Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Tràng Giang

Gửi bởi: Phạm Thọ Thái Dương 10 tháng 2 2020 lúc 16:11:02


Mục lục
* * * * *
Tràng Giang

GHI NHỚ

- Huy Cận là nhà thơ xuất sắc của phong trào Thơ mới. Ông được biết đến với những vần thơ mang nỗi sầu vạn cổ, mà bài Tràng giang là tiêu biểu cho hồn thơ ấy.

- Qua bài thơ mới mang vẻ đẹp cổ điển, Huy Cận đã bộc lộ nỗi sầu của một cái tôi cô đơn trước thiên nhiên rộng lớn, trong đó thấm đượm tình người, tình đời, lòng yêu nước thầm kín mà thiết tha.

Câu 1

"Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài"

- Cảnh: trời rộng, sông dài: không gian mênh mông, rộng lớn, mang tầm vũ trụ. Biện pháp nghệ thuật ẩn dụ cho thấy nỗi nhớ của nhà thơ.

- Cảm xúc chủ đạo của bài thơ chính là nỗi buồn, tâm trạng khắc khoải trước vũ trụ bao la bát ngát.

Lời đề từ ngắn nhưng đã thể hiện được một phần quan trọng hồn cốt của tác phẩm, nói cụ thể hơn, đây chính là nỗi buồn (bâng khuâng là có những cảm xúc ngỡ ngàng, luyến tiếc, nhớ thương đan xen nhau) trước cảnh vũ trụ bao la, bát ngát (trời rộng, sông dài). Có thể nói, Tràng giang đã triển khai một cách tập trung cảm hứng nêu ở câu thơ đề từ.

Câu 2

Cảm nghĩ về âm điệu chung của toàn bài thơ.

- Bài thơ mang một âm điệu buồn, bâng khuâng, man mác da diết, sầu nặng

- Nhịp thơ 3 - 4 tạo nên một âm điệu đều đều, bình lặng.

- Âm điệu giống như, dập dềnh trên sông và trên biển.

=> Nỗi buồn sầu ngấm sâu trong lòng tạo vật và trong tâm hồn nhà thơ. Âm điệu đó còn được tạo nên bởi nhịp điệu và thanh điệu của thể thơ thất ngôn. Nhịp thơ đều, chậm gợi nỗi buồn sầu mênh mang. Việc sử dụng nhiều từ láy hoàn toàn với sự lặp lại đều đặn tạo âm hưởng trôi chảy triền miên cùng nỗi buồn vô tận trong cảnh vật và hồn người.

Câu 3

Nói bức tranh thiên nhiên trong bài thơ in đậm màu sắc cổ điển mà vẫn gần gũi, thân thuộc, vì:

Bức tranh thiên nhiên trong bài thơ mang đậm màu sắc cổ điển mà vẫn gần gũi, thân thuộc được thể hiện nhiều nhất ở khổ thơ đầu tiên:

-  Ba câu thơ đầu mang đậm màu sắc cổ điển:

+ Hình ảnh “sóng gợn” và “con thuyền xuôi mái” mang vẻ đẹp tĩnh lặng, nhẹ nhàng thường thấy trong thơ cổ.

+ Bức tranh thiên nhiên hoang sơ, rộng lớn và nhuốm màu tâm trạng.

- Câu thơ thứ 4 mang vẻ đẹp hiện đại:

+ Hình ảnh “củi một cành khô”: mộc mạc, bình dị gần gũi, ít gặp trong thơ cổ.

+ Hình ảnh thiên nhiên ước lệ tượng trưng thường dùng trong thơ cổ

+ Giọng điệu, âm hưởng có chút gì đó mang âm hưởng cổ kính, trang nghiêm, đậm chất Đường thi

=> Sự hòa quyện của hai hệ thống hình ảnh vừa cổ điển, vừa gần gũi thân thuộc nêu trên tạo cho bài thơ một vẻ đẹp độc đáo: đơn sơ mà tinh tế, cổ điển mà quen thuộc.

Câu 4

Tình yêu thiên nhiên của tác giả vẫn luôn chứa đựng và ấp ủ một lòng yêu nước da diết, thầm kín.

- Thiên nhiên trong bài thơ là những hình ảnh quen thuộc của cảnh sắc quê hương đất nước: sóng gợn, thuyền xuôi mái, cành củi khô, bèo dạt, bờ xanh, bãi vàng, mây núi, cánh chim…

- Thế nhưng buồn mà không bi quan, chán nản và thông qua bài thơ ta nhận thấy lắng sâu một tình yêu quê hương tha thiết, nồng nàn của nhà thơ.

Câu 5

Tràng giang có nhiều nét đặc sắc về nghệ thuật:

- Bài thơ có sự kết hợp hài hoà giữa hai yếu tố cổ điển và hiện đại.

- Thể thơ thất ngôn trang nghiêm, cổ kính, với cách ngắt nhịp quen thuộc tạo nên sự cân đối, hài hòa.

- Ngôn ngữ thơ cô đọng, hàm súc.

- Sử dụng thủ pháp nghệ thuật ước lệ tượng trưng

- Sử dụng nhiều từ Hán - Việt tạo nên vẻ trang trọng cổ kính của bài thơ

- Các biện pháp tu từ: nhân hóa, ẩn dụ, so sánh, điệp ngữ, đối

- Sử dụng thành công các loại từ láy: láy âm (Tràng Giang, đìu hiu, chót vót, ...), láy hoàn toàn (điệp điệp, song song, lớp lớp, dợn dợn,…)

LUYỆN TẬP

Câu 1. Cách cảm nhận về không gian và thời gian trong bài thơ này có gì đáng chú ý?

Trả lời:

Cách cảm nhận không gian, thời gian trong bài thơ có những điểm đáng chú ý như:

- Không gian: mênh mông, rộng lớn, mang tầm vũ trụ: trời rộng, sông dài.

+ Hình ảnh con thuyền cứ khuất dần rồi xa mờ hẳn, nước đành chia “Sầu trăm ngả” không gian giờ đã được mở rộng ra đến trăm ngả, vô tận mênh mang không có lấy một điểm tựa nào,…

+ Hai câu thơ cuối của khổ 2 đã mở ra một không gian ba chiều: chiều sâu, xa và cao. Từ chiều dọc không gian mở ra chiều ngang, lan tỏa đôi bờ. Chiều thứ ba của không gian vũ trụ mở ra bầu trời sâu chót vót.

+ Không gian luôn mang một màu buồn man mác, trôi xa, vẫn hắt hiu, vẫn xa vắng lạ lùng.

- Giữa không gian mênh mông, buồn như vậy thì thời gian cũng như được kéo dài ra, trải dài hơn.

Câu 2*. Vì sao câu thơ cuối "Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà" lại làm cho người đọc liên tưởng đến hai câu thơ trong bài Lầu Hoàng Hạc của Thôi Hiệu?

Trả lời:

Câu thơ cuối đặc diễn tả tâm trạng của thi nhân: “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”. Câu thơ mang một âm hưởng của Đường thi nhưng có sự sáng tạo.

   Bài “Hoàng Hạc Lâu” của Thôi Hiệu đã kết thúc bằng hai câu thơ:

    “Nhật mộ hương quan hà xứ thị

     Yên ba giang thượng sử nhân sầu

Cả hai tác giả đều dùng hình ảnh “khói sóng trong hoàng hôn” để diễn tả nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, da diết của mình. Tuy nhiên, khác với Thôi Hiệu, Huy Cận chẳng cần đến khói sóng mà câu thơ bỗng òa lên nức nở. Nỗi nhớ nhà nhớ quê như hòa với tình yêu sông núi. Đó là tâm trạng chung của mỗi người dân mất nước. Tác giả không cần mượn tới ngoại cảnh mà vẫn tự biểu hiện với những cung bậc cảm xúc thiết tha, vẫn thể hiện rõ nội tâm, nỗi lòng của mình.


Được cập nhật: 21 tháng 3 lúc 3:06:14 | Lượt xem: 626

Các bài học liên quan