Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Văn mẫu: Viết bài làm văn số 1: Nghị luận xã hội

Gửi bởi: Nguyễn Thị Ngọc 29 tháng 10 2019 lúc 16:47:43


Mục lục
* * * * *

Cuộc đấu tranh giữa thiện và ác trong truyện Tấm Cám

Thiện, ác luôn là vấn đề muôn thuở trong cuộc sống con người. Và vấn đề này đã được đề cập đến rất nhiều trong các tác phẩm văn học, đặc biệt là những truyện cổ tích. Trong những tác phẩm đó nổi bật hơn cả là cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa cái thiện và cái ác trong Tấm Cám. Đọc truyện xưa và ngẫm đến chuyện nay ta thấy rằng cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác vẫn đang từng ngày tiếp diễn, chưa đến hồi kết.

    Thiện và ác là hai phạm trù đối lập nhau. Thiện có thể hiểu là những hành động, lời nói hay ý nghĩa tốt đẹp được dung để phục vụ cộng đồng, xã hội, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho những người xung quanh. Ác có thể hiểu là những lời nói, hành động, suy nghĩ xấu gây nên những đau khổ hoặc tai họa cho người khác. Trong xã hội kẻ ác luôn là đối tượng bị tẩy chay, bị lên án. Thiện – ác là hai phạm trù đối lập nhau, nhưng luôn tồn tại song song với nhau. Đó là cuộc đấu tranh muôn đời, và trong cuộc đấu tranh đó con người luôn mang niềm tin chiến thắng tất yếu sẽ thuộc về cái thiện.

    Trong truyện cổ tích Tấm Cám ta thấy cuộc đấu tranh giữa thiện và ác được chia làm hai chặng rất rõ ràng, trong đó Tấm đại diện cho cái thiện, Cám và mẹ đại diện cho cái ác. Trong chặng đầu tiên, cô Tấm thảo hiền, lương thiện luôn hiện lên trong tư thế bị động. Cô phải làm việc quần quật cả ngày, không lúc nào được ngơi tay, trong khi đó Cám chỉ rong chơi, điểm trang không giúp đỡ cho Tấm. Không chỉ bị bóc lột về sức lao động, Tấm còn bị tước đoạt niềm vui tinh thần: mẹ Cám biết con gái bà chắc chắn đã lấy trộm giỏ tép về trước để nhận yếm đào, nhưng vẫn dung túng và trao phần thưởng lẽ ra phải thuộc về Tấm. Không chỉ vậy, bà ta còn nhẫn tâm giết chết cá bống, người bạn thân thiết của Tấm. Ngày đi xem hội, như bao cô gái khác, Tấm cũng mang trong mình niềm vui, sự háo hức được đi, nhưng mẹ Cám đã chặn đứng hi vọng của cô, mẹ Cám trộn thóc với đậu rồi bắt Tấm nhặt riêng từng loại. Những lần như vậy, Tấm chỉ biết bưng mặt khóc, đợi chờ sự xuất hiện của Bụt để giúp đỡ cô. Rõ ràng, ban đầu Tấm – cái thiện luôn lép vế, yếu đuối không hề phản kháng, chống cự lại cái ác. Có chăng cũng chỉ là những giọt nước mắt để cầu xin sự xuất hiện của thần linh. Cái ác áp đảo, ngày một làm cho cuộc sống của Tấm trở nên khổ sở, cùng cực hơn. Nhưng ở một góc độ nào đó có thể hiểu, nàng Tấm nhẫn nhục chịu đựng để mong một cuộc sống bình yên cho riêng mình. Nhưng “cây muốn lặng mà gió chẳng đừng” cái ác hoành hành, tác oai tác quái, bởi vậy cái thiện đã phải vùng lên đấu tranh.

    Sang đến chặng thứ hai, Tấm không còn là một người con gái nhu mì, chịu đựng mà thay vào đó là một cô Tấm với sức phản kháng mạnh mẽ để giữ lấy hạnh phúc cho bản thân. Mụ dì ghẻ và Cám năm lần bảy lượt bức hại Tấm, tìm mọi cách để Tấm không thể hóa thân. Ngược lại với âm mưu thâm độc đó, cô Tấm vùng lên, hóa thân thành các sự vật khác nhau: chim vàng anh – cây xoan đào – khung cửi – quả thị. Đến đây Tấm không còn khóc lóc để chờ sự giúp đỡ của thần linh nữa mà vùng dậy đấu tranh bằng chính năng lực của mình, để bảo vệ hạnh phúc của bản thân. Trải qua những khó khăn, vô số lần bị hãm hại, cuối cùng cô Tấm đã trở lại ngôi vị hoàng hậu, còn mẹ con Cám bị trừng trị thích đáng. Đây là kết thúc hết sức hợp lí thể hiện quan điểm “ở hiền gặp lành, ác giả ác báo” của nhân dân ta.

    Không chỉ riêng ở truyện cổ tích Tấm Cám mà rất nhiều câu chuyện cổ tích khác cũng đều có kết thúc tương tự như vậy: Cây khế, Thạch Sanh,… Kết thúc có hậu ấy thể hiện mơ ước khát vọng ngàn đời của ông cha ta về công bằng, công lí trong xã hội. Đồng thời phản ánh quy luật tất yếu của cuộc sống cái thiện tất yếu sẽ chiến thắng cái ác.

    Nhìn truyện xưa, ta lại nghĩ về cái thiện và cái ác trong cuộc sống hiện nay. Nếu xưa, thiện và ác có thể phân ra giới tuyết rất rõ ràng, người thiện không thể là người ác và người ác vĩnh viễn cũng không thể là người thiện thì cuộc sống hiện tại ranh giới giữa thiện ác trở nên mong manh hơn. Ta đi trên xe buýt, ta nhìn thấy kẻ móc túi nhưng sợ hãi bị liên lụy, cho rằng người bị mất cũng không liên quan đến mình, ta mặc kệ, như vậy bản thân chúng ta đã vô tình tiếp tay cho cái ác có cơ hội hoành hành. Hay ta nhìn thấy bạn quay cóp trong giờ kiểm tra nhưng vì thương bạn, biết bạn chưa học bài nên ta bỏ qua. Tình thương ấy lại chính là liều thuốc độc giết chết nhân cách của bạn. Từ hành động nhỏ sẽ là cơ sở cho những việc xấu lớn. Nếu ta không ngăn chặn nó ngay, rễ ác mọc lan, khó mà có thể tiêu diệt tận gốc cái ác được. Cuộc đấu tranh giữa thiện và ác trong cuộc sống hiện đại càng trở nên khó khăn hơn, nguy hiểm hơn khi cái ác càng ngày càng trở nên tinh vi, với những thủ đoạn khó lường hơn. Nhưng dù có như vậy, cái thiện sẽ luôn luôn chiến thắng cái ác, đây là niềm tin cũng là chân lí bất diệt của muôn thế hệ muôn đời.

    Để cho cái thiện luôn chiến thắng cái ác, để rễ ác không có cơ hội mọc lan thì tự chúng ta phải là những người bản lĩnh. Bản thân mỗi người cần sống lương thiện, sống có ích, giúp đỡ mọi người. Có đủ dũng khí, tự tin để vạch trần cái ác, ác xấu để chúng không có cơ hội lan truyền đến những người xung quanh.

    Con đường đấu tranh của cái thiện với cái ác là một hành trình đầy gian nan, thách thức, có những lúc cái thiện buộc phải nhường bước, bị cái ác lấn át. Nhưng đến cuối cùng nhất định cái thiện cái dành phần thắng, những con người lương thiện, thật thà sẽ được hưởng cuộc sống hạnh phúc, cái độc ác, giả dối sẽ bị trừng trị thích đáng.

Nghị luận xã hội về căn bệnh vô cảm

 Ngày nay con người phải đối mặt với rất nhiều loại bệnh tật khác nhau, những căn bệnh về thể xác, nhưng nguy hiểm hơn đó là những căn bệnh về tâm hồn. Những căn bệnh ấy ngấm ngầm phá hủy tinh thần, nhân tính trong mỗi chúng ta mà ta không hề hay biết. Đến một ngày chợt nhận ra thì mọi thứ đã trở nên quá muộn màng. Và một trong những căn bệnh nguy hiểm đó chính là căn bện vô cảm.

    Vô cảm là gì? Nếu triết tự “vô” tức là không, “cảm” là thế giới tình cảm, cảm xúc của con người. Vô cảm là căn bệnh con người không có tình cảm, cảm xúc trước những sự việc diễn ra trong cuộc sống. Họ sống cuộc đời thờ ơ, ích kỉ, làm ngơ trước cái xấu, để cho cái ác hoành hành. Đó là những con người không có trái tim.

    Căn bệnh này tồn tại dưới rất nhiều dạng khác nhau. Trước hết nó là sự thờ ơ trước những đau thương, mất mát của những người xung quanh. Niềm vui cũng không khiến họ cười, không làm trái tim họ hạnh phúc; mất mát khổ đau không làm họ nhỏ một giọt nước mắt tiếc thương. Mọi việc trước mắt họ đều trở nên “bình thường”. Trong thời gian gần đây, ta đã đọc rất nhiều bài báo phản ánh về tình trạng móc túi trên xe buýt, nhưng không một ai lên tiếng. Họ sợ hãi sẽ mang vạ vào mình, họ sợ bị trả thù, bởi vậy họ mặc kệ người bị hại.

    Họ không quan tâm đến những vấn đề lớn hay nhỏ của xã hội, của những người xung quanh. Những trận lũ lụt lớn xảy ra, khiến biết bao người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, những có một bộ phận chẳng hề mảy may quan tâm đến những cuộc vận động lớn nhỏ để giúp đỡ những gia đình gặp nạn. Họ thờ ơ, họ không chú ý hay để tâm đến. Họ luôn chỉ nghĩ cho mình, vì mình, họ sợ hãi khi phải hi sinh cho người khác, họ né tránh sự giúp đỡ. Đối với họ sống trong cái vỏ ốc họ gia công bao giờ cũng mang đến hạnh phúc hơn hết cả. Họ mặc kệ cuộc sống xung quanh diễn ra như thế nào, trước một phong cảnh đẹp, trước một bông hoa thơm họ không mảy may rung động hay thích thú, dường như trái tim họ đã chết. Và họ thờ ơ với cả tương lai chính mình, để mặc cuộc đời xô đẩy, không nỗ lực, không phấn đấu, không có chí tiến thủ. Đây quả là một căn bệnh ô cùng nguy hiểm, ngày càng lan rộng với tốc độ chóng mặt

    Căn bệnh này gây ra những hậu quả vô cùng xã hội. Hãy thử tưởng tượng một xã hội là tập hợp những con người vô cảm thì cuộc sống này sẽ ra sao và sẽ đi về đâu. Vô cảm cũng giúp cho cái ác, cái xấu hoành hành, lên ngôi, bởi họ đâu quan tâm đến những người xung quanh, nên dù tên trộm kia có móc túi, người kia có bị bạo hành đó cũng không phải là việc của họ. Vô cảm khiến cho tâm hồn chai sạn, tha hóa về nhân cách và đạo đức.

    Tình trạng vô cảm trong xã hội hiện đại ngày càng lan rộng và thực sự ở mức báo động đỏ. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng vô cảm lây lan mạnh mẽ đến vậy. Trước hết, do cuộc sống khoa học hiện đại, khiến con người luôn khép mình trong những gian phòng kín, họ tiếp xúc, trò chuyện với nhau qua màn hình máy tính, qua thế giới ảo. Sự tương tác thực tế ngày càng ít đí, khiến cho tâm hồn con người ngày trở nên chai sạn. Do bố mẹ quay cuồng trong guồng quay kiếm tiền, không quan tâm đến con cái. Họ tưởng rằng có thể dùng tiền đó làm cho con hạnh phúc, nhưng nào biết rằng chính nó lại là nguồi cội của sự bất hạnh, khiến đứa trẻ trở nê vô cảm. Nhưng quan trọng nhất, dẫn đến sự vô cảm của thế hệ trẻ chính là lối sống vị kỉ, chỉ quan tâm đến lợi ích bản thân. Họ sống thiếu tình thương, trách nhiệm thiếu sự quan tâm lẫn nhau. Chính những nguyên nhân trên đã khiến căn bệnh vô cảm có cơ hội bùng phát mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

    Căn bệnh này lây lan với tốc độ nhanh chóng, nhưng nếu có những hành động kịp thời ta vẫn có thể ngăn chặn căn bệnh này bùng phát thành đại dịch. Để ngăn chặn bệnh vô cảm mỗi người hãy bước ra khỏi thế giới ảo, bước ra khỏi bốn bức tường để cảm nhận cuộc sống quanh, để thấy cuộc đời chân thật muôn màu, muôn vẻ ngay trước mắt. Hãy dũng cảm, mạnh mẽ trước cái ác, cái xấu, dám lên án phê phán sự thờ ơ. Sống bằng trái tim yêu chân thành, nhiệt huyết, luôn quan tâm và giúp đỡ những người xung quanh. Sống là cho đi đâu chỉ nhận lại riêng mình. Thay vì ngồi trước màn hình máy tính hãy trau dồi, làm đẹp tâm hồn bằng những cuốn sách giàu giá trị nhân văn, giúp chúng ta hướng đến cái đích chân thiện mĩ.

    Bên cạnh một bộ phận có lối sống thờ ơ, vô cảm thì vẫn có những con người sống tràn đầy nhiệt huyết và sẵn sàng xả thân vì những người xung quanh. Có lẽ ta vẫn chưa quên những hiệp sĩ Sài Gòn đã hi sinh thân mình để bảo vệ người bị hại. Hay một bạn học sinh ở Nghệ An đã sẵn sàng lao xuống dòng nước lũ để cứu những người khác mà cuối cùng cậu đã anh dũng hi sinh. Những tấm gương ấy sẽ mãi mãi được mọi người ghi nhớ. Nó cũng là nguồn động lực tiếp cho ta thêm sức mạnh, niềm tin vào lối sống yêu thương, quan tâm giúp đỡ người khác. Hình ảnh của họ, tình yêu thương, sự hi sinh họ dành cho những người xung quanh sẽ lan tỏa lối sống yêu thương tình nghĩa đến toàn thể xã hội, đẩy lùi căn bệnh vô cảm.

    Căn bệnh vô cảm là căn bệnh phổ biến trong xã hội hiện đại, với tốc độ lây lan nhanh và vô cùng nguy hiểm. Nhưng nó vẫn có thể khống chế và xóa bỏ khi tôi, bạn, tất cả chúng ta chung tay, sống một cuộc sống khác, cuộc sống của tình yêu thương, quan tâm và giúp đỡ lẫn nhau.

Nghị luận xã hội về tiền bạc và hạnh phúc 

Cuộc sống của con người luôn mong muốn và hướng tới được thỏa mãn cả về nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần. Đó là nhu cầu hết sức chính đáng của cuộc sống. Bởi vậy, giữa tiền bạc và hạnh phúc có mối quan hệ mật thiết với nhau tạo nên sử thỏa mãn cho con người. Nhưng làm thế nào để hai yếu tố này cân bằng, hài hòa với nhau một cách trọn vẹn nhất?

    Trước hết chúng ta cần hiểu thế nào là tiền bạc và thế nào là hạnh phúc? Tiền bạc là phương tiện để con người mua bán, trao đổi mọi vật dụng trong đời sống. Tiền bạc là đại diện cho vật chất. Ngược lại, hạnh phúc lại thiên về mặt tinh thần. Nó là những cảm xúc, cảm giác sung sướng cực điểm khi được thỏa nguyện về một vấn đề nào đó. Giữa tiền bạc và hạnh phúc có mối quan hệ khăng khít với nhau, tác động qua lại với nhau.

    Tiền bạc là phương tiện để duy trì cuộc sống cho con ngươi. Mọi nhu yếu phẩm hàng ngày của chúng ta đều phải sử dụng đến tiền để duy trì cuộc sống: thực phẩm, quần áo, giáo dục, y tế,… Nếu không có tiền thì những nhu cầu tối thiểu đó con người cũng sẽ không được đáp ứng. Nếu có tiền, chúng ta sẽ được hưởng một cuộc sống thoải mái, tiện nghi, không chỉ vậy còn được hưởng những dịch vụ chăm sóc tốt nhất cho bản thân và cả gia đình. Có tiền chúng ta cũng có thể giúp đỡ người khác được nhiều hơn, tương trợ những người có hoàn cảnh éo le giúp họ vượt lên hoàn cảnh. Nếu chúng ta không có tiền, dù có gặp những người có hoàn cảnh éo le thì “lực bất tòng tâm”, tâm muốn giúp mà điều kiện, hoàn cảnh không cho phép. Chẳng phải điều đó cũng làm ta đau buồn đó sao. Bill Gates, một trong những người giàu nhất thế giới, ông đã dùng một phần tài sản của mình để giúp đỡ những trẻ em nghèo, những trẻ em lang thang cơ nhỡ ở các nước kém phát triển. Nếu Bill Gates chỉ là một người bình thường liệu ông có thể giúp đỡ và đem lại hạnh phúc cho nhiều người đến vậy không? Có tiền cũng là cơ hội giúp bạn thực hiện những mong muốn, mơ ước một cách nhanh chóng hơn. Như vậy, có tiền cũng là một phương tiện để chúng ta cảm thấy hạnh phúc. Ở phương diện này đồng tiền không hề xấu.

    Nhưng ngược lại, tiền bạc cũng gây lên những áp lực, những hệ lụy khôn lường đối với con người. Người ta hăng say kiếm tiền mà bỏ quên những giá trị hạnh phúc đích thực, bỏ quên những người luôn bên cạnh động viên, giúp đỡ họ. Ma lực của đồng tiền đôi khi làm người ta mờ mắt, sẵn sàng làm những việc xấu xa, băng hoại đạo đức để có được tiền.

    Tiền bạc còn phá vỡ mối quan hệ bình đẳng giữa con người với con người. Khoảng cách giàu nghèo quá lớn, khiến con người trở nên xa lạ với nhau, giữa những người không cùng “đẳng cấp” họ không thể tìm được tiếng nói chung. Tiền bạc còn là căn nguyên của mọi xích mích, biết bao gia đình đã tan nát vì tranh giành tiền bạc, tài sản,…

    Vậy chẳng lẽ hạnh phúc lại không có chút ý nghĩa gì, không có giá trị nào hay sao? Hoàn toàn không phải như vậy, khi chúng ta hạnh phúc, cơ thể thư giãn, thoải mái đó sẽ là điều kiện nảy nở những ý tưởng độc đáo, sáng tạo, là cơ hội biến những dự định thành hiện thực. Những người yêu đời, sống hạnh phúc bao giờ cũng dễ dàng thành công hơn những người sống u uất, trầm cảm.

    Không phải cứ có nhiều tiền chúng ta sẽ được sống hạnh phúc. Điều quan trọng với mỗi người là phải tạo nền sự cân bằng, hài hoa giữa tiền bạc và hạnh phúc, giữa nhu cầu về vật chất và những khát vọng về đời sống tinh thần. Chỉ khi ấy con người mới được hưởng một công sống thoải mái, thanh thản thực sự. Để có được điều đó, bản thân mỗi người cần nỗ lực, cố gắng không ngừng trong học tập, lao động. Hãy kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình, dùng nó vào những mục đích chính đáng. Kiếm tiền nhưng cũng không quên quan tâm, chăm sóc những người xung quanh, không quên đem lại cho bản thân những giây phút nghỉ ngơi, thư giãn. Với những hạnh phúc đã có được phải trân trọng, gìn giữ, bởi tạo được hạnh phúc không hề đơn giản, đừng vì những lí do tiền bạc mà phũ phàng, phụ bạc nhau. Và mỗi người cần phải hiểu rằng, tiền bạc chỉ là một yếu tố nhỏ đem đến hạnh phúc cho con người không phải yếu tố quan trọng nhất. Hơn nữa, hạnh phúc có thể làm ra của cải, tiền bạc còn tiền bạc chưa chắc đã đem đến hạnh phúc thực sự cho con người.

    Trong cuộc sống hiện đại, tiền bạc và hạnh phúc đều có vị trí, ý nghĩa quan trọng. Điều quan trọng là mỗi chúng ta cần phải có thái độ, cách nhìn nhận đúng đắn giữa hai phương diện vật chất này. Không nên quá đề cao tiền bạc mà hạ thấp hạnh phúc, bởi vậy bạn sẽ rơi vào cô đơn. Cân bằng giữa hai yếu tố trên, lấy hạnh phúc là cơ sở là mục đích phấn đấu sẽ đem lại cho bạn cuộc sống đầy tốt đẹp và ý nghĩa.

Nghị luận xã hội về tác hại của tệ nạn với cuộc sống của con người 

Nhờ tiến bộ của khoa học kĩ thuật, y tế những căn bệnh như dịch hạch, dịch thổ tả,… đã tìm ra vacxin khống chế. Nhưng có những căn bệnh, những tện nạn xã hội thì ngày càng lây lan mạnh mẽ, mà nếu bản thân mỗi người, xã hội không có hành động kịp thời chúng sẽ bùng phát thành đại dịch khó lòng có thể ngăn chặn nổi.

    Tệ nạn xã hội có thể hiểu là những hiện tượng xấu, hành vi không đúng chuẩn mực đạo đức, …. xảy ra phổ biến trong đời sống xã hội. Những tệ nạn này gây ra hậu quả nghiêm trọng cho gia đình và toàn xã hội. Một số tệ nạn xã hội tiêu biểu như: ma túy, mại dâm, thuốc lá, mê tín, … đây đều là những căn bệnh nguy hiểm, chúng liên hệ mật thiết với nhau, tác động xấu đến đời sống xã hội.

    Hiện nay ở nước ta tệ nạn xã hội ngày một phổ biến và phát triển dưới những hình thức hết sức tinh vi, khó lường. Tệ nạn hút thuốc lá ở Việt Nam vào hàng cao nhất thế giới, với 56% nam giới và 1,8% nữ giới, và tình trạng này ngày càng gia tăng. Tính đến tháng 6/2011 cả nước có 149.900 người nghiện ma túy, tăng 2,7 lần so với cuối năm 1994. Và từ đó đến nay con số này vẫn không ngừng gia tăng, nghiện ma túy tập trung chủ yếu ở những thành phố lớn, những địa phương giáp biên giới. Thực trạng mại dâm ở nước ta cũng vô cùng đáng lo ngại, theo báo cáo trên cả nước có 11.240 người hoạt động mại dâm, nhưng con số thực tế, không kiểm soát được còn lớn hơn rất nhiều. Đây chỉ là số liệu về một trong những tệ nạn chính, ngoài ra còn rất nhiều tệ nạn khác, đang ngày ngày gặm nhấm xã hội, kéo xã hội tụt hậu.

    Tệ nạn xã hội gây ảnh hưởng trước hết là đến bản thân người sử dụng. Làm cơ thể ốm yếu, mắc những căn bệnh nghiêm trọng gây nguy hiểm đến tính mạng: ung thư, HIV/AIDS, …Không chỉ vậy còn làm băng hoại đạo đức, tinh thần, với những người nghiện ma túy họ sẵn sàng thực hiện mọi hành vi, kể cả giết người, cướp của để thỏa mãn cơn thèm của mình. Không chỉ vậy, tệ nạn xã hội còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến gia đình, những gia đình có người mắc tệ nạn thường kinh tế sa sút, bị tổn hại về tinh thần. Những gia đình có cha hoặc mẹ mắc tệ nạn sẽ trở thành hình ảnh xấu với con, khiến những đứa trẻ không được sống và phát triển trong một môi trường lành mạnh. Đây cũng là nguyên nhân khiến chúng phát triển lệch lạc về nhân cách, lối sống, suy nghĩ, ảnh hưởng tới tương lai đất nước.

    Đối với xã hội và đất nước, tệ nạn xã hội tràn làn trở thành gánh nặng kinh tế, là nguyên nhân kéo lùi nên kinh tế đất nước phát triển. tệ nạn xã hội còn làm rối loạn trật tự, an ninh xã hội, nạn trộm cắp, cướp của,… khiến người dân luôn phải sống trong nỗi bất an, lo lắng. Chúng ta hãy thử tưởng tượng một đất nước chỉ có những người mắc tệ nạn xã hội thì tương lai đất nước ấy sẽ đi về đâu?

    Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự hoành hành của các tệ nạn xã hội hiện nay. Do bị bạn bè rủ rê, lôi kéo. Do gia đình không có sự quan tâm, đặc biệt với các bạn trẻ bố mẹ mải mê kiếm tiền, không chăm lo cho con cái, dẫn đến tâm lí chán nản, dễ dàng bị dụ dỗ. Do thất nghiệp, lười lao động, ông cha ta vẫn thường có câu “nhàn cư vi bất thiện”, khi nhàn dỗi thường dẫn con người đến những thú ăn chơi, hưởng lạc, dễ dàng sa ngã. Nhưng quan trọng nhất vẫn là do bản thân không có lập trường vững vàng, không làm chủ được bản thân trước những cám dỗ của cuộc sống.

    Mặc dù các tệ nạn này ngày một bùng phát mạnh mẽ nhưng không có nghĩa là chúng ta bỏ mặc, chỉ cần tất cả mọi người chung tay, góp sức, tất yếu tệ nạn xã hội sẽ bị đẩy lùi. Bản thân mỗi người cần phải ý thức những tác hại nguy hiểm, khôn lường mà những tệ nạn xã hội gây ra với bản thân và gia đình, sẽ hội. Tránh xa mọi lời rủ rê, lôi kéo từ những người có lối sống không lành mạnh. Dũng cảm lên án, tố cáo những người mắc tệ nạn xã hội. Bản thân không ngừng nỗ lực, cố gắng học tập, rèn luyện đạo đức, sống có mục tiêu, lí tưởng để trở thành con người có ích, xây dựng quê hương, đất nước.

    Bên cạnh đó cũng cần sự phối hợp của gia đình, nhà trường và xã hội. Gia đình cần dành thời gian quan tâm, chăm sóc con cái, có những định hướng đúng đắn để con cái phát triển lành mạnh. Nhà trường cần tổ chức các buổi ngoại khóa, tuyên truyền để học sinh thấy được những tác hại nghiêm trọng của tệ nạn xã hội đối với bản thân. Đặc biệt, xã hội cần phải chung tay kết hợp với các cơ quan chức năng đẩy lùi tệ nạn xã hội. với những gia đình có người mắc tệ nạn xã hội còn khuyên bảo họ từ bỏ, đồng thời không có thái độ, phân biệt, kì thị, để họ dễ dàng tái hòa nhập với cộng đồng sau khi đã từ bỏ được các tệ nạn.

    Bản thân chúng ta là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường cần phải tích cực học tập, không ngừng nỗ lực cố gắng. Hãy nói không và tránh xa các tệ nạn xã hội, để bảo vệ chính mình và bảo vệ truyền thống đẹp đẽ của dân tộc.

    Tệ nạn xã hội luôn là vấn đề nan giải của gia đình và toàn thể xã hội, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và sự phát triển của đất nước. Là mầm non tương lai của đất nước chúng ta phải cùng nhau chung tay đẩy lùi các tệ nạn xã hội, tạo môi trường trong lành để phát triển, đồng thời cũng là để thực hiện trách nhiệm của mỗi công dân đối với đất nước.

Nguồn: vietjack

Các bài học liên quan