Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Văn mẫu: Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy

Gửi bởi: Nguyễn Thị Ngọc 29 tháng 10 2019 lúc 11:39:51


Mục lục
* * * * *

Phân tích truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy 

Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy là một trong những truyền thuyết nổi bật trong chuỗi truyền thuyết thời Âu Lạc. Tác phẩm với kết thúc bi kịch, nước mất nhà tan đã trở thành bài học sâu sắc về quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.

   Tác phẩm xoay quanh ba nhân vật chính: An Dương Vương, Mị Châu và Trọng Thủy, mỗi nhân vật có một tính cách, hoàn cảnh riêng, qua đó thể hiện được những bi kịch khác nhau.

   Trước hết về nhân vật An Dương Vương. Ông là một vị vua anh minh, sáng suốt trong quá trình dựng và giữ nước. Ông có quyết định táo bạo, đúng đắn dời kinh đô từ Nghĩa Lĩnh về Cổ Loa, tạo điều kiện để phát triển đất nước. Không chỉ vậy, để đề phòng quân xâm lược ông còn xây dựng Cổ Loa thành với chín vòng thành chắc chắn, được sự giúp đỡ của Rùa Vàng, chín vòng thành khiến kẻ thù khó có thể xâm lấn. Không chỉ vậy, khi được Rùa Vàng tặng móng vuốt, ông còn tìm người tài chế tạo nỏ thần. Chính bởi sự mưu lược, nhìn xa trông rộng nên khi Triệu Đà kéo quân sang đã bị quân ta đánh bại. Nhưng ngài cũng là người mất cảnh giác trước kẻ thù.

   Trên đà lợi thế với chín vòng thành và vũ khí là nỏ thần, An Dương Vương không phòng bị trước kế sách hiểm độc của Triệu Đà: cầu hôn Mị Châu. Ông chẳng mảy may nghi ngờ mà lập tức gả con gái cho kẻ thù, không có chính sách phòng bị hay đối phó. Ông đã tỏ ra cực kì mất cảnh giác, có lẽ ông đã ngủ quên trên chiến thắng, ỉ thế mình có nỏ thần mà quên đi những âm mưu thâm độc của kẻ thù. Sự mất cảnh giác, chủ quan ấy còn được đẩy lên một mức cao hơn nữa khi quân lính vào báo tin Triệu Đà kéo quân sang xâm lược, An Dương Vương Vẫn bình tĩnh mà nói: “Đà không sợ nỏ thần của trẫm sao”. Ông vẫn tin tưởng vào sức mạnh của nỏ thần mà không hề có bất kì hành động nào chống trả lại kẻ xâm lược. Trước đây ông anh minh, sáng suốt bao nhiêu thì nay lại chủ quan bấy nhiêu. Chính bởi sự mất cảnh giác ấy nên ông lâm vào hai bi kịch lớn: bi kịch mất nước, thua trận, bị kẻ thù truy đuổi đến đường cùng phải kêu cứu Rùa Vàng. Và đau đớn hơn là bi kịch phải tự tay giết chết người con gái duy nhất của mình. Mặc dù đau đớn song ông không thể làm khác. Ông cầm sừng tê rẽ xuống nước sống cuộc đời bất tử. Đây là hình thức phổ biến trong văn học dân gian, cái chết của An Dương Vương được bất tử hóa, mĩ lệ hóa. An Dương Vương tuy có tội nhưng là vô tình nên được nối dài sự sống như một sự đền bù. Nhưng vẫn là tội nên không được tiếp tục sống trên trần gian, cũng không có cái kết huy hoàng như Thánh Gióng.

   Nhân vật thứ hai chính là nàng Mị Châu, nàng là tội nhân của bi kịch mất nước. Lấy Trọng Thủy nàng một lòng một dạ yêu và tin chồng, không hề đề phòng bởi cha nàng vốn cũng không phòng bị nên nàng cũng không mảy may nghi ngờ. Trước lời đề nghị của Trọng Thủy cho xem nỏ thần, nàng ngay lập tức nhận lời, không cần đến sự đồng ý của ai, dù đó là bảo vật quốc gia, liên quan đến vận mệnh đất nước. Đây cũng chính là cơ hội để Trọng Thủy đánh tráo nỏ thần. Sự bất cẩn của nàng đã làm lộ bí mất quốc gia, là nguyên nhân dẫn đến mất nước. Nàng ngây thơ đến nỗi trước lời dặn dò đầy ẩn ý của Trọng Thủy cũng không nghi ngờ mà còn dặn dò chồng: “Thiếp phận nữ nhi, nếu gặp cảnh biệt li thì đau đớn khốn xiết. Thiếp có áo gấm lông ngỗng thường mặc trên mình, đi đến đâu sẽ rứt lông mà tắc ở ngã ba đường làm dấu, như vậy sẽ có thể cứu được nhau”. Mị Châu chỉ nghĩ cho hạnh phúc nhỏ của mình mà quên đi vận mệnh lớn của đất nước. Lúc này lí trí của nàng đã bị trái tim chiếm chỗ bởi vậy nàng không suy xét, ngẫm nghĩ mà chỉ nghe theo lời chồng. Nhờ những chiếc lông ngỗng mà quân Triệu Đà đã đuổi theo truy sát An Dương Vương, cuối cùng nàng bị kết tội là giặc – bi kịch đau đớn nhất trong cuộc đời nàng. Cái chết của Mị Châu là bài học đau xót cho muôn đời sau.

   Trọng Thủy là nhân vật vô cùng phức tạp, mắc kẹt giữa hai tham vọng tình yêu và cướp nước, bởi vậy Trọng Thủy vừa là nạn nhân, vừa là tội nhân. Trọng Thủy cưới Mị Châu do lệnh của vua cha, chàng không hề có tình yêu với Mị Châu. Bởi vậy, Trọng Thủy sẵn sàng lừa dối Mị Châu để xem và đánh tráo nỏ thần, độc ác hơn Trọng Thủy còn lừa Mị Châu rải lông ngỗng để truy sát hai cha con An Dương Vương đến cùng. Mọi hành động của Trọng Thủy là có chủ ý, được sắp đặt từ trước, bởi vậy, Trọng Thủy không thể được dung tha. Cái chết bi thảm lao đầu xuống giếng tự vẫn chính là dành cho Trọng Thủy – kẻ nham hiểm, lừa dối người vợ của mình. Nhưng xét ở một khía cạnh khác, Trọng Thủy lại là nạn nhân trong bi kịch tình yêu. Đối với Triệu Đà, Trọng Thủy là một bề tôi trung thành đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ. Nhưng cuối cùng lại tự vẫn, theo quan niệm phong kiến tội bất hiếu là tội lớn nhất của con người. Khi sống trọn vẹn với tình yêu Trọng Thủy lại trở thành kẻ bất hiếu. Trong quan hệ với Mị Châu, có lẽ sau quá trình chung sống, Trọng Thủy nảy sinh tình cảm với Mị Châu, lúc này Trọng Thủy bị giằng xé giữa nghĩa vụ và tình yêu. Bởi vậy sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ, cướp nước thành công, Trọng Thủy sống trong nỗi đau đớn, tâm can bị giày vò, Trọng Thủy đã tìm đến cái chết để tự giải thoát cho chính mình. Bi kịch đó là lời tố cáo chiến tranh phi nghĩa: không chỉ phía thua mà cả phía thắng cũng đau đớn như nhau.

   Kết hợp nhuần nhuyễn giữa cốt lõi lịch sử và các yếu tố kì ảo, hoang đường tạo nên sự hấp dẫn, li kì; đồng thời thể hiện thái độ, quan niệm, tình cảm của dân gian với các nhân vật lịch sử. Xây dựng các hình tượng nhân vật rất phức tạp. Đây là hiện tượng đặc biệt trong các câu chuyện dân gian của Việt Nam. Ngoài ra tác phẩm sử dụng các chi tiết giàu ý nghĩa biểu tượng: ngọc trai, giếng nước,..

   Bằng sự kết hợp hài hòa giữa sự thật lịch sử và yếu tố kì ảo, tác phẩm là một cách giải thích nguyên nhân mất nước Âu Lạc. Đồng thời, qua tác phẩm cũng gửi gắm bài học lịch sử sâu sắc cho các thế hệ muôn đời: bài học về tinh thần cảnh giác và bài học về cách xử lí đúng đắn giữa việc chung và việc riêng, giữa tình nhà và việc nước, giữa cá nhân và cộng đồng.

Phân tích chi tiết giếng nước, ngọc trai trong truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy

Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy không chỉ thu hút bạn đọc ở nội dung hấp dẫn mà còn bởi hệ thống hình ảnh biểu tượng giàu ý nghĩa. Trong hệ thống những hình ảnh đó ta không thể không nhắc đến biểu tượng: ngọc trai – giếng nước. Một chi tiết nghệ thuật giàu ý nghĩa.

     Quân Triệu Đà kéo sang xâm lược Âu Lạc lần hai, An Dương Vương chủ quan không phòng bị nên thất bại thảm hại, mang con gái bỏ chạy. Đến bờ biển bị giặc truy đuổi đến gần, ông cầu cứu sứ Thanh Giang đến cứu, Rùa Vàng hiện lên chỉ: “Kẻ ngồi sau lưng chính là giặc đó”, Mị Châu bị chính cha mình tuốt kiếm giết chết. Trước khi chết nàng có khấng rằng: “Thiếp là phận gái, nếu có lòng phản nghịch mưu hại cha, chết đi sẽ biến thành cát bụi. Nếu mộ lòng trung hiếu mà bị người lừa dối thì chết đi sẽ biến thành châu ngọc để rửa sạch mối nhục thù”. Nàng chết đi, máu chảy xuống biến thành hạt châu. Trọng Thủy đến nơi chỉ thấy còn xác Mị Châu nên đem về an táng, vì nhớ thương, khi tắm tưởng là Mị Châu nên đã lao đầu xuống giếng mà chết. Người đời sau mò được ngọc ở biển rồi rửa với nước giếng ngọc càng sáng thêm.

     Về kết cấu tổ chức tác phẩm đây là chi tiết hợp lí với sự phát triển của tác phẩm. Đây là kết thúc hợp lí cho số phận của Mị Châu và Trọng Thủy, thể hiện cách đánh giá của nhân dân đối với bi kịch tình yêu và bi kịch mất nước của cả hai nhân vật.

     Mị Châu chết đi, biến thành ngọc châu, đúng như lời khấn của nàng trước khi chết. Vì nhẹ dạ, cả tin, vì quá yêu chồng và ngây thơ nên nàng vô tình trở thành kẻ bất hiếu, mang danh phản nghịch. Số phận của nàng vô cùng đáng thương, bất hạnh. Thấu hiểu cho tấm lòng của người con gái ngây thơ, khờ dại, vì tình yêu nên đã vô tình gây nên tội lớn, nên khi nàng chết, máu xuống biển đã biến thành những viên ngọc lấp lánh. Nó cũng một lần nữa khẳng định tấm lòng trong trắng của Mị Châu, nàng không hề có ý phản nghịch mưu hại cha, đẩy nhân dân vào cảnh mất nước. Vẻ ngọc sáng lấp lánh cũng chính là vẻ đẹp tâm hồn nàng. Hình ảnh ngọc châu được sáng tạo thể hiện sự cảm thông, xót thương của nhân dân với số phận bất hạnh của Mị Châu, là lời minh oan cho nàng.

     Đối với Trọng Thủy, Trọng Thủy dù chiến thắng, hoàn thành nghĩa vụ với vua, là một bề tôi trung thành, nhưng Trọng Thủy lại rơi vào bi kịch tình yêu. Trọng Thủy phải sống trong day dứt, dằn vặt vì đã lừa dối người vợ trong trắng, thủy chung. Hình ảnh giếng nước ở Loa Thành cũng chính là tấm gương phản chiếu tội lỗi của Trọng Thủy, hắn nhảy xuống giếng tự vẫn là kết thúc hoàn toàn hợp lí cho những tội lỗi mà mình đã gây ra, thể hiện sự ăn năn, ân hận của Trọng Thủy. Trọng Thủy không được bất tử hóa như An Dương Vương và Mị Châu, chỉ nhắc đến sau này, nước giếng ấy mà đem sửa ngọc trai thì ngọc trai sáng đẹp hơn, trong sáng hơn. Kết thúc đó cũng thể hiện quan điểm, thái độ của dân gian với nhân vật.

     Chi tiết ngọc trai khi rửa ở giếng nước nơi Trọng Thủy tự vẫn là một chi tiết giàu ý nghĩa, một sáng tạo độc đáo của nhân dân ta. Về chi tiết này cũng gợi ra nhiều cách hiểu khác nhau. Có ý kiến cho rằng chi tiết ngọc trai – nước giếng là biểu tượng của mối tình chung thủy: kiếp này không thể trọn vẹn với nhau thì họ hẹn nhau ở kiếp sau. Hiểu như vậy là không thật đúng vì trước khi chết, Mị Châu ngộ ra trong quá trình chung sống với Trọng Thủy, nàng bị dối lừa và trong nàng chỉ còn lòng hận thù. Khi lí trí trở về, không còn nhầm chỗ để trên đầu, nàng không dễ dàng khôi phục tình yêu. Chi tiết ngọc trai rửa ở giếng nước trở nên sáng đẹp hơn chỉ là biểu hiện của sự tha thứ, tha thứ cho Trọng Thủy.

     Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy là câu chuyện giàu ý nghĩa từ chính những biểu tượng của nó. Để Mị Châu biến thành ngọc châu, rửa với nước giếng nơi Trọng Thủy chất thể hiện tấm lòng nhân đạo bao dung của nhân dân ta. Trước những lầm lỗi luôn sẵn sàng tha thứ, nhưng đồng thời cũng có hình phạt thích đáng cho những kẻ có tội.

Phân tích nhân vật An Dương Vương

Nhân vật An Dương Vương trong tác phẩm Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc. Đó vừa là ông vua anh minh sáng suốt nhưng vì một phút chủ quan mà dẫn đến bi kịch mất nước. Số phận bi kịch của nhân vật để lại bài học sâu sắc cho muôn thế hệ sau.

     An Dương Vương là một vị vua anh minh, sáng suốt, có tầm nhìn xa trông rộng. An Dương Vương nối nghiệp các vua Hùng đã dời đô từ núi Nghĩa Lĩnh về đồng bằng Cổ Loa để mở rộng giao thương về kinh tế, văn hóa. Quá trình dời đô phản ánh sự lớn mạnh của nhà nước Âu Lạc, đồng thời phản ánh trí tuệ bản lĩnh sáng suốt của vua An Dương Vương.

     Quá trình dựng nước luôn đi liền với quá trình giữ nước, cho nên ngay khi về Cổ Loa, vua An Dương Vương đã cho xây dựng thành kiên cố để chống giặc ngoại xâm. An Dương Vương tự chuẩn bị cho mình sự che chở nhân tạo là chín vòng thành. Nhưng ngày xây thì đêm đổ, vua bèn “lập đàn trai giới, cầu đảo bách thần”. Chi tiết một cụ già từ phương Đông đi tới báo sẽ có người đến giúp, và sự giúp đỡ của Rùa Vàng đã khẳng định tính chất đúng đắn của việc xây dựng Loa Thành. Dưới sự giúp đỡ của Rùa Vàng, không lâu sau thì chín vòng thành đã xây xong, tạo thành một thành lũy kiên cố bảo vệ đất nước. Hình ảnh Loa Thành “rộng hơn ngàn thước, xoắn như hình trôn ốc” phản ánh tinh thần cảnh giác, sẵn sàng bảo vệ đất nước, quyết tâm cao độ chống giặc ngoại xâm của nhà vua và toàn thể nhân dân Âu Lạc.

     Không chỉ vậy ông còn có tầm nhìn xa trông rộng, khi xây thành xong ông bày tỏ nỗi lòng với Rùa Vàng: “Nhờ ơn của thần, thành đã xây được. Nay nếu có giặc ngoài thì lấy gì mà chống”. Nỗi băn khoăn ấy đã phản ánh nỗi lo lắng thường trực của đất nước thường có nạn giặc ngoại xâm. Được Rùa Vàng tặng vuốt, An Dương Vương ngay lập tức chế tạo nỏ thần, thể hiện ý chí quyết tâm chống giặc xâm lược của vua tôi Âu Lạc. Và nhờ sự chuẩn bị ấy, vua tôi An Dương Vương đã giành được thắng lợi to lớn, đánh tan sự xâm lược của quân Triệu Đà, chúng thua lớn, “chạy về Trâu Sơn đắp lũy không dám đối chiến, bèn xin hòa”. Điều đó khẳng định công lao và vai trò to lớn của An Dương Vương trong buổi đầu dựng nước và giữ nước.

     Nhưng vì một phút lơ là, mất cảnh giác ông đã rơi vào bi kịch mất nước. Triệu Đà biết không thể chống lại vũ khí đánh xa và chín vòng thành của An Dương Vương nên tìm cách trì hoãn bằng cách cầu hòa. An Dương Vương không nhận ra mưu sâu kế hiểm ấy nên nhận lời. Triệu Đà cầu hôn Mị Châu cho Trọng Thủy. An Dương Vương cũng không mảy may nghi ngờ, nhận lời gả người thân duy nhất của mình cho con trai kẻ thù. An Dương Vương không hề có kế sách đối phó. An Dương Vương cho Trọng Thủy sang ở rể theo tục lệ của nước Âu Lạc. Đây chính là đầu mối đầu tiên dẫn đến bi kịch mất nước sau này, An Dương Vương đã tạo cơ hội thuận lợi cho tên gián điệp đội lốt chủ rể khám phá bí mật quân sự quốc gia.

     Người đứng đầu quốc gia như vậy thì con gái là Mị Châu cũng không hề nghi ngờ, để con trai kẻ thù là nội gián, nàng ngây thơ tin tưởng và tiếp tay cho Trọng Thủy tráo đổi nỏ thần. Trước đây cảnh giác bao nhiêu dời đô về, sợ kẻ thù sẽ kéo sang, nên chuẩn bị chín vòng thành và vũ khí đánh xa nhưng đến đây An Dương Vương hoàn toàn không chút cảnh giác, ngủ quên trên chiến thắng, cậy mình có nỏ thần mà không hề phòng bị. Quân Triệu Đà kéo sang, An Dương Vương vẫn điềm nhiên ngồi đánh cờ cười mà hỏi rằng: “Đà không sợ nỏ thần sao?”. Sự nghiệp bao nhiêu năm gây dựng bỗng chống tan thành mây khói, vì chủ quan, mất cảnh giác, An Dương Vương đã để đất nước rơi vào tay kẻ thù. An Dương Vương mang theo con gái Mị Châu bỏ chạy, tình thế vô cùng nguy cấp, nhà vua bị đẩy đến bước đường cùng: Trước mặt là biến cả mênh mông, sau lưng quân giặc đã đuổi đến cận kề, ông thất vọng kêu cứu sứ Thanh Giang: “Trời hại ta, sứ Thanh Giang ở đâu mau mau lại cứu”. Rùa Vàng xuất hiện và chỉ kẻ sau lưng chính là giặc. An Dương dù vô cùng đau khổ nhưng phải rút gươm giết chết người con gái duy nhất của mình. Hành động đó thể hiện sự kiên quyết, dứt khoát, ông thực hiện nó khi đứng trên lập trường công dân, công lí và quyền lợi của dân tộc để trừng trị kẻ có tội với đất nước. Như vậy, cùng một lúc An Dương Vương phải đối mặt với hai bi kịch: bi kịch mất nước và bi kịch nhà tan, giết chết người con mình yêu quý. Hành động cuối cùng của ông tuy muộn màng nhưng cũng là sự thức tỉnh, bài học xương máu cho thế hệ sau trong quá trình giữ nước.

     Sau khi giết chết Mị Châu, An Dương Vương cầm sừng tê bảy tấc trở về biển cả. Nhân dân ta đã bất tử hóa sự sống của An Dương Vương. Chi tiết kì ảo thể hiện tình cảm, thái độ của nhân dân. Nhân dân tiếc thương vị anh hùng có công dựng nước nhưng vì một chút lơ là mà cơ đồ đắm biển sâu. An Dương Vương tuy có tội nhưng là vô tình nên được nối dài sự sống.

     Xây dựng nhân vật An Dương Vương các tác giả đã sử dụng nhiều yếu tố kì ảo: sự giúp đỡ của Rùa Vàng, nỏ thần,… để khẳng định đề cao những chiến công của ông đối với đất nước. Giọng điệu phong phú, khi ngợi ca tôn vinh, khi ngậm ngùi, chua xót cho cảnh nước mất nhà tan.

     Qua văn bản Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy, các tác giả dân gian đã dựng lên chân dung vị vua vừa có công vừa có tội. Có công khi đã dời đô, xây dựng kinh thành kiên cố, phát triển đất nước giàu mạnh. Có tội vì đã lờ là mất cảnh giác để đất nước rơi vào tay giặc, nhân dân chịu cảnh lầm than. Nhân vật đã để lại bài học sâu sắc cho muôn thế hệ sau về việc dựng nước và giữ nước, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác trước kẻ thù.

Phân tích nhân vật Mị Châu và Trọng Thủy

Mị Châu là con gái của An Dương Vương Thục Phán, là một cô công chúa lá ngọc, cành vàng, có tâm hồn ngây thơ trong trắng, nhẹ dạ, cả tin và không có một chú gì về ý thức công dân. Xuất hiện ở phần sau của tác phẩm, Mị Châu cũng là người phải chịu trách nhiệm lớn trước bi kịch "nước mất nhà tan".

   Khi đánh giá về nhân vật này, đã xuất hiện nhiều ý kiến khác nhau, người lên án, kẻ bênh vực.

   Những người bênh vực thì đã lấy đạo "tam tòng" (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử), một quan điểm đạo đức thời phong kiến để bênh vực cho nàng. Theo họ, Mị Châu là người con gái hiền thục, trọn đạo hiếu, vâng lời cha lấy chồng, lấy chồng thì một lòng tin yêu chồng. Sao có thể trách nàng mất cảnh giác với cả chồng mình được? Vì vậy việc Mị Châu không giấu giếm Trọng Thuỷ điều gì là vô tội. Nhưng họ đã quên rằng, trong một đất nước nhiều giặc giã, một nàng công chúa lại chỉ biết làm trọn chữ "tòng" mà vô tình với vận mệnh quốc gia là có tội. Mị Châu tin yêu chồng không có gì đáng trách nhưng nàng đã vi phạm nguyên tắc "bí mật quốc gia" của một người dân đối với đất nước, đặt tình riêng lên trên việc nước dù đó chỉ là do sự nhẹ dạ, vô tình. Nếu sự mất cảnh giác của ADV là nguyên nhân gián tiếp thì sự nhẹ dạ, ngây thơ của Mị Châu là nguyên nhân trực tiếp gây lên hoạ nước mất. Mị Châu tin yêu chồng bằng một tình yêu mù quáng. Nhân dân ta đã sáng tạo nên hình ảnh áo lông ngỗng là chi tiết nghệ thuật tài tình để thể hiện sáng rõ sự mù quáng đáng trách của Mị Châu. Trọng Thuỷ đánh tráo nỏ thần, trước khi về nước đã hỏi Mị Châu: "Ta nay trở về thăm cha ... làm giấu." Mị Châu đáp: "Thiếp có ... làm dấu". Trọng Thuỷ vừa về nước, chiến tranh hai nước xảy ra, lẫy nỏ không còn, phải lên ngựa bỏ chạy cùng vua cha, lẽ ra phải biết đó là âm mưu của Trọng Thuỷ, thế mà Mị Châu vẫn nhẹ dạ, mù quáng, không suy xét sự tình, vẫn rắc lông ngỗng làm dấu, có khác gì chỉ đường cho giặc đuổi theo mình. Việc làm đó của nàng đã trực tiếp dẫn tới bi kịch nhà tan. Vì vậy, không thể cho rằng làm một người vợ thì Mị Châu phải tuyệt đối nghe và làm theo lời chồng. Không thể cho rằng nàng là người vô tội, không phải chịu bất cứ trách nhiệm gì trước bi kịch nước mất nhà tan. Tội lỗi của nàng là hết sức nặng nề. Chính vì vậy, nhân dân ta không đánh giá nàng theo quan điểm đạo đức phong kiến thông thường mà đứng trên quan điểm của quốc gia, dân tộc để kết tội nàng.Với những lỗi lầm không thể tha thứ của một người dân đối với đất nước, nhân dân ta không những đã để cho Rùa Vàng (đại diện cho công lí của nhân dân) kết tội đanh thép, không khoan nhượng gọi nàng là giặc mà còn để cho Mị Châu phải chết dưới lưỡi kiếm nghiêm khắc của vua cha.

   Song thái độ, cách đánh giá của nhân dân vừa thấu tình, vừa đạt lí. Mị Châu có tội nhưng những tội lỗi mà nàng gây ra không phải là chủ ý của nàng mà do nàng quá nhẹ dạ, yêu chồng bị lừa dối mà mắc tội. Hơn nữa, cuối cùng, nàng cũng đã tỉnh ngộ nhận ra kẻ thù và chấp nhận một cái chết đau đớn. Mị Châu có tội nàng đã phải đền nhưng nỗi oan của nàng cũng cần được giải. Sáng tạo nên chi tiết thần kì, ứng nghiệm với lời cầu khấn trước khi chết của Mị Châu, nhân dân ta đã bày tỏ thái độ bao dung, niềm cảm thông mà minh oan cho nàng. Đồng thời, thông qua chi tiết thần kì đó, ông cha ta cũng thể hiện thái độ nghiêm khắc của mình và truyền lại một bài học lịch sử muôn đời cho con cháu trong việc giải quyết mối quan hệ riêng - chung.

   Về Trọng Thủy:

   Trọng Thuỷ là một trong ba nhân vật chính của tác phẩm. Hắn là con trai của Triệu Đà, con dể của An Dương Vương, là chồng của Mị Châu công chúa. Sang Âu Lạc theo mưu kế nham hiểm của cha mình, Trọng Thuỷ lấy Mị Châu không phải vì tình yêu mà chỉ để lợi dụng nàng thực hiện một mưu đồ chính trị, để hoàn thành nhiệm vụ gián điệp được cha hắn giao phó mà thôi. Và với danh nghĩa một người chồng, Trọng Thuỷ đã hoàn thành xuất sắc vai trò gián điệp ấy. Hắn đã lợi dụng Mị Châu, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, lừa gạt tình cảm của nàng để đánh cắp nỏ thần và nham hiểm hỏi Mị Châu một câu hỏi đầy dụng ý trước khi về nước với mục đích để biết cách tìm đường đuổi theo An Dương Vương nếu nhà vua chạy trốn. Chính những việc làm này của hắn là những nguyên nhân trực tiếp dẫn tới bi kịch nước mất nhà tan của cha con ADV và nhân dân Âu Lạc. Hắn chính là kẻ thù của nhân dân Âu Lạc, là một kẻ rất đáng bị vạch mặt, lên án, tội lỗi đời đời.

   Tuy nhiên, xét ở một góc độ khác, Trọng Thuỷ cũng chỉ là nạn nhân của một cuộc chiến tranh xâm lược. Trong tay của Triệu Đà, Trọng Thuỷ không hơn không kém cũng chỉ là một con bài chính trị mà thôi. Hơn nữa, mặc dù là một kẻ độc ác, Trọng Thuỷ cũng không phải hoàn toàn đã mất hết nhân tính của một con người. Chính lời nói của Trọng Thuỷ với Mị Châu trong lúc chia tay, hành động tự vẫn sau chuỗi ngày sống trong sự dày vò, ân hận của hắn đã nói lên điều đó.

   Trước lúc chia tay về nước dâng lẫy nỏ thần cho Triệu Đà, Trọng Thuỷ đã nói với Mị Châu: "Tình vợ chồng ... làm dấu". Đây không hoàn toàn là những lời dối trá, lạnh lùng mà nó ẩn chứa ít nhiều tình cảm bùi ngùi, một nỗi đau li biệt.

   Tính người của Trọng Thuỷ còn được thể hiện rõ hơn rất nhiều ở phần cuối cùng của tác phẩm khi tác giả dân gian miêu tả tâm trạng của Trọng Thuỷ sau cái chết của Mị Châu. Không đắm mình trong hào quang, danh vọng, trong hạnh phúc của sự thống trị uy quyền, sau khi Mị Châu chết, Trọng Thuỷ luôn sống trong nỗi niềm thương nhớ, trong nỗi ân hận dày vò và cuối cùng bế tắc, cùng đường hắn đã tự tìm cho mình cái chết. Trọng Thuỷ quyên sinh không phải chỉ là hành động sám hối cho một sai lầm mù quáng, mà còn là sự thức tỉnh của nhân tính, sự phủ nhận chiến tranh, sự từ chối mọi vinh quang quyền lực tìm về với cõi thiên thu để có được một tâm hồn thanh thản.

Nguồn: vietjack