Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Thực hành phép tu từ ẩn dụ và hoán dụ

Gửi bởi: Phạm Thọ Thái Dương 7 tháng 2 2020 lúc 14:00:38


I. ẨN DỤ

Bài 1

(1) Thuyền về có nhớ bến chăng

Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền

(2) Trăm năm đành lỗi hẹn hò

Cây đa bến cũ, con đò khác đưa.

a. Hình ảnh thuyền - bến, cây đa - con đò không chỉ mang nghĩa gốc mà còn có nghĩa biểu tượng để chỉ người ra đi - người ở lại, chàng trai - cô gái.

Nội dung:

Câu (1) là lời hẹn ước, nhắn nhủ của cô gái đối với chàng trai, của người ở lại đối với người ra đi về sự thủy chung.

Câu (2) là lời than tiếc lời thề thưở nào bị "lỗi hẹn".

b.

- Thuyền - bến trong câu (1) và cây đa - con đò trong câu (2) có sự khác nhau ở chỗ:

+ Bến hay cây đa tượng trưng cho người con gái (người ở lại) bởi nó cũng mang những thuộc tính: cố định, phụ thuộc.

+ Thuyền hay con đò tượng trưng cho người con trai (kẻ ra đi) bởi nó gắn với sự vận động, di chuyển, không cố định.

=> Bến, cây đa gợi ra hình ảnh người con gái với sự chờ đợi, nhớ nhung, thủy chung.

     Thuyền, con đò gợi ra hình ảnh người con trai, luôn di chuyển, vươn ra ngoài để xông pha, thực hiện chí làm trai của mình.

Bài 2

(1) Hình ảnh ẩn dụ là "lửa lựu". Phép ẩn dụ đã miêu tả hình ảnh những bông hoa lựu nở đỏ rực hệt như những đốm lửa. Qua đó, cảnh mùa hè hiện lên đầy sức sống và sôi động.

(2) Đoạn văn sử dụng phép ẩn dụ (thứ văn nghệ ngòn ngọt, phè phỡn thỏa thuê, cay đăng chất độc của bệnh tật, tình cảm gầy gò, cá nhân co rúm) nhằm nói đến thứ văn chương xa rời thực tế, thứ văn chương mơ mộng, không phản ánh đúng hiện thực, thiếu sự sáng tạo, chỉ dập khuôn theo lối mòn mà không dám đổi mới.

(3) Phép ẩn dụ chuyển đổi cảm giác qua từ "giọt" cho thấy tác giả đã cảm nhận âm thanh tiếng chim bằng nhiều giác quan, không chỉ bằng thính giác mà còn bằng thị giác và cảm giác. Âm thanh tiếng chim như kết đong lại thành từng giọt, từng giọt rơi xuống khiến bức tranh mùa xuân có âm vang tiếng chim và tràn đầy sức sống

(4) Phép ẩn dụ được thể hiện qua từ "thác" và "chiếc thuyền ta":

- Thác: để chỉ những cản trở, khó khăn trong mỗi cuộc hành trình, trên đường đi.

- Chiếc thuyền ta: chỉ con thuyền Cách mạng.

=> Cả câu thơ hàm ý: dẫu con đường Cách mạng có nhiều khó khăn gian khổ nhưng sự nghiệp Cách mạng của dân tộc vẫn luôn vững tiến.

(5) Phép ẩn dụ được thể hiện qua từ "phù du" và "phù sa":

- Phù du: chỉ những sinh vật sống dưới nước, trôi dạt, có cuộc đời ngắn ngủi.

- Phù sa: chất màu mỡ bồi đắp cho ruộng đồng.

=> Cả câu hàm ý nói đến bước tiến giữa xưa và nay. Xưa, sống nhỏ bé, tạm bợ, không có ích. Còn nay, sống mạnh mẽ, vững vàng và cống hiến, chỉ cuộc sống có ích.

Bài 3: Một vài câu văn có sử dụng phép ẩn dụ:

1. Tôi nghe trong tâm hồn hắn có mùi giả dối.

2. Thu trở mình sang đông, gió đã cuốn đi những chiếc lá cuối cùng trên cây.

3. Bạn sinh ra đã là bản gốc, đừng chết đi như một bản sao.

4. Làng Ngũ Xá mùa sưu thuế chìm trong những đêm đen đặc. Tiếng thúc sưu gõ cửa từng nhà.

II. HOÁN DỤ

Bài 1

a.

(1)                                       

- Đầu xanh: tóc còn xanh. Hoán dụ chỉ người còn trẻ.

- Má hồng: gò má người con gái ửng hồng. Hoán dụ chỉ người con gái trẻ đẹp. (chỉ Thúy Kiều)

(2)

- Áo nâu, nông thôn: để chỉ những người nông dân.

+ Những người nông dân mặc áo vải (Hoán dụ lấy bộ phận để chỉ toàn thể)

+ Những người nông dân sống ở nông thôn (Hoán dụ lấy cái chứa đựng để chỉ vật bị chứa đựng).

- Áo xanh, thị thành: để chỉ những người công nhân:

+ Những người công nhân thường mặc áo xanh, làm việc trong các nhà máy (Hoán dụ lấy bộ phận để chỉ toàn thể)

+ Những người công nhân thường sống ở thành thị (Hoán dụ lấy vật chứa đựng để chỉ vật bị chứa đựng).

b. Để hiểu đúng một đối tượng khi nhà thơ thay đổi tên gọi của đối tượng ta cần hiểu đúng và có kiến thức cơ bản nhất về đối tượng ấy. (đặc điểm, bộ phận, tính chất của đối tượng ấy,...)

Bài 2

Câu thơ của Nguyễn Bính:

Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,

Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào.

(Tương tư)

- Hoán dụ: "thôn Đoài - thôn Đông" là hoán dụ lấy vật chứa đựng để chỉ vật bị chứa đựng, lấy tên địa danh để chỉ những người sống ở địa danh đó.

- Ẩn dụ: "cau - giầu không" là ẩn dụ chỉ chàng trai - cô gái yêu nhau. Mối quan hệ giữa họ bền chặt, khăng khít như sự kết hợp, hòa quyện giữa trầu và cau. Hình ảnh ẩn dụ này cũng gợi ra câu chuyện Sự tích trầu cau, nói về sự gắn bó, nghĩa tình của nhân vật trữ tình.

b.

Cùng là bày tỏ nỗi nhớ của nhân vật trữ tình, của đôi lứa yêu nhau nhưng hình ảnh trong thơ Nguyễn Bính (thôn Đoài - thôn Đông; cau - trầu) mới mẻ hơn so với hình ảnh mang tính biểu tượng dường như đã trở thành ước lệ, thậm chí là sáo mòn trong ca dao (thuyền - bến).

=> Cách nói của Nguyễn Bính diễn đạt phù hợp với tâm trạng của người đang yêu và phù hợp với cách nói lấp lửng, bóng gió và tế nhị của đôi lứa trong tình yêu.


Được cập nhật: 7 tháng 4 lúc 0:55:50 | Lượt xem: 424

Các bài học liên quan