em phải nhảy lên ghế vẫn ngồi học, ô kéo bàn học quá nặng em không sao mở ra được, nàng không giở được sách với hai bàn chân mèo khờ dại...

   Vẫn cha em ngồi đọc sách báo, vẫn mẹ em thu dọn những việc lặt vặt, vẫn em em Thúy Vân hay vuốt ve con mèo Mun như em. Em giật mình khi thấy chị bếp là người hay đập con mèo Mun vì tội ăn vụng và làm đổ thức ăn. Em hoảng hốt khi thấy con chuột nhắt quá to đang chạy trốn em...

   Cảm tưởng của Thúy Lan:

   Dần dần em bớt sợ nhưng buồn tủi đến chảy nước mắt. Đau khổ nhất em không nói được tiếng người để trò chuyện với người thân, nhất là với Thúy Vân. Đến bữa cơm, em nghẹn ngào ăn không được, Thúy Vân vuốt ve rồi bế em vào lòng nói với cả nhà: "Ba má à! Con Mun nó ốm hay sao ấy, hôm nay nó không ăn cơm!". Em đau xót cam phận...

   Thế mới biết được làm người là sung sướng, dù phải nghèo khổ, làm vụng vất vả để sinh sống, Thúy Lan tự ăn năn hối lỗi khi nhớ đến lúc tức giận đến hỗn hào với cha mẹ mỗi khi có điều không như ý trong gia đình. Thúy Lan còn thấy yêu thương súc vật hơn bao giờ hết vì biết đâu những con vật ấy lại không như mình...

   Đang miên man nghĩ ngợi, Thúy Lan chợt thấy con Tô – Tô chạy vào phòng. Em sợ quá, chạy trốn. Con chó liền đuổi theo làm em đập đầu vào chân bàn thì té ra là một giấc ngủ mê! Thúy Lan choàng tỉnh dậy và thuật lại cho mọi người trong gia đình nghe.

Dàn ý Kể về một lần em mắc khuyết điểm khiến Thầy Cô giáo buồn

A. Mở bài:

- Con người ai cũng từng mắc phải những sai lầm, khuyết điểm. Quan trọng là sau mỗi lần đó, chúng ta biết sửa chữa và thay đổi để ngày càng hoàn thiện mình hơn.

- Em cũng đã rút được ra rất nhiều bài học cho mình, đặc biệt, một lần, em đã mắc khuyết điểm với cô giáo dạy Văn lớp 7 khiến cô vô cùng buồn lòng.

B. Thân bài:

* Hoàn cảnh xảy ra sự việc:

- Khi đó là cuối kì 1, trong buổi học trước, cô đã dặn buổi tới cả lớp phải mang vở ghi bài đến lớp nộp cho cô để cô chấm lấy điểm.

- Trước đó, em đã làm mất vở ghi Ngữ Văn, không có vở để nộp cho cô nên em đã gian lận, mượn vở của một bản lớp khác (cũng cô dạy) để nộp.

* Diễn biến sự việc:

- Lớp trưởng đi thu vở của cả lớp rồi mang lên cho cô, cô quyết định bảo cả lớp mở phần bài tập tổng kết ra làm, trong lúc đó cô sẽ tranh thủ chấm vở.

- Em đã dán nhãn vở khác đè lên nhãn vở bạn đó, tuy nhiên, em vẫn rất lo lắng bởi cô là một người khá kĩ tính.

- Vừa làm bài em vừa lo lắng, tim đập càng nhanh khi cô chấm gần đến vở của mình, em rất sợ nếu cô phát hiện ra và thầm hối hận vì việc làm của mình.

- Tim em như ngừng đập khi cô chấm đến vở của mình, lòng chỉ mong sao cô nhanh gấp quyển vở đó vào thì mọi chuyện sẽ êm đẹp.

- Nhưng không, em thấy một cái nhíu mày trên trán cô, có lẽ cô đã phát hiện ra điều không bình thường ở quyển vở đó.

- Cô xem kĩ hơn và lật ra trang bìa xem tên, em thấy trogn con mắt của cô hiện ra sự bất ngờ, dường như không tin vào cái tên ấy là của em – một đứa học trò vốn ngoan ngoãn, nghe lời.

- Tâm trạng em lúc đó rất rối bởi một mớ suy nghĩ hỗn loạn: “chết rồi”, “làm sao đây”, “mình có nên nhận lỗi trước không”, “không nếu nhận lỗi sẽ bị xấu hổ trước bạn bè”….

- Mồ hôi bắt đầu túa ra trên trán em, khi đang không biết làm gì, em chợt nghe thấy tiếng gập vở lại, tiếng gập rất nhẹ nhàng.

- Em lén mắt nhìn lên trên bàn giáo viên, thật khó hiểu khi cuốn vở của em đã được nằm ngay ngắn trên vở đã chấm xong. Lén nhìn gương mặt cô, em thấy rõ đôi mắt của cô đã trùng xuống, cô đang buồn vì em.

- Lúc đó, em không còn thấy lo lắng, sợ cô phát hiện cô sẽ phạt nặng nữa, mà thay vào đó là sự ân hận và cảm giác tội lỗi. Em không biết làm gì ngoài việc cúi gằm mặt xuống tự dằn vặt bản thân mình: “Chắc chắn mình phải xin lỗi cô” – em thầm nghĩ

- Sau buổi học, em đã xuống phòng chờ và gặp cô xin lỗi vì lỗi lầm của mình và thật may mắn, cô đã hiểu và tha lỗi cho em.

- Từ đó, em đã rút ra được bài học cho chính bản thân mình: Không được gian lận trong bất kì việc gì vì điều đó vừa khiến cho người khác phải buồn lòng vừa làm xấu chính mình.

C. Kết bài:

- Tự nhủ phải học tập thật tốt, không bao giờ được mắc sai lầm như vậy nữa.

- Khuyết điểm là điều không tránh khỏi, nhưng sau mỗi lần mắc khuyết điểm, chúng ta biết nhận sai và sửa chữa khuyết điểm đó mới là tốt.

Kể về một việc tốt em đã làm để giúp đỡ người khác

Mỗi người có những quan niệm khác nhau về hạnh phúc, có người hạnh phúc là khi được đi mua sắm, là có nhiều tiền, được đi nhiều nơi,.. còn với tôi hạnh phúc là khi được chia sẻ và giúp đỡ những người khác. Tôi còn ít tuổi, nên mọi sự giúp đỡ đều rất bé nhỏ, nhưng tôi tự hào và hạnh phúc mỗi khi được giúp mọi người.

   Gia đình tôi ở gần nhà văn hóa của phường, nhà văn hóa phường ngoài là nơi làm việc họp hành như những nhà văn hóa khác thì nó còn là nơi cho trẻ em lang thang đến đây học. Lớp học chỉ được mở vào hai ngày cuối tuần nhưng lúc nào cũng đầy tiếng cười và niềm vui. Các em nhỏ đến đây đa số đều đã 8 9 tuổi nhưng vẫn chưa biết chữ, các em vì hoàn cảnh gia đình sớm phải vào thành phố kiếm sống, nhìn các em ấy rất đáng thương. Một cô giáo đã lớn tuổi về hưu, cứ thứ 7 và chủ nhật hàng tuần lại đến đây dạy các em. Thấy các em hăng say học hành như vậy tôi cũng rất muốn góp một phần sức nhỏ bé của mình giúp đỡ các em. Khi tôi đưa đề nghị ấy với cô giáo, ngay lập tức đã được đồng ý, vậy là từ đó cứ chiều thứ 7 và cả ngày chủ nhật tôi lại đồng hành cùng cô giáo dạy các bạn nhỏ.

   Ngày đầu tiên đến lớp, tôi đã hồi hộp mà cũng hào hứng biết bao. Tôi sợ sẽ không thể hướng dẫn được các bạn ấy, sợ sự lóng ngóng của bản thân mà làm hỏng cả một tiết học của cô giáo. Nhưng tất cả nỗi sợ đó đều tan biến khi tôi đứng trước các bạn học sinh và nhận được lời động viên từ cô giáo. Những đôi mắt sáng, khuôn mặt rạng rỡ, đáng yêu đã lấy lại tinh thần cho tôi. Tôi hăng say giảng bài, giúp đỡ cho các em ở những bài tập khó. Thực sự khi đó tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc và tự hào.

   Các bạn nhỏ rất thông minh và sáng dạ, đọc chữ cái, ghép vần, làm phép tính chỉ cần dạy một vài lần là đã nhớ. Các em học rất nhanh, lại chăm chỉ và ngoan ngoãn. Được làm việc và tiếp xúc với các em tôi lại càng thấy mình may mắn biết bao khi được cha mẹ yêu thương, chu cấp đầy đủ mọi thứ để đi học. Vậy mà có đôi lúc tôi đã lười biếng, trốn học.

   Trong lớp học tôi nhớ nhất là Chi, cô bé nhỏ nhất lớp, năm nay mới có 7 tuổi. Chi rất ham học và chăm chỉ, nhưng trí nhớ lại không được các anh chị, bởi vậy lúc nào Chi cũng ở lại ôn bài. Có những ngày Chi học đến tận 8 giờ tối mới trở về nhà ăn cơm. Khuôn miệng bé xíu như chú chim non, giọng đọc nhỏ nhẻ rất đáng yêu. Mặc dù học không nhớ nhanh nhưng Chi lại rất cần mẫn, chăm chỉ, không ngừng nỗ lực, cố gắng. Cô bé chưa bao giờ bỏ cuộc trước bất kì một bài toán hay từ đánh vần khó nào. Có chỗ nào không hiểu Chi sẽ ngồi học cho đến cùng. Cô bé thật đáng yêu và đáng quý trọng. Dù hoàn cảnh khó khăn, phải đi kiếm sống nuôi bản thân nhưng Chi và rất nhiều bạn nhỏ khác không mất đi niềm hăng say học tập. Mỗi khi đến lớp học tình thương, các em mới được trở thành những đứa trẻ thực sự, được vui chơi, được học tập giống như bao bạn nhỏ khác. Nhìn chúng tôi càng có động lực cần phải cố gắng học tập hơn nữa để báo đáp công ơn của cha mẹ.

   Công việc này tôi đã làm được nửa năm nay, nó đem đến cho tôi nhiều niềm vui, sự hạnh phúc và những bài học ý nghĩa mà những bạn nhỏ nơi đây đã dạy tôi. Tôi hi vọng rằng sẽ có nhiều lớp học như vậy sẽ được mở ra, giúp các trẻ em nghèo có cơ hội được học tập, được phát triển như tất cả các bạn nhỏ khác.

3 bài văn mẫu Kể về một việc em đã làm khiến bố mẹ vui lòng

Có một lần, tôi đã làm một việc khiến ba mẹ rất vui lòng. Cảm giác làm được việc tốt nên trong lòng thấy vui lắm, vì lúc ấy tôi mới học lớp bốn thôi.

   Hôm đó, một ngày chủ nhật, ánh nắng mặt trời trải khắp không gian chiếu lên những giọt sương còn đọng trên lá cỏ làm nó lung linh như những viên pha lê. Một ngày được nghỉ ngơi thư giãn sau một tuần học tập và làm việc vất vả của mọi người. "Một ngày rảnh rỗi mà không đi chơi thì thật là lãng phí thời gian", chỉ nghĩ thôi tôi thấy lâng lâng trong người. Tôi vừa đi ra phòng khách vừa hát "Một ngày mới nắng lên, ta đưa tay chào đón...là...la...lá...lá...la.." thì thấy ba mẹ lăng xăng làm chuyện gì đó, tôi tò mò hỏi "Ba mẹ đang làm gì vậy ạ?" "À! Ba mẹ chuẩn bị đi thăm bạn cũ, đã lâu rồi không còn gặp con à" ba tôi đáp. Mẹ nói với thêm vào "Hôm nay con trông nhà và giúp ba mẹ làm việc nhà nhé! Chiều ba mẹ về có quà cho con". Nghe mẹ nói xong tôi cảm thấy cụt hứng, những dự định được đi chơi tan biến, chưa làm việc gì mà cảm thấy mệt mỏi. Trước giờ tôi có động tay, động chân vào mấy việc này đâu, có thời gian rảnh là đi chơi với đám bạn nên mệt mỏi là phải rồi.

   Ba mẹ tôi vừa ra khỏi nhà thì lũ bạn tôi chạy ùa vào "Linh ơi! Đi thôi!", một đứa trong bọn la lên, tôi ngạc nhiên hỏi "Đi đâu?" "Mày không nhớ hôm nay là ngày gì à?" Ngân hỏi lại, nó nhìn cái mặt ngơ ngác của tôi và nói tiếp "Hôm nay là ngày sinh nhật Minh Thư lớp mình đấy" Tôi chợt nhớ ra và nói "Chút xíu nữa là quên mất, cảm ơn các bạn nha". Tôi mời các bạn vào nhà và nói "Chờ tao một chút, đi thay quần áo". Bước vào trong nhìn thấy nhà còn bề bộn, dơ bẩn tôi chợt nhớ lời mẹ dặn lúc nãy tôi nghĩ bụng "Chết rồi nhà cửa như thế này làm sao mà đi được, với lại buổi tiệc cũng sắp bắt đầu rồi". Tôi đắn đo cân nhắc có nên đi hay không, nếu đi thì tất cả việc nhà mẹ giao mình không làm chắc mẹ buồn lắm và mẹ phải bắt tay vào dọn dẹp thì càng vất vả. Còn nếu tôi không đi sinh nhật thì Minh Thư sẽ giận và không chơi với tôi nữa, sinh nhật nó bốn năm mới tổ chức một lần vì nó sinh vào ngày 29/2. Tôi phải làm sao đây...? Một đứa ham chơi như tôi đây mà bỏ lỡ một cuộc vui như vầy thì thật là đáng tiếc. Suy nghĩ một hồi lâu, tôi quyết định ở nhà dọn dẹp nhà cửa. Chạy ra cửa nói với đám bạn là tôi không đi được và gửi lời xin lỗi đến Minh Thư. Có thể nó giận và không chơi với tôi thì cũng một thời gian ngắn thôi, thế nào rồi cũng quay lại, tính Thư trước giờ là như vậy.

   Tôi bắt tay vào công việc. Bắt đầu là phòng ngủ, sắp xếp lại mền, gối cho ngay ngắn, quét dọn phòng sạch sẽ, kéo rèm lên cho nắng sớm vào phòng. Tiếp đến phòng khách phải quét bụi trên tủ, bàn, rửa bộ ấm chén uống trà của ba và lau sạch nền gạch. Bước xuống bếp thấy chén đủa ăn sáng còn ngổn ngang trên bàn, một thau đồ mẹ giặt chưa phơi, trên bếp còn bề bộn xoong nồi, tôi hít một hơi dài và bắt tay vào việc. Trước giờ tôi chưa làm việc này nhưng vừa làm vừa nhớ lại lời mẹ dạy, miệng ngân nga câu hát mà công việc đã xong lúc nào không hay. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy mồ hôi của mình chảy như suối vậy, cảm giác mệt mỏi xen lẫn niềm vui. Thành quả lao động của một cô bé luôn lười biếng, ỉ lại ba mẹ, nhiều lúc ba mẹ nói lắm mới giúp, bây giờ làm việc một cách tự giác và hoàn thành rất tốt công việc được giao, trong lòng thấy vui sướng làm sao! Hạnh phúc biết bao! Thật sung sướng khi mình đã chiến thắng bản thân để vượt lên chính mình.

   Khỏi phải nói, chiều đó ba mẹ về, vừa bước vào nhà đã vui cười ba khen "Con gái của ba rất ngoan, biết nghe lời ba mẹ, cảm ơn con rất nhiều". Tôi bẽn lẽn "Dạ con đã lớn rồi phải không mẹ". Mẹ nói "Con mẹ đã lớn rồi, quà của con đây này" vừa nói mẹ vừa lấy trong túi ra một con gấu bông xinh xinh tặng cho tôi "Cảm ơn ba mẹ, con thích lắm". Mẹ làm cơm chiều thật ngon để đãi tôi vì thành quả lao động của một ngày "làm việc".

   Sau ngày hôm đó tôi suy nghĩ nhiều về bản thân "Mình có thể làm được nhiều việc hơn thế nữa, tuổi nhỏ làm việc nhỏ tùy theo sức của mình". Hoàn thành một việc tốt làm cho ba mẹ vừa lòng và mình cũng cảm thấy hạnh phúc nhân lên gấp bội. Về sau tôi làm được nhiều việc hơn, cố gắng giúp đỡ ba mẹ bớt cực nhọc sau những ngày làm việc vất vả. Hôm nay tôi chia sẻ cho các bạn một mốc son trong đời và là một kỉ niệm đẹp làm tôi nhớ mãi.

Bài văn mẫu 2

   Bố mẹ đã có công sinh thành và nuôi dưỡng tôi nên người, vì vậy ơn nghĩa của họ tôi sẽ không thể trả hết được. Nhưng tôi lại có thể làm cho bô mẹ vui,làm tròn bổn phận của một người con. Tôi vẫn nhớ ngày mà nụ cười trên gương mặt đấng sinh thành của tôi rạng rỡ hơn bao giờ hết. Đó chính là khi bố mẹ biết tôi đã nhặt được ví tiền của một người lạ và đem đến nộp chú công an. Khoảnh khắc được nhìn thấy nụ cười ấm áp của bố mẹ thật hạnh phúc biết bao!

   Tôi còn nhớ hồi đó, tôi mới tám tuổi, cái tuổi còn rất nhỏ. Niềm vui lớn lao nhất mà tôi đã dành cho bố mẹ tôi vào cái tuổi ấy là làm đc một việc tốt : nhặt được của rơi, trả lại người đánh mất.

   Vào buổi sáng Chủ nhật, trên đường đi học thêm về, qua một cái ngõ hẻm, tôi thấy có một vật gì đó nằm ở giữa đường – một chiếc ví màu đen. Tôi nhặt chiếc ví đó lên rồi vừa đi chầm chậm, vừa nhìn xung quanh xem có ai đó muốn tìm chiếc ví này không.

   Một lúc sau, tôi vẫn không thấy có ai đến tìm. Tôi nghĩ chắc người đó đã đi xa rồi hoặc không biết mình đánh rơi chiếc ví. Dù có biết chăng nữa, thì người đó cũng chỉ loay hoay tìm kiếm ở gần chỗ họ đứng . Hàng loạt những câu hỏi cứ hiện ra trong đầu tôi : Người ấy là ai? Người đó là công nhân, nông dân hay là một người giàu có? Trong chiếc ví có những gì? Dù rất tò mò nhưng tôi không muốn mở ra xem.

   Tôi nghĩ ngợi , phân vân mãi mà không xác định đc mình sẽ trả lại hay không trả. Nếu không trả thỳ chẳng có ai biết mình ăn cắp của rơi mà lại có tiền để mua được nhiều thứ. Tưởng tượng đến lúc đó, tôi thích lắm nhưng nghĩ lại nếu mình trả cho người ta thì sẽ làm đc một việc tốt và không phải ân hận. Tôi đã quyết định trả ví tiền này. Chủ nhân của chiếc ví này sẽ rất mừng khi tìm lại đc nó. Nhưng biết ai đánh rơi chiếc ví này mà trả lại? Tốt nhất là đem nộp cho các chú công an.

   Tôi mag chiếc ví đến trụ sở công an phường. Các chú công an nhìn tôi thập thò ở cửa, liền hỏi:

   – Có việc gì vậy cháu bé ?

   Tôi ngại ngùng đáp:

   – Dạ! thưa chú trên đường đi học về cháu nhặt đc chiếc ví này. Cháu đem nộp, nhờ các chú trả lại cho người bị đánh mất ạ!

   Một chú công an cầm lấy chiếc ví rồi đến chỗ tôi, chú cười xoa đầu tôi, nói:

   – Chái rất ngoan và thật thà không dám lấy cắp của rơi. Nào! Chú cháu mình xem trong này có những gì để ghi vào biên bản nhé!

   Rồi chú lấy ra từ trong ví: một giầy chừng minh nhân dân, cá giấy tờ quan trọng và hơn 5 triệu đòng tiền mặt . Chú ghi rõ từng thứ vào biên bản rồi yêu cầu tôi ghi tên và địa chỉ xuống phía dưới biên bản. Có tên tuổi, địa chỉ các chú sẽ thuận lợi trong việc trải lại cho người đánh mất.

   Buổi tối hôm đó , nhà tôi có một người khách lạ đến chơi. Đó chính là chủ nhân của chiếc ví. Bác kể chuyện cho bố mẹ tôi nghe và cảm ơn tôi mãi. Bố mẹ tôi nghe xong đã khen tôi làm đc 1 việc tốt, lúc đó bố mẹ tôi rất vui và hành diện vì có một đứa con ngoan.

   Bây giờ, mỗi khi nghĩ lại tôi vẫn không thể nào quên đc ngày hôm đó. Lời khen chân thành của mọi người đói với tôi là phần thưởng quý giá nhất.Tôi sẽ giữ mãi kỷ niệm này trong tâm trí của mình.

Bài văn mẫu 3

   Ba mẹ là người đã cho tôi sự sống, cho tôi tình yêu cao cả, dạy cho tôi những điều tốt đẹp nhất để tôi làm hành trang bước vào đời. Trong mắt tôi, không ai có thể sánh bằng ba mẹ. Tình yêu của tôi dành cho ba mẹ như ngọn lửa không bao giờ tắt. Tôi luôn mong muốn làm cho ba mẹ hài lòng về mình. Chủ nhật vừa qua là một ngày hạnh phúc đối với tôi vì tôi đã làm được một việc khiến ba mẹ rất vui lòng.

   Từ bé đến giờ tôi vẫn luôn tự hào về gia đình tôi. Ba mẹ lúc nào cũng yêu thương, quan tâm, chăm sóc tôi. Một ngày đẹp trời nọ, ba mẹ trìu mến thông tin với tôi một tin rất quan trọng: tôi sắp có em. Niềm vui ấy làm cả nhà chúng tôi hân hoan hơn, hạnh phúc hơn khi chào đón thành viên mới của gia đình. Rồi đến ngày em trai tôi cất tiếng khóc chào đời, tôi thấy ba mẹ vất vả lo cho em, tôi càng thêm yêu ba mẹ. Tôi cũng rất yêu thương nó. Đó là cậu bé có nước da trắng hồng, hai mắt tròn xoe, long lanh. Cái miệng nó cười trông rất dễ thương. Hai tay nó huơ huơ mỗi lần có người lại trò chuyện, âu yếm, nựng nịu nó. Có lẽ chính vì thế mà tôi thấy ba mẹ chăm sóc em quá mức mà quên khuấy tôi đi. Mỗi lần như vậy, tôi thường có cảm giác ba mẹ đã không còn thương mình, chỉ thương em thôi. Vì thế, có đôi lúc tôi hay đứng xa ra mỗi khi thấy ba mẹ chơi với em. Cũng từ lúc có em, tôi thường bị sai vặt: “Lan à, lấy dùm mẹ cái này. Lan à, lấy cho em cái kia…” Tôi cứ chạy ra chạy vào, chạy tới chạy lui để “phục vụ” cho em. Ý nghĩ ba mẹ không thương mình cứ luẩn quẩn trong đầu tôi làm tôi không thể nào cười nói gì được. Tôi thực hiện mệnh lệnh mà thấy khó chịu vô cùng. Tôi cứ hay lảng tránh ba mẹ. Tôi hay ngồi vào cái bàn học để ngồi vẽ những bức tranh mà tôi đang nghĩ. Tôi vẽ hình ảnh ba mẹ nắm tay Ton Ton em tôi đi chơi. Còn tôi thì đứng ở xa nhìn theo. Không có ai nắm tay tôi hết! Tôi vẽ hai giọt nước mắt rất to trên mắt tôi. Tôi thấy bức tranh này chính là tôi. Tôi hay nhìn bức tranh đó và nói một mình: “Ba mẹ không thương mình nữa rôi, chỉ thương Ton Ton thôi”.

   Một hôm, chắc mẹ phát hiện ra có điều gì không ổn đối với tôi nên mẹ gọi tôi đến cạnh bên, vuốt đầu tôi, mẹ hỏi :

   - Lan à, có việc gì mà mẹ thấy con không được vui vậy?

   Tôi chỉ im lặng mà nước mắt sắp tràn ra. Mẹ hoảng hốt ôm tôi vào lòng và hỏi thêm:

   - Việc học hành có gặp gì khó khăn không con?

   Tôi lắc đầu mà nước mắt chảy.

   - Sao vậy con? Có chuyện gì con nói với mẹ nghe đi!

   Tôi gạt tay mẹ ra và bỏ chạy tới cái bàn, cầm lấy bức tranh và đưa cho mẹ xem rồi lại ù bỏ chạy.

   Suốt buổi chiều hôm đó tôi trốn vào một góc nhà. Mẹ tìm thấy tôi và dỗ dành:

   - Mẹ biết rồi, con nghĩ ba mẹ không thương con phải không?

   Tôi nói một cách thổn thức:

   - Ba mẹ chỉ thương em, không thương con như hồi đó nữa. Huhu…

   Mẹ tôi âu yếm vuốt nước mắt trên má tôi rồi ôn tồn giải thích:

   - Con nghĩ như vậy là sai rồi. Em còn quá nhỏ, ba mẹ phải dành nhiều thời gian lo cho em. Còn con, con lớn hơn nên ba mẹ tin tưởng, an tâm về con. Ba mẹ rất thương con. Hơn nữa, con lại còn biết phụ giúp ba mẹ. Từ khi có em, mẹ thấy con rất người lớn, mẹ rất vui. Con có thương em không?

   Tôi nói lí nhí: Dạ có.

   - Vậy con có muốn làm cho ba mẹ vui lòng không?

   - Dạ có – Tôi khẳng định.

   Con hãy phụ mẹ chăm sóc em, con sẽ thấy em rất cần sự chăm sóc đặc biệt. Nếu con nghĩ ba mẹ không thương con. Ba mẹ sẽ rất buồn.

   Tôi nghe trong giọng nói của mẹ có sự nghẹn ngào. Tôi thấy mẹ ôm tôi chặt hơn. Tự dưng những ý nghĩ trước đó bỗng nhiên biến đâu mất. Tôi chỉ còn thấy mẹ thương tôi biết chừng nào. Tôi sung sướng được ở trong vòng tay của mẹ… Ba không biết có mặt từ lúc nào, cũng cười và nói:

   - Cả nhà ta cùng thương yêu nhau. Ba mẹ đều thương cả hai con!

   Tôi chạy đến ôm lấy ba. Ba ơi, con thương ba mẹ. Con biết ba mẹ rất thương con… Lúc đó tôi chợt nhớ ba đã lấy lới bài hát “cả nhà thương nhau” để khẳng định tình cảm của ba mẹ. “Ba này, lúc nào cũng thật vui.”. Tôi thầm nghĩ mà thấy lòng vô cùng sung sướng.

   Chiều chủ nhật hôm ấy cả nhà chuẩn bị sang nhà ngoại chơi, có ẵm em đi nữa. Mẹ gọi tôi phụ sắp xếp quần áo, tả, khăn, sữa, nước cho em. Tôi thấy vui vô cùng. Thì ra em Ton Ton cần được mọi người chăm sóc đến như vậy. Tôi chơi với em và cảm nhận được tình yêu thương chạy khắp người. Ton Ton dễ thương của chị, chị rất yêu thương em.

   Thấy tôi vừa chơi với em, vừa hôn vào bàn tay bé bỏng của nó, mẹ cũng cười bảo:

   - Thôi, chúng ta chuẩn bị lên đường nào, con gái cưng ơi!

   Tôi “Dạ” nhanh gọn và dứt khoát lắm. Ba mẹ nhìn tôi cười:

   - Thôi ta đi. Con gái của ba mẹ giỏi quá…

   Ba mẹ cười mãi. Hình ảnh ba mẹ vui sướng hiện lên khuôn mặt, lên nụ cười, ánh mắt của ba mẹ dành cho tôi khiến tôi vô cùng hạnh phúc. Tôi vui quá…

   Mỗi lần nhìn ba mẹ cười, tôi lại nhớ đến kỉ niệm đáng nhớ ấy. Tôi phải làm nhiều việc tốt hơn nữa, cố gắng học tốt và yêu thương em để ba mẹ yên tâm về tôi, để tôi tự hào với chính mình là một người con ngoan, một người chị tốt.

   Tôi lại nhớ đến lời một bài hát có hình ảnh gia đình thật đẹp:

   Ba là cây nến vàng

   Mẹ là cây nến xanh

   Con là cây nến hồng…

   Còn em con là cây nến gì??? Mình phải tìm nhạc sĩ để khiếu nại, thiếu hình ảnh ngọn nến lung linh của em rồi…

Kể về một người truyền cảm hứng sống cho em

Trong cuộc sống của chúng ta sẽ được gặp gỡ rất nhiều người, có người sẽ đem đến cho bạn niềm vui, sự hạnh phúc, có người lại đem đến cho bạn nỗi buồn,… những người đó đều đáng trân trọng, vì họ đã cho ta những bài học, những trải nghiệm cuộc sống. Còn tôi, người để lại ấn tượng sâu đậm nhất với tôi chính là cô Đông – người đã truyền cảm hứng học tập, mơ ước cho tôi.

   Cô Đông là cô giáo dạy lớp sáu của tôi. Cô thấp nhỏ, đôi mắt u buồn, tôi nhìn ở cô có nét gì đó của sự khắc khổ. Cô lúc nào cũng vội vã, đôi mắt đượm buồn, ngay cả khi cô cười, đôi mắt ấy cũng chẳng thể vui lên. Nhưng cô lại có giọng nói tuyệt hay, cô giảng văn khiến ai cũng mê mẩn. Ngay từ tiết văn đầu tiên của cô tôi đã bị hớp hồn.

   Từ khi cô vào dạy lớp, tôi có niềm đam mê và cảm hứng học tập hơn, đặc biệt là với môn Văn, cô khuyến khích phong trào đọc sách trong lớp. Những giờ sinh hoạt không còn cứng nhắc, không còn cảnh lớp trưởng nhận xét về ưu khuyết điểm của từng cá nhân mà trở thành giờ chia sẻ những cuốn sách bạn đã đọc. Chúng tôi hào hứng học tập, hào hứng đọc sách. Một năm học cô mà tôi có cảm tưởng mình đã đọc sách của mấy năm cộng lại. Cứ thế không chỉ tôi mà các bạn ai cũng ham mê đọc sách. Kết quả thì hẳn ai cũng thấy, vốn từ, cách dùng từ đặt câu của chúng tôi trở nên trau chuốt và mượt mà hơn hẳn. Với kết quả đó các bạn lại càng trở nên hăng hái hơn.

   Không chỉ lan tỏa cảm hứng đọc sách trong lớp học, cô Đông còn là người khơi dậy mơ ước trong tôi. Tôi vốn chẳng có mơ ước gì đặc biệt, tôi chỉ biết học và học. Đôi khi tôi cũng tự hỏi mình, mình thích gì, ước làm gì, ước trở thành người thế nào? Nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ tôi có thể trả lời được câu hỏi đó. Tôi cứ sống như vậy, không mơ ước, không lí tưởng. Nhưng từ khi gặp cô, mọi điều đã thay đổi, tôi biết mơ ước, sống có động lực để hiện thực hóa ước mơ của mình. Từ những tiết giảng văn đầy cảm hứng, những bài học cuộc sống được rút ra trong bài giảng và thực tế cô đã truyền cảm hứng đọc sách cho các bạn trong lớp, từng chút một đã khởi dậy trong tôi ước mơ được làm một cô giáo. Tôi ước mình cũng có thể trở thành một cô giáo như cô, không chỉ vững vàng về chuyên môn mà còn am hiểu tâm lí học sinh, có những cách thức độc đáo khơi dậy niềm vui, niềm hứng khởi học tập ở chúng tôi. Tôi mơ ước mình có thể thành một giáo viên tuyệt vời, mà bất cứ học sinh nào cũng yêu quý.

   Từ khi cô khơi dậy mơ ước trong tôi, tôi thấy cuộc đời này đẹp đẽ hơn, đáng sống hơn. Tôi có mục tiêu để theo đuổi, có động lực để không ngừng phấn đấu vươn lên. Cô là hình mẫu lí tưởng mà tôi muốn đạt đến. Tôi chợt nghĩ, những ngày tháng trước đây mình đã sống hoài, sống phí khi không ước mơ, không hi vọng gì về tương lai.

   Cô Đông là người mà tôi yêu quý và kính trọng nhất. Tôi vẫn đang từng ngày không ngừng nỗ lực phấn đấu học tập thật tốt để có thể trở thành một giáo viên mẫu mực như cô. Cảm ơn cô đã truyền cảm hứng và khơi dậy mơ ước trong em.

3 bài văn mẫu Kể lại câu chuyện Lão Hạc bán chó

Trời đã thủng buổi, mặt trời chói chang len qua những bóng lá rọi xuống khung cửa nan nhà. Tôi đang lụi cụi nấu ăn dưới bếp, than khói lửa hồng bốc lên dưới cái nắng ban trưa thật khiến người ta dễ bực mình. Ông nhà đang ngồi đọc mấy quyển văn của trò ông ấy, rồi cứ luôn tay phe phẩy cái quạt mo. Cơm nước đã xong đấy, toan dọn mâm lên ăn, thì bỗng nhiên, lão Hạc bước từ cửa vào. Lão hạc là hàng xóm của nhà tôi, nhà lão nghèo lắm, vợ mất, con trai vì không lấy được vợ nên bỏ đi làm ăn, để mình thân già lão ở nhà. Lão với ông nhà tôi thân nhau lắm, tuy tuổi tác chênh lệch, nhưng hai người cứ trò chuyện thì lại rôm rả, như hai người bạn tri kỉ với nhau vậy.

   Lão Hạc cứ chệnh choạng , mặt cúi gắm xuống, lưỡng lự trước cửa một lúc rồi bước vào nhà. Ông nhà tôi kêu lên: Cụ đến chơi ạ” Lão Hạc không đáp lại. Lão đi từ từ, chậm rãi vào gian chính. Bực mình thật, đúng lúc người ta ăn cơm thì lại mò đến- Tôi tự nhủ một cách trách móc lão Hạc. Lạ thật! Lão ngồi phịch xuống tấm phản, không nói không rằng, cứ cúi gằm cái mặt xuống. Chồng tôi cũng thấy lạ lắm, nhưng cũng giữ phép lịch sự, rót chén nước chè mời lão. Lão Hạc đưa hai bàn tay run run đỡ lấy chén trà chồng tôi đưa, đưa lên môi nhấp nhẹ rồi lại đặt xuống. Đến giờ lão vẫn chưa mở lời. Rồi cái vẻ yên lặng ấy cứ diễn ra một lúc, chồng tôi nhìn lão một cách kì lạ, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Cuối cùng thì, có lẽ là lão đã sẵn sàng để nói chuyện- lão ngẩng khuôn mặt lão lên, khuôn mặt nhăn nheo, rám nắng, dưới khóe mắt vẫn thâm quầng- và mở chuyện:

   - Cậu Vàng đi đời rồi ông giáo ạ!

   - Cụ bán nó rồi?- chồng tôi đáp một cách ngạc nhiên

   - Bán rồi! Họ vừa bắt nó xong.

   Lão kể với giọng khàn khàn, khiến tôi nghe chữ được chữ không. Lão mỉm cười. Nhưng lão cười lạ lắm, miệng lão cười nhưng mà môi cứ giật giật, cả người lão run lên. Lão cười mà như mếu vậy. Có lẽ tâm trạng lão không vui như lão cố tỏ ra cho chồng tôi thấy- và chồng tôi cũng nhận ra điều đó. Ông hỏi:

   - Thế nó cho bắt à!

   Vẻ mặt lão thoáng thay đổi, mắt lão nhắm nghiền lại, khuôn miệng cười lúc nãy đã biến mất. Rồi từ hai khóe mắt chảy ra giọt nước mắt, nó chảy dài trên khuôn mặt xương xương của lão. Những nếp nhăn trên khuôn mặt lão co lại, lão khóc mỗi lúc một nhiều, hàng nước mắt cứ tuôn mãi. Tôi ngạc nhiên, từ xưa đến nay lão có bao giờ thế đâu. Mà lão Hạc đã già, có lẽ lên chức ông chức cụ rồi, vậy mà lão lại hu hu khóc chẳng khác gì một đứa con nít. Mặt ông nhà tôi cũng biến dạng theo.

   Lão Hạc kể lại chuyện bán chó mà tiếng khóc cứ ngân dài theo từng lời nói, trông đến là tội nghiệp.

   - Khốn nạn… Ông giáo ơi! – Lão òa lên- Nó có biết gì đâu! Nó thấy tôi gọi thì chạy ngay về, vẫy đuôi mừng. Tôi cho nó ăn cơm, nó ăn ngon lành, bởi vì tôi cho nó toàn món ngon, bữa cuối cùng của nó mà. Thế rồi, lúc nó đang hoan hỉ, thì bỗng thằng Mục với thằng Xiên nấp ngay sau nó nhảy ra, tóm gọn nó. Cu cậu trông béo tốt thế mà lại nhát, thế nên chẳng bao lâu nó đã bị trói gọn cả bốn cẳng lại rồi. Bấy giờ cu cậu mới biết cu cậu chết. Mà cái giống nó khôn lắm! Nó nhìn tôi in như nó trách tôi. Nhìn ánh mắt nó, chắc nó đang thầm bảo rằng: “ A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão thế mà lão lại đối xử với tôi như thế à? Tôi già từng này tuổi đầu rồi mà lại phải lừa một con chó ông giáo ạ.

   Nói đến đây, lão Hạc tự đấm thùm thụp vào ngực mình, bởi vì có lẽ lão sẽ không bao giờ có thể tự tha thứ cho mình được. Lão cứ rên rỉ, trách móc mình mãi, kèm theo là những cái cào xé, lão đang dằn vặt nỗi lòng của mình, đến nỗi mà chồng tôi phải ngăn lão lại thì lão mới dừng. Ông an ủi lão Hạc

   - Thôi cụ ạ! Nó không hiểu gì đâu! Mà chó nào nuôi mà chẳng để giết thịt! Ta bán nó đi chính là hóa kiếp cho nó đấy.

   Nghe xong câu này của chồng tôi, lão Hạc ngẩng mặt lên trời, lão vẫn khóc, nhưng lão vừa khóc vừa cười, giọng cười chua chát và cay đắng. Lão nhắm nghiền mắt lại cố ngăn cho dòng nước mắt không tuôn nữa, rồi bảo rằng lão mong là con chó sẽ thành kiếp người, như lão chẳng hạn. Tôi để ý thấy chồng tôi cũng đau buồn theo lão, nước mắt đã rơi, nhưng ông không muốn lão Hạc càng thêm buồn nên cố nẹn lại, và nghiến răng để không òa khóc theo lão. Ông nắm lấy đôi vai gầy gọc của lão Hạc an ủi lão. Cái cảnh tượng thật não nề.

Bài văn mẫu 2

   Tôi choàng tỉnh giấc, dậy từ khi mặt trời còn chưa treo ngọn tre. Đó là một thói quen bình thường của người làm nghề nông. Cả cái làng Vũ Đại này, có ai không làm nghề nông chỉ trừ ông Bình giáo ra. Ông ấy là người học rộng lại hiểu sâu, chính vì vậy mà tôi định đến nhà ông giáo để viết một số giấy tờ nhà đất.

   Con đường làng dài và hẹp. Gió thổi vi vu khiến cho những rặng tre xào xạc, đung đưa. Quanh nhà ông giáo, những hàng râm bụt lá vàng úa vẫn còn tồn tại sau trận bão khủng khiếp. Vừa thấy tôi, ông giáo liền nói: "Chào bác". Tôi đáp lại:

   - Vâng, chào anh! Hôm nay tôi sang đây là muốn nhờ anh viết một số giấy tờ đất đai!

   - Vậy mời bác vào nhà nhà xơi nước cái đã!

   Ông giáo mời tôi ngồi trước thềm nhà, chúng tôi đang bàn bạc thì bỗng đâu có tiếng nói hớt hải vọng tới: Cậu Vàng đi đời rồi ông giáo ạ!

   A! Thì ra là lão Hạc, lão mặc bộ quần áo xộc xệch, đầu tóc rồi bù trông có vẻ kham khổ lắm. Lão là người hàng xóm của tôi. Vợ lão chết, con lão thì đi làm đồn điền cao su không biết khi nào về. Lão cứ sống như vậy cô đơn, thui thủi một mình ngày này qua ngày khác. Nhưng có điều khiến tôi thấy rất lạ. Hôm trước, tôi còn sang xin nhà lão mấy củ gừng về pha nước thì thấy lão cưng nựng con chó lắm kia mà; một điều "cậu" này, hai điều "cậu" nọ. Khi ăn thỉnh thoảng lão còn gắp thức ăn cho con chó của lão. Vậy mà giờ lại phải bán nó đi sao? Ông giáo hỏi:

   - Thế nó cho bắt à?

   Lúc bấy giờ thì mắt lão Hạc đã ầng ậc nước. Những nếp nhăn xô vào với nhau, ép cho nước mắt chảy ra, trông lão giờ già đi đến hơn chục tuổi.

   - Khốn nạn! Nó có biết gì đâu ông giáo ơi! Nó thấy tôi gọi thì chạy ra. Cùng lúc đó thì chúng nó tóm gọn con chó rồi lôi đi xềnh xệch.

   Tôi bắt đầu hiểu ra câu chuyện của lão Hạc và mường tượng cảnh thằng Mục, thằng Xiên dốc ngược con chó lên, trói chân, trói tay nó lại rồi mang đi. Lão Hạc mếu máo nói:

   - Lúc đấy thì cu cậu mới biết là cu cậu chết! Mắt nó long sòng sọc rồi dại đi. Nó cứ ăng ẳng nhìn tôi như thể nó nói: A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão thế nào mà giờ lão xử tôi như vậy hả.

   - Cụ cứ khéo tưởng tượng đấy chứ nó có biết gì đâu. Vả lại! Ai nuôi chó mà chẳng để giết thịt. Ta giết nó chính là hóa kiếp cho nó đấy chứ! - Ông giáo nói.

   Lão Hạc chua chát bảo:

   - Ông giáo nói phải! Ta hóa kiếp cho nó để nó được đầu thai thành kiếp khác may ra có là kiếp người. Như ông với tôi chẳng hạn!

   Tôi nghe mà không kìm được nước mắt. Tôi cảm thấy đau khổ và xót thương cho lão Hạc quá! Lão chỉ có mỗi con chó để bầu bạn hằng đêm. Có con chó đó cũng đỡ buồn và bù đắp được cho sự thiếu thốn tình cảm của lão. Vậy mà giờ lão phải bán nó đi để lấy tiền để dành cho con sao! Lão Hạc quả là một con người tốt và có tình thương yêu con sâu sắc mà hiếm ai có được.

   Ông giáo nói:

   - Không có kiếp gì là sướng cả! Để tôi vào nhà pha ấm nước chè rồi ba ông con mình vừa rít thuốc lào vừa uống, thế là sướng!

   - Ông giáo dạy phải! Nhưng giờ tôi có việc gấp phải đi bây giờ ông giáo ạ!

   - Còn sớm mà, cụ hẵng ở lại chơi với chúng tôi cái đã!

   - Ông giáo cho tôi xin khất chứ hôm nay thì nhất quyết không được.

   Vậy là lão Hạc lại loạng choạng ra về trong sự ái ngại của tôi và ông giáo. Thuốc lào đã được vo viên mà không ai thèm đụng đến. Tôi nghĩ đến lão Hạc, một con người đầy tình thương và giàu lòng tự trọng. Một người vì con mà sẵn sàng bán đi thứ yêu quý nhất, kỷ vật của mình. Một người mà đã mếu máo, khóc hu hu như trẻ con vì nỡ lừa một con chó. Một người đáng kính như vậy mà phải sống khổ, sống sở như vậy sao? Cuộc đời thật bất công đối với những con người tốt, chỉ toàn khổ đau, bất hạnh. Tôi từ biệt ông giáo đi về mà lòng đau như cắt.

   Tôi, ông giáo và lão Hạc, những người nông dân nghèo khổ, bị xã hội dồn đến đường cùng mà vẫn phải sống, vẫn phải tồn tại trên cái thế giới này. Cảm ơn lão Hạc, lão đã cho tôi hiểu được tình thương và lòng tự trọng quý giá của một con người. Tôi sẽ mãi khắc sâu bài học này trong tâm can và ý chí của mình đến cuối đời!

Bài văn mẫu 3

   Ở xóm Giữa của làng Đại Hoàng chỉ có khoảng vài chục nóc nhà. Lão Hạc là hàng xóm của gia đình em và gia đình ông giáo Tri. Ông giáo Tri là người có học, hiểu biết rộng và tử tế nên được dân làng tin cậy. Chiều chiều, lão Hạc thường xách cái vò đất nung sang nhà ông giáo để xin nước giếng. Lần nào ông giáo cũng giữ lão Hạc lại chuyện trò, uống bát nước chè tươi hoặc hút điếu thuốc lào... để cho lão bớt cảm thấy lẻ loi, cô độc. Vợ chết đã lâu, con trai lại đi phu cao su đất đỏ mãi tận Nam Kì, Lão Hạc sống thui thủi một mình trong căn nhà nát chỉ có mỗi chú chó Vàng làm bạn. Lão quý nó như quý con, cho nó ăn bằng bát như người.

   Chiều nay, lão sang chơi sớm hơn mọi khi. Vừa thấy ông giáo, lão báo ngay:

   – Cậu Vàng đi đời rồi, ông giáo ạ!

   Ông giáo ngạc nhiên:

   – Cụ bán nó rồi ư? Sao cụ bảo là...?

   Lão Hạc gật đầu, cố lấy giọng vui vẻ nhưng miệng méo xệch và mắt thì đỏ hoe. Ông giáo nhìn lão ái ngại, lòng đầy thương xót:

   – Thế nó để cho bắt dễ dàng hả cụ? Bất chợt, lão Hạc bật khóc hu hu, khuôn mặt co rúm lại vì đau khổ.

   – Khốn nạn... ông giáo ơi!... Nó có biết gì đâu! Nó thấy tôi gọi thì chạy ngay về, vẫy đuôi mừng. Tôi cho nó ăn cơm. Nó đang ăn thì thằng Mục nấp trong nhà, ngay đằng sau nó, tóm lấy hai cẳng sau dốc ngược lên. Cứ thế là thằng Mục với thằng Xiên, hai thằng chỉ loay hoay một lúc là trói chặt cả bốn chân nó lại. Đấy giờ cu cậu mới biết là cu cậu chết!... Này! ông giáo ạ! Cái giống nó cũng khôn! Nó kêu ư ử và nhìn tôi, như muốn trách tôi rằng: "A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão đối xử với tôi như thế này à?". Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi mà còn đánh lừa một con chó. Nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó!

   Ông giáo vỗ an, an ủi lão:

   – Cụ cứ tưởng thế đấy chứ nó chả hiểu gì đâu! Vả lại, ai nuôi chó mà chả để bán hay giết thịt! Ta giết nó chính là hoá kiếp cho nó đấy, hoá kiếp để cho nó làm kiếp khác cụ ạ!

   Lão Hạc cố gượng cười:

   – Ông giáo nói phải! Kiếp con chó là kiếp khổ thì ta hoá kiếp cho nó để nó làm kiếp người, may ra sung sướng hơn một chút... Kiếp người như kiếp tôi đây chẳng hạn!

   Biết lão đang tự mỉa mai, ông giáo nói:

   – Kiếp ai thì cũng thế cả thôi, cụ ạ! Cụ tưởng tôi sung sướng hơn chăng? Thôi, bây giờ có cái này là sung sướng: Cụ ngồi xuống phản chơi, tôi đi luộc mấy củ khoai, nấu ấm nước chè, rồi tôi với cụ vừa ăn khoai, uống nước hút thuốc lào vừa nói chuyện, thế là sướng!

   Vẻ mặt lão Hạc nghiêm trang hẳn:

   – Xin phép ông giáo để cho khi khác! Tôi muốn nhờ ông giáo giúp cho một việc.

   – Việc gì thế cụ?

   – Chuyện là thế này, ông giáo ạ!

   Thế rồi lão Hạc kể lể về anh con trai của lão chỉ vì không có tiền cưới vợ mà phẫn chí bỏ nhà đi phu đồn điền cao su ở tận Nam Kì đã hơn năm nay. Lão nhờ ông giáo trông coi hộ mảnh vườn ba sào để sau này, con trai lão về thì có sẵn đất đấy mà làm ăn. Còn chuyện thứ hai là lão gửi ông giáo giữ hộ ba mươi đồng bạc dành dụm từ việc bán chút hoa lợi còm cõi và tiền vừa bán chó. Lão bảo rằng lão đã già yếu, lại nay ốm mai đau, chẳng biết thế nào. Rủi có nằm xuống thì sẵn số tiền ấy, nhờ ông giáo đứng ra lo liệu cho, thiếu đâu đành trông cậy vào hàng xóm. Lặng nghe lão Hạc nói, ông giáo trầm ngâm suy nghĩ. Lão Hạc vốn là người khái tính, ít chịu phiền ai. Không biết lão có ý định gì mà hôm nay lại nhắc đến những chuyện hệ trọng như thế?! Ông giáo động viên lão Hạc:

   – Gớm, cụ cứ lo xa làm gì cho mệt? Cụ còn khoẻ lắm, chết là chết thế nào? Cụ cứ để tiền mà ăn, khi nào chết hãy hay, tội gì có tiền mà lại chịu nhịn đói?!

   Lão Hạc vẫn năn nỉ:

   – Mong ông giáo thương tình tôi già nua tuổi tác mà nhận cho! Được vậy thì tôi cảm ơn lắm!

   Không thể từ chối, ông giáo đành nhận lời, nhưng vẫn băn khoăn hỏi lại:

   – Có bao nhiêu tiền dành dụm, cụ gửi tôi cả thì từ mai lấy gì mà ăn?

   Lão Hạc xua tay tỏ ý không cần:

   – Ông giáo đừng lo, tôi đã sắp xếp đâu vào đấy cả rồi ạ! Xin phép ông giáo, tôi về!

   – Vâng! Cụ lại nhà!

   Lão Hạc chậm chạp lê từng bước chân ra cổng, ông giáo nhìn theo cái dáng lòng khòng, lam lũ của lão mà động lòng thương. Dạo này, cà làng đói. Có người cả tháng không biết đến hạt cơm, chỉ củ khoai, củ sắn, mớ rau lang, rau má... sống lay lắt qua ngày. Lão Hạc cũng thế, nhưng lão thà nhịn đói chứ nhất quyết không bán mảnh vườn để dành cho con. Lúc bóng lão Hạc đã khuất sau rặng tre đầu ngõ, ông giáo thở dài quay vào nhà, trong tay vẫn giữ chặt chiếc túi nhỏ màu nâu cũ kĩ đựng mấy chục đồng bạc của lão Hạc gửi. Ông giáo lắc đầu, lẩm bẩm một mình: "Rõ khổ!".

   Chứng kiến đầu đuôi câu chuyện, trong lòng em trào lên tình cảm xót xa và mến phục. Cuộc sống của lão Hạc chẳng có gì vui. Cái nghèo đeo đẳng làm khổ lão suốt đời. Ông lão già nua, ốm yếu ấy sống âm thầm, lặng lẽ trong sự chờ đợi mỏi mòn đứa con trai yêu quý của mình. Ngày trở về của anh ấy chắc còn xa lắm, mà lão Hạc thì như ngọn đèn lắt lay trước gió. Tình thương và đức hi sinh của ông lão thật đáng cảm phục và bi kịch của cuộc đời ông lão khiến cho chúng ta rơi nước mắt.

   Số phận bi đát của lão Hạc cũng là số phận chung của nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám, khi chưa được Đảng giác ngộ và dẫn dắt vào con đường đấu tranh giải phóng khỏi ách nô lệ của chế độ thực dân, phong kiến vạn ác.

Bài viết biết ơn về Thầy Cô giáo

 Ông cha xưa đã từng có câu: “Tôn sư trọng đạo” để nói lên vấn đề biết ơn, kính trọng những người đã dạy dỗ mình. Xã hội hiện đại ngày càng phát triển, có những giá trị văn hóa truyền thống đã dần bị phai nhạt, nhưng truyền thống Tôn sư trọng đạo này cần phải được giữ gìn và phát huy.

   Biết ơn là luôn ghi nhớ công ơn những người đã giúp đỡ ta trong những lúc khó khăn, hoạn nạn, giúp ta khôn lớn trưởng thành. Không chỉ ghi nhớ công lao mà phải luôn có ý thức sẽ báo đáp, đền ơn những người đã giúp đỡ mình. Biết ơn thầy cô giáo cũng vậy, nó được thể hiện bằng những hành động hết sức cụ thể như nghe lời, kính trọng thầy cô, chăm ngoan học giỏi để đạt thành tích cao hơn nữa trong học tập.

   Biết ơn, kính trọng thầy cô là đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đã được lưu giữ hàng nghìn năm nay:

   Muốn sang thì bắc cầu kiều

   Muốn con hay chữ, phải yêu lấy thầy

   Hay câu: Không thầy đố mày làm nên

   Những câu tục ngữ đó đã có thấy tầm quan trọng của người thầy trong cuộc đời mỗi con người. Có ai khôn lớn trưởng thành, đạt được nhiều thành tựu rực rỡ mà phía sau không có một người thầy lỗi lạc tận tụy chỉ bảo. Có lẽ từ xưa đến nay chưa từng có một người nào như vậy. Thầy cô đem đến cho chúng ta biết bao bài học, từ cách tiếp thu tri thức, văn hóa cho đến dạy chúng ta cách ứng xử cho phải đạo, lễ phép. Thầy cô sát sao ta từng con chữ, bài học, mong cho chúng ta nên người. Thầy cô chính là người cha, người mẹ thứ hai của mỗi học trò.

   Từ xưa đến nay có biết bao tấm gương tôn sư trọng đạo đã được lưu danh sử sách. Ví như Lê Văn Thịnh, nổi tiếng thông minh hoc giỏi, hiểu sâu biết rộng. Tuy đỗ đạt làm quan lớn trong triều, nhưng khi về thăm thầy vẫn nhất mực cung kính quanh tay, xưng con với thầy. Hay Phạm Sư Mạnh, học trò của Chu Văn An, học cũng là người học trò thông mình. Sau đỗ đạt làm quan Tham Chính khu Mật viện, rồi làm đến cả Hành khiển tả ty lang trung. Mặc dù chức sắc lớn, công việc bề bộn nhưng năm nào ông cũng sắp xếp thời gian về thăm thầy, cung kính khi đứng trước mặt thầy thầy đáng trọng Chu Văn An. Trong xã hội hiện đại, chúng ta không thể không nhắc đến thầy giáo Văn Như Cương, một người thầy đáng trọng, luôn được học trò yêu quý, khi thầy mất đã đem đến niềm tiếc thương vô hạn cho toàn thể học trò trong và ngoài trường.

   Bên cạnh những học sinh có ý thức, hiểu được ý nghĩa của việc tôn trọng, biết ơn thầy cô thì vẫn có những học trò còn hỗn láo, có những hành động đáng chê trách như cãi. Chửi nhau, thậm chí là đánh thầy cô giáo. Đó là biểu hiện của sự suy đồi đạo đức và lối sống trong lớp trẻ. Nếu những hành động đó còn tiếp diễn, thì quả thật đáng lo ngại cho tương lai của nước nhà.

   Biết ơn, kính trọng thầy cô là một nét đẹp trong văn hóa ứng xử. Thầy cô trao cho ta biết bao tri thức, bài học, bởi vậy kính trọng họ là điều tất yếu. Dù xã hội có thay đổi thế nào đi chăng nữa, chúng ta vẫn cần giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp này.

Nguồn: vietjack