Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Văn mẫu: Viết bài làm văn số 2

Gửi bởi: Nguyễn Thị Ngọc 29 tháng 10 2019 lúc 13:52:50


Mục lục
* * * * *

Đóng vai nhân vật Trọng Thủy kể lại truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy

Lòng ta quặn thắt khi nhìn thấy thi thể nàng, ta đứng lặng hồi lâu nhìn dòng máu đỏ thẫm chảy xuống biển. Ta một kẻ vô tâm đã không nhận ra tình yêu Mị Châu dành cho mình, ta một kẻ mù quáng vì quyền lực. Nàng chết rồi ta biết phải sống sao, cuộc đời ta biết sẽ đi về đâu khi thiếu tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc của nàng. Ta ngã khụy, ôm xác nàng Mị Châu mà khóc. Ông trời đã trêu đùa tình yêu của ta và nàng quá rồi…

     Ta vẫn còn nhớ ngày vua cha (Triệu Đà) thất bại thảm hại sau đợt tấn công với vua An Dương Vương nước Âu Lạc, khuôn mặt cha sa sầm, ánh mắt bừng bừng giận dữ. Âu Lạc vốn là vùng đất phía Nam đất nước ta, đó là nơi thiên nhiên, sản vật vô cùng phong phú, tốt tươi, thuận tiện giao thương buôn bán. Từ lâu vua cha ta đã muốn chiếm vùng đất đó. Nhưng quân đội Âu Lạc rất tài giỏi, vũ khí tối tân nên nhiều lần cha ta đem quân tấn công mà chỉ nhận về thất bại. Ta là con cả, nhưng cũng không biết làm gì hơn, chỉ biết động viên cha dưỡng sức, luyện tập quân đội chờ đến lần sau.

     Sau mấy ngày, cha nguôi ngoai và bỗng gọi ta vào ngự phòng nói chuyện riêng. Cha yêu cầu ta hãy sang nước Âu Lạc lấy nàng Mị Châu và phải lấy cho bằng được bí mật của đất nước Âu Lạc về đây. Phận làm con lại là bề tôi, ta không thể nào làm trái ý cha. Ta nhận lời mà lòng đầy băn khoăn, bởi ta không biết nàng Mị Châu là ai, ta không yêu nàng sao có thể nên duyên, và liệu ta có thể làm tròn sứ mệnh mà vua cha giao cho.

     Ngày ta và vua cha nhận được lời đồng ý kết duyên của vua An Dương Vương ta và cha vô cùng sung sướng. Ta luôn nghĩ rằng An Dương Vương không quên lòng dạ phương Bắc, luôn hòng chiếm phương Nam nên sẽ không bao giờ đồng ý. Nào ngờ… Vậy là ông trời đã giúp cha con ta một bước. Cha con ta nhanh chóng chuẩn bị lễ vật, cử hành hôn lễ và cũng là để sớm thực hiện âm mưu như đã trù tính trước đó.

     Trước khi sang Âu Lạc ta đã tìm hiểu qua về nàng Mị Châu – vợ tương lai của ta. Nàng là người con gái xinh đẹp, hiền thục, nết na lại là con duy nhất của vua An Dương Vương nên rất được cưng chiều.

     Ngày diễn ra hôn lễ, ai cũng vui mừng, nhất là vua cha ta, bởi kế hoạch của ông đã từng bước thành công. Còn ta lòng nặng trĩu ưu tư và lo lắng, sứ mệnh cao cả đó liệu ta có thể hoàn thành, và sau khi hoàn thành ta biết sẽ phải cư xử ra sao với nàng Mị Châu.

     Sau lễ kết kết hôn ta chính thức trở thành con rể của nước Âu Lạc, theo phong tục nơi đây ta về sống cùng Mị Châu. Nàng là người con gái dịu dàng, nữ tính, trong sáng và vô cùng thơ ngây. Nàng yêu ta, chăm lo cho ta, điều này ta biết rõ, từng ánh mắt, từng lời nàng nói tràn đầy âu yếm và tin yêu. Ta luôn đáp lại nàng bằng sự hời hợt, ta lấy nàng là nhiệm vụ nên yêu nàng cũng chỉ là một công việc. Thực lòng ta chưa bao giờ yêu Mị Châu thật tâm. Chỉ vì lúc ấy ý nghĩ chiếm đoạt bảo vật của Âu Lạc quá lớn đã khiến đầu óc ta lu mờ, ta không ngờ rằng ta đã yêu nàng tự lúc nào không hay.

     Rồi ngày ấy cũng đến, nhân cơ hội An Dương Vương ra ngoài đi săn, ta đã thủ thỉ tâm tình và xin Mị Châu cho xem trộm nỏ thần. Thoáng trên gương mặt nàng ta thấy có sự thay đổi, nàng nhìn thẳng mắt ta rồi vội quay đi ngay. Có lẽ nàng đã nhận ra chăng? Nhưng vì tình yêu với ta quá lớn, nên nàng đã mù quáng mà cho ta xem nỏ thần, mọi việc diễn ra đúng như kế hoạch, ta đã đánh tráo được lẫy nỏ khác thay cho lẫy Rùa Vàng mà Mị Châu không hề hay biết. Xong việc ta nói dối với nàng về thăm cha:

     - Tình vợ chồng không thể lãng quên, nghĩa mẹ cha không thể dứt bỏ. Ta nay trở về thăm cha, nếu như đến lúc hai nước thất hòa, Bắc Nam cách biệt, ta lại tìm nàng, lấy gì làm dấu.

     Nàng thật thà đáp:

     - Thiếp phận nữ nhi, nếu gặp cảnh biệt lit hì đau đớn khôn xiết. Thiếp có áo gấm lông ngỗng thường mặc trên mình, đi đến đâu sẽ rứt lông mà rắc ở ngã ba đường để làm dấu, như vậy sẽ có thể cứu được nhau.

     Những lời nàng nói vẫn văng vẳng bên tai ta, ta độc ác quá, trong lúc đó ta chỉ cốt nghĩa sao cho diệt tận gốc cha con nàng, mà chẳng hề nghĩ đến tình nghĩa vợ chồng bao lâu nay nàng nhọc công vun đắp.

     Ta trở về lòng hả hê với chiến công mình lập. Vua cha ta đem quân sang đánh, An Dương Vương cậy có nỏ thần mà không phòng bị nên đã thất bại thảm hại, ông phải bỏ chạy cùng con gái. Trên đà chiến thắng, ta lần theo dấu lông ngỗng Mị Châu để lại làm dấu hòng bắt sống cha con An Dương Vương. Nhưng khi ta đến nơi chỉ còn lại những sợi lông ngỗng trắng thẫm máu người vợ, người con gái ta yêu. Vua An Dương Vương đã không còn ở đó nữa.

     Ta ôm nàng vào lòng mà gào lớn: “Mị Châu… ta đã sai rồi. Là ta đã hại chết nàng, ….”. Ta gào khóc khản cổ cũng không còn thấy đâu giọng nói trọng trẻo, dịu dàng ấy nữa. Đôi bàn tay trắng trẻo mềm mại ngày ngày vẫn mang cơm, bưng nước, pha trà và vuốt ve âu yếm vào má ta nay không còn nữa. Ta nhớ da diết, nhớ đến thắt tim những cử chỉ nũng nịu của nàng. Giờ ta chỉ mong thấy nàng một lần nữa, thấy nụ cười duyên dáng, thấy đôi má hồng đào thì dù ta phải trả bất cứ giá nào ta cũng ưng thuận.

     Ta đem xác nàng về chôn ở Loa Thành, thì thật kì lạ xác nàng hóa thành ngọc thạch. Giành được Âu Lạc, ta là người có công lớn nhất, vua cha ban thưởng hậu hĩnh, nhưng ta chẳng màng đến, giờ tâm trí ta chỉ có mình nàng, người vợ bé nhỏ của ta. Ta sống thu mình khép kín, đêm đến hễ nhắm mắt là hình bóng nàng lại xuất hiện.

     Không lâu sau đó, khi ta đi tắm ở giếng, nhìn xuống thấy bóng Mị Châu đưa tay với, ta vui mừng, vội vàng với theo nàng, ta đã phải chờ đợi biết bao lâu nay nàng mới xuất hiện, ta phải nắm lấy tay nàng trước khi nàng biến mất. Có những tiếng gọi ta từ xa, nhưng ta mặc kệ, ta phải theo Mị Châu và ta đã mãi mãi được ở bên nàng.

Tưởng tượng mình là Xi-mông, kể lại truyện của Bố của Xi-mông

 Tiếng bố thân thương, đã bao lần tôi nằm mơ được có một người bố thực thụ. Và ngày hôm ấy chính là ngày hạnh phúc nhất cuộc đời tôi khi bác Phi-lip đã nhận tôi làm con.

     Tôi là một cậu bé không có cha, mẹ tôi là Blăng-sốt một người phụ nữ trẻ đẹp, có gương mặt nghiêm nghị. Tôi không biết cha tôi là ai, tôi chỉ biết tôi và mẹ mới chuyển đến đây sinh sống. Nhưng đây thực sự là một tai họa với tôi, tôi không giống như những đứa trẻ khác, tôi không có cha, và đó là nỗi nhục nhã, nỗi đau mà những đưa bạn cùng lớp xoáy vào châm chọc tôi. Chúng không thể hiểu nỗi đau của một người không có cha ở bên che chở yêu thương, chúng chưa biết và chưa từng nếm trải điều ấy một lần nên những lời chúng nói ra thật độc địa. Tim tôi đau nhói mỗi lần chúng trêu chọc tôi và tôi uất hận, giận dữ với mẹ, tại sao mẹ lại không cho tôi một người cha. Và tôi cũng biết rằng người lớn tuy không nói ra nhưng lúc nào cũng ném ánh vừa dò xét, vừa thương hại và thì thầm nói với nhau: “Nó là một đứa trẻ không có cha”.

     Hôm ấy vẫn như mọi ngày, tôi đến trường, lòng tôi xao xác buồn đau và tôi lại tiếp tục bị lũ bạn hùa vào trêu chọc. Nỗi buồn hòa cùng nỗi giận dữ tôi bỏ đi với ý định tự tử. Chỉ cần kết thúc cuộc đời này tôi sẽ không phải chịu những lời gièm pha cay nghiệt của chúng nữa.

     Bên ngoài khung cảnh thật đẹp đẽ, trời ấm áp vô cùng. Ánh mặt trời không quá gắt, sưởi ấm bãi cỏ, dòng nước. Không khí thật ấm áp, trong lành và dễ chịu. Những chú nhái xanh lục nhảy nhót quanh tôi. Tôi chạy đuổi để bắt chúng, nhưng chúng thật nhanh, tôi chưa kịp vồ chúng đã thoát khỏi tay. Tôi không bỏ cuộc, sau hai ba lần vô hụt tôi đã cầm được con vật, nõ giãy giụa nhằm thoát khỏi bàn tay tôi. Nhìn vậy tôi bỗng nhớ những đồ chơi làm bằng gỗ hẹp đóng đinh chữ chi được xếp chồng lên nhau và ta có thể điều khiển được. Bất giác tôi lại nhớ đến mẹ của tôi, lòng tôi quặn thắt, tôi nức nở khóc thật to, tôi khóc cho vơi nỗi tủi hờn, uất ức.

     Nhưng bỗng từ phía sau tôi một bàn tay ấm nóng, chắc nịch đặt lên đôi vai bé nhỏ đang rung lên từng đợt theo tiếng khóc của tôi. Một giọng nói ồm ồm cất lên:

     - Có điều gì làm cháu buồn phiền đến thế, cháu ơi?

     Đó là một người công nhân cao lớn, với bộ râu đen và quăn tít lại, tôi lau nước mắt, nghẹn ngào nói:

     - Cháu … cháu không có bố.

     Khuôn mặt bác bỗng có sự thay đổi, đôi mắt trở nên hiền từ, nhân hậu hơn. Bằng đôi bàn tay to lớn, bác vỗ nhẹ vào lưng tôi an ủi với một giọng nhẹ nhàng nhất, bác khuyên tôi:

     - Thôi nào, đừng buồn nữa, cháu ơi, và về nhà mẹ cháu với bác đi. Người ta sẽ cho cháu một ông bố.

     Nghe thấy tôi sẽ có bố, tôi lập tức vui mừng và nín khóc ngay. Bác nắm tay đưa tôi về, đôi bàn tay đen xì, đầy muội than nhưng thật ấm nóng và chắc chắn. Ước gì tôi có một người bố như bác. Chẳng mấy chốc tôi đã đứng trước cửa nhà mình, bác công nhân gõ cửa và mẹ tôi xuất hiện. Thấy mẹ tôi bác trao tôi cho mẹ và giọng ngập ngừng nói:

     - Đây, thưa chị, tôi dắt về trả cho chị cháu bé bị lạc ở gần bờ sông.

     Lúc ấy bao nhiêu tủi hờn trong tôi lại trào dâng, tôi chạy đến ôm cổ mẹ mà òa khóc, vừa khóc tôi vừa nói:

     - Không, mẹ ơi, con đã muốn nhảy xuống sông cho chết đuối, vì chúng nó đánh con … đánh con … tại con không có bố. Tôi gục lên vai mẹ mà khóc lớn hơn. Rồi tôi bỗng nảy ra ý định, hay là xin bác công nhân là bố của mình. Không chần chừ, tôi rời vòng tay mẹ, chạy đến bác và đề nghị:

     - Bác có muốn làm bố cháu không?

     Bác im lặng, không nói gì, tôi tủi hổ và thét lớn:

     - Nếu bác không muốn, cháu sẽ quay trở ra nhảy xuống sông chết đuối.

     Nghe thấy tôi lặp lại ý định tự tử, bác lập tức gật đầu đồng ý. Tranh thủ cơ hội đó tôi hỏi tên bác và biết bác tên là Phi-lip. Vậy là từ bây giờ tôi đã có bố, bố của tôi là Phi-lip, tôi hạnh phúc và sung sướng biết bao. Cũng từ bây giờ tôi sẽ không phải chịu sự hành hạ, lăng nhục của lũ bạn nữa.

     Ngày hôm sau tôi đến lớp tâm trạng đầy vui vẻ, hứng khởi. Tôi tự tin đứng trước lũ bạn, chúng có trêu đùa, tôi cũng có thể dõng dạc tuyên bố, tôi đã có bố và bố của tôi tên là Phi-lip. Có bố là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời tôi. Nó đem lại cho tôi sự tự tin để đối mặt với tất cả những khó khăn trong cuộc sống này.

Kể lại một kỉ niệm sâu sắc về tình cảm gia đình

Mẹ tôi!

     Ba mẹ tôi chia tay từ sớm, mẹ đưa tôi rời bỏ quê hương đến một vùng đất mới để sinh sống. Khi ấy tôi còn nhỏ tôi chưa biết thế nào là cực khổ, vất vả, tôi chỉ biết gia đình tôi nghèo hơn những gia đình khác. Nếu mâm cơm bình thường mọi nhà mỗi người sẽ có một quả trứng, thì nhà tôi chỉ có duy nhất một quả cho hai mẹ con. Nếu nhà mọi người được làm bằng gỗ, láng si măng thì nhà tôi được quây lại bằng những phên nứa ọp ẹp mà chỉ cần một cơn mưa to là có thể đổ ập. Nhưng mẹ tôi là một người phụ nữ kiên cường. Những năm đói khổ ấy mẹ vẫn vững vàng trước mọi giông tố nuôi tôi khôn lớn.

     Mẹ tôi nhỏ người, thấp và gầy. Khuôn mặt mẹ tròn và những đường nét trên mặt rất đẹp. Dù phải chịu nhiều vất vả, khổ cực nhưng cũng không làm phai mờ nét đẹp đó của mẹ. Đôi lông mày đen dài dài, uốn cong cong, ôm trọn lấy đôi mắt trong, sáng và có hồn. Đôi mắt mẹ, tôi ít thấy tươi vui, trong mắt ngập đầy nỗi buồn và ưu tư. Nhưng cũng có đôi khi tôi thấy đôi mắt ấy cười, nhất là những ngày mẹ đi làm được nhiều tiền hơn, hôm ấy bữa ăn đủ đầy và nhìn thấy tôi ăn ngon miệng, hết bát này đến bát khác. Niềm vui của mẹ thật bình dị. Da mẹ trước đây rất trắng, hồng hào, tôi đã từng xem một bức ảnh của mẹ, nhưng từ ngày dời quê hương, phải vất vả kiếm sống da mẹ đã sạm dần, những vết nhăn cũng xuất hiện trên mặt. Tôi thích giọng mẹ nói, giọng mẹ hát ru. Những trưa hè nghe tiếng mẹ ru ngọt ngào: “Đôi làn môi con ….” Dù có nóng nực cũng khiến tôi chìm sâu vào giấc ngủ.

     Những năm đầu sống ở đây cuộc sống của hai mẹ con rất chật vật, vất vả. Mẹ tôi làm đủ nghề, đi chợ huyện, bán hàng,… để trang trải cuộc sống. Mẹ hay cáu gắt và khe khắt với tôi. Bất cứ lỗi nào, dù nhỏ mẹ cũng mắng và tệ hơn là đánh. Đôi khi tôi rất ghét mẹ, vì mẹ đã đối xử tệ bạc với tôi. Nhưng tôi đâu thấu hiểu nỗi lòng của một bà mẹ phải tự mình nuôi con. Sợ tôi được nuông chiều đâm hư hỏng, nên mẹ khắt khe với tôi hơn những người mẹ khác.

     Nhưng có lẽ để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi chính là ngày hôm ấy. Trước khi mẹ được nhận làm giáo viên ở trường mầm non và cuộc sống hai mẹ con bớt chật vật, sáng nào mẹ cũng dậy từ 3 giờ, đi chợ huyện để bán hàng. Hôm ấy như mọi ngày mẹ đi chợ vào sáng sớm và để tôi ở nhà tự lo liệu mọi việc. Nhưng hôm ấy thay vì như mọi lần tôi ở nhà ngoan ngoãn, đợi mẹ về thì tôi lại cùng chúng bạn vào rừng lấy củi từ sớm. Tôi muốn tạo cho mẹ một bất ngờ, tôi muốn cho mẹ thấy tôi đã trưởng thành và có thể giúp đỡ của mẹ. Mọi chuyện vẫn êm đẹp nếu tôi không nổi hứng cùng chúng bạn nhảy xuống sông nghịch nước. Ban đầu tôi men ở gần bờ, rồi sau đi ra ngày một xa mà không hề biết. Tôi bất ngờ trượt chân vào vùng nước sâu, tôi chới với, khua chân, đập tay cầu cứu. Rồi tôi lả dần, lịm đi và không còn biết gì nữa.

     Có lẽ sau đó ai đấy nhìn thấy nên đã ra cứu tôi, mang tôi về nhà, có lẽ lúc ấy tôi đã như một con cá mắc cạn, người lả đi, môi tím tái. Tôi không biết gì cả cho đến sáng hôm sau, lờ mờ mở mắt ra thì thấy mẹ ngủ gục bên cạnh. Trên mặt mẹ vẫn còn ướt đẫm nước mắt, những giọt nước mặt vẫn còn vương trên mi, tay mẹ nắm chặt lấy tay tôi. Tôi thấy người mỏi và nóng nên khẽ cựa mình. Thấy tôi cử động, mẹ choàng tỉnh, cuống cuồng hỏi han và ôm lấy tôi. Mẹ ghì chặt tôi vào lòng, có cảm giác tôi không thể thở được nữa. Có lẽ mẹ sợ mất tôi. Người thân duy nhất còn lại bên mẹ. Mẹ để tôi nằm xuống không mắng mỏ, không quát tháo, chỉ nhìn, nhìn thấu tôi,… đôi mắt vừa sầu bi, buồn thảm vừa vui mừng,… tôi không biết diễn tả sao cho hết ánh mắt ấy. Chỉ biết đến tận bây giờ tôi vẫn ám ảnh.

     Một đêm thức chăm tôi mẹ gầy rộc đi, có lẽ vì lo cho tôi mà mẹ gầy nhanh đến vậy, mẹ bỏ bê cả buôn bán, chợ búa – việc mà mẹ yêu nhất trên đời, mẹ chưa bỏ buổi chợ nào kể cả những ngày mưa bão hãy gió lạnh. Mẹ ở nhà quanh quẩn bên tôi, tôi cần gì mẹ sẽ đem đến tận nơi. Lần đầu tiên tôi thấy mẹ mình như vậy. Nhà tôi vốn nghèo nên chẳng có gì tẩm bổ, nên những bữa cơm hôm đó mẹ nhường cả quả trứng bé tí hon cho tôi ăn. Mẹ chỉ ăn rau và luôn nói, có rau là đủ chất rồi. Còn tôi, tôi lại nghĩ rằng đó là mẹ nói thật, tôi ăn hết cả quả trứng mà chẳng hề suy tư, chẳng hề biết rằng đó là lời mẹ nói dối. Mãi sau này khi lớn lên, khi đã hiểu chuyện hơn tôi mới thấu hiểu những lời mẹ mắng, những lần mẹ đánh và cả những lời mẹ nói dối khi xưa.

     Giờ cuộc sống của hai mẹ con đã dần ổn hơn, mẹ đã không còn vất vả như xưa nữa. Nhưng mỗi lần nghĩ về mẹ, nghĩ về những năm tháng nhọc nhằn nuôi tôi khôn lớn tôi lại thầm cảm ơn mẹ. Nếu không có mẹ có lẽ sẽ không có tôi mạnh mẽ, trưởng thành và khôn lớn như ngày hôm nay. Cảm ơn mẹ của con.

Kể lại một truyện cổ tích mà em yêu thích

Ngày xưa, có hai vợ chồng một lão nông nghèo đi ở cho nhà một phú ông. Họ hiền lành, chăm chỉ nhưng đã ngoài năm mươi tuổi mà chưa có lấy một mụn con.

   Một hôm, người vợ vào rừng lấy củi. Trời nắng to, khát nước quá, thấy cái sọ dừa bên gốc cây to đựng đầy nước mưa, bà bèn bưng lên uống. Thế rồi, về nhà, bà có mang.

   Ít lâu sau, người chồng mất. Bà sinh ra một đứa con không có chân tay, mình mẩy, cứ tròn lông lốc như một quả dừa. Bà buồn, toan vứt nó đi thì đứa bé lên tiếng bảo.

   – Mẹ ơi! Con là người đấy! Mẹ đừng vứt con mà tội nghiệp. Bà lão thương tình để lại nuôi rồi đặt tên cho cậu là Sọ Dừa.

   Lớn lên, Sọ Dừa vẫn thế, cứ lăn lông lốc chẳng làm được việc gì. Bà mẹ lấy làm phiền lòng lắm. Sọ Dừa biết vậy bèn xin mẹ đến chăn bò cho nhà phú ông.

   Nghe nói đến Sọ Dừa, phú ông ngần ngại. Nhưng nghĩ: nuôi nó thì ít tốn cơm, công sá lại chẳng đáng là bao, phú ông đồng ý. Chẳng ngờ cậu chăn bò rất giỏi. Ngày ngày, cậu lăn sau đàn bò ra đồng, tối đến lại lăn sau đàn bò về nhà. Cả đàn bò, con nào con nấy cứ no căng. Phú ông lấy làm mừng lắm!

   Vào ngày mùa, tôi tớ ra đồng làm hết cả, phú ông bèn sai ba cô con gái thay phiên nhau đem cơm cho Sọ Dừa. Trong những lần như thế, hai cô chị kiêu kì, ác nghiệt thường hắt hủi Sọ Dừa, chỉ có cô em vốn tính thương người là đối đãi với Sọ Dừa tử tế.

   Một hôm đến phiên cô út mang cơm cho Sọ Dừa. Mới đến chân núi, cô bỗng nghe thấy tiếng sáo véo von. Rón rén bước lên cô nhìn thấy một chàng trai khôi ngô tuấn tú đang ngồi trên chiếc võng đào thổi sáo cho đàn bò gặm cỏ. Thế nhưng vừa mới đứng lên, tất cả đã biến mất tăm, chỉ thấy Sọ Dừa nằm lăn lóc ở đấy. Nhiều lần như vậy, cô út biết Sọ Dừa không phải người thường, bèn đem lòng yêu quý.

   Đến cuối mùa ở thuê, Sọ Dừa về nhà giục mẹ đến hỏi con gái phú ông về làm vợ. Bà lão thấy vậy tỏ ra vô cùng sửng sốt, nhưng thấy con năn nỉ mãi, bà cũng chiều lòng.

   Thấy mẹ Sọ Dừa mang cau đến dạm, phú ông cười mỉa mai:

   – Muốn hỏi con gái ta, hãy về sắm đủ một chĩnh vàng cốm, mười tấm lụa đào, mười con lợn béo, mười vò rượu tăm đem sang đây.

   Bà lão đành ra về, nghĩ là phải thôi hẳn việc lấy vợ cho con. Chẳng ngờ, đúng ngày hẹn, bỗng dưng trong nhà có đầy đủ mọi sính lễ, lại có cả gia nhân ở dưới nhà chạy lên khiêng lễ vật sang nhà của phú ông. Phú ông hoa cả mắt lúng túng gọi ba cô con gái ra hỏi ý. Hai cô chị bĩu môi chê bai Sọ Dừa xấu xí rồi ngúng nguẩy đi vào, chỉ có cô út là cúi đầu e lệ tỏ ý bằng lòng.

   Trong ngày cưới, Sọ Dừa cho bày cỗ thật linh đình, gia nhân chạy ra chạy vào tấp nập. Lúc rước dâu, chẳng ai thấy Sọ Dừa trọc lốc, xấu xí đâu chỉ thấy một chàng trai khôi ngô tuấn tú đứng bên cô út. Mọi người thấy vậy đều cảm thấy sửng sốt và mừng rỡ, còn hai cô chị thì vừa tiếc lại vừa ghen tức.

   Từ ngày ấy, hai vợ chồng Sọ Dừa sống với nhau rất hạnh phúc. Không những thế, Sọ Dừa còn tỏ ra rất thông minh. Chàng ngày đêm miệt mài đèn sách và quả nhiên năm ấy, Sọ Dừa đỗ trạng nguyên. Thế nhưng cũng lại chẳng bao lâu sau, Sọ Dừa được vua sai đi sứ. Trước khi đi, chàng đưa cho vợ một hòn đá lửa, một con dao và hai quả trứng gà nói là để hộ thân.

   Ganh tị với cô em, hai cô chị sinh lòng ghen ghét rắp tâm hại em để thay làm bà trạng. Nhân quan trạng đi vắng, hai chị sang rủ cô út chèo thuyền ra biển rồi cứ thế lừa đẩy cô em xuống nước. Cô út bị cá kình nuốt chửng, nhưng may có con dao mà thoát chết. Cô dạt vào một hòn đảo, lấy dao khoét bụng cá chui ra, đánh đá lấy lửa nướng thịt cá ăn. Sống được ít ngày trên đảo, cặp gà cũng kịp nở thành một đôi gà đẹp để làm bạn cùng cô út.

   Một hôm có chiếc thuyền đi qua đảo, con gà trống nhìn thấy bèn gáy to:

    Ò… ó… o

    Phải thuyền quan trạng rước cô tôi về.

   Quan cho thuyền vào xem, chẳng ngờ đó chính là vợ mình. Hai vợ chồng gặp nhau, mừng mừng tủi tủi. Đưa vợ về nhà, quan trạng mở tiệc mừng mời bà con đến chia vui, nhưng lại giấu vợ trong nhà không cho ai biết. Hai cô chị thấy thế khấp khởi mừng thầm, tranh nhau kể chuyện cô em rủi ro ra chiều thương tiếc lắm. Quan trạng không nói gì, tiệc xong mới cho gọi vợ ra. Hai cô chị nhìn thấy cô em thì xấu hổ quá, lén bỏ ra về rồi từ đó bỏ đi biệt xứ.

Nguồn: vietjack