Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Văn mẫu: Viết bài tập làm văn số 1

Gửi bởi: Nguyễn Thị Ngọc 26 tháng 10 2019 lúc 14:40:29


Mục lục
* * * * *

Kể cho bố mẹ nghe một câu chuyện lí thú (Bài văn mẫu 1)

Vào các buổi tối cuối tuần, sau giờ ăn cơm, gia đình tôi thường quây quần bên nhau, trò chuyện, chia sẻ những câu chuyện cuộc sống. Hôm nay dù không phải là cuối tuần nhưng lại là ngày 8/3 nên gia đình tôi tổ chức một bữa tiệc nho nhỏ dành cho mẹ. Trong bữa cơm đầm ấm ấy tôi vô cùng vui sướng kể lại cho bố mẹ nghe câu chuyện xảy ra trong buổi lễ mít tinh.

   Hôm nay là ngày mùng 8 tháng 3 trường tôi có tổ chức hội thi cắm hoa. Bạn nào bạn nấy đều vô cùng hào hứng, ai cũng đến trường thật sớm để chuẩn bị. Việc cắm hoa năm nay được giao cho các bạn nam của lớp, các bạn ấy nhận nhiệm vụ đầy tự tin và hứa với cô giáo cùng cả lớp sẽ mang giải nhất về. Mọi người đều vô cùng hứng khởi. Nhưng lớp cũng có đôi chút buồn vì gần đến ngày thi cô giáo chủ nhiệm bị ốm không thể đến cổ vũ và chung vui với chúng tôi được.

   Hội thi bắt đầu, ba bạn nam lớp tôi hăng hái bắt tay cắt hoa và cắm vào lẵng. Những động tác còn vụng về, cắt hoa đôi lúc còn khiến hoa gẫy, nhưng khuôn mặt ai cũng hết sức nghiêm túc và căng thẳng, trong mắt họ tôi còn thấy ánh lên cả niềm vui, sự hạnh phúc. Chẳng mấy chốc lẵng hoa của lớp tôi đã hoàn thành. Lẵng hoa làm xong thực sự không quá đẹp nhưng chứa đựng cả tấm lòng của các bạn. Sau đó, chúng tôi tranh thủ đi ngắm các lớp khác, dưới đôi bàn tay khéo léo của các bạn nữ, lẵng hoa của các lớp còn lại đều rất đẹp đẽ, sáng tạo. Nhưng tôi vẫn đầy tự hào và hạnh phúc về thành quả mà các bạn nam của lớp đã tạo ra. Trong mắt tôi chúng đẹp nhất, ấm áp nhất.

   Lúc công bố giải ai cũng hồi hộp, mong ngóng nhưng giải khuyến khích, giải ba, rồi giải nhì đều đã đi qua mà không thấy lớp tôi được xướng tên lên. Và tất nhiên giải nhất thì chúng tôi không bao giờ dám mơ tới. Ai nấy đều buồn bã mặc dù hiểu thành phẩm của lớp thực sự không phải quá xuất sắc. Nhưng có một điều thật bất ngờ đã xảy ra, khi giải nhất được trao xong, thầy phụ trách đọc thêm giải đặc biệt dành cho lớp có bài thuyết trình cảm động nhất và cái tên 7A2 đã được vang lên. Chúng tôi vỡ òa vì điều bất ngờ đó, cả lớp nhảy cẫng và hét ầm lên vì sung sướng, các bạn nam hồ hởi lên nhận giải. Bài thuyết trình của chúng tôi là lời cảm ơn đến công ơn dạy dỗ, bảo ban của cô giáo chủ nhiệm. Bằng ngôn ngữ giàu cảm xúc, có lẽ đã lay động được ban giám khảo.

   Ngay sau khi nhận giải, cả lớp mang lẵng hoa và phần thưởng đến nhà cô giáo vừa để thăm cô vừa để chia sẻ niềm vui cùng cô. Cô ốm nên hai đôi mắt trũng sâu lại, làn da tái đi, chúng tôi phải vào tận giường thăm cô. Thấy chúng tôi đến cô hết sức vui mừng, nghe kể về giải thưởng ngày hôm nay và nghe các bạn đọc lại bài thuyết trình cô ứa hai dòng nước mắt nói lời cảm ơn chúng tôi. Cô giáo tôi là người nhân hậu, hiền từ, món quà nhỏ này chúng tôi cố công làm hết sức mình để dâng tặng cô và gửi lời cảm ơn cô đã dìu dắt, chăm lo cho chúng tôi.

   Chúng tôi ra về lòng ai cũng vui sướng, xúc động. Vì vừa đạt được giải thưởng lại vừa làm cô giáo vui lòng. Có lẽ, không phải cô vui vì bó hoa hay giải thưởng mà lớp đạt được, cô vui vì nhận thấy tấm lòng chân thành, sự khôn lớn, trưởng thành của chúng tôi.

   Qua hội thi lần này tôi nhận ra rằng món quà ý nghĩa nhất, đẹp đẽ nhất là món quà xuất phát từ sự chân thành, bằng tình cảm chân thật. Chúng tôi tự hứa sẽ cố gắng học tập thật tốt để mang món quà nhỏ báo đáp công ơn dạy dỗ của cô.

Kể lại nội dung bài thơ Lượm của Tố Hữu (Bài văn mẫu 1)

Năm 1946, thực dân Pháp trở mặt xâm lược nước ta một lần nữa. Hồ Chủ tịch thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, động viên nhân dân quyết hi sinh để bảo vệ chủ quyền độc lập, tự do chúng ta đã phải đổ bao xương máu mới giành lại được. Từ Hà Nội, tôi trở về quê hương, đúng lúc gặp giặc Pháp tấn công vào Huế. Không khí những ngày đó thật sôi sục. Người dân xứ Huế không phân biệt già trẻ, gái trai, đồng lòng đánh giặc, bảo vệ quê hương.

   Đang rảo bước trên đường Hàng Bè, tôi chợt nghe tiếng gọi vô cùng quen thuộc: "Ôi chú Lành! Chú về hồi nào vậy?". Tôi ngẩng lên nhìn. Một chú bé loắt choắt, da sạm nắng, trên đầu là chiếc mũ ca nô đội lệch, trông mới tinh nghịch làm sao. Cháu cười, phô hàm răng trắng đều, sải bước thật nhanh về phía tôi, hai tay dang rộng, chiếc xắc cốt nhún nhảy trên lưng theo nhịp bước.

   Ồ! Lượm! Đứa cháu bé bỏng của tôi! Xa cháu chưa lâu mà tôi thấy cháu khác trước nhiều quá! Cháu chững chạc hẳn lên, trông như một anh bộ đội thực thụ. Tôi ôm chặt Lượm vào lòng, vội vã hỏi thăm về những người thân. Cháu vui vẻ khoe:

   - Cháu làm liên lạc. Ở với các chú bộ đội trong đồn Mang Cá, cháu được các chú ấy dạy chữ, dạy hát, dạy bắn súng, dạy cách làm việc... Vui lắm chú à!

   Lượm hào hứng kể rồi cười thích thú, mắt sáng ngời, đôi má ứng đỏ như trái bồ quân chín. Tôi cũng vui lây trước niềm vui trẻ thơ, hồn nhiên của Lượm. Cháu giơ tay lên mũ, đứng nghiêm chào tôi: "Thôi, chào đồng chí!" kèm theo nụ cười tinh nghịch. Tôi đứng lặng nhìn theo bóng cháu đang thoăn thoắt nhảy chân sáo trên đường. Tiếng huýt sáo vui vẻ của Lượm vẫn còn văng vẳng bên tai. Tôi rất vui vì Lượm đã trở thành đồng đội của tôi, một đồng đội tí hon.

   Ngày tháng trôi qua, hai chú cháu tôi chiến đấu trên hai mặt trận khác nhau. Vào một ngày hè tháng sáu, tôi bàng hoàng khi nhận được tin Lượm đã hi sinh trong một trận tấn công đồn giặc. Giữa lúc cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, Lượm nhận nhiệm vụ chuyển thư thượng khẩn ra mặt trận. Trong lửa đạn mịt mù, cháu lao lên như một mũi tên, không sợ hiểm nguy, quyết trao tận tay người chỉ huy trận đánh lệnh của cấp trên. Một viên đạn thù đã bắn vào cháu. Lượm ngã xuống trên quê hương, giữa đồng lúa thơm mùi sữa lên đòng. Lượm đã hi sinh ngay trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình. Cháu ra đi mãi mãi, để lại niềm thương cảm khôn nguôi trong lòng tôi...

   Mỗi khi nghĩ đến Lượm, trong tâm trí tôi lại hiện lên hình ảnh một chú bé loắt choắt, vai đeo chiếc xắc cốt đựng tài liệu, đầu đội lệch chiếc mũ ca lô, miệng huýt sáo vang, vừa đi vừa nhảy chân sáo trên con đường chan hòa ánh nắng.

Miêu tả vẻ đẹp núi rừng quê hương em

Đã là người Việt Nam, hẳn ai cũng đã từng nghe đến tên núi Tản Viên – ngọn núi thiêng gắn liền với truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh nổi tiếng trong kho tàng truyện cổ nước ta.

   Núi Tản Viên hay còn gọi là núi Ba Vì thuộc tỉnh Hà Tây (nay đã nhập vào Hà Nội), giáp ranh với Hòa Bình. Từ thị xã Sơn Tây vào tới chân núi chưa tới hai mươi cây số. Vào những ngày mùa hạ, nắng đẹp, trời trong, dãy Ba Vì hiện lên với tất cả vẻ hùng vĩ, oai nghiêm và thơ mộng vốn có tự ngàn đời của nó.

   Đứng trên đê sông Hồng lộng gió, phóng tầm mắt ra xa, ta sẽ thấy dãy núi xanh thẫm sừng sững in hình trên nền trời biếc. Đỉnh núi chia làm ba ngọn. Cao nhất là ngọn Ngọc Hoa ở giữa, hai bên là ngọn Ông, ngọn Bà. Sáng sớm, mây trắng vờn quanh, Ba Vì thấp thoáng sau làn sương mỏng, trông càng thêm huyền ảo.

   Buổi trưa, nắng trung du xứ Đoài vàng như hổ phách. Không khí trong veo. Nắng phủ vàng rực triền núi, lấp lánh trên những tán cổ thụ của đại ngàn. Càng về chiều, màu núi càng tím sẫm lại, nổi bật trên nền ráng đỏ của hoàng hôn. Núi Ba Vì lúc ấy trông kì vĩ lạ lùng!

   Trải dài ven chân núi là những dãy đồi chập chùng, nhấp nhô như sóng lượn. Màu vàng nâu của những trảng cỏ tranh xen lẫn màu xanh ngăn ngắt của đồng cỏ. Hàng ngàn con bòcủa nông trường đang thòn dong gặm cỏ trên những triền đồi. Màu tím hồng của hoa sim, hoa mua sáng lên dưới nắng.

   Hồ Suối Hai như một tấm gương khổng lồ soi bóng trời mây, non nước. Gió thổi, mặt nước lao xao, bóng núi lung linh, chập chờn theo làn sóng. Đủ loại chim như mòng, két, le le… mải mê kiếm mồi. Thỉnh thoảng, chúng bay vút lên, chao lượn giữa không trung bàng bạc hơi sương.

   Những năm gần đây, khu du lịch Đồng Mô, Ngải Sơn của Ba Vì đã trở thành một điểm đến đầy lí thú đối với du khách trong và ngoài nước. Du khách sẽ được thưởng thức vẻ đẹp muôn màu, muôn vẻ của thiên nhiên: những rừng cây âm u, dốc đá cheo leo, hiểm trở, những thác nước tung bọt trắng xóa, lấp lánh bảy sắc cầu vồng. Ao Vua nước trong văn vắt nhìn thấu đáy, những hang động ăn sâu vào lòng núi…hấp dẫn vô cùng! Hòa mình vào khung cảnh thơ mộng của núi rừng, bao nhiêu mệt mỏi sẽ tan biến hết, trong lòng ta lại dấy lên niềm vui và tình yêu cuộc sống.

   Vẻ đẹp của ngọn núi Ba Vì quê em có thể sánh với vẻ đẹp của ngọn núi Phú Sĩ nước Nhật. Dáng núi Ba Vì đã in sâu vào lòng mỗi con người sinh ra và lớn lên trên xứ sở đầy truyền thuyết và cổ tích. Dẫu biết là huyền thoại nhưng em vẫn tin rằng, giờ đây trên đỉnh ngọn núi thiêng, vị thần tài ba, dũng cảm phi thường là Sơn Tinh vẫn sống hạnh phúc bên nàng Mị Nương xinh đẹp.

Tả người bạn thân nhất của em (Bài văn mẫu 2)

Nói về tình bạn, tôi vô cùng tâm đắc với câu nói của A. Manzoni: “Một trong những hạnh phúc lớn nhất ở đời này là tình bạn, và một trong những hạnh phúc của tình bạn là có một người để gửi gắm những tâm sự thầm kín”. Tôi đã tìm được niềm hạnh phúc lớn trong tình bạn kể từ khi gặp An, người bạn thân nhất của tôi cho đến tận bây giờ và có lẽ là mãi mãi.

   Năm tôi lên lớp năm, gia đình tôi chuyển lên thành phố sống, bố mẹ cho tôi chuyển đến theo học ở một ngôi trường mới, ở đó tôi không quen biết ai, bạn bè đều rất xa lạ. Đúng lúc cô đơn nhất tôi quen được An lớp trưởng của lớp. Ngay từ ban đầu, tôi đã có ấn tượng đặc biệt với ngoại hình của An. Dáng An thanh mảnh nhìn rất dịu dàng, nữ tính. Mái tóc dài ngang vai, đen mượt lúc được tết hai bên vô cùng đáng yêu. Nước da trắng ngần chính là điểm nổi bật ở An, cho đến tận bây giờ mỗi khi đi cạnh An, tôi vẫn luôn mặc cảm về nước da đen nhẻm của mình. An có khuôn mặt bầu bĩnh giống như vầng trăng, chiếc mũi tuy không cao nhưng rất hợp với khuôn mặt ấy. Tôi đặc biệt ấn tượng đôi mắt của bạn, nó tròn to đen láy sáng long lanh như hạt sương mai, đôi mắt ấy toát lên sự thông minh, lanh lợi. Người ta thường nói đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, nhìn vào đôi mắt An, tôi dường như cũng cảm nhận được sự trong trẻo, đầy yêu thương nơi tâm hồn ấy của bạn. Chưa bao giờ tôi có ấn tượng sâu sắc về một người ngay từ phút ban đầu như thế.

   Có lẽ An cũng có ấn tượng, cảm tình với tôi. Gặp tôi từ buổi học đầu tiên, An rất hòa nhã, dịu dàng, lại thân thiện, cởi mở. Bạn chủ động nói chuyện cùng tôi, chia sẻ với tôi những câu chuyện học tập, những vấn đề về trường lớp. Thời gian trôi đi, chúng tôi trở thành đôi bạn thân của nhau. An là một người lanh lợi, hoạt bát, thường xuyên tham gia các hoạt động của lớp, của trường. Chính An cũng là người rủ tôi cùng tham gia những hoạt động ấy khiến tôi trở nên hòa đồng và năng động hơn rất nhiều. Cùng An tham gia các chương trình, tôi còn phát hiện An hát rất hay và múa cũng đẹp. Giọng hát của An cao vút và rất truyền cảm, bạn được mệnh danh là “tiếng sơn ca” của trường. Được làm bạn thân của An, tôi vô cùng tự hào, hãnh diện.

   Không chỉ vậy, An còn là một cô gái rất tốt bụng. Tôi còn nhớ như in những ngày tôi bị ốm không thể đến trường, An còn đến tận nhà tôi cho tôi mượn sách, chỉ cho tôi những bài tập khó. Tôi không bao giờ quên ánh mắt trừu mến, cảm thông nhẫn nại mỗi khi An giảng mà tôi không hiểu bài, nụ cười tươi rói của An khi tôi làm được bài khó. Tôi rất quý An và xem bạn ấy như người chị em thân thiết của mình, chúng tôi cùng nhau chơi đùa, cùng nhau học tập, giúp nhau tiến bộ.

   Không chỉ xinh đẹp, học giỏi, tốt bụng, An còn là một người con rất hiếu thảo. Sinh ra trong một gia đình khá giả nhưng An rất chăm chỉ, chịu khó làm việc nhà giúp đỡ bố mẹ. Có hôm tôi đến nhà An chơi, tôi thấy cậu ấy đã biết rửa chén, lau nhà giúp mẹ. Nhìn cách cậu ấy làm việc rất khéo léo, tỉ mỉ và thành thạo. An luôn cố gắng học tập, rèn luyện và dành những điểm tốt để bố mẹ vui lòng, bạn không bao giờ làm điều sai trái, cãi lời bố mẹ khiến họ phải phiền lòng. Tôi xem An như một tấm gương để họ tập, noi theo.

   Giờ đây, chúng tôi đều đã là học sinh phổ thông, không được học cùng lớp với nhau, dù không được thường xuyên gặp nhau nữa nhưng chúng tôi vẫn luôn thân thiết, gắn bó, cùng nhau sẻ chia những vui buồn, cùng nhau tiến bộ, trưởng thành. An càng lớn càng xinh xắn, duyên dáng và học giỏi và luôn là niềm tự hào của bố mẹ, thầy cô, bạn bè.

   Tôi trân quý tình bạn của mình và An. Tôi luôn thấy mình là người may mắn và hạnh phúc khi được gặp An và kết thân cùng bạn. Mai đây, dòng đời có thể đưa chúng tôi đến mỗi nơi khác nhau nhưng tôi chắc chắc rằng trái tim mà tôi và An dành cho nhau mãi mãi không thể xa cách.

Tả cây đa làng em

Đầu làng em có một cây đa có lẽ đã vài trăm tuổi. Thân cây lớn lắm! Rễ đa ngoằn ngoèo như những con trăn khổng lồ uốn khúc. Xung quanh gốc chính là hàng chục gốc phụ khiến cho cây thêm bề thế và vững chãi. Cách xa hàng cây số đã nhìn thấy bóng đa cao vượt khỏi lũy tre làng, sừng sững in trên nền trời xanh biếc.

   Bóng đa che mát một khoảng đất rộng. Chim chóc làm tổ trên cành, suốt ngày ríu rít. Đang đi trên đường nắng chang chang, khách ghé vào quán tranh nghỉ chân, uống một bát nước chè xanh hãm đặc, tận hưởng cơn gió nồm nam lồng lộng thổi, quả là không có gì sung sướng bằng, bao nhiêu mỏi mệt đều tan biến hết.

   Tuổi thơ chúng em cũng tìm được ở cây đa nhiều điều kì thú. Lá đa to, dày và xanh bóng đem cuộn tròn lại, xé hai bên mép lá làm sừng, buộc một mẩu dây chuối khô vào cuống rồi luồn vào trong, khe khẽ kéo... Thế là đã có một "con trâu lá đa", cặp sừng cong cong, cái đầu gục gặc như sẵn sàng nghênh chiên. Nào là trâu bố, trâu mẹ, nghé tơ... nằm quây quần bên nhau, nhìn mới thích làm sao!

   Những chiếc búp đa khô quăn queo màu nâu rơi trên mặt cỏ nhặt về có thể làm kèn. Kèn búp đa ngậm vào miệng rồi phồng má thổi, nó kêu "toe" lên một tiếng, kèm theo chuỗi cười trong trẻo vang xa.

   Chiều hè, chúng em thường túm năm tụm bảy dưới gốc đa để thi thả diều. Bờ con mương chạy ngang cánh đồng làng là nơi thả diều lí tưởng. Những cánh diều chấp chới bay cao; tiếng sáo diều vi vu ngân nga giữa không trung bát ngát.

   Ông em kể rằng cây đa đã chứng kiến bao sự kiện buồn vui của làng. Lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên phấp phới bay trên ngọn đa. Cuộc mít tinh đầu tiên của dân làng thành lập chính quyền cách mạng cũng diễn ra dưới gốc đa. Trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mĩ, những cuộc tiễn đưa thanh niên lên đường nhập ngũ cũng được tổ chức ở đây... Rồi chuyện làm ăn hàng ngày, chuyện đổi mới không ngừng của làng của nước, bà con trao đổi với nhau dưới bóng mát cây đa. Cây đa cổ thụ quả đúng là nhân chứng lịch sử của làng.

Tả một loài cây em yêu

Ở những làng quê miền Bắc, đâu đâu cũng có cây xoan, một thứ cây quen thuộc, gắn bó với cuộc sống của người nông dân tự bao đời. Từ vùng trung du đất cằn sỏi đá đến vùng châu thổ sông Hồng màu mỡ, xoan được trồng trên đồi hay ven con đường làng uốn lượn quanh co, quanh nhà. Xoan rất dễ sống. Người ta chỉ cần đào một cái hố nho nhỏ, ươm cây xoan con con và đặt vào đó một niềm hi vọng.

   Thời gian trôi qua rất nhanh. Khoảng năm đến sáu năm sau, cây xoan đã trưởng thành. Thân cây cao và thẳng tắp, màu nâu sẫm. Cành xoan khẳng khiu, đầu cành lưa thưa một vài túm lá. Lá xoan mỏng và nhỏ, màu xanh đậm, phất phơ trước gió.

   Cây xoan đẹp nhất là vào cuối tháng ba, mùa hoa xoan nở. Những bông hoa nhỏ bé, cánh tím phớt, điểm mấy chấm đen li ti nở thành từng chùm. Mỗi khi có làn gió nhẹ thổi qua, những chùm hoa lại đong đưa, đong đưa khe khẽ. Không khí trong làng thơm ngát hương hoa xoan, một mùi thơm mộc mạc, dịu dàng hơn cả hoa cau, hoa bưởi.

   Ở làng em, nhà nào cũng trồng xoan. Ngọn xoan cao vượt lên khỏi những khu vườn cây cối xanh um. Sau trận mưa, hoa xoan rơi đầy lối ngõ, rắc trên những luống rau cải xanh mướt và lấm tấm cả trong vại nước trước sân nhà.

   Ngắm hàng xoan trồng trước ngõ, ông em tấm tắc khen cây nào cũng to, cũng đẹp. sang năm là có thể đốn xoan làm cột, dựng thêm chiếc nhà ngang. Gỗ xoan dẻo dai, bền chắc và đặc biệt là không mối mọt nào đục được. Ông bảo em nhớ nhắc ông bữa nào tỉa bớt lá xoan già để ủ làm phân xanh bón lúa.

   Giống như tre, trúc, cây xoan là bạn thân của người nông dân Việt Nam từ ngàn xưa. Xoan mọc ở khắp nơi, không chê đất xấu đất cằn. Nét đẹp giản dị của cây xoan góp phần làm nên vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên thanh bình chốn làng quê Bắc bộ.

Kể về chuyến nghỉ hè đáng nhớ nhất của em

Mỗi khi hè về gia đình tôi lại có những chuyến du lịch trải nghiệm rất thú vị và ý nghĩa. Những trong tất cả những kì nghỉ ấy, kì nghỉ năm lớp 6 vừa qua khiến tôi không thể nào quên được. Hè đó tôi đã được học khóa học quân sự ngắn ngày tại Hòa Bình. Kì học ngắn ngủi chỉ có mười ngày nhưng đã làm tôi trưởng thành lên rất nhiều.

   Kết thúc năm học tôi được nghỉ một tuần trước khi bắt đầu vào kì học quân sự. Về bản thân, tôi là một bạn nam khá mập, với chiếc bụng mọi người vẫn gọi yêu là chiếc trống, tôi lười tập thể dục và làm việc nhà, bởi vậy những việc đơn giản trong nhà hầu hết tôi không làm được. Trước tình hình đó khi bước chân vào lớp 6 bố mẹ ngay từ đầu năm học đã quyết định hết năm sẽ cho tôi tham gia kì học này. Thực lòng thì tôi không hề thích tham gia mấy khóa học này lắm, nghĩ đến mười ngày phải sống ở nơi núi rừng không có điện thoại là tôi đã thấy buồn chán rồi.

   Trước ngày đi, mẹ tôi đã chuẩn bị cho tôi khá kĩ lưỡng quần áo và một ít đồ ăn vặt, sợ tôi lên đó sẽ đói do không ăn hợp khẩu vị. Tôi còn nhanh nhảu giấu chiếc máy điện thoại vào ba lô để lên đó giải trí.

   Trên xe là những bạn tầm tầm bằng tuổi tôi hầu hết đều mang khuôn mặt thiểu não không muốn đi. Từ chỗ tập trung chúng tôi đi hơn một giờ đồng hồ là đã đến nơi. Ngày đầu tiên chúng tôi được chia nhỏ về các phòng, tôi ở cùng: An, Dũng, Việt, Tùng và Dương. Tôi và các bạn được nghe phổ biến nội quy và đi thăm quan một số nơi trong doanh trại. Điều làm tôi vô cùng bất ngờ và chán nản là khi kiểm tra ba lô, chúng tôi đã bị tịch thu hết đồ ăn và điện thoại.

   Năm giờ sáng hôm sau tiếng kẻng vang ầm ĩ khắp mọi nơi khiến cả phòng chúng tôi không tài nào ngủ được. Thầy quản lí đến lột chăn từng người và yêu cầu chúng tôi nhanh chóng xuống sân tập trung. Chúng tôi mắt nhắm mắt mở chạy vội xuống sân tập bài thể dục buổi sáng. Đúng 6 giờ chúng tôi ngừng tập làm vệ sinh cá nhân và 6 giờ 15 phút xuống nhà ăn sáng cùng tất cả mọi người. Vì tập luyện sáng nên chúng tôi đói lả người, cơm chỉ có canh rau, thịt và đậu phụ rán mà đứa nào cũng ăn ngon lành. Chúng tôi còn phải tự học rất nhiều thứ khác như: mắc màn, vệ sinh cá nhân, gấp chăn, tự rửa bát của mình sau khi ăn,…

   Sau đó chúng tôi được chia thành các nhóm, nhóm đi trồng rau, nhóm đi tưới cây, nhóm cho gà ăn,… cứ như thế chúng tôi hăng say lao động cả ngày. Dù mệt nhưng ai cũng vui vẻ. Bữa cơm có rau, có thịt do mình tự vun trồng, chăm bón trở nên ngon hơn tất cả những món ăn sơn hào hải vị ở nhà. Và tôi cũng hiểu ra rằng để làm ra một hạt cơm, một mớ rau thật chẳng phải điều dễ dàng gì. Tối đến chúng tôi được tham gia văn nghệ, giao lưu với nhau. Tính nhút nhát của tôi bỗng biến đâu mất, tôi vui vẻ hòa nhập cùng tất cả các bạn. Cứ thế mười ngày trôi qua vô cùng nhanh chóng, chẳng mấy chốc mà chúng tôi đã phải lên xe chia tay nhau mỗi người đôi ngả.

   Khuôn mặt ai cũng lưu luyến, bịn rịn, có những bạn gái mau nước mắt còn khóc thút thít lúc phải chia tay bạn, chia tay các thầy huấn luyện. Cứ ngỡ rằng năm nay kì nghỉ hè sẽ nhàm chán mà ngờ đâu đây là kì nghỉ đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi.

   Kết thúc kì nghỉ tôi nhận thấy mình đã khôn lớn và trưởng thành hơn rất nhiều. Tôi đã tự làm được vệ sinh cá nhân, biết giúp đỡ bố mẹ nhiều hơn, tôi trở nên vui vẻ, hòa đồng, biết nghĩ cho người khác không còn ích kỉ như trước. Cảm ơn kì học quân sự tuyệt vời, nhất định hè năm nay tôi sẽ tiếp tục học kì học này.

Nguồn: vietjack