Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Văn mẫu: Viết bài làm văn số 6: Nghị luận xã hội

Gửi bởi: Nguyễn Thị Ngọc 30 tháng 10 2019 lúc 9:26:41


Mục lục
* * * * *

Suy nghĩ của em về truyền thống Tôn sư trọng đạo của người Việt Nam 

Trong kho tàng đạo đức truyền thống của người dân Việt Nam có biết bao những phẩm chất đáng quý như: hiếu thảo, dũng cảm, lòng bao dung… nhưng không thể không kể đến tôn sư trọng đạo. Đây là một nét đẹp trong văn hóa người Việt, truyền thống quý báu của dân tộc cần được gìn giữ và phát huy ở mọi lúc mọi nơi, mọi thời đại.

Vậy tôn sư trọng đạo là gì? Theo em hiểu đó là thái độ tôn trọng, tình cảm yêu mến của các em học sinh dành cho những người làm thầy làm cô, đặc biệt là những thầy cô giáo đã trực tiếp dạy học và giáo dục, người lái đò đưa chúng ta sang sông cập bến tri thức. Thái độ ấy, tình cảm ấy luôn được thể hiện không chỉ lúc còn ở ghế nhà trường mà ngay cả khi chúng ta đã trưởng thành, đã có những thành công riêng trong cuộc sống nhưng vẫn không quên công ơn thầy cô nuôi dưỡng tài năng, ươm mầm trí tuệ.

Ngay từ những ngày xửa ngày xưa cha ông ta đã có những hành động thể hiện việc làm tôn sư trọng đao. Điều đó được thể hiện qua địa vị của người thầy trong xã hội luôn đứng sau vua và trên cha: Quân, sư, phụ bởi thấm nhuần tư tưởng của dân gian “Không thầy đố mày làm nên”, hay câu ca dao:

    “Muốn sang thì bắc cầu kiều

    Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”

Chắc hẳn chúng ta chẳng thể quên hình ảnh của những người học trò như Cao Bá Quát, Phạm Sư Mạnh luôn một lòng kính trọng thầy giáo của mình là Chu Văn An, dù cho hai ông đã làm quan to trong triều đình đến chức tể tướng nhưng vẫn lấy làm vinh dự khi được quỳ dưới giường thầy, lấy làm vinh hạnh khi được nói chuyện cùng thầy, được thầy hỏi han. Hay là câu chuyện của một Lê Hiến Tông thường xuyên về thăm thầy giáo ở Thái Bình, khi được thầy đãi cơm với canh cua cảm động mà nói: “Thầy cho con ăn bát canh này là cả một niềm hạnh phúc”. Và còn biết bao nhiêu con người như vị tiến sĩ đầu tiên của miền Nam là Phan Thanh Giản học trò của tiến sĩ Hoàng Thì Bình khi đương chức thượng thư triều đình đã cùng học trò cũ xin phép được tế sống để tạ ơn công lao dạy dỗ của thầy. Những con người ấy là tấm gương sáng đi đầu điểm tô cho truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc.

Ngày nay trong thời đại công nghệ 4.0 nhưng giá trị của truyền thống ấy vẫn giữ vai trò quan trọng trong phẩm chất tốt đẹp của người Việt giờ đây vẫn luôn được các thế hệ học trò tiếp nối. Tôn sư trọng đạo đơn giản chỉ là hành động nhỏ như: lễ phép với thầy cô, luôn một lòng kính trọng thầy cô giáo, là ý thức học tập thật tốt làm thầy cô vui lòng, luôn nhớ về ngày tôn vinh nhà giáo Việt Nam 20/11, hay lễ tết hằng năm chẳng cần hoa quà sang trọng, đắt tiền chỉ cần các em luôn nhớ về đã từng có người thầy người cô dạy mình trưởng thành và chân thành bằng lời chúc sức khỏe như vậy những người làm thầy cô giáo luôn cảm thấy mình được kính trọng và hạnh phúc.

Tuy nhiên một bộ phận nhỏ giáo viên đã làm mất đi hình ảnh người thầy mẫu mực trong mắt phụ huynh, học sinh và xã hội bởi những hành vi tiêu cực như nhận tiền để nâng điểm cho các em, nhận “tấm lòng trong phong bì” của phụ huynh hay có hành vi chửi bới không tôn trọng nhân cách người học, đánh đập ra tay dã man với các em gây xôn xao dư luận. Thử hỏi những người thầy cô như vậy có xứng đáng đứng trên bục giảng để dạy học và giáo dục các em nữa hay không? Đặc thù của nghề giáo là dùng nhân cách để giáo dục nhân cách vậy thầy giáo có nhân cách tồi thì thế hệ học sinh của thầy sẽ ra sao?

Chính điều đó đã làm cho một bộ phận không ít các em học sinh ngày nay có hành động vô lễ với giáo viên bào mòn đi truyền thống tôn sư trọng đạo. Học sinh gặp giáo viên không chào hỏi mà còn buông lời chọc ghẹo, mỉa mai, chửi giáo viên thậm chí là có hành động lên bục giảng, túm tóc đánh giáo viên trước lớp như vụ việc năm 2015 của em Lê Thị Hiền học sinh lớp 11A trường THPT Đồng Hới hay chặn đường đánh giáo viên vì trên lớp ghi tên vào sổ đầu bài, cho điểm kém. Thực sự những hành vi như vậy phải bị lên án để giáo dục lại bài học đạo đức cho các em.

Là một người học sinh em ý thức được vai trò quan trọng của người thầy bởi “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, cũng hiểu được đạo lí truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc từ đó hình thành cho em tình cảm tôn trọng thầy cô và luôn cố gắng không ngừng học tập, rèn luyện, trau dồi giá trị đạo đức nhân phẩm thật tốt để mai sau có thể trở thành một nhà giáo giỏi được học sinh yêu quý, kính trọng bởi “Có thờ thầy mới làm được thầy”.

Như vậy truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam đã có từ bao đời nay, đó là nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt nghìn năm văn hiến luôn cần được gìn giữ và phát huy giá trị. Hỡi! bao thế hệ học sinh, sinh viên hãy để cái nhìn của quốc tế vào con người Việt Nam vừa có tinh thần hiếu học vừa có truyền thống tôn sự trọng đạo quý báu.

Hãy phân tích tác hại của việc thiếu trung thực trong thi cử

Trong đời sống xã hội, giáo dục luôn là lĩnh vực có vai trò quan trọng đối với vận mệnh và sự phát triển của quốc gia, ở mọi thời đại. Ngày nay với sự phát triển của nền kinh tế tri thức giáo dục càng phải được ưu tiên là “Quốc sách hàng đầu”, được quan tâm và đầu tư nhất. Tuy nhiên vẫn có một lỗ hổng lớn của nền giáo dục nước nhà là việc thiếu trung thực trong thi cử để lại hậu quả nghiêm trọng cho hiện tại và biết bao hệ lụy trong tương lai. Đã đến lúc không thể làm ngơ và cần phải có biện pháp thích hợp để trả lại sự nghiêm túc cho ngành giáo dục nước nhà.

Thiếu trung thực trong thi cử được biểu hiện rất đa dạng nó có mặt ở mọi kì thi lớn nhỏ. Nếu như bài kiểm tra, hay bài thi học kì học kì trên lớp nó biểu hiện là việc quay cóp tài liệu, chép bài bạn, sửa điểm, nâng điểm... thì ngay ở trong kì thi lớn Trung học phổ thông Quốc gia_bước ngoặt cuộc đời của mỗi con người thủ đoạn của việc thiếu trung thực trở nên tinh vi, tiểu xảo hơn như sử dụng phương tiện hỗ trợ nhìn bài, tai nghe lén, đút lót hối lộ giám thị, giám khảo, mua điểm, mua bằng.... Nó là cả một đường dây của một lô một lố những con người thiếu trung thực từ quan chức cấp cao, giáo viên đầu ngành, các bậc phụ huynh, học sinh. Dù là biểu hiện dưới hình thức nào thì đó vẫn là những hành vi không thể chấp nhận và không được phép tồn tại. Trong những ngày gần đây dư luận đang xôn xao với điểm thi cao chót vót của Hà Giang, sau khi Bộ đã cho điều tra rà soát lại tất cả các khâu và đến ngày 17/7/2018_ngày đánh dấu ung nhọt suy đồi của ngành giáo dục với việc phát hiện ra sai phạm trong quá trình chấm thi. Vụ việc tiếp tục bị phanh phui bằng việc ông Vũ Trọng Lương_Phó phòng khảo thí đã trắng trợn sửa điểm, nâng điểm cho hơn 300 bài thi của 114 thí sinh là con ông cháu cha của tỉnh, trong đó có con của Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh. Từ vụ việc của Sở giáo dục và đào tạo tỉnh Hà Giang, một loạt ung nhọt thiếu trung thực trong thi cử có dấu hiệu vỡ lan ra nhiều tỉnh thành trên dải đất hình chữ S như: Sơn La, Lạng Sơn, Bạc Liêu, Hòa Bình… và còn biết bao nhiêu Hà Giang thứ hai chưa được phát hiện từ trước đến nay. Thực sự việc thiếu trung thực trong thi cử đã ở mức “Báo động đỏ” không chỉ làm đau đầu nhức óc cán bộ ngành mà còn làm cho cả nước Việt Nam nhức nhối lương tâm trong sự nghiệp “trồng người”.

Nguyên nhân của thái độ tiêu cực này là do đâu? Nhìn khách quan, trực diện nhất nó xuất phát từ ý thức lười biếng không muốn làm lại muốn hưởng, thói giả dối trong đời sống và bệnh thành tích là mảnh đất màu mỡ để nuôi dưỡng hành động thiếu nhân văn như vậy. Đây là một vấn đề muôn thuở từ trước chứ không phải bây giờ mới có, nó như là một dịch bệnh mà ngành giáo dục đã, đang gặp phải cần phải có “vắc-xin” trị liệu nhanh chóng, kịp thời và triệt để.

Thiếu trung thực trong thi cử là việc làm đã xảy ra trong một thời gian dài nhưng có lẽ không ai biết hoặc biết mà không dám lên tiếng tố giác, không dám đấu tranh bảo vệ quyền lợi để cho người xấu việc xấu lộng quyền lộng hành gây ra biết bao hậu quả nghiêm trọng cho ngành giáo dục, cho xã hội và đất nước.

Thứ nhất: Phá vỡ sự nghiêm túc, trung thực cần phải có ở chiến trường trí tuệ. Thầy không ra thầy, trò không ra trò thi cử là để đánh giá khách quan nhất năng lực của mỗi em học sinh thì lại trở thành sân chơi cho những kẻ có quyền, có tiền, có thế. Giáo dục không dừng lại ở việc truyền thụ kiến thức mà còn là để dạy dỗ, rèn luyện nhân cách, đạo lí làm người. Thử hỏi một người thầy tiếp tay cho bệnh thành tích thì có tư cách để dạy trò hay không ?

Thứ hai: Công lí bị chà đạp, công bằng bị đè bẹp. Thiếu trung thực trong thi cử dù là hành động của học sinh, giáo viên hay các thế lực khác thực hiện thì nó đều làm cho trắng đen, giỏi dốt bị đảo lộn học sinh dốt trở thành học sinh giỏi, thí sinh bị điểm liệt được làm thủ khoa với điểm số cao ngất ngưởng nhờ tiền và thế lực của gia đình. Học sinh giỏi có năng lực thực sự bị cướp đi cơ hội học tập và phát triển. Nhân tài của đất nước bị vùi dập, không thì họ cũng tìm cách ra nước ngoài học tập và cống hiến cho nước bạn gây ra nạn “Chảy máu chất xám” cho đất nước.

Thứ ba: Lòng tin của nhân dân vào pháp luật cơ quan chính quyền của ngành giáo dục sẽ như thế nào? Dân họ bức xúc khi quyền lực không có cơ chế giám sát, công lí bị thế lực đồng tiền đâm thủng. Nhân dân còn biết tin, biết bám víu vào đâu khi cả những người làm cán bộ, làm lãnh đạo đứng đầu tỉnh lại có hành vi thiếu trung thực như vậy. Những con người ấy theo như chủ tịch Hồ Chí Minh nói đó là những người làm đầy tớ, phục vụ cho quyền lợi của nhân dân nhưng giờ đây lại đi ngược với đạo đức của người Đảng viên, chà đạp lên quần chúng để đạt được tham vọng bản thân.

Thứ tư: Những đứa trẻ gian lận, được nâng điểm, sửa điểm kia rồi sẽ ra sao? Bố mẹ có quyền thế cho con cái tiền tài, danh vọng, địa vị và rồi bán luôn cả lòng tự trọng, nhân phẩm làm người của con để rồi liệu có mấy ai tỉnh táo mà thoát khỏi bánh xe lầy tội lỗi theo kiểu “Cha truyền con nối”. Đúng là con quan thì lại làm quan, con sãi ở chùa lại quét lá đa.

Thứ năm: Hệ lụy về tương lai lâu dài. Thử nghĩ đến một ngày những thế hệ dốt này là những bác sĩ dốt, kĩ sư dốt, nhà giáo dốt, lãnh đạo dốt, công an dốt… với những kinh nghiệm gian dối và thủ đoạn, nhận thức và hành động như thế hệ trước thì chắc chắn đây là đại họa của quốc gia, dân tộc không chỉ là đất nước bị thụt lùi mà có nguy cơ người Việt tự hủy diệt dân tộc Việt chứ không cần đến một thế lực ngoại bang nào xâm lăng. Chúng ta đang kêu gào, đang tung hô thời đại công nghệ 4.0 nhưng nếu để thế hệ con em của kẻ gian lận lên làm chủ thì đất nước sẽ nhanh chóng quay về thời kì đồ đá như cuộc sống trước công nguyên “ăn lông ở lỗ”. Và còn biết bao, biết bao nhiêu điều nữa nếu như tình trạng thiếu trung thực trong thi cử vẫn hoành hành, kẻ xấu không bị trừng phạt thích đáng để làm gương.

Hậu quả của hành động thiếu trung thực trong thi cử là vô cùng nghiêm trọng liên quan tới vận mệnh của dân tộc những kẻ dốt lại đội lốt người hiền tài trị vì đất nước thì xã hội là mảnh đất ươm mầm cho con người thiếu trách nhiệm, vô cảm, tham nhũng tàn phá đất Việt đúng như Ngô Thì Nhậm đã từng nói: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp” là như vậy.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, muốn cho dân tộc Việt Nam phát triển mạnh mẽ, hội nhập với cường quốc năm châu thì ngay bây giờ, ngay lập tức Bộ giáo dục và cơ quan chức năng phải vào cuộc, phải làm thật mạnh tay bóc trần tất cả các vụ gian lận, thiếu trung thực trong thi cử. Tòa án pháp luật và tòa án lương tâm không được để đồng tiền, thế lực địa vị được chen chân vào, công tư trắng đen minh bạch, người có tội thì phải chịu tội trả lại cơ hội cho các em học sinh thực sự có năng lực, tài năng, trí tuệ. Để xảy ra vụ việc như ngày hôm nay mỗi cá nhân chúng ta cũng có một phần trách nhiệm bởi chính chúng ta đã im lặng để cái xấu cái ác tự do tung hoành, chính sự vô cảm, thờ ơ đã vô tình tiếp tay cho tội ác của ngành giáo dục, tội ác của những kẻ có quyền có thế nặn ra một thế hệ tương lai cho đất nước là những con người không có lòng tự trọng, thiếu đạo đức, thiếu nhân cách, thiếu kiến thức trí tuệ và không có lí tưởng sống đúng đắn, không có tinh thần tự lập… Chúng ta cần phải nâng cao ý thức của mỗi người vai trò của việc học, đổi mới cách ra đề chú trọng vào năng lực người học, lập lại kỉ cương trật tự trường thi…. Mỗi cá nhân trong cộng đồng người Việt hãy lên tiếng phản biện, đấu tranh mạnh mẽ để cho nền giáo dục nước nhà được thanh sạch, để cho kẻ ác bị trừng trị nghiêm minh, cho công bằng công lí xã hội không bị thế lực của đồng tiền chà đạp, cho đất nước Việt Nam có nhiều nhân tài đóng góp để dân tộc phát triển.

Là một người học sinh em ý thức được hậu quả nghiêm trọng của căn bệnh thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm trong thi cử nó tàn phá lương tri của người cầm cân nảy mực, nó đẩy đất nước thụt lùi đến mức âm vô cùng. Nelson Mandela_cố tổng thống Nam Phi đã từng nói: “Giáo dục là vũ khí quyền năng nhất bạn có thể dùng để thay đổi cả thế giới”. Chính vì vậy muốn thay đổi đất nước Việt Nam mỗi chúng ta hãy cố gắng trung thực với chính trí tuệ của mình, cùng lên tiếng để bảo vệ quyền lợi cho những bạn có năng lực thực sự, hãy nói không với bệnh thành tích của giáo dục. Hãy để những người trẻ mở ra cánh cửa tươi sáng của tương lai cho dân tộc Việt.

Nghị luận xã hội về Lòng bao dung

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng nói: “Mỗi đêm tôi nhìn trời đất để học về lòng bao dung, nhìn đường đi của kiến để biết về sự nhẫn nhục. Sông vẫn chảy đời sông. Suối vẫn chảy đời suối. Đời người cũng để sống và thả trôi đi những tị hiềm”. Đúng vậy, trong cuộc sống của chúng ta rất cần đến lòng bao dung của mọi người. Lòng bao dung là một phẩm chất, một truyền thống đáng quý của người Việt Nam. Lòng bao dung có ý nghĩa thiết thực trong đời sống, nhưng ngày nay không ít người thiếu đi tấm lòng bao dung ấy.

Vậy lòng bao dung là gì? Theo từ điển “bao dung là tôn trọng, chấp nhận và thấu hiểu sự khác biệt của người khác đối với mình trong phong tục tập quán, quan niệm sống, niềm tin và tôn giáo, chủng tộc và cách thức hành động, chấp nhận cho người khác làm những chuyện mà bản thân mình không tán thành trong một sự giới hạn nhất định để hướng họ tự giác đến sự tốt đẹp”. Bao dung khác với khoan dung. Khoan dung là đức tính rộng lượng, cảm thông cho hoàn cảnh của người khác và tha thứ cho lỗi lầm của họ nhưng khoan dung có thể không bao dung vì những điều họ không tôn trọng, không chấp nhận. Bao dung mang nghĩa rộng hơn khoan dung vì tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt nên họ cũng dễ dàng thứ tha cho sai phạm của người khác.

Người có lòng bao dung là luôn sống bằng tình yêu thương, sự sẻ chia với mọi người, sẵn sàng tha thứ cho lỗi lầm, sai phạm của người khác. Điều đó được thể hiện rõ nét nhất trong pháp luật của nước Việt Nam có sự khoan hồng với tội phạm. Con người ta ai cũng có thể mắc sai lầm không lúc này thì lúc khác, ta chẳng biết được ngày mai nên hãy mở rộng tấm lòng bao dung khi họ biết sai, biết hối lỗi để họ có được cơ hội thay đổi và làm lại cuộc đời, hướng họ đến sự tốt đẹp.

Bao dung có ở mọi lúc mọi nơi trong mọi hoàn cảnh. Bao dung đối với người thân yêu trong gia đình, khi con cái mắc lỗi người làm cha làm mẹ luôn bao dung thứ tha cho lỗi lầm của con, chỉ lỗi sai và hướng cho con làm đúng. Thầy cô luôn bao dung cho sự nghịch ngợm, quậy phá của lũ nhỏ bởi “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, sự bồng bột, hay vi phạm nội quy thầy cô luôn công minh xử phạt để hình thành và phát triển nhân cách đúng hướng cho học sinh. Bao dung là điều không thể thiếu trong tình yêu bởi đó là “điều tuyệt vời nhất của tình yêu. Nó tạo nên một người mạnh mẽ để có thể nói lời xin lỗi và một người mạnh mẽ hơn cả để có thể tha thứ.” Một người luôn hờn dỗi sẽ phải phải có một người bao dung cho tính cách của người ấy, một người có chút vô tâm thì một người phải hiểu và nói để họ sửa. “Sẽ không có tình yêu khi không có sự bao dung, sẽ không có sự tha thứ khi không có tình yêu đích thực”. Bao dung không phải là chỉ có khi bên nhau mà khi đã không còn là gì của nhau cũng cần bao dung tha thứ cho sai lầm của người đã từng thương, không oán trách, không đớn đau có được như vậy mới có thể bước tiến về phía trước bởi “Sự tha thứ không thể làm thay đổi quá khứ nhưng nó có thể mở rộng tương lai”.

Người có lòng bao dung sẽ ít khi gặp giông bão trong lòng, được sống trong sự thanh thản, nhẹ nhàng bởi chẳng bị cục thù hận đè nén. Người có lòng bao dung sẽ luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn ngay cả đối với người chẳng ưa gì ta, hay hiềm khích với ta nhưng chính tấm lòng bao dung ấy đã cảm hóa những ác cảm, để lại cho họ cái nhìn tốt đẹp về mình. Vì có bao dung nên ta có nhiều mối quan hệ tốt đẹp, được mọi người kính trọng và nể phục. Khi ta gặp khó khăn họ sẵn sàng giúp đỡ như khi mình đã giúp họ. Có bao dung mới hướng ta đến cái đẹp chân, thiện, mĩ trong cuộc sống.

Tuy nhiên, trong xã hội ngày lòng bao dung bị giá trị của đồng tiền và lối sống thực dung bào mòn và thế chỗ. Con người ta sống ích kỉ, nhỏ nhen, vô cảm hơn khi thấy người khác gặp nạn vẫn ngó mắt làm ngơ vì sợ “Mua dây buộc mình”, im lặng chấp nhận giương mắt nhìn kẻ xấu làm việc xấu mà không tố giác, hay đơn giản là kì thị với người khác vùng miền đặc biệt là người Thanh Hóa. Một số người trong xã hội họ không có thiện cảm với người Thanh Hóa chỉ vì một vài thành phần chưa tốt, ở đâu cũng có người xấu người tốt chẳng riêng đất Thanh Hóa nên đừng phân biệt đối xử bởi chúng ta cùng là người Việt Nam, cùng chung sống trên dải đất hình chữ S yêu thương.

Người không có lòng bao dung sẽ khó có thể được hạnh phúc bởi vị kỷ cá nhân luôn trú ngụ không có lối cho bao dung tồn tại. Điều đó ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống, nếu trong một xã hội toàn những con người như vậy thì xã hội ấy sớm muộn cũng bị hủy diệt.

Như vậy, lòng bao dung là điều xưa nay con người ta luôn hướng tới, nó thể hiện tinh thần tốt đẹp và lòng nhân ái của người Việt. Trong bất kì một xã hội nào, cộng đồng nào, thời kì nào, môi trường nào cũng cần có những tấm lòng bao dung để cuộc sống này trở nên nhân văn hướng đến giá trị của cái đẹp, cái thiện đẩy lùi cái ác, cái xấu.

Nghị luận xã hội về vấn đề an toàn giao thông hiện nay

Nếu như số người chết về HIV/AIDS đã giảm đáng kể trong chín năm vừa qua thì tỉ lệ tử vong vì tai nạn giao thông lại có xu hướng tăng. Vấn đề an toàn giao thông trở thành đề tài nóng được đông đảo mọi người quan tâm. Phương tiện hiện đại giao thông ra đời càng nhiều bên cạnh lợi ích mà nó đem lại cho người dân thì đó là sự nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng nếu người tham gia giao thông không có ý thức. Vậy làm sao để có được an toàn giao thông cho mọi người?

An toàn giao thông là gì? Đó là các hành vi văn hóa bao gồm việc chấp hành luật và có ý thức khi tham gia giao thông, an toàn giao thông là đảm bảo an toàn cho người điều khiển phương tiện giao thông và mọi người xung quanh.

Vấn đề tai nạn giao thông xảy ra trên khắp các phương tiện, các loại đường. Được coi là an toàn nhất, hiệu quả nhất là đường hàng không nhưng vẫn xảy ra những vụ tai nạn máy bay đáng tiếc kinh hoàng nhất năm 2016 khiến hàng trăm con người thiệt mạng. Xảy ra nhiều nhất, liên tục nhất là tai nạn đường bộ phương tiện tham gia chủ yếu là xe máy, xe ô tô. So với năm 2017 trong thời điểm cùng kì (16/12/2017-15/3/2018) được Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban an toàn giao thông quốc gia cho hay toàn quốc xảy ra 4674 vụ tai nạn, số người chết tăng 35 người (1,66%) cho thấy mức độ nguy hiểm ngày càng rõ rệt hơn. Ra đường tính mạng có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào, tôi sinh ra và lớn lên ở một tỉnh Trung du miền núi phía Bắc, chân ướt chân ráo lên Hà Nội học mỗi khi sang đường nơm nớp lo sợ liệu người ta có đâm vào mình không? Rồi đang đi trên vỉa hè bình yên thì bỗng dưng một loạt xe máy trèo lên làn đường dành cho người đi bộ vì bên dưới tắc đường, rồi vô tình chứng kiến những vụ tai nạn thảm khốc tử vong luôn tại chỗ. Tôi băn khoăn không hiểu vì lí do gì khi người ta có thể coi nhẹ sinh mạng của mình đến thế. Đen đủi thì ít mà chủ yếu là do ý thức chưa cao của người tham gia giao thông.

Trước những vụ việc như vậy hậu quả tai nạn giao thông để lại vô cùng nghiêm trọng. Nhẹ thì bị hỏng xe, chầy xước chân tay. Nặng thì chấn thương, tê liệt hay không ít người đã bỏ mạng ngoài đường, vô tình để mình lọt vào mắt của tử thân giao thông. Nếu ta thận trọng hơn một chút, đi chậm lại một chút, có ý thức một chút thì có lẽ không xảy ra những điều đáng tiếc. Tai nạn giao thông thiệt hại về tài sản và tính mạng, để lại nỗi đau, nỗi ám ảnh cho người thân, gia đình mất đi một thành viên, bạn bè mất đi một người đồng trang lứa. Giao thông Việt Nam trong mắt du khách nước ngoài “Vừa đi vừa run” từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành du lịch.

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tai nạn giao thông không mong muốn? Bên cạnh những người có ý thức cao, coi trọng an toàn giao thông thì vẫn có không ít người có ý thức kém không chấp hành luật, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh vượt ẩu, chủ quan tay lái và sử dụng chất có nồng độ cồn khi lái xe, một bộ phận giới trẻ ngày nay hay lạng lách, đánh võng, đua xe gây ra hậu quả nghiêm trọng khi tham gia giao thông. Nguyên nhân thứ hai có thể là do chất lượng cầu đường không đảm bảo an toàn theo quy định, những tuyến đường được sửa đã có thể đi lại thuận lợi nhưng vẫn có những nơi đường xá đi lại rất khó khăn đặc biệt là ở các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa thực sự cần được quan tâm và đầu tư tu sửa hoặc làm mới lại để đảm bảo an toàn cho bà con khi tham gia giao thông. Nguyên nhân thứ ba do ngành giao thông chưa có hướng giải quyết tối ưu nhất để giảm thiểu tai nạn, mặt khác vẫn có những hiện tượng tiêu cực trong khâu quản lí. Tuy nhiên nguyên nhân chủ quan vẫn là quan trọng hơn tất cả là do ý thức của người tham gia giao thông.

Trước tình trạng khẩn cấp đáng báo động đỏ của tai nạn giao thông đó ta cần đề ra và thực thi những biện pháp khắc phục cụ thể. Nâng cao ý thức người tham gia giao thông bằng cách tuyên truyền, giáo dục và nhắc nhở ý thức tự giác chấp hành đúng luật, coi trọng tính mạng và tài sản của mình và người khác. Cần phải có các biện pháp nghiêm khắc xử lí các hành vi vi phạm luật giao thông và gây tai nạn cho người khác. Nâng cấp hệ thống đường xá, và tăng cường tuần tra, kiểm soát giao thông ở các tuyến đường nguy hiểm. Cần mạnh tay xử phạt những cán bộ giao thông có hành vi tiếp tay cho đối tượng vi phạm luật giao thông. Trong hệ thống các trường học cần giáo dục ý thức khi tham gia giao thông cho các em học sinh, thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khóa, vẽ tranh cổ động ngày an toàn giao thông...

Mỗi chúng ta để thực hiện an toàn giao thông hãy có ý thức khi tham gia giao thông để bảo vệ an toàn tính mạng cho mình và người đồng hành. An toàn giao thông là trách nhiệm của mọi người, là hạnh phúc của mọi gia đình. Hãy nhớ khẩu hiệu “Phía trước tay lái là cuộc sống”, hãy vì sự bình an khi đi ra đường mà có ý thức tham gia giao thông an toàn.

Nguồn: vietjack