Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Văn mẫu: Tràng Giang (Huy Cận)

Gửi bởi: Nguyễn Thị Ngọc 30 tháng 10 2019 lúc 9:24:02


Mục lục
* * * * *

Phân tích bài thơ Tràng giang của Huy Cận

Nhắc tới Huy Cận, người ta nhớ ngay đến một “hồn thơ ảo não” (Hoài Thanh). Trước cách mạng tháng Tám 1945, ông đã góp mặt vào thơ ca đương thời một nỗi sầu nhân thế, một cái tôi cô đơn, buồn bã trước dòng đời. Với sự pha trộn giữa chất cổ điển và hiện đại, ông đã gửi gắm nỗi niềm ấy trong nhiều bài thơ, trong đó phải kể đến Tràng giang. Bài thơ in trong tập “Lửa thiêng” (1940) rất tiêu biểu cho phong cách thơ Huy Cận.

   Vào một buổi chiều thu năm 1939, có một chàng sinh viên trường Cao đẳng Canh nông, đạp xe dọc theo bờ đê sông Hồng, đến tới bãi Chèm – phía Nam dòng sông, trước cảnh sóng nước mênh mông, đã không kìm nén nổi cảm xúc buồn bã, cô đơn và nhớ nhà da diết nên sáng tác bài thơ Tràng giang. Nhà thơ Huy Cận đã từng tâm sự về hoàn cảnh ra đời bài thơ như thế. Ban đầu, tác phẩm có tên là “Chiều trên sông” nhưng về sau đổi thành Tràng giang. Nhan đề này đã chuyển tải nhiều ý nghĩa hơn. “Tràng giang” là một từ Hán Việt đầy trang trọng, cổ kính, chỉ một con sông dài. Nhưng nhà thơ không dùng “trường giang” (có cùng nghĩa) để thay thế, bởi cách điệp vần “ang” giúp nhan đề vừa gợi âm hưởng ngân vang, vừa gợi nên cảm giác một dòng sông không những dài mà còn rộng. Thêm lời đề từ Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài càng làm rõ hơn sắc thái cảm xúc chủ đạo của bài thơ. Đó là nỗi buồn của con người trước một không gian mênh mông, rộng lớn có thể bao trùm cả vũ trụ.

   Và quả thực trước một dòng tràng giang như thế, thi nhân đã không giấu nổi nỗi buồn mà cứ để nó lan tỏa khắp mọi không gian, bao trùm cả vũ trụ.

    Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

    Con thuyền xuôi mái nước song song

    Thuyền về nước lại sầu trăm ngả

    Củi một cành khô lạc mấy dòng.

   Khổ thơ đầu đã mở ra một khung cảnh tràng giang mênh mông, rộng lớn đối lập hoàn toàn với những thứ nhỏ bé như sóng, con thuyền, cành củi khô. Những sự vật ấy đồng thời cũng gợi nên nỗi buồn mênh mang theo sóng nước. Qua các từ gợn, buồn điệp điệp, nước song song, sầu trăm ngả, lạc mấy dòng nỗi buồn càng trải dài, lan tỏa khắp cả mặt sông dài rộng. Ở đây tuy có sự vật nhưng mọi thứ lại chẳng hề gắn kết, nhất là thuyền và nước, hai thứ vốn dĩ không tách rời vậy mà thuyền về, nước lại khiến nỗi sầu, nỗi buồn như chia ra thành trăm ngả. Tuy nhiên điểm nhấn rõ nét nhất của khổ thơ chính là hình ảnh củi một cành khô. Sự vật vốn đã chẳng còn sức sống, lại nổi trôi vô định trên dòng sông đã vẽ một nét hiện đại để khắc họa nỗi buồn. Mà hơn nữa nó còn lạc mấy dòng thì không chỉ là nỗi buồn, nó hiện hữu cả nỗi cô đơn. Đó phải chăng là sự hiện thân cho kiếp người nhỏ bé, lênh đênh, bất định giữa dòng đời của chính tác giả?

   Đến khổ thơ thứ hai, điểm nhìn của nhân vật trữ tình đã xa hơn, khung cảnh trên sông được hướng vào chiếc cồn nhỏ, vào bầu trời và khắp cả dòng sông.

    Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu

    Đâu tiếng làng xe vãn chợ chiều

    Nắng xuống trời lên sâu chót vót

    Sông dài trời rộng bến cô liêu

   Nhưng dường như không gian cũng không có mấy thay đổi, thậm chí hai từ láy lơ thơ, đìu hiu lại càng khắc họa sự vắng lặng, yên ắng, quạnh hiu. Đâu đó (hay là đâu có) có âm thanh của sự sống? Dẫu có có đi chăng nữa thì tiếng làng xa vãn chợ chiều cũng chẳng làm cho nơi đây nhộn nhịp hơn, thậm chí càng tô đậm thêm sự tĩnh lặng. Bởi vậy xung quanh chỉ còn là nắng trên trời, sông trước mặt, thứ xuống thứ lên, thứ dài, thứ rộng mà dường như vốn đã xa nay lại càng xa hơn. Cách sáng tạo từ sâu chót vót đã giúp tác giả miêu tả được khoảng cách giữa trời với sông vừa có độ cao vừa có độ sâu, khiến không gian như mở ra ba chiều, khuếch tán rộng hết mức ở toàn vũ trụ. Chỉ còn lại trơ trọi bến cô liêu thì chúng ta mới biết nỗi buồn đã rộng khắp mọi không gian và nỗi cô đơn càng ngày càng lớn. Lúc này thi nhân không còn đối diện với dòng sông như ở khổ trên nữa mà hoàn toàn bị choáng ngợp, quá nhỏ bé trước không gian vũ trụ như thế.

   Rồi ánh mắt thi nhân lại tiếp tục kiếm tìm. Hình như nhân vật trữ tình “lục lọi” đâu đây một chút sự sống của con người.

    Bèo dạt về đâu hàng nối hàng

    Mênh mông không một chuyến đò ngang

    Không cầu gợi chút niềm thân mật

    Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng

   Lần này hiện lên là hình ảnh hàng bèo quen thuộc. Trong thơ xưa nó chính là hiện thân cho kiếp người trôi nổi, lênh đênh giữa dòng đời. Nhưng chỉ là cánh bèo, chứ không phải hàng nối hàng bèo như ở đây. Vâng, không biết bao nhiêu hàng bèo như thế, nối tiếp nhau trôi dạt về đâu? Có nỗi buồn, sự bơ vơ, lạc lõng không phải của một cành củi khô nữa mà là của cả một thế hệ con người chẳng biết sẽ đi đâu về đâu? Hình ảnh thơ đơn giản nhưng gói gém được tâm sự của cả bao nhiêu thân phận con người lúc bây giờ. Bởi vậy nhìn xung quanh đâu cũng thấy mênh mông, đâu cũng không thấy có dấu hiệu của sự sống nào hết. Điệp từ phủ định càng làm cho con người chẳng có chút bóng dáng nào hiện hữu nơi đây. Không một chuyến đò, không một cây cầu thì nỗi niềm thân mật dù một chút thôi cũng thực khó. Thế là chỉ còn lại thiên nhiên tiếp xúc với thiên nhiên. Hai từ lặng lẽ có chút ngậm ngùi vì nhìn hết cảnh trí dòng sông từ trên cao xuống thấp, xa đến gần mà rồi cũng chỉ còn lại những bờ xanh, bãi vàng nối tiếp nhau. Không gian vì thế lại tiếp tục thêm phần mênh mông bát ngát. Nỗi cô đơn, sự buồn bã của con người chưa có dấu hiệu vơi cạn, thu hẹp lại theo bất cứ một chiều nào.

   Cả ba khổ thơ là một bức tranh thiên nhiên thấm đẫm những phong vị cổ điển xen lẫn chút hiện đại đầy độc đáo để khắc họa một không gian vô cùng, vô tận. Tất cả cũng chỉ để chứa đựng một nỗi buồn, nỗi cô đơn không giới hạn của lòng người. Bao nhiêu hi vọng dồn vào khổ cuối, để cái tôi vơi bớt đi phần nào những chất chứa ưu tư. Vậy mà:

    Lớp lớp mây cao, đùn núi bạc

    Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa

    Lòng quê dợn dợn vời con nước

    Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

   Khung cảnh thiên nhiên lại có sự thay đổi, nhưng lần này không phải là dòng sông mênh mông, vắng lặng như những khổ trên mà thay vào đó là sự tráng lệ, hùng vĩ nổi bật trên nền trời chiều. Vẫn sử dụng những thi liệu cổ quen thuộc là mây, chim, nhà thơ vẽ lên nền trời ấy những đường nét, màu sắc thật sinh động. Đó là lớp lớp những áng mây ánh bạc đang đùn trên bầu trời như những ngọn núi. Đặc biệt là cánh chim chao nghiêng được coi là một khoảnh khắc mà thâu tóm được sự chuyển động của hai sự vật. Chẳng biết cánh chim nhỏ ấy nghiêng nhẹ đôi cánh một cái là bóng chiều sa xuống hay bóng chiều đổ mà đè nặng lên cánh chim khiến nó ngả nghiêng? Nhưng khoảnh khắc đồng hiện này đã tạo nên một sự dịch chuyển rất mau lẹ cả về không gian lẫn thời gian. Và thêm một lần nữa lòng người không thể nào xua tan được sự bủa vây của ngoại cảnh. Không gian có thay đổi, có tráng lệ đến đâu trong lòng thi nhân vẫn cảm thấy trống trải. Nhưng lần này nỗi cô đơn đã hóa nỗi nhờ nhà. Biết bao nhiêu cảnh trí trên trời, dưới sông đều dồn về cảm xúc dợn dợn. Từ láy nguyên sáng tạo này của nhà thơ đã khắc hoặc rất chân thực một nỗi niềm bâng khuâng, da diết của “lòng quê” khi nó hô ứng với cụm từ “vời con nước”. Bao nhiêu nỗi buồn rồi cũng trào dâng lên thành nỗi nhớ quê hương. Nhưng lạ thay, ở ngay trên mảnh đất quê hương mà lại thấy nhớ quê hương đến như vậy. Thế mà quê hương lại chẳng còn, đó là nỗi niềm chung của cả một thế hệ các nhà thơ mới trước tình cảnh đất nước lúc bấy giờ. Cảm giác xa quê hương, “thiếu quê hương” trở thành sự rung cảm sẵn có mà chẳng cần đến khói sóng hoàng hôn như thi sĩ Thôi Hiệu đời Đường mới gợi nên nỗi nhớ quê nhà của thi nhân. Không cần vịn vào đâu, tự khắc nỗi nhớ ấy đong đầy, da diết, tự thân nó đã bộc lộ một tình yêu thắm thiết, trĩu nặng với quê hương.

   Có hai thứ ấn tượng còn đọng lại sau khi đọc xong bài thơ là không gian vô cùng, vô tận của ngoại cảnh và nỗi buồn, nỗi cô đơn không giới hạn của lòng người. Cả hai như cùng kích ứng để càng rộng, càng lớn thì càng buồn, càng cô đơn khiến bài thơ như chất chứa, tích tụ nỗi sầu của cả ngàn năm lại vậy. Nhưng vượt lên trên hết, bút pháp đặc trưng và nhuần nhuyễn giữa chất cổ điển và hiện đại đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên thật đẹp dẫu có buồn. Song người đọc vẫn nhìn thấy một tình yêu quê hương đất nước thầm kín hiện lên trong Tràng giang.

Phân tích vẻ đẹp cổ điển và hiện đại trong bài thơ Tràng giang của Huy Cận

Nét đẹp cổ điển và hiện đại thường được các thi nhân kết hợp hài hòa, tạo nên chất thơ thú vị đem đến cho nền văn học dân tộc những trang thơ vừa cổ kính, trang nhã vừa sáng tạo mới mẻ. Một trong những bài thơ tiêu biểu là “Tràng giang” của Huy Cận tả cảnh thiên nhiên buồn mà đẹp, đồng thời cũng là tiếng lòng của một tâm hồn yêu tha thiết cuộc đời và tình cảm sâu nặng với quê hương.

Huy Cận là một trong những nhà thơ xuất sắc của phong trào thơ mới, mang trái tim yêu thương, có tâm hồn thi sĩ nên khi đứng bên bến Chèm sông Hồng nhìn cảnh sông nước mênh mông, cùng với nỗi buồn sâu thẳm và nỗi nhớ quê hương mà sáng tác nên bài thơ để lại cho người đọc nhiều dư vị cảm xúc bởi nét cổ điển và hiện đại được kết hợp tài tình.

Vậy thế nào là vẻ đẹp cổ điển? Thế nào là vẻ đẹp hiện đại? Nói đến cổ điển là nhắc đến xa xưa có từ lâu đời đến nay vẫn được gìn giữ và phát huy, nó được thể hiện trong thi liệu, tứ thơ, thể thơ hay là các bút pháp Đường thi ảnh hưởng, mang nét cổ kính, trang nhã. Còn hiện đại là sự cách tân nghệ thuật, nội dung thể hiện cái tôi cá nhân riêng biệt, phát huy tính sáng tạo đến cực độ trái ngược với cổ điển là sự phá vỡ tính quy phạm, chuẩn mực trong thơ ca. Trong bài thơ “Tràng giang” nét đẹp cổ điển và hiện đại được kết hợp với nhau trong từng câu thơ, khổ thơ xuyên suốt toàn bài.

Ngay từ tên nhan đề đã gợi nét cổ điển và hiện đại. Cổ điển bởi tràng giang là một từ Hán Việt, không phải là tên một con sông cụ thể mà chỉ có tính chất gợi. Chữ tràng là cách đọc chệch đi của chữ “trường” tức là dài gợi cho ta nhớ đến con sông Trường Giang của Trung Quốc, sự lặp lại âm “ang” hai lần gợi ra cho ta một không gian mênh mông, dài rộng.

Cổ điển và hiện đại trong tứ thơ. Nếu các nhà thơ trung đại thường ẩn mình sau vẻ đẹp thiên nhiên để thể hiện sự khao khát giao hòa, giao cảm với cuộc đời, Huy Cận cũng ẩn mình sau đó nhưng bộc lộ tâm trạng của cái tôi cá nhân mang nỗi buồn, nỗi sầu nhân thế của một kiếp người cô đơn nhỏ bé khác con người trung đại với tư thế lớn lao, hùng tráng.

Trước khi vào bài có một câu đề từ phía sau nhan đề “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài” thể hiện cảm hứng xuyên suốt, cảm xúc chủ đạo của bài thơ là nỗi buồn, nỗi nhớ bâng khuâng, da diết giữa cảnh sông nước, mây trời bao la. Đó là nét cổ điển thể hiện ở cảm hứng con người khi cô độc một mình đối mặt với vũ trụ rộng lớn để nhận thức về cái hữu hạn của kiếp người và cái vô vạn của không gian, thời gian.

Khổ thơ thứ nhất vẻ đẹp cổ điển được thể hiện rõ nét tập trung ở bút pháp lấy động tả tĩnh trong hai câu thơ đầu: “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp/ Thuyền xuôi mái nước song song”. Sự chuyển động ở đây rất nhẹ nhàng, khẽ khàng của “Sóng gợn” gợi lên sự yên tĩnh, vắng lặng trên mặt nước trải rộng mênh mông.Chỉ một nét chấm phá mở ra không gian rộng lớn và yên tĩnh vô cùng. Ta đã từng bắt gặp hình ảnh ấy trong câu thơ của Nguyễn Khuyến “Sóng biếc theo làn hơi gợn tí”. Từ láy “điệp điệp” ở cuối câu mang chất hiện đại. Nếu xưa nay các nhà văn, nhà thơ thường dùng từ “trùng điệp” hay “trùng trùng điệp điệp” để chỉ các vật nhiều và cụ thể thì Huy Cận không nói sóng điệp trùng mà sử dụng “buồn điệp điệp” để hình ảnh hóa nỗi buồn thật độc đáo. Con thuyền cũng là thi liệu xuất hiện nhiều lần trong thi ca cổ là “Cô phàm”, “Cô chu” nhưng hình ảnh con thuyền ở đây trôi theo dòng nước, từ “xuôi” cho thấy sự chán nản, buông bỏ, phó mặc, thuyền cứ để mặc cho nước đưa đi cũng như tâm trạng nhà thơ. Hai câu đầu nhường nét hiện đại cho hai câu cuối: “Thuyền về nước lại sầu trăm ngả/ Củi một cành khô lạc mấy dòng”. Nghệ thuật tiểu đối được sử dụng “thuyền về nước lại”, thuyền-nước vốn là hai sự vật đi liền với nhau nhưng ta lại cảm nhận thấy giữa chúng có sự xa xôi, cách trở. Đặc biệt nghệ thuật nhân hóa được nhà thơ sử dụng thành công cho dòng nước cũng có cảm xúc, đó là “sầu trăm ngả” tan ra lênh láng trên mặt sông chảy về mọi hướng vô tận. Câu thơ cuối là một sự sáng tạo đặc biệt khi nghệ thuật đảo ngữ được sử dụng. Đúng ra phải là một cành củi khô nhưng Huy Cận biến thành “Củi một cành khô”. “Một” để chỉ số ít, “cành khô” để chỉ tàn úa, khô héo không có sức sống, “lạc mấy dòng” cho thấy sự bơ vơ, lạc lõng. Cành củi kia từ chốn rừng xanh lại bị trôi dạt một mình trên dòng sông. Hình ảnh ấy gợi mở ra một nỗi buồn sâu thẳm của người thanh niên cũng như cả thế hệ trí thức lúc bấy giờ đang “Băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời” trước bối cảnh đất nước.

Điểm nhìn dưới sông đã được chuyển sang bên kia sông của tác giả mở ra một khung cảnh mới với nét đẹp cổ điển được thể hiện trong các hình ảnh: sông, trời, nắng và gió. Sự hiện đại ngay trong câu thơ đầu khi hai từ láy “Lơ thơ”_từ gợi hình ảnh và “đìu hiu”_từ gợi cảm giác cùng được sử dụng khiến người đọc dễ hình dung ra cảnh bến sống hiu hắt và cô quạnh gợi cho ta nhớ đến câu thơ trong Chinh phụ ngâm “Non Kì quạnh quẽ trăng treo/ Bến phì gió thổi đìu hiu mấy gò”. Cảnh vật đã thay đổi nhưng sự vắng vẻ, u tịch vẫn còn đó bởi “Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều” mang nhiều trạng thái cảm xúc: vừa gợi ở “đâu đó” có tiếng chợ chiều, chữ “đâu” vừa phủ định làm gì có tiếng ở làng xa nào cho thấy tâm trạng khắc khoải của nhà thơ, khao khát muốn tìm thấy tiếng động của cuộc sống nhưng cũng thể hiện tâm trạng thất vọng tràn trề. Không dừng lại ở đó nhà thơ mở rộng tầm quan sát của mình lên cả bầu trời: “Nắng xuống, trời lên sâu chót vót/ Sông dài, trời rộng, bến cô liêu”. Sự sáng tạo độc đáo ở cụm từ “sâu chót vót” thông thường người ta nói cao chót vót còn với Huy Cận nó là sâu, bởi theo nhà thơ trời càng cao thì càng sâu, nắng với trời sẽ chẳng thể tách rời ấy vậy mà “Nắng xuống, trời lên” tạo nên một khoảng cách sâu chót vót. Đó là một cách rất mới mẻ, hiện đại. Với câu thơ cuối nếu hai hình ảnh đầu của sông, trời vừa dài, rộng mênh mông thì sau cùng là “bến cô liêu”, cô liêu là tính từ chỉ sự vắng vẻ, trơ trọi. Cái bến ấy giống như thi nhân đang cô đơn giữa thiên nhiên, cô độc giữa cuộc đời.

Khổ thơ thứ ba với hình ảnh “bèo dạt” là nét đẹp cổ điển được dùng trong thơ xưa để chỉ số phận con người bấp bên, nổi trôi. Nguyễn Du đã từng dùng hình ảnh cánh bèo để thể hiện cho cuộc đời Thúy Kiều: “Nghĩ mình mặt nước cánh bèo/ Đã nhiều lưu lạc lại nhiều gian truân”. Nhưng bèo trong thơ Huy Cận không phải một cánh, vài ba cánh hay là một đám bèo mà là “hàng nối hàng” đó là sự khác biệt mới mẻ cho thấy lòng người rợn ngợp trước thiên nhiên.Câu thơ không chỉ tả thực mà còn mang nét nghĩa ẩn dụ tượng trưng khi nhà thơ đang sống trong cảnh mất nước, nô lệ ông cũng như bao người trí thức khác đang vật vờ, trôi dạt không biết đi đâu về đâu. Cảnh mênh mông tràng giang được nhân lên bởi hai lần phủ định câu trên, câu dưới cho thấy cuộc sống ở đây không có sự kết nối, giao hòa. Nghệ thuật cổ điển lấy không để nói có được sử dụng “không một chuyến đò ngang”, “Không cầu gợi chút niềm thương nhớ” chỉ có nỗi khắc khoải về tình người, lòng người của nhà thơ. Câu thơ kết “Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng” đã vẽ nên một bức tranh thật đẹp mà cũng thật buồn. Bốn hình ảnh trong bốn câu thơ cộng hưởng với nhau để tạo nên một bức tranh phong cảnh đượm buồn gợi về những kiếp người nổi trôi, không định hướng tương lai. Đó là hồn thơ tiêu biểu cho phong cách sáng tác của Huy Cận trước cách mạng tháng tám trong tập “Lửa thiêng”.

Có lẽ khổ thơ hay nhất trong bài tập trung nét nghệ thuật đặc sắc mang phong vị cổ điển và hiện đại được thể hiện ở khổ thơ cuối:

    “Lớp lớp mây cao đùn núi bạc

    ...Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”.

Mây và cánh chim là hai hình ảnh dùng để gợi về chiều hoàng hôn trong thơ ca trung đại. Đó là một thi liệu quen thuộc bởi khi xưa Đỗ Phủ đã từng viết: “Lưng trời sóng gợn lòng sông thẳm/ Mặt đất mây đùn cửa ải xa”. Từ “đùn” ở đây cũng được Huy Cận sử dụng tạo cảm giác uể oải, chậm chạp như những đám mây đang đùn đẩy nhau. Hình ảnh cánh chim cũng là một thi liệu cổ điển ta đã từng bắt gặp trong thơ của Lí Bạch là “Chúng điểu cao phi tận” hay cánh chim mỏi trong thơ Hồ Chí Minh “Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ”. Trong thơ Huy Cận nó còn mang nét hiện đại ở dấu hai chấm tách đôi câu thơ thể hiện mối quan hệ giữa cánh chim và bóng chiều. Chim nghiêng cánh nhỏ kéo bóng chiều cùng sà xuống mặt nước tràng giang hay bóng chiều đè nặng lên cánh chim khiến nó phải chao nghiêng đôi cánh. Cánh chim nhỏ dưới bóng chiều buông xuống mang nặng tư tưởng tác giả, ẩn dụ cho những kiếp người nhỏ bé bị bão táp cuộc đời xô đẩy, ngả nghiêng. Cũng là ẩn dụ cho cái tôi cá nhân phiền não của thi nhân trải nỗi buồn ra khắp không gian. Hai câu thơ cuối thật ấn tượng bởi nó được gợi từ hai câu thơ trong bài “Lầu Hoàng Hạc” của Thôi Hiệu: “Nhật mộ hương quan hà xứ thị/ Yên ba giang thượng sử nhân sầu” (Quê hương khuất bóng hoàng hôn/ Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai” nếu tiền nhân đời Đường bên Trung Hoa nhìn khói sóng trên sông mà nhớ quê hương thì Huy Cận thật sáng tạo khi “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”. Nỗi nhớ thương quê hương của tác giả luôn thường trực trong ý thức, thấm thía trong từng cảm giác. Nỗi nhớ ấy chưa hề vơi cạn mà cũng hiện lên lớp lớp như con sóng qua từ láy “dợn dợn” để hô ứng với “vời con nước” thay vì dùng từ “rợn rợn” thể hiện nỗi buồn bâng khuâng của “lòng quê’.

“Tràng giang” được Huy Cận kết hợp độc đáo giữa bút pháp cổ điển và hiện đại, giữa tâm hồn thi sĩ với nỗi sầu của bậc trí thức, mang đậm đà tính dân tộc và rất Việt. Bài thơ thật sâu sắc thể hiện cái tôi cá nhân mang nặng tình yêu đất nước thầm kín, yêu thiên nhiên tha thiết của tác giả nên lời nhận xét của Xuân Diệu rất xác đáng: “Tràng giang là một bài thơ ca hát non sông đất nước, do đó dọn đường cho lòng yêu giang sơn Tổ quốc”.

Phân tích cái tôi trữ tình trong bài thơ Tràng giang

Nhắc đến phong trào Thơ mới ta không thể không nhắc đến hồn thơ Huy Cận giàu hàm súc, giàu chất suy tưởng, triết lí. “Tràng giang” là bài thơ hay nhất, tiêu biểu nhất Huy Cận ẩn đằng sau bức tranh thiên nhiên được thi nhân vẽ lại bằng ngôn từ đó là cái tôi trữ tình mang nỗi buồn thương cô tịch, cô đơn trước cảnh thiên nhiên và luôn mang trong mình tình yêu quê hương, đất nước sâu nặng mà thầm kín.

“Tràng giang” được bắt nguồn cảm hứng vào một chiều thu 1939 Huy Cận đứng ở bờ Nam bến nước Chèm nhìn cảnh sông Hồng sóng nước mênh mông mà buồn về cho thân phận mình và những kiếp người nhỏ bé. Khi ấy ông đã rời quê hương ra Hà Nội học trường Cao đẳng Canh Nông mang trong mình nỗi sầu của lứ thứ xa quê và tình cảnh của người thanh niên trước hoàn cảnh nước nhà bị xâm lăng nên ông đã gửi vào hồn thơ nỗi buồn nhân thế và thầm kín thể hiện tình yêu đất nước.

Thiên nhiên “Tràng giang” được Huy Cận quan sát và miêu tả với không gian hai chiều từ bề rộng mặt sông trải dài sang bên kia “Lơ thơ cồn cỏ gió đìu hiu” và sâu chót vót khi nhìn về độ cao của trời chiều. Bức tranh thiên nhiên ấy có dáng dấp cổ điển với những hình ảnh của sông, trời, thuyền, mây cao và cánh chim nghiêng nhưng cũng mang nét hiện đại, đậm chất dân tộc của thi sĩ Việt với những cách tân độc đáo, mới lạ của “Củi một cành khô lạc mấy dòng” hay “Nắng xuống trời lên sâu chót vót” rồi “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”. Nét cổ điển và hiện đại được kết hợp tài tình trong bài thơ bằng tâm hồn của một thi sĩ tài năng đã viết nên những câu thơ tả cảnh thiên nhiên đẹp mà buồn vô tận, nỗi buồn ấy trải dài mênh mông khi “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp”.

Tuy nhiên ẩn đằng sau đó là cái tôi trữ tình yêu tha thiết thiên nhiên đất nước của tác giả. Có yêu, có rung động trước cảnh đẹp của thiên nhiên mới có thể viết nên những câu thơ tả cảnh hay và đẹp như thế. Mặt khác đó còn là cái tôi trữ tình mang tâm trạng buồn thương, cô đơn, cô độc. Nỗi buồn ấy mở ra bằng “buồn điệp điệp” và kết thúc bằng “Lòng quê dợn dợn vời con nước”. Nỗi buồn, cô đơn xuyên suốt trong toàn bài được thể hiện qua các hình ảnh của cành củi khô, trôi dạt giữ dòng nước mênh mông, là cánh chim nhỏ nghiêng cánh trong bóng chiều sa. Cuộc sống nơi đây “Mênh mông không một chuyến đò ngang/ Không cầu gợi chút niềm thân mật” chỉ có cái tôi cá nhân nhỏ bé giữa thiên nhiên. Đối diện với cái vô cùng vô tận càng khiến cho nhà thơ hiểu sâu sắc về sự hữu hạn của đời người thấm thía trong “một chiếc linh hồn nhỏ” của một con người mang trong mình “Mang mang vạn cổ sầu” của riêng Huy Cận.

“Tràng giang” còn bộc lộ một tâm hồn tinh tế tài hoa và đặc biệt hơn cả là tình yêu quê hương đất nước sâu sắc mà thầm kín. Hoàn cảnh sáng tác bài thơ vào năm 1939 tức dân tộc lúc bấy giờ đang bị giặc ngoại xâm, nội xâm hoành hành, cuộc sống người dân nghèo khổ, cơ cực. Huy Cận cũng như bao nhà trí thức yêu nước buồn sâu thẳm cho nỗi đau dân tộc, nỗi khổ dân đen mà chưa tìm ra hướng đi mới cho đến khi bắt gặp lí tưởng của Đảng soi đường.

Bài thơ là sự kết hợp tài tình giữa nét cổ điển và hiện đại được thể hiện trong thể thơ bảy chữ niêm luật không thất, dồi dào về âm điệu, nhạc điệu gợi về cho ta những đặc điểm của bất kì con sông nào của quê hương ẩn đằng sau đó là cái tôi trữ tình đáng quý, đáng trân trọng.

Cảm nhận bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Tràng giang

Huy Cận một trong những nhà thơ nổi bật nhất trong phong trào Thơ Mới. Tập thơ đầu tay của ông là Lửa thiêng đã ghi những dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc. Nổi bật nhất trong tập thơ ấy ta không thể không nhắc đến Tràng giang. Tác phẩm không chỉ là nỗi niềm cô đơn khắc khoải của nhân vật trữ tình mà dưới ngòi bút tài hoa của Huy Cận một thiên nhiên thật đẹp, thật buồn cũng hiện lên vô cùng ấn tượng, rõ nét.

    Tác phẩm được gợi cảm hứng từ những con sông rộng lớn, mênh mông của đất nước. Đọc Tràng giang người ta cố công tìm kiến hình ảnh một con sông cụ thể lẩn khuất sau những câu chữ của Huy cận. Nhưng tuyệt nhiên không thể xác định được nó là con sông nào, ở đâu. Bởi con sông ấy ta có thể bắt gặp ở bất cứ đâu trên đất nước Việt Nam này, đó là con sông quê hương, con sông thương nhớ. Nhan đề bài thơ là Tràng giang, tức những con sông dài, sông lớn, như vậy không gian mênh mông sông nước chính là nơi khơi nguồn cảm hứng thi ca trong lòng Huy Cận.

    Thiên nhiên trong Tràng giang là một thiên nhiên đẹp, đượm buồn và thẫm đẫm nỗi cô đơn. Mở đầu bài thơ là bức tranh thiên nhiên mang những nét cổ điển đặc trưng:

    Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

    Con thuyền xuôi mái nước song song

    Thuyền về nước lại sầu trăm ngả

    Củi một cành khô lạc mấy dòng

    Khung cảnh mênh mông trời nước nối tiếp nhau mở ra, những con sóng nhỏ lăn tăn nối tiếp xô vào bờ, không gian mở được mở rộng với từ láy “điệp điệp”. Trên mặt sông rộng mênh mông ấy con thuyền xuất hiện thật nhỏ bé, đơn độc, kết hợp với những cành củi khô trôi lặng lờ giữa dòng sông, khiến cho khung cảnh thiên nhiên lại càng trở nên buồn bã, đìu hiu hơn.

    Sang đến khổ thơ thứ hai, điểm nhìn của Huy Cận đã có sự dịch chuyển, thi sĩ hướng mắt ra xa hơn và trước mắt ông là “Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu/ Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều/ Nắng xuống trời lên sâu chót vót/ Sông dài trời rộng bến cô liêu”. Vẫn là sông nước đấy thôi, nhưng tâm hồn thi sĩ đang cố gắng tìm kiếm trong không gian ảm đạm kia một chút hơi thở của sự sống ở nơi cồn nhỏ, ở tiếng chợ xa xa. Nhưng vẳng lại chỉ là sự nín thinh của vạn vật. Khổ thơ sử dụng hàng loạt các từ chỉ cái bé nhỏ: lơ thơ, cồn nhỏ kết hợp với các từ đìu hiu, cô liêu gợi nên hồn cốt sự vật đã làm nổi bật bức tranh phong cảnh buồn bã. Đọc câu thơ ta bất giác nhớ đến Chinh phụ ngâm: “Non kì quạnh quẽ trăng treo/ Bến thì gió thổi đìu hiu mấy gò”. Tuy thời thế thay đổi, tuy cách nhau cả trăm năm, nhưng cảnh ấy, tình ầy vẫn chẳng hề đổi thay. Vẫn là sự hiu quanh, vẳng vẻ đến nào long của tạo vật. Thiên nhiên đó còn có sự tĩnh lặng đến tuyệt đối, âm thanh chợ xa hư thực thực hư khó lòng có thể xác định nổi. Nếu âm thanh đó là thực thì có lẽ không gian đã phải yên ắng biết chứng nào, con người mới có thể nghe được như vậy. Rời tầm mắt, Huy Cận di chuyển lên cao, trời đất mênh mông, “sâu chót vót” càng khiến con người cô đơn, lạc lõng hơn. Bức tranh thiên nhiên mở rộng cả ba chiều: chiều rộng, chiều cao và chiều sâu đến vô cùng. Những sự vật vận động trái chiều nhau nắng xuống trời lên khiến không gian càng được mở rộng hơn nữa. Sử dụng từ “sâu chót vót” là một từ rất lạ, không phải là cao mà là sâu đã nhấn mạnh cái sâu không cùng của cảnh vật, màu xanh ngút ngàn của bầu trời khiến có cái gì đó rờn rợn ở trong lòng.

    Bức tranh cô đơn, hiu quạnh tiếp tục được bổ sung ở khổ thơ thứ ba:

    Bèo dạt về đâu hàng nối hàng

    Mênh mông không một chuyến đò ngang

    Không cầu gợi chút niềm thân mật

    Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng

    Những cành bèo lặng lờ trôi trên dòng sông mênh mông rộng lớn, với những bờ xanh lặng lẽ tiếp bãi vàng. Sự quạnh hiu qua mỗi khổ thơ lại càng rõ nét hơn. Đây không chỉ đơn thuần là sự cô quạnh của khung cảnh mà nó còn là sự cô đơn trong chính tâm hồn người thi sĩ. Nguyễn Du đã từng đúc kết: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” cũng chính là vì lẽ đó. Cái nhìn của tâm trạng đã ảnh hưởng, đã thấm dần sang cảnh vật, khiến cho mọi vật trở nên ảm đạm, cô đơn như chính thân phận của người thi sĩ. Không gian thiên nhiên đó chính là không gian tâm trạng của nhân vật trữ tình.

    Khổ thơ cuối bài thơ đã mở ra một bức tranh khác, hùng vĩ, tráng lệ:

    Lớp lớp mây cao đùn núi bạc

    Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa

    Các lớp mây chồng xếp lên nhau thành từng tầng, từng bậc, đùn lên thành những núi mây bạc trắng xóa. Hòa cùng cái ráng chiều đỏ của hoàng hôn làm cho bức tranh diễm lệ, kì vĩ hơn bao giờ hết. Tương phản với sự hùng vĩ của thiên nhiên là cánh chim cô đơn, bé nhỏ đến đáng thương, tội nghiệp. Nhìn khung cảnh ấy lòng ông cũng không thôi nhớ về quê nhà: “Lòng quê dợn dợn vời con nước/ Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”.

    Bức tranh thiên nhiên trong thơ Huy Cận đẹp mà thấm đẫm nỗi buồn, đó là nỗi buồn thê lương khắc khoải. Dù cuối bức tranh ấy có xuất hiện sự kì vĩ, mĩ lệ, nhưng chỉ là trong thoáng chốc, ngưng đọng ở bài thơ vẫn là nỗi cô đơn, lạc lõng thấm đầy trong từng cảnh vật.

    Tràng giang là một bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ, xinh xắn mà cũng thật độc đáo trong thơ ca Việt Nam. Đằng sau bức tranh ấy là nỗi nhớ quê hương khắc khoải, là tình yêu nước sâu đậm mà kín đáo của Huy Cận dành cho non sông, đất nước.

Nguồn: vietjack